Thanh Vân Đài

chương 217: ngoại truyện 6, 7: hoa nở thắm tươi (2)

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

“Ta biết mình nên ở nhà nghỉ ngơi, ta nói thật, nhưng công phu của tên trộm kia ta thấy quen cực, nhất định là đã gặp hay nghe qua ở đâu đó, ngặt cái nghĩ hoài không ra. Với lại ta đã khỏe hẳn hoi rồi, chàng xem mấy bữa nay ta ăn được ngủ được, do đi đường nhọc quá thôi. Đại ca cũng nói án này hóc búa, ta đến kiểm tra các trường ấy là để giúp chàng và đại ca, ta biết chàng lo ta, ta xin lỗi là được chứ gì?”

Trên đường về phòng, Tạ Dung Dữ im ỉm đi đằng trước, Thanh Duy bước theo sau giải thích luôn hơi. Về đến phòng, Tạ Dung Dữ ngồi trước bàn, nhìn nàng: “Lại đây.”

Thanh Duy ngần ngừ, vâng lời ngồi xuống.

Tạ Dung Dữ: “Ta đã nói đỡ hộ nàng với tổ mẫu rồi, rằng chuyến đi làm nàng mệt quá, đêm nay lo mà nghỉ ngơi, sáng mai khỏi phải đi vấn an.”

Thanh Duy gật đầu, đáp mỗi tiếng “ờ”.

Tạ Dung Dữ: “Sáng mai đại phu của Bảo An Đường sẽ lại đến, ông ấy là danh y Giang Lưu, cực kỳ khó mời, tới lúc đó đừng cho người ta leo cây nữa đấy.”

“Ờ.”

Nhìn thái độ nhận sai của nàng cũng khá thành khẩn, giọng Tạ dung Dữ dịu đi: “Ăn gì chưa?”

Thanh Duy lắc đầu.

Thế là Tạ Dung Dữ sai Trú Vân bưng bữa tối đã chuẩn bị sẵn vào, ngồi ăn hết bữa với nàng rồi lại giục nàng đi thay đồ tắm rửa.

Đêm xuân se buốt, chăn mền cũng ngâm ngấm giá lạnh, may sao người Tạ Dung Dữ ấm áp, Thanh Duy vừa tắm xong liền nép sát vào lòng y, luồng hơi ấm rần rật truyền qua lớp áo trong mỏng manh.

Nàng biết lúc này y đã hết giận, ngửa đầu hỏi: “Sao hôm nay chàng về sớm thế?”

“Nàng biết ta đến nha môn xem hồ sơ, đoán ta sẽ về muộn chứ gì?” Bằng không sao nàng lại chọn giờ về chuẩn đến vậy?

Tạ Dung Dữ cúi nhìn Thanh Duy, “Theo nàng thì sao?”

Y không cách nào ngừng lo lắng cho nàng. Đầu xuân hải đường rộ cánh, một nhành hoa hắt bóng lên khung cửa giấy, tấm lưới cửa sổ hở ra một khe, hương hoa đưa thoảng vào phòng. Tạ Dung Dữ nhìn Thanh Duy, đúng là dạo gần đây Tiểu Dã cô nương của y nhuận sắc ra hẳn, phảng phất mùi thơm, bầu má như nhuộm sắc nụ đào.

Ánh mắt Tạ Dung Dữ dịu như nước, gợn sóng lăn tăn, y cúi mặt.

Trong một thoáng rơi vào cơn mê, Thanh Duy bỗng nhớ ra chuyện quan trọng giữa nhịp thở càng lúc càng nặng nề của y. Từ lần nàng bị đau đầu phải mời đại phu, là y đã kiềm chế bảy tám ngày. Mãi mới có dịp nghỉ tối nay, theo thói quen của y, chỉ e sẽ làm đến tận bình minh mất. Gần đây nàng khi nhớ khi quên, thêm manh mối tra được hôm nay mơ mơ hồ hồ, nếu bị hành tới sáng mới được ngủ, khéo có khi quên khuấy mất thôi.

Thanh Duy đẩy Tạ Dung Dữ: “Khoan khoan, ta có chuyện gấp muốn nói với chàng.”

Tạ Dung Dữ nhổm người dậy, nhìn nàng, ánh nhìn đương hỏi: Giờ này còn chuyện gì gấp hơn nữa?

Thanh Duy nói: “Là manh mối hôm nay ta điều tra được.”

Tạ Dung Dữ ngớ người, muốn nói rồi lại thôi, lúc sau mới thốt lên một chữ: “Nói.”

Thanh Duy nói: “Ta đã đi xem qua những trường tư bị mất cắp, tên trộm rất có bản lĩnh, nếu trường không đề phòng, thì hắn muốn trộm một món đồ là việc dễ như trở bàn tay. Nhưng xui cho số hắn đen, vào đêm đến hiệu sách Dương Hòa thì hành tung tới tai quan sai, bị quan đuổi chạy ba con phố, rơi vào đường cùng buộc phải tung hết bản lĩnh, cuối cùng biết mất tăm hơi.”

“Nghe có vẻ không lạ đúng không? Tuy nhiên, hiệu sách Dương Hòa nằm ngay đầu ngã ba phố Lưu Xuân, có rất nhiều ngả đường có thể chạy trốn, tên trộm này lại đâm đầu chọn ngả khó thoát thân nhất. Thế đã đành, rõ ràng hắn có khả năng cắt đuôi quan sai, nhưng phải tới con ngõ bán tạp hóa chật hẹp mới biến mất, chàng nghĩ vì sao?”

Chẳng đợi Tạ Dung Dữ trả lời, Thanh Duy nói thẳng: “Ta đoán hắn cố ý dẫn quan sai đến phố tạp hóa, hắn muốn quan phủ nghi rằng ở đây có đồng lõa của hắn rồi tra xét con phố.”

Thực tế thì đúng là quan phủ đã tra xét. Tiếc thay không tra được gì, ở đó toàn người làm ăn mua bán yên thân yên phận.

Tạ Dung Dữ nghe Thanh Duy nói xong, lấy làm đăm chiêu, qua một lúc lâu, y xoay người nằm thẳng trên sạp: “Nàng biết vì sao vụ án này đến nay vẫn không có manh mối không?”

Thanh Duy: “Vì sao?”

Tạ Dung Dữ: “Vì không tìm thấy động cơ.”

Thanh Duy khó hiểu.

Tạ Dung Dữ nói tiếp: “Thực ra quan phủ điều tra được rất nhiều manh mối, thí dụ như tên trộm năm lần bảy lượt trộm cắp không phải vì tiền, ít nhất những đồ hắn trộm mất của mấy tư thục Lưu Xuân, Thu Nùng là không quá quý giá, còn bản sao Hành Vân Sách là đồ quý không bán ra ngoài; hơn nữa quan phủ vẫn không tìm thấy có đồ bị trộm được bán ở chợ đen. Tên này ăn trộm không phải vì thù riêng, chưa nói đến Chu lão tiên sinh của Lưu Xuân, mà các thầy đồ ở các nơi Hạ, Thu, Dương cũng chưa bao giờ chuốc thù với ai, học trò ai cũng kính trọng, không có ai bất mãn.”

Thanh Duy hỏi: “Chàng suy luận được từ hồ sơ ở nha môn đấy à?”

Tạ Dung Dữ khẽ gật đầu.

Lạ quá, không phải vì tiền cũng chẳng phải vì thù, vậy giặc kia trộm cắp vì điều gì, đâu thể chỉ là một trò đùa?

Thanh Duy nghĩ hoài không ra, lúc này, Tạ Dung Dữ lại nói: “Thực ra, ta đã nghĩ tới một khả năng.”

Thanh Duy: “Gì cơ?”

Tạ Dung Dữ nhìn Thanh Duy, thốt lên hai chữ: “Nghĩa phỉ.”

Nghe hai chữ “nghĩa phỉ”, tức thì Thanh Duy xốc dậy tinh thần: “Ý chàng là nghĩa phỉ hành hiệp trượng nghĩa?”

Thanh Duy xuất thân từ Nhạc thị, thời Hàm Hòa đời sống cùng khổ, chẳng phải Nhạc thị cũng là nghĩa phỉ của núi Bách Dương đó sao?

Tạ Dung Dữ nói: “Giang Lưu thái bình đã lâu, dù vào Chiêu Hóa những năm đầu cũng rất ít có nghĩa phỉ ẩn hiện, bởi thế quan phủ Giang Lưu mới bỏ sót khả năng này, không nghĩ đến, thành thử không có manh mối.” Còn vì sao y nghĩ ra được, thì một vì nàng Ôn Tiểu Dã ngay cạnh y đây, nguyên xuất thân là nghĩa phỉ; hai vì trong những ngày điều tra chân tướng về Tiển Khâm Đài, những người như Nhạc Ngư Thất mà y từng gặp chắc chắn không phải đam mê bôn tẩu tứ phương.

Thanh Duy chợt minh bạch: “Chàng nói mới thấy mọi chuyện khớp lại rồi. Tại sao tên trộm này chuyên trộm của trường tư, bởi vì điều hắn muốn là khiến sự việc rùm beng lên, muốn thu hút sự chú ý của quan phủ. Trộm Hành Vân Sách không phải mục đích của hắn, mà mấu chốt là thầy Lương chủ nhân của Hành Vân Sách rất thích xé chuyện ra to, y mà quậy lên, sự việc mới được lan truyền, quan phủ mới càng coi trọng. Sau đó, tại sao tên trộm này lại chạy về phố tạp hóa chật chội, chắc chắn vì ở đó có chuyện bất bình, hắn muốn vẽ đường cho quan phủ đến điều tra. Trên phố toàn là dân buôn sống an phận, nhưng chính vì luôn an phận nên mới lâm vào cảnh oan khuất bất công. Còn về chuyện tại sao tên trộm này không báo quan trực tiếp, thì ta nghĩ không ra, liệu có phải có liên quan tới các trường không? Quan nhân, chàng thấy sao?” Nói đoạn, hai tay Thanh Duy chống má, nhoài người cạnh Tạ Dung Dữ hỏi.

Tạ Dung Dữ nhìn nàng, mãi sau mới hỏi lại: “Nói xong rồi à?”

Thanh Duy “hử?” tiếng khi chưa kịp hiểu gì, ngay sau đó Tạ Dung Dữ đã nhấc người nàng lên, trói quặt một tay nàng ra sau, chống người ngồi dậy.

Tiếng rủ rỉ trong phòng bặt đi, giữa thanh âm hỗn loạn, từng cơn gió thổi lùa qua ô cửa.

Nhánh hải đường chập chờn trong gió xuân.

“Mạch tượng của phu nhân vẫn ổn, trước đó suy yếu mệt mỏi chắc mẩm do đi đường vất vả, hoặc cũng do thời tiết khó chịu mà ra, cho nên khi đến Giang Lưu thì chuyển biến tốt ngay.” Trưa hôm sau, đại phu của Bảo An Đường chẩn mạch cho Thanh Duy xong, đã nói như vậy.

Đức Vinh nói: “Nhưng phu nhân nhà tôi đã chu du đây đó từ hồi trẻ, chưa từng gặp tình trạng dị ứng thời tiết, dọc đường đi chúng tôi cũng có mời vài đại phu, đều phán bệnh tình phu nhân rất lạ. Có lẽ tại vết thương cũ trên người gây ra, những xin đại phu chẩn thật kỹ cho phu nhân.”

Đại phu vuốt chòm râu dài: “Trước đây mạch của phu nhân bị chậm, thêm việc không tìm được nguyên nhân sinh bệnh, đúng là giống suy nhược do vết thương cũ. Bây giờ đã qua đông rét, xuân ấm dễ chịu, nếu vết thương cũ của phu nhân tái phát, cớ sao lại tại phát vào xuân? Còn nữa, vết thương cũ tái phát sẽ khiến bệnh kéo dài lâu, khỏi hẳn trong ba, năm bữa là điều không thể. Vậy nên lão phu dám xin khẳng định, phu nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không có gì đáng ngại, chẳng qua…” Đại phu khựng lại, hỏi giọng có phần dè dặt: “Những đại phu trước có từng kê liều thuốc hoạt huyết hóa ứ, bài trừ khí uất cho phu nhân không?”

Tạ Dung Dữ nói: “Có, nhưng ta không cho nàng uống.” Y giải thích, “Nàng tập võ từ nhỏ, cơ thể vốn khỏe mạnh, bao năm nay chưa khi nào đụng ốm đau, hơn nữa đại phu gặp trên đường toàn chẩn “có lẽ” rồi “chắc là”, không thể khẳng định, nên nhà ta chỉ điều dưỡng bằng thuốc an thần.”

Đại phu thở phào nhẹ nhõm: “Vậy thì tốt, vậy thì tốt.” Nói đoạn, ông thầy đứng dậy xin cáo biệt: “Phu nhân mạnh khỏe, công tử khắc có thể an tâm, nhưng nếu phu nhân từng đổ bệnh thì trước mắt vẫn phải hết lòng an dưỡng. Nghe nói phu nhân tập võ từ bé, lão phu xin khuyên, những ngày kế tiếp… tạm thời đừng dùng công phu nữa.”

Người đương hiện diện trước mặt đây là đại phu giỏi nhất Trung Châu, bì được với cả ngự y chốn cung đình, Tạ Dung Dữ rất tin tưởng lời ông. Y nhẹ nhàng gật đầu, sai người hầu tiễn đại phu ra phủ.

Người hầu trong Tạ phủ rất hiểu chuyện, ra đến ngoài phủ, đưa cho đại phu một túi vải thêu mây phúc lộc cát tường: “Đại phu vất vả rồi.”

Đại phu hoảng hốt, đánh mắt thoáng ngó qua cổng phủ, hỏi: “Hai người vừa rồi chính là Tạ nhị công tử và phu nhân công tử của quý phủ ư?”

Vị danh y Giang Lưu đây thường hay thăm khám cho quý nhân, Tạ nhị công tử mang thân phận gì, có lý lão lại chẳng biết? Mà nay vì vụ Tiển Khâm Đài, Tạ Dung Dữ bị tước phong hàm Chiêu vương, song mấy ai tinh tường sáng suốt đều biết, vị Quan gia ở chốn cung đình xa xôi rất mực tin tưởng y, cộng thêm chỗ đứng của y trong lòng các sĩ phu, kẻ nào dám nói y không phải “vương”?

Rồi nay y quay về Giang Lưu, môn đình vẫn vắng vẻ chẳng phải vì thói đời nóng lạnh vô thường, mà bởi tại ngưỡng cửa quá cao, dẫu thế gia quyền quý Trung Châu có tụ tập, cũng không dám tùy tiện thăm viếng.

Đâm ra đại phu công đường mới hỏi câu này. Ông không thể tin nổi mình lại gặp được Tiểu Chiêu vương và Chiêu vương phi.

Người hầu chu toàn phép lễ, cười nói: “Chứ sao, chuyến này Nhị công tử nhà tôi về Giang Lưu sẽ ở lại lâu, sau này nếu có làm phiền, mong đại phu chớ chê ngại.”

“Phiền chi phiền chi.” Đại phu loanh quanh mấy bước, lại thấp giọng căn dặn: “Lát nữa ngươi nhớ dặn dò toàn phủ nhớ phải chăm chút việc ăn uống của thiếu phu nhân, dạo này… nhất thiết phải nghỉ ngơi kỹ lưỡng, phải tránh dụng võ…”

“Ta đã nói gì nào? Ta khỏe lắm, không bị sao hết, trước đó chỉ tại đi đường mệt, vậy mà chàng chẳng chịu tin ta. Chàng xem có phải đại phu cũng bảo thế không?” Đại phu của Bảo An Đường vừa đi khỏi, Thanh Duy đắc chí nói.

Tạ Dung Dữ ngồi xuống cạnh nàng, bưng chén trà nguội trên bàn, thong dong nói: “Đại phu cũng dặn nàng nên ở nhà điều dưỡng, không được dùng võ, tốt nhất là cũng chớ đi lại lung tung.”

Thanh Duy luôn miệng đáp “biết rồi”, nhìn y cứ ngồi cạnh không nhúc nhích, ngạc nhiên nói: “Có manh mối cho án mất trộm rồi kia mà, sao chàng vẫn chưa ra nha môn bảo đại ca một tiếng? Đỡ để huynh ấy sốt ruột.”

Tạ Dung Dữ nói: “Ra rồi, nhắn nhủ rồi, ta cũng đi xem các trường tư luôn rồi, đã có manh mối thì án này dễ giải quyết thôi. Nếu không phát sinh chuyện gì ngoài ý muốn, đêm nay sẽ có kết quả cuối cùng.”

Thanh Duy càng thêm kinh ngạc: “Chàng đi hồi nào? Sao ta không biết?”

Tạ Dung Dữ liếc qua nàng, đậy nắp chén trà, nét cười thong thả hiện trên khóe môi: “Đương nhiên là đi ngay sáng nay, nàng không biết cũng đúng, hôm nay nàng dậy muộn quá.”

Trưa hôm ấy, ở ngõ tạp hóa phố Lưu Xuân.

“Đưa đi, đưa hết đi!” Sau tiếng quát tháo, vài quan sai dẫn một cặp vợ chồng đi ra từ quầy hàng bánh bột.

Người phụ nữ trạc đôi mươi, mặc đồ trắng đeo trâm cài, trượng phu nàng ta là một gã què, bị quan sai lôi xềnh xệch ra khỏi con ngõ.

Đám đông nhốn nháo xúm quanh đầu ngõ, có kẻ bất chấp vớ ai cũng hỏi: “Chuyện gì thế, đại ca đại tẩu Trương gia sao bị dẫn đi vậy?”

Có người thấp giọng trả lời: “Hình như dính líu tới vụ mất trộm.”

Kẻ hỏi không thèm tin: “Sao có thể, đại ca đại tẩu Trương gia là người thật thà, biết điều cả mà!”

Tạ Lang phớt lờ những lời bàn tán, cho quan sai áp giải nghi phạm lên xe tù, nghênh ngang rời đi.

Quan sai vừa đi, đám người hóng hớt cũng giải tán. Bấy giờ, một người đàn ông tầm vóc lực lưỡng, tuổi khoảng ngũ tuần khiêng hai bó củi đi vào ngõ tạp hóa, chủ hàng ăn vặt ở đầu ngõ tiếp đón: “Lý thúc, qua bên đây.”

Lý thúc vừa đi vừa ngoái lại nhìn: “Sao quan phủ lại bắt huynh đệ Trương gia vậy?”

“Chịu, hình như vợ chồng Trương gia là đạo tặc ăn trộm đồ đấy, chúng tôi đâu ai tin. Nhưng cũng đành chịu, quan phủ muốn bắt người, can không nổi!”

Lý thúc “ồ” lên như suy tư điều gì, đặt hai bó củi xuống: “Ông chủ La, củi hôm nay của ông đây.”

Ông chủ La gửi lời cám ơn, thấy Lý thúc bước ra ngoài ngõ bèn lân la hỏi: “Lý thúc này, hôm nay ông còn việc gì làm không?”

Lý thúc tựa hồ có tâm sự, không trả lời.

Ông chủ La cũng không hỏi nữa.

Lý thúc này chuyển đến ở đây vào một năm trước, bảo rằng con cái mất hết, tới Trung Châu nương nhờ đứa cháu, lại không biết người cháu ấy ở đâu. Người trong ngõ tạp hóa thấy lão từng tuổi ấy rồi vẫn thui thủi một mình, mỗi hộ nhà bèn phân cho lão làm ít việc vặt; người trên dưới ngõ đều làm buôn bán nhỏ, đôi khi bận đầu tắt mặt tối, cũng phải mướn người làm công tạm thời.

Lý thúc ra khỏi ngõ, nhưng không đi tới chỗ làm công.

Lão nghỉ một chốc trong căn nhà tồi tàn ở con đường phía sau, lúc trở ra, đã mặc trên mình chiếc áo khoác ngắn bám bụi bần hàn.

Hoàng hôn chớm buông, lão rời phố Lưu Xuân, bước ngược dòng người, lẳng lặng đi vào con ngõ sau của nha môn.

Trong ngõ, một bức tường cao cỡ nửa trượng chia nha môn làm hai nửa trong và ngoài. Trong tường truyền ra tiếng người huyên náo, hình như các thầy đồ ở trường hay tin chạy tới.

Lý thúc đã có tuổi, thành ra hơi bị nghễnh ngãng, cách bức tường không nghe rõ họ đang nói gì. Nhưng lão không sốt ruột, ngó nghiêng xung quanh, trông thấy mé đầu tường phía Tây lấp ló một góc mái hiên, lão dồn lực vào gót chân, dễ dàng tung mình lên.

Ánh chạng vạng và tấm áo xám tro lão mặc hợp lại thành một, đưa mắt nhìn xuống, lão biết hai người đang đứng trong sân kia, đấy là thầy Lâm của thư viện Thu Nùng và thầy Lương của hiệu sách Dương Hòa – bảo sao om sòm thế.

“Kẻ bán bánh ở ngõ tạp hóa làm ư? Sao mà tôi tin nổi?”

“Chúng có cái tài này thì còn bán bánh bán bủng gì nữa?”

“Thế đã lấy về được Hành Vân Sách của tôi chưa… vẫn đợi xét à? Còn xét đến bao giờ nữa?”

Thầy Lương hay tin tên trộm bị bắt, hấp ta hấp tấp kéo thầy Lâm chạy ngay sang đây. Một tràng câu hỏi tù tì khiến Điển lại chóng mặt.

Điển lại nói: “Hai vị tiên sinh xin hãy bình tĩnh, chi tiết vụ án cứ đợi xem xét thẩm tra. Còn về phần tài sản hai ông bị mất, chúng tôi nhất định sẽ tìm về cho hai ông, chỉ là…” Nói đoạn, Điển lại đau đầu, “Hai ông cũng biết đấy, vụ án này quá ồn ao, Quan gia ở tận kinh thành cũng biết chuyện. Hôm qua Doãn đại nhân của phủ tôi nhận được khẩu dụ quan gia, nhất quyết phải xử nghiêm án này. Nghi phạm được nha môn chúng tôi thẩm tra thôi chưa đủ, còn phải đợi khâm sai trong kinh đến thẩm vấn. Hiện giờ khâm sai còn trên đường đi, thành thử bị trì hoãn lại.”

Lời vừa dứt khỏi, hai ông Lâm – Lương liếc nhau, thầy Lâm hỏi: “Thật thế à?”

“Không thể thật hơn nữa, hoàng phù mang khẩu dụ của quan gia đã được giữ kỹ ở công đường nha môn rồi đây. Chính vì khâm sai sắp đến, lát nữa tại hạ còn phải đưa hai nghi phạm sang quân nha để canh chừng.” Nói rồi, chắp tay vái chào hai vị Lâm – Lương, đi làm nhiệm vụ.

Điển lại vừa đi, thầy Lương hỏi giọng chần chờ: “Họ bảo sẽ áp giải nghi phạm đấy, hay ông tôi đi xem xem? Tôi từng đến ngõ tạp hóa kia rồi, tôi nghĩ người ở đó không giống quân trộm cắp đâu.”

Thầy Lâm lại nói: “Có phải trộm hay không, quyền phán không nằm ở mình, phải nghe quan phủ thôi.”

“Nếu quan phủ phán lầm thì sao? Ông nghe thấy gì chưa? Quan phủ còn phải đợi khâm sai, ngộ ngỡ muốn áp giải phạm nhân lên kinh, chẳng phải hai người họ sẽ chịu oan sao?”

Lâm tiên sinh đánh mắt về nơi giam giữ phạm nhân, giọng ơ hờ: “Áp giải lên kinh còn chẳng tốt sao? Đích thân Quan gia can thiệp, Hành Vân Sách của ông không lo không tìm thấy rồi.” Nói xong câu, hắn nhanh chóng rời đi từ cửa hông nha môn.

Lý thúc nhìn bóng hai người nọ, khịt mũi khinh thường. Lão nhẩm tính giờ giấc trong bụng, chừng nhá nhem quan phủ sẽ áp giải phạm nhân đến quân nha, lão vẫn kịp cứu người.

Huynh đệ Trương gia mắc tật ở chân, kỵ nhất là ẩm thấp lạnh lẽo, không thể ở lâu trong ngục được.

Chẳng mấy chốc đã sang giờ Tuất, cửa hông nha môn mở ra kêu cái két, vài tên nha dịch kéo một xe chở tù đi về hướng Đông.

Lý thúc bí mật đuổi theo, khi xe tù ra tới bìa rừng ở ngoại ô, hai tên quan sai đến dịch trạm bàn giao, bằng tốc độ nhanh như chớp giật, lão nhảy khỏi ngọn cây và bổ thẳng xuống hai người ấy. Hai tên còn lại toan hô hoán, song mũi miệng đã bị Lý thúc bịt chặt ngay. Không biết tay lão dính bột phấn gì, hai tên kia hít vào trong phổi, lập tức lăn ra bất tỉnh.

Vợ chồng Trương gia ngồi trong xe sực hoàn hồn, giật mình xen lẫn hoài nghi: “Lý… đại ca?”

“Tôi đây.” Lý thúc tháo khăn che mặt, “Vì tôi mà cả hai liên lụy chuyện này, hai người cứ đi đi, còn lại để tôi.”

Cô vợ Trương gia kinh ngạc hỏi: “Lý đại ca, lão đang nói gì thế? Lẽ nào… lẽ nào lão là người trộm đồ của các trường tư kia?”

Lý thúc không kịp giải thích: “Việc này nói ra dài dòng lắm.” Lão mượn tạm đao thép giắt bên hông tên nha dịch, bổ một nhát đứt rời sợi xích sắt ở xe chở tù, “Tóm lại hai người cứ việc quay về nhà, tôi cam đoan sau khi chuyện nha môn kết thúc, sẽ không một ai gây rắc rối cho hai người nữa.”

Xuống xe ngựa, vợ chồng Trương gia vừa đi được một đoạn, bỗng trong rừng có trận gió nhẹ thổi qua, tạo cơn rung động như đàn chim bay lên.

Lý thúc chợt nhận ra có điều bất ổn, cất cao tiếng quát: “Tránh mau!”

Đúng vào lúc đó, có một người nhảy xuống từ đầu ngọn cây, kẻ này trùm áo chùng đen kín như bưng, giơ tay đánh thẳng về vai trái của Lý thúc.

Lý thúc nghiêng mình né đòn, tung nắm bột thuốc trong tay ra, cứ nhằm mặt kẻ áo đen mà tấn công.

Nhưng dường như kẻ áo đen đã có chuẩn bị, lập tức kéo áo chùng che khuất miệng mũi, nhanh nhẹn lùi về sau.

Lý thúc không biết kẻ này có lai lịch ra sao, nom vóc dáng thì đối phương rõ là con gái, nhưng từng chiêu từng thức phảng phất khí thế của quân trộm cắp giang hồ mới lạ, ngay đến thuốc bột lão chuẩn bị cũng chẳng ăn thua.

Mấy chiêu vừa nãy ả tung ra phải gọi là điêu luyện, dám chắc công phu trên cơ lão lắm. Lý thúc chỉ bảo đối phương không mang thiện ý, dặn vợ chồng Trương gia mau chóng rời đi rồi dụ nữ tặc chạy về một hướng khác.

Nữ tặc và Lý thúc người đuổi kẻ chạy, rừng rậm trước mắt dần thưa, đằng trước sừng sững một ngọn núi cao, khốn sao nó lại là một con đường cụt.

Đã làm thì phải làm đến cùng, Lý thúc định quay đầu đánh liều với nữ tặc, bất thình lình từ hai bên cánh rừng có quan binh chạy ùa ra, chỉ chốc lát, ánh sáng của bó đuốc đã chiếu rọi xung quanh.

Bấy giờ Lý thúc mới nhận ra mình đã mắc bẫy – ban nãy trong rừng có ba con đường: một đường dẫn về thành, một đường dẫn đến quân nha, đường còn lại chính là đường cụt này. Nữ tặc này chưa nắm chắc căn cơ của lão, mới cố tình dẫn lão chạy theo đường này! xx

Quan binh bao vây Lý thúc, Tạ Lang hỏi: “Kẻ trộm đồ của các trường tư chính là ngươi?”

Lý thúc cười lạnh: “Lão còn tưởng quan phủ Giang Lưu rặt một đám vô dụng bất tài, hóa ra vẫn còn khá.”

Dù sao cũng đã bị tóm, không nhất thiết phải đấu nữa, bèn thẳng thắn hỏi rõ nghi hoặc trong lòng: “Các người điều tra ra quan hệ giữa ta và Trương gia bằng cách nào?”

Quan hệ giữa lão với người trong ngõ tạp hóa khá hòa đồng, sao quan phủ lại đoán định lão trộm đồ của trường vì vợ chồng Trương gia? Hơn nữa, vợ chồng Trương gia làm gì biết chuyện lão đi trộm cắp đồ.

“Việc này…” Tạ Lang nghe hỏi, lưỡng lự nhìn Tạ Dung Dữ.

“Không điều tra ra.” Tạ Dung Dữ trả lời dứt khoát.

“Không điều tra ra?”

Tạ Dung Dữ: “Phải, các hạ giấu kỹ đấy, ngoài việc đoán rằng lão có người quen trong ngõ tạp hóa thì bọn ta không điều tra ra được gì nữa.”

“Nếu đã không tra ra được điều gì, vì sao các người còn bắt vợ chồng Trương gia? Các người không sợ bắt lầm người, không thể ép lão phu lộ diện ư?”

“Chẳng phải các hạ là nghĩa phỉ sao?” Tạ Dung Dữ cười nhạt, “Chân cẳng Trương Tứ ca bị tật, cần được chữa trị, nếu bị nhốt vào lao ngục ẩm thấp, kiểu gì chân cũng phế ngay. Dù bọn ta có bắt lầm người, với lòng gan dạ nghĩa hiệp của các hạ, nhẽ nào không thèm cứu? Hẳn các hạ cũng rất hòa thuận với người trong ngõ tạp hóa nhỉ?”

Cái đêm Hành Vân Sách bị đánh cắp, quan binh chạy đến ngõ tạp hóa thì tên trộm biến mất. Về sau quan binh tra hỏi từng hộ từng nhà, người trong ngõ đều bảo đêm ấy không hề bắt gặp tên trộm nào hành tung kỳ lạ.

Vụ việc đêm ấy phải nói rất chấn động, tên trộm trốn chạy vào ngõ tạp hóa, không lý nào không ai nhìn thấy. Nói thẳng ra, người nhìn thấy trộm thậm chí không chỉ có một; mà sự tình phát sinh đột ngột, người trong ngõ tạp hóa cũng đâu thể bắt tay cùng nói dối.

Vậy lí do gì khiến người dân ở đó lại khai nhất quán thế?

Chỉ có một cách lý giải duy nhất: ắt hẳn tên trộm là người thường xuyên xuất hiện trong ngõ tạp hóa, thân thiết với mọi người ở đây.

Cộng thêm việc Tạ Dung Dữ suy đoán tên trộm là nghĩa phỉ, Thanh Duy điều tra ra nghĩa phỉ này thuộc diện tình nghi cố ý dẫn quan sai đến ngõ tạp hóa, nghiễm nhiên quan phủ mới nhận định rằng trong ngõ có chuyện bất bình.

Nghĩa phỉ ăn trộm nguyên là để giúp người, kết cục lại chữa lợn lành thành ra lợn què, làm người trong ngõ bị quan sai bắt đi, thậm chí có khả năng hai chân sẽ bị tàn phế suốt đời, sao lão có thể không ra mặt cứu người?

Sau khi biết hết mọi việc, Tạ Dung Dữ nảy kế sách ngay. Trước hết y cho quan phủ giả cách đưa vợ chồng Trương gia đi, sau đấy tung tin khâm sai đương đến đây nhằm áp giải vợ chồng nhà này sang quân nha để giam giữ, buộc tên trộm Lý thúc đứng ra cứu người.

Hiển nhiên Lý thúc không phải kẻ ngốc, đâu dễ mắc câu trước con mồi người ta mới thả. Hay tin khâm sai sắp đến, đầu tiên lão đến nha đường một chuyến, xác nhận có hoàng phù thật không. Nào ngờ rằng hoàng phù là thật, mà khẩu dụ của quan gia lại là giả.

Đây là lá phù Triệu Sơ lén ban cho Tạ Dung Dữ, cốt đề phòng lúc ở ngoài y gặp chuyện gì nguy cấp, thì còn cái để truyền khẩu dụ thiên tử đặng xoa dịu tình hình.

Nghe Tạ Dung Dữ giải thích xong, Lý thục lạnh lùng đáp trả: “Quan phủ Giang Lưu mời cao nhân đến, hôm nay lão phu chịu thua một nước, rơi vào trong tay các người, lão phu xin nhận, các người muốn chém giết lăng trì, xin mời tự nhiên!”

Vừa dứt lời, đã có hai người từ bên kia cánh rừng rảo bước tới, một người trong số đó chống gậy gỗ. Ấy là vợ chồng Trương gia, họ vẫn chưa rời khỏi.

Khi đến gần, hai người dìu nhau vái lạy Tạ Lang: “Quan gia, van ngài rủ lòng khoan dung độ lượng tha cho Lý đại ca. Lý đại ca không phải kẻ trộm, ban nãy thảo dân đã nghĩ rõ rồi, Lý đại ca trộm đồ của trường, đều chỉ vì… đều chỉ vì chúng tôi!”

Thấy thế, Lý thúc lại nói: “Ôi huynh đệ Trương gia, muội muội Trương gia, hai người đứng lên đi! Việc gì phải năn nỉ quan phủ, quan phủ xưa này đều phục tùng quý nhân, thông đồng với bọn quyền quý làm chuyện xấu, ai đâu nghe dân đen cầu tình?”

Tạ Lang nghe được câu ấy thì bực bội, con người hắn sống thanh liêm, xử án luôn công bằng xác đáng, không a dua xu nịnh ai, cả giận bảo: “Túc hạ đã ăn trộm ăn cắp lại còn hắt nước bẩn lên người quan phủ hả?!”

“Đâu phải khi không mà lão phu nói vậy. Lão phu hỏi ngươi, trước cuối năm nay, quan phủ Giang Lưu có từng nhận được thư cáo trạng Lâm Cư Vưu, thầy Lâm của hiệu sách Thư Nùng cậy thế hiếp người hay không?”

Việc này…

Tạ Lang là Thôi quan Giang Lưu, phàm vụ nào qua tay là nhớ rõ mười mươi, trong ấn tượng của hắn, hắn chưa bao giờ đọc bức thư cáo trạng nào như vậy cả.

Song trước khi thư cáo trạng được đưa tới tay Thôi quan, sẽ có Lục sự giúp xét qua một lần; nếu thư không quá nhiều, quan phủ lại bận không có thời gian thì những vụ cãi cọ vặt vãnh không cần thiết phải đem lên công đường.

(Lục sự: chức quan thời xưa, làm công việc ghi chép.)

Tạ Lang nhìn sang Lục sự đứng bên.

Lục sự nhớ ra rồi, chắp tay đáp lời: “Đúng là có thư cáo trạng như thế, kiện Lâm Cư Vưu cậy thế hiếp người, ví dụ như có nhà họ Trương nọ mở hàng bán rượu nước, thì chính thầy Lâm giới thiệu người ta đi sang hàng rượu nước bán ngay bên cạnh; hoặc người nhà này nhờ đại phu về xem bệnh, thầy Lâm lại thọc gậy bánh xe, mời đại phu tới trước; nói chung hễ người nhà này làm cái gì là ông ta phải cản trở bằng được… Hạ quan đọc kỹ thư cáo trạng đấy rồi, cũng đã âm thầm điều tra, nhưng do đơn kiện toàn viết những điều lông gà vỏ tỏi: giới thiệu khách hàng đến tiệm rượu khác, chi nhiều tiền mời đại phu đều không phải hành vi phạm luật; thêm Lâm Cư Vưu chưa từng xỉ vả chửi bới sau lưng nhà họ Trương, nên hạ quan cho là không cần phải đem lên công đường giải quyết, nên mới cho qua thư cáo trạng ấy luôn.”

“Bỏ qua? Lão phu gửi đơn kiện những ba lần! Lần cuối cùng đã ghi rõ thù riêng giữa Lâm Cư Vưu và nhà họ Trương, các ngươi có đoái hoài đến không? Không hề!”

Tạ Lang khẽ nhíu mày: “Thù riêng gì?”

Lục sự nói: “Bẩm đại nhân, thù riêng ấy thuộc vào việc nhà, nên quan phủ càng không tiện trỏ tay. Sự tình như sau: Thầy Lâm của hiệu sách Thu Nùng, tức là Lâm Cư Vưu…”

Hóa ra thời trẻ Lâm Cư Vưu nghèo khổ bần hàn, năm mười bảy tuổi cưới người gái lớn nhà họ Trương ở làng láng giềng, tức Trương thị.

Sau khi cưới vợ, hắn vẫn khổ công dùi mài sách vở; cuối cùng đỗ đạt tú tài, khăn gói lên huyện xa học hành, Trương thị ở nhà đợi hắn về.

Ngờ đâu đi chuyến này, Trương thị đợi mãi chẳng thấy người về. Mười năm đằng đẵng trôi qua, Lâm Cư Vưu bặt âm tin tức, người nhà dưới quê đều tưởng hắn đã chết bên người. Suốt mười năm ròng, Trương thị giúp hắn chăm nom người cha mẹ mắc bệnh nặng, lo việc ma chay cho hai cụ, trong lúc ấy còn nhờ người ta gửi biết bao thư từ cho Lâm Cư Vưu, mà Lâm Cư Vưu chẳng có lấy một lần hồi âm.

Trương thị ở góa, có dịp nọ lên huyện mua rượu cho cha, gặp được Trương Tứ ca bán hàng rượu. Con người Trương Tứ ca chất phác thật thà, chỉ vì cái chân bị tật, sợ làm dở dang con gái người ta nên mãi chưa lấy vợ.

Trương thị và Trương Tứ ca gặp nhau, hai người tâm đầu ý hợp, Trương Tứ ca không để bụng chuyện Trương thị là quả phụ, không lâu sau đã rước thị về nhà.

Lúc Trương thị về làm vợ Lâm Cư Vưu, hắn đã thi đỗ ngay tú tài; khi lấy Trương Tứ ca, việc bán buôn của hàng rượu lập tức phát đạt hẳn.

Mấy năm sau, có người dân từ Trung Châu về, kể cho vợ chồng Trương gia nghe những điều tận mắt chứng kiến ở nơi quê người đất khách, rằng chốn Giang Lưu phồn hoa nhường nào, đồ hàng Giang Lưu quý hiếm ra sao; còn kể đại phu Giang Lưu y thuật cao siêu, trị bệnh tài tình, chứng bệnh khó nhằn oái oăm gì cũng trị được tuốt.

Từ sau khi cưới, Trương Tứ ca và Trương thị sống với nhau êm đềm yên thắm, chỉ có việc đi đứng là ngày càng bất tiện. Hai vợ chồng bèn bàn bạc với nhau, quyết định đóng luôn tiệm rượu, đến Giang Lưu mở cửa hàng khác, vừa buôn bán vừa cầu thầy chữa chạy.

Ai ngờ sau khi Trương thị đến Giang Nam, có hôm đang trông quầy hàng, bỗng dưng gặp pải chồng trước là Lâm Cư Vưu tới mua rượu.

Hóa ra không phải Lâm Cư Vưu đã chết, hắn lên huyện đi học chưa được bao lâu, thì gặp một lão tiên sinh quen biết rộng ở quan phủ.

Lão tiên sinh còn có một cô con gái bé, nhỏ hơn Lâm Cư Vưu ba tuổi.

Lâm Cư Vưu tự biết mình tư chất bình thường, chỉ dựa vào bản thân thì đến khi nào mới bật lên thành công? Đúng khi này, hắn nhận được thư của Trương thị, viết rằng cha mẹ hắn lâm bệnh nặng, xin hắn khẩn trương trở về.

Vốn Lâm Cư Vưu muốn cáo biệt lão tiên sinh rồi về quê, lão tiên sinh lại bảo với Lâm Cư Vưu rằng sẽ đưa theo người nhà chuyển đến Giang Lưu, dịp này chia tay chẳng biết lúc nào mới gặp lại, dặn hắn ngày sau nhớ giữ gìn sức khỏe; con gái lão tiên sinh nhìn Lâm Cư Vưu, chỉ rưng rưng chực khóc đầy bịn rịn.

Lựa chọn thiện hay ác chỉ mất một ý nghĩ ngắn ngủi.

Lâm Cưu Vưu chợt hạ quyết tâm, hai gối quỳ sụp xuống, câu nói vừa thốt khỏi miệng lại chuyển thành lời thưa khẩn khoản: cha mẹ đã sớm nhắm mắt xuôi tay, kể từ hôm nay, chỉ mong được phụng dưỡng lão tiên sinh cho đến mãi mãi về sau.

Ban đầu Lâm Cư Vưu không phải tên Lâm Cư Vưu, vì lão tiên sinh thương cảnh hắn không cha không mẹ trơ trọi bơ vơ, mới đổi cho hắn theo họ Lâm của mình, đặt tên Cư Vưu, còn chuyển hộ khẩu của hắn vào dưới tên mình.

Lâm Cư Vưu đến Giang Lưu, quyết tâm phải cắt đứt hoàn toàn với quá khứ. Nhưng hắn không cưới con gái nhỏ của lão tiên sinh mà đi lấy cô thiên kim nhà quan thất phẩm.

Nguyên quan gia thất phẩm định trải đường cho hắn, tiếc thay lòng dạ Lâm Cư Vưu vốn đã chứa tạp niệm, được chiêm ngưỡng chốn Giang Lưu sầm uất phồn thịnh, nào còn tĩnh tâm chịu khó học hành? Thậm chí mỗi công danh cử nhân thôi cũng thi rớt năm lần bảy lượt, quan gia thất phẩm buộc lòng để hắn theo chân Chu lão tiên sinh, lại mượn danh Chu lão tiên sinh cho hắn làm ở hiệu sách, do đó mà người ngoài nhìn hắn ít nhiều cũng sẽ gọi một tiếng “thầy”.

Lúc Lâm Cư Vưu gặp Trương thị ở hàng bán rượu, trong lòng sợ hãi không thôi, hắn lo Trương thị ghi hận hắn, vạch trần hết chuyện xấu của hắn xưa kia. Nếu để cha vợ biết chuyện này, bị tống cổ ra khỏi nhà là hẵng còn nhẹ.

Thế là Lâm Cư Vưu ôm lòng muốn ép vợ chồng Trương gia rời khỏi Giang Lưu. Trương gia buôn rượu bá n nước, hắn sẽ rỉ tai để người ta sang nhà khác uống rượu; khó khăn lắm Trương gia mới mời được danh y đến khám bệnh, hắn lại thọc gậy bỏ ra cả đống tiền mời danh y trước.

“Lão phu đến Giang Lưu, chịu ơn huệ của huynh đệ Trương gia, biết chuyện này, dĩ nhiên sẽ đứng lên bênh vực họ. Hồi loạn lạc lão phu cũng là hảo hán, cướp giàu cho nghèo, trọng nghĩa khinh tài chỉ là việc cỏn con. Tưởng đâu quan phủ Giang Lưu đạo đức trong sạch, mới đầu lão phu còn giúp đệ đơn theo quy trình, ai ngờ các ngươi không hề nhận! Huynh đệ Trương gia muốn nhân nhượng để an thân, nhưng lão phu thì không dễ để yên như thế! Lâm Cư Vưu vong ơn bội nghĩa, đến cả cha mẹ già bệnh nặng cũng đang tâm vứt bỏ, các người quen rồi, nhưng lão phu đây thấy rất gai mắt! Ngươi hỏi vì sao lão phu lại trộm đồ của các trường ư? Lão phu muốn xé to chuyện này đấy, chẳng phải Chu lão tiên sinh kia đức cao vọng trọng lắm hả? Hành Vân Sách đó chẳng phải là bảo bối của họ Lương gì kia sao? Lão phu trộm hết đồ của chúng đấy! Cho đến khi vụ mất trộm lan truyền để ai ai cũng biết, lão phu sẽ viết cả tội ác của họ Lâm thành bản cáo trạng, dán ở mọi ngóc đường lớn ngõ nhỏ của thành Giang Lưu, để mọi người biết thầy Lâm của hiệu sách Thư Nùng, tức học trò của Chu lão tiên sinh, rốt cuộc là hạng người thế nào!”

Nói ra hết, Lý thúc sảng khoải hẳn ra, cười ha hả nhạo báng. Khi tắt cười, lão nói tiếp: “Hôm nay các người bắt được ta thì sao, ta đã nhờ người chép bản cáo trạng rồi, sáng mai vào ngõ hẻm nào cũng sẽ nhìn thấy thôi. Ván này Lý mù lòa thắng đậm, đáng lắm!”

Lý mù lòa?

Nghe cái tên ấy, Thanh Duy ngạc nhiên vô cùng, nàng biết một người tên “Lý mù lòa”, đoạn bỏ mũ trùm đầu ra: “… Lý tiền bối?”

Nghe tiếng gọi, Lý mù lòa nhìn sang nữ tặc mới truy đuổi mình lúc nãy. Dưới ánh lửa chiếu rọi, dung nhan nữ tặc xinh tươi duyên dáng, song giữa nét mày lại ẩn giấu nét khí khái anh hùng.

Lý mù lòa đã lớn tuổi, trí nhớ không tốt, song khí độ quen thuộc nhường kia, lão chỉ từng được thấy ở duy nhất một người.

“Tiểu a đầu, Nhạc Xung núi Bách Dương… là gì của cô?”

Thanh Duy há miệng, không thốt nên lời.

Ấy là câu chuyện xưa nàng đã được nghe kể vô số lần, nhưng chưa từng tham dự.

Năm Hàm Hòa thứ ba mươi, Ôn Thiên lên kinh dự thi, tình cờ gặp Nhạc Hồng Anh ở Minh Châu. Khi ấy Nhạc Xung dẫn Nhạc thị núi Bách Dương đi tòng quân, vì muốn chứng minh bản thân, Nhạc Hồng Anh tự nguyện một mình đi bắt đạo tặc Lý mù lòa ở thành Minh Châu, về sau được Ôn Thiên cứu giúp, hai người kết duyên từ đó.

Có thể nói, sau này Ôn Thiên thành kiến trúc sư, Nhạc Hồng Anh thuận lợi tòng ngũ đều xuất phát từ đây.

“Ít nhiều gì cũng xem là một người đặc biệt. Ông ngoại con khuyên hắn cướp của giàu chia cho nghèo chung quy không phải chính đạo, hắn lại nói sống ở đời có một số việc không phải chỉ dựa vào mỗi một chữ “chính” là có thể giải quyết hết, chẳng phải thổ phỉ núi Bách Dương đi lên như vậy sao? Ít nhất cũng sẽ có người dần tốt lên dưới sự giúp đỡ của hắn. Vậy nên đúng hay là sai, đâu ai có thể phân rõ? Tóm lại ta không phân được, cũng lười nói rõ.” Sau này khi kể Thanh Duy nghe về Lý mù lòa, Nhạc Ngư Thất đã nói vậy.

Trong quầng lửa hừng hực, rốt cuộc Lý mù lòa cũng nhận ra người trước mặt là ai: “Cô là… Ôn Tiểu Dã? Nhạc Xung là ông ngoại cô, Ôn Thiên và Nhạc Hồng Anh là cha mẹ cô? Bảo sao công phu của cô tốt thế, tên Nhạc Ngư Thất kia dạy cô hết nhỉ.”

Thanh Duy gật đầu, giọng điệu kính trọng: “Không ngờ lại gặp tiền bối ở Giang Lưu.”

Lý mù lòa cả cười: “Bình sinh người Lý mù lòa ta tôn kính nhất chỉ có một, chính là Nhạc Xung núi Bách Dương! Nước sông gột rửa áo trắng, chiến trường vùi bạch cốt, ông ấy nói được làm được. Lần này được gặp con cháu của cố nhân, đáng, đáng lắm!”

Lão biết những việc mình làm suy cho cùng cũng không phải đường ngay lẽ thẳng, một đời hành hiệp trượng nghĩa rồi nhận lại kết quả như ngày hôm nay, chung quy cũng không tệ.

Lão không muốn làm Thanh Duy khó xử, duỗi hai tay ra: “Gông vào đi.”

Quan sai đắn đo nhìn Tạ Lang, Tạ Lang gật đầu.

Quan sai cầm cùm bước lên, đúng lúc này, xung quanh chợt nổi một trận gió lạ, lửa đương cháy bỗng tắt ngúm.

Một bóng người bất thình lình xuất hiện giữa chốn hoang vu như ma quỷ bước ra từ hư không, đáp nhẹ tênh xuống cạnh Lý mù lòa, chụp lấy vai lão, thì thầm: “Đi.” Dễ dàng dẫn lão thoát khỏi vòng vây của quan binh.

Quan binh toan đuổi theo, nhưng đâu còn nhìn thấy bóng dáng đạo tặc nữa?

Dù là người duy nhất có thể đuổi theo, nhưng Thanh Duy lại đứng bất động. Khi rời đi, bóng người kia lướt ngang qua nàng, nhét vào tay nàng một mảnh giấy.

Thanh Duy mở giấy ra xem, chữ viết trên đó quá đỗi quen thuộc.

“Hai nhà Ôn – Nhạc có thể kết duyên, tính ra cũng nhờ Lý mù lòa, lần này coi như sư phụ trả giúp cha con món nợ ân tình ấy.”

Bên dưới còn một dòng chữ nhỏ nữa, nét chữ nguệch ngoạc, dễ thấy là viết trong lúc vội vàng.

“Con bị bệnh cơ mà? Sao cứ suốt ngày lang thang thế, còn vậy nữa thì liệu hồn vi sư đánh gãy chân chó của con!”

Nhạc Ngư Thất biết chuyện sức khỏe nàng yếu đi trong chuyến đi vừa qua, bởi vì Tạ Dung Dữ từng viết thư hỏi ông tổ tiên Ôn thị, Nhạc thị có từng mắc phải chứng bệnh tương tự hay không.

Một người thích phiêu bạt giang hồ như Nhạc Ngư Thất, bao năm nay quen lối tự do tự tại, hay tin Tiểu Dã bị bệnh, đương nhiên sẽ đến Giang Lưu thăm nàng. Nào ngờ vừa đến Giang Lưu đã gặp cố nhân, rồi tiện thể cứu người ta luôn.

Hơn nửa năm trời Thanh Duy không gặp Nhạc Ngư Thất, biết ông đã đến Giang Lưu, cao giọng gọi: “Sư phụ —” Nàng đang tính đuổi theo, ngờ đâu chỉ vừa tụ khí dồn lực, bỗng dưng mắt hoa cả lên, chưa kịp trở tay thì chân đã mềm oặt, ngã vào lòng Tạ Dung Dữ hốt hoảng bước sang đỡ nàng, cuối cùng không còn biết trời trăng gì nữa.

“Lão phu dặn bao nhiêu lần là không được dụng võ, không được dụng võ, sao phu nhân lại không chịu nghe khuyên?”

“Bắt trộm là việc của quan phủ, đâu nhọc phu nhân phải động tay? Không nhịn được? Thế thì cứ việc trói lại!”

“Nếu có việc gì bất trắc, mỗi cái mạng quèn này của lão phu chẳng đền đủ đâu!”

Đại phu của Bảo An Đường nghe tin Chiêu vương phi ngất xỉu tại ngoại thành, lo lắng xách hòm thuốc chạy qua Tạ phủ. Đến Tạ phủ, nom người nửa nằm trên giường mặt mũi tái nhợt, không đợi bắt mạch, ông đã buông lời quở trách.

Tạ Dung Dữ nói: “Chuyện này là lỗi do ta.”

Đêm bắt trộm, Thanh Duy đòi đi theo xem, Tạ Dung Dữ biết không ngăn được nên đưa nàng đi cùng, cho rằng có y ở cạnh để mắt là đủ. Nhưng ra tới ngoại thành, đến khi Lý mù lòa cứu vợ chồng Trương thị, Thanh Duy khăng khăng bảo công phu của Lý mù lòa rất quen, chưa biết chừng là cố nhân, muốn thử tay một lần. Mà nàng rất cứng đầu, chỉ vừa dứt câu đã giơ tay tung chưởng về phía Lý mùa lòa. Chẳng đặng đừng, Tạ Dung Dữ và Tạ Lang mới xuất hiện ở phía kia con đường, ngăn chặn cuộc đấu giữa hai người.

Đức Vinh nói: “Đại phu đừng nói nữa, ông khám cho thiếu phu nhân trước đi.”

Bấy giờ đại phu mới sực nhận ra, trong cơn nóng ruột ông đã quở lây sang cả Tiểu Chiêu vương, không khỏi hết hồn hết vía; nhưng ông có nhiều kinh nghiệm, ngoài mặt vẫn gượng giữ vẻ nghiêm túc, vì vốn dĩ mời đại phu về xem bệnh, lời của đại phu là quan trọng nhất còn gì!

Ông ngồi xuống mép sạp, cách tấm mành bắt mạch cho Thanh Duy, Lần trước đến vẫn chưa quá rõ, lúc giống lúc không, ấy mà mới chỉ một hai hôm, mạch tượng đã rõ ràng rồi.

Ông bình tĩnh thu tay về: “Sức khỏe không có gì đáng ngại, khỏe mạnh lắm, nhưng…”

Mọi người trong phòng nín thở, đợi ông nói cho trọn câu.

Đại phu thở hắt một hơi: “Nhưng tôi không tự quyết được, các vị hãy mời y bà về đây.”

Mọi người ai nấy đều nghệt mặt ra, Đức Vinh lại hỏi: “Đại phu, vì sao phải mời y bà?”

“Vì sao? Các vị bảo xem vì sao? Lão phu là đàn ông, phu nhân có thai, chẳng lẽ lại mời lão phu khám à? Đương nhiên phải mời y bà rồi!”

Người trong phòng ngây ra như phỗng.

“Ông nói gì?” Thanh Duy hất chăn ngồi bật dậy.

Đại phu thần bí vuốt râu dài.

Tạ Dung Dữ ngơ ngác hỏi: “Ý đại phu là… nương tử nhà ta… có thai?”

Tiểu Chiêu vương đích thân hỏi, hiển nhiên phải trả lời rồi, đại phu đứng dậy, kính cẩn vái lạy Tạ Dung Dữ: “Bẩm công tử, người mang thai ban đầu sẽ gặp các triệu chứng khác nhau, thể hiện qua mạch thượng, thông thường phải đủ tháng mới chẩn đoán ra được. Trước đây phu nhân gặp những chứng suy nhược, chóng mặt, nhìn chung là do việc mang thai gây nên. Tuy nhiên tuổi thai chưa đầy một tháng, mạch đập khỏe và có lực, nên đại phu lúc trước mới tưởng do hậu di chứng từ vết thương cũ. Mà nay phu nhân đã có thai hơn một tháng, tại hạ mới dám kết luận.” Nói đoạn, ông lần nữa cúi đầu: “Xin chúc mừng công tử.”

Nghe đại phu nói xong, Tạ Dung Dữ như đứng giữa làn gió trong lành ấm áp, mãi một lúc lâu vẫn chẳng thể nói nổi thành lời. Bao năm nay y và Tiểu Dã chu du khắp mọi miền non sông, thấy nàng thích tự do thoải mái nên chưa lần nào đề cập đến việc mình muốn có một đứa con, sợ điều đó sẽ trói buộc nàng. Chỉ là trong lòng y vẫn cứ ấp ủ, rồi đến một ngày, sẽ thế nào khi được dõi nhìn một tiểu cô nương giống Tiểu Dã, hay một tiểu công tử tự tại như Tiểu Dã khôn lớn trưởng thành.

Gió thoảng qua mặt, Tạ Dung Dữ bừng tỉnh trong cơn gió, bỗng nói: “Đức Vinh.”

“Công tử.”

“Khéo trời lạnh, chuẩn bị bình ủ nóng cho Tiểu Dã!”

Cuối tháng ba, thành Giang Lưu trăm hoa đua nở, Thanh Duy chầm chậm dạo bước bên bờ sông, bỗng nghe được tiếng ồn từ con phố gần bên đưa tới.

Nàng nảy lòng hiếu kỳ, cất bước qua xem, trông thấy một người đàn ông tóc tai rối bù, mặt mày bẩn thỉu ôm một chồng sách, bị người ta đẩy ra khỏi một dinh thự nọ.

Tên coi cửa làm như chỉ nhìn gã một cái thôi cũng sẽ xúi quẩy: “Biến biến biến, lão gia nhà ta đã có lời, tuyệt không mời hạng thầy đồ như ngươi!”

Có người lắm chuyện lân la đến hỏi han, quanh đó có người giải thích: “Đó là thầy đồ của hiệu sách Thư Nùng hồi trước, tên Lâm Cư Vưu, sau khi chuyện của hắn truyền khắp nơi, bà vợ nhà đòi hủy hôn, cha vợ coi như không quen không biết, Chu lão tiên sinh trục xuất hắn khỏi trường. Hắn không có cơm ăn, phải ra ngoài tìm việc mà làm, bị đuổi ra đấy.”

Người hóng hớt nghe xong bảo: “Ra là hắn à, đáng đời cái phường ấy!”

“Chứ sao!”

Thanh Duy làm bộ đi ngang qua, đứng một lúc giữa đám đông xì xào rồi tiếp tục quay về nơi bờ sông rực sắc hoa.

Bước chân của nàng rõ ràng vui vẻ hơn, làm Lưu Phương và Trú Vân ở đằng sau hớt hải đuổi theo: “Thiếu phu nhân từ từ thôi, công tử dặn rồi, người phải đi chậm thôi.”

Thanh Duy nhủ thầm trong bụng, kệ chàng chứ, con đường phía trước hoa nở thắm tươi.

Nàng chỉ việc tiến về phía trước, cần chi phải nghĩ cho nhiều.

Truyện Chữ Hay