Buổi tối, Quách Trường An từ Tam Viện trở về, cuối cùng thì Tiền Cảnh cũng không lộ mặt, điều này khiến anh vô cùng sốt sắng, anh sợ hắn đã trốn ra vùng khác, sẽ không có cơ hội để tóm hắn nữa. Đang đi, đột nhiên anh nhìn thấy bên đường đối diện đang xảy ra chuyện gì đó không bình thường. Vài người đột nhiên xông ra từ chỗ ẩn nấp, vây đánh một người, nhóm người đó chụp bao tải lên đầu anh ta, Quách Trường An hét lên một tiếng rồi lao tới.
Khi không phải là cảnh sát thì anh lại có ý muốn làm cảnh sát, lúc còn nhỏ cùng Cẩm Tú và những đứa trẻ trong xóm đi chơi, những đứa trẻ đó bị bắt nạt, anh luôn là người đầu tiên cầm gạch xông lên. Trong con mắt anh, đàn ông con trai phải là anh hùng hảo hán, cứu kẻ sắp chết, cứu người bị thương, dám làm việc nghĩa. Sauk hi đã là cảnh sát, anh nâng cao những điều mình tâm huyết này thành đạo dức nghề nghiệp và phẩm cách của mình. Thế là “trừ bạo an dân”, đã trở thành phản xạ đối với anh. Gặp những sự việc như thế này, anh sẽ không bỏ qua.
Mấy tên đó quay đầu lại nhìn, thấy người đang xông tới cao lớn, chúng cũng có phần sợ hãi. Những kẻ có tật giật mình, làm việc xấu, trong lòng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Bởi thế, Quách Trường An đã có nửa phần thắng rồi, anh lại còn lôi chiếc còng tay ra để chúng biết được thân phận của mình, anh coi như đã có bảy phần thắng.
Những kẻ hay đánh nhau đều biết đánh cảnh sát thì nên dè chừng, nhìn thấy cảnh sát thì tốt nhất là chuồn cho xong, nếu không cảnh sát mà bắt được thì đúng là không còn gì để nói. Người ta gặp nhiều vụ án đánh người, giết người không bị phanh phui, nhưng ít gặp những vụ án đánh cảnh sát, giết cảnh sát mà không bị phanh phui. Bởi thế, trong lúc hành hung, nếu chẳng may gặp cảnh sát thì thông thường bọn xấu nên chọn đường lui. Trừ phi mang tội giết người trốn cũng chết mà chống lại cũng chẳng xong, lúc ấy mới chọn chiêu liều mạng với cảnh sát.
Nhưng Quách Trường An là người may mắn. Anh toàn gặp những kẻ chưa có tiền án tiền sự, nhìn thấy cảnh sát đã run bắn. Khi ấy anh lại có cơ hội để thể hiện bản thân. Những thứ mà anh học được trong bốn năm ở trường cảnh sát rất khó có cơ hội để phát huy tại đồn, ngày hôm đó gặp phải hai tên phạm nhân trốn chạy, nếu không phải vì bảo vệ viên cảnh sát Tiểu Tấu thì chỉ mình anh cũng đủ tóm gọn mấy tên tội phạm đó.
Quách Trường An lắc lắc cổ tay, tiếng cổ tay anh kêu răng rắc. Anh vẫy tay với mấy tên đó và nói: “Đừng có huênh hoang, lại còn thương lượng cái gì nữa? ai bước lên trước hay là ai chạy trước nào? Còn thương lượng với nhau nữa thì trời sáng đấy, nào lên hết cả đây. Chỉ có mấy người các ngươi còn chưa đủ một lần ta ra tay!”
Mấy tên đó hình như không sợ những điều Quách Trường An nói hoặc là việc đối phó với Kỷ Viễn là một điều vô cùng quan trọng. Bởi thế, chúng vẫn muốn đuổi Quách Trường An đi để tập trung đối phó với Kỷ Viễn. Thế là hai tên một trước một sau, một trái một phải xông lên Quách Trường An.
Mấy năm rèn luyện võ công của Quách trường An đúng là không lãng phí chút nào, tuy ít khi anh dùng tới nhưng những chiêu này đều có tác dụng cả. Chỉ có một chiêu thôi mà hai tên đó đã bị anh đánh cho kêu thảm thiết. Một đứa khuỵu xuống đất, một đứa lùi lại phía sau mấy bước, tuy hắn chưa khuỵu xuống nhưng cũng tay ôm bụng, mặt tái mét, xem ra chẳng còn sức chiến đấu gì nữa.
“Mẹ chúng mày, lên hết đi nào, không thì biết nói sao với ông chủ.” Một tên hùng hổ quát to, gọi đồng đảng cùng xông lên, cùng nhau tấn công Quách trường An.
Hai tên lên trước đã không còn sức chiến đấu, hai tên phía sau lao lên. Xem ra có vẻ rất hùng dũng. Nhưng hiệp đầu Quách Trường An đã thắng đậm, càng khiến anh phấn khích hơn. Anh hăng hái xông lên, hiệp thứ hai cũng thắng, có thể nói là thắng đẹp. Một mình mà địch được bốn tên, trong đội ngũ cảnh sát hình sự cũng được coi là nhân vật cừ khôi. Đương nhiên, chúng ta không đề cập tới hai tên đã nhừ đòn trong số đó.
Bốn tên co cẳng chạy thục mạng chẳng thèm để ý tới Kỷ Viễn nữa. Quách Trường An không muốn bỏ phí cơ hội này. Anh đang chuẩn bị chạy tới ngáng chân để tóm gọn tên tiểu tử chạy sau cùng nhưng phía sau lưng vang lên tiếng kêu vọng ra từ trong bao tải.
Quách Trường An sợ người ở trong bao tải kia đã bị thương, nếu chậm trễ sẽ nguy hiểm, thế là anh đành dừng bước. Bốn tên côn đồ thừa cơ chạy thục mạng.
Đợi khi Quách Trường An xé chiếc bao tải ra, khuôn mặt của Kỷ Viễn lộ ra dưới ánh đèn đường thì Kỷ Viễn gần như đã không thể thở nổi nữa.
“Chẳng phải anh là người có nhà cửa, có nghề nghiệp đàng hoàng sao? Nửa đêm thế này không về nhà mà còn tìm người đánh nhau, vui đấy nhỉ? Nếu không phải gặp tôi thì cái mạng của anh chắc cũng mất rồi đấy, có biết không?” Quách Trường An bực tức răn dạy Kỷ Viễn.
Quách Trường An đã phạm phải ba sai lầm, Kỷ Viễn không phải không thể không răn dạy được mà phải xem là ai răn dạy anh ta, đây là lỗi thứ nhất. Kỷ Viễn không phải tìm người đánh nhau mà là người khác tìm anh để đánh, hoặc có thể là người khác tấn công anh, đây là lỗi thứ hai. Nói Kỷ Viễn mất mạng là sai lầm thứ ba. Nếu Quách Trường An không đến, thì chắc chắn Kỷ Viễn sẽ bị thiệt thòi nhưng cái mạng của Kỷ Viễn thì tạm thời chưa thể mất được. Xã hội này còn có luật pháp mà, chắc không đến nỗi chúng lấy mạng anh ngay giữa chốn đông người thế này.
Bởi thế, đứng trước viên cảnh sát đầy ngạo mạn như Quách Trường An, Kỷ Viễn chẳng thèm nhìn lấy một cái, chỉ đáp gọn lỏn: “Ôi dào, ý anh là anh đã cứu mạng của tôi đấy à? Anh có biết là vừa nãy anh đã làm lỡ việc đại sự của tôi không? Tôi cố ý thua chúng để biết được kẻ chủ mưu là ai. Anh đến đúng là “tốt quá”, gào thét, khoe khoang, để chúng chạy hết cả. Mà còn ở đây tốn hơi, thừa lời với tôi, anh chắc là hâm không nhẹ đâu!” nói rồi, Kỷ Viễn cũng chẳng đợi Quách Trường An phản ứng gì, bèn đứng dậy lảo đảo bước đi.
Cứu được mạng thì đã làm sao? Những thứ vốn không thuộc về ngươi thì cũng không bao giờ thuộc về nhà ngươi. Giao cho ai cũng được nhưng không được giao cho cảnh sát, đặc biệt là kẻ mới nhìn thấy Cẩm Tú mà mắt đã sáng lên thế này.
Quách Trường An thấy Kỷ Viễn đã không nhận ý tốt của anh lại cũng không cảm ơn, anh cũng hơi giận anh ta. Trái tim của người đàn ông luôn ngạo mạn như anh không giữ được cân bằng, càng nói, càng không dễ nghe.
“Đừng tự mạo xưng là trang hảo hán. Mấy tên đó rat ay đánh cậu, cậu hoàn toàn không có khả năng phản đòn, lại còn khoác lác nói điều tra kẻ chủ mưu cái gì nữa. Đừng nói là tôi xem thường cậu, lúc ấy trông đầu cậu chẳng khác gì trái bóng, bị chúng đá lại. Mà nói khoác cũng không bị đánh thuế đâu, cậu cứ nói đi.” Quách Trường An vẫn chưa hết tức, tiếp tục bồi thêm một câu: “Nếu cậu không phải chồng của Cẩm Tú, thì tôi cũng chẳng thèm dây tới việc của cậu làm gì, để người ta ném cậu vào trong nồi làm thịt hầm mới hay.”
Kỷ Viễn đã đi được mấy bước nhưng nghe thấy Quách Trường An nói mấy câu này, trong lòng anh cảm thấy không vui. “Tôi là chồng của Cẩm Tú thì liên quan quái gì tới anh? tôi nói cho anh biết nhé Quách Trường An, sau này ít nhắc tới tên vợ tôi thôi.”
Kỷ Viễn quay lại, đưa tay chỉ vào mũi Quách Trường An và nói: “Muốn làm thịt hầm đấy thì sao nào?”
Quách Trường An cười, cười vì Kỷ Viễn đã mượn từ “thịt hầm” của mình.
“Cẩm Tú là bạn học của tôi, nhắc tới cô ấy thì có làm sao? Đúng là cô ấy là vợ cậu nhưng cô ấy là bạn học của tôi trước, cậu cũng tính toán điều này sao? Chúng tôi học cùng nhau từ tiểu học lên cấp ba, học cùng cũng hơn mười năm, nếu tính cả thời gian học mẫu giáo thì còn lâu hơn nữa.” Quách Trường An nói một cách rất đắc ý.
“Dài cái đầu ngươi, ngày nào ngươi cũng đứng trên đường, đứng hai ba mươi năm rồi, cái đường này chắc đã là của ngươi đấy.” Cách ăn nói của Kỷ Viễn không hề thua bất cứ ai “Quá trình không quan trọng, kết quả mới quan trọng, kết quả Cẩm Tú đã là vợ tôi.”
Quách Trường An vẫn không phục, đặc biệt là vẫn đề liên quan tới Cẩm Tú. Đây là nỗi đau thầm kín của anh
“Không có quá trình thì lấy đâu ra kết quả?” Quách Trường An thong thả đáp. “Quá trình là trước đây Cẩm Tú đã là bạn gái của tôi, tuy cô ấy lấy anh thì có làm sao? Dù sao trước đây chúng tôi cũng đã từng là bạn.”
Đánh nhau, cũng chia làm mấy loại, đàn ông con trai mà đánh nhau, nếu động chân động tay thì rất nhanh. Hai ba phút là phân thắng bại, nhưng khi đấu khẩu thì cũng có nghĩa là đã chuyển sang giai đoạn khác, quá trình này sẽ chậm dần lại, chưa chắc đã phân định thắng thua. Điều cấm kị nhất của cãi nhau là vạch ra điểm yếu.
Câu nói “Cẩm Tú đã là bạn gái của tôi.” Coi như đã chỉ ra điểm yếu của Kỷ Viễn. Kỷ Viễn đã bị chọc tức tới mức sôi người lên. Hai người đã tiến lại rất gần nhau, khi đã tiến lại gần nhau tới mức khoảng cách giữa họ đủ cho một cú đấm. Giải quyết bằng cú đấm nhanh hơn là giải quyết bằng lời nói, và càng có khả năng trút được sự tức giận và oán hận trong lòng một cách hiệu quả, thế là họ vung tay lên đánh nhau.
Kỷ Viễn vẫn chưa tới mức mất hết lý trí. “Chỉ dựa vào một câu đã từng là bạn gái của anh mà Cẩm Tú là bạn gái của anh chắc?” Kỷ Viễn tức giận nói với Quách Trường An. “Nếu có bản lĩnh thì lấy chứng cứ ra đi”
Kỷ Viễn cũng không biết đòi chứng cứ gì từ Quách Trường An. Đương nhiên Trường An cũng không có chứng cứ mà đến Kỷ Viễn cũng không hiểu là nó là cái gì. Nhưng điều cấm kị nhất của cãi nhau và đánh nhau là rút lui. Họ đang ở cái tuổi tràn trề sức sống, chưa nói gì để thể hiện tính yêng hùng. Nếu không thể khuất phục bằng cú đấm thì cũng phải cãi bằng được.
Trường An nghe vậy bèn đáp: “Cần chứng cứ à, có chứng cứ đấy. Không phải sau lưng Cẩm Tú có một cái bớt sao?” Kỷ Viễn khựng lại, suýt chút nữa là giơ cú đấm vào mặt Quách trường An
Đúng là sau lưng Cẩm Tú có một vết bớt. Lưng là thứ mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy được, Quách Trường An đã biết được điều này thì xem ra những điều anh ta nói có phần đúng sự thực. Kỷ Viễn cảm thấy thất vọng.
Cẩm Tú trước đây chắc chắn đã có một vài người bạn trai, xem ra Quách Trường An là một trong số đó. Nhưng Kỷ Viễn không biết rằng Quách Trường An biết điều này là bởi vì khi nhỏ anh là hàng xóm của Cẩm Tú, đã từng leo lên tường rào nhìn trộm Cẩm Tú tắm, đằng sau lưng Cẩm Tú thì anh đã nhìn thấy vài lần. Đương nhiên cái bớt ấu quá quen thuộc với anh, bởi thế trong lúc bí, Quách Trường An đã nói ra điều đó để cứu lấy thể diện của mình.
Nói xong, Quách Trường An cũng cảm thấy hối hận, không phải Trường An lo Kỷ Viễn sẽ trừng mắt, giương đao với anh, làm như thế thì còn tốt chán. Kỷ Viễn cầm đao hành hung cảnh sát, tội ấy nhẹ cũng tám đến mười năm, như thế Cẩm Tú sẽ không đợi Kỷ Viễn nữa, sau khi Cẩm Tú li hôn với Kỷ Viễn thì Trường An cũng sẽ có cơ hội gần gũi với Cẩm Tú.
Nhưng Quách Trường An hối hận vì anh đã nói ra những điều không nên nói. Cẩm Tú là cô gái mà anh thích, trong lúc cãi nhau vì giữ thể diện mà nói ra những điều bí mật như thế, anh có cảm giác không tôn trọng chính bản thân mình. Chính vì thế anh chẳng nói gì thêm nữa, đợi Kỷ Viễn phản bác thì anh sẽ ngậm miệng không đáp để nhận thua. Nhưng Kỷ Viễn không nói gì, rồi đột nhiên quay đầu bước đi.
Điều này đi xa so với dự tính của Trường An. Anh thậm chí còn cho rằng với tính khí của Kỷ Viễn, chắc chắn hắn sẽ đánh anh một trận, nhưng Kỷ Viễn lại không nói gì mà lặng lẽ bỏ đi. Trong lòng Trường An cảm thấy bất an. Anh lo câu nói này của anh sẽ gây phiền phức cho Cẩm Tú.
Mang tới phiền phức gì ư? Anh cũng chẳng dám nghĩ đến, anh nghĩ mình đã làm một việc có lỗi với Cẩm Tú.
Mấy chiều nay Tô Gia Văn đều hẹn cẩm Tú ra ngoài. Hai người họ ngồi ở quán trà cả một buổi chiều.
Quán trà ấy là quán của bạn Tô Gia Văn. Bên cạnh chỗ họ ngồi, mấy người đang chơi mạt chược. Họ chơi mạt chược mà rất im lặng, tấm thảm dày trải trên bàn, bốn người đàn ông đều không nói gì, đây là ván mạt chược đầu tiên yên tĩnh nhất mà Cẩm Tú từng trông thấy.
“Đó là vì họ cược quá nhiều, nếu nói chuyện sẽ phân tâm.” Tô Gia Văn nói. Cô vừa nói vừa đưa tay lấy mấy trái hạnh đào trên chiếc xe để hoa quả khô mà người phục vụ đẩy tới. Ngón tay thon dài bóp mạnh trái hạnh đào, trái hạnh đào trên tay Tô Gia Văn nứt một đường nhỏ. Cô lấy nhân hạnh đào đặt lên đĩa rồi đẩy về phía cẩm Tú, nhẹ nhàng nói: “Nếu mỗi ngày ăn mấy trái hạnh đào này sẽ rất tốt cho não. Công việc làm hao tổn nhiều tâm trí.”
Cẩm Tú nhận thấy Tô Gia Văn rất quen thuộc với nơi này. Chắc cô ấy thường xuyên tới đây. Cuộc nói chuyện nhanh chóng chuyển sang chủ đề của Tô Gia Văn.
“Bà ấy bắt con trai phải bỏ em.” Tô Gia Văn nở nụ cười khổ sở, cô ta lắc lắc đầu.
Cẩm Tú cảm giác chuyên mục tâm tình cô đang phụ trách không hề giúp được gì cho Tô Gia Văn mà ngược lại còn mang tới cho cô nhiều phiền phức.
Người đàn bà ấy sau đó cũng tới tòa soạn mấy lần, lần nào cũng tìm Lý Cẩm Tú. Những người trong ban biên tập đều đã quen mặt bà ấy. Bởi thế lần nào bà ấy tới, mọi người đều nói với bà ấy rằng Cẩm Tú đi công tác.
“Khi nào thì cô ấy về?” Bà ấy cho rằng họ đang hợp sức để lừa bà.
“Một tuần.”
“Mười ngày.”
“Chắc phải đợi tầm nửa tháng”
Mọi người trong ban biên tập mỗi người nói một kiểu nên bà ta càng không tin, bởi thế ngày nào bà ta cũng tới tòa soạn. Cũng may bà không biết mặt Cẩm Tú, nếu không Cẩm Tú chẳng thể tới chỗ làm. Bà ta liên tiếp tới trong ba hôm rồi dọa tự sát nên chủ biên đành phải xuất hiện và khuyên bà ta về.
“Bà ấy lại dùng chiêu tự sát để hù dọa mọi người đúng không ạ?” Tô Gia Văn nhấp một ngụm trà rồi nói, “Thực tế thì cũng không phải dọa mọi người, trước đây bà ấy đã từng tự sát hai lần rồi.”
“Cái gì? Tự sát hai lần rồi á?” Cẩm Tú ngạc nhiên. Tự sát không phải là thứ có thể đem ra đùa được, thế mà bà ấy đã từng tự sát hai lần.
Lần cuối cùng mẹ chồng Tô Gia Văn tới tìm Cẩm Tú, đúng hôm Cẩm Tú không có mặt ở ban biên tập. Khi trở về Lịch Tử nói với cô điều đó. Lịch Tử nói bà ấy đã tự trèo lên lầu, ngồi lên bệ cửa sổ, nằng nặc đòi nói chuyện với tổng biên tập.
“Đúng là làm tớ sợ chết khiếp. Tớ có bệnh sợ độ cao, những chỗ cao như thế đừng nói là tới gần cửa sổ, nhìn xuống dưới thôi, tớ đã chóng cả mặt rồi. Bà ấy đúng là một cao thủ, không chỉ ngồi trên bệ cửa sổ, lại còn cho hai chân ra ngoài…”Khi Lịch Tử nói trên khuôn mặt của cô ấy lộ rõ vẻ khâm phục.
Tô Gia Văn kể lại câu chuyện hai lần tự sát của mẹ chồng cô. Lần thứ nhất là vì Tô Gia Văn cãi nhau với bà ấy.
“Vì sao em cãi nhau với bà ấy ư? Ngày nào bà ấy cũng thúc ép con trai mình thi nghiên cứu sinh, thi thạc sĩ, lao đầu vào công việc. Những cái ngưỡng mà bà ấy đề ra luôn là nơi mà người khác không thể với tới được. Em có phàn nàn mới hai câu mà bà ấy đã mắng em. Sau đó bà ấy chạy lên ban công, mở cửa sổ ra, định nhảy lầu. Ép con trai bà ấy phải ép em quỳ xuống nhận lỗi…”
Tô Gia Văn vừa nói vừa cười khổ sở.
Cẩm Tú đoán chắc lần đó Tô Gia Văn đã phải quỳ xuống trước mặt bà ấy thật.
Khom lưng cúi gối thì không phải chỉ có đàn ông không chịu đựng nổi, mà kể cả những người phụ nữ coi thể diện như mạng sống của chính mình, thì càng không thể quên được sự sỉ nhục đó.
“Lần thứ hai, em đưa một người khách về nhà. Bà ấy đã trách mắng em, nói em là hồ ly tinh, đi quyến rũ đàn ông, bà ấy nói em đã làm bại hoại gia phong, và bắt chồng em phải bỏ em.” Tô Gia Văn tách một trái hạnh đào, lấy nhân bên trong ra, nhưng cô không ăn. “Lần này bà ấy không nhảy lầu mà cứa cổ tay. Bà ấy lấy một con dao dài cắt lên cổ tay mình, suýt chút nữa thì em chết ngất.”
Tô Gia Văn ngước đôi mắt nhìn Cẩm Tú rồi nói: “Chị có biết không, em hận bà ta. Toàn là những việc cỏn con mà bà ấy lấy cái chết để đe dọa em. Em thực sự hoảng loạn. Sau đó vì quá sợ bà ấy nên bà ấy nói gì em cũng nghe theo, bà ấy nói đông thì em phải theo đông, bà ấy nói tây thì em phải theo tây. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài thôi, còn trong lòng em phải cố gắng nín nhịn để làm theo những gì bà ấy nói. Có lẽ, chứng tỏ rằng em đã giữ được cân bằng.” Tô Gia Văn cười nhưng không thành tiếng. Phần nhân hạnh đào trong lòng bàn tay chẳng biết đã bị cô bóp nát từ lúc nào.
“Có ai sinh ra đã là người đàn bà lăng nhăng đâu. Em cũng vậy, có lẽ bởi vì quá ức chế, phải sống trong cuộc sống như quả phụ như thế, nên đã thúc giục em làm những việc trái với đạo lý.” Nói tới đây mắt Tô Gia Văn đỏ hoe.
“Chồng em chắc sẽ hiểu nỗi khổ của em.” Cẩm Tú nói.
Cẩm Tú không biết khi mẹ chồng Tô Gia Văn tự sát lần thứ hai, thì chàng trai với thân phận làm con ấy cuối cùng đã làm gì, chắc là cũng bắt vợ mình quỳ xuống xin lỗi thì mới tha thứ. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu Cẩm Tú. Nếu đã phải sống trong uất ức, nếu đã không còn tôn nghiêm như thế, vì sao Tô Gia Văn không ly hôn?
Ai cũng có quyền được hưởng hạnh phúc, nếu đã không hạnh phúc, thì hãy cắt đứt cuộc hôn nhân đó, không phải vẫn có thể sống cuộc sống bình thường hay sao? Vẫn còn tốt hơn là giết thời gian trong những hộp đêm như thế này.
Cho dù là đối với đàn ông hay là phụ nữ, thì danh tiết đều rất quan trọng. Cớ sao Tô Gia Văn phải tự hủy hoại bản thân mình như thế, chỉ vì muốn đấu tranh với mẹ chồng sao? Nhưng Cẩm Tú không dám hỏi Tô Gia Văn điều đó. Điều này liên quan tới bí mật cá nhân của Gia Văn, nếu cô ấy không tâm sự, thì tốt nhất Cẩm Tú cũng không nên khơi lên vết thương của cô ấy.
“Chị ơi, chị nói là chồng em sao? Một thằng đàn ông như thế, luôn cho rằng mình đầu đội trời đạp đất nhưng trước mặt mẹ anh ta, anh ta hoàn toàn không có chính kiến gì, chỉ trừ việc nổi khùng lên với em thì anh ta chẳng làm được gì cả.” Tô Gia Văn nói xong càng cảm thấy đau khổ.
Nếu lấy phải một người chồng như thế thì ai cũng đau khổ cả.
“Em đã từng kể với chị, em đã có một cháu bé, nhưng con em đã qua đời, chị có biết vì sao không?”
Làm sao mà Cẩm Tú biết được nguyên nhân, nên cô chỉ nhìn Tô Gia Văn với ánh mắt lo lắng và cảm thông.
“Mẹ chồng em muốn đi dạo phố, bà ấy muốn em đi cùng, trên phố rất đông, có người chen bà ấy nên bà ấy đã đẩy em, em bị sảy thai.Lúc ấy, con em đã thành hình người rồi, em đã nhìn thấy hình dáng của nó, rất giống chồng em.” Tô Gia Văn nói, giọng cô đột nhiên run lên, nhưng cô vẫn cố nói cho hết câu. Cẩm Tú cảm thấy giọng nói của Tô Gia Văn vỡ òa, rồi cổ họng nghẹn cứng.
Trong bóng tối trên khuôn mặt Tô Gia Văn lấp lánh những giọt lệ.Cẩm Tú không phải là bác sĩ tâm lý, cô không thể chữa được vết thương lòng cho Gia văn, Bởi thế cô cũng không dám gợi ý Tô Gia Văn nói ra những điều riêng tư hơn thế. Nếu làm như vậy, cô sẽ gián tiếp biết được những điều bí mật đó. Cô không thích là người giữ bí mật, càng không thích giúp người khác giữ bí mật. Những người nhiều bí mật sẽ vô cùng mệt mỏi, Cẩm Tú thích sự đơn giản. Bởi thế cô không gặng hỏi Tô Gia Văn.
Cô gái phục vụ bước vào tiếp trà, cánh cửa mở ra, bên ngoài hành lang có một bóng người đi qua vội vã, người đó đang bê một cái két. Dường như chiếc két đó rất nặng, Cẩm Tú nghe thấy tiếng bước chân nặng nề của người ấy. trên khuôn mặt cô hiện rõ vẻ kinh ngạc.
Sắc mặt Tô Gia Văn đã trở nên ấm áp hơn, cô lấy lại tinh thần và nói như không có chuyện gì lạ lẫm: “Ván bài vừa rồi có người thua. Thua từng này này.” Tô Gia Văn giơ ngón trỏ lên.
“Một vạn à?” Cẩm Tú cố ý đoán một con số khá lớn. Bởi cô đã nghĩ tới Quách Trường An đã từng hỏi cô đã tiết kiệm cho Âu Thế Hằng bao nhiêu tiền thì cô đã đoán là một vạn nhưng lại bị Quách trường An dè bỉu. ANh ta nói là mười vạn.
Lần này Cẩm Tú nói thua một ván là đã có tiến bộ hơn lần trước rồi. Nhưng khi nghe câu hỏi của Cẩm Tú, trên khuôn mặt Tô Gia Văn hiện nụ cười đầy bí hiểm.
“Trong chiếc két ấy là hai trăm vạn.” Tô Gia Văn đáp, “Nếu đã phải két sắt thì chứng tỏ kẻ bị thua không chỉ thua có một trăm vạn, mà có thể là hai trăm vạn.”
Cẩm Tú tròn mắt kinh ngạc.
Thành phố này quả thật là có rất nhiều người lắm tiền. Vì hai mươi hay ba mươi vạn để mua căn nhà mà cô đã lo sốt vó, trong khi lại có người dám bỏ ra hai trăm vạn chỉ để chơi bời. Khoảng cách giàu nghèo thực sự quá lớn. Cô vì công việc mà toan tính đau đầu nhức óc, lăn lộn và làm việc chăm chỉ như một con kiến thợ, thế mà lại có người vì việc nhỏ nhặt mà tìm đến cái chết. Cuộc sống của hai loại người này, một ở trên trời, một ở địa ngục. Nhưng có một điều mà Cẩm Tú hiểu, mọi thứ đều bình đẳng, cả niềm vui và đau khổ. Những người có tiền cũng đau khổ không ít hơn những người dân thường như cô, và những niềm vui của họ cũng không thể nhiều hơn cô.
Trong lúc Cẩm Tú đang suy nghĩ miên man thì Tô Gia Văn nhận được một cuộc điện thoại.
“Mấy cái cổ phiếu đó của tôi, đừng có động tới, cậu muốn thả thì thả đi, đấy là đang tự giết mình đấy. Dỡ tường phía đông thì bổ sung bằng tường phía tây, sớm muộn gì thì cũng chẳng còn tường để dỡ nữa đâu. Để ủ nóng thêm chút nữa!” Tô Gia Văn nói.
Tô Gia Văn đang nói về chuyện chơi cổ phiếu với người nào đó trong điện thoại, Cẩm Tú vẫn không nhúc nhích, cô tiếp tục thả hồn theo dòng suy nghĩ.
“Ngày hôm đó trong hộp đêm, em đã gặp Tống Đoạt, chị quen với anh ấy đúng không?” Tô Gia Văn nói chuyện điện thoại xong, cô nhận thấy Cẩm Tú đang suy nghĩ miên man, cô nhìn Cẩm Tú, rồi đột nhiên hỏi đến chuyện Tống Đoạt.
“Chồng bạn chị là bạn của Tống Đoạt, ngày hôm ấy anh ấy tới làm quảng cáo, sau đó bọn chị đã đi cùng nhau, thế nên mới quen chứ không phải thân.” Cẩm Tú đáp.
Cô lại suy nghĩ không hiểu vì sao Tô Gia Văn lại nhắc tới Tống Đoạt một lần nữa. Nhớ lại ngày hôm đó, Tô Gia Văn gặp Cẩm Tú trong hộp đêm,. Gia Văn cũng đã hỏi những câu này. Chắc Tống Đoạt không phải là một trong những người tình của cô ấy đấy chứ?
Cẩm Tú khéo léo hỏi Tô Gia Văn điều này: “Đúng là không thân, đây là lần thứ hai chị gặp anh ấy, đó cũng là người tốt nhưng cũng khá kì quặc…”
“Sao lại kì quặc ạ?” Tô Gia Văn đột nhiên ngắt lời Cẩm Tú.
“Hơi kì quặc, hơi lạnh lùng, trầm tư, u buồn…” Cẩm Tú cố nghĩ tới một từ thích hợp hơn để mô tả về con người này. “Những điều chị nói chưa chắc đã đúng, em và anh ấy quen nhau à?”
“Em quen anh ấy, nhưng chưa chắc anh ấy đã quen em.” Tô Gia Văn nói một cách đầy ẩn ý với Cẩm Tú: “Anh ấy là người đồng tính đấy, xem ra chị không biết điều này.”
“Anh ấy là người đồng tính sao?” Cẩm Tú giật bắn người. “Người đồng tính à, Tống Đoạt là người đồng tính sao?” Cẩm Tú hỏi.
“Em cũng không rõ, nhưng dù sao anh ta cũng là một người đồng tính.” Tô Gia Văn lại bồi thêm một câu, ánh mắt đen láy của Tô Gia Văn nhìn Cẩm Tú như muốn thăm dò. Cẩm Tú đã hiểu ra rồi, chắc là cô ấy sợ cô hẹn hò với anh ta, hôm nay Tô Gia văn tới tìm cô, chẳng phải vì muốn tâm sự mà là muốn nói với cô rằng Tống Đoạt là người đồng tính.
Mấy ngày liền, trong lòng Cẩm Tú cứ thấy bực bội, cả một đống những điều bực mình.
Lịch Tử đã vô tình tiết lộ chuyện dạm hỏi của Kỷ Viễn cho Cẩm Tú biết. Khi Cẩm Tú gọi điện hỏi Kỷ Viễn về điều này, anh chỉ lạnh nhạt đáp: “Đấy là ý của mẹ kế anh, chẳng phải là ý của anh, em yên tâm. Anh không thích ai cả, anh chỉ thích mình em thôi.”
Cẩm Tú nghĩ cô cần phải gặp mặt bố mẹ Kỷ Viễn. Cô nói những điều này với Kỷ Viễn. Kết quả là Kỷ Viễn không đồng ý. Bởi Kỷ Viễn biết bố mẹ anh sẽ không nói dối cho anh, cũng có nghĩa là chỉ cần Cẩm Tú tới nhà anh, thì ba mẹ anh sẽ tiết lộ những công việc của anh cho Cẩm Tú biết, bởi thế anh nói bố mẹ của anh đã đi du lịch rồi. Cẩm Tú có cảm giác chắc chắn là Kỷ Viễn đang nói dối, nhưng vì sao phải nói dối, có phải Cẩm Tú không đủ tư cách để tới thăm bố mẹ chồng mình? Hay là vì Kỷ Viễn đã từng dẫn người con gái khác tới ra mắt bố mẹ rồi?
Trước mắt Cẩm tú hiện lên nụ cười ngọt ngào của cô gái đó.
Cuối tuần, Kỷ Viễn nói bận việc không thể tới. Cẩm Tú cũng không hỏi nhiều, cô bắt xe tới tòa nhà nơi Kỷ Viễn làm. Cô muốn tận mắt nhìn thấy Kỷ Viễn đang bận rộn với công việc hay đang bận tán gái?
Từ trước tới giờ Cẩm Tú chưa bao giờ tới công ty của Kỷ Viễn, cô vừa bước vào trong tòa nhà đã bị bảo vệ ngăn lại, hỏi chứng minh thư và hỏi cô muốn tìm ai.
“Cô tìm ai cũng không được vào, cô có thể tới phòng khách bên cạnh đợi. Tôi sẽ gọi giúp cô. Anh ta tên là gì, ở công ty nào?” Anh nhân viên bảo vệ chân thành nói.
Cẩm Tú nói cho nhân viên bảo vệ biết những thông tin mà anh ta yêu cầu. Anh bảo vệ bước tới quầy lễ tân gọi điện lên, phải một lúc sau, anh ta quay lại và nói với Cẩm Tú: “Không có ngươi nào như thế”
“Hả, công ty khai thác phát triển thuộc Gia Viễn Hoa không có người nào là Kỷ Viễn ư?” Cẩm Tú không dám tin vào câu trả lời của anh bảo vệ. Cô nghĩ anh ta đang đùa.
Nhưng anh bảo vệ nói với cô một cách nghiêm túc rằng không có người như cô tìm ở đây.
“Chẳng phải cô gọi điện cho anh ấy là biết ngay sao?” Anh bảo vệ hơi nhăn mặt nhưng vẫn đưa ra lời gợi ý rất chân thành với Cẩm Tú.
Đành thế vậy. Cẩm Tú bèn gọi cho Kỷ Viễn.
“Anh đang ở đâu?”
Kỷ Viễn vừa nghe máy, Cẩm Tú đã hỏi với giọng đầy oan ức. Lần đầu tiên tới thăm Kỷ Viễn mà lại bị nhốt bên ngoài cửa, sao lại không ấm ức được?
“anh đang ở công ty, em sao thế, ai chọc giận em à?” Kỷ Viễn lo lắng hỏi.
“Em đang ở bên dưới công ty của anh đây, bảo vệ gọi điện thoại lên công ty anh nhưng người ta nói không có người tên như anh ở đó.” Cẩm Tú đáp, cô còn liếc xéo người bảo vệ đang đứng bên cạnh.
“Anh…à…anh đang họp. Cô nhân viên trực điện thoại ở công ty thích nói đùa ấy mà. Hay thế này nhé, nếu có việc gấp, anh sẽ xin ông Tổng cho anh nghỉ để xuống với em.” Kỷ Viễn cố nói nhỏ. “Tổng giám đốc tới rồi, chắc lần này có việc tốt đây, chắc là có liên quan tới việc tăng lương của anh. Nếu không có việc gì gấp thì em về trước nhé. Họp xong anh sẽ đến gặp em, tối nay hai chúng ta ăn cơm được không?” Kỷ Viễn vừa nói giọng như an ủi, vừa như hứa hẹn. Cẩm Tú nghe thấy Kỷ Viễn bảo đang họp, lại liên quan đến vấn đề tăng lương, cô hết cả ấm ức, dặn dò Kỷ Viễn xong việc sớm thì về với cô. Rồi cô bước ra khỏi tòa nhà, chuẩn bị gọi xe về.
Nhưng chưa đi được bao xa, cô nhìn thấy có hai người trên đường đi bộ bên cạnh, người con gái đứng tựa vào lan can của lối dành cho người đi bộ. Người con trai quay mặt về phía Cẩm Tú, đang nói điều gì đó rất kịch liệt với người con gái. Cẩm Tú kinh ngạc nhìn người con trai. Bởi đó chính là Kỷ Viễn- người vừa mới nói đang họp ở trên lầu.
Cô lại nhìn cô gái, nhìn dáng thì đúng là cô gái đã thấy hôm trước ở trong khu dưới lầu căn hộ thuê.
Cẩm Tú cảm thấy tức giận. Theo đúng lý thì cô muốn tới ngay trước mặt Kỷ Viễn, để vạch trần lời nói dối ngon ngọt của anh ta, và theo đúng tính cách của cô, cô sẽ đánh cho Kỷ Viễn một trận thừa sống thiếu chết. Nhưng không biết vì sao cô không làm như thế mà vội vã chạy đi, như thể vừa làm một việc gì hổ thẹn.
Cô chạy trốn mà quên cả nhìn xe trên đường. Một chiếc xe vụt qua khiến Cẩm Tú sợ toát cả mồ hôi. Đúng lúc đó một người nào đấy kéo Cẩm Tú lại.
“Mất hồn à? Sao lại ngẩn nga ngẩn ngơ giữa đường thế?” Người vừa kéo Cẩm Tú là Quách Trường An với khuôn mặt đầy sự coi thường quen thuộc.
“Bao nhiêu tuổi rồi, cô nghĩ là xe có mắt chắc, mà cứ lao đầu vào thế?” Quách Trường An túm lấy tay Cẩm Tú không buông ra, cho tới khi kéo được cô tới gần chiếc xe jeep cũ kĩ của anh. Anh mở cửa xe, đẩy Cẩm Tú vào trong.
Nhiệm vụ bây giờ của Quách Trường An là sau khi làm hết các công việc ở đồn thì chạy tới khu vực gần Tam Viện để tìm kiếm Tiền Cảnh. Hôm nay, vừa từ đồn cảnh sát ra thì anh gặp ngay Cẩm Tú.
“Nếu không phải là anh thì hôm nay em mất mạng thật rồi. Sợ mất hồn mất vía chưa?” Quách Trường An nói vài câu mà Cẩm Tú vẫn không đáp lại, anh cúi xuống thấy Cẩm Tú đang nước mắt lưng tròng.
“Đừng có lấy nước mắt để dọa người khác, anh thấy nhiều rồi, anh không thích chiêu này đâu.” Quách Trường An một chân bước lên xe, chiếc xe cũ kĩ rung lên, rồi lao về phía trước.
Cẩm Tú không nói gì, nước mắt vẫn rơi lã chã trên vạt áo. “Em đừng khóc nữa. Anh nhớ mặt em dày hơn thế cơ mà.” Tuy Trường An nói có phần cay nghiệt nhưng anh vẫn đưa tay kéo tấm che nắng trên xe xuống, lấy khăn giấy đưa cho Cẩm Tú, khuôn mặt anh trở nên ấm áp hơn đôi chút nhưng giọng nói thì vẫn nghiêm khắc, “Lau nhanh lên, để người khác nhìn thấy không hay đâu, lại tưởng anh bắt nạt em.”
Cẩm Tú nhận túi khăn giấy từ Quách trường An, cô lấy từng tờ ra lau nước mắt. Nhưng vừa lau xong những giọt nước mắt cũ thì những giọt mới lại trào ra. Thực sự cô cũng không biết tại sao mà cô khóc, là bởi nhìn thấy sự lừa dối của Kỷ Viễn, hay vì lúc nãy cô ở trong hoàn cảnh mạng sống nghìn cân treo sợi tóc, hay là cô cảm động vì Quách Trường An đã cứu cô.
Hình như tất cả các điều này đều không phải, và hình như tất cả những điều đó chẳng có mối quan hệ gì tới cô. Chẳng qua chỉ vì cô muốn khóc, cảm giác cứ muốn khóc mãi, khóc mãi không thôi. Chỉ một lúc, Cẩm Tú đã dùng hết gói giấy mà Trường An đưa. Trường An vừa lái xe vừa nói: Em dùng tiết kiệm một chút, đừng có khóc nữa, đến đây là dừng thôi nhé, không còn giấy nữa đâu.”
Cẩm Tú không trả lời, cô lặng lẽ lau sạch nước mắt trên mặt. Cô khóc khoảng mười phút, trong lòng cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Thực ra nghĩ cũng chẳng có gì làm to tát, nếu muốn biết Kỷ Viễn có thực sự lừa dối cô hay không thì có rất nhiều chiêu, chỉ có điều Cẩm Tú không thích thử mà thôi. Nếu không lừa cô thì tất nhiên mọi việc sẽ vui vẻ, êm đẹp cả. Còn nếu Kỷ Viễn lừa cô thì sẽ thế nào? Chỉ có hai cách, một là chia tay, hai là tiếp tục.
Chia tay ư? Bây giờ Cẩm Tú không nghĩ tới điều đó, còn tiếp tục ư? Đã biết rõ người ta lừa mình mà mình vẫn còn tiếp tục ở bên người ta, thật quá đê hèn.
Quách Trường An nhìn Cẩm Tú, cô đã không còn khóc nữa, anh rút một điếu thuốc từ trong túi ra đưa cho Cẩm Tú nhưng cô không đón lấy.
Quách Trường An tự mình châm điếu thuốc rồi đưa bật lửa cho Cẩm Tú, Trường An vẫn nhìn thẳng về phía trước, anh nói: “Thử hút một điếu đi, chồng em không nhìn thấy đâu, anh cũng sẽ không nói với ai hết.”
Cẩm Tú cúi xuống cầm bật lửa và nhặt điếu thuốc dưới chân lên. Quách Trường An ngồi bên cạnh nắm lấy tay cô rồi nói: “Hút điếu này đi, điếu ấy bẩn rồi. Em bao nhiêu tuổi rồi, mà còn không biết thế nào là sạch, là bẩn à?”
Cẩm Tú bị Quách trường An trách mắng nhưng cô vẫn không đáp lại. Cô có cảm giác cổ họng mình nghẹn cứng như có một đống hỗn độn. Nếu bây giờ cô mở miệng nói, thì hoặc là cô sẽ thổ ra tất cả mớ hỗn độn ấy ra hoặc là cô lại khóc. Bởi thế mà mặc cho những lời nhạo bang của Quách Trường An, cô cũng không chịu nói câu nào. Châm điếu thuốc lên, cô hút một hơi, trong lòng cô như tĩnh lặng hơn. Cô nheo mắt qua làn khói, cô nhìn người đi hai bên đường, đột nhiên cô nhận thấy con người trên thế gian quả thật bận rộn, nhưng họ bận rộn vì miếng cơm manh áo. Còn cô, cô lại khóc vì những điều chẳng ra đâu vào đâu. Đúng là càng ngày cô càng trở nên yếu đuối.
Cẩm Tú suy nghĩ một lúc, điếu thuốc đã hút gần hết, không biết màn đêm đã buông xuống từ bao giờ. Quách Trường An đưa bao thuốc cho cô. Cô vẫn không nói gì. Lần này là cô chán không muốn nói, chỉ lặng lẽ lấy thuốc ra, châm thuốc, đưa lên rít một hơi thật sâu, rồi lại nhả khói ra thật sâu. Cô tưởng tượng như mình đang nhả ra bao nhiêu bực tức, giận hờn trong lòng. Quách Trường An bắt đầu hút thuốc khi học cấp hai. Khi ấy Trường An đã lấy thuốc “Trường Bạch Tham” của bố và chia cho các bạn nam cùng lớp. Vẻ phấn khích và háo hức của bọn con trai khi đó khiến Cẩm Tú ngưỡng mộ mà lại có đôi chút đố kị. Cẩm Tú chạy tới xin thuốc lá của Trường An. Trường An đưa cho cô một điếu, cô hút một hơi mà không bị sặc khói, thế nên Trường An đã gọi Cẩm Tú là “Đại hiệp cao thủ”. Cẩm Tú cười hì hì, ra điều đắc ý lắm.
Hút thuốc không chứng tỏ được điều gì, nhưng nếu không hút thì có phần không thoải mái. Thế là, Quách Trường An đưa thuốc cho Cẩm Tú hút, mỗi ngày một điếu. Cuối cùng bố của Cẩm Tú bắt quả tang Cẩm Tú hút thuốc. Đương nhiên Cẩm Tú đã khai ra Quách Trường An. Bố Cẩm Tú đã dẫn con tới đập cửa nhà họ Quách, hét lớn: “Con nhà ông bà làm hư con nhà người khác, ông bà có biết dạy con không? Nếu không thì để tôi thay ông bà dạy nó. Đúng là chẳng ra sao cả, lại dám rủ rê con gái tôi hút thuốc.”
Cẩm Tú thấy bố nói không đúng, bởi chính cô đã hỏi xin thuốc của Quách Trường An, nên Trường An mới đưa cô hút, nhưng cô không dám nói. Đương nhiên tối hôm đó Quách Trường An đã bị bố anh cho một trận thừa sống thiếu chết.
Các bậc phụ huynh khi dạy dỗ ra dạy dỗ, khi đánh ra đánh. Tuy nhiên hai người khi ấy vẫn không bỏ thuốc, chỉ có điều thay đổi cách hút từ công khai sang lén lút, điều ấy làm cho Cẩm Tú và Trường An phấn khích hơn, cảm giác được là thành viên của “đảng phái lén lút”. Hàng ngày khi đi học về, Cẩm Tú đều mua kẹo ăn, về đến nhà thì bố cô không ngửi thấy mùi thuốc trên người cô nữa, chỉ còn mùi kẹo hoa quả thơm phức.
Những tháng ngày của tuổi ấu thơ như chú chim nhỏ dang rộng đôi cánh rồi vụt bay đi. Sau khi lên đại học, Cẩm Tú không còn hút thuốc nữa. Bây giờ cô lại nhận điếu thuốc từ tay Quách Trường An, như nhận lại bao nhiêu kỉ niệm của hơn mười năm qua, đột nhiên cô thấy Quách Trường An không còn đáng ghét nữa.
Thực sự hồi trước Cẩm Tú ghét Quách Trường An là bởi Trường An quá tốt với cô. Con gái luôn chẳng biết trời cao đất dày là gì, có người đối xử với mình tốt thì càng phản cảm với người đó. Lâu dần chính bản thân cũng không biết vì sao mình không có cảm tình với người ta.
Chiếc xe của Quách Trường An không biết đã chạy bao nhiêu vòng quanh thành phố. Cẩm Tú đột nhiên nghe thấy tiếng bụng mình sôi. Cô hỏi Quách Trường An muốn đi đâu, anh nói: “Chẳng đi đâu cả, chỉ đưa em đi hóng gió giải sầu thôi. Sao thế, cảm thấy khá hơn chưa? Anh mời em ăn cơm nhé, anh đói rồi.”
Cẩm Tú cảm kích nhìn Quách trường An. Trường An vẫn không nhìn Cẩm Tú, anh chăm chú nhìn các quán ăn ven đường, tìm món mà mình thích.
Đỗ xe xong, hai người cùng bước vào khu ăn uống, ăn thịt nướng. Quách Trường An còn gọi một chai rượu, Cẩm Tú không uống. Trường An rót cho cô nửa cốc, nhưng Cẩm Tú cũng chẳng thèm để ý tới anh, anh đành tự rót tự uống.
Đột nhiên, bàn bên cạnh có hai người bước đến rồi ngồi xuống, thì thầm với nhau, ánh mắt có điều gì đó mờ ám. Cẩm Tú chẳng để ý gì, còn sắc mặt Quách Trường An đột nhiên biến sắc. Anh kéo vội Cẩm Tú thì thầm với cô.
Đây là điều làm cô thấy ghét nhất ở Quách Trường An, khi làm bạn với Quách trường An, đã rất nhiều lần anh dùng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với Cẩm Tú, không phải là kéo mà là tóm lấy cô, kiếm cớ chạm vào người cô. Cẩm Tú đang định né tránh nhưng Trường An đã nắm thật mạnh vào cánh tay cô. Chỉ nghe thấy tiếng anh thì thầm bên tai cô, giọng nói bé nhưng đầy nghiêm nghị: “Nhớ này, đừng động đậy, tí nữa có xảy ra việc gì cũng ngồi im đấy nhé.”