HỒI
Trong mưa tuyết, Đinh Phụng đánh đoản binh;
Trên tiệc rượu, Tôn Tuấn dùng mật kế.
Nói về Khương Duy đang chạy, gặp Tư Mã Sư dẫn quân ra chặn đường. Nguyên lúc Khương Duy đến Ung Châu, Quách Hoài đã phi báo về triều đình. Ngụy chủ bàn với Tư Mã Ý. Ý sai Tư Mã Sư dẫn năm vạn quân ra đánh giúp. Sư nghe tin Quách Hoài đã phá được quân Thục, biết quân Thục cô thế, tất nhiên chạy về, mới chặn ngang đường mà đánh, rồi lại theo hút đến cướp ải Dương Bình. Nhưng Khương Duy dùng phép liên nỏ của Võ Hầu để lại, phục sẵn hơn trăm nỏ hai bên cửa ải, mỗi nỏ bắn luôn mười tên một phát, đầu tên có thuốc độc. Bởi thế quân Ngụy trúng phải tên, người ngựa chết hại rất nhiều. Tư Mã Sư trốn thoát.
Tướng Thục là Cẩu An ở trong thành Khúc Sơn, chờ mãi không thấy quân đến cứu, phải cửa ra hàng Ngụy.
Khương Duy thiệt vài vạn quân, còn bao nhiêu đem về đóng ở Hán Trung. Tư Mã Sư cũng dẫn quân về Lạc Dương.
Đến năm Gia Bình thứ ba, mùa thu tháng tám, Tư Mã Ý mắc bệnh nặng, gọi hai con đến trước giường dặn rằng:
- Cha thờ nhà Ngụy đã lâu, làm quan đến thái phó, chức vị như thế đã là cực phẩm rồi. Người ta thường nghi cho cha có bụng khác, cha lấy làm lo sợ lắm. Sau khi cha mất rồi, hai con coi việc nước cho khéo; phải cẩn thận lắm mới được!
Nói xong thì mất.
Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu tâu với ngụy chủ Tào Phương. Ngụy chủ sai làm lễ tang cực hậu, phong tặng, đặt tên thụy tử tế.
Rồi phong cho Tư Mã Sư làm đại tướng quân, tổng lĩnh các việc cơ mật. Tư Mã Chiêu được phong làm phiêu kị tướng quân.
Nói về Ngô chủ Tôn Quyền, có con đầu là thái tử Tôn Đăng, Từ phu nhân sinh ra. Năm Xích Ô thứ tư, thái tử mất, Quyền mới lập con thứ hai là Tôn Hòa làm thái tử. Hòa vốn do Vương phu nhân sinh ra, vì không hòa với Toàn công chúa, bị nàng gièm pha. Tôn Quyền bèn phế đi, Hòa tức giận mà chết. Quyền lại lập con thứ ba là Tôn Lượng làm thái tử. Lượng do Phan phu nhân sinh ra. Bấy giờ Lục Tốn, Gia Cát Cẩn mất cả rồi, nhất thiết công việc lớn nhỏ, về cả tay Gia Cát Khác.
Năm Thái Hòa thứ nhất, giữa ngày mồng một tháng tám, bỗng nhiên nổi cơn bão to, nước sông nước bể tràn lên bờ, mặt đất nước ngập tám thước. Các thông bách cổ thụ ở nơi lăng mộ tiên tổ Ngô chủ, đổ bật cả rễ lên, bay dạt đến ngoài cửa nam thành Kiến Nghiệp, ngổn ngang khắp đường. Tôn Quyền vì thế lo sợ thành bệnh, đến tháng tư năm sau, bệnh tình mỗi ngày một nặng, mới đòi thái phó Gia Cát Khác, đại tư mã Lã Đại đến trước giường nằm, dặn dò việc sau rồi mất. Tôn Quyền ở ngôi được hai mươi bốn năm, thọ bảy mươi mốt tuổi. Bấy giờ là năm Diên Hi thứ mười lăm nhà Thục Hán.
Đời sau có thơ khen Tôn Quyền rằng:
Mắt xanh, râu đỏ, chí anh hùng,
Khéo khiến thân liêu chịu hết lòng,
Hăm bốn năm giời gây nghiệp lớn,
Hố ngồi, rồng cuộn xứ Giang Đông.
Tôn Quyền mất rồi, Gia Cát Khác lập Tôn Lượng lên làm vua, đại xá cho thiên hạ, cải nguyên làm năm Đại Hưng thứ nhất; đặt tên thụy Tôn Quyền là Đại hoàng đế, táng ở Tưởng Láng.
Có quân do thám báo tin về Lạc Dương, Tư Mã Sư nghe tin Tôn Quyền mất, muốn cất quân sang đánh Ngô.
Thượng thư Phó Hỗ can rằng:
- Ngô có sông Trường giang hiểm trở, tiên đế mấy phen sang đánh, cũng không được thỏa chí. Chi bằng nước nào giữ bờ cõi nước ấy là hơn.
Sư nói:
- Đạo trời cứ ba mươi năm biến đổi một khác, có lẽ đâu giữ thế chân vạc mãi ru? Ta muốn đánh Ngô phen này.
Tư Mã Chiêu nói:
- Nay Tôn Quyền mới mất, Tôn Lượng còn thơ ấu, chính nên ngay dịp này đánh dấn ngay đi.
Sư bèn sai chính nam đại tướng quân Vương Sưởng dẫn mười vạn quân đánh mặt Nam Quận; trấn nam đô đốc Vô Kỳ Kiệm dẫn mười vạn quân đánh quận Đông Hưng. Cả ba mặt đều tiến quân. Sư lại sai em là Tư Mã Chiêu làm đại đô đốc, tổng lĩnh cả ba mặt.
Tháng mười hai, mùa đông năm ấy, Tư Mã Chiêu tiến quân đến sát cõi Đông Ngô, đóng quân lại, gọi Vương Sưởng, Hồ Tuân, Vô Kỳ Kiệm đến bàn bạc rằng:
- Quận Đông Hưng là nơi rất hiểm yếu của Ngô. Nay họ đắp một dãy đê dài, lại thêm hai thành tả hữu, là có ý phòng ta đánh mé sau Sào Hồ đó, các ông phải cẩn thận mới được.
Liền sai Vương Sưởng, Vô Kỳ Kiệm, mỗi người dẫn một vạn quân dàn sẵn hai bên tả hữu, nhưng không được tiến binh vội, đợi khi nào phá xong quận Đông Hưng thì sẽ kéo tràn sang một thể.
Chiêu lại sai Hồ Tuân làm tiên phong, tổng lĩnh cả quân mã ba đường đi trước, bắc một nhịp cầu nổi, tiếp đến bờ đê quận Đông Hưng, dặn rằng:
- Nếu ngươi cướp được hai thành tả hữu, ấy là công to đệ nhất.
Hồ Tuân lĩnh mệnh, dẫn quân đi trước bắc cầu.
Thái phó Gia Cát Khác ở Đông Ngô, nghe tin Ngụy chia làm ba mặt kéo đến, hội các tướng bàn bạc.
Bình bắc tướng quân Đinh Phụng nói:
- Quận Đông Hưng là xứ hiểm yếu của bên Ngô ta, nếu để mất thì Nam Quận, Võ Xương nguy cả.
Khác nói:
- Ông nói hợp ý ta lắm! Ông hãy dẫn ba nghìn quân thủy, noi đường sông đi trước. Ta cho Lã cứ, Đường Tư, Lư Toản, mỗi người dẫn một vạn quân mã bộ chia làm ba đường, lại tiếp ứng ngay. Khi nào nghe tiếng pháo nổ liên thanh, thì nhất tề tiến lên. Ta dẫn đại quân đến sau.
Đinh Phụng được lệnh, dẫn ba nghìn thủy quân, chia làm ba chục chiếc thuyền, từ sông Trường Giang kéo đến quận Đông Hưng.
Tướng Ngụy là Hồ Tuân kéo quân sang khỏi cầu, đóng trên mặt đê, sai Hoàn Gia, Hàn Tổng đánh hai thành tả hữu. Trong thành tả có tướng Ngô là Toàn Dịch canh giữ, Trong thành hữu có tướng Ngô là Lưu Lược canh giữ. Hai thành cao kín, bề vững, quân Ngụy đánh mãi không đổ. Toàn, Lưu hai người thấy quân Ngụy to thế lắm, không dám ra đánh, chỉ cố sức giữ lấy thành trì.
Hồ Tuân giữ trên mặt đê, bấy giờ trời đông tháng rét, hoa tuyết tơi bời. Hồ Tuân hội các tướng lại uống rượu. Sực có lính báo rằng trên mặt sông có ba chục chiếc chiến thuyền bơi đến. Tuân ra trại nhìn xem, thấy thuyền đã gần bờ, mỗi thuyền ước chừng có trăm người, liền trở vào báo với các tướng rằng:
- Có độ ba nghìn người, chẳng hề chi mà ngại!
Nói đoạn cho mấy viên tướng ra trông nom, còn mình thì cứ việc ung dung uống rượu với các tướng.
Đinh Phụng dàn thuyền một dãy trên mặt sông, bảo với bộ tướng rằng:
- Đại trượng phu gặp được dịp này, chính là dịp lập công danh đây!
Liền sai quân sĩ cỡi cả áo giáp và bỏ mũ đi, không dùng gì đến giáo dài kích lớn, chỉ mỗi người dắt một con dao găm, kéo vào bờ.
Quân Ngụy trông thấy nực cười, không coi ra mùi gì. Bỗng pháo liên châu nổ luôn ba tiếng, rồi thấy Đinh Phụng cầm dao đi trước, nhảy vót lên bờ, quân sĩ cùng cầm dao ồ cả lên, đánh vào trại Ngụy. Quân Ngụy trở tay không kịp, tan vỡ chạy trốn.
Hàn Tổng vội vàng rút ngọn kích to ở trước trướng ra đánh, Đinh Phụng lăn xả vào trước mặt, chém một nhát, Tổng ngã lăn xuống đất. Hoàn Gia từ mé tả chạy ra, vội với ngọn giáo đâm Đinh Phụng, Phụng giơ tay bắt được ngọn giáo. Gia bỏ giáo ù té chạy, Phụng phóng dao chém theo, dính vào vai tả. Gia ngã gục xuống đất. Phụng sấn vào đâm một nhát nữa. Gia chết tươi. Ba nghìn quân Ngô xông xáo, phá phách trong trại Ngụy. Hồ Tuân kíp nhảy lên ngựa chạy trốn. Quân Ngụy chạy cả lên cầu, thì cầu lại bị chặt đứt đôi, quân Ngụy lăn xuống sông chết già hết một nữa, còn thì bị giết ở trên mặt đất mưa tuyết, không biết bao nhiêu mà kể. Xa trượng, ngựa nghẽo, khí giới bị quân Ngô cướp sạch.
Tư Mã Chiêu, Vương Xưởng, Vô Kỳ Kiệm thấy mặt đông quân Đông Hưng bị thua, cùng rút quân về.
Gia Cát Khác dẫn quân đến Đông Hưng, khao thưởng các tướng, rồi bàn rằng:
- Tư Mã Chiêu thua trận về bắc, ta nên thừa thế tiến sang đánh Trung Nguyên.
Liền sai sứ mang thư sang Thục, cầu Khương Duy tiến binh đánh mặt bắc, để chia đôi thiên hạ. Một mặt cất hai chục vạn đại quân đánh Trung Nguyên.
Lúc quân Ngô khởi hành, bỗng có một luồng khí trắng, tự mặt đất bốc lên, tỏa ra mù mịt. Ba quân giáp mặt không trông thấy nhau.
Tưởng Diên nói:
- Khí này là do cầu vòng trắng đây, chủ về việc bại quân.
Khác nổi giận quát rằng:
- Ngươi sao dám gở mồm nói càn, làm ngã bụng quân ta?
Bèn quát võ sĩ lôi ra chém. Các quan kêu van thay cho Tưởng Diên, Khác mới tha chết cho, cách tuột chức giáng xuống làm thứ dân. Rồi cứ việc thúc quân tiến lên.
Đinh Phụng nói:
- Tân Thành là một ải khẩu trọng yếu nước Ngụy, nếu lấy được trước, thì Tư Mã Sư khắc phải vỡ mật.
Khác mừng lắm, thúc quân đến thẳng Tân Thành. Tướng giữ thành là Trương Đặc thấy quân Ngô kéo đến đông lắm, chỉ đóng cửa giữ vững thành trì.
Có ngựa lưu tin báo về Lạc Dương. Chủ bộ là Ngô Tùng nói với Tư Mã Sư rằng:
- Gia Cát Khác vây Tân Thành, ta không nên đánh vội. Quân Ngô tự xa đến đây, người nhiều lương ít. Lương cạn tự nhiên phải rút về. Đợi khi sắp chạy, ta sẽ đuổi theo mà đánh, chắc là được to. Nhưng còn ngại quân Thục đến xâm phạm cõi ta, không phòng trước không xong.
Sư cho lời ấy là phải, bèn sai Tư Mã Chiêu dẫn quân ra giúp Quách Hoài để phòng quân Khương Duy; sai Vô Kỳ Kiệm, Hồ Tuân giữ mặt Đông Ngô.
Gia Cát Khác đánh Tân Thành hơn hai tháng trời không đổ, bèn hạ lệnh sai các tướng phải hết sức đánh thành hễ ai lười nhác thì chém.bg-ssp-{height:px}
Bởi vậy các tướng đều ra sức đánh. Góc Đông Bắc sắp đổ. Trương Đặc nghĩ ra một kế, sai người nói giỏi đem cả sổ sách đến trại Ngô, vào ra mắt Gia Cát Khác, kêu rằng:
- Theo phép nước Ngụy, hễ có giặc đến vây thành, tướng giữ thành giữ vững được một trăm ngày mà không có quân cứu, thì dù ra hàng giặc, gia tộc cũng không phải tội gì. Nay tướng quân vây thành, hơn chín mươi ngày rồi, xin tướng quân thư cho mấy hôm nữa, chủ tôi xin đem hết cả quân dân trong thành ra hàng. Nay hãy xin nộp sổ sách trước.
Khác tin là thực, thu cả quân mã về, không đánh thành nữa. Không ngờ Trương Đặc nói dối như thế, để cho Ngô rút quân, rồi lập tức dỡ các cửa nhà trong thành sắp đổ, sửa chữa tươm tất đâu đấy, rồi lên mặt thành gọi to mắng rằng:
- Trong thành ta còn lương thảo dùng được nửa năm nữa, há chịu hàng chó Ngô à? Tha hồ cho chúng mày đánh, ta đây không ngại!
Khác giận lắm, thúc quân lại đánh. Trên thành tên bắn xuống như mưa. Khác bị một mũi tên vào giữa trán ngã ngựa, các tướng vội vàng cứu đem về trại. Quân sĩ thấy chủ tướng bị thương, ngã lòng, không muốn đánh nữa. Lại nhân bây giờ trời hè nóng nực, quân sĩ đau ốm rất nhiều, nên đều có bụng muốn về cả.
Chỗ bị thương Gia Cát Khác gần bớt, Khác lại muốn thúc quân vào đánh.
Các tướng kêu rằng:
- Quân sĩ ốm cả, đánh làm sao được nữa?
Khác nổi giận, nói:
- Hễ ai còn nói đến ốm thì chém!
Quân sĩ nghe truyền lệnh làm vậy, trốn đi nhiều lắm. Chợt có tin báo đô đốc Sái Lâm dẫn quân bản bộ hàng Ngụy mất rồi. Khác giật mình, cưỡi ngựa diễu xem các trại, quả nhiên thấy quân sĩ xanh xao vàng võ, gầy gò ốm yếu cả, mới chịu thu quân về Ngô.
Có tế tác báo tin với Ngô Kỳ Kiệm, Kiệm liền cất đại binh đuổi theo, quân Ngô thua to rút chạy.
Gia Cát Khác về đến Ngô, hổ thẹn quá, thác bệnh không vào chầu. Ngô chủ Tôn Lượng thân đến tận nhà hỏi thăm. Các quan văn võ, ai cũng đến bái kiến. Khác sợ có người chê cười mình, mới bới móc tội lỗi các quan, tội nhẹ thì đày ra ngoài biển, tội nặng thì chém. Bởi thế các quan đều có bụng sợ hãi. Khác lại sai tướng tâm phúc là Trương Ước, Chu An cai quản quân ngự lâm, để làm nanh vuốt cho mình.
Bấy giờ Tôn Tuấn, tự là Tử Viễn, nguyên là con Tôn Cung, cháu tằng tôn Tôn Tĩnh là em Tôn Kiên khi xưa. Khi Tôn Quyền còn sống, yêu mến Tôn Tuấn, cho cai quản quân ngự lâm. Nay thấy Gia Các Khác sai Trương Ước, Chu An giữ quân ngự lâm, cướp mất quyền mình, trong bụng giận lắm. Thái thường khanh là Đằng Dận, vốn hiềm khích với Gia Cát Khác, nhân dịp báo với Tuấn rằng:
- Gia Cát Khác chuyên quyền rông rỡ, giết hại công khanh, sắp có lòng lấn chúa. Ông là người tôn thất, sao không tìm cách trừ đi?
Tuấn nói:
- Ta có bụng ấy đã lâu, nay tâu với thiên tử, xin chiếu chỉ mà giết đi mới được.
Tôn Tuấn, Đằng Dận mới vào mật tâu với Ngô chủ Tôn Lượng.
Lượng nói:
- Trẫm thấy người ấy cũng sợ, thường muốn trừ đi, nhưng chưa có dịp nào. Nay các ngươi đã có bụng trung nghĩa như thế, thì nên bí mật lo liệu đi cho khéo.
Dận tâu rằng:
- Bệ hạ nên mở tiệc mời Khác đến, ám phục võ sĩ ở trong màn vách, quẳng chén làm hiệu, giết luôn ngay trong tiệc, để trừ mối lo về sau.
Tôn Lượng nghe lời.
Gia Cát Khác từ khi thua trận về triều, thác bệnh ở nhà, tinh thần hoảng hốt không yên. Một bữa ngẫu nhiên ra ngoài, bỗng thấy một người mặc áo xô trắng đi vào. Khác quát hỏi đi đâu, Người ấy thưa rằng:
- Tôi nhân có cha mới mất, vào thành nhờ nhà sư làm chay. Tôi tưởng đây là chùa phật, không ngờ là phủ thái phó, không biết ai run rủi tôi vào đây thế này?
Khác nổi giận, gọi quân canh cửa vào hỏi. Quân canh bẩm rằng:
- Chúng tôi vài mươi người, vác giáo canh cửa, không dám rời xa lúc nào, tịnh không ai vào cả.
Khác nổi giận sai chém cả người ấy cùng vài mươi tên lính canh cửa.
Đêm hôm ấy, Khác trong lòng trằn trọc, ngủ không yên giấc. Bỗng nghe giữa nhà ầm một tiếng như sét, Khác ra trông xem, té ra cây gỗ nóc nhà chính gian giữa gãy làm hai đoạn đổ xuống. Khác giật mình, vào nhà trong nằm nghỉ. Bỗng lại thấy nổi cơn gió lạnh, rồi có người mặc áo xô cùng vài mươi tên quân sĩ, mỗi người xách một cái đầu đến đòi mạng. Khác khiếp sợ, ngã gục xuống đất, nửa giờ sau mới tỉnh.
Sáng hôm sau, Khác sai lấy chậu nước rửa mặt, nước sặc những mùi máu tanh hôi. Khác quát nàng hầu đòi lấy chậu khác, đổi hơn chục chậu cũng đều tanh như thế cả. Khác lấy làm kinh hãi lắm. Chợt có sứ đến mời thái phó vào dự yến. Khác dàn xa trượng sắp ra cửa phủ. Bỗng có con chó vàng chạy đến, cắn áo lôi lại, ăng ẳng như tiếng can ngăn. Khác giận, sai tả hữu đuổi đi, rồi lên xe ra phủ. Đi chưa được vài bước, bỗng có một luồng khí trắng từ mặt đất bốc lên ở trước xe, trông như hình tấm lụa, bay vụt lên trời đi mất. Khác lấy làm kinh quái lắm.
Tướng tâm phúc là Trương Ước bước đến gần xe nói nhỏ rằng:
- Hôm nay trong cung mở tiệc, chưa biết hay dở thế nào, chủ công chớ nên đi nữa.
Khác nghe lời, sai quay xe trở về. Đi chưa được mười bước, có Tôn Tuân, Đằng Dận cưỡi ngựa đến thẳng trước xe, nói rằng:
- Thái Phó sao lại trở về?
Khác nói:
- Tôi bỗng nhiên đau bụng, không vào chầu thiên tử được.
Dận nói:
- Triều đình vì cớ thái phó mang quân về, chưa được gặp mặt chuyện trò, nên mở tiệc này mời thái phó, nhân tiện để bàn việc lớn. Thái phó dù hơi đau bụng, cũng nên gượng đi cho một lúc.
Khác không sao từ được, phải đi với Tôn Tuấn, Đằng Dận vào cung, Trương Ước cũng theo vào.
Khác vào ra mắt Ngô chủ Tôn Lượng, lễ xong, ngồi dự tiệc. Lượng sai mời rượu, Khác nghi tình tâu rằng:
- Tôi lâu nay mệt yếu, không uống được rượu.
Tôn Tuấn nói:
- Tướng phủ thái phó thường có rượu thuốc uống, nên đem lại thái phó uống có được không?
Khác nói:
- Được.
Khác bèn sai người về phủ lấy rượu đến, lúc đó mới yên tâm ngồi uống rượu. Rượu được vài tuần, Ngô chủ thác việc dậy trước. Tôn Tuấn xuống điện, cởi áo dài ra, trong mình chỉ mặc áo ngắn và khoác áo giáp, cầm một thanh gươm cực sắc, bước lên điện, hô to rằng:
- Thiên tử có chiếu sai đánh giặc!
Gia Cát Khác giật mình, quẳng chén rượu xuống đất, rút gươm ra đỡ, nhưng đỡ chưa kịp, thì đầu đã rơi xuống đất rồi.
Trương Ước thấy Tôn Tuấn chém Gia Cát Khác, khoa đao vào đánh. Tuấn vội vàng tránh mũi đao, bị thương một ngón tay trỏ bên trái. Tuấn quay mình lại chém vào cánh tay hữu Trương Ước. Võ sĩ kéo ồ ra, băm Trương Ước nát nhừ như bún. Tuấn một mặt sai võ sĩ về bắt gia quyến Gia Cát Khác, một mặt sai đem thây Gia Cát Khác, Trương Ước dùng chiếc cói bó lại, bỏ lên chiếc xe, kéo ra ngoài cửa nam thành, quảng xuống bãi tha ma.
Vợ Gia Cát Khác đang ở trong phòng bỗng nhiên tâm hồn hoảng hốt, ngồi đứng không yên. Chợt có một nàng hầu vào trong phòng, người vợ trông thấy hỏi rằng:
- Mày sao máu me đẫm cả mình mẩy thế?
Người hầu tự nhiên nghiến răng trợn mắt, nhảy lên chồm chồm, va cả đầu vào sà nhà, kêu to lên rằng:
- Ta là Gia Cát Khác đây, ta bị quân gian tặc là Tôn Tuấn nó hại rồi!
Cả nhà già trẻ đều kinh hãi, kêu khóc. Một lát, quân mã đến vây phủ, bắt hết già trẻ cả nhà, điệu ra chợ chém sạch. Bấy giờ là tháng mười, năm Đại Hưng thứ hai nhà Ngô.
Khi xưa Gia Cát Cẩn, thấy con thông minh lộ hết ra ngoài, có than rằng: “Thằng này không phải là con nhà giữ được cơ nghiệp.” Quang Lộc đại phu nước Ngụy là Trương Thấp thường nói chuyện với Tư Mã Sư rằng: “Gia Cát Khác chẳng bao lâu nữa tất chết.” Sư hỏi tại sao, Thấp nói: “Oai lấn cả chúa, thì bền thế nào được?” Hai lời ấy quả nhiên linh nghiệm.
Tôn Tuấn giết xong Gia Cát Khác, Ngô chủ phong Tuấn làm thừa tướng, đại tướng quân, Phú Xuân hầu, tổng đốc mọi việc quân trong ngoài. Từ bấy giờ quyền hành lại về cả tay Tôn Tuấn.
Khương Duy ở Thành Đô, tiếp được thư của Gia Cát Khác cầu đánh Ngụy giúp, liền vào chầu, tâu với Hậu chủ, xin cất đại quân sang đánh Trung Nguyên.
Ấy là:
Ra quân chuyến trước chưa nên việc.
Đánh giặc phen này muốn lập công.
Chưa biết được thua thế nào, xem hồi sau phân giải.