Rời Argos ra đi, Oreste ngày đêm mải miết dồn bước sao cho mau chóng tới được đền thờ Delphes, nơi chàng sẽ nhận được sự bảo vệ của thần Apollon. Theo sát bước chân chàng là những nữ thần Érinyes hung tợn lãnh trách nhiệm trừng trị tội sát nhân, đòi nợ máu phải được trả bằng máu.
Trải qua nhiều ngày đi đêm nghỉ từ tận Argos, từ miền nam Hy Lạp ngược lên miền bắc, Oreste đã tới được đền thờ Delphes dưới chân núi Parnasse. Chàng không chậm trễ trong việc chuẩn bị nghi lễ cầu khấn. Chàng đi vào khu thánh đường đền thờ Delphes, đến quỳ xuống bên hòn đá thiêng liêng Omphalos. Thanh gươm đeo bên sườn chàng tuột khỏi vỏ đặt bên. Chàng cầm trong tay một cành cây olive, một cây gậy to và đẹp, quấn len trắng. Còn tay kia chàng giơ cao lên trước mặt để cầu khấn. Cả hai tay chàng đều đẫm máu của tội sát nhân. Chàng cầu xin được rửa tội. Những nữ thần Érinyes đâu có chịu bỏ lơi chàng. Họ xộc thẳng vào khu thánh đường thiêng liêng, chẳng hề ngần ngại về hình thù khủng khiếp của mình cũng như y phục kỳ lạ không thích hợp của mình, và họ tay roi tay đuốc chia nhau ngồi vây quanh lấy Oreste.
Chính vào lúc đó thần Apollon xuất hiện. Thần đã nghe được lời cầu khấn của Oreste. Bằng tài năng và pháp thuật của mình, thần làm cho những Érinyes chìm đắm vào trong một giấc ngủ say mê mệt. Những đôi mắt ngầu đỏ hung dữ của các nữ thần vốn đã bị gỉ bẩn viền quanh phút chốc nhắm nghiền lại. Apollon bèn truyền phán cho Oreste biết ý định của mình:
- Oreste con hỡi! Con cứ bình tâm. Ta đã là và mãi mãi sẽ là người bảo vệ con. Dù ta gần con hay xa con, con cứ tin rằng chẳng khi nào ta để con rơi vào tay lũ quỷ cái hung dữ đó, và con thấy đấy, những con chó cái ghê tởm Érinyes này đã bị ta dìm vào một giấc ngủ say mê mệt. Vậy con mau mau làm theo lời ta chỉ dẫn. Con hãy lập tức rời khỏi đây và dấn mình vào một cuộc hành trình mới. Con trở lại vùng đồng bằng Attique đến đô thành Athènes cầu xin nữ thần Athéna. Con hãy đến quỳ trước tượng nữ thần và xin nữ thần cứu giúp. Chúng ta sẽ tìm cách đến giải thoát vĩnh viễn cho con khỏi nỗi đau khổ, giày vò. Bởi vì chính ta đã quyết định và đòi con phải giết người mẹ của mình.
Nghe lời phán truyền của thần Apollon, lập tức Oreste rời khỏi đền thờ, ra đi mải miết. Thần Apollon còn cẩn thận hơn, trao cho thần Hermès nhiệm vụ dẫn đường và săn sóc cho Oreste.
Oreste vừa ra đi thì linh hồn Clytemnestre vụt hiện lên với vẻ giận dữ ghê gớm. Mụ chỉ tay vào những nữ thần Érinyes đang ngủ say mê mệt, quát tháo ầm ĩ. Mụ đánh thức những nữ thần Érinyes dậy, báo cho họ biết Oreste đã trốn thoát khỏi vòng vây của họ. Mụ nhắc nhở đòi hỏi nữ thần Érinyes phải truy đuổi ngay Oreste, phải làm cho Oreste không được thư thái, yên tĩnh phút nào trong tâm hồn.
Những nữ thần Érinyes chìm đắm trong giấc ngủ chẳng dễ gì tỉnh lại ngay được. Giấc ngủ của thần Apollon giáng xuống cộng với nỗi mệt nhọc trong cuộc hành trình đã làm họ mê sảng khi thì rầm rĩ, khi thì quát thét lên trong khi ngủ, nhưng cuối cùng một Érinyes tỉnh giấc và gọi hai người bạn dậy. Cả bọn tức giận điên cuồng khi biết Oreste đã trốn thoát, không còn ở trong ngôi đền, không còn ở trong vòng vây của họ. Những Érinyes trách móc thần Apollon đã bảo vệ kẻ phạm tội, vi phạm vào đạo luật thiêng liêng của thế giới thần linh từ bao đời nay vẫn được tôn trọng, và họ thề sẽ quyết tâm truy tìm bằng được Oreste. Oreste sẽ không thoát khỏi sự trả thù. Thần Apollon nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh cho những nữ thần Érinyes phải lập tức rời bước ngay khỏi nơi thánh đường tôn nghiêm của thần, nếu chần chừ ắt không tránh khỏi sự trừng phạt. Những mũi tên bạc của thần sẽ không tha những kẻ làm ô uế nơi truyền phán những lời sấm ngôn thiêng liêng, thể hiện ý chí của Zeus. Thần chỉ mặt những nữ thần Érinyes thét lớn:
- Được, các ngươi cứ làm nhiệm vụ của các ngươi! Hãy cứ truy đuổi kẻ phạm tội giết một người cùng huyết thống. Còn ta, ta quyết sẽ bảo vệ con người đó, con người đã vì huyết thống mà lãnh sứ mạng trả thù của ta giao phó. Nữ thần Athéna sẽ phân rõ đúng sai vụ án này.
Các nữ thần Érinyes vội rời bước khỏi Delphes để đi tới Athènes với nỗi hậm hực trong lòng. Như vậy là thần Apollon mưu toan tước bỏ sứ mạng thiêng liêng và cao quý của Érinyes. Không, những Érinyes quyết không chịu. Oreste tới Athènes. Những nữ thần Érinyes cũng tới Athènes. Một bên cầu xin được bảo vệ, che chở về hành động phạm tội của mình là do thánh thần truyền phán, áp đặt. Một bên kêu gào, đòi hỏi quyết liệt thực thi bằng được sứ mạng của mình là trừng phạt kẻ tội phạm sát nhân. Nữ thần Athéna lắng nghe những lời lẽ của hai bên và thấy thật khó phân xử. Nữ thần một mặt thấy mình không thể nào trao một con người đã cầu xin mình che chở vào tay các nữ thần hung dữ Érinyes, nhưng mặt khác, sứ mạng truyền thống từ bao đời nay của các Érinyes là trừng phạt tội sát nhân. Bảo vệ Oreste tức là vô hiệu hóa chức trách quan trọng của những nữ thần Érinyes, tước bỏ sứ mạng cao cả của họ - một việc làm mà chỉ riêng nữ thần Athéna không thể quyết định. Cuối cùng, nữ thần Athéna thấy cách giải quyết tốt nhất là thành lập một tòa án để xét xử vụ việc quan trọng này. Nàng cho mời những vị quan tòa danh tiếng vốn là những bô lão đã từng xét xử những vụ kiện cáo vô cùng rắc rối tới để thành lập tòa án. Tòa án mang tên là Aréopage. Lai lịch của cái tên này vốn bắt nguồn từ một sự tích xa xưa: Xưa kia khi những nữ chiến binh Amazones đem quân đổ bộ lên vùng đồng bằng Attique vây đánh thành Athènes thường hạ trại trên một ngọn đồi. Vào thời ấy, Athènes ở dưới quyền cai quản của người anh hùng danh tiếng Thésée. Chính từ ngọn đồi này trước một lần xuất trận, những nữ chiến sĩ Amazones thường làm lễ hiến tế cầu xin vị thần Chiến tranh-Arès ban cho họ thắng lợi, vì lẽ đó người ta đặt tên cho ngọn đồi là “Ngọn đồi Arès”. Sau này, ở Athènes, ngọn đồi Arès được dùng làm nơi xét xử các vụ việc vi phạm thể chế, tập tục, pháp luật. Vì thế tòa án mang tên “đồi Arès”, tức “Aréopage”.
Theo lệnh triệu tập của Athéna, các vị quan tòa-bô lão kéo đến Aréopage. Mỗi người đều mang theo một cái bình và những viên sỏi để sau khi tranh cãi, kết tội, phản bác, bỏ phiếu quyết định. Nữ thần Athéna tham dự với tư cách là một quan tòa đồng thời cũng là người chủ tọa. Thần Apollon đương nhiên phải có mặt như là một nhân chứng quan trọng của vụ án.
Phiên tòa khai mạc, Érinyes lên tiếng kết tội Oreste và đòi phải giao kẻ phạm tội cho các nữ thần để nghiêm trị vì đó là quyền lực của họ từ nghìn xưa. Oreste đứng lên bào chữa. Chàng chất vấn những Érinyes.
- Vì sao khi Clytemnestre giết Agamemnon các người không kết tội Clytemnestre? Vì sao các người không truy đuổi đòi trừng phạt Clytemnestre?
Érinyes trả lời:
- Vì giữa hai người không có quan hệ huyết thống. Clytemnestre giết một người không có quan hệ máu mủ gì với bà ta.
Oreste vặn hỏi:
- Thế ta có chung một dòng máu với mẹ ta không?
Érinyes đáp:
- Chính bà ta đã thai nghén nuôi dưỡng ngươi trong lòng và cuối cùng sinh nở ra ngươi. Ngươi dám trắng trợn chối bỏ dòng máu thân thiết của người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra cuộc đời của ngươi ư?
Apollon đứng lên biện hộ cho Oreste:
- Oreste đã hành động theo sự phán truyền của ta, một vị thần được Zeus chí tôn chí kính, toàn năng toàn quyền trao cho nhiệm vụ truyền phán những lời sấm ngôn, thể hiện ý chí của Zeus. Oreste đã trả thù cho cha, đó là một việc làm hợp đạo lý. Bởi vì kẻ giết chồng là giết luôn cả người cha của những đứa con. Hơn nữa, Oreste còn trả thù cho một vị vua danh tiếng, một người anh hùng vĩ đại đã có công lớn trong cuộc Chiến tranh Troie. Chính người anh hùng này đã được Zeus ban cho cây vương trượng để thống lĩnh ba quân lập nên những chiến công hiển hách. Một người anh hùng kiệt xuất như thế sau cuộc chiến chinh trở về và bị lừa lọc bởi những lời lẽ tán dương hoa mỹ và sự đón tiếp xa hoa để rồi bị giết chết trong phòng tắm khi đang lúng túng trong chiếc áo đã bị khâu bít ở hai cổ tay. Đó, cái chết của người anh hùng, vị Tổng Chỉ huy các đạo quân Hy Lạp trong cuộc viễn chinh Troie, là như thế! Ta xin hỏi: Ai là kẻ đáng bị trừng trị? Kẻ giết người cha của những đứa con, người anh hùng của nhân dân Hy Lạp hay là kẻ báo thù cho người cha ấy, người anh hùng ấy?
Nhân dân đến xem phiên tòa xử vụ án quan trọng này rất đông. Họ ngồi vòng trong vòng ngoài vây quanh nơi xét xử. Họ lắng nghe chăm chú những lời kết án cũng như những lời phản bác, và quả thật, vụ án này thật rắc rối, lý lẽ bên nào cũng dồi dào, sắc sảo, đanh thép cả.
Đến lượt nữ thần Athéna lên tiếng. Nữ thần tuyên bố, tòa ngừng làm việc để bỏ phiếu quyết định vụ án. Trường hợp khi kiểm phiếu, số phiếu bầu cho cả hai bên nguyên cũng như bên bị đều bằng nhau, nghĩa là Oreste được bằng phiếu với những nữ thần Érinyes thì Oreste được trắng án. Oreste là người vô tội. Các vị quan tòa tùy theo chủ kiến lần lượt đến bỏ những viên sỏi vào một trong hai cái bình: Érinyes và Oreste. Trước khi bỏ phiếu, nữ thần nói:
- Hỡi các vị quan tòa! Hỡi tất cả những người tham dự phiên tòa hôm nay cũng như nhân dân đến xem tòa xử! Ta là người cuối cùng tỏ chủ kiến đối với vụ việc này. Ta bỏ phiếu cho Oreste. Ta đứng về phía những người bênh vực cho Oreste. Những người kết tội Oreste cho rằng Oreste giết mẹ là phạm tội giết một người cùng huyết thống, vì người mẹ và đứa con là cùng chung một dòng máu, người mẹ đã sinh ra con, nuôi nấng đứa con. Không hẳn là thế. Ta thấy cần nhắc lại lời thần Apollon lúc nãy: Không phải tự người mẹ sinh đẻ được cái mà người ta thường quen gọi là con của bà ta. Người mẹ chỉ là người nuôi dưỡng hạt giống mà bà ta đã tiếp nhận được. Người đàn ông mới là người có công sinh đẻ. Người đàn bà chỉ như một người xa lạ, ngược lại chịu trách nhiệm nuôi nấng và gìn giữ chiếc mầm non nở ra từ hạt giống do người đàn ông gieo. Lại nói như ta, ta có phải là do mẹ ta sinh ra đâu. Ta không hề biết đến mẹ. Chính thần Zeus đã sinh ra ta. Vì thế ta thuộc về huyết thống của người cha, hoàn toàn thuộc về người cha chứ không có một chút gì với người mẹ. Đó là lý do vì sao ta bênh vực Oreste, bỏ phiếu cho Oreste.
Athéna nói xong bèn bỏ viên sỏi của mình vào chiếc bình Oreste. Như vậy là cuộc bỏ phiếu đã xong. Nữ thần ra lệnh kiểm phiếu. Thật hồi hộp. Các Érinyes lo lắng cho địa vị và chức vụ của mình. Còn thần Apollon cũng bồn chồn xao xuyến: Một phiếu! Chỉ kém một phiếu thôi là đủ xảy ra một tai họa lớn, còn chỉ thêm một phiếu thôi là đủ để dựng lại, khôi phục lại một gia đình đã bị ly tán, đổ vỡ. Chỉ thêm một phiếu thôi là chấm dứt được mối thù dòng họ lưu truyền từ đời này qua đời khác bắt nguồn từ những lời nguyền độc địa.
Kết quả, số phiếu hai bên ngang nhau: Oreste vô tội. Những Érinyes buộc phải đình chỉ việc truy nã.
Oreste vô cùng sung sướng. Chàng đứng lên kính cẩn cảm ơn nữ thần Athéna và thần Apollon. Chàng cũng không quên cảm ơn nhân dân Athènes và gửi lời chào tạm biệt họ trước khi chàng trở về mảnh đất Argos thiêng liêng. Chàng cầu chúc cho đô thành Athènes sẽ là đô thành bất khả xâm phạm trước mọi cuộc tiến công của những kẻ thù. Chàng cầu chúc cho xứ sở Attique muôn đời thịnh vượng, ấm no.
Việc xét xử như thế là xong, nhưng lại xảy ra một chuyện khác. Những Érinyes bất bình về việc xử án, cho rằng tòa án Aréopage đã tước đoạt quyền lực của họ, phế truất địa vị của họ, một quyền lực và địa vị đã có từ hàng bao đời nay và từ hàng bao đời nay vẫn được tôn trọng. Bất mãn, họ gào thét phản đối, tung ra những lên lẽ hằn học, nguyền rủa. Họ đe dọa sẽ giáng tai họa xuống vùng đồng bằng Attique, làm cho bệnh dịch lan tràn, hạn hán, chiến tranh, đói kém. Tình hình như vậy quả thật là vô cùng rắc rối và nguy hiểm. Nữ thần Athéna phải ra tay dàn xếp. Nữ thần mời những Érinyes từ nay trở đi sẽ đảm đương một chức năng mới: Ban phúc lành cho nhân dân, bảo vệ đời sống cho con người. Với chức năng này, họ sẽ chỉ bảo và dắt nhân dân đi theo con đường quang minh, chính đại của công lý, chăm nom đến đời sống sao cho mùa màng được tươi tốt, súc vật được đông đàn, đạo lý được coi trọng. Họ sẽ là những vị thần sống mãi với nhân dân Athènes, được nhân dân tôn kính và thờ cúng như những vị thần cao cả, thiêng liêng. Sự dàn xếp của nữ thần trí tuệ Athéna đã làm yên lòng các Érinyes. Như vậy họ chẳng thiệt thòi về “quyền lợi” và mất mát chút gì về “địa vị” “chức tước”. Chẳng còn gì để bất mãn nữa, những Érinyes chấp nhận vui vẻ. Thế là từ nay chức năng báo thù, đòi trừng phạt kẻ sát nhân của những Érinyes không còn nữa. Họ cũng không trở về thế giới âm phủ sống dưới quyền cai quản của vị thần Hadès nữa. Chức năng thay đổi thì chức danh cũng phải thay đổi. Họ được mang danh hiệu mới: Những nữ thần Ân đức (Les Euménides).
Nhân dân Athènes, theo lệnh của nữ thần Athéna làm lễ rước những vị thần mới của đô thành mình về nơi ở mới: một ngôi đền ở trong một chiếc hang sâu dưới chân đồi Arès. Đám rước thật vô cùng linh đình và trọng thể. Đích thân nữ thần Athéna và những quan chức bô lão của đô thành Athènes đi đầu đám rước dẫn đường cho những vị nữ thần Ân đức về nơi ở Vĩnh hằng đầy vinh quang cao quý.
Ngày nay, trong văn học thế giới, Érinyes hoặc Euménides chuyển thành danh từ chung chỉ sự truy nã báo thù hoặc người lãnh nhiệm vụ truy nã báo thù. Aréopage chỉ một tổ chức, một cuộc họp mà thành viên là những nhà học giả đầy tài năng và uyên bác. Còn Pylade chỉ người bạn chí cốt, trung thành.
Việc những Érinyes đổi chức năng, chức danh, đúng hơn được “đề bạt” lên một chức năng, chức danh mới phản ánh bước chuyển biến tiến bộ của lịch sử xã hội. Érinyes vốn là những nữ thần cư ngụ ở vương quốc của thần Hadès. Đó là những nữ thần gìn giữ và bảo vệ cho huyết thống của thị tộc mẫu hệ và trật tự của thị tộc này. Vì thế, ngoài chức năng chủ yếu là đòi báo thù, đòi trả nợ máu, truy nã, trừng phạt kẻ sát nhân, Érinyes còn đảm đương cả việc trừng trị tội bội ước, không giữ đúng lời nguyền, tội không quý người trọng khách. Thật ra trong thần thoại Hy Lạp, chúng ta thấy việc trừng trị những tội này phần lớn do các vị nam thần, nữ thần thực hiện. Ít thấy nói đến những nữ thần Érinyes thực hiện, Érinyes trừng trị kẻ phạm tội bằng hình phạt tước đoạt của hắn trí khôn và óc minh mẫn, giáng xuống cuộc đời hắn những nỗi bất hạnh khôn lường. Về lai lịch thì có nguồn kể, Érinyes được sinh ra từ máu của thần Ouranos-Trời Cha nhỏ xuống Gaia-Đất Mẹ. Một nguồn khác cho biết Érinyes là con của thần Érèbe-Chốn Tối tăm Vĩnh cửu và nữ thần Nyx-Đêm tối Mù mịt. Lúc đầu chỉ có một Érinyes, sau đó ba chị em là Alecto, Tisiphone và Mégère. Thoạt đầu Érinyes chỉ là linh hồn của người bị giết đòi trả thù. Linh hồn này truy nã những ai không thực hiện, làm tròn nghĩa vụ, luật lệ của sự báo thù thị tộc, thị tộc mẫu quyền cũng như thị tộc phụ quyền. Sự phát triển của kinh tế, nền kinh tế tiền tệ đã khiến cho tổ chức thị tộc phụ quyền bị suy yếu. Sự phân công giữa các ngành kinh tế chăn nuôi, nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, v.v. dẫn đến chỗ chia dân cư theo nghề nghiệp và khu vực cư trú, còn lợi ích của nghề nghiệp trở thành chất keo liên kết, gắn bó con người lại với nhau. Quá trình này diễn ra đồng thời với quá trình tư hữu hóa những tài sản của thị tộc, sự phân hóa dân cư thành kẻ giàu, người nghèo, nền kinh tế hàng hóa và trao đổi hàng hóa phát triển... Tất cả những cái đó ngày càng làm cho chế độ thị tộc phụ quyền lung lay tận gốc và tạo điều kiện, đặt cơ sở cho sự ra đời của Nhà nước. Với sự ra đời của Nhà nước, tập tục, luật lệ của thị tộc trở thành một hiện tượng lỗi thời và phản động. Vì Nhà nước là một tổ chức cao hơn tổ chức thị tộc, rộng lớn hơn, văn minh hơn, khoa học hơn tổ chức thị tộc, do đó nó không thể chấp nhận một cách xét xử theo tập tục, luật lệ của thị tộc vốn dựa trên mối quan hệ huyết thống. Từ nay chức năng trừng trị kẻ phạm tội sát nhân thuộc về chính quyền. Do đó hình ảnh và chức năng những nữ thần Érinyes cũng phải thay đổi. Thường những nữ thần hung dữ đòi báo thù, những Érinyes chuyển thành sự giày vò, hối hận, đau khổ, cắn rứt trong lương tâm kẻ phạm tội. Đúng hơn, những nữ thần Érinyes bắt kẻ phạm tội phải chịu hình phạt đó (âu cũng là một cách báo thù). Còn kẻ phạm tội trong hoàn cảnh của giai đoạn quá độ từ chế độ công xã thị tộc phụ quyền chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ có thể thoát khỏi nỗi giày vò, đau khổ, sự truy nã của những Érinyes bằng sự sám hối và tập tục rửa tội của tôn giáo. Sự ra đời và phát triển của Nhà nước đã tăng cường và thúc đẩy sự phân công, đặc biệt sự phân công giữa lao động trí óc và lao động chân tay làm cho đời sống văn hóa-chính trị ngày càng có tổ chức hơn, văn minh hơn, văn hóa khoa học phát triển. Do đó việc xét xử những kẻ phạm tội cũng như xét xử, phân giải những vụ việc tranh chấp trong đời sống phức tạp của xã hội công dân đòi hỏi phải có một cơ quan chuyên trách, và tòa án đã ra đời. Tòa án ra đời kéo theo sự ra đời của khoa biện luận mà ngày nay chúng ta quen gọi là nghệ thuật hùng biện (đương nhiên cuộc đấu tranh chính trị giữa các phe phái đối lập cũng là một nguyên nhân phát sinh ra khoa biện luận). Công việc xét xử, kết tội, phản bác dần dần trở thành một nghề chuyên môn. Đó là tất cả những mầm mống để sau này trong tiến trình lịch sử hình thành cái mà ngày nay chúng ta gọi là công việc tư pháp, pháp chế, luật học, và đó cũng và nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thay đổi chức danh và chức năng của Érinyes. Nhà viết kịch Eschyle đã khai thác thần thoại Oreste trả thù cho cha để viết nên bộ ba bi kịch thơ Oreste (Orestie TCN). Nhờ có bộ ba bi kịch này mà chúng ta mới có một hiểu biết phong phú và sâu sắc về thần thoại đó. Giải thích ý nghĩa của Oreste, một nhà nghiên cứu người Đức là Bachofen vào thế kỷ XIX đã viết, “đó là cuộc đấu tranh giữa chế độ mẫu quyền đang suy tàn với chế độ phụ quyền vừa nảy sinh và đắc thắng trong thời đại anh hùng”.
Tuy nhiên cũng có một vấn đề nữa đòi hỏi chúng ta làm sáng tỏ thêm: Oreste được trắng án như là một thắng lợi của chế độ phụ quyền. Đúng! Nhưng có phải đích thực là thắng lợi của chế độ phụ quyền của thời đại anh hùng không? Có những bằng chứng cho phép chúng ta đặt lại vấn đề như thế.
- Ở thời đại anh hùng không có hình thức xét xử nào giống như hình thức xét xử ở Oreste, xét xử bằng tòa án, có kết tội, có phản bác rồi có quyết án. Đọc anh hùng ca của Homère, Iliade và Odyssée, chúng ta thấy đã có một hình thức xét xử với quan tòa nhưng chúng ta không thấy miêu tả một cuộc xét xử nào đạt tới một trình độ nghiêm túc tương tự như cuộc xét xử trong Oreste.
Ở thời đại anh hùng, thời đại mà tổ chức thị tộc cũ đang sống thật là mạnh mẽ nhưng bắt đầu tan rã, mọi việc tranh chấp, phải xét xử đều do hội đồng gồm có các Trưởng thị tộc và Đại hội Nhân dân đảm nhiệm: Việc tranh chấp giữa Achille và Agamemnon về quyền lợi (người nữ tỳ Briséis) không được giải quyết bằng xét xử. Lúc đầu Agamemnon thắng vì Agamemnon dùng quyền lực ức hiếp Achille, tước đoạt của Achille người nữ tỳ. Sau này Agamemnon “thua” phải trả lại cho Achille người nữ tỳ Briséis cùng nhiều của cải khác. Nguyên nhân trước hết bởi quân Hy Lạp thua to trên chiến trường và quan trọng hơn đây mới là điều quyết định, Achille vì tình cảnh thị tộc bộ lạc, hối hận về hành động giận hờn của mình đã gây nên cái chết của Patrocle, người bạn thân thiết của mình, bằng lòng nhận sự đền bù của Agamemnon, xuất trận với mục đích trả thù cho Patrocle. Hoàn toàn không có quyền lực công cộng nào xét xử trong vụ tranh chấp này giữa hai cá nhân. Trong Odyssée, Ulysse đã giết tên cầu hôn, trả thù bọn chúng đã phạm tội xúc phạm đến tài sản của Ulysse, cưỡng ép Pénélope, vợ Ulysse, phải tái giá, mưu cướp quyền cai quản đảo Ithaque của Ulysse. Giết tới hàng trăm người như thế nhưng không bị đưa ra xét xử ở một tòa án nào cả. Vậy thì nợ máu lại trả bằng máu, thân nhân của những người bị giết tập hợp lại quyết báo thù, và nếu cứ thế thì trả thù báo thù hết đời này qua đời khác. Mỗi bên đều hành động theo cái lý của mình, nếu không có nữ thần Athéna đứng ra bắt hai bên phải chấm dứt hẳn cuộc giao chiến thì không biết sẽ đổ thêm bao nhiêu máu nữa. Ở đây, chúng ta cũng không thấy có một quyền lực công cộng nào đứng ra xét xử.
- Oreste được là người vô tội không phải bằng con đường rửa tội. Oreste được là người vô tội bằng con đường xét xử của tòa án, một hình thức xét xử công khai và dân chủ, công bằng và hợp lý.
- Như vậy ta thấy từ tập tục của chế độ công xã thị tộc đã chuyển sang cái mà chúng ta có thể gọi là luật pháp của nhà nước. Con đường giải quyết theo tập tục là con đường mòn, luẩn quẩn, bế tắc, không chuẩn và trước hết nó dựa trên cơ sở của tình cảm, nghĩa vụ huyết thống. Con đường giải quyết theo pháp luật của nhà nước là con đường quang minh chính đại, công khai, công bằng, dân chủ hợp lý. Đó là con đường của tư duy và lý trí. Chỉ có giải quyết bằng pháp luật của nhà nước thì mới chấm dứt được mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ Atrée và Thyeste bắt nguồn từ lời nguyền của Myrtilos.
- Chúng ta có thể kết luận: Oreste được vô tội là thắng lợi của chế độ phụ quyền trong chế độ chiếm hữu nô lệ vừa mới ra đời, thắng lợi của chế độ phụ quyền của thời đại văn minh chứ không phải thắng lợi của chế độ phụ quyền ở giai đoạn cao của thời đại dã man - thời đại anh hùng. Nghĩa là thắng lợi của thời kỳ Nhà nước đã ra đời với tư cách một quyền lực công cộng, một mặt thực hiện chức năng tổ chức và quản lý xã hội sao cho ngày càng văn minh hơn, một mặt thực hiện chức năng bảo vệ và phát triển lợi ích giai cấp của Nhà nước.
- Lại một vấn đề nữa đặt ra: Cuộc đấu tranh với chế độ mẫu quyền có thể còn là một nhiệm vụ lịch sử của thời đại anh hùng nhưng có lẽ nào nó vẫn còn là một nhiệm vụ lịch sử của chế độ chiếm hữu nô lệ với tính thời sự như đã được phản ánh trong câu chuyện thần thoại Oreste? Chúng ta có thể khẳng định rằng: Vấn đề chế độ mẫu quyền không còn đặt ra đối với chế độ chiếm hữu nô lệ. Trong thần thoại Oreste, vấn đề chủ yếu đặt ra, đặt ra với tính thời sự nóng hổi là phải chấm dứt tập tục trả thù, đòi nợ máu theo như truyền thống, nghĩa vụ, tình cảm của quan hệ huyết thống thị tộc. Xã hội đã tiến tới chỗ có nhà nước, nó hoàn toàn không thể chấp nhận được chủ nghĩa vô chính phủ của tập tục, do tập tục sinh ra. Phải xóa bỏ tập tục, nghĩa vụ của truyền thống thị tộc vốn tồn tại với tư cách như là chuẩn mực của Công lý và việc thực hiện những tập tục, nghĩa vụ đó như là sự thực hiện Công lý. Chính vì lẽ đó những Érinyes phải chuyển sang làm một nghĩa vụ mới với chức danh mới: Những nữ thần Ân đức.
- Thần thoại Oreste rõ ràng là một thần thoại phức hợp. Có lớp thần thoại ở vào một thời kỳ xa xưa (thời đại anh hùng) và có lớp thần thoại ở vào một thời kỳ muộn hơn (thời đại ra đời Nhà nước). Sự phức hợp đó cho chúng ta thấy thần thoại trong lịch sử của nó diễn ra một sự vận động chuyển hóa. Sự vận động và chuyển hóa này nhằm phản ánh một thực tại hoặc phục vụ cho một khuynh hướng lịch sử -xã hội nhất định nào đó của thực tại.
F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước. NXB Sự thật, Hà Nội, , tr. -.
“Quảng trường, nơi công chúng tụ tập rất đông. Tại đây đang xảy ra một cuộc tranh chấp. Hai người cãi nhau về chuyện bồi thường một vụ giết người. Người này quả quyết là đã trả hết rồi và tuyên bố như vậy trước đám đông, người kia chối là chưa nhận được tí gì. Cả hai cùng đổ xô đến một người làm chứng (un juge: quan tòa - NVK chua thêm) cho rõ trắng đen. Công chúng hò la, người về phe này, kẻ về phe kia, người bênh bên này, kẻ bênh bên nọ. Những người truyền lệnh dẹp đám đông. Các vị kỳ cựu ngồi trên những phiến đá nhẵn bóng, trong vòng tròn bất khả xâm phạm. Quyền trượng của họ ở trong tay những người truyền lệnh đang nói oang oang. Thế rồi họ lấy lại quyền trượng đứng lên và lần lượt phán xử. Chính giữa đặt hai lẵng vàng để thưởng cho người phân xử công bằng nhất”. Xem những cảnh chạm khắc trên khiên Achille trong Iliade của Homère. NXB Văn học, Hà Nội, , tr. (Phan Thị Miến dịch) “... Khi tôi thấy lại được cái bè gỗ của tôi từ miệng Charypde lao ra thì lúc đó là lúc thời gian đã muộn, là lúc mà quan tòa Juge sau khi đã xử biết bao vụ kiện giữa đám người này người khác từ quảng trường trở về để ăn bữa tối...”. Xem Odyssée, Homère, khúc ca XII, câu thơ -. Bản dịch sang Pháp văn của Victor Bérard “Les Belles Lettres” Paris.
F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước, chương Thị tộc Hy Lạp. NXB Sự Thật, Hà Nội, .