Lại nói, đoàn chiến thuyền đến hơn ba trăm chiếc dàn ra trải dài đến trên mười dặm, rầm rộ tiến thẳng về phương Bắc. Thủy thủ trên thuyền đều cung kiếm sẵn sàng như sắp lâm trận. Những chiếc Khoái chu đi khá xa đội hình làm nhiệm vụ tuần thám liên lạc.
Từ Soái thuyền, một hồi tù và rúc lên lanh lảnh.
Ngay sau đó, tiếng tù và từ những chiếc Đại chu nổi lên đáp lại. Ở tất cả chiến thuyền, bóng người lập tức biến mất, chỉ còn thấy cung tiễn chĩa ra tua tủa, nhiều mũi tên còn gắn theo hỏa dược dùng để đốt thuyền địch.
Ba hồi trống lớn lại nổi lên ầm ầm như sấm động, át cả tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền. Liền đó, khắp nơi đều nghe dậy lên tiếng reo hò cùng tiếng trống trận nổi ầm ầm như đang diễn ra một trường thủy chiến.
Các chiến thuyền chạy ngang rẽ dọc, tản ra ra rồi vây lại, bày thành trận thế hoàn chỉnh. Thuyền lớn thuyền nhỏ xen kẽ hỗ trợ cho nhau.
Sau một lúc, tiếng chiêng lại khua dập dồn. Cung tiễn được thu về, thủy thủ xuất hiện trên sàn thuyền. Các hoạt động trở lại như lúc bình thường.
Tất cả các hành động đều diễn ra hết sức nhịp nhàng chứng tỏ thủy thủ của các hạm đội đã được huấn luyện chu đáo thường xuyên.
Gió biển nhẹ thổi mơn man. Thuyền băng băng rẽ sóng tung bọt nước trắng xóa.
Bạch Thiếu Huy đứng trên đài chỉ huy của Soái thuyền quan sát cuộc tập trận. Đứng sát bên chàng là Tuấn Nhi. Trước khung cảnh trang trọng uy nghiêm, cậu bé không dám lên tiếng, chỉ lặng lẽ đứng nép bên chàng nhìn mọi sự với vẻ thích thú. Sau lưng là Lữ Gia và bọn Hoa Nhi. Chàng ngắm nhìn quang cảnh xung quanh với vẻ hài lòng.
Ngắm nhìn đoàn chiến thuyền thêm một lúc nữa, chàng quay sang Lữ Gia khen ngợi :
- Các hạm đội của khanh đều thiện chiến, hành động nhịp nhàng, hiệu lệnh nghiêm minh. Khả năng chiến đấu như thế là tốt lắm.
Lữ Gia cúi đầu tạ ân, sắc mặt hớn hở có vẻ đắc ý. Sau một lúc, Bạch Thiếu Huy lại hỏi :
- Nếu thuyền địch cũng sử dụng hỏa công thì sao ? Trên thuyền có đủ phương tiện cứu hỏa chứ ?
Lữ Gia cung kính tâu :
- Khải tấu điện hạ. Gần đây xưởng hỏa khí của Gia Cát Tài Thần đã dựa theo bí quyết độn thuật của người Đông Doanh mà chế ra một loại hỏa mù có tác dụng chữa cháy rất tốt. Khi đốt lên, khói mù bốc lên rất mạnh, lan ra đến đâu thì lửa ở đó không thể cháy được nữa. Tất cả các chiến thuyền đều được trang bị loại hỏa mù này.
Bạch Thiếu Huy cau mày hỏi :
- Thứ hỏa mù đó có hại cho người không ?
Lữ Gia tâu :
- Khải tấu điện hạ. Hỏa mù có hai loại. Một loại hơi loãng chỉ dùng để chữa cháy. Thứ này gần giống loại khói mù mà bọn thích khách thường sử dụng khi muốn đào tẩu, không gây hại. Còn loại kia thì có thể khiến người ngạt thở dẫn đến ngất xỉu, nhưng nếu không tiếp xúc lâu với nó thì cũng không nguy hiểm đến tính mạng. Nó cũng là một thứ vũ khí dùng để bắt sống kẻ địch rất hiệu quả. May mắn là gần đây Miêu Cương có cung cấp một loại dược liệu, nếu đem tẩm vào khăn, khi lâm trận, chỉ cần thấm ướt khăn rồi đắp lên mặt là có thể cầm cự được với loại hỏa mù này. Nếu không thì thần cũng không dám mạo hiểm sử dụng nó.
Bạch Thiếu Huy lại hỏi :
- Dự trữ lương thực, nước uống trên mỗi thuyền có thể dùng được trong bao lâu ?
Lữ Gia nói :
- Khải tấu điện hạ. Dự trữ lương thực có thể sử dụng được một năm. Nhưng nước uống chỉ đủ dùng trong bốn tháng.
Bạch Thiếu Huy gật đầu nói :
- Vậy là chiến thuyền có thể hoạt động liên tục trong bốn tháng mà không cần tiếp tế. Như thế cũng tốt lắm rồi.
Lữ Gia nói :
- Khải tấu điện hạ. Trữ nước bốn tháng là để đề phòng vậy thôi, chứ trước giờ các hạm đội chưa khi nào hoạt động liên tục quá ba tháng.
Ngẫm nghĩ giây lát, chàng mới nói :
- Khanh hãy thử tìm những vật chứa nước nhẹ hơn thử xem có tăng được lượng nước dự trữ hay không.
Lữ Gia cung kính vâng dạ, hứa sẽ cho tiến hành ngay. Đoạn lại nói thêm :
- Thật ra thần nghĩ vấn đề ấy cũng không nghiêm trọng cho lắm. Trên hải trình có nhiều hòn đảo có nước ngọt. Việc tiếp nước cũng dễ dàng.
Bạch Thiếu Huy nói :
- Đúng là như thế. Nhưng khi hoạt động trên những vùng biển xa thì chuẩn bị chu đáo vẫn tốt hơn.
Lữ Gia vâng dạ, nói tiếp :
- Gần đây xưởng đóng thuyền có một sáng kiến rất hay. Khoang dưới của chiến thuyền được chia thành nhiều ngăn nhỏ cách biệt nhau. Nếu như vì lý do gì đó mà có một vài ngăn bị thủng thì thuyền cũng không đến nỗi bị đắm.
Bạch Thiếu Huy gật đầu khen ngợi. Đó quả là một sáng kiến giá trị. Tuấn Nhi chợt hỏi :
- Sao không dùng toàn thuyền lớn để đi biển cho tiện mà lại sử dụng cả thuyền lớn thuyền nhỏ thế kia.
Lữ Gia đáp :
- Thiếu quân. Thuyền lớn tuy vững vàng nhưng có nhược điểm là di chuyển chậm và khó xoay trở khi lâm trận. Thuyền nhỏ thì linh hoạt và cơ động hơn. Còn như khi giông bão, chỉ cần thuyền nhỏ kết chặt vào thuyền lớn thì cũng chẳng sao cả. Thuyền lớn là mẫu hạm, ngoài việc chuyên chở lương thực nước uống và các trang bị khác thì chủ yếu dùng để tấn công trực diện thuyền địch. Còn thuyền nhỏ dùng để ám tập, bao vây, truy kích.
Tuấn Nhi lại hỏi :
- Trên thuyền sao không thấy trang bị đại pháo ?
Lữ Gia nói :
- Đại pháo thông thường quá nặng nề mà hiệu quả không cao, kém hơn cả hỏa tiễn. Gần đây xưởng hỏa khí có chế được một loại thần pháo hỏa lực rất mạnh, nhưng chỉ mới đúc được vài khẩu, hiện đang được cho bắn thử ở công xưởng. Sau chuyến đi này trở về, thần pháo sẽ đúc xong và sẽ được trang bị cho các hạm đội. Tuy nhiên, giá của mỗi khẩu thần pháo này có hơi cao nên chỉ một số hạm đội mang trọng trách mới được trang bị.
Tuấn Nhi gật đầu tỏ ý đã hiểu. Chợt một cơn gió lạnh thổi qua. Cậu bé thoáng rùng mình. Bạch Thiếu Huy nắm tay cậu bé, hỏi :
- Hài tử lạnh phải không ?
Tuấn Nhi đáp khẽ :
- Hơi hơi thôi ạ.
Hoa Nhi nói :
- Điện hạ. Giờ cũng đã muộn rồi. Kính thỉnh điện hạ hồi giá nghỉ ngơi.
Bạch Thiếu Huy khẽ gật đầu, dắt Tuấn Nhi cùng bọn Hoa Nhi trở về Vạn Tú Lâu Thuyền. Đã đến giờ ăn, bữa ăn được nhanh chóng dọn lên. Chàng bảo Lữ Gia và bọn Hoa Nhi cùng chàng và Tuấn Nhi dùng bữa.
Sau khi ăn xong, Lữ Gia cung kính cáo lui để chàng nghỉ ngơi. Khi y đi rồi, chàng bảo Hoa Nhi vào thư phòng lấy cho chàng một quyển binh thư. Chàng định nhân dịp này giảng binh pháp cho Tuấn Nhi.
Thuyền tiếp tục rẽ sóng tiến nhanh.
Mấy hôm sau đó, chàng đều dành khoảng thời gian rảnh rỗi để dạy Tuấn Nhi học binh pháp hay thi thư lễ nhạc. Cậu bé chăm học, lại có năng khiếu nên khi chàng dạy qua một lần là cậu bé nhớ được ngay. Chàng rất hài lòng và càng thương yêu cậu bé. Cũng như tiên vương khi xưa, chàng xem việc chăm sóc dạy dỗ cậu bé là một niềm vui. Tình cảm giữa chàng và cậu bé cũng càng thêm thân thiết.
Một hôm, chàng đang cùng Lữ Gia bàn công việc thì chợt cảm thấy trong lòng máy động. Nghĩ ngợi giây lát, chàng cau mày nói :
- Phía trước dường như đã xảy ra chuyện chi đó. Khanh hãy đi xem thử.
Lữ Gia vâng dạ rời thuyền đi xem xét. Tuấn Nhi lúc đó đang ngồi cạnh chàng, ngạc nhiên hỏi :
- Sao điện hạ biết có chuyện thế ạ ?
Bạch Thiếu Huy mỉm cười nói :
- Sau này khi học đến thuật kỳ môn hài tử sẽ hiểu.
Cậu bé liền nắm tay chàng nói :
- Điện hạ. Hài nhi muốn học thuật kỳ môn. Điện hạ dạy hài nhi nhé.
Bạch Thiếu Huy khẽ cười nói :
- Quả nhân sẽ dạy, nhưng giờ thì chưa được. Thuật kỳ môn rất khó học. Phải chờ đến khi hài tử có căn bản vững chắc thì mới học được.
Tuấn Nhi nói :
- Điện hạ. Hài nhi sẽ cố học thật nhanh, cố học thật giỏi, để khỏi phụ lòng thương yêu của điện hạ.
Bạch Thiếu Huy xoa má cậu bé, cười nói :
- Hài tử ngoan lắm.
Cậu bé cười khúc khích nói :
- Điện hạ thương yêu hài nhi. Hài nhi phải ngoan chứ ạ.
Bạch Thiếu Huy bật cười, ôm cậu bé vào lòng. Chàng cùng cậu bé thủ thỉ chuyện trò. Thỉnh thoảng, cậu bé lại cười khúc khích rất vui vẻ. Hoa Nhi nói đùa :
- Điện hạ ưu ái thiếu quân như thế, thật khiến người ta ganh tỵ đấy nhé.
Tuấn Nhi nói :
- Tỷ tỷ đã lớn rồi, chẳng lẽ lại ganh tỵ với Tuấn Nhi hay sao ?
Mọi người đều bật cười. Một hồi lâu sau, Lữ Gia đã tra xét xong tình hình, quay lại tâu :
- Khải tấu điện hạ. Các đội thuyền tuần thám phát hiện gần đây có người bị nạn. Hiện thần đã phái hạm đội Kim Ngư đi chỉ huy việc cứu người.
Bạch Thiếu Huy gật đầu nói :
- Người bị nạn đều cần cứu giúp.
Đoàn thuyền tạm thời dừng lại. Nhiều thuyền nhỏ nhận lệnh tản ra tìm kiếm người bị nạn. Trên một vùng biển rộng chi chít thuyền lớn thuyền nhỏ nên việc cứu người bị nạn có rất nhiều hy vọng.
Nửa canh giờ sau …
Một viên thống lĩnh đến xin kiến giá. Bạch Thiếu Huy cho triệu vào. Y kính cẩn triều bái tung hô :
- Thần, Bạch Giao Bang tọa hạ, lĩnh Hoàng lộ Kim Ngư hạm đội thống lĩnh Trương Tam Bách, xin tham kiến điện hạ, cầu ngọc thể vạn an.
Bạch Thiếu Huy hỏi :
- Việc thế nào rồi ?
Họ Trương cung kính tâu :
- Khải tấu điện hạ. Theo điều tra thì số người bị nạn gồm có hai mươi sáu người đều là người Đông Doanh, hiện tất cả đều đã được cứu.
Bạch Thiếu Huy hỏi :
- Cứu được tất cả à ?
Họ Trương tâu :
- Khải tấu điện hạ. Bọn họ chỉ mới gặp nạn, trôi dạt chưa xa nên chúng thần đã cứu được hết. Trong số đó có tám tăng nhân. Thỉnh điện hạ ban thánh ý.
Bạch Thiếu Huy nói :
- Cho triệu các tăng nhân đến đây. Quả nhân muốn hỏi mấy việc.
Họ Trương tuân chỉ lui ra. Lát sau, một đoàn tăng nhân được đưa đến. Bọn họ vận tăng y theo lối Đông Doanh, gồm cả lão tăng tuổi quá lục tuần đến tiểu tăng chưa đến đôi mươi. Bạch Thiếu Huy ban lời phủ dụ rồi cho tất cả ngồi. Lão tăng cao tuổi nhất đại diện nói :
- Bọn bần tăng gặp cơn đại nạn, được điện hạ gia ân cứu giúp, thật vô vàn cảm kích thánh ân.
Lão là người Đông Doanh nhưng nói tiếng Hán rất lưu loát văn vẻ. Bạch Thiếu Huy hỏi :
- Chư khanh đều là đệ tử Phật môn, chẳng ngại xa xôi vượt biển sang Trung Nguyên có việc chi thế ?
Lão tăng đáp :
- Bần tăng là Đại Giới, cùng các sư đệ, đệ tử lần này sang Trung Nguyên là để nghiên cứu thiền học. Không ngờ chưa đến nơi đã gặp nạn.
Bạch Thiếu Huy hỏi :
- Mấy hôm nay vùng này đâu có bão. Chư khanh vì sao gặp nạn ?
Lão tăng rầu rĩ nói :
- Bọn bần tăng giữa đường gặp phải bọn hải tặc. Chúng tấn công thuyền của bọn bần tăng, cướp bóc xong lại còn đánh đắm thuyền. Bọn bần tăng bất hạnh ngộ nạn, may gặp được điện hạ mới có thể tồn sinh.
Bạch Thiếu Huy hỏi Lữ Gia :
- Khanh có biết chúng là bọn nào không ?
Lữ Gia vội nói :
- Điện hạ. Việc này rất đáng ngờ. Bấy lâu nay vùng này do Hoàng lộ kiểm soát, không hề có hải tặc. Vả chăng việc bọn chúng cướp bóc xong lại còn đánh đắm thuyền là việc bất thường. Bọn hải tặc thật sự đâu lại làm thế.
Bạch Thiếu Huy khẽ gật đầu. Lữ Gia lại nói :
- Thần đã phái mười chiếc Khoái chu đi điều tra. Việc cũng mới xảy ra, chắc không lâu nữa sẽ có kết quả.
Bạch Thiếu Huy nói :
- Khanh hãy truyền cho các hạm đội chuẩn bị sẵn sàng tiễu trừ hải khấu.
Thấy chàng không trách phạt, họ Lữ cả mừng, phụng chỉ đi truyền lệnh. Bạch Thiếu Huy lại hỏi các tăng nhân :
- Chư khanh ở Đông Doanh nhưng thuộc vùng nào ?
Lão tăng đáp :
- Bọn bần tăng tu tại Vĩnh Bình Tự () ở Việt Tiền () Phiên, theo Tào Động thiền phái của Đạo Nguyên Tổ Sư. Vĩnh Bình Tự là ngôi chùa do chính Tổ Sư dựng nên.
Bạch Thiếu Huy lại hỏi :
- Khi đến Trung Nguyên, chư khanh định sẽ đến nơi nào nghiên cứu thiền học.
Lão tăng thở dài đáp :
- Bần tăng nghe nói Ngũ Đài Sơn là một nơi phật pháp rất hưng thịnh, có nhiều tông phái thiền tông nên định tìm đến đó. Nhưng nay mọi vật dụng đã mất hết rồi. Thuyền cũng không còn. Biết làm sao …
Bạch Thiếu Huy nghĩ ngợi giây lát, đoạn thảo một bức thư, niêm phong lại xong, trao cho lão tăng, nói :
- Khanh mang phong thư này đến Đại Ba Sơn, có gì khó khăn sẽ được giúp đỡ. Đại Lôi Âm Tự cũng chuyên về thiền học. Nếu thấy được thì chư khanh có thể ở lại đó. Nơi đó vẫn còn bách tuế cao tăng, thiền học uyên thâm.
Lão tăng cả mừng, chắp tay cảm tạ. Chàng hỏi bọn họ vài điều về phương thổ, phong tục của Đông Doanh, rồi truyền đưa tất cả đi nghỉ ngơi.
Bọn họ đi khỏi rồi, Tuấn Nhi hỏi :
- Điện hạ. Đại Lôi Âm Tự là chỗ của Liễu Ngộ thần tăng, Trí Hải đại sư phải không ạ ?
Bạch Thiếu Huy gật đầu.
Lại nói, Lữ Gia phụng chỉ chuẩn bị tiễu trừ hải khấu. Y phái thuyền đi tuần thám, đồng thời xuống lệnh cho các hạm đội sẵn sàng.
Đội thuyền tuần thám hành sự rất đắc lực, chẳng bao lâu sau đã có tin tức hồi báo. Y liền truyền lệnh các hạm đội kéo hết buồm tiến thẳng đến đấy, rồi đi sang lâu thuyền tâu lên Bạch Thiếu Huy.
Bạch Thiếu Huy thân sang Soái thuyền, lên đài chỉ huy quan sát tình hình. Lữ Gia và Tứ đại Thị Nữ theo hầu phía sau. Tuấn Nhi vẫn kề cận bên chàng.
Buồm lớn được giương hết cỡ. Đoàn chiến thuyền tiến nhanh về phía trước.
Đi được chừng hơn hai mươi dặm, mọi người nhìn thấy chín chiếc khoái chu đang giao chiến với ba chiếc đại thuyền. Cuộc chiến rất khốc liệt.
Thuyền địch lớn hơn rất nhiều nhưng những chiếc khoái chu lại được trang bị tốt hơn hẳn, thủy thủ lại thiện chiến hơn. Tuy không thể giành thắng lợi, nhưng mục tiêu cầm chân đối phương đã hoàn thành.
Song phương đang giao chiến kịch liệt, thấy đoàn chiến thuyền đông đảo xuất hiện liền lập tức đình chiến.
Chín chiếc khoái chu quay về đội hình. Còn đối phương trông thấy khí thế đoàn chiến thuyền thì có vẻ kinh sợ, hốt hoảng quay thuyền định tháo chạy.
Nhưng, từ bên Soái thuyền hiệu tù và đã rúc lên.
Sáu hạm đội tách ra khỏi đội hình, tiến tới bao vây ba chiếc thuyền địch. Những chiến thuyền còn lại nhanh chóng dàn ra phòng vệ nghiêm mật.
Từ những chiếc Đại chu, hiệu tù và lại nổi lên báo hiệu cuộc chiến bắt đầu. Trống trận nổi ầm ầm. Tên bay vun vút về phía thuyền địch, đuôi tên có mang theo hỏa pháo, vẽ nên những đường lửa dài rực rỡ.
Chín mươi chiến thuyền vây đánh ba thuyền địch đương nhiên giành thắng lợi rất dễ dàng.
Chỉ sau chưa đầy một khắc, thuyền địch bắt lửa bốc cháy sáng rực một góc trời, xem chừng sắp đắm đến nơi. Một bên thì tiếng hò reo vang dội, còn bên kia cũng vang dội những tiếng la khóc kêu gào thảm thiết.
Bạch Thiếu Huy khẽ cau mày, hỏi :
- Có biết lai lịch bọn chúng hay không ?
Lữ Gia cung kính tâu :
- Khải tấu điện hạ. Bọn chúng tuy che giấu hiệu kỳ và hình vẽ trước mũi thuyền, nhưng chư huynh đệ đã nhận ra đây là những chiến thuyền dưới trướng Thủy sư đề đốc thành Trực Cô. Gã Thạch Kỳ tuy là kẻ gian tham xảo quyệt, nhưng trước giờ vẫn biết phận mình. Chẳng hiểu sao lần này gã lại cho thuyền ra đây cướp bóc.
Nhìn ba chiếc thuyền lớn đang bốc cháy hừng hực, sắp đắm đến nơi, trên thuyền cực kỳ hỗn loạn, tiếng kêu la vang rền thảm thiết, Tuấn Nhi chợt thấy nao lòng. Cậu bé nắm tay Bạch Thiếu Huy thỏ thẻ :
- Điện hạ. Cứu bọn họ đi.
Lữ Gia nói :
- Thiếu quân. Bọn chúng là quân binh mà lại đi làm hải khấu, chết là đáng tội. Cứu bọn chúng làm gì.
Tuấn Nhi nói :
- Tội là do ở gã họ Thạch kia. Còn quân binh chỉ tuân lệnh hành sự, kể cũng chưa đáng chết.
Bạch Thiếu Huy mỉm cười, bảo Lữ Gia :
- Thôi. Hãy cứu bọn họ đi. Rồi cho thuyền chở bọn họ vào bờ. Có thể nhờ miệng bọn này mà uy thế của khanh càng thêm hiển hách.
Lữ Gia tuân chỉ, quay sang nói với viên thị thần mấy câu. Viên thị thần vâng mệnh đi xuống đài.
Lát sau, từ Soái thuyền nổi lên ba hồi chiêng vang dội, tiếp đó là chín hồi tù và. Các chiến thuyền lập tức ngừng tấn công. Liền đó, một giọng sang sảng vang lên át hẳn tiếng sóng biển vỗ ì ầm cùng tiếng kêu gào thảm thiết :
- Phụng thừa thánh ý, kế vận thiên uy. Đông Hải Bá chủ văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh, truyền chỉ : các hạm đội Kim Ngư, Ngân Ngư, Hắc Ngư chia nhau nhau cứu những kẻ chưa đáng chết trên thuyền địch.
Hiệu tù và nổi lên, mười hai chiếc Đại chu cùng ba chiếc khoái chu và ba mươi chiến thuyền cỡ nhỏ trực thuộc hướng đến sát ba chiếc quan thuyền. Nhưng để đề phòng kẻ địch cướp thuyền, chỉ có những chiến thuyền cỡ nhỏ áp mạn cứu người. Đại chu sẵn sàng cung tiễn khống chế toàn cục.
Không chút chậm trễ, những người bên kia lập tức phóng sang. Cũng có những kẻ không đủ sức nhảy qua liền tập trung trên mạn thuyền. Khi thuyền áp mạn thì họ được các thủy thủ sang dìu đỡ đưa qua.
Đoàn thuyền tiếp tục tiến lên phía Bắc.
Sau khi sắp xếp kế hoạch ổn thỏa, ba hạm đội Kim Ngư, Ngân Ngư, Hắc Ngư rời đội hình hướng về phía bờ biển Sơn Đông. Tuy nơi đây là vùng phía ngoài hải phận Hà Bắc, nhưng để tránh những sự phiền phức không đáng có, Lữ Gia đã quyết định các hạm đội sẽ ghé vào Sơn Đông thả người. Số người Đông Doanh thọ nạn cũng được cho đi theo ba hạm đội mà về đất liền.
Ngoài ra, hạm đội đi sau cùng được lệnh ở lại giải quyết tàn cục, tức thu dọn những gì còn có thể sử dụng được trên ba chiếc quan thuyền sắp đắm.
Cuộc hải trình thuận buồm xuôi gió, tiến dần vào hải phận Liêu Đông.
Trước khí thế của đoàn chiến thuyền, những hải thuyền khác khi gặp phải đều nhanh chóng tránh xa. Chẳng mấy chốc, tin tức về đoàn chiến thuyền ba trăm chiếc dàn ra trải dài hơn mười dặm, từ phương nam rầm rộ bắc tiến đã truyền về lục địa, làm chấn động toàn cõi Trung Nguyên. Cuộc diễu võ giương oai của Lữ Gia lần này đã đạt kết quả mỹ mãn.
Cũng kể từ lúc này, oai danh Đông Hải Bá chủ lừng lẫy khắp thiên hạ, trở thành một đại nhân vật huyền thoại được xưng tụng như thần thánh.