Tần Nhượng Thư

lâu thượng phùng cưu tặc

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Suốt tháng tám Nhương Thư ở lại Điền gia trang bầu bạn với các tiểu thư và nỗ lực xúc tiến việc truy tầm tung tích của lão già mặt sẹo Trác Thiên Lộc. Bọn môn khách trong trang cũng vì chàng mà lùng sục khắp thành Tế Nam hỏi han hào kiệt tứ xứ về họ Trác. Họ làm như thế phần vì ngưỡng mộ Nhương Thư, phần vì giải thưởng ngàn lượng vàng cho bất kỳ ai cung cấp tin tức về kẻ thù của chàng.

Điền Đông Giám ngầm xem Nhương Thư là rể nên đã treo giải thưởng ấy. Hơi vàng sẽ khiến mọi người ra sức tìm tòi.

Ông vô cùng cao hứng vì chọn được rể đông sàng nhân phẩm xuất chúng võ nghệ phi thường, và còn nuôi ý định gả cả Ngọc Trâm cho họ Tần. Khổ thay, Ngọc Trâm lại mang mặc cảm, tránh không gặp Nhương Thư, dù lòng ngày càng say đắm! Khi được cha hỏi ý kiến, nàng cay đắng đáp :

- Chắc hài nhi và Nhương Thư chẳng có duyên nợ. Thứ nhất là y quá số tuổi mà Bố Y Thần Toán đã bói. Thứ hai, ngay lúc sơ ngộ, hài nhi đã lỡ lời khiến y giận dữ.

Nhưng mọi việc chưa ngã ngũ thì đầu tháng chín Nhương Thư lặng lẽ bỏ đi để lại phong thư :

“Điền trang chủ nhã giám!

Năm xưa, vãn sinh vô tinh ăn lầm loài Nấm Quỷ, tuy nội lực bản thân tăng tiến vượt bậc nhưng vãn sinh sẽ không thọ quá ba năm nữa. Do vậy, kẻ hèn này đành phụ lòng yêu thương của Trang chủ và các tiểu thư. Ngàn vạn lần cúi xin chư vị lương thứ cho.

Nhương Thư bái bút!”

Ba mỹ nhân khóc vùi như cha chết, còn Ngọc Trâm lén gạt lệ trở lại khuê phòng!

Vài ngày sau, Hổ Hồng Nhan đến tìm Thiết Kình Ngư Tào Ưng, nghiêm nghị nói :

- Tiểu muội muốn nhờ đại ca hộ tống đi tìm Tần công tử!

Tào Ưng trợn tròn đôi mắt, gãi đầu đáp :

- Thế mà tại hạ tưởng cô nương chán ghét gã họ Tần? Không ngờ chính đại tiểu thư mới là người nặng tình nhất.

Ngọc Trâm hổ thẹn nhăn mặt :

- Tào đại ca có đi không thì bảo?

Tào Ưng cười khà khà :

- Đi chứ! Ăn chực mãi cũng có ngày phải trả nợ!

Thế là mờ sáng mùng sáu, hai người âm thầm rời trang. Đến trưa, Điền Uyển Xuân sang thăm chị cả, phát hiện tờ hoa tiên trên gối, liền chu tréo lên.

Ba nàng hậm hực trách móc Ngọc Trâm chơi trò phỗng tay trên, nằng nặc đòi đi cả! Điền trang chủ liền trấn an :

- Các con hãy cố chờ thêm một thời gian nữa! Ta đã thỉnh giáo Sơn Đông đại thần y, biết rằng Nhân sâm ngàn năm có thể cứu mạng Nhương Thư. Đơn đặt hàng đã được gửi đi Liêu Đông và Cao Ly, chỉ vài tháng là có tin! Nay ba đứa ngươi đều thân thiết với Nhương Thư, chỉ mình Trâm nhi là còn xa cách. Nếu nó tìm được Tần công tử, kề cận gây tình cảm, sau này cùng chung thuyền chẳng vui hơn sao? Vả lại chẳng lẽ các ngươi lại nhẫn tâm bỏ lão phu cô quạnh một mình?

Ba nàng con gái đang yêu nghe hữu lý nên đồng ý ở lại. Tuy nhiên, Uyển Xuân đã giao hẹn :

- Sau ba tháng nữa, nếu không có Thiên Niên Tuyết Sâm thì bọn hài nhi sẽ đi tìm chàng đấy!

Điền lão phì cười mắng yêu :

- Đúng là nữ nhi ngoại tộc, vì trai mà quên cả cha già.

Môn khách quá nhiều nên không ai để ý rằng cùng mất tích một lượt với Nhương Thư là một lão già gầy gò, trầm lặng, tên gọi Quách Tàn Bôi. Họ Quách tuổi độ năm mươi bốn, gương mặt thanh tú, trán cao, mắt sáng nhưng sắc diện u ám, sầu héo như mang trong lòng nỗi khổ vời vợi. Lão đến nương náu Điền gia trang từ buổi đầu xuân, ăn ít uống nhiều, ai chọc ghẹo cũng chỉ cười trừ.

Cuối canh tư sáng mùng hai tháng chín, khi Nhương Thư bỏ lại con ngựa gầy, vác hành lý vượt tường, thì đụng độ Quách Tàn Bôi. Lão cũng mang theo tay nải bằng vải cũ mèm, cứ như là đã được Nhương Thư rủ theo vậy. Họ Quách mỉm cười :

- Lão phu sợ công tử đi một mình buồn chân nên tháp tùng cho vui!

Nhương Thư lấy làm lạ nhưng vẫn hiền hòa đáp :

- Cảm tạ Quách lão! Đúng là độc hành thì buồn thực!

Hai người giở khinh công chạy một mạch, đến bình minh thì đã rời xa cửa Tây thành Tế Nam được vài chục dặm.

Thấy bên đường có phạn điếm mở sớm, Nhương Thư nói :

- Mời Quách lão vào quán dùng điểm tâm!

Ăn xong, Nhương Thư nghiêm nghị hỏi :

- Tôn giá chủ tâm đi theo tại hạ chắc là có điều muốn chỉ giáo?

Quách Tàn Bôi uống cạn chung rượu, gật đầu xác nhận và hỏi lại :

- Phải chăng công tử là truyền nhân của Phật Đăng Thượng Nhân chùa Phật Quang?

Nhương Thư giật mình hoang mang, không ngờ lão già vô danh này nhận ra tuyệt học Ngũ Đài sơn! Sư phụ của chàng ít khi xuất thủ chốn đông người, chỉ âm thầm tìm đến chỗ kẻ đại ác ma giáo huấn, cho nên mấy ai được mục kích pho Phật Đăng kiếm pháp, trừ những nạn nhân.

Chàng cau mày đáp :

- Vì sao tôn giá biết?

Sắc diện Quách Tàn Bôi tươi tắn lên, cười khà khà đáp :

- Mười ba năm trước, khi lệnh sư trên đường đi Tứ Xuyên thì gặp lão phu thọ trọng thương nằm ở bìa rừng. Thượng nhân liền cho uống linh đan và truyền công cứu mạng già này! Hôm đó công tử cũng có mặt, sao lại vội quên?

Nhương Thư đã nhớ ra, mừng rỡ nói :

- Đúng rồi! Sau này gia sư kể rằng tôn giá tung hoành đất Thục với biệt danh Dạ Quân Tử! Ký ức tôn giá quả là đáng khâm phục, nhận ra cả một đứa bé sau mười mấy năm xa cách.

Quách Tàn Bôi cười mát :

- Nào có khó gì! Công tử có đôi tai Phật, trong vành tai lại điểm nốt ruồi son!

Nhương Thư ngượng ngùng hỏi lại :

- Tai nào vậy?

Họ Quách cười ngất :

- Không lẽ công tử chẳng hề để ý đến dung nhan của mình?

Nhương Thư cười trừ :

- Quả đúng thế! Tại hạ rất ít khi soi gương.

Quách Tàn Bôi hỏi thăm về lễ mai táng và nhập tháp của Phật Đăng Thượng Nhân rồi tư lự nói :

- Lão phu tuy là người của Hắc đạo nhưng vẫn còn giữ được chút lương tâm, lòng không hổ thẹn với đất trời. Mong công tử cho phép lão phu đem chút sức già theo hầu hạ!

Nhương Thư không đáp mà lại hỏi :

- Vì sao tôn giá lại rời đất Thục, lưu lạc đến tận đây?

Quách Tàn Bôi biến sắc, thở dài thườn thượt :

- Ba năm trước, lão phu đột nhập một trang viện trong thành Quảng Nguyên, cạnh bờ sông Giang Lăng, không ngờ đấy lại là tư gia của vợ bé Bang chủ Hồng Kỳ bang Vương Thiên Bảo. Khi lão phu vào đến hậu viện thì thấy họ Vương đã bị đâm chết, nằm trên giường. Sợ vạ lây, lão phu chuồn ngay, nhưng lại bị bọn tuần tra phát hiện, tuy đào thoát được nhưng tình ngay lý gian nên bị Hồng Kỳ bang truy nã ráo riết, phải bỏ xứ mà đi!

Nhương Thư nhíu mày :

- Thế tôn giá có nghi ngờ ai là thủ phạm hay không?

Quách Tàn Bôi quắc mắt đáp :

- Không phải chỉ nghi ngờ mà còn biết chắc ả tiểu thiếp kia là hung thủ. Lão phu thấy rõ ả lén lút rời khỏi hiện trường. Sau này, lão phu đã điều tra ra thị trước đây từng khét tiếng ở Hồ Nam với cái tên Tống Phong mỹ nhân Chúc Miên Thu!

Nhương Thư là kẻ đọc sách tất phải biết hai chữ Tống Phong kia ám chỉ tính dâm loạn, lẳng lơ. Nó xuất phát từ hai câu thơ :

Chỉ nghinh nam bắc điểu

Diệp tống võng lai phong!

Dịch :

Cành đón chim nam bắc

Lá tiên gió lại qua!

Chỉ có bọn kỹ nữ mới thường đón đưa như thế!

Chàng đã rõ hoàn cảnh của Quách Tàn Bôi, hiểu rằng lão đã quá chán ngán cảnh lẩn trốn, sợ sệt, muốn theo chàng ngang dọc. Bản lãnh của chàng sẽ bảo vệ được lão ta trước Hồng Kỳ bang!

Bởi thế, Nhương Thư vui vẻ nói :

- Tôn giá muốn đồng hành với tại hạ thì phải khuất tất nhận Thư tôi làm em đấy!

Quách lão hoan hỉ đáp ứng :

- Có được gã tiểu đệ anh hùng cái thế như công tử thì Quách mỗ chết ngay cũng vẫn vui! Vả lại, lệnh sư tuổi tác còn cao hơn gia sư, chúng ta xưng hô huynh đệ là chí phải!

Lão hồ hởi nâng chén mời đứa em kết nghĩa :

- Lễ nghi chỉ là hình thức, chúng ta chỉ cần một chung rượu để đất trời chứng giám cho tình nghĩa gắn bó không rời, sống chết có nhau!

Lão đổ một chút xuống đất, Nhương Thư cũng làm theo. Hai người uống cạn, nhìn nhau cười, ánh mắt ấm áp ân tình!

Dạ Quân Tử hỏi về ẩn tình trong cuộc chiến với sứ giả Tứ Phạn Thiên cung, được Nhương Thư kể rõ. Nghe xong, lão nghiêm giọng :

- Tần hiền đệ! Võ nghệ lão phu tuy không bằng ngươi nhưng kinh nghiệm và thủ đoạn thì có thừa. Mong hiền đệ hãy chú ý đến những thiển kiến của già này!

Nhương Thư vội đáp :

- Tiểu đệ mới xuất đạo, còn rất non nớt, xin đại ca tận tình dạy bảo cho!

Quách lão gật gù :

- Ta biết ngươi là bậc kỳ nam quân tử, lòng dạ rộng rãi, khiêm tốn, tất không tự ái vặt! Nay hiền đệ đã trở thành mục tiêu số một của Tứ Phạn Thiên cung, sẽ không tránh khỏi những đòn ám toán. Tốt nhất ngươi hãy nhẫn nhục cải trang mới mong thảnh thơi mà truy tầm kẻ gia cừu!

Nhương Thư cười mát :

- Tiểu đệ là đệ tử Phật môn, chẳng xem danh lợi ra gì! Nhưng tiểu đệ nào biết nghề dịch dung!

Quách lão đắc ý đáp :

- Ngươi quên lão phu là ai rồi sao? Dạ Quân Tử nổi danh trong làng đạo chích cũng là nhờ tài biến hóa đấy!

Hai người rời phạn điếm vào cánh rừng già gần đấy mà hóa trang. Thì ra trong tay nải của họ Quách có đủ đồ nghề, từ thuốc vẽ cho đến râu tóc giả!

Xuất phát từ việc Tứ Phạn Thiên cung không hề ngờ rằng Nhương Thư lại sớm cải dạng nên dung mạo chàng chỉ cần sửa đổi chút đỉnh là đủ. Quách lão gắn cho chàng đôi lông mày xếch, rậm rì và hàng râu mép xanh đen. Sau đó, lão dùng keo dán kéo hai vành tai ép sát xương đầu, đúng như kiểu tướng đẹp “kiến diện bất kiến nhĩ”.

Bản thân Quách Tàn Bôi cũng cạo sạch chòm râu đẹp của lão, điểm xuyết thành một hán tử tứ tuần. Nhương Thư soi gương, lòng rộn lên những cảm xúc vui vui, lạ lẫm! Hai người đi thêm vài dặm, vào đại trấn dưới chân núi Vương Ốc để mua ngựa.

Vương Ốc sơn ở phía Tây Tế Nam, là nơi phát nguyên của dòng sông Tế Thủy.

Do thành Tế Nam nằm trên bờ Nam sông Tế nên mới có tên là Tế Nam. Tế Thủy chỉ là dòng sông nhỏ, dài vài trăm dặm, nhưng lại là một trong bốn con sông đổ thẳng ra biển, gồm : Hoàng Hà, Trường Giang, Hoài Hà và Tế Thủy. Người Trung Hoa gọi chúng là Tứ Độc. Sông Tế chạy song song với Hoàng Hà, xuyên qua tỉnh Sơn Đông mà đến biển chứ không mượn đường của ai cả!

Thời xưa, lừa ngựa là phương tiện đi lại duy nhất nên địa phương nào cũng có chỗ bán. Đến nơi, nhìn bầy tuấn mã lực lưỡng, đẹp mã, Nhương Thư ngại ngùng nói nhỏ :

- Quách đại ca! Tiểu đệ chỉ còn hơn trăm lượng lộ phí, e rằng không đủ để mua ngựa tốt!

Quách Tàn Bôi phì cười :

- Ngươi tưởng ta mặc áo vài thô, ăn chực nhà họ Điền mà trong túi không có vàng sao? Nghề của lão phu ở đâu cũng dùng được cả! Hay ngươi tự xem mình là bậc quân tử nên không dám xài của phi nghĩa?

Nhương Thư lúng túng lắc đầu, lòng tự nhủ :

- “Lão này có cái miệng quả là sắc bén! Ta đành phó thác mọi sự cho lão thôi!”

Ngựa quí có giá trị rất lớn, nên cũng là một trong những mục tiêu của đạo chích.

Dạ Quân Tử đã nhiều lần ăn trộm ngựa, tất phải tinh thông phép xem tướng ngựa, nếu không sẽ bể nồi cơm!

Người Trung Hoa cổ thuần dưỡng thú rừng làm gia súc rất sớm. Có thể nói rằng những chủng loại gia súc, gia cầm chủ yếu sau này đều có từ đời Tam Đại! Điều lý thú là vài ngàn năm trước, các cụ đã xem chó như vật tế lễ và là loại ăn thịt chính, cùng với trâu, lợn dê. Trâu thì cho Vương Hợi, ông tổ thứ bảy của vua Thang Thương thuần dưỡng được. Còn việc ngựa trở thành vật kéo xe là nhờ công lao của ngài Tương Thổ, tổ thứ mười một nhà Thương.

Đã nuôi thi có kinh nghiệm về giống tốt xấu, nên bá Nhạc nước Tần nổi tiếng sành tướng ngựa, và Ninh Thích nước Vệ giỏi xem tướng trâu mà thành danh!

Quách Tàn Bôi không phải là học trò của Bá Nhạc, nhưng đã thuộc làu những chương nói về ngựa trong bộ sách “xem tướng lục súc” gồm ba mươi tám quyển nên sở học cũng kha khá!

Đến gần trưa Quách lão mới chọn được vài con ngựa tốt nhất, mỗi con xấp xỉ ba trăm lượng bạc. Lão không hề kỳ kèo, vì đó là tính cách chung của những tay trộm cướp. Chẳng phải đồng tiền mồ hôi nước mắt thì hà tiện làm quái gì?

Sau ngựa nghẽo là đến y phục, kẻ nghèo mạt mà đột nhiên mặc áo gấm thượng hạng thì càng khác lạ! Kiếm thì khỏi phải mua vì Tứ tiểu thư Điền Uyển Xuân đã tặng Nhương Thư thanh kiếm tốt của nàng. Trong bộ vó mới toanh, hai người đủng đỉnh lên lầu của tòa Tế Nguyên đại tửu lâu dùng bữa trưa.

Nhương Thư nhìn qua khung cửa ngắm cảnh thu trên núi Vương Ốc. Mùa thu tuy tiêu điều ảm đạm, nhưng lại có nét đẹp riêng. Giờ đây, màu xanh của Tùng Bách được điểm xuyết thêm màu lá đỏ, vàng của những mảnh rừng phong, trở nên diễm lệ. Nhương Thư lan man nhớ về Ngũ Đài sơn, nơi chàng gắn bó mười bảy năm ròng. Phong cảnh chốn ấy đẹp hơn núi Vương Ốc rất nhiều!

Ăn xong, hai người nhâm nhi chén trà thơm trò chuyện. Quách Tàn Bôi cười hỏi :

- Vì sao hiền đệ lại chạy trốn khỏi vòng tay của ba vị tiểu thư sắc nước hương trời kia vậy?

Nhương Thư ngập ngừng đáp :

- Thuở còn thơ ấu tiểu đệ lạc vào rừng sâu, ăn phải loài Quỷ Nấm, thọ mạng không quá ba mươi, đâu thể kết hôn được!

Quách Tàn Bôi kinh hãi, nhăn tít cặp chân mày rậm, ngón tay nhịp trên mặt bàn như cân nhắc một điều gì. Lão tư lự bảo :

- Theo lão phu được biết thì Quỷ Nấm là con dao hai lưỡi, giúp cho con người thụ hưởng có thêm mười hai năm chân khí, nhưng khiến kinh mạch sớm khô cứng lại. Tuy nhiên, trong bản thảo cương mục của Trung Hoa Thần Y Lý cùng thời Trân có chỉ ra rằng một số dược vật quí như linh chi, sâm già, hà thủ ô... có thể giải trừ hậu quả ấy. Lão phu biết một nơi cất giữ nhánh Thiên niên hà thủ ô, sẽ đến đấy lấy tặng ngươi!

Nhương Thư cảm động trước mối quan tâm của đối phương, tuy không nói ra song ánh mắt tràn ngập vẻ biết ơn!

Quách Tàn Bôi hài lòng nói sang chuyện khác. Lão hỏi :

- Thế hiền đệ định đi đâu để tìm Trác Thiên Lộc?

Nhương Thư cười buồn :

- Trời đất mênh mông, biết lão ở chốn nào? Tiểu đệ chỉ có cách lang thang khắp nơi mà dò hỏi thôi!

Quách lão thận trọng nói :

- Lão phu mạo muội muốn biết tội lỗi của lão ta?

Sắc mặt Nhương Thư lập tức tái xanh, ánh mắt ngập tràn thống khổ và oán hận.

Chàng run giọng đáp :

- Đương nhiên, lão cẩu tặc ấy đã dâm sát gia mẫu là một ni cô ở chân Ngũ Đài sơn rồi bỏ chùa trốn mất tăm. Gia sư sợ tiểu đệ không địch lại lão nên bắt phải luyện xong Phật Đăng kiếm pháp mới cho hạ sơn!

Quách Tàn Bôi thở dài :

- Lão khốn khiếp ấy là đại đệ tử của Thượng nhân, công lực lại thâm hậu hơn, làm sao tiểu đệ giết được lão ta?

Nhương Thư cười lạnh :

- Tiểu đệ chỉ kém phần tu vi, vì họ Trác không học được ba chiêu tuyệt kiếm cuối cùng! Dù lão ấy giỏi nghề che giấu dã tâm, nhưng không qua được Phật nhãn của gia sư!

Dạ Quân Tử yên tâm gật gù :

- Hay lắm! Thế thì lão phu sẽ giúp ngươi tìm ra kẻ thù!

Nhương Thư mừng rỡ, nhưng chưa kịp hỏi lão dùng cách nào thì đứa bé gái độ bốn năm tuổi, của cặp vợ chồng ngồi bàn gần đấy, chạy đến vung kiếm gỗ đâm vào người chàng, rồi bật cười ròn rã. Cha nó là một hán tử áo gấm xanh tuổi tam thập, dung mạo thô lậu xấu xí, liền quát gọi :

- Liên nhi!

Mẹ của Liên nhi vội rời bàn bước đến nghiêng mình tạ lỗi :

- Liên nhi tính tình hiếu động nghịch ngợm, lỡ mạo phạm đến công tử, xin người lượng thứ cho!

Nhương Thư mỉm cười :

- Trẻ thơ vô tội! Tại hạ cũng từng là một đứa trẻ bất trị, sao lại giận Liên nhi? Đại tẩu chớ bận tâm!

Nữ nhân kia bồng con về bàn mắng mỏ và dặn dò. Chỉ lát sau cô bé lại tuột ra khỏi lòng mẹ, chạy tung tăng khắp nơi, nhưng vũ khí đã bị tịch thu. Liên nhi lại mon men đến gần bàn của Nhương Thư, nhìn chàng bằng ánh mắt thích thú.

Nhương Thư đang định hỏi han đứa bé thì tiếng dây cung bật lên tanh tách, và mười mấy mũi trường tiễn bay qua các khung cửa lớn nhỏ của tửu lâu, chạm vào vật cản liền nổ lóc bóc, tỏa khói trắng mù mịt.

Quách Tàn Bôi lão luyện giang hồ, nhận ra ngay nguy hiểm, liền quát :

- Khói độc! Mau thoát ra!

Lão vơ lấy hai tay nải, lướt ra lan can nhảy xuống đất. Nhương Thư thì chụp ngay Liên nhi, mang cô bé thoát khỏi vòng nguy hiểm. Song thân Liên nhi chậm hơn một bước, vì người mẹ không biết võ công nên cha nó phải bồng nàng mà chạy. Ba người vừa chạm đất đã phải đối phó với một toán cao thủ đông độ năm sáu chục, y phục không đồng nhất.

Lúc đầu Nhương Thư tưởng họ là người của Tứ Phạn Thiên cung, và chỉ hiểu ra khi cha của Liên nhi phẫn nộ hét lên :

- Cưu bang! Các ngươi quả là đốn mạt!

Cưu bang là một bang hội nhỏ ở núi Cưu Sơn, ngọn núi này nằm ngày giữa ranh giới giữa ba tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông nên chẳng biết nó thuộc quyền cai trị của ai? Tỉnh này đùn đẩy cho tỉnh kia thành ra vùng Cưu Sơn chẳng hề có quan quân Cưu nghĩa là chim tu hú! Có lẽ Cưu Sơn đầy loài chim xảo quyệt này nên mới mang tên ấy!

Hai năm trước, Cưu bang được thành lập, quy tụ toàn những tay vong mạng, những kẻ đại ác bị triều đình truy nã.

Người võ lâm chỉ biết Cưu bang sống bằng nghề trộm cướp nhưng không có chứng cớ. Dường như chúng hành nghề ở xa sào huyệt để bảo toàn cho vỏ bọc của mình!

Nhương Thư hạ sơn đã gần năm từng nghe đến tà bang này song chưa từng chạm trán. Giờ đây, thủ đoạn hèn hạ, độc ác của họ đã khiến chàng chán ghét, dù không hề quen biết cha mẹ của Liên nhi.

Vả lại, chàng không thể cho đứa bé vô tội kia chết được!

Phe Cưu bang lên tiếng :

- Tất Cung Bảo, nếu ngươi muốn bản thân và thê nhi được toàn mạng thì hãy mau thực hiện yêu cầu của bổn bang!

Vậy là cha của Liên nhi họ Tất, gương mặt rắn rỏi kia đanh lại, và Cung Bảo kiên quyết đáp :

- Đừng hòng! Ta thà chết cả nhà chứ không muốn nối giáo cho giặc!

Lão già áo trắng râu dài, đội nón rộng vành kia giận dữ quát :

- Bắt sống gã cho ta!

Thủ hạ Cưu bang lập tức ùa vào, thế lực cực kỳ hung hãn!

Lúc này, phe Nhương Thư đã có thêm hai trợ thủ. Họ là người của Tất Cung Bảo, nãy giờ ở tầng dưới để nhậu cho thoải mái, khi có biến mới chạy ra, mặt đỏ gay!

Nhương Thư trao Liên nhi cho họ Tất rồi vung kiếm mở đường máu.

Do dược tính của Quỷ Nấm nên một kẻ hiền lành, quen chay tịnh, kinh kệ như chàng có những cơn thịnh nộ cực kỳ đáng sợ Nếu không luyện Nhiên Đăng tâm pháp từ năm chín tuổi thì chàng đã biến thành tên đồ tể, giết người không gớm máu!

Phật Đăng Thượng Nhân từng nói :

- Con chính là sát tinh của bọn tà ma, làm rạng rõ chính khí võ lâm. Nhưng nếu con gây quá nhiều sát nghiệp thì phải tự gánh lấy quả báo!

Nhương Thư quì xuống hứa rằng sẽ không lạm sát, song chàng đã chẳng giữ được lời! Khi nổi giận, tâm trí chàng hừng hực ngọn lửa sát nhân.

Xui xẻo cho bọn Cưu bang, chúng đã vô tình trở thành vật tế cờ, khai trương cho sự nghiệp giết chóc của Nhương Thư! Ngay đường kiếm đầu tiên chàng đã đâm thủng ngực ba gã, chặt tay gã thứ tư.

Những vòi máu và tiếng rên la càng kích thích lòng hiếu sát của Nhương Thư. Ánh mắt chàng rực lên những tia oán độc, hung ác, môi điểm nụ cười thản nhiên thọc kiếm vào bọn Cưu bang bằng những thức kiếm ảo diệu và nhanh như ánh chớp!

Không một tên nào đủ sức đỡ gạt hay tránh né. Nhương Thư tiêu diệt tất cả những ai dám cản đường, xác người đổ xuống tới tấp và tiếng kêu rên bi thiết vang dậy.

Chưa đầy nửa khắc chàng đã hạ sát hai mươi mấy kẻ địch, đưa đoàn người ra đến cổng tửu lâu.

Lão già Bạch y, đội nón rộng vành cố nến kinh hoàng trước tài nghệ và lối giết người mau lẹ của đối phương, cung đao đón đường. Lão là đầu lĩnh của toán quân Cưu bang tất võ nghệ chẳng tầm thường, đường đao mãnh liệt như sóng dữ, chặn đứng Nhương Thư lại.

Điều này chỉ làm cơn giận dữ trong lòng đại sát tinh họ Tần bốc cao thêm.

Nhương Thư nghiến răng xuất một loạt chiêu thần tốc, kiếm ảnh hóa thành trăm lưỡi lửa xanh chập chờn, len lỏi qua màn đao quang, liếm vào ngực đối phương.

Nạn nhân rú lên thảm khốc, ngã ngửa ra chết tốt, tâm thất đầy những lỗ thủng.

Như rắn mất đầu, bọn Cưu bang còn lòng dạ đâu mà đánh đấm, tháo chạy như bầy vịt, biến mất trong những ngõ hẻm gần đấy!

Mục tiêu không còn, lòng Nhương Thư dịu lại, ngơ ngẩn nhìn những thi thể đẫm máu trên sân gạch của tửu lâu, bàng hoàng, sợ hãi! Chàng rùng mình lẩm bẩm :

- Chẳng lẽ ta đã biến thành một ác ma khát máu rồi sao? Ta còn mặt mũi nào mà niệm Phật nữa đây?

Quách Tàn Bôi nghe thấy thế, lên tiếng an ủi :

- Hiền đệ chớ tự kết tội mình! Cưu bang tập trung toàn những tên độc ác ngập đầu, có chết cũng là đáng lắm! Để chúng sống chỉ khổ cho bách tình!

Nhương Thư chua xót đáp :

- Gia sư cũng diệt ác nhưng chưa từng phải giết ai cả! Tiểu đệ đã phụ lòng giáo huấn của người rồi!

Tất Cung Bảo bước đến, cắt ngang câu chuyện, quỳ xuống lạy :

- Tất mỗ suốt đời ghi lòng tạc dạ đại ân cứu mạng của đại hiệp! Xin người cho biết phương danh để nhà họ Tất phụng thờ!

Vợ con của Cung Bảo cũng quỳ theo, khiến Nhương Thư ngượng ngùng xua tay :

- Xin đại huynh và đại tẩu chớ làm thế mà tiểu đệ thêm hổ thẹn!

Liên nhi ngây thơ nói :

- Đại thúc không cho biết tên thì Liên nhi chẳng đứng lên đâu. Úi chà, đau đầu gối quá!

Nhương Thư phì cười trước gương mặt nhăn nhó rất dễ thương của cô bé, nói với Cung Bảo :

- Tiểu đệ là Tần Nhương Thư, mong đại huynh bình thân giùm cho!

Vợ chồng Cung Bảo dập đầu lạy ba lạy rồi mới đứng lên. Họ Tất nghiêm giọng :

- Mời Tần ân công về tệ trang ở Tế Châu để Tất mỗ tỏ chút lòng thành!

Quách Tàn Bôi nhắc nhở :

- Chúng ta nên đi chỗ khác bàn chuyện, bách tính sắp vây chặt nơi này rồi!

Tất Cung Bảo vội vẫy chưởng quầy tính tiền ăn uống. Cả bọn lấy xe, ngựa rời khỏi trấn. Phương tiện di chuyển của gia đình họ Tất là một cỗ xe song mã rất đẹp.

Nhương Thư sợ họ lại gặp nạn nên quyết định hộ tống về đến nhà. Năm ngày sau, đoàn người có mặt tại Tất gia trang trong thành Tế Châu.

Tế Châu nằm ở cực bắc Lương Sơn Bạc, mang tên này từ thời nhà Nguyên, sau đổi thành Tế Ninh. Tế Châu là một địa phương sầm uất, trù phú, chỉ kém Tế Nam một chút.

Nhương Thư và Quách Tàn Bôi chỉ ở lại nghỉ ngơi hai ngày là đi ngay, dù Cung Bảo hết lời lưu khách.

Trước lúc chia tay, Cung Bảo kính cẩn tặng cho Nhương Thư một hộp gỗ cũ kỹ, trong đựng quyển kinh Đại Bát Nhã cũng già nua chẳng kém. Gã vui vẻ nói :

- Tần thiếu hiệp xuất thân từ cửa Phật ắt sẽ vui lòng nhận bản kinh văn được in từ thời nhà Đường này! Chút lòng thành xin ân công đừng từ chối.

Tuy không xuất gia nhưng Nhương Thư làu thông kinh điển, ngưỡng mộ Phật pháp, nên rất hân hoan khi được tặng bản kinh văn do chính Huyền Trang đại sư (tức Tam Tạng) dịch và in ấn lần đầu.

Huyền Trang là nhà phiên dịch vĩ đại nhất của lịch sử Phật giáo Trung Hoa.

Tuy không hề được Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Bát Giới hộ tống như Tây Du Ký đã kể, ông đã lên đường đến Ấn Độ để cầu chân nghĩa, tìm hiểu nhiều chỗ nghi ngờ, khó hiểu. Trong mười bảy năm, ông đã đi năm vạn dặm, qua hơn một trăm mười nước, khắc phục những khó khăn mà người thường khó tưởng tượng nổi, cuối cùng đem về Trường An năm trăm hai mươi quyển kinh, sáu trăm ba mươi bảy bộ sách Phật chữ Phạn.

Sau đó, Huyền Trang đại sư miệt mài dịch thuật suốt hai mươi năm, xong được phần kinh Đại Thừa, tổng cộng bảy mươi lăm bộ, một ngàn ba trăm ba mươi lăm quyển!

Tóm lại, giá trị của món quà nhỏ bé này vô cùng to lớn đối với Nhương Thư!

Phương trượng chùa Thiếu Lâm sẽ mất ngủ khi biết chùa Phật Quang được báu vật ấy!

Do quyển kinh cổ mà Nhương Thư quay về Ngũ Đài sơn, trước là dâng kinh cho Phương trượng sư huynh Chân Không, sau dự lễ cầu siêu cho sư phụ!

Phật Đăng Thượng Nhân từ trần hôm rằm tháng chạp năm ngoái!

Hai anh em đi về hướng Tây bắc, vượt qua Hoàng Hà, đến thành An Dương chiều ngày mười sáu tháng mười. Họ không vào khách điếm mà ghé nhà bà con của Quách Tàn Bôi.

Chủ nhà là Quách Hưng, biểu đệ của Dạ Quân Tử, lão ta hân hoan nói :

- Trời cao có mắt nên biểu huynh đã ghé vào đây! Tiểu đệ vừa nhận thư ở quê, nhắn rằng có gặp biểu huynh thì gọi về gấp vì bá mẫu đang lâm bệnh nặng!

Quách Tàn Bôi tái mặt, rầu rĩ nói với Nhương Thư :

- Tần hiền đệ! Gia mẫu tuổi đã tám ba, nay người lâm bệnh thì rất nguy. Lão phu phải về Tứ Xuyên ngay mới được!

Lão vì chữ hiếu mà đi nên dù lo lắng Nhương Thư cũng không thể ngăn cản.

Quách lão hiểu lòng chàng, trấn an ngay :

- Hiền đệ yên tâm! Ta còn rất nhiều bằng hữu chí cốt ở cố quận, và với tài hóa trang, ta sẽ qua mắt được Hồng Kỳ bang!

Nhương Thư gật đầu :

- Đại ca cứ lên đường, sang xuân tiểu đệ sẽ đi Tứ Xuyên ngay!

Quách lão liền nói rõ nơi cư trú và cách thức liên lạc sau này! Lão không lưu lại thêm, tức tốc khởi hành.

Nhương Thư ở lại nhà Quách Hưng một đêm, sáng sớm cũng tạ từ để đi Sơn Tây.

Truyện Chữ Hay