Sáng nay Lưu Đại Vệ kinh hoàng phát hiện bệ hạ không ở trên long sàn, chăn gối lạnh ngắt. Khuya hôm qua rõ ràng lão đã hầu hạ người lên giường, sau đó thổi nến đi ra cửa gác. Lão Lưu không ngủ sâu, cả đêm cũng không nghe bệ hạ gọi rót nước hay đi vệ sinh. Bệ hạ im lặng biến mất thật là kì bí. Đại cung nữ Linh Tâm cũng nghệch mặt ra, nàng nhìn khay áo bào trên tay, lo lắng hỏi Lưu công công:
-Làm… làm sao bây giờ?
Lão Lưu động não, khắc sau chắc nịch nói:
-Đi Tâm Sương cung!
Vậy là sáng đó một đoàn rồng rắn đi đầu là công công tổng quản, phía sau có các đại cung nữ, tiểu cung nữ, đại thái giám, tiểu thái giám… họ tất tả ôm nào là hài đỏ, long bào, mũ miện, khăn mặt, thau chậu, còn có điểm tâm và kiệu. Dòng người dài loằng ngoằng hướng Tâm Sương cung mà chạy. Khổ thân bọn họ, cái cung này là cung xa nhất trong hậu cung, khi chạy tới nơi chỉ còn nửa cái mạng. Bệ hạ dạo này có sở thích ngược đãi nô tài hay sao ấy! Mới sáng sớm đã chơi trò đột kích thế này, bọn họ vẫn chưa được ăn sáng đâu.
Quả thật Lưu công công là tâm phúc đi guốc trong bụng người. Đến Tâm Sương cung liền gặp được bệ hạ. Mọi người không khỏi than thở trong lòng, ông trời của tôi ơi, ngài muốn thị tẩm nàng nào thì cứ nói để chúng tôi chuẩn bị, việc gì nửa đêm lặng lẽ tập kích… cái này…. chẳng lẽ là “tình thú” trong truyền thuyết sao???
Lưu Đại Vệ vỗ ngực thở phào, hắn đưa mắt ra hiệu cho cung nhân, trình tự rửa mặt, thay quần áo liền được tiến hành. Lão Lưu đứng một bên, dường như cảm thấy có điều không đúng. Khi bước vào phòng hắn thấy bệ hạ đứng bên cửa sổ, tay mân mê cánh sen. Phòng ốc im lặng, Tú cơ nương nương ngồi bó ngồi trên giường, sắc mặt nhợt nhạt. Lẽ nào… họ đang cãi nhau?
Lão Lưu lắc đầu phủ định. Tình cảm của hai vị xưa nay tốt lắm, bệ hạ rất cưng chiều Tú cơ, những việc liên quan đến nàng ngài đều không tùy tiện quyết định, bao giờ cũng suy tính nửa ngày, sau cùng vẫn hỏi ý kiến nương nương. Thú thật lão Lưu cảm thấy vị Tú cơ này còn cao quý hơn hoàng hậu. Hoàng hậu mỗi tháng gặp bệ hạ hai lần, còn Tú cơ thì chỉ cần ở Tâm Sương cung chờ ngài nhớ thì đến. Mà… có khi nào bệ hạ quên nàng quá ba ngày đâu?
Trang phục đã chỉnh tề, cổ kiệu đã đưa tới, may là thời gian vẫn kịp, không phải leo nốc nhà như hôm kia nữa. Cung nhân hầu hạ hoàng đế rời đi, ngài cũng không dặn dò chiếu cố Tú cơ như mọi khi. Lưu Đại Vệ chắc mẩm có chuyện lớn rồi!
Sau giờ thượng triều, Hòa Nghi Cảnh theo thói quen lại về thư phòng, ngài không nói gì, nét mặt bình thường nhưng ai tinh mắt đều cảm thấy tâm trạng nặng nề của vua. Cung nhân cúi đầu cẩn thận từng li từng tí, ai mà muốn làm vật hy sinh chứ?
Qúa Ngọ, lão Lưu lại hỏi bệ hạ:
-Ngự thiện hôm nay bày ở đâu ạ?
Hôm nay Hòa Nghi Cảnh xem tấu chương nghiêm túc khác thường, ngài nhàn nhạt bảo
-Ở đây luôn đi…
Lão Lưu cắn môi lui ra. Lần này nghiêm trọng rồi!
Hòa Nghi Cảnh ăn cơm một mình, rẩy rẩy hạt gạo trắng, nếm vài muỗng canh đã buông đũa xuống. Lão Lưu nhỏ giọng hỏi người có muốn ăn gì khác không, hoàng đế lắc đầu sai dọn xuống. Nhìn bàn ăn vẫn còn y nguyên, đầu ai nấy lại cúi thấp hơn…
Cung nhân dọn dẹp gần xong, bỗng nghe bệ hạ sai:
-Khoan đã, đem hết chỗ thức ăn đó đến Tâm Sương cung đi! Nói với Tú cơ, trẫm lệnh nàng ăn hết, để thừa thì sẽ bị đòn!
Này là kiểu hình phạt gì thế? Lưu Đại Vệ nhìn một bàn gần hai mươi món, trong lòng tính toán có nên đưa kèm một thang thuốc tiêu hay không…
Tú cơ lúc nhìn thấy mâm thức ăn quá ư hoành tráng thì tỏ ra vui vẻ, nàng ngồi vào bàn, cầm đũa lên, vẫy tay gọi mấy người hầu
-Ngồi ngồi, ngồi xuống ăn với ta đi!
Bọn họ nào dám, lệnh của thánh thượng là Tú cơ ăn mà.
-Sợ cái gì? Hắn nói ta ăn nhưng không nói ta ăn một mình, các ngươi mau ăn chung đi!
Chủ nào thì tớ đó, ở lâu với vị nương nương này, cả hạ nhân cũng trở nên lớn gan. Khi lão Lưu đến nghiệm thu thì thấy một đám người không kể trên dưới cùng ăn uống phủ phê, nói nói cười cười. Lão đứng hình ở ngay cửa. Tú cơ nương nương này, lời của bệ hạ vào tai trái ra tai phải rồi chăng?
Tú Thanh nhìn thấy Lưu Đại Vệ, ho một tiếng rồi vờ nghiêm túc bảo:
-Người đâu, lấy cái ghế mời công công ngồi xuống cùng ăn!
Lão Lưu chưa kịp từ chối thì bị bọn họ kéo vào, đè xuống ghế, múc một chén tổ yến để trước mặt. Tú cơ nương nương xuất thủ nhét khoanh bánh mì vào miệng lão, cười tươi như hoa
-Công công nhé, ăn chung với chúng tôi thì lúc báo cáo với bệ hạ đừng quên kể thêm tên ông vào!
Lưu Đại Vệ khóc ròng, chỗ của Tú cơ y như cái động yêu quái, hắn đã ngây thơ bị dính chưởng rồi!
Bị người ta lôi xuống bùn, Lưu Đại Vệ không còn cách nào khác là thành khẩn khi báo với hoàng đế. Hòa Nghi Cảnh nghe, chân mày thì nhíu lại nhưng mắt lại mang ý cười. Hắn không phê bình khiển trách gì mà nói một chuyện rất lạc đề:
-Ngươi đi đến chỗ Thái hậu, đưa tên đạo sĩ gì đó đến đây cho trẫm.
-Đạo sĩ?
Lưu công công không biết chuyện gì, theo lời đến Từ Tâm cung. Thái hậu là mẹ ruột của bệ hạ, cũng là Bạch Tiệp dư của tiên hoàng. Chức Tiệp dư này là hàng cửu phẩm rất thấp kém trong hậu cung, Bạch Anh có nhan sắc khá bình thường, tài nghệ bình thường, con người nhu nhược cả tin… nếu bà ta có một ưu điểm thì chính là sanh ra một đứa con lỗi lạc như Hòa Nghi Cảnh, từ đó một bước lên mây!
Thái hậu nghe bệ hạ muốn gặp đạo sĩ, vô cùng ngạc nhiên hỏi:
-Sao hoàng thượng biết Liễu pháp sư?
-Việc này… nô tài cũng không rõ.
-Liễu pháp sư là do Hoàng quý phi giới thiệu cho ai gia, là một pháp sư thần thông quảng đại, mấy ngày nay nhờ ông ta làm phép khiến ai gia ăn ngon ngủ ngon… không biết hoàng thượng gọi ông ta tới, phải chăng muốn xin bùa ngải gì?
-Bẩm thái hậu, bệ hạ chỉ sai đưa pháp sư đi, không nói lý do ạ!
Bạch Anh chần chừ một lát rồi sai người đi mời Liễu Giản, bà không quên căn dặn Lưu Đại Vệ
-Ngươi nhớ chiếu cố ông ấy, sau đó đưa người toàn vẹn về cho ai gia.
Thái hậu lo lắng là có nguyên nhân. Vài năm trước người chị ruột của bà vốn thất lạc từ nhỏ bỗng nhiên tìm tới. Thái hậu đối với tình thân rất coi trọng, vì phụ mẫu mất sớm, không có ai thân thuộc với bà. Thái hậu cũng cho người điều tra lai lịch, cảm thấy không có điểm đáng ngờ nên giữ bà ta lại cùng hưởng phúc. Mọi người cung kính gọi chị Thái hậu là Bạch phu nhân. Vị phu nhân này từ khi có địa vị bắt đầu tác quai tác quái, ngược đãi nô tì, chẳng biết bà ấy nói gì mà Thái hậu cứ tin răm rắp, luôn bị xúi giục chuyện nọ chuyện kia. Cuối cùng chính là bệ hạ ra tay, cho Bạch phu nhân ít tiền và một miếng đất, cưỡng chế ra ngoài cung ở, không có lệnh không được quay về. Lần đó Thái hậu rất tức giận, một khóc hai nháo ba thắt cổ, mắng rằng hoàng thượng bất hiếu, làm vua rồi thì leo lên đầu lên cổ bà. Hòa Nghi Cảnh đối với mẹ ruột xưa nay đã kiên nhẫn hết sức, ngài khuyên không được thì dứt khoát làm lơ chứ không ngu hiếu. Về sau Thái hậu biết không có cách nào xoay chuyển nữa, con trai chẳng còn nghe lời bà nữa nên mới thôi.
Lần này hoàng thượng lại đến bắt người mà vị này chính là Liễu pháp sư tài giỏi Thái hậu rất coi trọng, gần như đem lên bàn thờ. Lưu Đại Vệ gặp tên đạo sĩ kia, vô cùng bất ngờ vì hắn còn trẻ như vậy, cứ tưởng phải là lão già tóc bạc da mồi chứ! Liễu Giản vô cùng bình tĩnh đi theo Lưu công công, trên mặt có ý cười nhạt, nhìn rất thần bí, rất bản lĩnh. Nhưng cho dù hắn có mọc thêm ba đầu sáu tay cũng không lọt vào mắt Hòa Nghi Cảnh. Ngài ngồi trên long ỷ, tay nhàn rỗi vẽ một cành mai, thờ ơ hỏi chuyện
-Ngươi là Liễu Giản?
Liễu Giản khoan thai hành lễ, lời nói không nịnh nót mà còn có chút kiêu ngạo
-Tâu, thần chính là Liễu Giản, vốn là sư phó của Hoàng quý phi nương nương, là đồ đệ thứ mười ba của Đỗ Tuyền Sư phụ ở chùa Đức Bính. Nghề nghiệp của thần là trừ ma phục đạo, bảo vệ an lành cho tâm linh con người. Mấy năm trước ngao du không ngờ gặp lại cố nhân. Hoàng quý phi thiện ý mời thần đến trừ tà cho Thái hậu nương nương…
Hắn còn muốn nói tiếp thì Hòa Nghi Cảnh đã ngắt lời
-Mỏ của người không khác gì mỏ gà, trẫm chỉ hỏi tên, không hỏi người là thầy của ai, đồ của ai, mấy năm nay làm gì… Ngươi nói mình là sư phó của Hoàng quý phi? Một tên đạo sĩ thì biết mấy chữ mà còn ham hố đi dạy học? Thảo nào chữ viết của Hoàng quý phi khó coi như vậy. Đỗ Tuyền sư phụ là cao tăng, ông ta có phải uống nhầm thuốc không mà lại nhận đạo sĩ làm đồ đệ? Còn nữa, trẫm nhớ năm nay chưa hề đáp ứng cho Hoàng quý phi xuất cung, làm quái gì mà ngươi gặp được nàng? Có phải là tự ý lén ra ngoài không? Tội này không hề đơn giản!
Vương Tam từng nói hoàng thượng có ba sở trường. Một trong số đó là tiêu diệt uy phong của người khác. Liễu Giản đang nói rất hăng lập tức bị dìm hàng chìm nghĩm. Hắn cứ tưởng mình là thần thánh phương nào, đứng trước mặt rồng còn dám khua môi múa mép. Hòa Nghi Cảnh chấm thêm vài nét làm nhụy đóa hoa, sau cùng ném bút lông xuống, sắc mặt khó coi
-Trẫm hỏi ngươi, khuya hôm qua ngươi làm gì lén la lén lút ở gần Tâm Sương cung?
Lưu Đại Vệ nãy giờ làm con bù nhìn cuối cùng cũng bừng tỉnh đại ngộ. Hóa ra bệ hạ để tâm chuyện này mới làm mình làm mẩy với nương nương, có phải là “ghen” trong truyền thuyết không? Hô hô, ngày hôm nay lão đã biết “tình thú” và “ghen” hóa ra cũng xuất hiện trên người bệ hạ.
Liễu Giản không còn ba hoa như lúc nãy nhưng hắn cũng không sợ hãi. Nghe hoàng đế tra hỏi vờ tỏ ra thần bí ấp a ấp úng:
-Chuyện này… nói ra có lẽ hoàng thượng không tin nhưng mà… thần cảm thấy không nên giấu giếm. Lẻn vào hậu cung là tội lớn, tuy nhiên chính vì lo lắng cho an nguy của người nên thần mới liều lĩnh một phen…
-An nguy của trẫm?
Liễu Giản liếm mép, thần thần bí bí híp mắt nhìn Hòa Nghi Cảnh, hạ thấp giọng nói
-Vị Tú cơ nương nương đó… không phải là người phàm!
Hòa Nghi Cảnh nhướn mày, chầm chậm ngồi xuống ghế, tỏ ý lắng nghe hắn nói.
-Lần đầu tiên nhìn thấy thần đã nghi ngờ. Nguyên khí trên người nàng ta có mùi của động vật, đoán chừng là yêu vật thành tinh… sau khi dùng kính chiếu yêu, thần có thể khẳng định nàng ta vốn là một con… con chuột!
Chữ “chuột” vừa nói ra thì một cái bình sứ từ đâu bay tới, gọn gàng đáp xuống đầu hắn. Chưa kịp kêu đau thì lại có bàn tính, bút long, nghiên mực… Liễu Giản hoảng sợ trốn xuống gầm bàn. Vương Tam nói bệ ha có ba sở trường, sở trường thứ hai chính là phá gia bại sản, khi ngài thực nổi giận thì phải nhanh tay dẹp hết đồ dễ vỡ.
Hoàng thượng thở phì phò, hai mắt lóe tia lửa, hắn hét lên với Lưu công công
-Lôi tên đó ra đây!
Liễu Giản bị ngự lâm quân kéo ra, đá vào khủy chân ngã quỵ xuống. Hòa Nghi Cảnh đứng trước mặt hắn, tay nắm cổ áo gằng giọng hỏi:
-Rốt cuộc ngươi đã làm gì nàng?
Liễu Giản lần này thì tởm đời rồi, hắn quíu lại như con cuốn chiếu, miệng lắp bắp khai báo
-Bẩm… sau… sau khi dùng kính chiếu yêu ép nàng hiện nguyên hình, thần… thần đã lấy máu vẽ lên bùa làm thành một cái ấn, dán lên nguyên thân của nàng… Ai ngờ nàng ta mạnh mẽ phá ấn, còn chém một đường lên lưng thần… Trước khi bỏ chạy thần hạ chút độc dược, phỏng chừng trong mấy ngày độc ngấm sẽ vô cùng đau đớn…
Hòa Nghi Cảnh oán giận đá vào ngực Liễu Giản, làm hắn lăn mấy vòng.
-Giam tên pháp sư khốn khiếp này lại!
Liễu Giản rất oan uổng, hắn gào thét nói lý với bệ hạ
-Thần nói đều là sự thật mà, Tú cơ nương nương không phải người, nàng là yêu quái!
Hòa Nghi Cảnh nghiến răng
-Thì sao hả? Ai mượn ngươi nhiều chuyện xen vào? Ngươi tưởng mình thần thông thật sao? Thứ ngươi đang tu luyện chính là ma đạo, tiếc là tư chất kém cõi, sẽ không bao giờ ngộ đạo. Ngươi tưởng trẫm không biết bùa ngươi đưa cho Thái hậu chính là tạo ra ảo giác tưởng mình vô cùng khỏe mạnh? Dương thọ của Thái hậu sắp hết, có thuốc tiên cũng không níu kéo nổi. Còn nữa… bên cạnh ngươi còn có hai oán hồn, chúng chỉ đợi ngày ngươi thất thế là sẽ báo thù. Oan có đầu nợ có chủ, giết người phải đền mạng! Lôi hắn ra ngoài!
Liễu Giản bị kéo đi trong tình trạng ngơ ngác và kinh hoàng. Hòa Nghi Cảnh sốt ruột nói với Lưu công công
-Đến ngự y viện lấy chút linh chi và tuyết ngân, mờ rương bạc lấy cái lọ màu xanh của trẫm, sau đó đem tới Tâm Sương cung.
Lưu Đại Vệ còn ngơ ngác thì bệ hạ đã bay đi rồi, may là ngài đang mặc long bào, không lại bị hiểu lầm là thích khách mất!
P/S: Đọc giả thấy lỗi chính tả sửa dùm Hoa Ban nhe!