Tô Trường Tín năm nay tròn năm mươi tuổi. Ông theo hầu Vạn tuế gia từ khi người mới lọt lòng, đến giờ cũng hơn mười tám năm rồi. Ông đã từng tự hào rằng mình là người hiểu Vạn tuế gia nhất. Thế mà hôm nay, khi tuổi già đã đuổi đến sát sau lưng, niềm tin bao năm ấy của ông lại bị lung lay. Tô Trường Tín chợt cảm thấy ông chẳng còn hiểu nổi Vạn Tuế gia nữa.
Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng chạp, Vạn tuế gia không phải thiết triều. Thường thì những ngày rảnh rỗi như vậy, Vạn tuế gia đều ngủ nướng đến tận trưa ở tẩm cung của Thục phi hoặc một vị sủng phi nào đó. Sức khỏe của Vạn tuế gia từ nhỏ đã không tốt, dạo gần đây có lẽ vì chính sự căng thẳng nên càng tệ đi. Vì lẽ đó, Tô Trường Tín cảm thấy Vạn tuế gia có lười biếng một chút, ngủ nhiều một chút cũng là phải đạo. Thế mà hôm nay, người lại thức dậy rất sớm, còn điều động đám người Lý Thọ đi tìm bếp lò, xửng hấp, nồi niêu chén bát các thứ linh tinh mang đến gian phòng phía sau Noãn các. Gian phòng ấy là thế giới riêng của Vạn tuế gia. Bình thường, Vạn tuế gia thích ở trong đó một mình, đọc sách hoặc khắc gỗ, Tô Trường Tín biết cả. Nhưng nấu ăn ư? Ông chưa thấy bao giờ.
Cái ý nghĩ Vạn tuế gia nấu nướng bên bếp lò làm cho Tô Trường Tín rùng mình. Hình ảnh ấy còn đáng sợ hơn cả khi Vạn tuế gia nổi giận đùng đùng đòi chém người này người nọ. Tô Trường Tín lo lắm, nhưng Vạn tuế gia có đủ đồ nghề nấu bếp và nguyên liệu rồi thì đóng chặt cửa, chẳng cho ai vào cả. Tô Trường Tín không nhìn ngó được gì thì lại càng lo hơn. Đêm nay vẫn còn yến tiệc giao thừa, nếu Vạn tuế gia lại nghịch dại gì đó, hay tự làm mình bị thương thì ông biết phải làm sao đây?
Có lẽ ông trời cũng nghe được tiếng lòng thành tâm của Tô Trường Tín, sau hai canh giờ tỏ vẻ thần bí, Vạn tuế gia cuối cùng cũng chịu he hé cửa phòng:
“Lão Tô, vào đây…”
Tô Trường Tín mừng rỡ, nhưng vừa đặt chân vào phòng thì suýt chút lên cơn đau tim. Vạn tuế gia… người thực sự nấu ăn!
Nhìn gương mặt non nớt lem nhem vệt trắng vệt đen của Vạn tuế gia, Tô Trường Tín thở dài. Thì ra là Vạn tuế gia không biết nhóm bếp.
Trên đời có một số điều không thể học qua sách vở. Nhóm bếp chính là một trong số đó. Cũng may, mười năm làm Tổng quản Nội thị giám chưa đủ làm Tô Trường Tín quên đi cách nhóm bếp. Chỉ sau vài động tác đơn giản, ngọn lửa trong bếp lò liền cháy bùng lên. Vạn tuế gia hài lòng, vỗ vai ông mấy cái:
“Lão Tô, vẫn là ông lợi hại nhất.”
Nói đoạn, lại vui vẻ tiếp tục công việc còn dang dở.
Tô Trường Tín lén lút nhìn quanh, không chỗ nào là không có bột mì vương vãi. Vạn tuế gia của ông đang làm bánh bao.
Liếc mắt nhìn qua mấy cái bánh bao to tướng, méo mó đang được Vạn tuế gia cẩn thận xếp vào xửng hấp, Tô Trường Tín không khỏi đổ mồ hôi lạnh, chỉ mong người nấu xong đừng bắt ông ăn thử là phúc đức ba đời nhà ông rồi.
May mắn cho Tô Trường Tín, chẳng biết Vạn tuế gia nhà ông đọc những sách gì, làm bánh ra sao mà cuối cùng cái thì nứt bung cả nhân ra ngoài, cái thì teo tóp chẳng ra làm sao. Thành quả mấy canh giờ nghiêm túc nấu nướng của Vạn tuế gia cuối cùng chỉ còn lại một cái bánh bao duy nhất là nguyên vẹn.
Ấy thế mà Vạn tuế gia có vẻ vui lắm. Tô Trường Tín thấy người rón rén nhấc nó ra đĩa như sợ làm nó bị thương, sau lại chăm chú dùng màu gấc vẽ lên trên một cái mặt cười toe toét rồi mới cho vào hộp gỗ.
Giao cái hộp đựng bánh cho Tô Trường Tín, Vạn tuế gia ra lệnh:
“Đem tới cho Hòa phi. Nhớ không được nhiều lời đấy.”
Gương mặt Vạn tuế gia mỗi khi ra lệnh cho kẻ khác đều rất lạnh lùng đáng sợ, nhưng giờ đây mặt người dính đầy bột mì và muội than lem luốc… Tô Trường Tín cắn chặt răng, vội vàng nhận lấy hộp bánh đi thẳng một mạch, chỉ sợ chậm chân một khắc sẽ không nhịn cười nổi nữa. Cái gì mà nhiều lời với không nhiều lời? Trong Hoàng thành này, ngoài Vạn tuế gia người ra, còn có kẻ thứ hai làm ra được cái bánh bao xấu xí thế này sao?
Đã lâu lắm rồi, Tô Trường Tín không nhìn thấy dáng vẻ hào hứng của Vạn tuế gia. Mỗi ngày người đều cười cợt trêu đùa với các phi tần, nhưng Tô Trường Tín hiểu, trong những nụ cười đó chẳng có bao nhiêu phần vui vẻ. Từ sau khi Hiền phi qua đời, Lê thị sụp đổ, Trịnh thị suy tàn, suốt mấy năm nay, đây là lần đầu tiên Tô Trường Tín lại được nhìn thấy nụ cười đơn thuần cùng với ánh mắt lấp lánh niềm vui của Vạn tuế gia.
Tô Trường Tín bất giác hoảng sợ. Hộp bánh trên tay chợt hóa thành gánh nặng ngàn cân.
Vạn tuế gia của ông lại có thể đích thân làm bánh cho một nữ tử?
Mà nữ tử này lại là vị Hòa phi nương nương dung mạo tầm thường ấy?
Tô Trường Tín nghĩ thế nào cũng không hiểu nổi. Hòa phi thực ra có điểm nào tốt mà Vạn tuế gia lại để tâm như vậy? Nàng ta không có dung nhan động lòng người, cũng không có tài nghệ gì nổi trội, ngay cả thân phận công chúa cao quý cũng là hữu danh vô thực mà thôi. Người như vậy vốn không thể mang lại bất kì lợi ích nào cho Vạn tuế gia. Vạn tuế gia xưa nay ghét nhất là những kẻ vô dụng, vì sao lại có lòng với Hòa phi đến thế?
Tô Trường Tín ôm nỗi băn khoăn ấy trong lòng, khi ông đến Cẩm Tước cung thì vị Hòa phi nương nương kia vẫn còn đang ngủ nướng. Giờ này, e rằng phi tần nào cũng đang tất bật lựa chọn phấn son, trang sức sao cho nổi bật nhất vào dạ yến giao thừa… Vậy mà Hòa phi lại thản nhiên nằm ngủ. Nghĩ lại, Hòa phi cũng chưa từng cầu kiến Vạn tuế gia bao giờ. Ngoại trừ lần duy nhất bị Lý Thọ lừa đến Ngự thư phòng lúc trước, Hòa phi chưa bao giờ chủ động tìm Vạn tuế gia. Món quà duy nhất nàng dâng lên Vạn tuế gia cũng là do tình thế cấp bách, không thể làm khác. Về sau, Vạn tuế gia muốn nàng làm tặng túi thơm khác thì mỗi ngày đều phải cho Lý Thọ đi đốc thúc mới được. Phi tử như thế, Tô Trường Tín chưa thấy người thứ hai.
Tô Trường Tín tự hỏi, phải chăng tính cách an nhiên tự tại, không tranh không đoạt ấy là điều Vạn tuế gia yêu thích?
Tô Trường Tín trao lại hộp bánh cho vị Hòa phi vẫn còn đang ngái ngủ kia mà lòng cứ chùng xuống. Nữ tử lạnh nhạt vô tâm thế này, liệu có hiểu được tấm lòng của Vạn tuế gia hay không?
Về phần vị Hòa phi kia, khi nhận hộp bánh từ tay Tô Trường Tín, nàng vẫn còn buồn ngủ lắm. Thế nhưng, khi nắp hộp mở ra, ánh mắt đương đờ đẫn vì ngái ngủ của nàng lập tức trở nên linh động. Tô Trường Tín thấy thế vội vàng nói ngay:
“Hoàng Thượng chỉ sai lão nô mang cái này đến cho nương nương, những chuyện còn lại lão nô không biết gì cả.”
Hòa phi ngơ ngẩn nhìn cái bánh bao méo mó có hình mặt cười toe toét kia một lúc, chợt nở nụ cười:
“Đa tạ Tô Tổng quản. Bản cung hiểu rồi.”
Thời khắc ấy, Tô Trường Tín bỗng nhận ra vị Hòa phi dung mạo bình thường này hóa ra lại có một nụ cười ngọt ngào đến thế.
Lăn lộn nơi Hậu cung đã mấy mươi năm, Tô Trường Tín luôn rất đa nghi, nhưng không hiểu sao ông lại cảm thấy mình có thể tin tưởng vào lời nói của nàng. Ông tin rằng nàng hiểu.
Nàng nhất định hiểu.
Thực ra, Vạn tuế gia rất ghét yến tiệc. Mỗi khi tiệc tan trở về, lúc mà chỉ còn Tô Trường Tín bên cạnh, sắc mặt người sẽ trở nên tối tăm, chuyện nhỏ nhặt gì cũng có thể khiến người cáu gắt. Vậy mà hôm nay, chỉ vì một nụ cười cùng mấy tiếng “bản cung hiểu rồi” nghe từ miệng Tô Trường Tín thuật lại, Vạn tuế gia chẳng còn cáu gắt chút nào.
Theo lệ thì sau dạ yến giao thưà, Vạn tuế gia phải nghỉ lại ở Triêu Lan cung. Nhưng dạo gần đây, Hoàng Hậu quản lý Hậu cung thực sự không được tốt. Tô Trường Tín trộm đoán, có lẽ Vạn tuế gia muốn cảnh cáo Hoàng Hậu, cho nên đêm nay người không đến Triêu Lan cung mà trở về Noãn các một mình.
Tô Trường Tín có vô số điều thắc mắc, nhưng cuối cùng lại không dám mở lời. Chỉ là ông quên mất, bản thân ông hiểu Vạn tuế gia bao nhiêu thì người cũng hiểu ông ngần ấy. Sự băn khoăn được che giấu kĩ lưỡng của Tô Trường Tín không qua được mắt Vạn tuế gia. Người vỗ vai ông, cười hỏi:
“Lão Tô, muốn nói gì thì cứ nói đi. Trẫm không phải đã ban kim bài miễn tử cho ông rồi sao? Không chết được đâu.”
Đã không giấu nổi, chi bằng cứ nói thẳng ra vậy. Tô Trường Tín cười khổ, cố lựa lời sao cho khỏi chọc giận Vạn tuế gia của ông:
“Bẩm Hoàng Thượng… Lão nô vừa nhớ ra là… Từ khi lập đông đến nay, Hoàng Thượng chưa lật thẻ bài của Hòa phi nương nương lần nào…”
Tô Trường Tín biết Vạn tuế gia của ông ghét nhất là người khác xen vào chuyện Hậu cung. Khi nói ra lời này, ông cũng đã chuẩn bị nhận phạt, chẳng ngờ Vạn tuế gia không hề nổi giận. Người bình thản đáp:
“Trẫm sợ lạnh, ông cũng biết mà.”
Vạn tuế gia sợ lạnh, cho nên vào mùa đông người luôn triệu phi tần đến Noãn các chứ không tự mình đến tẩm cung của ai cả. Nhưng như vậy thì gọi Hòa phi đến tiếp kiến như những phi tần kia cũng được mà?
Tô Trường Tín chẹp lưỡi, chưa biết nói tiếp thế nào thì Vạn tuế gia đã như đọc được suy nghĩ của ông. Người khẽ nhún vai:
“Đường xá trơn trợt.”
Bởi vì trời lạnh đường trơn, cho nên không muốn gọi Hòa phi đến ư?
Vạn tuế gia từ lúc nào lại lo nghĩ cho người khác nhiều đến thế?
Tô Trường Tín khẽ lắc đầu. Ông cảm thấy mình đã già rồi. Tâm tình của Vạn tuế gia, ông không hiểu nổi nữa.
Sủng ái cũng Vạn tuế gia đối với Hòa phi thực sự rất mập mờ.
Nói người sủng Hòa phi cũng không đúng lắm. Người đối đãi với nàng không tệ, nhưng cũng không có điểm nào hơn những phi tần khác. Bổng lộc, ban thưởng đều đúng với cung quy, không thiếu nhưng cũng không thừa. Thậm chí thẻ bài của Hòa phi, người cũng chỉ thỉnh thoảng mới lật một lần. Biết Thục phi và Đức phi chèn ép nàng, người để mắt nhưng chẳng can thiệp.
Nhưng nói người không sủng Hòa phi thì lại càng không phải. Kẻ khác có thể không biết, nhưng Tô Trường Tín là người thân cận nhất của Vạn tuế gia. Từng hành vi cử chỉ của người ông đều nhìn rõ. Còn nhớ đêm hôm nào, Hòa phi vì bảo vệ một Thái y vô danh mà ngất xỉu trước Thái Y viện, Vạn tuế gia chẳng ngại trời mưa tầm tã, đích thân đến tận nơi đưa nàng về Noãn các chăm sóc. Lại nhớ một đêm khác, Vạn tuế gia đọc tấu chương đến nhức buốt cả đầu nhưng vừa nghe tin Hòa phi bị Đức phi tố tội, người liền đi một mạch đến Vị Tú hiên khỉ ho cò gáy. Làm như thế không phải vì muốn che chở cho nàng ư? Còn cái lần Hòa phi bị kẻ khác mưu hại thả rắn vào chăn, Vạn tuế gia biết tin nhưng vì sớm hôm sau còn phải thiết triều nên không đi thăm nàng được. Đêm đó không biết Vạn tuế gia đã trở mình biết bao nhiêu lần. Buổi sáng ngày hôm sau, Vạn tuế gia vừa bãi triều liền đi thẳng đến Cẩm Tước cung. Khi ấy Hòa phi còn mê man bất tỉnh, người đã cầm tay nàng, yên lặng ngồi bên cạnh hơn một canh giờ. Nếu không phải có đại thần cầu kiến, có lẽ người sẽ ngồi đó đến khi Hòa phi tỉnh lại mới thôi.
Đã rất lâu rồi, Vạn tuế gia không sủng hạnh Hòa phi. Những kẻ không hiểu chuyện ở Kính sự phòng đã bắt đầu phao tin Vạn tuế gia không còn yêu thích Hòa phi nữa. Tô Trường Tín chỉ biết, chính nhờ không được sủng hạnh mà Hòa phi không phải uống chén canh “an thai” kia, mà món canh ấy đối với nữ nhân chẳng phải thứ tốt đẹp gì.
Tô Trường Tín là kẻ lão luyện. Từ lâu ông đã lờ mờ nhận ra Vạn tuế gia vẫn luôn âm thầm che chở Hòa phi. Thứ tình cảm của người dành cho Hòa phi chẳng rõ tự bao giờ đã không còn giống với loại sủng ái thông thường.
Thứ tình cảm ấy, Tô Trường Tín không dám gọi tên, càng không dám tin nó là sự thật.
Chỉ là hôm nay, tận mắt nhìn thấy Vạn tuế gia vui vẻ làm bánh bao tặng Hòa phi, Tô Trường Tín có muốn không tin cũng không được nữa.
Phía bên kia, Vạn tuế gia sau một ngày mệt mỏi đã ngủ thiếp đi. Hôm nay, tâm trạng của người tốt cho nên nét mặt khi ngủ cũng rất thanh bình.
Tô Trường Tín thở dài thườn thượt, bao nhiêu nỗi lo lắng mới lại ập đến. Biết rằng lời này nói ra sẽ là phạm nghịch, nhưng ông thực lòng quan tâm Vạn tuế gia như người thân ruột thịt của mình. Biết được trên đời này có một nữ tử có thể khiến Vạn tuế gia nở nụ cười hạnh phúc đơn thuần, ông vui mừng lắm chứ. Nhưng cạnh bên niềm vui ấy vẫn tồn tại vô số nỗi lo sợ. Nữ tử ấy liệu có thật lòng đối với Vạn tuế gia hay không? Nàng thân cô thế cô, yếu đuối như thế, liệu có thể tồn tại bao lâu trong chốn Hậu cung hiểm ác này?
Vạn tuế gia quan tâm nàng như vậy, nếu chẳng may nàng không còn nữa, vậy thì người chắc chắn sẽ đau lòng lắm.
Tô Trường Tín ông biết phải làm sao?
Người già thường hay thích thở dài.
Tô Trường Tín cũng thế. Ông thở dài thêm mấy cái nữa, rồi quyết định ngả lưng ở chiếc sạp gỗ nơi gian ngoài, canh giấc cho Vạn tuế gia.
Hoàng thành sau thời điểm giao thừa náo nhiệt cũng dần dần chìm vào giấc ngủ.
Chỉ còn một gian phòng nơi chính điện Cẩm Tước cung là vẫn sáng ánh đèn.
Ngọc Nga ngáp dài một tiếng, nhẹ nhàng phủ thêm lên vai nữ tử đương ngồi chống cằm bên chiếc bàn trà nhỏ.
“Chủ nhân, mau ngủ đi thôi. Trời sáng sắp sáng mất rồi. Người cứ hắt xì suốt, không khéo bệnh rồi cũng nên…”
Chu Đan Nguyệt sau khi hắt xì đến lần thứ hai mươi thì mũi đã đỏ như quả cà chua. Nàng nhăn mặt, vừa lau mũi vừa lẩm bẩm:
“Tên chết tiệt nào nói xấu ta mãi thế không biết…”
Nói đoạn, vươn vai một cái nhưng rõ ràng là không hề có ý định đi ngủ.
Ngọc Nga nhíu mày, kéo kéo tay nàng:
“Chủ nhân, đừng thức nữa… Người còn muốn ngồi nhìn cái bánh bao kì cục này đến bao giờ”
Chu Đan Nguyệt phì cười, nhìn lại cái bánh bao này đúng là kì cục thật. Vừa to đùng, vừa méo mó, lại còn có một cái hình mặt cười vẽ nguệch ngoạc bên trên, chắc chắn là không ăn được. Bánh như vậy mà cũng dám mang cho người khác, còn tỏ ra thần bí, chẳng biết trong đầu hắn nghĩ cái gì.
Nếu Ngọc Nga mà biết được suy nghĩ của nàng thì nhất định sẽ bĩu môi nói: “Cái bánh kì cục như vậy mà người ngồi nhìn suốt cả ngày, nô tì mới không biết trong đầu người nghĩ cái gì.”
Đáng tiếc, Ngọc Nga không đọc được suy nghĩ của người khác, chỉ có thể dai dẳng bám lấy nàng, kêu réo không ngừng:
“Chủ nhân, đừng nhìn nữa, ngủ thôi…”
“Ta chưa buồn ngủ.”
“Chủ nhân, ngủ đi mà… Ngày mai nhìn tiếp cũng được mà…”
“Đừng kéo ta…”
“Chủ nhân, ngủ…”
Chính điện Cẩm Tước cung đêm hôm đó, hình như rất lâu sau cũng chưa thấy tắt đèn.