Thanh Triều Ngoại Sử

chương 31: thanh quan mai phục đoạt kim ngân

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Tiễn đưa thu ấy mùa lá rụng

Nhắn tin chim yến bặt tâm thư

Lữ Nghị Trung và nữ thần y đặt chân lên con đường sỏi dẫn đến chợ Đông Ba của tỉnh Hàng Châu, chợ này được xây dọc theo Tây Hồ, một bên đường đặt các xạp bán hàng, bên kia đường dòng nước lững lờ trôi, cuốn theo nào rong rêu nào rác rến, bọt sủi trắng một vùng. Xa xa ẩn hiện vài cánh buồm nâu, thấp thoáng in bóng tận cuối chân trời, cho ý niệm mơ hồ về cảnh bao la của vũ trụ.

Lữ Nghị Trung đưa mắt nhìn ra xa xăm, cảm thấy con người quá bé nhỏ và yếu đuối trước thiên nhiên, thầm nghĩ tại sao con người không hợp quần để tạo thành sức mạnh chống chọi lại nó để tạo nên cuộc sống no ấm yên bình? Tại sao con người cứ mãi bon chen danh lợi, chà đạp chém giết lẫn nhau chẳng hề thương xót? Loài dã thú dẫu ngu si, cục súc, dẫu dữ tợn hung tàn, vẫn còn biết tình đồng loại, một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, thố tử hồ bi. Con người mệnh danh là thông minh, văn hiến, ngẫm cho kỹ còn thua lũ muông cầm. Chàng mơ màng nhớ đến lời Giác Viễn:

-Công danh, bọt nước tựa bèo mây

Gác gấm, lầu cao được mấy ngày?

Tưởng đâu sung sướng, cười khây khẩy

Hóa ra toàn mộng, mấy người hay?

Mạt kiếp thời suy, vô biên trị

Càn khôn dịch chuyển, thấy người xoay...

Không, ta không thể chịu thua cuộc đời. Đời vẩn đục ta cần phải lắng cho trong, lọc cho sạch còn hơn ngồi bó tay chờ thiên căn nhân quả. Nhất định ta phải hoàn thành tâm nguyện của tổng đà chủ, xây dựng một thế giới công bằng và nhân ái. Thiên đường cũng có thể kiến tạo tại nhân gian nếu mọi người đồng tâm hợp lực, không phải chỉ trông mong vào quyền phép của một đấng thiêng liêng bên ngoài trần thế để tách biệt về một nơi chốn xa xôi…

Lữ Nghị Trung nhủ bụng, đoạn quay nhìn nữ thần y, bắt gặp nàng cũng đang nhìn sang chàng, Nghị Trung chép miệng thở dài:

-Ước vọng muôn đời của người dân duy nhất chỉ là được no cơm ấm áo, thế mà suốt bao năm nay yêu cầu nhỏ nhoi chính đáng ấy không bao giờ được trời cao đáp ứng. Nào là thiên tai, địch họa, nào dịch bệnh, mất mùa, không lúc nào dân chúng an cư lạc nghiệp!

Nữ thần y gật đầu, Lữ Nghị Trung tiếp:

- Chẳng những do trời mà còn do con người tạo ra nữa. Ở địa phương thì quan lại nhũng nhiễu, cường hào áp bức, trong kinh thành thì vua hèn tôi kém, tranh giành quyền lợi, mặc tình thi nhau bóc lột làm khổ dân tình…

Hai người vừa đi vừa chuyện trò, lát sau họ đến cuối chợ, nữ thần y quét mắt một vòng, đêm qua Nghị Trung bảo nàng nơi này đang có rất nhiều người tị nạn. Quả thật là vậy, nữ thần y thấy một phụ nữ mặc áo nâu quần đen, bà ngồi ôm một người đàn ông thân thể gầy gò xanh xao, ông ta nhắm nghiền mắt không biết đang ngủ hay chết rồi. Khi nàng và Nghị Trung đến gần, bà kêu khóc:

-Hai vị làm ơn ban phát chút lòng thương, chồng tôi bệnh rồi.

Lữ Nghị Trung đưa cho bà một chục quan tiền.

-Thiền Phúc, Tử Hiên mau cám ơn đi các con.

Bà bảo đứa bé trai khoảng mười tuổi và một thiếu nữ có gương mặt khả ái quỳ xuống dập đầu tạ ơn. Cánh tay trái thằng bé đeo một cái băng quàng qua cổ như đang bị thương.

-Đa tạ nhị vị.

Nữ thần y và Lữ Nghị Trung đở hai người đứng lên. Nữ thần y ái ngại nhìn gia đình bốn người chạy nạn đó một thoáng, đoạn quay sang Nghị Trung hỏi:

-Hôm nay có bao nhiêu người bệnh như vậy?

Nghị Trung đáp:

-Hôm nay có thêm mười mấy người.

Lúc này có tiếng chân rần rần từ xa vọng đến. Một gã bộ đầu dẫn đám lính hai mươi mấy tên chạy tới, nhiều người dân cũng bu lại xem. Một tên lính chỉ vào đám người tị nạn, nói:

-Thưa bộ đầu, ngài xem, triệu chứng của những người này như bệnh dịch.

Hai từ “bệnh dịch” đập vào tai những người dân Hàng Châu, họ lật đật đứng lùi ra dùng tay áo che mũi. Một người dân hoảng hốt nói:

-Nếu vậy phải đem họ đi thiêu thôi! Nếu không cả trấn sẽ bị lây lan!

Lập tức có nhiều tiếng vang lên:

-Đúng rồi!

-Đem thiêu đi!

Một người chỉ tay vào gia đình của người đàn bà với người chồng bị bệnh và hai đứa con:

-Mau khiên tên đó đi ra đồng, cùng tất cả những người bệnh đang nằm la liệt trong chợ nữa.

Tên bộ đầu nói với đám lính của gã:

-Chuẩn bị lửa củi!

-Xin đừng thiêu chết chồng tôi! - Người đàn bà ôm lấy chồng thị, khóc nức nở - Chồng tôi chỉ bệnh thương hàn!

Tên bộ đầu nói:

-Chồng bà không phải bị thương hàn, là bệnh dịch đó!

Đoạn hắn hạ lệnh:

-Bắt hết những người bị bệnh đem đi cho ta!

Thế là đám lính vây quanh khúc chợ bắt người, tiếng la tiếng hét, tiếng vẫy vùng, van xin cùng tạo nên một mớ âm thanh vô cùng hỗn độn. Những người bệnh khác nghe vậy, có kẻ còn sức lực gắng xông ra ngoài:

-Bọn họ định thiêu chết chúng ta, chúng ta chạy thôi!

Những người bệnh khác không tự sức đi được quỳ xuống van cầu:

-Xin hãy tha cho chúng tôi.

-Xin mọi người dừng tay!

Giữa khung cảnh đang hỗn độn bỗng vang lên một tiếng quát đanh. Mọi người quay nhìn, phát hiện người vừa hô là Lữ Nghị Trung, bên cạnh chàng là một cô gái gương mặt đầy ắp những vết bỏng và sẹo. Gã bộ đầu sau thoáng giật mình kinh hãi vì dung nhan của nàng thì nói:

-À, ra là Lữ phu tử, xin chào.

Hắc Viện là trường dạy học nổi tiếng khắp miền Nam, toàn đào tạo những học sinh có danh sách trong Quốc Tử Giám. Gã bộ đầu chỉ là một tên lính, không thể không có lễ. Những người dân cũng cúi chào Nghị Trung. Chàng cũng cúi đầu đáp lễ lại.

Nữ thần y bước tới một bước nói:

-Xin đừng mang họ đi thiêu.

Gã bộ đầu hỏi:

-Cô nương là ai? Đừng xen vào, coi chừng lại bị bệnh.

Nữ thần y dưới lớp một cô gái xấu xí nói:

-Tiện nữ có học y thuật ở hồi cương, khẩn xin ngài để tiện nữ thử chữa trị cho họ?

Gã bộ đầu chưa đáp lời nàng thì một người dân Hàng Châu ái ngại nói:

-Cô nương có chắc không? Ngay cả Ngan Phổ thầy thuốc giỏi nhất vùng này cũng bó tay, làm sao cô có thể chữa trị được?

Một người dân Hàng Châu khác đưa mắt nhìn những bệnh nhân tứ chi lỡ loét, cũng nhăn mặt nói:

-Đúng rồi đó! Sinh mạng những người trong trấn An Huy này không thể vì mấy lời của cô mà trở thành trò đánh cược được.

Những người dân khác cũng lên tiếng:

-Đúng rồi! Rất nguy hiểm!

-Không thể để mấy người này sống thêm nữa!

-Tuyệt đối không thể!

Nữ thần y nói:

-Xin các vị hãy an tâm, chỉ cần tiện nữ đưa họ đến ngôi miếu bỏ hoang ở ngoại trấn này, tập trung luôn cả những người có tiếp xúc với người bệnh đến đó, nơi đó ít người qua lại, xin vị bộ đầu cho tiện nữ thời hạn mười ngày, nếu không trị khỏi cho họ tiện nữ sẽ chết chung với họ. Sẽ không liên lụy các người đâu.

---oooo---

Sáng hôm sau.

Lữ Nghị Trung đi như bay tiến vào ngôi miếu hoang rồi vòng ra sau bếp. Căn bếp này được chàng xây hồi tối hôm qua. Thật ra thì đó chỉ là một mái lá chắn mưa đằng sau ngôi miếu mà thôi, bên dưới mái lá đặt một cái bàn cho tiện việc sắc thuốc, trên bàn bài đầy rể cây và lá khô, nồi niêu và một chồng chén bát, dưới đất lại có thêm mười mấy cái lò than.

Những người chạy nạn không chỉ mắc phải chứng bệnh dịch mà còn nhiều căn bệnh khác nữa.

Lữ Nghị Trung ngó thấy một học sinh đứng cạnh nữ thần y sắc thuốc. Hắn đang dùng kim ngân hoa, lá cối xay, cỏ chỉ thiên, sài đất và dây thồm lồm sắc thành một nồi. Nghị Trung biết toa thuốc này là dùng để chữa chứng viêm da lở loét đây. Chàng lại thấy một học sinh khác đang ngồi ngâm một thao lá trầu không, lá bồ giác, lá ba chạc, lá mần tưới, lá sòi, lá mỏ quạ và lá diếp cá hoà với phèn chua. Nghị Trung biết toa thuốc này chính là dùng để rửa sạch các vết lở trên thân thể của các bệnh nhân.

Chàng cũng ngó thấy một học sinh nữa lấy lá dâu cái, lá trầu vò nát hai thứ lá này và cho vào chén, đổ nước sôi rồi mang đưa cho một bệnh nhân bị đau mắt, bảo đưa mắt bị đau sát miệng chén để xông hơi nóng bốc lên. Người bệnh nhân đó lập tức làm theo.

Nghị Trung gật gù hài lòng, những học sinh này, đều là người của trường học của chàng, hôm qua chàng nhờ họ đến ngôi miếu này phụ giúp nữ thần y sắc thuốc, luôn tiện làm những việc giặt giũ, nấu nướng, phân phát cơm và chăm sóc các bệnh nhân.

Nghị Trung tiến lại gần nữ thần y. Nàng khi này một tay bưng một cái niêu hãy còn nghi ngút khói, tay kia cầm cái chén sành nhỏ. Chàng lấy trong tay áo ra bốn gói giấy màu vàng nhạt, bảo:

-Đây là Đồ Tô muội cần, còn đây là Dịch Thần Tiên, Tuyết Đại Hạn, và Cam Lộ.

-Cám ơn Lữ huynh.

Nghị Trung gật đầu, đặt mấy gói giấy trên bàn, nói thêm:

-Kho thuốc trong trường học chúng ta chỉ còn lại bấy nhiêu, bây giờ huynh sẽ đến tiệm thuốc Chu Minh tìm thêm.

Nghị Trung nói xong bái chào rời đi. Nữ thần y cũng cúi đầu đáp lễ, rồi mang niêu thuốc vừa sắc và cái bát đi vào trong miếu. Mỗi bệnh nhân đều có một cái chiếu, gối, chăn, và một phần cơm. Nàng đến bên Thiền Phúc, quỳ xuống đỡ thằng bé ngồi dậy, rót thuốc ra chén trao cho nó.

-Thuốc này hơi đắng – Nữ thần y dỗ dành - Tiểu đệ đệ ráng uống vào rồi ăn bánh này.

Nghị Trung đi tới cửa miếu, khi này mưa rơi nặng hạt. Chàng quay đầu lại thấy nữ thần y lấy gói bánh Quế Hoa của nàng đem cho Thiền Phúc. Nghị Trung xúc động trong lòng, khẽ cười.

Nghị Trung căng dù lên rồi vẫy tay chào nàng. Nữ thần y cũng vẫy tay chào lại chàng, thoáng mắt Nghị Trung đã mất hút trong màn mưa.

Nữ thần y lại nhìn Thiền Phúc, thấy chén thuốc trên tay nó đã cạn, lòng nàng nhẹ tênh như những chiếc bóng mưa ngoài kia.

-Thế nào – Nàng xoa đầu nó, nói bằng giọng trìu mến - Đệ uống nhanh vậy, có đắng lắm không?

Thiền Phúc trả chén cho nàng, dùng tay áo quẹt ngang miệng đáp:

-Đắng đến không thể nào đắng hơn được nữa.

Nữ thần y nhìn gương mặt nhăn nhó của thằng nhóc, cười nói:

-Tỉ thấy đệ uống một hơi cạn sạch, còn tưởng là không đắng nữa chứ.

Thiền Phúc le lưỡi rồi cầm cái bánh Quế Hoa lên cắn một miếng to.

Nữ thần y dứt lời bỗng nhớ tới Hiểu Lạc, không biết nó bây giờ ra sao? Đã bao lâu rồi không có tin tức gởi về từ Tứ Xuyên. Nàng chớp chớp đôi mắt, ngăn tiếng thở dài, lại đưa mắt nhìn Thiền Phúc, thấy nó cũng trạc tuổi như Hiểu Lạc, tự dưng nàng đem lòng cảm thương thằng bé mới quen này.

Thiền Phúc vừa ăn bánh vừa len lén nhìn nàng, nhưng khi ánh mắt nàng chạm vào mắt nó, nó lại lẩn tránh sang hướng khác. Nữ thần y biết nó đang nhìn những vết sẹo trên mặt mình, bèn nói:

-Đệ đừng sợ. Hồi còn nhỏ do ta bất cẩn đã ngã vào nồi cám heo vừa mới nấu xong, bị bỏng hết mặt mày, cả nửa phần ngực. May mà còn sống sót, nhưng người chẳng ra người, ma chẳng ra ma từ ngày ấy.

Nói xong nàng đứng dậy định trở ra ngoài, nhưng nghe Thiền Phúc nói:

-Tỉ tỉ à...tuy là gương mặt tỉ bị như thế nhưng đệ không sợ đâu, trái lại đệ còn thấy tỉ như một vị bồ tát sống nữa đó, vừa dịu dàng, vừa lương thiện, nhất là rất tốt bụng, giống một vị ca ca mà đệ biết.

Nữ thần y nhìn thằng bé:

-Ồ, vị ca ca nào thế?

-Huynh ấy – Thiền Phúc vẫn còn ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu, một tay nó đưa bánh lên miệng cắn nhai nhồm nhoàm, tay kia xòe ra nói - Đệ gặp có năm ngày, nhưng ngày nào cũng giúp gia đình đệ, cho tiền chúng tôi mua gạo mua thuốc, dạy nhiều lý lẻ.

-Lý lẻ gì, đệ kể tỉ nghe xem?

Thiền Phúc như thể tìm lại được một người bạn đã xa cách lâu năm, nó liền trả cái bánh vào trong bọc giấy, chùi chùi tay vào quần rồi hăng hái kể:

-Ca ca ấy nói, là đấng nam nhi thì không nên sợ cực sợ khổ, dù Thái Sơn có đổ xuống trước mặt cũng không biến sắc mặt. Cho nên chén thuốc này không làm khó được đệ đâu.

Nữ thần y nghe vậy khẽ cười, vừa cười vừa cúi xuống đưa cho nó chén thuốc. Nó méo xệch miệng:

-Lại phải uống thêm chén nữa hả?

Nàng nheo mắt tinh quái nói:

-Không phải lúc nãy đệ đã nói làm nam nhi thì Thái Sơn có đổ xuống trước mặt cũng không biến sắc à?

Thiền Phúc đành đưa tay ra cầm cái chén, nhưng nữ thần y tung cái chén lên cao khỏi đầu nàng rồi chụp lấy, phì cười:

-Tỉ chỉ đùa với đệ thôi, khi nãy đệ đã có thể một hơi uống hết chén thuốc đó, đã lợi hại lắm rồi.

Đoạn nàng đặt niêu thuốc và chén xuống đất, lại quỳ xuống bên cạnh Thiền Phúc nâng cánh tay bị thương của nó lên.

-Tay của đệ, làm sao ra nông nổi này? – Nàng hỏi.

Thiền Phúc đáp:

-Cũng tại đệ đây vô dụng, nhìn thấy cha bị bệnh lại không giúp gì được, mấy ngày nay đệ và Hiên tỉ đi tìm công việc ở khắp nơi trong trấn mà không ai mướn, tới lúc Hiên tỉ đói bụng đến sắp xỉu đệ bèn đánh liều đi ăn cắp bánh bao nên bị người ta đánh.

Nữ thần y nghĩ tới câu bần cùng sinh đạo tặc, nén tiếng thở dài.

-Đệ đừng buồn – Nàng xoa đầu an ủi thằng bé - Bây giờ không phải đã có đồ ăn chỗ ngủ rồi sao, chuyện mai này mai này hẳn tính đi, còn cánh tay bị thương này của đệ, tỉ sẽ điều trị cho, nhưng phải ráng chịu đau.

Thiền Phúc gật đầu:

-Dạ, cám ơn tỉ tỉ, ca ca đó cũng nói có bị thương thì phải đều trị.

Nữ thần y tháo băng vải trên tay thằng bé ra, xoa nắn cánh tay trái của nó, phát hiện nó bị trặc gân cốt khá nặng.

Thiền Phúc cắn răng chịu đau nói:

-Ca ca đó bảo, trong hiện tại có khi mình phải ráng chịu cực chịu khổ thì tương lai sau này mới có ngày sung sướng được, cho nên hôm nay đệ chịu đau đớn như vầy, đệ nhủ lòng coi như là mình rèn luyện thể chất của mình thôi.

Nữ thần y thấy thằng bé đau tới độ nghiến răng nghiến lợi, tiếng keng két vang lên nghe rất đáng thương, nàng muốn nó phân tâm, nên không ngừng hỏi về ca ca của nó:

-Tỉ nghe đệ cứ luôn miệng nhắc đến vị ca ca đó, vậy đệ sùng bái ca ca đó lắm phải không?

Thiền Phúc gật đầu:

-Vâng! Đệ rất sùng bái và ngưỡng mộ huynh ấy, nếu mai này lớn lên đệ mà bằng được một nửa như huynh ấy thì đã mãn nguyện lắm rồi.

Nữ thần y mỉm cười ôn hòa. Thiền Phúc chỉ tay không bị thương lên trần nhà nói:

-Ca ca đó có cái gì mà không biết chứ? Trên có thiên văn, dưới có địa lý, ngoài ra huynh ấy còn dạy đệ nhiều đạo lý làm người. À còn nữa, huynh ấy cũng biết thắt vòng cỏ, gọi là gì nhỉ… à, gọi là “vòng cỏ cầu may!”

Nữ thần y tiếp tục xoa nắn xương tay Thiền Phúc, nói:

-Vậy sao, đệ nói tiếp đi, tỉ muốn nghe ca ca ấy đã dạy đệ thêm những gì nữa đây?

Thiền Phúc suy nghĩ một chốc rồi nói:

-Làm quân tử phải bất khuất, cang kiện tự cường.

Nữ thần y hỏi:

-Có nghĩa là gì?

Thiền Phúc đáp:

-Câu này có nghĩa là đạo làm quân tử thì phải giống như mặt trời mọc, phải chính mình phấn đấu tiến lên không ngừng, không nên dựa dẫm vào một người hay một thế lực nào. Đạo làm quân tử cũng như ngôi sao trên trời vậy, trong đêm tối đen mà vẫn làm nhiệm vụ soi sáng chỉ lối không ngừng.

Nữ thần y gật đầu, nàng đã từng đọc qua Kinh Dịch, nàng nhớ trong có đó có hai câu “Minh xuất địa thượng Tấn, quân tử dĩ tự chiêu minh đức.” Nghĩa là: “Lửa từ mặt đất tấn cao. Nên người quân tử chuốt chau tính Trời.” Người quân tử thấy mặt trời từ lòng đất mọc lên, cũng bắt chước làm cho tàn lửa thiên chân trong mình ngày một thêm sáng tỏ. Mặt trời, vốn quang minh, bị trái đất che khuất mới không sáng soi được. Thần trong ta, vốn quang minh, bị dục tình tham sân si che khuất mới không sáng soi được. Vậy chúng ta phải khử nhân dục, thì vừng Dương thiên lý trong ta mới bừng sáng lên. Dịch muốn cho chúng ta đi đến chỗ phối thiên huyền hóa. Cho nên mới khuyên tự cường bất tức, để theo gương trời tự chiêu minh đức, làm rạng tỏ vầng sáng thiên chân trong tâm hồn ta…

Lại nói tới Thiền Phúc, khi này hãy còn thao thao bất tuyệt bảo với nữ thần y rằng:

-Ca ca đó còn nói thêm, người quân tử coi trọng nhất chính là đạo đức, các đức tính như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Cho nên câu nói “quân tử phải bất khuất, cang kiện tự cường” chính là để khuyên người quân tử hãy nên tu tâm dưỡng tính để làm cho phẩm chất đạo đức, tài năng của mình càng ngày càng sáng như mặt trời hiện lên từ mặt đất, để rồi tiến mãi không ngừng, ví với hình ảnh mặt trời càng đến Ngọ càng sáng chói rực rỡ vậy.

Nữ thần y chờ cho nó nói xong, gật đầu khen:

-Thí dụ này của đệ nghe rất ý nghĩa!

Thiền Phúc nói:

-Là do ca ca của đệ dạy cho đó, không phải do đệ tự nghĩ ra đâu, còn nữa, ca ca cũng dạy đệ “Hư sơn cử lộ cầu di kính, ngọc hải vô nhai khổ tác châu,” câu này có nghĩa là học vấn là vô bờ vô bến, học là cần phải có sự siêng năng và cố gắng. Dầu cho làm vua cũng thế, cũng phải là người có học thức, không được sợ khổ sợ khó mà không học, không được sợ mệt nhọc mà không học. Một nhà vua khi có được kiến thức rồi thì mới có tất cả, ông ta mới có thể trị vì tốt cho thiên hạ bá tánh, có công mài sắc có ngày nên kim, nếu thực sự được như vậy thì quân binh mới hàng phục, và can đảm đi làm việc đại nghĩa cho hoàng đế.

-Làm vua cũng phải có học vấn ư? Tỉ rất thích câu nói này!

Thiền Phúc vừa dứt lời, Nữ thần y liền tấm tắc gật đầu thốt lời khen.

Thiền Phúc nghe lời này của nàng nó càng cười vui vẻ.

Nhân lúc thằng bé đang cao hứng, nữ thần y không báo trước, nhanh nhẹn bẻ phần tay bị trặc của nó lại cho đúng vào khớp xương. Rắc một tiếng rõ to vang lên, ngay sau đó là tiếng la lớn:

-Úi trời ơi đau quá!!!

-Chắc ca ca đó của đệ không dạy đệ câu “binh quý xuất kỳ bất ý” rồi?

Nữ thần y chun mũi lại cười.

Thiền Phúc bấy giờ mới dừng nói về ca ca của nó.

Nữ thần y ngó thấy gương mặt thằng bé khi nãy đang tươi rói giờ trở thành méo mó, giọng nói của nó cũng đứt quãng, nó ngấn lệ nhìn nàng:

-Sao... tỉ tỉ… không… không…cho đệ biết để đệ có phòng bị chứ… Đau quá!

Nữ thần y tiếp tục cười nói:

-Cái này trong binh pháp gọi là “công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý,” tấn công kẻ thù lúc chúng không phòng bị, hành động khi chúng không ngờ tới sẽ dành thắng lợi.

Nàng nói một câu bông đùa xong thấy nó vẫn còn mày nhăn mặt nhó trông thật đáng thương, bèn xoa đầu nó, thu lại nụ cười mà bảo:

-Thế nào, còn đau lắm à? Nếu tỉ không làm vậy tay của đệ sẽ tàn phế biết không?

Thiền Phúc mím môi gật đầu:

-Ca ca nói làm nam nhi có nước mắt cũng không dễ gì để chảy ra, đệ sẽ không khóc đâu.

Nó vừa bảo vừa ngẩng mặt lên nhìn trần nhà.

-Đệ còn nhỏ tuổi vậy mà đã can đảm hơn rất nhiều người – Nữ thần y cầm cái chén và niêu thuốc đứng dậy – Người tốt bao giờ cũng sẽ gặt được quả tốt. Tỉ tin như thế, và tỉ cũng tin không bao lâu nữa đệ sẽ gặp lại ca ca đó của đệ.

Thiền Phúc nói:

-Sao tỉ biết là đệ sẽ gặp lại huynh ấy, tỉ đã biết tên huynh ấy đâu?

Nữ thần y không đáp, nàng thoáng nhíu mày hỏi lại:

-Vậy chứ đệ gặp vị ca ca đó ở đâu?

-Ở hồi cương vào tháng tám năm ngoái.

Nữ thần y nghe vậy cặp chân mày nàng giãn ra, nhủ lòng không lẽ là chàng sao? Đã bao năm rồi, không ngờ chàng còn trở về căn nhà xưa? Cảnh tượng năm xưa tự nhiên hiện lên trong đầu nàng, rõ nét vô cùng, nàng nhớ năm đó nàng đã đưa một người nam nhân về gian nhà tranh trên đỉnh Thiên Sơn chăm sóc cho từng miếng ăn đến giấc ngủ, mãi cho đến khi thương thế chàng lành lặng hẳn. Lại nhớ lần chàng trèo lên vách núi dựng đứng sừng sững chỉ để hái tổ yến tặng nàng, khi đó nàng đã không tự chủ được nhìn chàng chăm chú, nhủ bụng người hoàn mỹ như chàng vậy, ở vùng hẻo lánh núi non như Thiên Sơn khó mà gặp được.

Bên ngoài căn miếu mưa vẫn không ngừng rơi, bầu trời đang nhờ nhờ đục đục bỗng sáng lên, tiếp theo là tiếng sấm chớp ầm ầm. Nữ thần y như bừng tỉnh, cảnh cũ cũng biến mất trong đầu nàng, nàng lại nhìn Thiền Phúc nói:

-Tỉ sẽ mãi ghi nhớ những điều đệ vừa nói, cũng cám ơn đệ đã chia sẽ những điều này với tỉ, bắt đầu kể từ hôm nay dầu có đi đâu tỉ cũng không sợ đâu, vì khi tối trời sẽ có ngôi sao trên trời chỉ đường cho chúng ta, ban ngày lại có mặt trời soi sáng và tiếng ca trên thảo nguyên đại mạc dẫn lối cho mình, có phải ca ca đó hay nói như thế không?

-Đúng rồi, tỉ thật giỏi đoán!

Thiền Phúc mở to mắt ngạc nhiên nhìn nữ thần y, nó dường như quên bẵng đi cánh tay đang đau, càng thêm ngỡ ngàng khi nghe nàng tiếp:

-Con người đứng trong trời dưới đất, phải dùng tâm tịnh để mà lĩnh ngộ, thì tự nhiên sẽ nhậm ứng tùy tâm, như vậy mới có thể hiểu biết được ý nghĩa của cuộc sống, chỉ có những người làm được điều đó mới có được một cuộc đời ung dung tự trị, không cần phải lo sợ âu sầu gì hết. Ca ca đệ bảo làm người phải nên yêu đời.

-Sao tỉ lại biết rõ về những điều huynh ấy nói vậy, đệ thấy tỉ rất đặc biệt, tỉ có thể nói tên cho đệ biết không?

Nữ thần y lắc đầu. Thiền Phúc nói:

-Đệ cũng không biết tên của huynh ấy là gì.

-Tỉ hiểu người như huynh ấy, có đôi khi không cần thiết phải biết tên, hoặc mỗi ngày gặp mặt nhau, nhưng chỉ cần mỗi lần gặp là mỗi lần ý nghĩa, và hiểu rõ về đối phương là được.

Thiền Phúc gật đầu. Nữ thần y khẽ đọc:

-Lưỡng tình nhược thị cửu trường thì

Hựu khởi tại triêu triêu mộ mộ

Nói xong nàng mang chiếc niêu và cái bát quay mình rời đi, bỏ lại Thiền Phúc đang ngồi ngơ ngác giương cặp mắt to tròn nhìn theo nàng, nó nhủ lòng hai câu thơ Thước Kiều Tiên của Tần Quán thời Bắc Tống này, vị ca ca của nó cũng thường ngâm nga.

Nữ thần y chậm rãi bước xuống từng bật thang gác của ngôi miếu, nàng vừa đi vừa vịn vào cầu thang, đã một ngày một đêm rồi nàng không có thời gian nghỉ ngơi, cũng chưa ăn gì, cảm thấy người nhẹ tênh như chiếc lá héo sắp bức khỏi cây. Ngoài kia cơn bão đã tàn nhưng mưa vẫn còn lay bay. Lữ Nghị Trung đứng giũ áo mưa dưới chân cầu thang, tóc của chàng bị ướt và gương mặt trắng xanh. Tuy nhiên chàng cười thật tươi nói:

-Huynh đã tìm được các loại thuốc muội cần, cũng mua được luôn bánh Quế Hoa.

-Cám ơn Lữ huynh. Nhưng huynh mua bánh làm gì?

-Đương nhiên là cho muội rồi, gói bánh kia đã đưa Thiền Phúc rồi không phải sao, tuy gói này không có ý nghĩa bằng nhưng mùi vị cũng như nhau cả thôi.

Nữ thần y cầm lấy gói bánh nhoẻn miệng cười, hiểu rằng chàng vừa nói một câu đầy ngụ ý. Đột nhiên sự im lặng đè nặng lên hai người lạnh giá. Khi này các bệnh nhân và học sinh đều đã an giấc. Nữ thần y đi đến cửa sổ đứng tựa lưng nhìn ra ngoài trời mưa, đôi mắt nàng vốn đã u buồn, sâu thẳm giờ càng xa vắng thêm hơn. Nghị Trung cũng đến đứng cạnh nàng. Bức tượng Bao Thanh Thiên to cao che khuất hai người họ. Nghị Trung không biết nàng đang nghĩ gì trong giây phút này? Dường như có một lúc chàng nghe tiếng thở dài của nàng khẽ rung lên bên tai và âm thầm tan đi trong gió.

Chàng nhỏ giọng hỏi:

-Muội không ngủ được, có phải đang phiền não về chuyện thiếu đà chủ đi Thanh Quan?

Nữ thần y tháo miếng da đắp trên mặt xuống, để lộ dung nhan kiều diễm. Lữ Nghị Trung không khỏi nhìn nàng ngẩn ngơ, trong lòng ngưỡng mộ Tần Thiên Nhân xiết bao. Nàng sở hữu nét đẹp trong sáng như tiên nữ giáng phàm, đôi mắt hồ thu, cái nhìn mơ màng xa xăm, giọng nói nhẹ như gió, cử chỉ uyển chuyển tựa mây đã choáng hết trái tim trượng phu…

---oooo---

Nhắc lại chuyện hôm trước, Tần Thiên Nhân nhận được thư của Tàu Chánh Khê gởi về từ Cam Túc, nhận thấy chuyện cấp bách, tức thời cho người đi mời các trưởng lão, cùng Lữ Nghị Trung, Khẩu Tâm và Trương Quốc Khải tụ tập bàn bạc.

Trong thư Tàu Chánh Khê đại khái nói Hoàng Hà đại nạn, ở Cam Túc khắp nơi đâu đâu cũng là nhà cửa xơ xác, lũ dâng cao, đường sá ngập ngụa trong nước gây trở ngại di chuyển, dân tình rất tệ, rất cần lương thực tiếp tế nhưng khi Tần Thiên Nhân đi kiểm kê đã phát hiện kho lương thực ở tổng đà Hàng Châu đã cạn.

Sông Hoàng Hà là con sông dài thứ hai của Trung Nguyên sau sông Dương Tử. Chữ “hà” có nghĩa là sông, và chữ “hoàng” dùng để ám chỉ màu vàng phù sa hòa trong nước. Sông Hoàng Hà còn có tên dân gian là sông “trọc lưu nước đục.” Cho nên mỗi khi nói bóng gió những điều không bao giờ xảy ra, người ta thường hay ví von “lên trời đã khó, làm cho nước sông Hoàng Hà trong trẻo còn khó hơn.”

Sông Hoàng Hà khơi nguồn từ phía tây bắc tỉnh Thanh Hải, vốn là nơi ngự trị của dãy núi Côn Lôn hùng vĩ. Dòng nước bắt nguồn chảy hướng nam, uốn cong về phía đông nam, và xuôi theo hướng nam một lần nữa trước khi giáp ranh thị trấn Lan Châu thuộc địa hình tỉnh Cam Túc. Sau đó, con sông uốn lượng về phía bắc qua khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, chảy tới khu tự trị Hà Sáo Nội Mông. Ở tại vùng Nội Mông, dòng nước màu vàng thình lình đổi hướng trực tiến về nam tạo ra ranh giới của hai tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây. Khi trôi về phía đông bắc của thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây thì Hoàng Hà lại một lần nữa ngược hướng chảy về đông, xuyên thành phố Khai Phong, qua đến Tế Nam thủ phủ Sơn Đông rồi cuối cùng đổ ra biển Bột Hải.

Trong lịch sử hàng ngàn năm khai quốc, Hoàng Hà được xem là niềm vui và nỗi buồn của vạn dân. Từ năm cho đến hiện nay, dòng nước màu vàng này đã ít nhất năm lần đổi dòng, làm vỡ các con đê bao bọc trên hết không dưới một ngàn năm trăm lần.

Tần Thiên Nhân, Khẩu Tâm, Trương Quốc Khải và Lữ Nghị Trung đang ở trong kho gạo cùng các trưởng lão. Sau khi nghe Tần Thiên Nhân đọc xong thư, Khẩu Tâm nhìn Trương Quốc Khải nói:

-A di đà Phật! Đúng là hoàng thiên cũng giúp cho mình.

Đoạn nhìn mọi người, Khẩu Tâm nói:

-Bần tăng và tam đương gia đã phát hiện được quân Thanh hiện giờ đang hộ tống cống phẩm và kim ngân đến biên giới nước Nga. Nếu tính không nhầm thì giờ Ngọ ngày mốt bọn chúng sẽ đi ngang Thanh Quan, nơi đó địa hình hiểm trở, thật là tiện lợi cho việc cướp hàng của chúng ta. Dùng số ngân lượng này đem đi mua gạo và lương khô cho các nạn nhân ở Cam Túc.

Trương Quốc Khải gật đầu nói:

-Lần này triều đình chở cống phẩm bằng đường thủy, nhưng dọc theo hai bên bờ sông cũng có binh lính đi theo bảo hộ, dạo này nạn đói nhan nhản, dân chúng cùng đường, bần cùng sinh đạo tặc thành ra để hạn chế vấn đề cướp phẩm vật, triều đình quyết định không hộ tống bằng đường bộ. Tối hôm qua vãn bối và đại đương gia theo dõi họ, thấy họ đã dựng lều nghỉ ngơi ở con suối gần Thanh Quan khoảng bốn mươi dặm, người người cầm đao thương phòng thủ, canh giữ rất nghiêm mật. Hai chúng tôi không tiện đến gần, đợi tối nay sẽ đi thám thính nữa.

Mọi người nghe Trương Quốc Khải nói vậy, nhớ đến câu đang lan truyền trong dân gian gần đây, mà ngay cả đám con nít trong lúc chia phe chơi trò tập trận hay đọc “Nạn đói hoành hành khắp nơi, hoặc là chúng ta cướp, hoặc là chết đói!”

Trương Quốc Khải định nói gì thêm, thì ngoài đường có tiếng bánh xe lộc cộc, rồi tiếng ngựa hí vang. Một hòa thượng vào chắp tay cúi đầu chào thiếu đà chủ và các thành viên của hội, xong bẩm báo:

-Đại đội nhân mã của triều đình và thuyền cống phẩm đã tiếp tục khởi hành một canh giờ trước, có hai tên võ quan là Lương Trung với Lí Tứ chỉ huy một đội hỏa thương và năm trăm tên lính đi áp tải hai chiếc thuyền lớn.

Nói xong, y đi ra ngoài.

Nhất Đình Phong nghĩ từ đây tới giờ Ngọ ngày mốt chẳng còn bao xa, bàn với mọi người:

-Nếu vậy thì chúng ta không còn bao nhiêu thời gian nữa, lương thực nhất định phải được tiếp tế cho Tàu ngũ gia. Đại đương gia nói rất đúng, nếu không ra tay cướp kim ngân ở Thanh Quan thì không còn nơi nào tốt hơn.

Lữ Lưu Lương giơ tay vuốt bộ râu dài, gật gù:

-Từ đây đi về hướng tây, dân chúng cũng ít hơn, tiện cho chúng ta hành sự.

Mọi người đồng thanh nói phải.

Bạch Kiếm Phi trao đổi ánh mắt với Hồ Quảng Đông, sau đó lên tiếng:

-Lương Trung với Lí Tứ, hồi trước là hai võ sư trứ danh của Thanh Long môn, sau đó đi đầu quân cho triều đình Mãn Châu, cam tâm chịu nhục làm tay sai cho giặc. Hai người này võ công rất giỏi. Lần này hộ tống cống vật là do họ dẫn đầu, đúng là dịp tốt để chúng ta tỉ đấu với họ một phen.

Hồ Quảng Đông nói:

-Chuyện này đương nhiên không thành vấn đề! Hai con rùa này, gặp được bảy mươi hai đường Kinh Hồn Đoạt Mạng Kiếm của ta, sẽ đánh cho chúng không còn một manh giáp, ngày mai nhất định không để hai mối họa này sống sót!

Bạch Kiếm Phi lại lên tiếng:

-Thiếu đà chủ! Chúng tôi nói trước, nếu tôi và Hồ đại ca gặp hai con rùa đó trước thì sẽ động thủ trước. Thiếu đà chủ đừng trách chúng tôi là không khách sáo.

Bạch Kiếm Phi và Hồ Quảng Đông là người Tứ Xuyên, dân ở đó quen miệng hay mắng người ta là con rùa.

Tần Thiên Nhân mỉm cười hỏi:

-Hai vị đã lâu không gặp đối thủ, chắc là ngứa tay rồi. Còn tam đệ, có muốn thi triển Thiếu Lâm tam thập lục quyền trước hay không?

Tần Thiên Nhân hỏi như vậy vì Trương Quốc Khải đó giờ hễ có trận đánh là toàn chỉ huy tiên phong. Trương Quốc Khải cười đáp:

-Hai con rùa đó, nhường cho Bạch đại hiệp và Hồ tiền bối, đệ không tranh giành nữa là xong.

Mọi người nghe Trương Quốc Khải bắt chước giả giọng Tứ Xuyên không giống lắm liền bật cười.

Lữ Nghị Trung cũng nhìn Lữ Lưu Lương nói:

-Cha à, tuy lão Trần đã tuyệt giao với Lương Trung Lí Tứ rồi, nhưng ông ấy vốn là người nặng tình nặng nghĩa. May mà ông ấy đang ở Tứ Xuyên cùng với Thất đương gia, không thì chúng ta phải giết hai họ Lương Lí trước mặt ông ấy, cũng có phần trở ngại.

Tần Thiên Nhân nghe vậy nhớ tới Cửu Dương, ước gì… Chàng nén một tiếng thở dài, mở tấm địa đồ chàng mang theo trong mình ra, trải trên bàn nói:

-Theo như vãn bối nghĩ thì ngày mai cứ để chúng đối đầu với các cạm bẫy này trước đã, lợi thế sẽ nghiêng về phía chúng ta, muốn thắng lợi chúng ta phải đục thủng thuyền của bọn chúng, trên đường bộ cũng gài đặt các bẫy thú, làm chiến mã của chúng bị tổn hại, sau đó mới xua quân ra đấu giáp lá cà.

Lại thêm lời:

-Chúng ta chia thành hai nhóm, vãn bối sẽ cùng đại đương gia và hai trăm huynh đệ mai phục tại Thủy Hoàng. Binh sĩ triều đình muốn vận tải kim ngân và cống phẩm phải đi ngang qua Thủy Hoàng trước, nơi đó có hai ngọn đồi Thất, Tinh. Ở trên đồi chứa nhiều tảng đá, chúng tôi sẽ ném đá xuống giết được một phần binh sĩ, phần còn lại không còn đường lui buộc phải chạy đến Thanh Quan.

Tần Thiên Nhân chờ mọi người hiểu hết mới nói tiếp:

-Tam đương gia và các huynh đệ còn lại sẽ phục kích hai bên bờ sông Thanh Quan, bao vây đám quân binh, không được để một tên nào thoát. Sau khi đoạt được ngân lượng và cống phẩm, chúng ta không thể vận tải về Hàng Châu, chi bằng đổ hết xuống sông, con sông này gắn liền với sông Bạch Hà của thị trấn chúng ta. Nhằm khi này trời thường hay mưa to, khiến mặt nước dâng cao và chảy xiết. Cho nên nước sông chính là then chốt trong vấn đề di chuyển vàng nén. Chỉ cần chúng ta vứt số kim ngân xuống thì vận tốc nước sông sẽ mang ngân lượng xuôi dòng về đây.

Mọi người đồng ý. Bạch Kiếm Phi, Hồ Quảng Đông và Trương Quốc Khải lấp tức xuất phát, ba người cúi chào bái lui, lãnh nhiệm vụ dẫn một trăm thành viên của hội đi đặt bẩy thú ở hai bên bờ và cọc nhọn xuống lòng sông Thanh Quan. Họ đốn các loại gỗ lim và gỗ táo trên rừng Hàng Châu, kéo về bờ sông đẽo nhọn cắm xuống dòng nước tạo thành những bãi chông ngầm kín đáo. Sông Thanh Quan nước ròng, lên rất nhanh và xuống rất mạnh, khi thủy triều rút lại còn hiện ra thêm một dải đá ngầm bên dưới lòng sông có thể phối hợp với bãi chông nhằm ngăn chận tàu thuyền của địch.

Những người còn lại tiếp tục chờ nghe chỉ thị, Vạn Văn Thông nói:

-Thế còn đội hỏa thương? Tất cả bọn chúng đều là các xạ thủ, tứ đương gia Cam Phụng Trì và lục đương gia Tí Viên Bạch Thái Quan cũng đã vì họ mà chết không toàn thây.

Khẩu Tâm nói:

-Nơi mà chúng ta sẽ mai phục cách nơi quân địch sẽ là ba trăm bước, tầm bắn của súng trường là hai trăm bước, cung tên là một trăm, không lẽ chúng ta dùng một đội tiên phong một trăm người, chạy thẳng đến tầm bắn của chúng, những người này không được tránh đạn, mà phải lấy thân mình như lá chắn, như thế thì cung thủ của quân ta có thể chạy sau họ và đạt được tầm bắn?

Khẩu Tâm vừa dứt lời thì Lạc Thiết Môn lắc đầu:

-Như vậy phải hy sinh rất nhiều anh em, lấy tánh mạng anh em chúng ta ra đánh đổi lương thực cho những người dân bị nạn bởi “thiên tai” ở Cam Túc, rồi lại để gia đình của anh em ta ở Hàng Châu trở thành nạn nhân của “nhân họa,” tổn thương nhiều nhân mạng, có khác gì nhau?

Tần Thiên Nhân nhìn Khẩu Tâm và Lạc Thiết Môn, thấy cả hai đều có lý. Không biết tính sao, Tần Thiên Nhân suy nghĩ một lát rồi nói:

-Lạc đại hiệp và đại đương gia hai người đều nói đúng, vậy thì chi bằng hợp mưu của hai huynh lại, chúng ta lấy ván gỗ bện đất bùn và rơm ướt, chia ra nhiều toán khiên những chiếc ván gỗ bện rơm ướt này nhất loạt xông ra chặn hỏa lực, khi đạn bị mộc cản sẽ mất đi hiệu lực như vậy thì cung thủ của quân ta có thể chạy sau họ và đạt được tầm bắn.

-Hảo!

-Hảo!

Mọi người đồng ý.

Sau khi được giao nhiệm vụ, mọi người đều rời tổng đà lên ngựa, chia tay với thiếu đà chủ để đi chuẩn bị cho trận đánh ngày mốt. Tần Thiên Nhân cũng cung kính bái chào lại họ, và nói:

-Không có gì bằng tình anh em, thời buổi này, không có anh em, sẽ không sống sót nổi.

Sau cuộc tụ tập thương lượng đó Lữ Nghị Trung đi tìm nữ thần y trong kho thuốc của chùa Thanh Tịnh. Nghị Trung nói:

-Thiếu đà chủ cùng đại gia, tam gia đã đi rồi. Thiếu đà chủ để lại cho muội thư này.

Lữ Nghị Trung nói xong trao lá thư cho nàng. Nữ thần y mở tờ giấy được gấp làm tư ra đọc, trong thư là nét chữ của Tần Thiên Nhân:

“Giang sơn Hán thất, đại nghiệp đứng đầu. Tây Hồ, muội là người của Đại Minh Triều, lại là người yêu quý nhất của huynh, chắc là muội hiểu được lòng dạ của Thiên Nhân này, vì vội vàng ra đi huynh không kịp cáo biệt muội, huynh chỉ để lại món ăn mà muội thích ăn nhất, để cho muội thưởng thức, huynh và các anh em trong hội khi hoàn thành nhiệm vụ huynh sẽ trở về dùng kiệu tám người rước muội, hai chúng ta sẽ chính thức nên duyên vợ chồng.”

Lá thư ngắn gọn. Nữ thần y đọc xong cầm gói giấy Lữ Nghị Trung trao cho nàng, mở gói giấy ra ngắm những cái bánh Quế Hoa nhỏ xinh, mỉm cười nói:

-Huynh ấy thường không bên cạnh muội, nhưng vẫn quan tâm đến muội như vậy, làm sao mà muội nỡ lòng giận cho được?

Nghị Trung nói:

-Huynh thấy hai người như vậy rất là vui mừng. Muội đây tài sắc vẹn toàn, thiếu đà chủ thì oai phong bát diện, hào khí tứ phương, thật là xứng đôi vừa lứa.

-Lữ huynh đã quá lời rồi.

Nữ thần y lại cười. Tuy tâm tình không để lộ ra nhưng nàng nhớ Tần Thiên Nhân da diết.

Nhớ hai người lúc nhỏ khắn khít nhau, nhưng khi lớn lên lại ít có cơ hội gặp nhau, Tần Thiên Nhân thường lãnh nhiệm vụ phải đi xa, mỗi lần về lại Hàng Châu, chàng vẫn đưa mắt nhìn vào hai cánh cổng khép chặt im ỉm dưới mái vòm tam quan chạm trổ hình đầu rồng của chùa Thanh Tịnh, lòng suy nghĩ vẩn vơ. Không hẹn mà nên, qua song cửa kho thuốc nữ thần y lại ngóng nhìn ra cổng mong được thấy chàng trai tài giỏi đã làm tâm hồn trong trắng của cô gái mười mấy tuổi xao gợn sóng tình.

Tần Thiên Nhân hơn nữ thần y bảy tuổi, trưởng thành già dặn hơn, nhưng yêu nàng chàng cứ như trẻ lại. Nhìn nàng như vậy chàng cũng chẳng dám đòi hỏi mấy chuyện đen tối, nàng quá đỗi dễ thương và trong sáng chàng không nỡ.

---oooo---

Lại nói tiếp chuyện Lữ Nghị Trung và nữ thần y trong ngôi miếu hoang.

Nữ thần y vẫn còn đứng tựa lưng vào khung cửa sổ, nàng lắc đầu bảo Lữ Nghị Trung:

-Không, muội tin thiếu đà chủ, Đại gia, Tam gia và các huynh đệ trong hội nhất định đoạt được số ngân lượng ở Thanh Quan, chuyện đó không thành vấn đề. Chuyện muội đang lo là một chuyện khác.

Nghị Trung suy nghĩ một lát nói:

-Muội đang lo chuyện thư viện sẽ bị buộc tội à? Hay là tình hình của các cống sinh? Quả như Thất gia nói, triều đình không bắt bớ trường học chúng ta được. Muội không cần quá lo.

Chàng nói xong tự hỏi không biết bây giờ viện trưởng thế nào rồi? Chuyện của Nhạc Tam Nguyên bất thình lình ra đi, chàng cảm thấy thật đáng tiếc, trong hội ai cũng bảo mạng số của nhà họ Nhạc thật là xui xẻo, khi không cả nhà ba người lại bị chết trong đám cháy đó. Nhạc Tam Nguyên là một trong những học trò tâm đắc của Cửu Dương, nên sau đám cháy đó Nghị Trung đã có biên thư đi Tứ Xuyên song đến nay chưa nhận được hồi âm.

Nữ thần y vẫn lắc đầu nói:

-Người nào đi theo Thất gia cũng đều sẽ an toàn, muội tin vào tài trí huynh ấy, tin chắc không sao đâu, chuyện muội đang lo là chuyện Triệu Đô thống sắp sửa điều quân tới vùng này.

Nghị Trung vỡ lẽ, đầu gật gù, chuyện này chàng cũng đã nghe qua, vì sau chuyện Giang Nam thất hiệp hành thích Khang Hi ở Sơn Tây, triều đình đã điều quan Đô thống Triệu Phật Tiêu đến Giang Nam đóng đô, thăm chừng dân tình.

Nghị Trung nói:

-Người này huynh cũng có nghe danh. Hắn là người của bộ tộc Ô Nhã Thị Mãn Châu. Ba năm trước người này chỉ làm Chương kinh trong Quân cơ xứ, một chức quan nhỏ phụ trách ghi chép, sau một năm không hiểu thế nào lại lên đến chức vụ Binh bộ lang trung, rồi là Thịnh Kinh hình bộ thị lang. Sau khi Thuận Trị lâm bệnh thái y chẩn không qua khỏi, thì Triệu Phật Tiêu tức thì thăng làm Hình bộ hữu thị lang. Mấy tháng trước hắn thụ chức Chánh Hoàng kỳ Mãn Châu đô thống.

Nữ thần y nói:

-Hồi muội còn ở Sơn Đông, Triệu Phật Tiêu đem quân đến bắt bớ những học sinh của Bắc Tự Đường, nói là họ viết văn phản động, bắt họ đem đi, bây giờ không biết hành tung họ thế nào.

Nghị Trung nói:

-Ở kinh thành huynh nghe người ta đồn do hắn có Phủ Viễn tướng quân nâng đỡ mới lên được tới chức đó, người này trong quan trường đã nhiều phen kết nối với các thân vương khiến cho Ngao Bái phải tức tối đến đỏ cả mặt mày. Triệu Phật Tiêu có đáng sợ thế nào, cũng không bằng tên chủ soái của hắn.

Lữ Nghị Trung lấy làm lạ, khi chàng chắc tới người gọi là Phủ Viễn tướng quân, gương mặt xinh đẹp của nữ thần y có hơi biến sắc.

Chỉ một chút thôi, sau đó nàng lấy lại vẻ bình thản, gật đầu nói:

-Họ Triệu này thái độ rất cứng rắn, lại xảo huyệt gian trá, khó đối phó hơn lão quan huyện tỉnh Hàng Châu, nếu hắn chưởng quản nam bắc lộ Giang Nam, tuyệt đối không phải là chuyện tốt, sau này hoạt động của chúng ta càng thêm khó khăn. Đời sống dân chúng cũng sẽ không một ngày được yên mà họ thì chỉ yêu cầu đối đãi hợp lý, cần có một con đường sống.

Nghị Trung nói:

-Muội nói không sai nhưng huynh lại cầu cho tới ngày dân chúng cả thảy đồng lòng tham gia tạo phản đây. Quan áp bức, thì dân phải chống, phải tranh đấu tới cùng. Triều đình thấy thiên tai lũ lụt người người chết đói chẳng những không xuất kho cứu đói, còn vẫn không giảm thuế má, sớm muộn hội chúng ta và dân chúng cũng chết, nếu phải chết, chi bằng chết oanh liệt trên sa trường.

Nữ thần y nói:

-Đúng là chúng ta không thể rút lui một cách nhẫn nhịn nhưng muội không muốn chuyện này lại phát triển tới chỗ như vậy.... Vì… suy cho cùng chúng ta cũng đang ở thế bất lợi, hiện thời tổng đà chủ không biết tông tích thế nào, Cam Phụng Trì và Tí Viên Bạch Thái Quan thì đã hy sinh, còn Bát Bộ Truy Hồn và Gia Cát tái lai lại không có mặt ở tổng đà.

Khi nữ thần y nhắc tới tứ đương gia lục đương gia nước mắt lại chảy xuống.

Nghị Trung nghe nàng nói vậy trong lòng cũng buồn không kém, nhủ bụng hai người đương gia còn trẻ tuổi vậy mà đã ra đi mãi mãi, nhớ bữa tối hôm trước khi đi Sơn Tây chàng và họ còn ngồi cạn chén với nhau. Nén một tiếng thở dài, Nghị Trung nói:

-Tóm lại chuyện này không phải do chúng ta quyết định được đâu. Đành chờ thiếu đà chủ, đại gia và tam gia hoàn thành chuyến đi Thanh Quan và bình an trở về vậy, bây giờ chuyện chúng ta có thể làm là thông báo với các huynh đệ trong hội, bảo họ ngày đêm đề cao cảnh giác.

Truyện Chữ Hay