Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Sáng sớm mồng năm tháng ba, Dương Yên dẫn Tang Cẩm Văn, Phàn Quá Tuyết và A Vượng lên xe ngựa của Văn Uyên các đi Lạc Dương, mấy người Vấn Ngọc, Thục Điệp đưa tiễn mãi đến qua cổng thành Bắc thành Hoài Châu ba dặm.
Trong lòng Vấn Ngọc, Thục Điệp và Niệp Hiệp đều rõ, lần đi này có lẽ rất nhiều năm cũng không gặp lại.
Các nàng thích Tang tam thiếu gia, cũng thích Lâu công tử, nhưng thiên hạ không có bữa tiệc nào không tàn.
- Tam thiếu gia, bọc này cậu mang theo, lúc thèm ăn có thể ăn thức ăn trong hộp, y phục để thay cũng là mới may theo kích thước của cậu...
Niệp Hiệp dịu dàng nói, tính nàng đa sầu đa cảm, sớm đã rưng rưng muốn khóc.
- Tiễn đưa ba dặm, Cẩm Văn đã nhận được rất nhiều, năm nào gặp lại, Cẩm Văn chắc chắn sẽ nhớ ơn tri ngộ của cố nhân, dũng tuyền dĩ báo. (dũng tuyền dĩ báo: trích từ “tích thủy chi ân, dũng tuyền dĩ báo”, nghĩa là nhận được ơn huệ nhỏ như giọt nước cũng phải dùng dòng suối để báo đáp)
Lời của hắn khiến những người chung quanh nghe mà cảm phục.
Có Các lão Văn Uyên các gật đầu tán thưởng, khắc ghi ơn tri ngộ, sự thành khẩn của người này gần có phong thái của Trương Lương
.
Lời nói của Tang Cẩm Văn khiến giọt nước mắt rưng rưng của Niệp Hiệp tuôn trào:
- Tiểu Cẩm thiếu gia ngốc, chúng tôi đều chỉ muốn cậu sống tốt, tương lai lớn lên thành một nam tử cao lớn tuấn tú làm mê đắm hàng vạn hàng nghìn thiếu nữ, ai cần cậu dũng tuyền dĩ báo? Tiền lương Thần gia cho tôi, tôi còn không biết tiêu vào đâu đây này?!
Nhìn Niệp Hiệp khóc lớn mà vẫn dùng giọng điệu vui đùa với hắn như cũ, trong lòng hắn chua xót nói không nên lời.
- Tam thiếu gia, Dương công tử, Tiểu Phàn thiếu gia, A Vượng ca nữa, mọi người đi đường cẩn thận.
Mắt Thục Điệp cũng hồng hồng, nàng luôn hồn vía lên mây như có tâm sự nặng nề, Dương Yên biết nàng mơ hồ ái mộ Lâu thiếu gia, nàng đang lo lắng cho Lâu Kiêm Gia.
Ngày hôm ấy hoa đào rơi lả tả, khắp đất trời vương vãi những cánh hoa; ngày hôm ấy sông Hoài mưa bụi quá; người ra đi nước mắt cứ tuôn nhòa; ngày hôm ấy trẻ con về phương Bắc, sống những ngày khổ sở thật lênh đênh.
- Tang đương gia, trong bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, bến thuyền xa nhất tiếp giáp thành Hoài Châu chính là bến Thanh Y này.
Bạc Ngạn cho Vi Sương ba mươi người, trong đó hai mươi người là võ sĩ, năm thám tử, bốn cao thủ ngựa và một nam nhân tên Khổng Chu là “vạn sự thông” (chỉ người hiểu biết rất nhiều thứ) mà Bạc Ngạn cho nàng, nàng có thể hỏi thăm ông rất nhiều chuyện.
Nơi này là bến Thanh Y, Tang Vi Sương dẫn ba mươi người suốt đêm ngựa không ngừng vó đuổi đến đây.
- Dẫn ta vào bến.
Nàng trầm giọng nói.
Khổng Chu hiểu ý nàng, không đợi nàng cất bước đi vào bến đò, Khổng Chu đã nói:
- Tang đương gia đợi cho chốc lát, mệnh lệnh của chủ tử kiểm tra nghiêm ngặt tàu thuyền qua lại sớm đã truyền xuống, vừa nãy tôi đã sai người đi hỏi rồi, nếu có thuyền khả nghi đi qua, đương nhiên sẽ không thoát được.
- Như vậy, ta chỉ cần ở đây yên tĩnh chờ đợi?
Ánh mắt Tang Vi Sương trầm xuống nhìn ông, hỏi ngược một câu khiến ông không biết đáp thế nào.
Trầm mặc chốc lát, Khổng Chu dẫn Tang Vi Sương đến một căn phòng bí mật, có lẽ là địa điểm tiếp ứng của thuộc hạ Bạc Ngạn. Bọn họ cưỡi ngựa mà đến, đương nhiên không có chỗ trao đổi như xe ngựa.
Khổng Chu nghĩ chủ tử đã đem ba mươi người họ cho Tang công tử này sai khiến thì để lộ vài địa điểm cho công tử hẳn là chủ tử cũng không để ý.
Khổng Chu đứng trước mặt Tang Vi Sương, lấy từ trong ngực ra một tấm bản đồ, đôi chân mày tựa như đường vòng cung khẽ động, ông khoảng ba mươi tuổi, dáng người hơi thấp, nhưng thần thái lão luyện, điềm đạm lịch sự.
Ông mở bản đồ trong tay ra, chỉ chỗ bến Thanh Y nơi họ đang đứng. Ngón tay ông lại di chuyển tìm kiếm xung quanh bến Thanh Y.
- Tang đương gia, trước đây thuộc hạ đã nói, trong các bến thuyền tiếp giáp thành Hoài Châu thì bến Thanh Y là xa nhất, thuyền đi từ Đông sang Tây sẽ đi qua nơi này, sở dĩ tôi đưa ngài đến đây không chỉ vì bến Thanh Y cách Hoài Châu xa nhất mà còn vì nhánh sông này tương đối yên ổn, hơn nữa thám tử các nơi khác đều cho biết là không có tàu thuyền đáng nghi qua lại, vào lúc này nơi cuối cùng có thể điều tra trong bốn phương Đông Tây Nam Bắc chính là ở đây nên mới đích thân dẫn ngài đến.
Tang Vi Sương nhìn theo tay ông chỉ, sắc mặt chuyển dần từ tái nhợt sang u ám:
- Ý ông là Ngọc Tân phía Bắc, Thiên Môn phía Nam, Đông Húc phía Đông đều đã kiểm tra nhưng không có gì khác thường?
Khổng Chu thấy sắc mặt nàng nghiêm trọng thì giật mình, lắc đầu nói:
- Tang đương gia, thuộc hạ không dám bảo đảm không có gì khác thường, nhưng thuộc hạ tin tưởng người kiểm tra tuyệt đối sẽ không để sót một tin tức đáng tin nào, đương gia nên tin tưởng chúng tôi ngay cả khẩu cung của ngư phu cũng ghi lại, càng sẽ không...
Ông chỉ ra điều này, Tang công tử sẽ biết những gì ông nói là thật.
Tang Vi Sương không khỏi ngẩn người, đôi gò má lúng túng ửng đỏ, đồng thời lo lắng:
- Nói vậy...chỉ còn lại bến Thanh Y phía Tây cách thành Hoài Châu khá xa này thôi?
Khổng Chu cho rằng Tang Vi Sương qua sự chỉ điểm của ông sẽ dần dần hiểu ra, người thông minh như Tang công tử sao có thể không hiểu ý ông được. Chuyện do người làm, bọn họ đã dốc hết toàn lực, nếu kiểm tra nghiêm ngặt như vậy mà vẫn không tìm được Lâu công tử kia thì chỉ có thể xin người của Tang gia nén bi thương.
- Thuộc hạ đúng là ý này, lát nữa thám tử thuộc hạ phái đi lập tức sẽ có tin tức.
Ánh mắt ông nhìn Tang Vi Sương có chút thương hại, dường như rất thông cảm cho nàng, cũng rất thông cảm cho Lâu Kiêm Gia...
Trong lòng Tang Vi Sương sớm đã không thể bình tĩnh, bến thuyền cuối cùng sao? Nếu bến thuyền này cũng không có tin tức thì sao? Nàng thật không muốn kết thúc như vậy, nhưng nếu để Bạc Ngạn phái thêm người đi hỏi cặn kẽ thêm lần nữa, hoặc nàng đích thân đi đến từng bến thuyền điều tra tỉ mỉ lại lần nữa thì trong mắt người khác cũng hoang đường không khác mò kim đáy biển chăng?
Nhưng...nàng không cam tâm!
Tang Vi Sương đưa tay lấy bản đồ trong tay ông, nhìn rõ bến thuyền gần thành Hoài Châu nhất là bến Ngọc Tân phía Bắc, tiếp đó là bến Đông Húc phía Đông, sau nữa là bến Thiên Môn phía Nam. Giống như kết luận nàng phân tích cả đêm đưa ra được, ba bến thuyền này qua kiểm tra nghiêm ngặt đều không hề có kết quả, vậy kết luận cuối cùng chỉ còn lại một, người bắt Lâu Kiêm Gia khả năng lớn nhất là đi về phương Tây!
Phương Tây...trong đầu vừa xuất hiện hai chữ “phương Tây”, đôi mắt Tang Vi Sương trở nên sâu xa như hồ nước, nói đến phương Tây nàng sẽ nghĩ ngay đến “Tây Tần” nổi tiếng thiết huyết trong ba nước. Không phải chưa từng nghĩ đến, có lẽ từ khi bắt đầu nàng đã nghĩ như vậy rồi...
Nếu là phương Tây, đôi mắt linh động của nàng nhanh chóng quét qua lãnh thổ, sông ngòi, thậm chí là những nhánh sông nhỏ khu vực phía Tây Diêu quốc. Nàng nhìn đến một chỗ thì nheo mắt lại, một thiếu niên vóc dáng cao gầy lặng lẽ đi vào phòng.
- Khổng gia, Tang đương gia.
Người nọ chắp tay hành lễ, rồi lấy từ trong ngực ra một tờ giấy, nhanh chóng đến trước hai người:
- Đây là tin tức thám tử thu được, tối hôm kia và tối hôm qua bến Thanh Y có một trăm tám mươi chiếc thuyền cỡ trung trở lên qua lại, đều được ghi chép trong hồ sơ, trong đó hai chiếc có chỗ đáng ngờ, nhưng nhân viên trên thuyền đều có hộ tịch, văn tư, văn phù các thứ đầy đủ nên quan viên bến Thanh Y đã cho qua.
- Hai chiếc thuyền kia đáng ngờ chỗ nào?
Khổng Chu vội thay Vi Sương hỏi.
- Một chiếc trong đó giờ Tý đêm qua ngừng ở bến Thanh Y một lát, giờ Tý ba khắc liền rời đi. Chiếc còn lại là giờ Hợi đêm trước tới bến Thanh Y, sáng sớm hôm sau rời đi, lúc rời đi người trên thuyền và người của bến thuyền có xảy ra cãi vã nên quan viên ở bến thuyền mới ghi lại.
Trương Lương là một danh thần khai quốc thời Hán, được nhắc đến trong điển tích nổi tiếng “Trương Lương nhặt giày”