Sáng sớm hôm nay thật là quái lạ, nha dịch gác cổng thành ôm cây thương, sụp mũ, say sưa đánh giấc, mãi đến khi bị tiếng ngựa hí làm giật mình mới nhá nhem hồi tỉnh. Bọn họ là những người có trách nhiệm, vào ca trực chưa ngủ gục bao giờ. Sau khi xác nhận lệnh bài thông hành của Nhan Nghiêm không phải giả, tên tốt trưởng ra lệnh mở cổng, trong đầu tự hỏi bốn người này rốt cuộc đã ra ngoài lúc nào.
Thành Hoa Lộ có một buổi sáng ngái ngủ, đường phố vắng tanh, lác đác vài chủ quán vừa dọn hàng vừa che miệng ngáp. Mấy gã ăn mày ôm nhau ngủ nướng quên cả chuyện kiếm kế sinh nhai. Cả tòa thành như trúng bột thuốc mê, nhịp sống lề mề chậm chạp. Nhan Nghiêm chặn một gánh hàng rong hỏi thời gian, bà thím bán chè đậu đỏ vắt óc trả lời:
-Hôm nay…? Hôm nay là… ngày… ngày bao nhiêu nhỉ? À, ngày tháng Bảy, năm Hưng Thịnh thứ sáu!
Ngày , tức là ngày thứ hai sau khi nhóm người Nhan Thiện tiến vào thành, tức là phần lớn kí ức của họ đều xảy ra trong mộng cảnh, tức là bọn họ thực tế vẫn chưa quen biết nhau! Chuyện này thật không thể chấp nhận!
-Giờ phải làm sao? Kết giới phá được rồi thế còn cương thi? Dịch bệnh? Cái nào thật, cái nào giả?
Minh Đức thấy đầu óc mình sắp hỏng mất rồi… Nhan Nghiêm cũng rối rắm, hắn nhìn Thẩm Thanh đã ngủ thiếp đi, quay sang bảo Hồ Kính và Minh Đức:
-Trước hết cứ trở về vị trí cũ, ta phải đưa Thanh nhi đến Phủ thành chủ, rồi đi tìm Thái tử và Thất hoàng tử. Chuyện tiếp theo ta sẽ tùy cơ ứng biến, hai người quay về đợi tin đi!
Không thể làm gì khác hơn, bọn họ đành tách ra hai ngã. Lúc nãy trên đường về, Minh Đức đã kể ngắn gọn mọi chuyện cho Hồ Kính, chỉ có bốn người bọn họ trực tiếp nhảy qua mắt trận mới lưu lại kí ức trong mộng, toàn bộ dân thành đều không nhớ gì. Hồ Kính từ kinh ngạc chuyển qua kinh sợ, sau khi Nhan Nghiêm rời đi lại có thêm một khúc mắc nữa:
-Này A Đức, rốt cuộc Thanh Thanh và Tiểu Nghiêm có thân phận gì? Cậu ấy bảo gặp Thái tử và Thất điện hạ… nhà hoàng thất dễ gặp lắm sao??
Minh Đức không biết trả lời thế nào, thật ra chính hắn chưa bao giờ tìm hiểu. Chắc chắn Nhan Nghiêm có liên quan đến hoàng tộc rồi, bởi vì là “long mệnh”, điều này Minh Đức biết từ đầu. Cụ thể hơn nữa thì hắn chẳng quan tâm. Đối với Hồ Kính lại càng mơ hồ, hắn quen biết bọn họ là từ dược đường, Hồ Kính muốn chế ra loại thuốc kháng lao mà chỉ có Nhan Nghiêm là đồng ý tin tưởng vào ý nghĩ cuồng vọng này. Ngay cả Thái y trong cung còn không làm được mà! Hồ Kính cảm thấy mình gặp được tri kỉ, bọn họ còn một lần lẻn vào trong thôn tiếp cận bệnh nhân, à không, là tiếp cận cương thi… Nghe phong phanh dân chúng trong thành bảo rằng Thái tử điện hạ từ kinh đô đã đích thân ngự giá, sự xuất hiện của Nhan Nghiêm và Thẩm Thanh có thể suy đoán là công tử tiểu thư nhà quan nào đó trên kinh kỳ. Bởi vì bọn họ không chủ động giới thiệu, Hồ Kính cũng không tiện hỏi, chắc là liên quan đến chính trị quốc gia, không biết thì hơn! Vậy là hai tên này thành bằng hữu của người ta mà không hề biết người ta là ai, từ đâu đến… Bọn họ cũng nhẹ dạ dễ tin thật đấy!
Nhan Nghiêm vừa về đến phủ thành chủ đã thấy xa xa một đám người nhốn nháo. Gã sai vặt hô hào thông báo, lập tức cả nhà Chu Nhất Sinh ùa ra nghênh đón, vẻ mặt nhẹ nhõm.
-Thiếu gia, tiểu thư, hai vị rốt cuộc đi đâu mà không để lại chút tin tức gì? Làm chúng tôi lo sốt vó! Ơ… tiểu thư bị làm sao vậy?
Nhan Nghiêm dừng ngựa, ôm con chuột ngủ mê xuống, ra hiệu cho bọn họ im lặng. Bộ dạng hai người khá lôi thôi, áo trong ướt đẫm thấm ra ngoài, tóc tai bù xù.
-Mọi chuyện cứ để nói sau. Phiền Thành chủ hỏi thăm chút tin tức phía Thái tử, chuẩn bị một con ngựa và chút thức ăn đem tới chỗ ta!
Nhan Nghiêm trở về viện nhỏ họ ở mấy ngày nay, tranh thủ thời gian chỉnh chu bản thân và giúp Thẩm Thanh thay y phục sạch sẽ. Lát sau Chu Mai Thủy bưng khay thức ăn bước vào, ngại ngùng chào hắn một tiếng và hỏi phải để đồ ở đâu. Nhan Nghiêm chỉ về phía bàn, không để ý người tới là lục tiểu thư Thành chủ chứ không phải a hoàn bình thường. Hiện tại Chu Mai Thủy chỉ mới gặp Nhan Nghiêm hai ngày, vẫn chưa nảy sinh quá nhiều tâm tư và yêu mến như trong mộng. Nàng giả vờ chậm chạp, sau khi để thức ăn xuống vẫn do dự chưa rời đi. Phòng trong ngăn cách bằng tấm màn lụa mỏng, vào ban ngày có thể nhìn thấy nhất cử nhất động bên trong. Nhan Nghiêm bế Thẩm Thanh đã tắm và thay váy mới lên giường, hắn kéo chăn cẩn thận, sửa tư thế ngay ngắn rồi mới thả rèm giường xuống. Mai Thủy tò mò nhìn theo động tác của Nhan Nghiêm, cảm thấy có gì đó là lạ mà hơn hết là hâm mộ “Ngọc Lâm cách cách”. Không ngờ Hoàng tôn điện hạ lại yêu thương em gái tới vậy! Chỉ cần hắn dành một phần mười tình cảm đó cho nàng thì nàng mãn nguyện lắm rồi.
-Chu tiểu thư?
Nhan Nghiêm ngoài ý muốn nhìn thấy Chu Mai Thủy vẫn chưa rời đi. Nàng nghe hắn gọi mà mừng thầm trong lòng, thì ra điện hạ nhớ mình, họ chỉ mới gặp một lần khi Thành chủ giới thiệu gia quyến cho Thái tử. Lúc ấy Mai Thủy thấy Nhan Nghiêm chỉ lo nhìn “cách cách”, tưởng hắn không hề có ấn tượng với mình… Tâm tình con gái của Mai Thủy âm thầm nở hoa, nàng làm sao biết được tất cả là nhờ chuyện trong mộng cảnh.
-Chu Mai Thủy bái kiến công tử, phụ thân sợ a hoàn trong nhà ngu ngốc vụng về, làm việc không chu đáo nên sai tiểu nữ đem thức ăn qua…
-À… thế đa tạ lục tiểu thư!
Chu Mai Thủy khách sáo rời đi. Nhan Nghiêm vừa mệt vừa đói, trực tiếp ngồi xuống cầm đũa luôn. Hắn cố gắng sắp xếp lại mọi chuyện, tính toán lát nữa phải nói gì với cha và chú, nếu đem chuyện quỷ thần kể thật thì họ sẽ khó tin, vẫn là tìm cớ nào đó giải quyết mọi chuyện thì hơn. Nhan Nghiêm muốn trở về kinh thành thật nhanh, hắn linh cảm ở nhà đã xảy ra chuyện nhưng muốn quay về thì phải dẹp yên Hoa Lộ cái đã.
Nhan Nghiêm ăn uống qua loa, dặn dò người hầu chăm sóc Thẩm Thanh rồi cưỡi con ngựa Chu Nhất Sinh chuẩn bị một mạch phi đến doanh trại Nhan Phi và Nhan Thiện đang ở. Căn cứ vào thời gian hiện tại, đây là lúc dịch bệnh đang xảy ra nguy kịch nhất, mỗi ngày đều có xác chết bị đào lên treo ở cổng thành. Tình huống trong mộng là do cương thi tự bới đất chui ra nhưng hiện tại có lẽ không đúng. Nhan Nghiêm thiết nghĩ cương thi và mộng cảnh đi cùng nhau, cả hai đều không thực, nhất định kẻ đứng sau chỉ mượn tình hình bệnh dịch ở tam Châu dụ bọn họ tới rồi giăng mộng cảnh này vây hãm họ lại. Mục đích thực sự là gì?
Khi Nhan Nghiêm đến nơi thì nhận được một hung tin không thể ngờ tới: Thái tử điện hạ đã qua đời!
Mộc Đoạn Bình vô cùng kinh ngạc sau khi nghe Quốc sư đại nhân nói. Ở độ tuổi tứ tuần, hoàng đế Chi Nguyên là một người đàn ông cao to khỏe mạnh, trị nước sáng suốt, có lòng thương dân. Kèm theo đó còn bao gồm tham vọng lớn và tính mê muội. Lúc này Mộc đế đang ngồi trên long ỷ, hai mày nhíu chặt nhìn Ngô Chẩn quỳ bên dưới.
-Quốc sư bảo… muốn cáo lão hồi hương? Tại sao lại đột ngột như vậy? Mấy tháng trước khanh còn xin trẫm đóng cửa phủ chuyên tâm chế thuốc trường sinh, giờ đột nhiên tiến cung cáo lão, đây là ý gì hả?
Ngô Chẩn vẻ mặt thành kính cúi thấp đầu, từ tốn đối đáp:
-Xin bệ hạ bớt giận. Vi thần rất muốn vì Chi Nguyên cống hiến hết đời, vì bệ hạ bào chế trường sinh bất tử. Thế nhưng không ai đoán được vận mệnh, đêm hôm qua thần được Bồ Tát báo mộng, nói rằng kiếp nạn sắp tới, cần phải về Thiên Sơn độ kiếp vài năm.
Nói đoạn, Ngô Chẩn thất kính cởi mão Quốc sư, mái tóc bạc trắng chảy xuống hai vai khiến Mộc Đoạn Bình hốt hoảng.
-Bệ hạ nhìn xem, vi thần không dám dối gạt nửa lời. Sau khi tỉnh mộng thần cảm thấy cơ thể dị thường, tóc đã bạc trắng, mắt cũng mờ đi. Ngày xưa sư phụ thần từng dạy: “Người mang dị năng như chúng ta bản thân không hề có sức mạnh, chẳng qua là biết mượn linh khí thiên địa rồi tưởng mình siêu phàm thoát tục. Nếu lạm dụng năng lực quá nhiều, làm thất thoát nguyên khí đất trời thì phải chịu trừng phạt!” Kiếp nạn này cũng do bao nhiêu năm nay thần dốc sức dốc lòng vì Chi Nguyên, đã làm ra không ít việc trời đất khó dung… Nay Bồ Tát thương tình cảnh báo, mách cho vi thần đường sống từ cõi chết, thần rất mong bệ hạ cho phép, để thần trở về Thiên Sơn nơi đã sinh ra. Nếu lần độ kiếp này toàn mạng, thần nhất định sẽ quay về, lại vì hoàng thượng chế thuốc trường sinh!
Mộc Đoạn Bình chưa tiêu hóa hết những lời hắn nói, chỉ sững sờ nhìn kĩ diện mạo của Quốc sư. Dường như hắn đã già đi chục tuổi, da có nhiều nếp nhăn mờ, nếu không chú ý sẽ khó thấy. Hoàng đế lại nhớ chuyện hai mươi năm trước, khi đó hắn còn là Thái tử đang ở trong thế gọng kìm giữa Đại hoàng tử và Nhị hoàng tử, không có một ngày nào ăn ngon ngủ yên. Mẫu phi của Mộc Đoạn Bình là Hoàng quý phi nương nương rất được tiên đế sủng ái, bà lại sùng Phật cho nên mỗi tháng đều đi chùa. Thỉnh thoảng hẳn cũng tháp tùng theo. Hoàng quý phi luôn tâm tâm niệm niệm cầu xin Phật Tổ hiển linh phù hộ cho con trai bà công thành danh toại, có thể vững vàng ngồi lên ngai hoàng đế. Mộc Đoạn Bình không tin tưởng lắm, hắn nghĩ cái gì muốn có thì phải tranh đoạt, không thể quỳ gối khẩn cầu là xong. Hôm ấy là ngày mười lăm, theo thói quen Hoàng quý phi lại xuất cung lên Cô Am Tự không quá xa kinh thành. Bà ấy nhất quyết lôi kéo Thái tử đi cùng, nói rằng muốn xin quẻ bói cho hắn. Thời gian đi và về mất hai ngày cho nên buộc lòng ngủ lại một đêm. Ngọn núi này có cảnh sắc không tệ, từ khi Thái tử và Hoàng quý phi đến đã được canh phòng cẩn mật. Hoàng hôn ở núi Cô Am đặc biệt trữ tình, ở Chi Nguyên quốc tính sơ sơ phải có đến mấy trăm bài thơ nói về nơi này.
Chiều ngày đó Mộc Đoạn Bình nổi hứng thi sĩ, quyết định một mình đi dạo mấy vòng. Phía Tây Nam ngọn núi tương truyền có cây bồ đề năm trăm tuổi, cành lá xum xuê, là nơi Sư chủ trì giảng kinh vào tiết Vu Lan. Lúc Đoạn Bình tìm thấy cái cây hắn phát hiện mình không phải vị khách duy nhất. Lần đầu tiên Mộc đế quen biết Ngô Chẩn là ở nơi đó. Hắn mặc áo bào trắng, gió núi vi vu làm tà áo dềnh dàng cứ như sóng biển, ánh hoàng hôn nhuộm lên tóc đen, hóa thành một màu cam tuyền là lạ. Giờ xem xét lại, Mộc đế cảm thấy hai mươi năm trước và hai mươi năm sau Ngô Chẩn không hề già đi, hắn có khuôn mặt dễ nhìn nhưng rất đại chúng, gặp một lần sẽ quên. Chính vì diện mạo tầm tầm bậc trung, lại thêm cách ăn mặc bảo thủ cứng nhắc cho nên khó xác định tuổi tác, trẻ thì không trẻ, già lại chẳng già.
Ngày đó Mộc Đoạn Bình gặp Ngô Chẩn dưới tán bồ đề, trong lòng dấy lên hồi chuông cảnh giác. Cả ngọn túi đã được quân lính bao vây, khách hành hương trong hai ngày không được phép lên chùa, vậy thì cái gã này từ đâu đến? Ngô Chẩn giống như mọc mắt sau lưng, hắn ngửa đầu nhìn cây đại thụ rồi hỏi Mộc đế:
-Thái tử điện hạ, cái cây này ngài đoán bao nhiêu tuổi?
Mộc Đoạn Bình híp mắt, bàn tay đặt hờ trên chuôi kiếm. Đối phương thể hiện hắn biết thân phận Thái tử vậy nên Đoạn Bình cũng điềm nhiên đáp lại:
-Sư tăng trong chùa đều nói hơn năm trăm tuổi rồi!
Ngô Chẩn gật gù, vẻ mặt thương tiếc:
-Uhm… ngần ấy tuổi rồi… đáng thương vạn vật đều có thọ, hôm nay là ngày cuối cùng của cây bồ đề này!
-Ngươi bảo sao? – Mộc Đoạn Bình nghi ngờ.
-Ta nói cây bồ đề này quá già, nó không gắng gượng nổi nữa, hôm nay là ngày cuối cùng!
Mộc Đoạn Bình nhướng mày:
-Ồ, phải không?
Ngô Chẩn không trả lời, chỉ thần bí cười một cái ngồi ung dung theo lối mòn rời đi. Hôm ấy tất cả ám vệ và binh lính đều không tra ra tung tích cũng như thân phận của người lạ mặt. Sáng sớm hôm sau lúc lên đường hồi cung thì hắn nghe mẫu phi than thở:
-Sư chủ trì không ra tiễn, ông ấy phải làm lễ viên tịch cho cây Bồ Đề già trong chùa. Cái cây đó năm trăm tuổi rồi, chủ trì đời thứ ba đã đặt pháp danh cho nó, xem như bước vào cửa Phật. Ai ngờ mới một đêm mà lá cây vàng úa hết… Xưa nay Cô Am Tự nhờ có cây Bồ Đề này mà rất linh thiêng, sao nó lại chết đúng ngày hôm nay? Liệu có phải điềm gỡ hay không?
Hoàng quý phi hoang mang lo lắng nhìn con trai, chỉ thấy hắn dường như thất thần…
Lần thứ hai Mộc Đoạn Bình gặp Ngô Chẩn là trong một tửu lầu, khi đó hắn lên ngôi mới được nửa năm, đang cải trang vi hành. Vừa nhìn thấy Ngô Chẩn, Mộc đế đã biết ngay, nhớ lại chuyện kì lạ năm xưa nên không bỏ qua cơ hội tiếp cận. Hai người dường như hiểu ý, tự nhiên ngồi chung một bàn như bằng hữu có hẹn trước. Ngô Chẩn chỉ vào một thanh niên cách họ hai bàn, hỏi Mộc Đoạn Bình:
-Bệ hạ có biết cậu ta không?
-Hắn là ai?
-Tân khoa trạng nguyên năm nay!
-Người chắc chứ? Kì thi đến tháng Giêng mới tổ chức đấy!
-Không phải, là tháng Hai. Bởi vì tháng Chạp xảy ra thiên tai nên phải dời lại.
Khi đó mới tháng Mười, bọn họ ngồi nói chuyện của năm sau. Mộc Đoạn Bình híp mắt nhìn Ngô Chẩn:
-Nếu ngươi đoán sai thì ta phải đi đâu tìm ngươi tính sổ đây?
-Haha, ở ngõ Thị có cửa hàng thuốc bắc tên là Đới Phủ. Ngài cứ vào hỏi gã trông quầy, hắn sẽ nói với ngài!
Tháng Chạp năm ấy mưa bão kéo dài, miền Trung Chi Nguyên ngập lụt, rất nhiều sĩ tử không thể lên kinh đúng tháng Giêng cho nên Lễ bộ trình sớ xin dời kì thi qua tháng Hai. Mộc đế phê duyệt. Tháng Ba công bố kết quả, một Trạng Nguyên, hai Thám hoa và hai Bảng nhãn được lên diện kiến đức vua. Tân khoa trạng nguyên họ Tô, chính là người hoàng đế đã gặp trong tửu lầu. Dược sư hốt thuốc ở cửa hiệu Đới Phủ ngõ Thị đã chỉ đường cho ám vệ tìm thấy Ngô Chẩn, đem cổ xe vàng rước hắn vào cung. Mộc Đoạn Bình phong hắn làm Quốc sư, ban phủ đệ và bổng lộc ngang với Thừa tướng. Truyền kỳ về Quốc sư Chi Nguyên không phải ai cũng biết, nhiều người vẫn trách hoàng đế mê tín, tin răm rắp vào một tên thầy bói lai lịch bất minh. Hai mươi năm nay Ngô Chẩn rất trung thành đúng mực, chưa hề khiến hoàng đế nghi ngờ động cơ của hắn, thể hiện giống như quế nhân trời cao đã ban xuống phù trợ quân vương.
Bây giờ Ngô Chẩn đột ngột xin rời đi, khó trách Mộc Đoạn Bình có mấy phần hoang mang lo nghĩ.
-Khanh khẳng định sẽ quay lại chứ? Thiên Sơn khanh nói là ở chỗ nào sao trẫm chưa bao giờ nghe?
-Bệ hạ, Thiên Sơn là đất tổ của vi thần, là nơi môn phái của thần tọa lạc, rất bảo mật và kín đáo. Tha thứ cho thần không thể tiết lộ. Thần lấy đầu mình ra thề chỉ cần còn hơi thở nhất định sẽ trở về!
Hai ngày sau đó triều đình kinh ngạc nghe bệ hạ ban chiếu cho Quốc sư ở ẩn vài năm, thư thỏa đầu óc. Chiếu chỉ không nói là “cáo lão hồi hương”, còn cho phép Ngô Chẩn quay lại phục chức bất cứ lúc nào. Ngay sau đó phủ Quốc sư hối hả thu dọn, trong một ngày đã sạch sẽ không dấu vết. Ngô Chẩn rời vị trí đến nơi không ai biết, làm việc không ai biết, toan tính những âm mưu không ai rõ!