Nguyên ngày đó, Tiêu Phong bị cuồng phong thổi giạt, rơi về nằm dưới chân một quả núi, gặp lúc Công chúa Tân Nguyệt đi săn ngang đấy, nàng phát hiện ra ông, bèn cho người xem xét kỹ, thấy ông tuy thân thể bị thương nặng, nhưng vẫn còn thở, nàng đã cho cứu mang về. Sau đó, ngự y được triệu đến chuyên tâm chữa trị, cộng thêm Tiêu Phong thân thể cường tráng, cuối cùng, nửa tháng sau ông tỉnh lại...
Tiêu Phong lặng lẽ hé mắt, thấy mình đang nằm dài trên tấm da hổ trải bên trên một giường lò sưởi, cạnh giường có một nữ tử mặc trang phục bộ tộc. Ông cựa mình một chút, cảm giác một cơn đau kịch liệt trong ngực. Lúc ông cúi nhìn, hấy thân trên để trần, ngực quấn đầy vải băng dính vết máu. Trong đầu đau nhức, ông dần dần nhớ lại sự việc trải qua, rằng mình đã dùng mẩu tên đâm vào ngực tự tận trước ải Nhạn Môn quan. Ông thầm nghĩ: "Mình đã đâm thẳng hai mẩu tên vào chỗ ngực này, sao hãy còn sống được?".
Từ bên ngoài vọng vào tiếng một nữ tử hỏi:
- Người đó đã tỉnh dậy rồi à?
Rồi khi rèm cửa vén lên, một nữ tử diện mạo xinh đẹp trong trang phục bộ tộc bước vào phòng. Nàng thấy Tiêu Phong đang mở mắt, bèn vui vẻ nói:
- Ô, đúng là ông đã tỉnh rồi, ta cứ sợ ông chết luôn thôi!
Tiêu Phong cố nhịn cơn đau kịch liệt trong ngực, hỏi nàng:
- Đây là đâu vậy? Cớ sao ta lại ở đây?
Nữ tử đó trả lời:
- Đây là ở trong nước Mông Cổ ta, nửa tháng trước, ta gặp ông bị thương nằm mê man dưới chân núi và ta đã cứu, đem ông về đây.
- Mông Cổ? - Tiêu Phong chưa từng nghe đến tên nước đó, ông buột miệng hỏi - Nước Đại Liêu ở cách đây bao xa?.
Nữ tử đó cười, đáp:
- Đại Liêu còn đâu nữa mà hỏi! Ông có phải bị té nặng đến long óc chăng? Liêu quốc đã hoàn toàn bị huỷ diệt lâu rồi!.
- Ôi! - Tiêu Phong mặc dù trong đầu nhức như búa bổ, ông vụt ngồi nhỏm dậy, chụp tay nữ tử, hét lên - Cô nói cái gì vậy? Đại Liêu làm sao bị huỷ diệt được?
Lập tức từ bên ngoài, một vài nữ tử tuốt kiếm chạy vào, hét to:
- Không được vô lễ với Công chúa!.
Nữ tử bị Tiêu Phong nắm chặt tay đau đến sa nước mắt, nàng quát bảo ông:
- Buông ta ra mau! Ông điên ròi sao? Liêu quốc đã mất vào tay người Kim hơn một trăm năm nay rồi!
Tiêu Phong nghe thế, ông bất giác buông nàng ra, rồi ông cười, bảo:
- Cô gạt ta, ta chính là người Liêu, cô nói ta bị hôn mê cả nửa tháng nay, vậy làm sao lại bảo Liêu quốc đã bị tận diệt cả trăm năm nay được?.
Nữ tử được gọi là Công chúa chăm chú nhìn Tiêu Phong, nàng bỗng thối lui một bước, giọng thất thanh:
- Người này đích thực đã hoá điên rồi!
Tíếng nhiều nữ tử khác chung quanh liên thanh truyền miệng:
- Mau, mau cho mời ngự y tới, rõ ràng người này đang lên cơn điên!.
Tiêu Phong nhìn vẻ kinh hãi trên mặt nàng, tuyệt không có một chút giả dối, ôg rất đỗi nghi hoặc, khi ông đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, chỉ thấy thảm cỏ xanh xanh, trăm loại hoa nở rộ khắp nơi đẹp như gấm thêu, lòng chợt ông chấn động, bèn hỏi:
- Bây giờ là tháng mấy rồi?.
Nàng Công chúa liếc nhìn ông, chậm rãi đáp:
- Đầu tháng bẩy.
Trong óc Tiêu Phong vụt rộ lên tiếng "ồ", tức khắc ông thấy mê muội, mình rõ ràng đã cùng hào kiệt Trung Nguyên liều chết đột phá vòng vây chạy khỏi vùng đất băng giá, thậm chí, sau đó, vào cái lúc nhặt mẩu tên gãy từ dưới mặt đất để tự tận, ông còn nhớ rành rành tuyết giá đóng đầy tràn mặt đất, cớ sao giờ lại đang giữa mùa hè? Tiêu Phong trong đầu có trăm mối nghi vấn không lời giải, ông buột miệng hỏi:
- Có phải cô nương đã tìm ra ta trước ải Nhạn Môn quan không?.
Cô Công chúa đó lạ lùng, trả lời:
- Nhạn Môn quan ở đâu vậy? Ta đã chỉ từng đọc thấy địa danh ấy trong sách vở, chưa hề lai vãng nơi xa xôi đó. Ta đã tìm thấy ông trong lúc đi săn, tại ngay chân núi Nguyệt Nha sơn của nước ta.
Tiêu Phong nghe thấy thế, ngạc nhiên quá sức, ông tự nhủ: "Thời gian, địa điểm đều không khớp, thế giới này toàn bộ đều đã thay đổi cả hay sao?"
Đang lúc ông còn nghi hoặc, hai thày thuốc tiến đến, cùng đưa tay chẩn mạch Tiêu Phong, xong rồi, họ quay qua Công chúa, chắp tay thi lễ, thưa:
- Bẩm Công chúa, người này kinh mạch bình ổn, không có triệu chứng gì là loạn thần, chẳng có bệnh chứng cuồng điên.
Công chúa hỏi:
- Vậy tại sao y nói năng lung tung quá vậy? Y xưng là người Liêu, mà chẳng hề biết Liêu quốc đã bị tiêu diệt từ hơn trăm năm qua?
Hai thầy thuốc trợn tròn mắt nhìn Tiêu Phong!
Ông nhíu mày, ngó hai vị đại phu, hỏi:
- Xin hai vị nói thật cho, phải chăng Liêu quốc đích thực đã bị diệt vong? Và đã hơn trăm năm rồi?.
Hai thầy thuốc cùng gật đầu, cùng nói:
- Không sai.
Một người bảo:
- Tráng sĩ nếu không tin, có sử sách làm bằng.
Vị kia nói tiếp:
- Dòng dõi hoàng tộc của nước Liêu hãy còn sót lại một người, nếu tôn giá không tin, có thể gặp họ để hỏi thêm.
Công chúa liền nói:
- Hoa viên có người làm vườn họ Tiêu, chẳng phải lão ấy gốc Khiết Đan hay sao? Gọi lão đến đây, để lão chính miệng nói ra cho ông đây rõ, nếu không, ông cứ điên khùng bảo ta lừa gạt ông.
Sau một lúc, một ông già gù lưng bước vào phòng, cô Công chúa nhìn Tiêu Phong bảo:
- Đây là người Khiết Đan, ông hãy đích thân hỏi chuyện lão ấy đi.
Tiêu Phong nhìn ông lão làm vườn đó, dùng tiếng Khiết Đan hỏi:
- Lão bá có bằng chứng gì xác nhận là người Khất Đan?.
Người làm vườn kêu "ồ" một tiếng, rồi đưa tay vạch áo nơi ngực ra, cho ông thấy xâm hình một đầu sói hung tợn.
Tiêu Phong gật đầu nói:
- Quả thực lão bá người Khất Đan!. Mà nghe nói lão bá mang họ Tiêu?
Người làm vườn gật đầu.
Tiêu Phong dịu giọng hỏi:
- Mấy người này đều bảo là nước Đại Liêu đã bị tuyệt diệt, điều đó đúng không?.
Ông lão lớn tiếng:
- Ông xưng là người Khất Đan, sao đặt câu hỏi tựa hồ ông không biết gì hết vậy? Liêu quốc đối với người Khất Đan vĩnh viễn là niềm kiêu hãnh, người Khất Đan ta không bao giờ quên lịch sử huy hoàng của đất nước, lão đây chẳng nguôi nỗi hờn mất nước!.
Tiêu Phong nghe nói, như bị sét đánh, người ông đờ ra, hốt nhiên ông ngẩng đầu, thét lên, rồi hoà theo một tràng cười dài đau khổ, nước mắt ông tuôn trào. Mọi người bị tiếng thét to lớn chấn động, may Tiêu Phong đang trọng thương, nội lực suy giảm còn chừng hai thành, uy lực tiếng thét giảm nhiều, ai nấy đều không tự chủ được, đều bị thấm thía nỗi bi luỵ ấy vào tâm hồn, trong lòng họ bỗng buồn bã theo ông.
Tiếng cười vụt tắt, Tiêu Phong "oẹ" một tiếng, rồi thổ huyết.
Hai vị đại phu vội bước đến nâng đỡ, bắt mạch cho ông, khuyên ông:
- Tráng sĩ buồn giận quá mức, đã làm nặng thêm vết thương cũ chưa lành, gây ra thổ huyết, từ giờ phải lấy thân mình làm trọng, gắng đừng để bị xúc động quá độ. Chúng ta tạm thảo một đơn thuốc, trước hết làm giảm đau, ngày mốt sẽ trở lại chẩn bệnh tiếp.
Tiêu Phong ngơ ngẩn nhìn ra ngoài song cửa, ông không trả lời hai vị thầy thuốc, bỗng tầm mắt bị che khuất, ông nghiêng đầu, thấy đó là người làm vườn đang rảo bước đến gần. Ông lão gù chăm chú nhìn vào mắt Tiêu Phong, rồi trầm giọng nói:
- Nghe nói ông là đại anh hùng, người Khất Đan chúng ta sống xa xứ bị thường chúng khinh khi, nếu ông đích thực đại anh hùng, mong ông bình tâm giữ sức khoẻ cho tốt, để còn lấy lại danh dự cho giống nòi!.
Tiêu Phong nhìn hình sói xâm trên ngực lão, dường như bao khí huyết bốc hết cả lên đầu, ông gượng nhếch mép, cố lấy hết sức lực gật đầu. Người làm vườn họ Tiêu đưa tay vỗ vỗ nhẹ vào ông, rồi quay người chầm chậm bước đi.
Tiêu Phong chợt gọi:
- Lão bá, Đại Liêu bị diệt vong vậy đã được bao nhiêu năm rồi?.
Người họ Tiêu ngẩng đầu lên, thở dài đáp rằng:
- Hơn một trăm năm nay rồi.
Tiêu Phong biết ông lão không lừa gạt mình, trong lòng ông mang nhiều nghi vấn, có nhiều sự kiện dẫu nói ra cũng chẳng ai tin, đến ngay cả mình cũng không dám cho là đúng, ông chầm chậm nhắm mắt, nhủ thầm mình đành đem chúng chôn sâu trong lòng.
Mấy ngày sau đó, thị nữ thường xuyên phục dịch thuốc thang, thương tích Tiêu Phong mỗi lúc mỗi khá hơn, nhưng chưa thể ra khỏi giường, ông chỉ tạm gắng vận khí tự liệu thương.
Ngày nọ, Công chúa đến thăm, nhìn Tiêu Phong, nói:
- Thương thế ông xem ra lành mau nhỉ. Ồ, giờ ông đã chịu tin lời ta chưa, không còn bảo ta gạt ông nữa chứ?
Tiêu Phong chắp tay, nói:
- Đa tạ ơn cứu mạng của cô nương, ngày trước ta đắc tội, mong cô nương tha thứ.
Thị nữ đứng bên nói:
- Đừng có mà cô nương này, cô nương nọ nữa! Đây là Công chúa Tân Nguyệt của Mông Cổ!
Tiêu Phong cười mỉm, thưa:
- Ôi ... đã quá thất lễ!
Công chúa Tân Nguyệt hỏi:
- Tên ông là chi?.
Ông trả lời:
- Ta tên Tiêu Phong.
Tân Nguyệt cười, nói:
- Ông họ Tiêu, đúng là Khất Đan. Ông có võ công? Hôm trước, ta nghe ông thét to một tiếng, nội lực xem ra bình bình!
Tiêu Phong đáp:
- Chỉ là một chút công phu sơ sài!.
Công chúa vui vẻ nói:
- Tốt lắm ... ta chờ ông mau lành bệnh để giúp ta luyện võ. Bọn hầu cận của ta chẳng thực lòng quá chiêu với ta, ta mới chỉ vừa động vào người họ một đầu ngón tay là họ đã ngã lăn quay ra, thật chán!
Tiêu Phong hỏi:
- Cô làm Công chúa mà lại đi luyện võ ư?.
Tân Nguyệt nhướng đôi mày liễu, nói:
- Công chúa bộ chẳng được phép học võ sao? Sư phụ của ta là đệ nhất cao thủ Mông Cổ đấy!
“Ừ” - Tiêu Phong hờ hững đáp một tiếng. Tân Nguyệt nhìn ông, ngạc nhiên hỏi:
- Chẳng lẽ cả đệ nhất cao thủ của Mông Cổ chúng ta là ai, ông cũng không biết à?
Tiêu Phong chậm rãi đáp:
- Đúng là ta không biết.
Tân Nguyệt bèn cười cười nói:
- Ông đúng là hiểu biết nông cạn, ông hãy thử đi hỏi khắp mà xem, dưới vòm trời này còn ai không biết Mông Cổ đệ nhất cao thủ là nhân vật nào? Cả ở nơi cực nam của Nam triều bên kia người ta còn biết nữa là, rốt cuộc ông từ ở đâu chui ra vậy? Đầu óc khù khờ, cái gì cũng chẳng biết!
Ánh mắt Tiêu Phong sáng rực lên như điện, quét qua mặt Tân Nguyệt một lượt:
- Công chúa nói rất phải, ta chẳng biết gì cả.
Tân Nguyệt bị ánh mắt ông chạm vào, không hiểu sao gương mặt bỗng đỏ bừng, nàng vội vàng quay nhìn ra ngoài cưả sổ, trong lòng cảm thấy kỳ lạ:
- Sao mình lại đỏ mặt nhỉ ? Ánh mắt của y có ma lực hay sao vậy?
Chính bản thân nàng cũng không sao hiểu nổi tâm sự chính mình.
Lại qua một tháng nữa, Tiêu Phong thương thế đã hoàn toàn bình phục. Suốt trong thời gian đó, Tân Nguyệt lui tới thăm ông ngày càng nhiều, nàng thấy toát ra từ Tiêu Phong một cái gì đó khó xác định, một thứ gì nó hấp dẫn nàng, ngay cả khi ông hoặc chỉ ngồi yên bình lặng, hoặc nhẹ nhàng trò chuyện, nàng vẫn cảm được từ ông một khí độ bất phàm.
Ngày hôm nay, Tân Nguyệt mời Tiêu Phong cưỡi ngựa cùng nàng đến thăm vùng núi Nguyệt Nha sơn, để ông tận mắt nhìn cái nơi chốn ông đã bị thương nằm hôn mê. Hai người ra khỏi thành, trước mắt là thảm cỏ xanh mơn mởn, xa xa điểm xuyết những căn lều gỗ rải rác đó đây, làn gió nhè nhẹ mơn man trên mặt, không khí thoảng mùi cỏ non thanh tân ... Tiêu Phong phóng hết tầm mắt nhìn đồng cỏ, nỗi buồn nước mất nhà tan chợt trào dâng mãnh liệt, ông hít một hơi chân khí, tay giật mạnh cương, miệng hô một tiếng lớn, ông giục ngựa phi nước đại.
Tân Nguyệt vội gọi:
- Chờ ta với!
Nàng cố sức đuổi, chỉ thấy Tiêu Phong người và ngựa phóng nhanh trên đồng cỏ.
Tân Nguyệt chạy theo, thấy hình ảnh Tiêu Phong dần dà trở thành một chấm đen nhỏ nơi xa. Tân Nguyệt vừa giận vừa bực, biết chẳng thể bắt kịp ông, nàng bèn dừng ngựa lại, xuống ngồi trên cỏ, chắc mẩm Tiêu Phong không thấy mình theo, thể nào cũng sẽ quay ngựa trở lại tìm mình.
Tiêu Phong chạy một mạch trên đường, trước mặt bỗng hiện ra một quả núi chắn ngang nơi xa, ông kìm cương, dừng ngựa, định sẽ chờ Tân Nguyệt tại đấy. Ngẩng đầu nhìn thế núi, Tiêu Phong chỉ thấy nó có hình dạng cong cong rất giống mảnh trăng khuyết, nghĩ bụng núi ấy chắc hẳn Nguyệt Nha sơn, ông bèn rời mình ngựa, đến ngồi lên tảng đá dưới chân núi, đợi Tân Nguyệt để cùng nàng lên núi.
Dưới chân núi cỏ mọc rậm rạp, hoa dại nho nhỏ mầu hồng nhạt nở khắp, nhẹ vờn theo gió, cành hoa ngả nghiêng chập chờn, Tiêu Phong mường tượng thấy bóng dáng A Châu trong xiêm váy hồng đang lướt thướt đâu đây, tà áo của nàng tung bay trong gió, mầu áo hồng nhàn nhạt tựa mầu hoa rừng, gợi ông nhớ đến lời ước hẹn cùng nàng ra miền quan tái chăn bò, thả dê, ông chẳng ngăn được giòng lệ nóng tuôn trào!
.
Quá một tuần trà, mãi không thấy Tân Nguyệt đến, Tiêu Phong trong lòng không yên, vội leo lên ngựa, theo đường cũ trở về. Đi được nửa chừng, ông phát hiện có dấu máu trên đường. Ông xuống ngựa xem xét, thấy bốn bề quanh đấy có dấu vết đánh nhau. Tiêu Phong liệu rằng tại nơi đây, nhiều khả năng Tân Nguyệt đã bị người ta tập kích, ông bèn cẩn thận quan sát dấu chân ngựa còn sót lại, thấy ngoài trừ dấu vết xuất phát từ phía cổng thành nơi hướng nam, còn lại tất cả đều đi về phía tây, ông nhanh chóng lên ngựa, lần theo dấu vết, trực chỉ hướng tây.
--- Xem tiếp hồi ----