Bà Diêu gọi người đem hộp cứu thương đến, rồi thích thú tự mình đổ đầy thuốc sát trùng lên tay tôi. Bẩn thì chê mà tra tấn người thì mẹ nó vui quên lối về, mấy bác trong nghề này bệnh hết cả lũ rồi.
Tôi bất chấp sĩ diện la oai oái, khổ sở thất vọng gì đó đều bị vứt lên chín tầng mây.
Bà Diêu lau tay, để phần việc còn lại cho người làm, có vẻ như biểu hiện của tôi khiến bà bác bệnh này tương đối hài lòng, nên rủ lòng tốt giải thích một số vấn đề.
“Chắc bà nội cậu đã kể về lịch sử quan hệ giữa ba nhà Lâm Diêu Nguyễn phải không?”
Tôi gật đầu, bà Diêu nhẩn nha tiếp tục.
“Nhà Diêu không giống hai nhà Lâm Nguyễn, không phải đường ngang ngõ tắt đá sang, mà là một gia tộc có truyền thống ‘hành hương’ từ thời Khang Hi. Theo gia phả, tôi là gia chủ đời thứ tám.”
Bà Diêu dùng khá nhiều tiếng lóng tôi không hiểu, sau đó phải nhờ thằng Nam phổ cập lại, đại thể như sau.
Thánh Địa Vùi Thây là một một danh từ mới được đặt vào những năm đầu thế kỷ , khi người phương tây hiện đại bắt đầu khám phá ra hiện tượng kiến tạo địa chất không thể lý giải này. Thực tế đây không phải công trình khám phá mới mẻ, chỉ là sự xuất hiện của Thánh Địa Vùi Thây rất rời rạc trong lịch sử, và thường tập trung ở Nam Á, Đông Á và một số vùng ở Châu Phi.
Trong ghi chép gia tộc, cụ tổ của Bà Diêu sống ở thời Khang Hi đã gọi những nơi ăn thịt người này là “Ổ Rồng”, lối vào là Miệng Rồng, đường đi là Ruột Rồng, khu có báu vật là Bụng Rồng, khu nguy hiểm là Vuốt Rồng, khu chắc chắn bỏ mạng là Đầm Rồng. Kẻ dám đi vào Ổ Rồng tự coi mình đang trên đường “hành hương”.
Cách gọi này được lưu truyền rất lâu, hơn nữa còn khá tương thích với danh xưng Thánh Địa Vùi Thây bây giờ, bởi vậy được dùng làm từ ngữ nhận diện giữa những người trong nghề.
Gia chủ đời trước nhà họ Diêu là chú của bà, người này không để lại hậu duệ, quan hệ với các thành viên không thân thiết, hơn nữa dân hành hương hiếm ai sống thọ và chết ở nhà, vì thế việc ông chú bỏ mạng trong Thánh Địa Vùi Thây chưa từng làm bà Diêu quan tâm.
Nhưng rồi vào một ngày mười ba năm trước, có người cháu họ của ông Lâm đem một tờ giấy đến nhờ bà Diêu cùng giải mã, mở ra bí mật về cái chết bất thường của gia chủ đời thứ bảy.
“Một cậu trai khá.” Bà Diêu nhận xét, thái độ hoài niệm đầy hữu hảo khác hẳn khi trò chuyện cùng ông Lâm.
“Đáng tiếc tuổi xuân chết sớm, không thì Lâm Cẩu Cẩu đừng hòng ngồi cùng chiếu với tôi.”
Tôi thầm đoán hẳn vế sau mới là mấu chốt trong cả đoạn.
Mật mã cậu trai khá mang đến được cải biên từ hán ngữ cổ, không khó đọc nhưng lại kén người có thể đọc. Như ông trẻ ít văn hóa của tôi thì chắc chắn không thể hiểu được. Vậy nên sau khi chết mới dặn dò bố tôi mang vật quy nguyên chủ.
Tờ giấy nằm lẫn trong rất nhiều giấy tờ quan trọng khác của nhà họ Lâm mà ông trẻ tôi ‘giữ hộ’ suốt hồi còn sống, kể như sổ đỏ sổ hồng, giấy sở hữu xí nghiệp, trước mặt mấy quyển sổ vàng kim nọ, tờ giấy nhàu nhĩ vài dòng xiên vẹo trở nên không hề thu hút.
Người duy nhất quan tâm chỉ có con trai ông ta, cậu trai khá. Về sau khi lớn rồi hiểu biết nhiều rồi, mới lục tìm di sản của bố, đòi lại công lý muộn.
“Nội dung rất đơn giản, ta sẽ viết nguyên văn cho cậu.”
Bà Diêu lấy giấy bút, ghi ngắn gọn như sau:
“Đại hung. Tìm Nguyễn Hữu lấy di sản. Chết không thể tránh. Oan uổng anh Diêu, oan uổng tôi.”
Hai từ oan uổng kéo dài, vô cùng thê lương, khiến tôi cảm thấy có chút co quắp khi đứng trước bà Diêu. Nhưng bà ta không hề để ý, chuyển tờ giấy mới nói tiếp:
“Trên giấy còn có một hình vẽ, là vật gia chủ cũ của họ Lâm muốn đòi lại.”
Bà Diêu phác họa rất khá, chỉ vài đường nét, tôi đã biết đấy là vật gì.
Nhưng thứ này…. sao có thể là nó chứ?