Thanh Triều Ngoại Sử 2

chương 45: hỗn thiên nghi

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Xe của Sách Ngạch Đồ đỗ trước một ngôi nhà khá rộng với tường trắng vây quanh. Một cành liễu từ trong vươn ra bên ngoài và có nhiều cây thông to cao hơn cả tường, lá được cắt xén thành hình cung, hình tròn và hình dạng của những con chim đang tung cánh. Ngoài cổng treo một chuông cửa. Sách Ngạch Đồ xuống xe, bước tới rung chuông. Một ông lão cao gầy mặc y phục gấm màu nâu khoảng trên dưới tám mươi tuổi ra mở cổng.

- Chào Suất cửu.

Sách Ngạch Đồ cúi mình nói.

Ông lão cười:

- Mọi người đã tới rồi à?

- Vâng, cửu cửu khỏe không?

- Nhờ ơn trời cửu cửu vẫn còn đây.

Sách Ngạch Đồ quay sang Tân Nguyên, Cửu Dương và Tiểu Điệp đang đứng sau chàng nói:

- Đây là cửu cửu của ta.

Đoạn chỉ vào ba người, Sách Ngạch Đồ nói:

- Còn đây là các bằng hữu mà cháu đã nói với cửu cửu.

- Chào cửu cửu.

Cửu Dương, Tân Nguyên và Tiểu Điệp đồng thanh lên tiếng.

Cửu cửu của Sách Ngạch Đồ họ Suất tên Nhan Bảo, gật đầu chào ba người:

- Mời các cháu vào nhà.

Nói xong đi trước dẫn đường.

Đám người Sách Ngạch Đồ đi theo Suất Nhan Bảo. Bên trong cánh cổng là một vườn hoa vĩ đại, trồng đầy các loại hoa nhưng đa số là hoa cúc, cẩm chướng và hoa lưu ly, cũng có nhiều chậu kiểng quý hiếm nằm hai bên lối đi. Theo lời của Sách Ngạch Đồ thì những chậu kiểng hiếm này quanh năm xanh mướt, ngay cả mùa đông cũng không rụng lá. Cửu Dương đi bên cạnh Sách Ngạch Đồ nghe được, tự nhiên nhủ bụng cây cối thì như vậy, còn con người có mãi vẫn như nhau không? Cửu Dương bỗng nghĩ đến Tây hồ Hàng Châu, trong hồ trồng rất nhiều sen. Bây giờ chắc hoa đã tàn, lá đã úa cả rồi…

Vườn hoa của Suất Nhan Bảo có vẻ đã được hoạch định hẳn hoi, một hòn núi giả được xây bằng đá nằm ở giữa một bồn nước có vòi phun cao, trong kẽ đá mọc đầy các loại xương rồng, vài cây xương rồng đang nở những đóa hoa nhỏ màu hồng nhạt. Lồng đèn được giăng đầy trên các cành thông và liễu vì vậy nên tuy trời đã vào đêm nhưng cả một vườn hoa trong thật sáng sủa, sạch sẽ và đầy sinh khí. Ngôi nhà trong vườn được xây hai tầng theo lối tây phương, sân nhà được lát gạch đỏ, hai bên hiên rộng rãi có xây những cột trụ bằng xi măng có vân giản. Một con đường đá nhỏ chạy dài từ ngoài cổng vào đến gian chính, gian bên cạnh là nhà chứa củi, cổng nhà chứa củi đang được mở để lộ một chiếc lò nhỏ và những chồng củi khô, thêm dăm ba cái ghế mây dài đặt quanh chiếc lò.

Suất Nhan Bảo dẫn mọi người vào sảnh, giữa phòng đặt bộ bàn ghế cũng được bện bằng mây. Đồ vật trang trí trong phòng tuy đơn giản nhưng vẫn toát ra sự tinh tế hài hòa làm cho bất kỳ người nào nhìn vào cũng có một mối thiện cảm không thể nào diễn tả bằng lời. Trên tường không treo tranh liễn mà chỉ treo hai bó hoa to bện bằng cỏ khô.

Suất Nhan Bảo mời mọi người ngồi quanh chiếc bàn gỗ mây, rót trà ra mấy cái li sau đó niềm nở nói:

- Mời các cháu dùng trà.

Sách Ngạch Đồ bưng li trà lên đưa cho Cửu Dương nói:

- Cửu cửu của ta chuyên đi tìm kiếm những món đồ tây dương, hôm nay cửu cửu sẽ cho chúng ta ngắm mấy món bảo bối mà ông ấy sưu tầm để chúng ta được mãn nhãn.

Cửu Dương quay sang Suất Nhan Bảo mỉm cười, Suất Nhan Bảo nói:

- Không những lão sẽ đưa mọi người đi xem kho báu của lão, sau đó còn mời mọi người ăn món ăn mà lão mang về từ chuyến đi Cáp Nhĩ Tân.

Mọi người theo Suất Nhan Bảo lên lầu vào một căn phòng có ghế salon, quanh tường đóng những hàng kệ gỗ, hỗn thiên nghi được đặt trên một cái bàn ở giữa phòng. Tiểu Điệp bước lại nhìn cỗ máy định vị thiên thể hỏi Sách Ngạch Đồ:

- Vật này có thể giúp chúng ta tránh được những trận lũ lụt hằng năm à?

Sách Ngạch Đồ chưa đáp, Suất Nhan Bảo lắc đầu:

- Hỗn thiên nghi chỉ là một công cụ thiên văn mô phỏng lại thiên cầu thôi, cái cháu đang sờ vào chính là Trái Đất, còn đây là các vì tinh tú bao quanh Trái Đất, hỗn thiên nghi mô tả lại bầu trời. Ta sẽ tặng hỗn thiên nghi này cho một trung tâm nghiên cứu kính thiên văn ở Cáp Nhĩ Tân để các nhà thiên văn học có thể phát triển và mở rộng thêm cho nó để nó có thể phát hiện ra các cơn địa chấn.

Suất Nhan Bảo nói xong, Tiểu Điệp nói:

- Nhưng cho dù chúng ta có biết trước được khi nào Hoàng Hà lũ lụt hay khi nào xảy ra những trận động đất cũng không thể cản cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên được. Tự cổ nạn Hoàng Hà không ai thắng nổi, hễ mà tinh tú trên trời có chút biến động liền ảnh hưởng đến muôn ngàn sinh linh.

Sách Ngạch Đồ gật đầu:

- Mỗi lần Hoàng Hà vỡ đê đều gây thiệt hại cho người dân Hà Nam, nhất là năm ngoái Hoàng Hà vỡ đê đã gây ra thiệt hại nhiều hơn bao giờ hết, đạo tặc bốn phương vì trận lũ đó đã thừa cơ hô hào làm loạn, cho nên hiện tại triều đình ngoài việc trị thủy, trị nha phiến còn phải tìm cách đối phó bọn sơn lâm sát sinh vô số đó.

Sau khi xem hỗn thiên nghi Suất Nhan Bảo lại dẫn mọi người đi coi từng món đồ đặt trên những chiếc kệ gỗ, lúc mọi người đến trước một chiếc kệ cao ngất, lớn đến độ chiếm trọn một bức tường, Tiểu Điệp cầm ba ống sắt đặt ở giữa kệ lên nói:

- Ba ống này là gì vậy thưa ông?

Suất Nhan Bảo nói:

- Nó là ba phần của một cây sáo do người La Mã chế ra, tiếc là lão không biết chơi sáo cũng quên cách người ta chỉ cho ráp mấy cái ống và hàng nút lại thế nào rồi.

Tiểu Điệp nói:

- Sáo tại sao phải cần hàng nút? Lại còn những cái que kim loại này để làm gì?

Suất Nhan Bảo lắc đầu ra vẻ không am tường, Tiểu Điệp định đặt ba cái ống sắt trở lại vị trí ban đầu thì Cửu Dương nói:

- Mấy cái nút đó gọi là phím bấm, sáo tây thường có phím bấm, cũng có nhíp để kiểm soát áp lực phím bấm và các dạ êm.

Suất Nhan Bảo nhìn Cửu Dương hỏi:

- Cháu biết cách ráp chúng lại với nhau không?

Cửu Dương gật đầu thưa “vâng.” Suất Nhan Bảo bèn kêu Tiểu Điệp đưa cho Cửu Dương ba ống sắt, Cửu Dương vừa ráp từng phần thanh sáo lại với nhau vừa nói:

- Lúc trước sáo của người tây dương có các lỗ ngón tay quá xa nhau, chính vì vậy mà hai năm trước họ đã bắt đầu phát triển một hệ thống ngón tay hoàn toàn mới. Thậm chí còn chế tạo những chiếc máy để tạo lỗ thân sáo, cột đỡ, cột trụ và các nhíp nhún, dẹt. Hệ thống mới này dùng những cái cần, hoặc que kim loại để giữ các phím bấm lại với nhau. Những phím bấm này che những lỗ mở, tạo ra âm thanh sáng hơn và có cao độ chuẩn hơn. Phím bấm còn là chỗ dựa cho ngón tay cái của người chơi sáo giúp ngón tay chuyển động dễ dàng hơn.

Cửu Dương dứt lời cây sáo cũng được chàng ráp lại thành một ống dài, Tiểu Điệp nói:

- Huynh hiểu biết nhiều về sáo vậy chắc biết thổi sáo phải không? Hay là huynh thổi một bài cho chúng tôi nghe?

Cửu Dương gật đầu, Tiểu Điệp vỗ tay cười nói:

- Không biết huynh sẽ thổi bài gì cho chúng tôi nghe đây?

Cửu Dương theo thói quen thổi bài đầu tiên trong Thập đại danh khúc, bài này năm xưa chàng hay thổi bên bờ Tây hồ cho nữ thần y nghe.

Mọi người đứng quanh Cửu Dương ngẩn ra nghe chàng thổi Bình Sa Lạc Nhạn, tới đoạn Vương Chiêu Quân trên đường ra Nhạn Môn Quan tới vùng đất khách quê người sống trong một dân tộc với nền văn hóa khác biệt tiếng sáo nghe như than như khóc làm Tiểu Điệp không kềm được nước mắt, hai dòng lệ chảy dài xuống má nàng. Tiểu Điệp đưa tay gạt lệ trên má, hình bóng Cửu Dương nhòa theo nước mắt nàng.

Một lúc sau tiếng sáo dừng lại nhưng dư âm vẫn còn quanh quẩn trong phòng. Tân Nguyên lên tiếng phá vỡ bầu không khí trầm buồn, vỗ tay nói:

- Tiếng sáo của huynh quá tuyệt vời. Không ngờ với một ống sắt bình phàm huynh lại có thể tấu lên một bản nhạc vô cùng thần kỳ như vừa rồi.

Cửu Dương nhìn Tân Nguyên bằng ánh mắt cảm khái và nói cảm ơn nàng, qua lời nói của nàng chàng thấy được nàng rất chân thành, không hề khách sáo với chàng.

Sách Ngạch Đồ cũng ngưỡng mộ tiếng sáo vừa rồi của Cửu Dương, cũng ngưỡng mộ con người Cửu Dương. Sách Ngạch Đồ vừa nhìn Cửu Dương vừa nhủ bụng một nam nhân với gương mặt trầm buồn lại có tài chơi nhạc sẽ dễ trở thành mục tiêu đeo đuổi của các cô gái chưa chồng. Lại nữa, Cửu Dương cũng sở hữu một tướng mạo nổi trội hơn người nên bất kỳ người con gái nào gặp chàng cũng dễ dàng có thiện cảm với chàng ngay lần đầu gặp mặt.

Phải gần cuối giờ Tuất mọi người mới xem hết các “bảo bối” trên những kệ gỗ, Suất Nhan Bảo đưa mọi người trở xuống lầu.

- Các cháu đói bụng chưa nào? - Suất Nhan Bảo nhìn Tân Nguyên hỏi - Mấy năm gần đây lão chu du tứ hải lại sinh thêm cái tật thích ăn những món ăn dân dã mà ngon.

Tiểu Điệp nghe hỏi sực nhớ nàng và Tân Nguyên còn chưa ăn chiều, vội vàng gật đầu. Suất Nhan Bảo nói:

- Vậy lão sẽ đãi các cháu món này. Các cháu không biết đâu, yến tiệc bày đầy trong cung, chẳng qua chỉ là bày vẽ cho đẹp mắt chứ lão dám cá với các cháu không món nào trong ngự thiện phòng có thể sánh bằng món ăn mà các cháu sắp sửa được ăn. Món này ngay cả hoàng thượng và thái hoàng thái hậu lão nghĩ cũng chưa có dịp ăn qua.

- Chà – Tiểu Điệp xoa bụng nàng nói - Nghe cửu cửu nói thật là hấp dẫn khiến cái bụng của cháu sôi réo lên rồi này.

Tân Nguyên cũng cười nói:

- Cháu cũng thật háo hức muốn biết món ăn đó là món ăn gì.

Suất Nhan Bảo tươi cười dẫn mọi người ra nhà củi bảo Cửu Dương và Sách Ngạch Đồ nhóm lửa trong lò, trong khi chờ lò nóng lên, Suất Nhan Bảo quay vào nhà bưng ra một cái rổ chứa đầy khoai nói:

- Bếp lửa đã sẵn sàng rồi hay chưa?

Lúc này Sách Ngạch Đồ đang đến góc nhà bưng lại một mớ củi khô, Tiểu Điệp quay sang Tân Nguyên nói:

- Trời ạ, cửu cửu định cho chúng ta ăn khoai, cái món đó chỉ có dân nghèo mới ăn, vậy mà em còn tưởng cái món mà ông ấy nói là món gì trân quý trên đời!

Trong khi Tân Nguyên đưa tay bụm miệng Tiểu Điệp, Cửu Dương nói:

- Món khoai nướng là cực phẩm trên đời.

Suất Nhan Bảo gật đầu. Cửu Dương lại nói:

- Thật sự thì những người có tiền và quyền mỗi bữa cũng không nên đòi hỏi quá nhiều, nhất là trong lúc dân chúng đang đói khổ thế này. Lại nữa ăn uống đạm bạc mới khỏe trong mình. Nếu như hằng ngày một người cứ ăn các món ăn đắt tiền như tổ yến, bào ngư, vi cá, các món sơn trân hải vị thì sớm muộn các chất dinh dưỡng bị thừa trong cơ thể sẽ dẫn đến hủy hoại cơ thể.

Suất Nhan Bảo ngồi vào chiếc ghế bên cạnh Cửu Dương, vừa đặt rổ khoai xuống sàn nhà vừa nói:

- Cháu nói không sai chút nào, dầu cho những người làm quan cũng đều không nên sống quá xa xỉ, nhưng sự thật đáng tiếc, trừ một vài viên quan thì khi lão du ngoạn vùng đông bắc toàn thấy ở đó các quan người nào cũng đàn đúm ăn chơi, hằng ngày đều dùng sơn hào hải vị chẳng có người nào chịu nhín ra một chút tiền để giúp đỡ bá tánh.

Suất Nhan Bảo nói xong đưa mỗi người một cái xiên.

- Khoai lang đem lùi trong bếp than chờ đến khi vỏ cháy sém thật là thơm ngon đáo để. Nhưng điểm đặc biệt của món này không phải là ở mấy củ khoai mà chính là…

Suất Nhan Bảo nói đoạn lại đứng lên quay trở vào nhà, một lát sau mang ra một cái mâm, trong mâm có mấy cái chén đựng hai loại nước đỏ và vàng. Suất Nhan Bảo nói:

- Điểm đặc biệt chính là ở hai món tương này.

- Sao kia - Tiểu Điệp tròn mắt nói - Khoai nướng mà đem chấm với tương ư? Cháu sống tới tuổi này mới nghe món ăn này đó!

Tân Nguyên nói:

- Hai loại tương này có màu sắc trông thật đẹp mắt!

Suất Nhan Bảo đặt cái mâm lên chiếc ghế trống bên cạnh, lấy một chén tương vàng đưa cho Tân Nguyên nói:

- Khoai nướng chấm với loại tương vàng này cháu sẽ nếm được một thứ mùi vị ngon không thể tả, còn loại tương đỏ này nữa, quyện với khoai trong vị bùi có vị ngọt ngào thơm tho.

Mọi người chờ khoảng nửa khắc Sách Ngạch Đồ và Cửu Dương đào mấy củ khoai đã chín trong lò than ra, Tân Nguyên thử chấm vào chén tương đỏ, sau khi cắn một miếng nàng tròn mắt nói:

- Món này thật tuyệt! Tại sao lúc trước không ai chỉ cháu món khoai nướng chấm tương nhỉ? Thật làm cháu uổng phí mấy chục năm làm người!

Sách Ngạch Đồ cũng vừa ăn vừa trầm trồ:

- Món tương ngọt này làm như thế nào vậy cửu cửu có thể chỉ chúng cháu được chăng?

- Phải rồi - Tiểu Điệp cũng ăn ngấu nghiến nói - Cửu cửu nói chúng cháu biết đi.

Nhưng Suất Nhan Bảo lắc đầu:

- Không được, đây là hai loại tương bí truyền của một người bạn lão, bà ấy không cho lão nói ra.

Tân Nguyên đã giải quyết xong củ khoai của nàng, đang bóc vỏ củ khoai thứ hai và nói:

- Cửu cửu nói cho chúng cháu biết đi mà, nói nhỏ nhỏ cũng được.

Sự láu cá của Tân Nguyên khiến Suất Nhan Bảo phì cười:

- Đã nói thì lớn nhỏ cũng thế thôi!

Tân Nguyên cũng toét miệng ra cười. Suất Nhan Bảo thấy Tân Nguyên cười trông dễ thương vô cùng, rất muốn nói cho nàng nghe, nhưng suy nghĩ một chút đâm lưỡng lự, sau một thoáng nhíu mày ông lão nói:

- Thật sự thì lão cũng muốn chỉ cho các cháu cách cất hai món tương này, nhưng kẹt một nỗi người chỉ cho lão làm món tương này không cho lão nói công thức ra, bà ấy nói đây là món tương bí truyền của gia đình bà nhưng vì bà thấy lão giống người chồng quá cố nên hôm đó phá lệ chỉ lại công thức làm tương cho lão.

Cửu Dương thấy Tân Nguyên muốn biết cách làm hai loại tương chàng suy nghĩ một chút nhìn Suất Nhan Bảo nói:

- Vậy cửu cửu chơi một trò chơi với bọn cháu đi.

Suất Nhan Bảo hỏi:

- Cháu muốn lão chơi trò chơi gì?

Cửu Dương cười nói:

- Chơi trò… đoán các nguyên liệu trong tương, nếu bọn cháu đoán ra, cửu cửu sẽ im lặng, còn sai thì cửu cửu cười?

Một lần nữa Suất Nhan Bảo phì cười:

- Ha ha, cậu trẻ này - Suất Nhan Bảo bá vai Cửu Dương nói - Cậu thật là mưu mô, nhưng nếu lão thắng thì sao?

Sách Ngạch Đồ biết Suất Nhan Bảo rất hay cùng một nhà thờ ở kinh thành đi đông bắc làm công việc thiện nguyện nói:

- Nếu cửu cửu thắng cháu và các bằng hữu của cháu sẽ quyên hai ngàn lượng bạc cho nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, còn nếu chúng cháu thắng cửu cửu phải biếu chúng cháu mỗi người hai hũ tương này.

Suất Nhan Bảo gật đầu:

- Sẵn sàng nhưng lão tin chắc lão sẽ thắng các cháu dễ thôi. Các nguyên liệu trong hai hũ tương các cháu có suy nghĩ đến già cũng không thể nào đoán ra đâu, ngộ nhỡ các cháu đoán ra, không những là hai hũ tương lão sẽ biếu các cháu mỗi người năm hũ tương ta vừa mới cất!

Tiểu Điệp quay sang Cửu Dương nói:

- Trong hai hũ tương đó có những gia vị gì huynh hãy từ từ nói cho cửu cửu nghe đi. Khoan đã, ăn lại một lần nữa cho chắc ăn cái đã.

Tiểu Điệp bưng chén tương của chàng lên cho Cửu Dương nếm lại lần nữa nhưng chàng nói:

- Hình như tương vàng được làm từ hoa mai còn tương đỏ được làm từ hoa quế.

- Quế hoa tương và Mai hoa tương à?

Sách Ngạch Đồ đặt cho hai chén tương hai cái tên hoa mỹ. Cửu Dương gật đầu:

- Còn cách làm hai loại tương này thì cháu nghĩ cửu cửu đã làm thế này. Đầu tiên cửu cửu mang những cánh hoa mai và hoa quế ngâm với nước muối trước khi rửa sạch rồi thêm đường vào giã cho thật mịn, kế đó cửu cửu phong hai hỗn hợp này trong hai cái lọ với một chút thính đậu nành. Sau khi chờ khoảng một tuần thì bỏ thêm một chút mật ong và chờ thêm một tuần nữa đem phơi cho đến khi tương sắt lại.

Cửu Dương nói xong Sách Ngạch Đồ, Tân Nguyên và Tiểu Điệp nhìn Suất Nhan Bảo bằng ánh mắt hồi hộp.

- Cậu trẻ này cậu nói đúng cả rồi - Suất Nhan Bảo nhìn Cửu Dương bằng ánh mắt sửng sốt nói - Học vấn của cậu thật cao. Cậu cũng biết nấu ăn à?

Cửu Dương chưa trả lời, Tiểu Điệp nói:

- Đúng là học vấn của huynh ấy rất cao lại còn biết nấu ăn, tất cả đồ ăn trên thế gian này chỉ cần huynh ấy nếm qua một chút là biết ngay các thành phần trong đó, huynh ấy có cái lưỡi vàng!

Tân Nguyên nghe Tiểu Điệp ví Cửu Dương với cây trâm mà Ung công công thường dùng để thử các món ăn trong những bữa ăn hàng ngày của Khang Hi, không nhịn được cười. Chiếc miệng nhỏ nhắn của nàng phát ra một chuỗi âm thanh nghe êm ái và trong như tiếng ngọc khua.

Sách Ngạch Đồ ngồi nghe tiếng cười của Tân Nguyên, tự nhiên chàng nhớ lại lần hai người đến Hắc Long Giang nàng đã từng cười vui vẻ bên chàng như thế, năm đó hai người đã cưỡi ngựa trên một đồng cỏ xanh mướt mắt, tiếng cười của nàng khi đó cũng trong veo như tiếng ngọc chạm vào nhau, xung quanh hai người là tiếng chim kêu lảnh lót trên các cành cây, tất cả hòa vào nhau như một nhạc khúc mà các đoàn du mục thường ca mỗi lần cưỡi lạc đà đi qua các vùng sa mạc.

Sách Ngạch Đồ còn đang nhớ chuyện cũ, Cửu Dương lên tiếng cắt đứt dòng suy nghĩ của chàng.

- Đa tạ lời khen của cửu cửu nhưng đó đâu phải học vấn gì. Vả lại cháu cũng không biết nấu ăn một chút nào. Chỉ là muội muội của cháu rất thích nấu ăn lại nấu ăn rất khéo. Hồi trước muội ấy thường hay nhờ cháu thử các món ăn do muội ấy nấu nên cháu có một chút kinh nghiệm trong vấn đề nhận ra các nguyên liệu. Nhưng cháu chỉ biết các nguyên liệu trong các món ăn thôi còn số lượng chính xác để làm ra món một món ăn như thế nào thì cháu hoàn toàn không biết.

Suất Nhan Bảo đặt tay lên vai Cửu Dương nói:

- Không hề gì, lão sẽ biên xuống tỉ mỉ thành phần nguyên liệu trong tương cho cháu.

Nói rồi đứng dậy đi vào nhà.

Còn lại bốn người, Tân Nguyên quay sang Cửu Dương nói:

- Huynh thật tài.

Tiểu Điệp cũng vỗ tay khen ngợi, Sách Ngạch Đồ cũng vừa cười vừa gật đầu.

Đoạn, Sách Ngạch Đồ khẽ cúi mặt nhìn đống lửa và tiếp tục mỉm cười, lúc nãy chàng thấy sau khi Tân Nguyên khen Cửu Dương rồi nàng dùng cặp mắt dịu dàng nhìn như dán vào mặt Cửu Dương vậy. Sách Ngạch Đồ nhặt một khúc củi đặt vào đống lửa đang cháy âm ỉ trong lò.

Từ nhỏ tới lớn đối với Tân Nguyên Sách Ngạch Đồ không có những đòi hỏi cao xa gì. Chỉ cần chàng biết nàng bình an vô sự, vui vẻ, khỏe mạnh, chỉ cần nàng hiện diện không xa chàng mấy là chàng đã cảm thấy đầy đủ rồi.

Chàng cũng không biết tại sao lại yêu cô gái đó nhiều đến thế, vì nàng có thể mang đến tâm linh chàng sự ấm áp và bớt trống trải ư? Sách Ngạch Đồ khe khẽ lắc đầu, chàng không biết nữa, chàng không thể cắt nghĩa được tại làm sao mà chỉ biết đó là một hiện tượng tự nhiên đã xảy ra với chàng. Yêu là yêu, thế thôi, làm sao giải nghĩa nguyên nhân được?

Chàng chỉ biết mỗi lần nghĩ đến nàng thì lòng chàng cảm thấy ấm áp vô cùng. Từ trước tới nay không ai được chàng để ý như nàng. Trông thấy nàng thì cả người chàng rung động lên. Từ cái gật đầu chào, từ cái mỉm cười của nàng đã mang đến cho chàng một niềm vui vô bờ.

Chàng yêu nàng như vậy nhưng chỉ là yêu ngầm trong lòng thôi. Không khi nào chàng nói ra với ai. Không khi nào cả! Yêu một người mà lại giấu nhẹm tình cảm đó, tự mình ôm ấp tình cảm đó thì quả thật là một thế giới riêng tốt đẹp làm sao. Niềm vui duy nhất của chàng là sự giữ kín tình cảm đó trong lòng mình. Đây là một điều bí mật của chàng, trên thế giới này không có người thứ hai biết được. Đúng vậy, ngay đến Tiêu Phong là người bạn thân nhất của chàng, chàng cũng không nói kia mà.

- Đây - Suất Nhan Bảo trở vào nhà củi với một tờ giấy và một thùng gỗ trong tay đưa cho Cửu Dương nói - Quà cửu cửu tặng các cháu đây.

Cửu Dương đứng dậy nhưng chàng không lấy tờ giấy mà chỉ đón lấy thùng gỗ và nói:

- Cửu cửu đã hứa với lão bà không được tiết lộ cách làm hai loại tương hoa quế và hoa mai nên bọn cháu chỉ nhận những hũ tương này. Nhưng khi ăn hết rồi các cháu có thể đến thăm cửu cửu nữa được không ạ?

Suất Nhan Bảo cười nói:

- Không cần phải chờ đến khi ăn hết hai lọ tương, lão rất mong hằng ngày các cháu đến chơi với lão, lão rất thích nghe tiếng sáo của cháu nên lần sau đến cháu phải thổi ít nhất mười bài cho ta nghe.

Tối đó bọn Sách Ngạch Đồ ở lại chơi với Suất Nhan Bảo cho đến gần nửa đêm mới từ giã ra về, Suất Nhan Bảo tiễn mọi người ra cổng.

Tiểu Điệp vừa leo lên xe đã mở thùng gỗ để xem bên trong có chứa bao nhiêu lọ tương và khi nàng vừa mở nắp thùng ra, liền thấy trong thùng ngoài mấy lọ tương còn có thêm một cây sáo và lời ghi tặng của Suất Nhan Bảo dành cho Cửu Dương. Tiểu Điệp bèn đưa cây sáo cho Cửu Dương.

Cỗ xe của Sách Ngạch Đồ lộc cộc lăn bánh hướng đến Tây Hoa môn nhưng khi xe chạy đến Vô Định hà Cửu Dương nói có thể để chàng xuống xe vì từ đoạn sông này đến cô nhi viện không xa mấy. Sách Ngạch Đồ bèn bảo phu xe cho dừng ngựa lại dưới một rặng liễu.

Nhưng sau khi Cửu Dương xuống xe chàng không về cô nhi viện ngay mà cầm ống sáo đi dọc theo bờ Vô Định hà, con sông này rất dài, hơn một ngàn ba trăm dặm, tối nay mặt sông bàng bạc ánh trăng.

Cửu Dương đi đến chiếc cầu dẫn ra một nhà thủy tạ ở giữa sông, chàng chậm rãi bước lên cầu. Bấy giờ trăng đã lên cao. Cửu Dương đứng trên cầu nhìn về một hướng và nâng ống sáo lên, xa xa trông chàng như một bức tượng tạc vào mảnh trời đêm đầy sao.

Xe của Sách Ngạch Đồ đi được một quãng Tân Nguyên sực nhớ ra một chuyện bèn nhờ Sách Ngạch Đồ bảo phu xe quay lại Vô Định hà. Tiểu Điệp và Sách Ngạch Đồ ngồi trong xe, Tân Nguyên bước xuống xe và lặng lẽ đi lên cầu. Nàng không muốn làm tiếng sáo của Cửu Dương đứt đoạn nên không lên tiếng gọi chàng, chỉ đứng nghe tiếng sáo trầm buồn như tiếng than thở trong lòng chàng. Tự nhiên, Tân Nguyên nghĩ tuy nàng đang đứng ngay phía sau chàng nhưng hình như nàng đứng sau một bức tường vô hình, khó lòng tới gần chàng được.

Tân Nguyên chờ tiếng sáo của Cửu Dương ngừng hẳn rồi khẽ lên tiếng gọi chàng và nói:

- Lúc nãy huynh đi mà quên mang theo những lọ tương nên ta mang đến cho huynh.

Cửu Dương hạ ống sáo xuống quay lại nhìn Tân Nguyên, đón lấy hai lọ tương trên tay nàng và nói “cảm ơn.” Một cơn gió thổi đến làm chiếc lồng đèn đang treo trên nóc nhà thủy tạ chao nghiêng, hắt những tia sáng vàng vọt lên mặt chàng, ánh sáng đung đưa soi gương mặt góc cạnh càng làm chàng thêm cuốn hút.

Tân Nguyên nhìn nửa gương mặt Cửu Dương trong bóng đêm, không muốn rời đi. Cái tình cảm dành cho người đàn ông này suốt cả cuộc đời nàng mới trải nghiệm lần đầu, cái cảm giác nhớ thương đòi đoạn và bứt rứt không muốn rời.

- Con sông này thật đẹp.

Tân Nguyên nói.

Cửu Dương gật đầu. Tân Nguyên lại nói:

- Thú thật lúc trước ta không có một chút hứng thú gì với con sông này, ta cứ nghĩ con sông này tuy đẹp nhưng những khi chiều xuống ráng chiều đỏ rực gây nên cảm giác nặng nề và thê lương.

Cửu Dương mỉm cười:

- Thê lương có vẻ đẹp của thê lương, khung cảnh buồn tẻ thế này lại có phong vị riêng.

Tân Nguyên thấy tuy Cửu Dương cười với nàng nhưng trong đáy mắt chàng là những tia buồn phiền không bút nào tả được. Nàng lại nghĩ tới hôm trước nàng gặp chàng trong đêm hội đèn trời nàng đã nhìn thấy ở chàng một người đàn ông vững chãi, mạnh mẽ. Thì tối này nàng lại nhận ra trong con người chàng ẩn giấu một nỗi cô đơn không thể nào diễn tả bằng lời.

- Ta thì lại nghĩ huynh không hẳn hứng thú con sông này – Tân Nguyên suy nghĩ một chút nói - Kinh thành bình nguyên có tiếng là một thắng cảnh xinh đẹp nhưng huynh chỉ thích khung cảnh buồn tẻ thế này vì chỉ có đứng trên cầu này huynh mới có thể nhìn thấy một góc trong cung, tiếc là nơi đó không phải viện thái y.

Tân Nguyên dứt lời Cửu Dương thu nụ cười của chàng lại và quay đầu nhìn ra xa. Đúng là chỉ có đứng duy nhất ở đây chàng mới có thể thấy được một góc hoàng cung, còn lại, tử cấm thành đều có tường bao quanh. Cửu Dương gật đầu.

- Ta đã từng xem một bức tranh vẻ Tây hồ Hàng Châu – Tân Nguyên lại nói - Khúc sông này có cây cầu hình cánh cung và mấy hàng liễu rũ lá xuống mặt nước trông giống Tây hồ Hàng Châu như tạc.

Cửu Dương lại gật đầu, đúng là nơi này trông giống Tây hồ như tạc vậy. Chỉ thiếu nữ thần y ngồi giặt áo bên sông, mái tóc đen và dài của nàng xõa xuống hai bờ vai thon thả của nàng. Giặt đồ xong rồi, nàng thõng chân xuống đạp nước dưới hồ, khuôn mặt nàng khi đó đọng vài giọt nước trông đẹp vô cùng. Hằng năm vào mùa này Hàng Châu trời mưa nhiều lắm, mưa ướt lối sỏi, ướt tà áo mỏng manh của nàng mỗi lần nàng theo Bảo Chi Lâm đi chữa bệnh về. Cửu Dương sững người khi thấy hình ảnh nữ thần y đang hiện ra trước mắt chàng, chàng cũng không hiểu vì sao lại yêu người con gái đó nhiều thế này, không thể nào quên được nàng. Dầu ở trong đại lao chàng vẫn nghe ngóng mọi tin tức về nàng. Lúc ở Đồng Sơn chàng đã tuyệt vọng với nỗi đau, vùi mình trong mớ mệt mỏi của công việc để tìm quên nhưng rồi vẫn không thể trốn chạy được cảm xúc ở trong lòng mỗi lần trông thấy bất kỳ người con gái nào vận y phục màu hồng nhạt. Nỗi đau vẫn hiện hữu trong từng hơi thở của chàng khi có người vô tình nhắc đến tên nàng. Và chàng với trái tim vụn vỡ của mình, vẫn phải gượng cười tự an ủi rằng chàng sẽ vượt qua thôi, để rồi sau đó khi tưởng chừng như dĩ vãng đã lùi xa chàng nhận ra chàng lụy tình và yếu đuối hơn chàng tưởng.

Hằng đêm trên Đồng Sơn không đêm nào chàng ngủ quá hai canh giờ được, mỗi lần nhắm mắt lại chàng đều không tự chủ mơ về nàng, mơ về kỷ niệm ngọt ngào của hai người, những lần như thế chàng lại tỉnh giấc và phải đối đầu với một sức mạnh vô hình đang bóp nghẹn trái tim chàng.

Tân Nguyên đứng sau Cửu Dương nhìn tấm lưng chàng, giữa hai người là một khoảng không gian im lặng.

- Cẩn thận lửa củi!

Có tiếng canh phu vừa gõ chiêng vừa hô lớn. Tiếng chiêng điểm canh vọng đến làm bóng hình nữ thần y chao nghiêng rồi tiêu tan theo cơn gió trước mặt Cửu Dương. Chàng khẽ chớp mắt rồi quay lại nhìn Tân Nguyên, không còn đứng lặng người như ngây dại.

Trời càng về khuya gió mạnh càng nổi lên dữ dội, từng cơn gió thổi qua những cây đào mọc rải rác hai bên bờ sông cuốn những cánh hoa rơi vãi, trời dường như sắp mưa, mùa xuân trời hay làm mưa quá, đâu biết được trong chàng còn có những cơn giông bão lớn hơn!

- Trời đã khuya lắm rồi cách cách hãy về cung nghỉ ngơi.

Cửu Dương nói với Tân Nguyên bằng giọng ân cần.

- Ta chưa muốn về - Tân Nguyên lắc đầu - Ta muốn ở lại thêm một hồi thưởng cảnh Vô Định hà với huynh và cũng muốn chia sẻ tâm sự của huynh, Sách đại nhân nói hai người lớn lên bên nhau ở Hàng Châu?

Tân Nguyên hỏi, Cửu Dương đáp:

- Lần đầu tiên ta biết nàng ấy, nàng ấy chỉ có hai tháng tuổi thôi, nháy mắt mà đã mười mấy năm.

- Huynh đồng ý giúp hoàng thượng tìm cách đối phó tam mệnh đại thần để nàng ấy được tự do à?

Tân Nguyên lại hỏi, Cửu Dương nói:

- Tất cả những điều ta đang làm và sẽ làm chung quy cũng vì nàng ấy, bằng không ta không bao giờ đầu phục triều đình, không bao giờ.

Tân Nguyên nghe Cửu Dương đáp lặng người, từng lời nói của chàng như khứa vào lòng nàng những nhát dao nhẹ nhàng xen lẫn xót xa.

Nàng thật sự không ngờ nàng đã từng nghe người ta nói về Giang Nam thất hiệp là một người võ công cực kỳ siêu phàm, tính cách khí khái, trượng nghĩa, là một đấng anh hùng thời loạn chuẩn mực lại ưa thích kết nạp hào kiệt bốn phương. Không ngờ chàng lại là người lụy tình như vậy!

- Nữ thần y thật may mắn vì đã có một người yêu nàng ấy như huynh, cam tâm làm mọi chuyện để người mình yêu được tự do - Tân Nguyên nói lên suy nghĩ trong lòng nàng.

Cửu Dương nói:

- Ta cam tâm làm mọi chuyện vì nàng ấy là cả cuộc đời ta, mỗi lần nàng ấy cười là những mệt mỏi trong ta dường như tan biến. Lúc ta trở thành viện trưởng của học đường Hắc Viện rồi thành đương gia công việc của ta khó nhọc vô cùng, có những lúc phiền muộn ta đã muốn buông bỏ tất cả nhưng nhìn nụ cười của nàng ấy là ta lại có thêm sức mạnh. Ta luôn thích nhìn nàng ấy cười nên hàng ngày đều dành nhiều thời gian tìm cách chọc cho nàng ấy vui. Lúc còn nhỏ ta luôn đợi nàng ấy xong việc là đến tiệm thuốc Phật Sơn rủ nàng ấy ra Tây hồ dạo chơi, ta đã trông chờ nàng ấy lớn lên, trông chờ từng giây từng phút vì nàng ấy nói khi lớn lên sẽ trở thành thê tử của ta.

Tân Nguyên tiếp tục lặng người nghe Cửu Dương kể chuyện quá khứ của chàng và nữ thần y, từ nhỏ đến lớn chàng làm việc gì cũng chỉ vì người con gái kia. Kể cả hơi thở và sự sinh tồn của chàng. Tất cả, tất cả những gì của chàng đều thuộc về người con gái đó. Tân Nguyên mỉm cười để nén hai giọt nước mắt, so với những kỷ niệm nồng nàn giữa chàng và nữ thần y thì kỷ niệm của chàng và nàng nhạt nhẽo biết bao nhiêu! Chàng yêu người con gái đó, dường như sinh ra là để yêu cô ta, còn nàng, chẳng biết tình yêu là gì cho tới khi gặp chàng. Trong cái cảm giác ngưỡng mộ dành cho nữ thần y trong lòng Tân Nguyên còn trộn lẫn cả một sự cám cảnh cho tình yêu vô cùng mãnh liệt của Cửu Dương. Cuộc tình của chàng, một cuộc tình đau khổ, vô cùng đau khổ. Cái tình yêu xót xa đó Tân Nguyên nhủ bụng cả cuộc đời nàng chưa trải qua bao giờ, cho đến bây giờ…

- Tình cảm của huynh đối với nữ thần y thủy chung như nhất - Tân Nguyên giữ im lặng một hồi lâu sau mới nói lên lời được – Ta tin mối chân tình đó sẽ làm trời đất cảm động. Huynh sẽ gặp lại nàng ấy mau thôi.

- Chỉ tiếc rằng ta vẫn chưa tìm được cách đối phó tam mệnh đại thần – Cửu Dương thở dài nói - Nhưng ta nhất định sẽ tìm ra cách đối phó ba người này, ta không thể cứ để nàng ấy chịu khổ trong hoàng cung mãi, ta sẽ mau chóng đưa nàng ấy về Hàng Châu.

Lời của Cửu Dương làm trái tim Tân Nguyên như bị bóp mạnh một cách vô duyên cớ, mạnh đến độ đau thật đau.

Nàng cũng cảm thấy mũi mình cay cay. Đây là lần đầu tiên trong đời nàng nhìn thấy sự quyết liệt trong tình yêu của một người đàn ông, và cũng nhìn thấy sự yếu đuối của người đàn ông đó, nhìn thấy sự si mê, và cũng nhìn thấy một tình yêu dịu dàng mà một người đàn ông dành cho một cô nương. Nếu như muốn tìm hiểu tình cảm của Tân Nguyên đối với Cửu Dương sâu đậm từ lúc nào, có lẽ chính là từ đêm hôm đó!

(còn tiếp)

Truyện Chữ Hay