Thạch Kiếm

chương 12: gặp gỡ trên đạo

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Con đường đá dốc gồ ghề dẫn lên chùa Phổ Quang ngoằn ngoèo tựa rắn lượn.

Hai bên đường lác đác vài căn nhà xiêu vẹo, vách ván nhô ra thụt vào như hàm răng khểnh. Trước thềm, cỏ dại mọc đầy, rêu phong loang lổ cả trên mái. Dưới ánh nắng gay gắt ban trưa, mùi cá phơi bốc nồng nặc.

Từ trong một căn nhà ven phố, tiếng la hét tục tằn vang lên, tiếp theo là bát đĩa ném ra cửa rơi vỡ loảng xoảng. Một gã đàn ông trạc trung niên từ trong nhà vùng chạy ra, mặt nhăn nhó, mụ vợ đuổi theo sau, tay cầm chổi, tóc chưa kịp búi, áo xốc xếch, đôi vú mướp lộ ra thỗn thện như vú bò.

- Mày chạy đi đâu, thằng già khốn nạn kia ? Đi rượu chè bỏ vợ con đói khát giờ còn vác mặt về hả ...hả ?

Trong nhà có tiếng trẻ khóc. Vài người hàng xóm thò mặt ra cửa nhìn nhau bàn tán chỉ trỏ.

Thạch Đạt Lang mỉm cười. Hắn đã quen với cảnh đó từ khi đến tạm trú ở vùng này chừng hơn một tháng. Đứng trước một cửa hàng xiêu vẹo bán đồ gốm, hắn tò mò nhìn hai người thợ đang chăm chú làm việc cạnh chiếc bàn xoay, mặt ngay ra, say mê như đứa trẻ. Hai người thợ không để ý gì đến hắn, mãi miết chân đạp tay nặn, cả người như hòa đồng với khối đất sét đặt trên bàn.

Thạch Đạt Lang thích làm đồ gốm lắm. Ngay từ khi còn nhỏ, hắn đã say mê mọi thứ công việc bằng tay chân, nhất là những việc cần đến sự khéo léo và mỹ thuật. Hắn mong ước làm được một chén trà bằng đất nung, và bây giờ, đúng lúc này, hắn thấy người thợ già đang chăm chú làm một chiếc chén như thế. Nhìn người thợ gọn gàng phối hợp những động tác, chân đạp bàn xoay, tay giữ chén đưa đẩy cho thành hình, hắn ngạc nhiên không ngờ muốn làm một đồ vật giản dị như thế mà cũng cần đến một kỹ thuật tinh vi nhường ấy !

Tự nhiên hắn thấy tôn trọng những con người nghèo khó trước mặt đã đem hết khả năng, nghệ thuật và tấm lòng vào những việc làm tầm thường hàng ngày. Thạch Đạt Lang kính cẩn đứng nhìn. Trên chiếc kệ thô sơ ghép bằng gỗ tạp treo ở góc phòng; chén, bát, ấm trà mới nung xếp thành hàng, dưới đất ngổn ngang đất sét, thùng nước và những vật dụng linh tinh khác.

Cửa hàng tồi tàn, hai người thợ quần áo nhem nhếch nhưng làm việc với vẻ mặt đầy vui thích. Những ấm chén họ làm ra bán chẳng được bao nhiêu, nhiều lắm là một vài đồng, cho khách thập phương qua lại lên chùa lễ Phật. Thạch Đạt Lang chẳng biết với số tiền khiêm nhượng thu được họ có đủ ăn không, đời sống ngày càng đắt đỏ, không dễ dàng gì ! Trước nỗi cực nhọc và sự kiên nhẫn của hai người thợ, Thạch Đạt Lang cảm thấy con đường hắn đi còn dài và gian khổ; sự cần cù của họ là tấm gương để hắn noi theo, cho hắn sức mạnh để không nhụt chí.

Suy nghĩ miên man, hắn nhớ đến những ngày ở thạch thất, vụ thách đấu với phái Hoa Sơn, rồi mới đây những lần đến thăm viếng một vài môn phái tại Kyoto, đâu đâu hắn cũng toàn thắng, không nơi nào dạy cho hắn được một bài học đáng nhớ. Thạch Đạt Lang băn khoăn không biết vì sở học mình cao hay vì kiếm pháp những người kia còn thấp, không đáng tay đối thủ. Hay hắn quá khắt khe với mình ? Có lẽ nào ! Kyoto là nơi tập trung nhiều danh gia, sao lại tồi tệ đến thế ? Thạch Đạt Lang thất vọng. Nếu tất cả chỉ tầm thường như vậy thì nền võ nghệ xứ này chẳng hóa ra đáng buồn lắm sao ? Thạch Đạt Lang hít mạnh một hơi, khoan khoái và kiêu hãnh. Nhưng đột nhiên hắn nghĩ đến lời nói của người xưa trong sách hắn đã đọc và rùng mình kinh hãi:

“Không gì giết chết tài năng nhanh chóng bằng lòng kiêu ngạo !”. Hắn quay nhìn lần chót người thợ già đang chăm chú vào công việc, tay chân nhem nhuốc bùn đất, rồi lặng lẽ bước đi theo con đường đá lên chùa.

Được một quãng, bỗng có tiếng gọi từ dưới chân núi:

- Này tráng sĩ mang kiếm !

Thạch Đạt Lang quay lại:

- Ngươi gọi ta ?

Nhìn người gọi mình tay cầm cây đòn dài, mặc áo chẽn đệm bông ở hai vai, chân trần đi dép cỏ đã vẹt gót, Thạch Đạt Lang đoán chừng anh ta là một phu xe hoặc phu cáng. Anh ta đáp bằng một giọng lễ phép ít thấy ở giới thấp kém như vậy trong xã hội:

- Vâng. Tráng sĩ có phải là Thạch Điền Đạt Lang xã Miyamoto không ?

- Phải.

- Cám ơn tráng sĩ.

Nói xong bước thẳng về phía cuối phố. Thạch Đạt Lang nhìn theo thấy người phu cáng bước vào một tiệm trà. Sực nhớ sáng nay khi qua phố, hắn thấy có một đám xa phu ăn mặc như vậy đứng ngồi lố nhố trong tiệm. Không hiểu chuyện gì nhưng thấy người gọi, Thạch Đạt Lang cũng đứng đợi, chừng tàn nén hương, không ai chạy ra hắn mới bỏ đi, thong thả leo lên núi.

Dọc đường, Thạch Đạt Lang dừng lại nhiều lần trước những ngôi đền nhỏ rải rác, mỗi lần dừng chân lại khấu đầu làm lễ cầu xin thần Phật phù hộ cho chị hắn. Có nơi hắn còn xin thần linh giúp cho đủ nghị lực và khôn ngoan để trở nên một kiếm sĩ xứng đáng như lòng mong ước. “Nếu chẳng được như nguyện, xin đừng cho đệ tử hưởng lộc trời”. Thạch Đạt Lang lâm râm khấn nguyện, hy vọng lòng thành của hắn làm các đấng thiêng liêng xúc động. Gần đỉnh núi, Thạch Đạt Lang tìm một phiến đá nhẵn nhụi ngồi nghỉ, chiếc nón lá để bên. Nhìn giải thung lũng chạy dài dưới chân, phong cảnh tươi đẹp như trong tranh vẽ, hắn cảm thấy hãnh diện vô cùng vì còn được sống và thưởng ngoạn. Niềm biết ơn dâng lên dào dạt trong lòng, ơn Trời Phật, ơn các đấng sinh thành, ơn Đại Quán thiền sư đã chỉ cho hắn con đường mà ngày nay hắn đang theo đuổi.

Thạch Đạt Lang nghĩ đến một chuyện cổ tích về thế kỷ thứ mười, có hai anh chàng tên Mã Tử Kiên và Sùng Mạch, cả hai cùng tham vọng ngút trời, cùng nhau hợp tác, hẹn nhau nếu bá chủ được võ lâm sẽ chia hai sơn hà, hùng cứ mỗi người một phương. Chuyện thật khó khăn như trong huyền thoại, nhưng xét cho cùng giấc mơ của hai người ấy so với ước vọng của hắn bây giờ không khác nhau là mấy. Lại như tướng Y Đằng và Hòa Giả Nghị với những trận chiến ghê hồn trong thập niên vừa qua cùng với mưu đồ thống nhất nước Nhật của họ chẳng phải là những toan tính, mưu lược và kiên trì đáng cho hắn phải ngưỡng phục sao ?

“Ta sinh chẳng gặp thời. Bây giờ không phải lúc dùng đao kiếm để mưu cầu sự nghiệp, nhưng chẳng hề gì, ước vọng của ta khác”. Hắn nhủ thầm và đưa tay vuốt ve thanh kiếm đeo bên sườn. Trông giây phút, trực giác mẫn nhuệ của hắn lóe lên như một tia sáng giữa đêm sâu giúp hắn nhận chân được đâu là tinh hoa của kiếm đạo và càng làm hắn vững ý chí.

Mãi suy nghĩ, Thạch Đạt Lang không để ý đến tên phu cáng lại vừa xuất hiện trên sườn núi, miêng kêu tay chỉ:

- Kìa, Thạch Điền Đạt Lang kia kìa !

Theo sau là một toán xa phu vừa vạch lau vừa trèo lên phía hắn. Định tránh mặt, Thạch Đạt Lang đứng dậy, đến gần tấm bảng gỗ vờ đọc những lời yết cáo trên đó, nhưng vẫn ngấm ngầm đưa mắt quan sát. Hắn thấy có một toán xa phu nữa cầm gậy xuất hiện chặn lối lên và tìm cách bao vây hắn vào giữa. Thạch Đạt Lang định thét một tiếng thật lớn cho đám xa phu sợ mà bỏ chạy, nhưng nghĩ cho kỹ, hắn thấy không cần. Hắn chưa hiểu ất giáp ra sao và cũng tò mò muốn biết họ vì lý do gì lại tìm cách gây hấn với hắn.

Thạch Đạt Lang không muốn sát hại đám người nghèo khổ ấy. Chắc có sự hiểu lầm, nếu mọi chuyện sáng tỏ, họ sẽ bỏ đi. Nghĩ thế nên hắn yên tâm đứng đợi.

Thấy ồn ào ở cổng ngoài, một số tăng ni chạy ra sân chùa thập thò sau hàng rào gỗ. Khách vãng lai hiếu kỳ cũng dừng lại mỗi lúc một đông, lẫn lộn trong đám xa phu, hoặc đứng ngồi rải rác chờ động tĩnh.

Từ xa xa, tiếng chân người rậm rịch đi tới, dường như đang khiêng một vật gì nặng, ì ạch lên núi. Đến gần, thì ra là bốn xa phu khiêng một chiếc cáng nghèo nàn, kiểu hai người ngồi đã cũ, sơn bên ngoài loang lổ nhiều chỗ. Họ đặt cáng xuống khoảng đất trống cạnh chùa. Một bà lão mặc áo chẽn nâu đã bạc màu cùng với một ông già trang phục lối kiếm sĩ thôn quê vén rèm bước ra. Cả hai trạc độ sáu mươi, sáu lăm, tuy đã trọng tuổi nhưng còn quắc thước mặc dầu có vẻ mỏi mệt. Bà lão nheo mắt, lấy tay che cho khỏi chói, quay nhìn về phía Thạch Đạt Lang rồi nói với ông già:

- Lần này thì đừng để nó thoát, nghe không cậu Ngô !

Thì ra đây là hai chị em bà Hồ Điểu. Cậu Ngô gật đầu:

- Chị đừng lo, để mặc tôi !

Rồi quay sang hỏi người phu cáng kế bên:

- Đâu ? Nó đâu ?

Họ chỉ Thạch Đạt Lang đứng trước tấm bảng gỗ ở đằng xa đang mãi mê đọc cáo thị như không để ý gì đến xung quanh. Cậu Ngô nhổ nước bọt vào tay, nắm đốc kiếm hùng dũng rẽ đám đông đi thẳng đến phía Thạch Đạt Lang đứng. Theo sau, bà Hồ Điểu khấp khểnh bước, chân hãy còn tê dại vì ngồi quá lâu. Có tiếng ai gọi với:

- Cẩn thận, lão trượng ! Nó khỏe lắm đó !

Vài người khác hùa theo dặn dò:

- Lão bá cứ thong thả, chuẩn bị kỹ là hơn, đừng vội !

Mọi người giương mắt nhìn, theo dõi cuộc tranh hùng sắp tới mà họ cho là sẽ hào hứng lắm. Họ cười nói ồn ào như sắp được xem một màn kịch ít khi xảy ra tại một nơi hẻo lánh như vậy.

- Bà lão liều quá ! Tuổi bà đáng lẽ phải ở nhà vui với con cháu mới phải !

- Ờ ...ờ ...Nhưng cũng đáng phục lắm chứ ! Danh dự gia đình là trọng ...

- Nghe đâu con dâu bà bỏ đi theo thằng đó đấy !

Một người cầm gáo nước chạy theo:

- Lão bá ! Lão bá ! Uống chút nước đã !

Bà Hồ Điểu dừng lại cầm gáo nước uống một hơi, lấy tay chùi mép rồi đưa cho em:

- Này cậu, giải khát đi. Hình như nó có học võ chút đỉnh, nhưng theo ta, nó vẫn chỉ là thằng con nít, không bằng cậu đâu !

Qua cổng chùa, bà Hồ Điểu nhìn vào. Thói quen kính ngưỡng thần Phật làm bà khựng lại rồi không biết nghĩ sao, bà quỳ xuống ngay trên bực đá trước cổng, mở bọc lấy tràng hạt ra nhắm mắt lâm râm khấn khứa. Cậu Ngô cũng dừng lại phía sau chắp tay yên lặng.

Sự việc xảy ra vừa bất ngờ vừa mang vẻ khôi hài làm mọi người bỡ ngỡ. Có người che miệng khúc khích, nhưng cũng có người tán thưởng.

- Phải lắm. Có gì mà cười ! Trước khi đối đầu với một tên hung dữ như thế, xin thần Phật phù hộ cho là phải chứ ! Lão bà đi khắp nơi không gặp kẻ thù, nay thấy nó ở đây, tất do cơ duyên hãn hữu, cám ơn Trời Phật là đúng lắm !

Tiếng khen chê nổi lên, mỗi người một phách, nhưng tựu trung ai cũng cho bà già can đảm.

- Nếu bà lão không bắt được nó giải về làng, ta phải giúp !

Một người nói.

- Ờ. Không có lý gì mà những trai tráng như chúng mình lại không can thiệp !

Khách bàng quan khi biết rõ lý do gì đã khiến hai chị em bà Hồ Điểu phải ra tay như thế đều tỏ lòng kính phục. Họ còn khuyến khích đám xa phu tiếp sức nữa.

Thạch Đạt Lang vẫn yên lặng, bất động. Hắn đứng dựa lưng vào tảng đá lớn suy nghĩ nhưng vẫn chưa tìm ra được cách phản ứng thế nào cho phải.

Đại Quán đã một lần cảnh cáo hắn trên đường hành hiệp thế nào cũng có lúc gặp hai chị em Hồ Điểu, nhưng không ngờ câu chuyện lại xoay ra thế này. Chưa bao giờ hắn có ý tưởng là hắn đã làm tan nát gia đình nhà họ Hồ. Hắn luôn luôn coi Oa Tử là vị hôn thê của bạn, có thân chăng cũng chỉ như người em gái nhỏ đã một lần cứu hắn, hắn biết ơn, thế thôi ! Bây giờ chẳng biết làm sao, dù phải tự vệ, hắn cũng không thể nào rút gươm chống lại hai người già kia, nhất lại là thân mẫu và cửu phụ của bạn mà hắn biết chắc là võ công không thể nào là đối thủ của hắn được.

Thạch Đạt Lang đứng nhìn đám đông bao vây trước mặt, bối rối không tìm ra cách giải quyết thỏa đáng. Mọi người đều về phe Hồ Điểu, coi hắn như một tên sát nhân đáng ghê sợ và xấu xa, hắn không có cách gì biện minh được. Phải chi Mãn Hà Chí có mặt ở đây, may ra mới hy vọng hóa giải được sự hiểu lầm này.

Bà Hồ Điểu lần xong chuỗi hạt, đã đứng dậy, giọng run run nhưng dáng điệu cương quyết, nói với đám xa phu:

- Ta vừa khấn Trời Phật phù hộ ta và cậu Ngô bắt tên nghịch tử này. Giờ ta cám ơn tất cả anh em. Ta không cần ai giúp mà anh em cũng đừng nhiều lời. Nếu chẳng may ta và cậu Ngô có mệnh hệ nào, xin anh em cứ đưa thi thể chúng ta về Miyamoto, sẽ có người đền công xứng đáng.

Dứt lời, rút thanh đoản kiếm gia bảo do tổ phụ để lại mà bà đã cẩn thận giắt theo trước khi lên đường, bà Hồ Điểu hướng về phía Thạch Đạt Lang nói lớn:

- Thạch Kinh Tử ! Mày là Thạch Kinh Tử ở Miyamoto phải không ? Nghe nói mày mới đổi tên gì hay lắm, nhưng ta không cần biết. Đối với ta, mày vẫn là thằng Thạch Kinh Tử dẫn con ta đi mất tích và còn dụ dỗ dâu ta nữa ! Bốn năm nay, giờ mới gặp ! Ta với mày một còn một mất. Hãy rút kiếm ra, thằng kia ! Ta đợi !

Cơn giận làm mặt bà đỏ gay, tiếng nói lạc đi, giọng cao the thé như xoáy vào tai, những nếp nhăn dưới cằm rung động, cổ bà bạnh ra tựa cổ rắn. Hiển nhiên bà muốn trút hết niềm căm phẫn dồn nén từ lâu lên đầu địch thủ trước khi giết hắn để trả hận.

Thạch Đạt Lang không nói gì. Hắn chẳng muốn phân trần, chỉ đứng yên như pho tượng nhìn hai người. Cậu Ngô điềm tĩnh hơn. Tay cầm kiếm, cậu nói với bà chị:

- Để tôi ...

- Không được ! Giọng bà Hồ Điểu dứt khoát. Thần Phật đã phù hộ ta, tiền nhân đã ứng vào lưỡi gươm này, ta phải đích thân lấy đầu thằng nghịch tử. Mày không rút kiếm ra cũng không cần, trông đây !

Bà vừa nói vừa giơ đoản kiếm chạy đến trước mặt Thạch Đạt Lang. Nhưng rủi thay, vì quá vội, bà vấp ngã sóng soài chỉ trước mặt hắn có vài bước, thanh kiếm văng sang bên cạnh. Mọi người kinh hãi, kêu lên:

- Chết rồi ! Nó giết bà lão mất !

Cậu Ngô sợ quá, đứng lặng như trời trồng. Một số xa phu vừa định ùa tới thì may sao bà lão đã lồm cồm bò dậy, nhặt thanh kiếm chạy vội về phía em. Bà hơi ngượng, nhưng lấy giọng giận dữ khỏa lấp:

- Cậu chẳng được cái tích sự gì ! Rút gươm ra cầm chơi đấy à, sao không chạy lại đâm cho nó một nhát ?

Thạch Đạt Lang bên ngoài mặt lạnh như tiền, nhưng trong lòng không khỏi xúc động. Hắn thương bà lão và ông già, nạn nhân của bao nhiêu ràng buộc, của những quan niệm hẹp hòi và lễ nghi phiền phức. Hắn tiếc chẳng đủ thì giờ cùng uy tín đánh tan những ngộ nhận giữa hắn và gia đình Hồ Điểu. Một ngày kia, biết đâu một ngày kia, cơ may nào đó cho hắn được dịp biện bạch, thù hận sẽ qua đi, chỉ còn lại tình người nồng ấm như thuở nào lúc còn thơ ấu, hắn vẫn sang chơi nhà Mãn Hà Chí, ăn cơm và làm giúp mẹ bạn những công việc lặt vặt trong nhà.

Thạch Đạt Lang lắc đầu tự nhủ:

“Không được ! Ta không thể làm thế được !”. Hắn hét lên một tiếng to như sấm động, mọi người giật mình, vòng vây vô tình dãn ra đôi chút. Hắn đi thẳng tới trước. Bà Hồ Điểu lắp bắp:

- Thạch Kinh Tử, mày đi đâu vậy ?

- Nó trốn đấy ! Nó trốn đấy !

Bà Hồ Điểu hoảng hốt:

- Rút kiếm ra, Thạch Kinh Tử ! Ta đợi đã bốn năm ...

Nhưng Thạch Đạt Lang lắc đầu. Trong dáng đi và trên vẻ mặt hắn có một cái gì kiêu hùng làm mọi người phải kính nể, e dè không dám ngăn cản. Đến gần nơi ghềnh đá dốc, cỏ cao ngập đầu người, bỗng nhiên hắn nhảy xuống nhanh như tên bắn, một loáng đã mất dạng trong những lùm cây, không còn dấu tích gì nữa.

Truyện Chữ Hay