Ông ấy nằm trên chiếc ghế bập bênh bằng gỗ, thuận tiện quan sát đánh giá Nguyễn Khê một phen.
Sau khi đánh giá xong, ông ấy nhìn vào mắt Nguyễn Khê, giọng điệu đã thay đổi: “Cháu muốn… học may đồ?”
Nguyễn Khê khẽ gật đầu: “Cháu muốn làm thợ may.”
“Không phải ai cũng làm thợ may được đâu.”
Nếu dễ làm như vậy thì e là trên núi sẽ không phải chỉ có một tiệm may của ông ấy, cuộc sống cũng không thoải mái như bây giờ.
Nguyễn Khê vừa định nói vài câu để chứng minh sự quyết tâm của mình, nói chắc chắn mình sẽ học thật giỏi. Nhưng còn chưa kịp nói câu nào thì ông thợ may đã chặn miệng cô: “Đặt trứng gà xuống đi, vào trong quét nhà.”
Nghe thấy vậy, Nguyễn Khê nuốt những câu mình định nói lại, cũng không định hỏi nhiều. Cô tự cho rằng ông thợ may đang cho mình một cơ hội nên lập tức cô đặt rổ trứng xuống, xoay người đi tới góc tường cầm chổi chuẩn bị quét tước.
Quét xong, cô lại giặt sạch giẻ lau rồi lau tất cả các món đồ trong nhà.
So sánh với các hộ gia đình bình thường ở núi Phượng Minh thì có thể nói ông thợ may có một cuộc sống như trên thiên đường. Ông ấy có một cái máy may secondhand của thương hiệu Thân Hải, một cái ngăn tủ đầy bánh mật ong hạch đào và các loại thực phẩm khác.
Sảnh chính là cửa hàng, ngoại trừ máy may, bàn ủi và các dụng cụ máy móc thi bên trong còn giăng một sợi dây thừng, các món đồ đã được may xong được treo ở đó. Trong một góc nhà có cất vải được sắp xếp không ngăn nắp, bên trên còn có trang phục đã được gấp gọn.
Nguyễn Khê sắp xếp các món đồ đang được để lung tung lại cho thật ngăn nắp rồi lại đổi một chiếc giẻ lau khác để lau sàn. Vì không có cây lau nhà nên cô chỉ có thể cúi xuống lau bằng tay.
Sau khi dọn nhà sạch sẽ, eo cô cũng trở nên đau nhức, mặt trời bên ngoài cũng được lặn xuống khỏi đỉnh núi.
Ông thợ may vẫn còn nằm thảnh thơi trên chiếc ghế bập bênh, gương mặt tỏ vẻ hài lòng lắm. Ông ấy không đứng lên mà chỉ nhìn Nguyễn Khê đang thở hổn hển rồi nói: “Hôm nay đến đây thôi, ngày mai cháu quay lại đây, ông dạy cách đạp máy may trước.”
Nghe vậy, chỉ trong nháy mắt Nguyễn Khê đã không còn thấy mệt mỏi nữa, cơ thể cũng trở nên vô cùng nhẹ nhàng.
Con mèo béo màu vàng cọ đầu lên chân cô, còn kêu ‘meo meo" hai tiếng.
Nguyễn Khê khom lưng xoa đầu con mèo, mỉm cười rồi đi về nhà.
Cô từ từ bước lên đường núi, tay thì phe phẩy cái rổ không, lúc vui vẻ còn ngân nga một bài hát dân ca.
Cô về nhà kịp bữa cơm tối, vì Tôn Tiểu Tuệ đã về nhà mẹ đẻ nên bàn ăn thiếu mất một người.
Không ai nhắc đến chuyện không vui là chuyện chia nhà cả, bà nội Lưu Hạnh Hoa hỏi Nguyễn Khê: “Ông ấy nhận trứng gà của con rồi, vậy có dạy nghề cho con chưa?”
Nguyễn Khê uống một hơi hết hơn nửa ly nước sôi để nguội, sau khi hết khát mới nói: “Chưa ạ, con dọn nhà cho ông ấy hết nửa ngày trời. Ông ấy nói còn ngày mai tới đó rồi sẽ dạy con đạp máy may.”
Nguyễn Trường Quý vừa ăn bánh bao vừa nói: “Dạy cháu? Ông ấy sẽ không dạy cháu đâu, chỉ muốn giữ cháu lại dọn dẹp nhà cửa rồi đưa trứng gà cho ông ấy thôi. Ngày mai cháu mà tới là sẽ có việc khác cho cháu làm thôi, có thể là bón phân tưới rau không chừng.”
Nguyên Khê nhìn ông ta rồi nói: “Có vẻ ông ấy cũng muốn dạy cháu đấy.”
Nguyễn Trường Quý: “Chỉ là ‘có vẻ" thôi.”
Ý của ông ta là tặng nhiều trứng gà như vậy thì chỉ được hai chữ ‘có vẻ" đó thôi?
Ông ta lại nói: “Tiểu Khê à, cháu sinh ra không phải để làm việc đó, nghe chú nói này, đừng nghĩ về nó nữa. Trăm phần trăm là cháu theo không được nghề này đâu, không biết còn phải tặng bao nhiêu món nữa đây, trên bàn ăn chả còn nổi một món ăn nóng nào nữa rồi.”
Nghe thấy vậy, Lưu Hạnh Hoa không nhịn nổi nữa, bà ấy nhìn Nguyễn Trường Quý rồi nói: “Cháu gái học nghề thôi mà con nói nhiều như vậy làm gì? Không có đồ ăn nóng chẳng liên quan gì tới Tiểu Khê cả, là vì Tiểu Ngũ muốn đi gặp mẹ vợ, mẹ phải để dành tiền cưới hỏi cho nó.”