Thần Thoại Hy Lạp

quyển 2 chương 36: cuộc giao tranh giữa anh em dioscures với anh em apharétides

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Anh em Dioscures, như trên đã kể, chỉ có Pollux là con của thần Zeus nên mới được các vị thần Olympe ban cho sự bất tử, còn Castor vẫn phải chịu số kiếp của người trần đoản mệnh. Tuy vậy hai anh em vẫn sống gắn bó khăng khít với nhau và chẳng ai là người suy tị hay lên mặt kiêu căng. Họ là những chàng trai nổi tiếng của đất Hy Lạp, xứng đáng là những bậc anh hùng. Castor nổi danh vì tài điều khiển xe ngựa, còn Pollux tài quyền thuật. Hai anh em Dioscures đã từng tham dự cuộc săn con lợn rừng Calydon, cuộc viễn chinh của những người Argonautes sang xứ Colchide để đoạt Bộ lông Cừu vàng. Sự nghiệp anh hùng của họ tưởng có thể lớn lao và lâu dài hơn nữa, nhưng tiếc thay, trong cuộc giao tranh với anh em Apharétides họ đã bị lìa đời. Chuyện xảy ra như sau:

Apharée vua xứ Messine có hai người con trai: Lyncée và Idas. Kể về huyết thống thì anh em Dioscures và anh em Apharée là anh em con cô, con cậu. Thế mà giữa họ đã xảy ra mối bất hòa và dẫn đến cuộc giao tranh đẫm máu, đầu mối là việc phân chia số bò cướp đoạt được. Thuở ấy có một đàn bò không rõ từ đâu lạc về đất Arcadie. Anh em Dioscures và Apharétides bàn nhau cướp số bò này, và họ tìm cách lùa được đàn bò ra khỏi vùng Arcadie. Idas chịu trách nhiệm chia phần. Nuôi sẵn tính tham, Idas bàn với Lyncée chiếm đoạt cả đàn súc vật. Anh ta mổ một con bò làm thịt và chia ra làm bốn phần bằng nhau, rồi nêu lên một cách chia: ăn thi! Đúng, ăn thi để xem ai đoạt giải thì chia bò! Ai ăn hết phần thịt của mình trước tiên thì được chia một nửa số bò, ai ăn hết thứ nhì cũng được chia một nửa số bò, và thế là hết, gọn gàng chẳng phải bình công hoặc rút thăm lôi thôi, phiền phức. Anh em Dioscures bị trúng mưu, Idas bằng kế hiểm của mình đã làm cho họ không sao ăn nhanh được. Còn mình thì loáng một cái đã chén hết sạch sành sanh khẩu phần. Chén xong khẩu phần của mình, Idas bèn sang “chi viện” cho Lyncée. Thế là cuối cùng hai anh em Apharétides ăn hết nhất nhì. Họ được cả đàn gia súc.

Vô cùng tức giận vì thói gian tham của anh em Apharétides, anh em Dioscures mưu tính chuyện trả thù. Lợi dụng sơ hở của anh em Apharétides, anh em Dioscures đột nhập vào lãnh địa Messine đoạt lại đàn bò, hơn nữa, lại còn bắt đi tất cả đàn gia súc của anh em Apharétides đã mất công chăn nuôi gây dựng từ trước đến nay. Vẫn chưa hết, anh em Dioscures còn bắt đi cả hai người con gái của vua Leucippos là nàng Phoébé và nàng Hilaera - những người vợ chưa cưới của anh em Apharétides. Anh em Dioscures biết thế nào anh em Apharétides cũng truy đuổi. Một cuộc giao tranh thế tất phải xảy ra và muốn thắng địch thủ chỉ có cách dùng kế mai phục giáng một đòn bất ngờ. Anh em Dioscures bèn trốn nấp vào một gốc cây lớn để chờ cho anh em Apharétides đi qua. Bởi vì giao tranh với Idas, mặt đối mặt, không phải chuyện dễ dàng. Gã này đã từng cả gan giao đấu với thần Apollon để bảo vệ người yêu của mình là nàng Marpessa con gái vua Événos, vị vua ở xứ Élis, Marpessa còn là cháu gái của thần Chiến tranh-Arès. Ta hãy tạm dừng ở đây một chút để nghe về chuyện Marpessa:

Thuở ấy có biết bao chàng trai say mê sắc đẹp của Marpessa, và như chúng ta đã biết, trong tình thế có nhiều chàng trai đến cầu hôn như thế thì nhà vua chỉ có cách dùng tỉ thí để đấu loại rồi lựa chọn, nhưng cuộc tuyển chọn này lại khá khắc nghiệt. Chàng trai cầu hôn phải đua xe ngựa với người đẹp. Nếu thắng thì không nói làm gì rồi, đương nhiên Marpessa là của anh ta. Còn nếu bại, chao ôi, quả là căng thẳng quá! Cái giá phải trả cho chiến bại là đầu mình! Tóm lại là vừa không được người đẹp mà lại vừa mất đầu. Ấy thế mà khá nhiều chàng trai sẵn sàng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, quyết lao vào cuộc tỉ thí, và họ đã bị mất đầu vì trái tim quá nóng bỏng vì khát vọng muốn chiếm đoạt được người đẹp. Đây chẳng phải là một chuyện “ngoại lệ” gì. Từ thuở khai thiên lập địa đến nay biết hao chuyện lôi thôi, phiền toái, lâm ly, thống thiết đã xảy ra giữa thế giới thần thánh và thế giới loài người kể từ đấng phụ vương Zeus chí tôn chí kính trở đi, cũng chỉ vì... người đẹp.

Idas quyết định chấp nhận cuộc thử thách ngàn cân treo sợi tóc. Gã cầu thần Poséidon, người cha đẻ của mình xin thần ban cho gã một cỗ xe ngựa có phép thần hành. Những con ngựa trong cỗ xe này chạy nhanh như gió và không hề biết đến mỏi mệt, và nhờ đó gã đã giành được thắng lợi, đoạt được Marpessa. Nhưng trớ trêu thay, thần Apollon cũng đem lòng yêu mến Marpessa từ lâu, vì thế thần mưu cướp tay trên Marpessa của Idas. Idas giận sôi máu, rút gươm lao vào quyết giành giữ người đẹp. Cuộc giao đấu diễn ra quyết liệt. Idas bất chấp thần thánh, quyết bảo vệ phần thưởng vinh quang của mình. Còn Apollon thì cũng bừng bừng lửa giận vì tên tiểu tốt vô danh dám cứng đầu cứng cổ với thần thánh. Thần Zeus biết chuyện, bèn giáng ngay một đòn sét đánh đầy khói mù xuống tách hai địch thủ ra khỏi cuộc tử chiến và phân xử vụ tranh chấp này bằng cách: giao toàn quyền quyết định cho Marpessa. Marpessa quyết định ai thì người đó được hưởng vinh quang sống với người đẹp. Còn kẻ bị thua thì không được giở trò “càn quấy”.

Marpessa quyết định ai? Apollon hay Idas? Chắc hẳn nhiều người đoán Marpessa quyết định Apollon. Không! Marpessa không quyết định Apollon mà quyết định Idas. Chẳng phải nàng tuân thủ điều kiện đã ban bố của cha về cuộc tỉ thí mà vì nàng suy nghĩ hết mọi đường mọi nẻo và thấy rằng quyết định Idas là chồng mình là hơn hết, là đúng đắn. Làm vợ một vị thần có nhiều quyền thế giàu sang phú quý dễ có mấy ai bì được, lại được nhiều người trọng vọng nể vì, được hưởng lộc của những lễ hiến tế hậu hĩ, nhưng theo Marpessa nghĩ, nhìn qua thì tưởng là hơn nhưng xét kỹ ra thì có nhiều điều không ổn. Nàng chỉ là một người thiếu nữ trần tục, đoản mệnh mà thần thì lại bất tử, muôn đời trẻ mãi. Thời gian sẽ làm cho nàng già đi, sắc đẹp tàn phai, khi ấy với Apollon chắc rằng sắc tàn ắt tình cạn. Với tính tình “vi vu” của các vị thần, kể cả thần Zeus trở đi, chắc rằng Apollon sẽ bỏ nàng mà đi tìm một thiếu nữ khác. Chuyện đó chẳng phải là hiếm hoi gì trong thế giới thần thánh, nhất là thần Zeus, vị thần phụ vương của các thần và những người trần thế. Ấy là chưa kể đến còn nhiều chuyện phiền toái khác chẳng hạn như muốn đi thăm chồng đâu phải dễ dàng. Thần Apollon thì ở trên đỉnh Olympe cao ngất bốn mùa mây phủ. Ra vào nơi chốn của các vị thần đâu có phải dễ dàng như người trần ta đi thăm nhau. Vậy, thôi thì “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, người trần đoản mệnh lấy người trần đoản mệnh, hà tất chi phải tới chốn cao xa cho phiền hà, rắc rối. Nghĩ thế nên Marpessa chọn Idas. Vì chuyện lựa chọn này mà Marpessa được người đời sau ca tụng, coi nàng là biểu tượng của lý trí, lẽ phải, sự thận trọng, sáng suốt, khôn ngoan.

Đó là chuyện Marpessa là như thế. Qua chuyện này ta thấy Idas chẳng phải tầm thường đâu. Thắng được gã không phải là dễ dàng. Nhưng sự tính toán mai phục của anh em Dioscures trở nên vô dụng, bởi vì họ chỉ đối phó được với Idas bằng cách ấy thôi, còn đối với Lyncée mưu kế ấy chỉ là trò trẻ. Lyncée về tài năng võ nghệ chẳng giỏi giang gì nhưng bẩm sinh được thần thánh ban cho một đôi mắt tinh tường hết sức. Gã có thể nhìn vào trong đêm tối như bưng mà vẫn tỏ tường như ta nhìn vào lúc ban ngày ban mặt. Còn hơn thế nữa gã có thể nhìn thấu qua mặt đất, xuyên vào trong núi đá vì thế chẳng có gì thoát khỏi con mắt sắc sảo của gã. Từ trên đỉnh núi Taygète xa xa, Lyncée đã nhìn thấy anh em Dioscures chui vào núp trong một hốc cây, và Lyncée lập tức gọi Idas tới. Hai anh em lên ngựa xuất trận. Bọn họ phóng ngựa qua nơi hốc cây anh em Dioscures nấp. Một mũi lao của Idas phóng vào thân cây. Mũi lao xuyên qua lớp vỏ cây cứng rắn, xuyên qua cả những thớ gỗ dày và săn như những bắp thịt của một đôi cánh tay gân guốc rồi thọc mạnh vào đâm thủng ngực Castor. Máu từ ngực người anh hùng trào tuôn ra giống như nhựa cây trào ra từ vết thương do ngọn lao xuyên thủng. Pollux thấy vậy vội chạy bổ ra ngoài giao đấu với anh em Lyncée, Idas. Đánh nhau được một lúc thì hai anh em Apharétides núng thế bỏ chạy. Pollux lập tức đuổi đến cùng. Chàng đuổi theo địch thủ đến ngôi mộ người thân sinh ra chúng thì lập được chiến công. Bằng một nhát gươm hiểm độc Pollux kết thúc gọn cuộc đời danh tướng Lyncée, kẻ có đôi mắt tinh tường nhìn thấu suốt đất dày, đá rắn. Còn lại một mình Idas, Pollux quyết không tha mạng tên này. Chàng lao ngay tới hắn. Không phải là một kẻ nhát gan, Idas chấp nhận cuộc giao tranh với hy vọng trả thù được cho người em ruột của mình, nhưng thần Zeus xót thương người con của mình, không muốn để nó phải mệt mỏi trong cuộc đọ sức nên đã can thiệp để kết thúc cuộc giao đấu. Thần liền giáng một đòn sét đánh đầy khói mù sương thiêu chết Idas và thiêu luôn cả thi hài Lyncée ra tro.

Pollux trở về nơi hốc cây Castor bị trúng lao. Vết thương quá nặng, máu chảy mất nhiều khiến cho khi Pollux về trông thấy thì em chỉ còn là một cái xác lạnh ngắt, cứng đờ. Chàng khóc than thảm thiết oán trách thần Chết đã chia lìa tình anh em máu mủ ruột thịt của mình. Khóc than hồi lâu, Pollux cầu xin người cha vĩ đại của mình là thần Zeus cho mình được chết theo em, người em ruột đã gắn bó với Pollux như bóng với hình trong tất cả mọi sự nghiệp. Thần Zeus nghe thấy lời cầu xin tha thiết của đứa con trai yêu quý bèn hiện lên. Thần cho phép con mình được lựa chọn hai đặc ân: trở về thế giới Olympe sống cuộc đời bất tử, vĩnh hằng của các vị thần, hoặc chỉ sống được nửa cuộc đời bất tử, một ngày sống dưới vương quốc tối tăm của thần Hadès, còn một ngày sống trên thế giới Olympe sáng láng, trong lành. Pollux chẳng muốn xa rời người em xấu số. Chàng chọn đặc ân thứ hai mà thần Zeus, người cha vĩ đại đã ban cho mình. Chàng chia sẻ với em nửa cuộc đời bất tử của mình. Thế là từ đó trở đi người ta thấy hai anh em Dioscures sống bên nhau, một ngày dưới âm phủ đi lang thang trên những cánh đồng hoang mờ ảo hay đi trên bờ sông Styx mù mịt khói xám, còn ngày hôm sau lại sống huy hoàng, tươi trẻ trong cung điện của các vị thần Olympe bên những bàn tiệc đầy ắp những thức ăn thần và rượu thánh vang rộn tiếng đàn ca.

Tục thờ cúng anh em Dioscures phát triển khá rộng trong nhiều địa phương trên đất Hy Lạp. Huyền thoại về anh em Dioscures theo các nhà nghiên cứu, phản ánh tượng trưng cho sự thay đổi của cuộc sống và cái chết, ánh sáng và bóng tối. Ra đời ở Sparte, cho nên huyền thoại này cũng đồng thời phản ánh tượng trưng cho sự tranh chấp, thù địch lâu đời giữa vùng Laconie và vùng Attique. Những người Sparte coi Dioscures như một vị thần bảo hộ cho nhà nước của họ, bảo hộ cho nghệ thuật thể dục thể thao. Castor là vị thần của nghệ thuật điều khiển ngựa. Pollux vị thần của võ nghệ quyền thuật. Những chức năng mới ngày càng phát triển thêm: Dioscures bảo vệ cho các chiến binh, cho những cuộc hành trình trên biển, là những người khơi nguồn cảm hứng cho các nhà thơ trong những ngày lễ hội. Trong cuộc Chiến tranh Péloponnèse, anh em Dioscures đã biến hóa thành hai ngọn lửa bay quanh bánh lái con thuyền do tướng Lysandre chỉ huy để biểu lộ sự quan tâm của mình, sự che chở cho quân Sparte. Tục thờ cúng Dioscures phát triển sang tới những bộ lạc trên bán đảo Ý. Năm TCN ở đô thành Rome xây dựng một ngôi đền thờ anh em Dioscures.

Ngày nay Dioscures chuyển nghĩa trở thành một biểu tượng cho tình anh em gắn bó keo sơn, tình bạn chân thành và chung thủy. Còn Lyncée trở thành đồng nghĩa với “người có đôi mắt tinh tường” hoặc “người canh gác sắc sảo”.

Apharétides là tên gọi chung các con của Apharée.

Chiến tranh Péloponnèse (- TCN), cuộc chiến tranh do hai thành bang Sparte và Athènes cầm đầu hai khối liên minh nhằm tranh giành quyền thống trị trên bán đảo Hy Lạp. Athènes cầm đầu liên minh Délos. Sparte cầm đầu liên minh Péloponnèse.

Lysandre là một nhà chiến lược và chỉ huy tài giỏi của Sparte đã đánh bại Athènes.

Truyện Chữ Hay