Kia là mẫu tự to tướng hình chữ V, bắt đầu bằng từ “Verba”, từ thân chữ tự nhiên mọc ra một con rắn có ngàn đuôi, các đuôi này lại sinh ra các con rắn khác như những chùm hoa lá. Bên cạnh Thánh thư là một quyển sách thanh tú về giờ lễ, mới vừa hoàn tất xong, với kích thước nhỏ bé khó tưởng tượng nổi: có thể đặt nó vừa trong lòng bàn tay. Chữ viết nhỏ tí xíu, các minh họa bên lề thoạt nhìn chẳng thấy gì, do đó buộc phải dí sát tận mắt mới nhìn ra được vẻ đẹp. Toàn bộ lề sách dầy đặc những dạng chữ nhỏ lần lượt phát sinh ra nhau từ một cuộn giấy vô tận kẻ chữ đẹp như thể theo luật bành trướng tự nhiên: các ngư nhân, hươu đực đánh nhau, quái vật đuôi rắn, mình dê đầu sư tử, những thân người cụt tay mọc ra từ trong các dòng thư như ốc sên. Tại một điểm nọ, như thể nối tiếp ba chữ “Thánh, Thánh, Thánh” được lặp lại trong ba câu thơ, có ba con thú đầu người rất dữ tợn, hai con trong bộ ba khom người, một con cúi xuống, một con ngẩng lên để hôn nhau, một nụ hôn mà nếu người ta không tin rằng minh họa này dành cho một ý nghĩa tinh thần sâu sắc, tuy không rõ ràng, của dòng thơ lúc đó, thì người ta sẽ gọi ngay rằng đó là một nụ hôn gớm ghiếc.
Khi tôi giở sách xem, lòng tôi vừa thầm khâm phục, vừa muốn phá lên cười, vì các bức tranh vẽ rất ngộ nghĩnh, dù chúng minh họa cho các trang Thánh thư. Sư huynh William mỉm cười xem xét các minh họa này và nhận định: - Cách vẽ này ở quê tôi gọi là Babewyn.
- Ở Gaul thì họ gọi là Babouins, - Malachi nói, - Adelmo học nghề này ở quê hương của Huynh, dù Huynh ấy cũng có học ở Pháp. Babouins cũng có nghĩa là “khỉ” ở Phi châu. Những hình dạng của một thế giới lộn ngược: nhà đứng trên đỉnh tháp và đất nằm trên trời
Tôi nhớ lại một số câu thơ dân gian ở quê tôi và tôi buột miệng đọc:
Ngợi ca mọi kì quan
Tồn tại trên trời dưới đất
Cho ta chiêm ngưỡng.
Malachi đọc tiếp, trích dẫn cũng từ bài thơ đó:
Đất ở dưới trời
Đã thành lời ca
Kỳ quan chỉ là
Một điều kinh ngạc.
- Giỏi lắm, Adso ạ! – Quản thư viện tiếp – Quả thật những hình ảnh đó kể về đất nước, nơi con đến, cỡi trên lưng một con ngỗng xanh, nơi mà diều hâu bắt cá trong suối, gấu ăn chim ưng trên trời, tôm tung cánh với bồ câu và ba ông thần khổng lồ mắc bẫy rồi bị gà mổ.
Một nụ cười nhè nhẹ nở tươi đôi môi ông ta. Các tu sĩ khác nãy giờ vẫn e thẹn theo dõi cuộc đối thoại, bật cười sảng khoái, như thể bấy lâu nay họ vẫn đợi Quản thư viện đồng ý. Ông nhíu mày, nhìn các tu sĩ cười, vừa ca ngợi kỹ năng của Adelmo quá cố, vừa chỉ cho mọi người xem các hình lạ lùng khác. Trong khi tất cả vẫn đang cười đùa thì từ phía sau lưng chúng tôi bỗng cất lên một giọng nói khiêm khắc và trịnh trọng:
- Không nói những lời vô nghĩa và để cho người ta cười giễu.
Chúng tôi quay lại. Người vừa nói là một tu sĩ lưng đã còng vì năm tháng, tóc bạc trắng như tuyết, da mồi trắng và cả gương mặt lẫn đồng tử đều trắng. Tôi nhận thấy ông bị mù. Dù cơ thể già yếu, giọng ông ta vẫn sang sảng, chân tay còn mạnh khỏe. Ông nhìn như trông thấy được chúng tôi, và từ đó trở đi, lúc nào tôi cũng thấy ông di chuyển, nói năng một cách tinh tường. Nhưng giọng nói của ông là giọng của một người duy nhất nắm được tài tiên tri.
- Người mà Sư huynh đang thấy đấy, con người đáng kính cả về tuổi tác lẫn tri thức – Malachi nói với thầy William, tay chỉ về phía người mới đến – chính là Jorge de Burgos. Cao tuổi hơn hết thảy mọi người sống trong tu viện, ngoại trừ Alinardo. Huynh ấy là người được rất nhiều tu sĩ ở đây vẫn xưng tội kín để ký thác gánh nặng tội lỗi của họ. – Nói đoạn, Malachi xoay về phía ông lão, tiếp – Người đang đứng trước mặt Huynh là Sư huynh William xứ Baskerville, khách của chúng ta.
- Hy vọng Huynh không giận lời tôi nói – Ông sẵng giọng đáp – Tôi nghe mọi người nói những việc buồn cười, và tôi nhắc nhở các Huynh một trong các nguyên tắc của luật đạo. Như người soạn Thánh thư đã nói, nếu một tu sĩ phải kiềm chế không được nói tốt vì đã trót thề giữ bí mật, thì anh ta càng phải tránh không được nói bậy. Vì nói bậy cũng có những hình ảnh bậy và chúng là những thứ nấp dưới lớp vỏ của tạo hóa, dựng nên một thế giới đối nghịch với thế giới đứng đắn hằng tồn tại và sẽ mãi mãi tồn tại thêm nhiều thế kỷ nữa cho đến ngày tận thế. Nhưng Huynh thuộc một dòng tu khác và tôi nghe rằng ở đó người ta được phép cười đùa, dù là đùa lúc không thích hợp nhất – Ông đang lặp lại những điều các tu sĩ dòng Benedict nói về tính khí lạ thường của thánh Francis de Assisi, và có lẽ cả những cơn bốc đồng kỳ quái vẫn gán cho tất cả mọi loại thầy tu Nghèo khó và tu sĩ dòng Thánh thần, các chi nhánh mới đây của dòng Francisco. Nhưng thầy William tỏ vẻ chẳng hiểu gì lời ám chỉ đó.
- Các hình ảnh bền lề thường gây cười, nhưng chính nhằm soi sáng cứu cánh. Tương tự như trong các bài giảng, nhằm khơi dậy óc tưởng tượng của các con chiên ngoạn đạo, cần phải tạo ra các hình mẫu, thường là rất buồn cười, do đó trong chương trình cũng cho phép những bài giảng dùng các hình ảnh tạp nham này. Vì mọi đức hạnh và tội lỗi đều có thí dụ lấy ra từ loài vật, và từ loài vật người ta minh họa ra thế giới loài người.
- À, phải đấy – Jorge nói một cách châm biếm, nhưng vẫn giữ mặt nghiêm, - bất kỳ hình ảnh nào cũng gợi lên đức hạnh cao cả, với điều kiện công trình hoàn mỹ của tạo hóa phải cúi đầu quay đi để trở thành đề tài cho người ta cười giễu. Và như vậy, người ta minh họa phúc âm bằng những hình ảnh lừa chơi đàn lia, cú lấy khiên cày ruộng, bò tự buộc mình vào lưỡi cày, sóng tràn lên bờ, biển bốc cháy, sói biến thành ẩn sĩ! Dùng bò để đi săn thú, mời cú dạy người học văn phạm, cho chó cắn bọ chét, thằng chột canh thằng câm, và thằng câm xin bánh mì; kiến đẻ ra bò, gà quay bay, bánh mọc trên mái nhà, vẹt giảng về nghệ thuật hùng biện, gà mái đạp gà trống, xe đứng trước bò, chó ngủ trên giường, mọi người đi bằng đầu! Tất cả những thứ nhảm nhí ấy nhằm mục đích gì? Một thế giới đảo lộn và đối nghịch với thế giới do Thượng đế tạo ra, dưới cái cớ giảng dạy những lời giáo huấn thiêng liêng!
- Nhưng, như Thẩm phán tại tòa Areopagus ở Athens đã dạy – thầy William nhã nhặn nói, - chỉ có thể gọi tên Thượng đế qua những vật bị biến dạng nhất. Và Hugh ở St. Victor đã nhắc ta rằng sự so sánh càng khác biệt, sự thật càng được phơi bày dưới lớp vỏ của những hình dạng kinh sợ và khiếm nhã thì sự tưởng tượng lại càng ít bị sa vào những thứ nhục dục, và do đó sẽ hân hoan cảm nhận những điều huyền hoặc ẩn đằng sau các hình dạng xấu xí đó…
- Tôi đã biết lối lý luận đó, và tôi xấu hổ thừa nhận rằng đó chính là lối tranh luận chính trong dòng tu của chúng ta khi các Tu viện trưởng dòng Cluniac tranh đấu với dòng Cistercian. Nhưng thánh Bernard nói đúng: Kẻ họa hình quái vật và thiên nhiên để bộc lộ tạo vật của Chúa trong sự chiêm ngưỡng huyền bí sẽ dần dà thích thú chính bản thân của lũ quái vật hắn đã tạo ra, rồi mê mẩn chúng và hậu quả là hắn sẽ chỉ toàn nhìn thấy chúng. Các Huynh, những người vẫn còn đang sáng suốt, chỉ cần nhìn vào những cái cột của giáo đường, - ông ta chỉ tay ra ngoài cửa sổ, về phía nhà thờ… - Trước mắt một tu sĩ kính đạo, những sư tử kia, các nhân mã nọ, những con độc cước nửa-người-nửa-thú, miệng ở bụng, tai to như buồm đó có ý nghĩa gì chứ? Những con hổ đốm, những tên giác đấu, lũ thợ săn thổi tù và cùng rất nhiều quái vật một đầu nhiều thân và một thân nhiều đầu kia là gì cơ chứ? Bây giờ tu sĩ thích đọc cột cẩm thạch hơn đọc sách, thích chiêm ngưỡng công trình nhân tạo hơn nghiền ngẫm luật tạo hóa. Nhục nhã thay khát vọng cho đôi mắt và nụ cười của các Huynh!
Jorge hết hơi ngừng lại. Tôi thán phục trí nhớ minh mẫn đã giúp ông ta, tuy đã mù nhiều năm nay, vẫn còn nhớ rõ các hình ảnh mà ông đã từng công kích là độc ác. Tôi đâm nghi ngờ rằng khi nhìn thấy các hình ảnh này, ông cũng bị chúng mê hoặc, vì cho đến nay ông vẫn có thể mô tả chúng một cách cuồng nhiệt như thế. Nhưng tôi vẫn thường đọc được các đoạn mô tả tội lỗi cám dỗ nhất trong các trang sách của những nhà đạo đức phẩm hạnh nhất, những người đã tố cáo ma lực và các hậu hoạn của nó. Đó là một dấu hiệu cho thấy các nhà đạo đức này hết sức nhiệt tình muốn chứng tỏ rằng vì lòng yêu Chúa, họ không ngần ngại gán cho tội lỗi tất cả mọi cám dỗ mà nó đã khoác vào; do đó, họ mách cho những người khác những cách mà tội lỗi đã dùng để quyến rũ họ. Thực tình mà nói, lời của Sư huynh Jorge khiến lòng tôi tràn ngập niềm khao khát được xem các con hổ, con khỉ… trong giáo đường, mà tôi chưa từng được chiêm ngưỡng; nhưng ông ta đã cắt đứt dòng tư tưởng của tôi, tiếp tục nói với giọng trầm tĩnh hơn:
- Chúa không cần sử dụng những điều ngu xuẩn như vậy để chỉ cho chúng ta con đường nhỏ hẹp. Trong các chuyện ngụ ngôn của Ngài, chả có gì gây cười, gây sợ hãi. Ngược lại, Adelmo, người mà các Huynh đang thương tiếc, đã quá thích thú với những con quái vật vẽ được đến nỗi đã không còn nhận ra mục đích tối cao mà các quái vật này cần minh họa – giọng ông ta trở nên nghiêm trang và đe dọa – Huynh ấy đã theo tất cả, tôi phải nói tất cả, con đường ma quỉ. Thượng đế đã biết cách trừng phạt!
Im lặng nặng nề. Venantius bạo dạn cất tiếng:
- Thưa Sư huynh Jorge kính mến, đức hạnh của Huynh khiến Huynh thiếu công tâm. Hai ngày trước khi Adelmo chết, Huynh đã có mặt trong một cuộc tranh luận uyên bác tại ngay phòng thư tịch này. Adelmo rất cẩn thận sử dụng nghệ thuật và các hình ảnh quái dị của Huynh ấy như một công cụ của trí tuệ, của những vật thiêng để hướng đến sự vinh danh Chúa. Vừa mới đây Sư huynh William đã nhắc đến Thẩm phán Tòa Areopagus, người đã bàn đến việc học đạo qua những hình thù biến dạng. Ngày hôm đó, Adelmo đã trích lời một quan chức cao cả khác, bác sĩ Aquino, ông bảo rằng các thánh thể nên được miêu tả bằng các hình thù ác độc hơn là các hình thù thanh cao. Thứ nhất, vì tinh thần con người sẽ dễ thoát khỏi lầm lỗi hơn; quả thật rõ ràng rằng có một số đặc tính nhất định không thể ghép vào các thánh vật được và sẽ trở nên bất định, nếu miêu tả chúng bằng các sự vật cụ thể cao quý. Thứ hai, vì cách miêu tả thô thiển này phù hợp với trí thức của chúng ta về Thượng đế trên trần gian hơn. Thứ ba, với cách này, các sự vật của Thượng đế được che giấu khỏi mặt bọn tiểu nhân một cách tốt hơn. Nói khác đi, ngày hôm đó, chúng ta đang bàn luận về vấn đề cần hiểu xem sự thật đã được bộc lộ qua những phương tiện diễn đạt bất ngờ, vừa khôn ngoan, vừa bí ẩn như thế nào. Tôi đã nhắc Huynh ấy rằng trong tác phẩm của đại triết gia Aristotle, tôi đã tìm thấy những lời rất rõ ràng về vấn đề này.
- Tôi không nhớ, - Jorge gạt phắt ngang – tôi đã già quá rồi. Tôi không còn nhớ gì nữa. Có lẽ tôi đã nghiêm khắc thái quá. Thôi trời đã tối quá rồi, tôi phải đi đây.
- Thật lạ là Huynh lại không nhớ, - Venantius nhấn mạnh – đó là một cuộc tranh luận rất hay và uyên bác, cả Benno và Berengar cùng tham dự. Vấn đề đặt ra là các cách ẩn dụ, chơi chữ và câu đố, mà dường như cũng do các nhà thơ đặt ra chỉ để cho vui, chẳng lẽ không dẫn chúng ta đến cách tư duy mới, bất ngờ; và tôi đã nói đây cũng là một đức tính mà một người khôn ngoan cần có…và Malachi khi đó cũng có mặt…
- Nếu Huynh Jorge đáng kính không nhớ, hãy kính trọng tuổi tác và trí tuệ mệt mỏi của người… trước đây vốn luôn luôn minh mẫn. – Một tu sĩ vẫn theo dõi cuộc thảo luận cất tiếng. Câu nói này được cất lên bằng một giọng lo lắng, ít nhất là lúc đầu. Người nói, khi vừa nhận ra rằng phát xuất từ sự kính trọng nung nấu đối với vị tu sĩ già, người ấy đang khiến mọi người chú ý đến sự yếu đuối của Huynh Jorge, đã từ từ nói chậm lại, và dứt lời hầu như bằng một tiếng thầm thì xin lỗi. Người nói, chính là Berengar xứ Arundel, phụ tá Quản thư viện. Đó là một thanh niên xanh xao, và khi quan sát anh ta, tôi nhớ đến lời Ubertino miêu tả Adelmo: đôi mắt Huynh ấy trông như mắt một mụ đàn bà dâm đãng. Xấu hổ vì mọi người đều quay nhìn mình, Berengar đan các ngón tay vào nhau như một kẻ muốn đè nén nội tâm căng thẳng.
Phản ứng của Venantius rất khác thường. Huynh nhìn Berengar đến nỗi người ấy phải cụp mắt xuống.
- Rất tốt, thưa Sư huynh, nếu trí nhớ là một ân sủng của Thượng đế thì khả năng quên cũng rất tốt, và cũng phải được kính trọng. Tôi kính trọng khả năng đó trong vị Sư huynh cao niên tôi đang hầu chuyện. Nhưng đối với Huynh, tôi mong Huynh hãy nhớ rõ hơn những việc đã xảy ra, khi chúng ta có mặt tại đây với người bạn thân mến của Huynh.
Tôi không biết giọng nói của Venantius có ám chỉ gì từ “thân mến” hay không. Nhưng quả thật tôi cảm thấy những người có mặt lộ vẻ bối rối. Mỗi người nhìn một hướng, và không ai nhìn Berengar, lúc ấy mặt đang đỏ như gấc. Malachi cất tiếng ngay, giọng ra lệnh:
- Đi thôi, Sư huynh William. Tôi sẽ chỉ Huynh xem các quyển sách hay khác.
Nhóm người bèn giải tán, tôi thấy Berengar nhìn Venantius với vẻ thù hằn, và Venantius nhìn lại, thầm lặng và thách thức. Thấy Sư huynh Jorge sắp đi, lòng tôi tràn ngập niềm tôn kính, bèn cúi xuống hôn tay người. Người đón nhận nụ hôn của tôi, đặt tay lên đầu tôi, rồi hỏi tôi là ai, khi tôi xưng tên, gương mặt người bừng sáng.
- Chú có một tên quý và rất đẹp. Chú có biết Adso ở Montier-en-Der không? – tôi thú nhận không biết và Sư huynh Jorge nói tiếp – ông ta là tác giả của quyển sách vĩ đại và đáng sợ “Quyển sách của tên phản chúa ”[] , trong đó ông tiên đoán việc sẽ xảy ra, nhưng ông không được chú ý lắm.
- Quyển sách được viết cách đây hơn nghìn năm, và những việc đó không xảy ra… - Thầy William tiếp lời.
- Cho những ai thiếu mắt nhìn. – người tu sĩ mù nói, - tên Phản giáo đến bằng những lối chậm chạp, quanh co. Đã đến lúc chúng ta không cần đợi hắn, không phải vì các tính toán do các tông đồ đề nghị là sai lầm, mà vì chúng ta chưa học được nghệ thuật tính toán đó. – rồi Sư huynh hét lớn, mặt quay về hướng tiền sảnh, và phòng thư tịch dội lại tiếng hét đó – Hắn đang đến. Đừng phung phí những ngày cuối cùng của các Huynh để cười chế nhạo những con quái vật bé nhỏ có da lốm đốm và đuôi ngoằn ngoèo! Đừng phung phí bảy ngày cuối cùng!
Chú thích:
[] “De pentagono Salomonis ”
[] “Ars loquensdi el intelligendi in Lingua hebraica ”
[] “De rebus metallicis ”
[] “Algebra ”
[] “Punica ”
[] “Gesta francorum ”
[] “De laudibus sanctae crusis ”
[] “Flavii Claudi Giordani de aetate mundi et hominis reservatis singulis litteris per singulos libros ab A usque ad Z ”
[] "Libellus de Antichristo "