Thánh Tuyền Tầm Tung

chương 10: hành trình đến nước mỹ

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Dịch giả: gaygioxuong

Trong lúc rảnh rỗi, tôi kể lại toàn bộ quá trình làm sao lại tiếp nhận "Nhất Nguyên Trai" cho Răng Vàng nghe. Hắn nghe say sưa đến mức hai mắt mở thao láo, không ngừng tấm tắc khen kỳ lạ. Những đồ cổ, bí quyết hay truyền thuyết kỳ lạ, thậm chí cả những mối quan hệ chằng chéo rây mơ dễ má giữa các thế lực, hắn hầu như đều có thể giải thích tường tận từng cái một bằng những điển cố. Thế nhưng, căn cứ vào những gì tôi biết về hắn, có thể nói đại đa phần đều là do hắn bịa ra ngay tại trận, chỉ vì muốn khoe khoang học vấn trước mặt tôi.

"Nếu đúng như thế, ông anh Hồ định ở lại trong nước phát triển, không ra nước ngoài?" Răng Vàng nuốt nước bọt, ngắm đi nghía lại đống đồ cổ trong cửa hàng của tôi, sau đó mặt trơ trán bóng nói: "Nhưng ông anh cứ yên tâm, thằng em này đã đến đây rồi thì dù có thế nào cũng không thể bỏ mặc ông anh cho được. Sau này hai anh em ta sẽ dồn hết tâm trí vào cửa hàng của ông anh. Ông anh có gì cần sai phái, không cần biết là núi đao hay biển lửa, chỉ cần quản lý anh nói một tiếng, thằng em sẽ nhắm mắt nhảy vào đó luôn, ngay cả rắm cũng sẽ không đánh một cái."

Tôi bảo hắn đừng có vội thề thốt, rồi phân tích tình hình cách mạng đang nguy cấp cho hắn nghe một lần: "Cây Sào là một kẻ khác người, sẽ là một mối uy hiếp nghiêm trọng đối với chúng ta. Mặc dù không biết hắn toan tính điều gì, nhưng kẻ này lòng dạ thâm sâu, sẽ không dễ dàng từ bỏ ý đồ. Chúng ta phải quán triệt chỉ thị của Mao Chủ Tịch: không cần để ý tới chiến lược, chỉ cần coi trọng chiến thuật của kẻ địch. Không thể để cho hắn có cơ hội để xoay chuyển. Còn có một việc, thật ra hai ngày nữa tôi sẽ đi Mỹ một chuyến, thủ tục đã làm xong từ trước rồi, chỉ còn chờ ông đến tiếp nhận việc làm ăn trong cửa hàng."

Răng Vàng nghe thấy tôi muốn giao việc kinh doanh của cửa hàng cho mình gánh vác một khoảng thời gian, cười tít mắt thành hai đường chỉ, hận không thể ôm lấy tôi hôn vài cái: "Ối chao ơi, ông anh thân thiết của tôi ơi! Mối thâm tình này sâu biết bao, thế, thế, thế này,... Ối chao ơi, thằng em đây khóc một lúc, ông anh đừng cản, đừng có cản thằng em." Nói xong, hắn gục luôn xuống bàn, khóc thút thít. Tôi thừa biết hành động này của hắn ít nhiều có phần đóng kịch trong đó, nhưng đã đợi ở Nam Kinh lâu như vậy, đến hôm nay mới lần đầu tiên gặp được người quen, thực sự không có lòng nào vạch trần cái trò mèo này của hắn.

Tôi còn định nói cho Răng Vàng biết, chủ định ban đầu là gọi Tuyền béo về quản lý cửa hàng. Tuy nhiên, đồng chí Vương Khải Tuyền vừa mới nghe tôi nói muốn đi sang Mỹ tìm Shirley Dương, lập tức giãy nảy lên đòi đi cùng. Cậu ta nói, dù thế nào đi chăng nữa, việc gì cũng không thể nào quan trọng bằng việc uống rượu mừng của tôi. Tôi bảo với Tuyền béo, việc này ngay cả bát tự còn không chưa có phết nét nào lên giấy, cái mồm thối của cậu đừng có nói gở. Tuyền béo vặc lại, bảo rằng cùng lắm thì ép hôn, vừa khéo được xem hôn lễ người Mỹ được tổ chức như thế nào, có phải là cũng phải nháo động phòng hay không. Tôi thấy nếu cứ tiếp tục thảo luận cái đề tài này thì sẽ dần phát triển theo chiều hướng dung tục mất, vì vậy vội chấm dứt đề tài, hẹn cậu ta một tuần sau gặp nhau ở sân bay Washington.

Xem Bát Tự là viết tên tuổi ra rồi bói giống như bói ngày sinh tháng đẻ, mạng,... của người Việt ta để xem có hợp nhau hay không

Vào thời kỳ đó, để mua được vé máy bay đi nước ngoài là việc vô cùng khó khăn, chỉ có tiền không được, còn phải có văn bản đồng ý của bên trên. Shirley Dương làm chuyên viên tại bảo tàng quốc gia Mỹ, nghe nói tôi muốn qua đó thì nhiệt liệt hoan nghênh. Cô gửi từ bên Mỹ về cho tôi một văn bản chứng nhận, trong đó xác nhận tôi là chuyên gia khảo cổ dân gian, lần này xuất ngoại là để giảng dạy cho viện bảo tàng, xúc tiến trao đổi văn hóa Trung Mỹ. Nhờ có văn bản này, tôi thuận lợi lấy được hộ chiếu ngắn hạn, tiến hành khúc dạo nhạc của hành trình sang nước Mỹ.

Trước khi xuất ngoại, tôi ra bưu điện gọi điện thoại sang chi nhánh "Nhất Nguyên Trai" ở bên Mỹ. Người phụ trách bên đó tên là Tiết Nhất Côn, là anh em kết nghĩa của ông cụ Tang. Vừa nghe tôi nói sắp qua bên đó, thiếu chút nữa là ông đã khóc rống lên trong điện thoại, dặn tôi trước khi qua bên này muôn vàn lần phải nhớ mang theo cả bình đựng tro cốt của ông cụ sang, để cho từ già đến trẻ bên phố Tàu có di vật để hương khói. Tôi trả lời rằng, ông cụ Tang tương đối bảo thủ, sau khi chết không chịu nhập thổ, giờ đành phải dùng viên bảo châu "Hổ Uy" để ướp xác cho ông cụ, thi thể tạm thời cất giữ trong kho chứa tiền của Nhất Nguyên Trai, không tiện chuyển ra nước ngoài, sợ hải quan sẽ buộc tội vận chuyển xác ướp rồi bắt giữ lại. Nghe thấy vậy, ông chú Tiết lại bắt đầu khóc rống lên, bảo rằng vậy thì chỉ cần cầm sang một hai cái quần áo mà ông cụ thường mặc, để cho bên họ chôn quần áo và di vật làm thành mộ giả cũng được. Tôi lập tức đồng ý. Trước khi chuẩn bị đi, tôi lại vào kho lạy ông cụ Tang vài cái, lấy một chiếc áo lót của ông cụ nhét vào ba lô.

Răng Vàng nằng nặc đi tận tới sân bay Thượng Hải để tiễn chân tôi. Tôi bảo ông còn phải phụ trách việc kinh doanh trong cửa hàng nữa cơ mà? Hắn nói nghỉ hai ngày không sao. Lần này tôi đi, ít thì hai ba tháng, nhiều thì một năm nửa năm. Lỡ như sau này ở lại bên đó lấy vợ sinh con trở thành Hoa kiều, đến khi đó anh em ta muốn thấy mặt nhau một lần thì lại phải làm đủ mọi thủ tục cấp nhà nước rầy rà. Chi bằng, đã làm thì làm cho chót, hắn sẽ đồng hành với tôi tới Thượng Hải một chuyến.

Tôi thầm nhủ, anh không để cho đồ đạc trong cửa hàng bị cuốn sạch thì tôi đã cám ơn lắm rồi. Hai người tán dóc trên trời dưới biển cho tới tận Thượng Hải. Theo đúng hành trình, tôi sẽ lên chuyến bay đêm bay thẳng tới Hồng Kông, sau đó sẽ transit ở bên đó. Không ngờ đột nhiên xảy ra sương mù dày đặc làm chuyến bay bị hoãn lại. Tôi và Răng Vàng mặc áo ba đờ xuy dày cộp của quân đội, ngồi trong phòng chờ máy bay để chờ tin tức. Hắn ôm phích nước nóng, cười tủm tỉm nói: "Thế nào, quản lý? Lần này chắc ta tốn công vô ích rồi. Ông xem, sương mù đặc quánh lại, không thể đoán trước được là sẽ hoãn lại bao lâu. Hai anh em chúng ta nói chuyện phiếm một chút, coi như để giết thời gian."

Tôi rút kinh nghiệm từ bài học chờ xe ở Nam Kinh lần trước, có các vàng cũng không dám đi lại lung tung nữa, vừa uống nước nóng vừa chờ tin tức của công ty hàng không. Sau nửa đêm, nào ngờ sương mù càng lúc càng dày đặc, rất nhiều hành khách đều đồng loạt yêu cầu trả lại vé. Cái loa to tổ bố không ngừng ông ổng "Đề nghị các vị hành khách giữ yên lặng, đề nghị các vị hành khách giữ yên lặng", không khí trong phòng chờ máy bay bắt đầu trở nên hơi căng thẳng.

Răng Vàng muốn chen lên đằng trước xem cho rõ, tôi bảo mình hơi mệt, muốn ngủ một giấc. Đầu gối lên ba lô chưa được năm phút đồng hồ, tôi đã bị Răng Vàng lay tỉnh.

"Lão Hồ, ông mau ngó cái này xem, có phải là nhìn rất quen mắt hay không?" Răng Vàng hưng phấn, tay phất đi phất lại vật gì đó. Sau đó, giống như sợ bị người nhìn thấy, hắn nhanh chóng nhét nó vào trong áo bông quân đội của mình.

Tôi bảo giấu cứ như mèo giấu cứt, ông giấu kín như thế tôi ngó cái rắm ấy! Hắn vội vàng xin lỗi, nói mình quá hưng phấn, quá kích động mất rồi. Thấy hắn nói năng không ăn nhập vào đâu, tôi đoán thằng ranh này có lẽ đã nhặt được đôla. Không ngờ vật mà hắn lôi từ trong túi ngực áo ra lại là một bản vẽ. Vừa mới lộ ra một góc nhỏ, tôi đã nhận ra đó là cái gì. Thứ mà Răng Vàng giấu trong túi ngực hóa ra là một bản vẽ thiết kế xẻng Lạc Dương.

Tục ngữ nói rất chính xác, không có mũi khoan thép tinh ai dám sống bằng nghề sành sứ. Một dụng cụ thuận tay chẳng khác gì ông bạn già đã hợp tác nhiều năm, giữa nghệ nhân và dụng cụ thuận tay có sự ăn ý khó tả bằng lời. Tôn Ngộ Không múa Kim Cô Bổng, Quan Nhị Gia sử Yển Nguyệt Đao, giải phóng quân cầm Nhị Bát Cống, trộm mộ vác xẻng Lạc Dương. Ăn cơm gì dùng chén đó, không thể sai lệch một chút nào. Trước đây, tôi và Tuyền béo vẫn luôn muốn mua hai chiếc xẻng Lạc Dương chính cống để sử dụng, còn cất công tìm đến tận xưởng chế tạo để hỏi mua, đáng tiếc người bán xẻng không thèm nể nang gì hai cái lệnh bài rách nát của chúng tôi. Ông lão gàn dở bán xẻng bảo rằng, tổ tiên có quy định, bảo bối của nhà chỉ cung cấp cho chính chủ. Đối với tầng lớp thường dân giống chúng tôi, cho dù có trả cả một núi vàng ông ta cũng không bán. Lúc ấy, Tuyền béo chỉ chực phá sập xưởng của người ta, mắng họ là chó giữ nhà của lũ tư bản. Tôi khuyên can, giữ được phương thức chế tạo xẻng Lạc Dương, khắp cả thiên hạ chỉ còn mỗi nhà này. Nếu cậu đánh chết ông ta, sau này xẻng Lạc Dương sẽ giống như gấu trúc vậy, bị liệt vào hàng ngũ hoá thạch sống, là báu vật của quốc gia, chỉ có thể chiêm ngưỡng chúng ở trong các viện bảo tàng. Sau khi nghe nói vậy, Tuyền béo cảm thấy hết sức có lý, cuối cùng buông tha cho việc trừng phạt bằng hình thức quân sự đối với cái xưởng nhỏ đó. Tuy nhiên, trước khi ra về, cậu ta cuỗm của người ta hai con gà mái, bảo rằng trừng phạt về mặt kinh tế thì vẫn phải tiến hành.

Bản vẽ trước mặt tôi, có thể nói là không thiếu sót một chi tiết nào. Không chỉ chính xác về phương diện lắp ráp tất cả các bộ phận của xẻng Lạc Dương, ngay cả tỉ lệ phối hợp kim loại, nhiệt độ của nước, yêu cầu về chất nước lúc chế tạo đều được ghi lại tỉ mỉ. Có được bản vẽ này, chúng tôi hoàn toàn có thể mở một cửa hàng bán xẻng Lạc Dương, truyền bá nhãn hiệu mặt hàng dân tộc này ra quốc tế.

Tôi hỏi hắn: "Ông kiếm được thứ này từ đâu ra?" Răng Vàng cười không ngậm được miệng, kín đáo chỉ vào đám người đông như thủy triều trước quầy vé, đáp: "Nhặt được. Hắc hắc hắc hắc, ông đừng có nghi ngờ lung tung, nhặt được đấy."

Vô duyên vô cớ nhặt được bản vẽ chế tạo xẻng Lạc Dương, xác xuất xảy ra việc này còn thấp hơn cả việc nhặt được đôla giữa ban ngày ban mặt. Tôi bảo, ông đừng có gạt tôi, kiếm ở đâu ra. Răng Vàng kéo tôi ngồi sát vào trong góc: "Quản lý nói nhỏ giọng một chút, đừng để người khác nghe thấy. Tôi đoán, chắc mấy kẻ kia đang lùng sục khắp cả thế giới tìm bản vẽ này. Vừa rồi chẳng phải tôi chen lên đằng trước xem náo nhiệt hay sao? Có mấy thanh niên mặc đồ đen chen lấn bằng được lên chỗ bàn giao dịch. Kẻ dẫn đầu bảo rằng bọn chúng phải bắt kịp chuyến bay này, nếu lỡ sẽ làm chậm trễ chuyện lớn. Tiếp viên trả lời không bắt bẻ vào đâu được, mấy cô gái đó bảo rằng: Việc có gấp gáp đến mấy, cũng chẳng thể quan trọng bằng mạng người! Trên trời sương mù dày đặc như vậy, các anh không muốn sống thì thôi, nhân viên đội bay chúng tôi đâu có muốn chết cùng các anh? Hố hố, ông thấy câu nói này nghe có tuyệt không. Có một kẻ không kìm được giận, ra tay đánh người, bị bảo vệ khống chế. Trong lúc hai nhóm người xô xô đẩy đẩy, có một cô gái mặc đồ đen bị ngã lăn ra xuống đất. Bản vẽ này đã rơi ở trong cặp công văn của cô ta ra. Rất may là mắt tôi sắc bén, vừa nhìn đã nhận ra là của hiếm. Cô nàng còn chưa phát hiện ra, tôi đã lượm bản vẽ đi mất rồi. Ông nhìn mà xem, đây là bản vẽ chi tiết, là duy nhất trên đời này đấy!"

Công nghệ chế tạo xẻng Lạc Dương luôn là bí mật gia truyền của một nhà độc nhất. Ông lão gàn dở đã nói nhà ông ta kế nghiệp cha từ đời này sang đời khác, chỉ truyền dạy bằng miệng, truyền nam không truyền nữ. Nhưng trước mặt tôi lại là một bản vẽ chi tiết các công đoạn chế tạo, chẳng lẽ ông lão gàn dở kia đã không giữ được khí tiết tuổi già, đã bán cả tổ tiên nhà mình đi?

"Theo tôi thấy, mấy kẻ mặc đồ đen đó tuyệt đối không phải hạng lương thiện. Chúng mang theo một bản vẽ như vậy, còn muốn xuất ngoại, đảm bảo là muốn ra nước ngoài tiến hành một vụ làm ăn lớn. Quản lý, chúng ta có nên trả lại món đồ này, sau đó thương lượng với bọn chúng một phen để gia nhập một chân hay không?"

Tôi đáp: "Ông nằm mơ giữa ban ngày hả! Nếu đúng thật như ông đã nói, sau khi bản vẽ về lại đến tay, việc đầu tiên mà bọn chúng làm chính là thủ tiêu ông..." Đang nói, mấy tên đàn ông trung niên mặc đồ đen hùng hổ chạy tới, vây tôi và Răng Vàng vào giữa.

"Hả, không biết các vị muốn gì?" Răng Vàng kín đáo đưa bản vẽ cho tôi, sau đó chắp tay nói với tên đàn ông trung niên cầm đầu, "Vị này tướng mạo rất tốt đây, ông xem này..." Đối phương chẳng thèm liếc nhìn hắn lấy một cái, cộc cằn hỏi tôi: "Mất món vật, không biết chú em có nhìn thấy đâu không?"

Tôi thấy thái độ của y không giống như đang thăm dò, có lẽ chỉ thử vận may tìm tới hai người chúng tôi, bèn trả lời y: "Đáng tiếc, vừa rồi tôi ngủ gà ngủ gật suốt, e rằng không giúp đỡ được gì." Tôi ngáp một cái, bảo Răng Vàng khi nào người ta gọi lên máy bay thì nhớ đánh thức tôi, sau đó quấn chiếc áo ba đờ xuy lại rồi nằm xuống ghế băng dài ngủ luôn. Chưa đến vài phút, tiếng bước chân đã dần đi xa, tôi tiếp tục nhắm mắt lại giả vờ ngủ. Răng Vàng ghé sát vào đầu tôi, thì thầm nói: "Hồ gia, ông anh quá tuyệt! Mấy thằng cháu trai không nhảm nhí nói thêm bất cứ câu gì đã bỏ đi ngay rồi." Tôi hé mắt nhìn thoáng qua, phát hiện bọn chúng đang chặn một người trong góc tường để hỏi thăm, bèn bảo với Răng Vàng: "Vật đó dù sao cũng không phải của chúng ta, giữ nó chỉ tổ phỏng tay, lát nữa tìm cơ hội vứt nó đi. Chúng ta coi như không biết gì về chuyện này." Răng Vàng nói: "Không nên, món đồ quý hiếm như vậy mà ném đi thì rất đáng tiếc, bên ngoài có rất nhiều người muốn thu mua. Quản lý, nếu ông anh cảm thấy phiền toái, việc này cứ giao cả cho thằng em."

Tôi bảo: Thứ nhất, tôi đã đáp ứng Shirley Dương sẽ không bao giờ làm Mô Kim Giáo Úy nữa, có xẻng Lạc Dương cũng chẳng có tác dụng gì; Thứ hai, nếu ông bán bản vẽ đó ra ngoài, rất khó nói sau này người ta có tìm tới tận cửa không. Chúng ta thêm một chuyện không bằng bớt một chuyện, thẳng tay ném nó đi là xong chuyện. Răng Vàng nghe tôi phân tích như vậy, tuy tiếc đứt ruột vì miếng ăn đã dâng tận miệng, nhưng thực sự không dám mang đầu mình ra đánh bạc. Tranh thủ lúc đi toa-lét, tôi ném bản vẽ vào thùng rác, khi quay trở lại thì cũng vừa đúng lúc bắt đầu soát vé. Răng Vàng chấm nước mắt lưu luyến chia tay tôi, nhắc tôi khi qua đến bên đó nhất định phải cho gọi điện thoại báo cho hắn biết.

Thời niên thiếu, tôi cháy bỏng ước muốn trở thành một chiến sỹ không quân quang vinh, có ngờ đâu, lần đầu đi lên máy bay lại thuộc về hàng không dân dụng, cảm giác hẫng hụt xác thực là tương đối sâu sắc. Nhưng khi trời xanh mây trắng tổ quốc tốt non sông thu hết vào mắt, cũng vẫn có thể coi là một loại hưởng thụ, chẳng bao lâu sau tôi đã quên phắt nỗi muộn phiền nho nhỏ trong lòng đó. Lúc này, bỗng nhiên phía sau tôi có người cộc cằn gọi tiếp viên phục vụ trà. Tôi ngoái lại nhìn, quả nhiên là mấy kẻ mặc đồ đen đã gặp ở phòng chờ. Nhóm sáu người bọn chúng chiếm ba hàng ghế. Con nhóc đã làm mất bản vẽ, lúc này mặt mũi sưng lên, cực kỳ cau có. Tôi thầm nhủ, thêm một chuyện không bằng bớt một chuyện, đừng để bọn chúng nhận ra, nếu không lại phí nước bọt giải thích, vậy là lấy báo phủ che kín mặt luôn, nằm ngáy o o.

Bức bối cả một đêm, đến buổi chiều ngày hôm sau, cuối cùng tôi cũng thuận lợi đặt chân lên nước Mỹ. Vừa xuống máy bay, tôi đã thấy trong phòng làm thủ tục nhập cảnh huyên náo tiếng người, bạn bè quốc tế với các màu da khác nhau qua lại như con thoi. Tôi nhủ thầm, giờ đến địa bàn của người ta, mình thành ra là người nước ngoài theo đúng nghĩa của nó. Tôi lục lọi lấy ra quyển 'Người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài cần biết', định tìm số điện thoại hỏi đường, chợt trông thấy bên rìa đại sảnh có một tấm biểu ngữ to tướng, bên trên viết mấy chữ lấp lánh to tổ chảng bằng tiếng Trung 'Nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí Hồ Bát Nhất đến Mỹ thị sát công việc'. Bên dưới biểu ngữ có khoảng mười người đang nghển cổ nhìn đi nhìn lại khắp bốn phía, còn có hai cô bạn nhỏ mặc váy hoa ôm hoa tươi đứng cùng với vẻ mặt mong ngóng. Hành khách đi ngang qua, không ai là không dừng lại nhìn ngó một lúc. Tôi lập tức cảm thấy hết sức xấu hổ, hận không thể đào một cái lỗ để chui vào cho rảnh nợ. Đương lúc tôi nghĩ ngợi xem ai lại làm ra cái trò nhàm chán như vậy, có một người nói oang oang: "Chính là anh ta, Hồ Bát Nhất, anh ta đến rồi!" Tôi đang cảm thấy giọng nói này sao lại có vẻ quen tai đến thế, chợt thấy một người béo ục ịch mặc áo khoác da dẫn theo cả một đoàn người đông đảo túm tụm đi về phía tôi. Tôi biết ngay mà, dưới gầm trời này, ngoài Tuyền béo ra còn có ai dám lôi tôi ra làm trò tiêu khiển như vậy. Tôi đấm vào lưng cậu ta: "Tên béo chết bầm, thằng ranh nhà cậu sao lại tới trước thế?"

Tuyền béo cười hì hì, cũng đấm trả lại tôi một cú vào bả vai: "Lão Hồ, lần này tốc độ cậu quá chậm. Tớ đã ngồi vểnh râu ở đây chờ vài ngày rồi."

Hóa ra ngày hôm đó, sau khi cúp điện thoại, cậu ta đã bắt đầu tiến hành làm thủ tục để tới nước Mỹ. Vừa đến nước Mỹ, cậu ta chạy thẳng tới phố Tàu tìm cửa hiệu treo biển "Nhất Nguyên Trai", thiếu chút nữa đã bị nhân viên trong cửa hiệu tưởng nhầm là tôi. Sau khi giải thích đầu đuôi, ông chú Tiết đâm ra lo lắng tôi không tìm được đến nơi; Sau khi bàn tính với Tuyền béo, quyết định chăng biểu ngữ ở sân bay để chào đón tôi. Trong đoàn đón tiếp, ngoài Tuyền béo ra thì số còn lại toàn bộ là nhân viên trong "Nhất Nguyên Trai", tất cả đều là hậu duệ người Hoa sinh ra ở Mỹ. Trong số đó có một người đàn ông đeo kính có vẻ ngoài nho nhã. Anh ta tự giới thiệu mình là luật sư của ông cụ Tang, sẽ phụ trách toàn bộ hành trình công tác ở nước Mỹ của tôi. Tôi đã dự tính sẵn là trước tiên tới viện bảo tàng tìm Shirley Dương để tạo cho cô ấy một niềm vui bất ngờ. Nhưng anh chàng luật sư lại bảo, di chúc của ông cụ Tang đang nằm trong tay mình, phải chạy tới phố Tàu ký mấy bản thỏa thuận thì mới có thể có hiệu lực. Tôi không tiện bắt toàn bộ già trẻ trong cửa tiệm chờ đợi, đành phải đi theo họ tới phố Tàu một chuyến luôn.

Trên đường đi, tôi và Tuyền béo nhiệt tình ôn lại chuyện cũ. Hai thằng kích động giống như quay trở lại những năm tháng thanh xuân cùng nhau tham gia quân ngũ. Khi tới phố Tàu, tôi không cảm thấy xa lạ một chút nào, khắp nơi đều là người Trung Quốc da vàng mắt đen. Luật sư Tần đứng ra giới thiệu, bảo rằng muốn tìm hiểu lịch sử hình thành phố Tàu thì phải quay ngược về thế kỷ trước, tất cả là do tổ tiên của chúng ta dùng mồ hôi, nước mắt và máu tạo dựng lên. Không chỉ riêng ở nước Mỹ, tất cả thành phố lớn trên thế giới, chỉ cần nơi nào có người Hoa là sẽ có phố Tàu. Tôi bị bài diễn thuyết của anh ta làm cho máu nóng sôi trào. Nhìn các cửa hàng lẫn cư dân ở quanh đó, trong lòng dâng trào niềm tự hào dân tộc khó có thể kìm chế.

"Nhất Nguyên Trai" nằm sâu trong một ngõ nhỏ của phố Tàu, thấp thoáng mang phong cách của một danh gia vọng tộc tiềm ẩn trong thành phố. Bước qua cửa chính, tôi như lạc vào một thế giới khác, không hổ là tiệm đồ cổ đệ nhất thiên hạ do một tay ông cụ Tang sáng lập nên. Đồ cổ trưng bày trong tiệm, không có thứ nào không phải là thứ quý hiếm đã được chọn lựa kỹ càng, đứng đầu trong số đó phải kể tới một bộ từ điển đã bị cháy mất một nửa.

"Ha ha ha ha, giỏi lắm anh bạn trẻ, ánh mắt không tầm thường, xem ra ông anh Tang lần này thực sự không nhìn lầm!" Một ông lão tóc bạc, mặt mũi hồng hào đi vào phòng khác từ cửa hậu. Nhân viên đón tiếp tôi vừa thấy ông lão, vội vàng chào "Tiết Nhị gia". Tôi biết ngay ông lão tiên phong đạo cốt trước mặt chính là người anh em kết nghĩa của ông cụ Tang, vị quân sư đáng kính Tiết Nhất Côn của "Nhất Nguyên Trai". Ta không làm mất thời giờ, lấy ra chiếc áo lót mà lúc trước đã cởi từ trên người ông cụ Tang xuống cho ông lão. Thấy áo lót, ông chú Tiết kích động trào nước mắt, giơ hai tay nhận lấy, lớn tiếng nói "Ông bạn già, hãy yên nghỉ!". Sau đó bảo nhân viên mang áo lót vào trong am thờ đặt lên bàn thờ đã chuẩn bị sẵn từ trước, toàn bộ già trẻ trong tiệm cùng nhau vào thắp hương bái lạy. Tôi và Tuyền béo không tiện quấy rầy người ta, đi theo anh chàng luật sư vào thư phòng ông cụ Tang dùng lúc còn sống.

Luật sư Tần lấy ra mấy văn bản trong két sắt đưa cho tôi, nói: "Anh Hồ Bát Nhất, đây là di chúc của ông cụ Tang, về cơ bản chúng tôi đã thống nhất các điều khoản. Nhưng điều khoản cuối cùng tương đối đặc biêth, hi vọng anh có thể cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định."

Tôi cầm lấy rồi xem lướt qua, không biết nên khóc hay nên cười. Tôi quay lại bảo với Tuyền béo: "Cậu cầm lấy mà xem này, trong đây còn nhắc tới cả cậu nữa đấy, ông cụ quả thực có tài tiên tri."

Tuyền béo rất ngạc nhiên, cầm lấy nhìn lướt qua, sau đó giận dữ làm ầm lên: "Đm, cái loại hiệp ước không bình đẳng thế này, chết cũng không thể ký. Lão Hồ, tớ phải nói cho cậu biết, chúng ta có tình nghĩa cách mạng hơn hai mươi năm, cậu không thể nào vì vài cái món đồ cổ rách nát mà quên mất gốc đấy."

Trong di chúc của ông cụ Tang, điều khoản cuối cùng quy định rõ ràng: Người nào kế thừa y bát của Tang Ngọc Cát tôi, phải đoạn tuyệt qua lại với toàn bộ bạn bè thân thích mang họ Vương. Nếu cố tình vi phạm, tước quyền thừa kế vĩnh viễn.

Luật sư rất xấu hổ, bảo rằng đây là ý muốn của người ủy thác. Vào thời điểm lập di chúc, anh ta cũng đã từng đặt ra nghi vấn, nhưng ông cụ Tang hết sức cố chấp, kiên quyết không chịu nhượng bộ một chút nào. Tôi nói: "Đây là quyền của ông cụ, chúng ta nên tôn trọng."

"Vậy ý của anh Hồ là?"

"Ai thích ký thì ký, kể từ hôm nay trở đi chuyện này không còn quan hệ gì tới tôi."

Thực ra, từ trước khi đến nước Mỹ, tôi vẫn luôn đau đầu tìm cách thoát thân khỏi "Nhất Nguyên Trai". Giờ có một cơ hội trời cho như vậy, tôi đương nhiên phải nắm thật chặt. Dù không hiểu ông cụ Tang định giở trò ma mãnh gì, nhưng chỉ cần tôi ỷ vào điều khoản này để bắt bẻ, họ sẽ không dám ép buộc tôi ký tên, bởi dù sao quyền quyết định cũng nằm trong tay tôi. Chọn bạn bè hay là chọn giang sơn, mấy người không liên can các vị không có quyền xen vào.

Tuyền béo giơ ngón tay với tôi: "Lão Hồ, vậy mới được chứ! Cậu không bị mê hoặc bởi viên đạn bọc đường của lũ tư bản, không hổ là chiến sĩ ưu tú của Mao Chủ Tịch."

Tôi và Tuyền béo đứng phắt dậy bỏ đi luôn, Tần luật sư đuổi sát theo sau theo chúng tôi không rời. Khi đến phòng khách đã làm kinh động đến ông chú Tiết. Nghe kể lại ông cụ Tang lập một bản di chúc như vậy, ông gượng cười nói: "Dù đã nhiều năm trôi qua, ông ấy vẫn không thể xóa nhòa niềm căm hận trong lòng. Anh bạn trẻ, việc này chẳng thể trách cậu được. Tuy nhiên, ông ấy thực sự có nỗi khổ tâm. Nếu không phiền, cậu ngồi xuống, nghe tôi kể lại từ đầu. Chờ đến khi rõ ràng nguyên nhân trong đó rồi hãy đưa ra quyết định."

Vừa mới nghe nói phải nghe kể lại chuyện cũ, tôi vội vàng phân trần: "Không dối gạt ông, lần này cháu đến nước Mỹ chủ yếu là để cưới vợ. Thầy bói nói, nếu cháu không tiến hành cưới, làm trễ giờ lành, tương lai sẽ phải chịu cô độc cả đời. Câu chuyện của ông, ông cứ giữ lại. Nếu có dịp thuận tiện, cháu sẽ đưa vợ quay lại nghe kể sau."

Nói xong, tôi và Tuyền béo chạy thục mạng ra khỏi cửa chính. Tuyền béo vừa chạy vừa hỏi có cái quái gì mà tôi sợ thế. Tôi bảo, mấy ông lão rất thích kể lại chuyện xưa. Lần trước đã kể mất cả một đêm, hôm nay lại ngồi nghe ông ấy kể lại từ đầu, vậy thì chẳng biết phải ngồi chết dí đến năm nào tháng nào nữa hả trời?

Tuyền béo nói: "Vậy chúng ta làm sao bây giờ, cậu có địa chỉ của Shirley Dương không?" Tôi bảo chỉ biết là viện bảo tàng quốc gia, vị trí cụ thể ra sao thì không rõ lắm. Cậu ta bảo vậy thì dễ thôi, có lẽ viện bảo tàng quốc gia của người ta cũng tương đương với Cố Cung ở Bắc Kinh chúng ta, đều là danh thắng lịch sử, chỉ cần hỏi thăm là tìm ra ngay.

Tôi lục tìm quyển sách nhỏ bằng tiếng Anh, học vẹt ngay tại chỗ lấy đôi ba câu hỏi đường bằng tiếng Anh. Cùng với Tuyền béo, hai thằng lượn như cá cảnh nghe ngóng, cuối cùng cũng tìm tới được chỗ Viện bảo tàng Smithsonian, chính là viện bảo tàng quốc gia Mỹ mà mọi người thường gọi. Lúc ấy đã hơn sáu giờ chiều, mặt trời đã sắp lặn hẳn về tây. Công trình trước mặt cao lớn hùng vĩ, được xây hoàn toàn theo lối kiến trúc hiện đại. Trong ánh chiều tà, tòa nhà trở nên đậm chất nhân văn. Tôi đứng giữa quảng trường lớn than thở một lúc lâu, bảo Tuyền béo hôm nào xách một cái máy ảnh đến đây chụp vài tấm hình, mang về nước làm kỷ niệm. Tuyền béo chỉ vào quầy bán vé bên cạnh cửa vào viện bảo tàng, nói: "Vạn lý trường chinh chỉ còn một bước cuối cùng. Lão Hồ, mau mua vé nào."

Vạn lý Trường chinh (wanli changzheng), tên đầy đủ là Nhị vạn ngũ thiên lý trường chinh, là một cuộc rút lui quân sự của Hồng Quân Công Nông Trung Hoa, với hành trình dài ngàn dặm (. km), bắt đầu từ Giang Tây, tiến về phía tây tới Tây Tạng rồi đi ngược lên phía bắc, tới tận Diên An của tỉnh Thiểm Tây. Trong cuộc Vạn lý Trường chinh, kéo dài ngày, từ tháng năm đến ngày tháng năm , Hồng quân luôn luôn bị quân của Tưởng Giới Thạch truy kích và phải đương đầu với núi cao, sông rộng, đói khát, bệnh tật và tuyết lạnh. Khi khởi đầu cuộc rút lui, Hồng quân có hơn ngàn người, nhưng khi kết thúc cuộc Vạn lý Trường chinh, số Hồng quân sống sót chỉ còn không tới ngàn (Wiki).

Truyện Chữ Hay