Thanh Lam thấy mình đã giở kiếm thức đó ra, mà đối phương lại không ra tay trả đũa, chàng liền giơ kiếm lên để ngang ngực mà đứng, chứ không tấn công vội.
Đạo sỹ đứng phía bên trái thấy thế liền quát lớn:
- Giang thiếu hiệp rủ các đồng môn tới, là muốn đến Đồ Long đảo để cứu người phải không? Hì hì! Trận Đồng Da này có giản dị như quý vị tưởng tượng đâu! Nếu có dễ phá thì lại không thể gọi là Đồng Da trận nữa.
Thấy đối phương nói như thế, Thanh Lam ngạc nhiên vô cùng, vội hỏi:
- Đạo huynh nói như thế là nghĩa lý gì?
Đạo sỹ nọ lạnh lùng đáp:
- Bốn vị tới đây, có phải thực bụng đến để xin Long Giác Giao hay không, thì cũng chỉ bốn vị tự biết lấy mà thôi!
- Tiểu sinh ở Cửu Hoa đã được Trà đạo trưởng cho hay mới không quản ngại ngàn dặm xa xôi tới đây, sao quý vị lại bảo là giả dối được?
- Giang thiếu hiệp, vừa rồi bần đạo đã nói rõ rồi, luật lệ của bổn đảo là phàm các đệ tử của các đại môn phái ở Trung Nguyên tới Đồ Long đảo này để lấy Long Giác Giao, chỉ có thể lấy tư cách cá nhân cùng với tài ba thực học của mình mà vào trong Đồng Da trận để lấy Long Giác Giao thôi. Nếu có bị giam giữ ở trong trận thì cũng chỉ có thể tự trách tài nghệ của mình còn kém cỏi, chứ người của các đại môn phái không được ra mặt cứu giúp. Giang thiếu hiệp vừa rồi tự nhận là môn hạ của phái Không Động? Nhưng thế kiếm của các hạ vừa sử dụng, theo sự ước đoán của bần đạo, có lẽ không phải là của phái Không Động.
Thanh Lam nghe thấy đối phương nói như vậy, trong lòng cũng hơi ngạc nhiên. Chàng không ngờ bốn đạo sỹ ít tuổi như thế, mà lại có đôi mắt lợi hại như vậy. Mình mới giở có một kiếm thức ra thôi, mà họ đã nhận ra được đó không phải là võ công của phái Không Động liền...
Nghĩ như thế, chàng lại chắp tay chào và nói tiếp:
- Pháp nhỡn của các hạ cao minh thực! Tiểu sinh tuy là môn hạ của phái Không Động thực, nhưng lại được một vị lão tiền bối của phái Côn Luân đoái hoài mà ban cho một pho kiếm pháp của phái Côn Luân. Vừa rồi chính tiểu sinh đã sử dụng kiếm thế của phái ấy đấy.
- Pho kiếm này là của sư phụ tôi truyền thụ cho anh ấy, có gì là lạ mà các người phải kinh ngạc đến như thế?
Lan Nhi cũng xen lời hỏi:
- Này, các người bảo chúng tôi là người của phái Côn Luân sai tới phải không? Và còn nói gì chúng tôi rủ đồng môn đến đây để cứu người? Chẳng lẽ người của phái Côn Luân đã bị lọt vào tay của các người rồi hay sao?
Đạo sỹ trẻ tuổi ấy ngửng mặt lên trời cười ha hả, đáp:
- Dù là Đại La Thiên Tiên đến Đồ Long đảo này cũng còn phải khuất giá mấy ngày, huống hồ là môn hạ của phái Côn Luân.
Lan Nhi vội hỏi tiếp:
- Thế người của phái Côn Luân hiện ở đâu?
Bạch Mai cũng phùng mồm trợn mép hậm hực nói:
- Thế ra các người tùy ý để cho người ta lên trên đảo lấy Long Giác Giao chỉ là một câu chuyện để lừa dối người thôi chứ không phải là sự thực phải không?
Đạo sỹ nọ tức giận vô cùng, trầm giọng đáp:
- Nếu quả thực các người đến đây lấy Long Giác Giao thì chỉ cần thắng nổi anh em bần đạo đây, rồi anh em bần đạo sẽ đưa các người đi yết kiến trực nhật sư tôn, rồi các người cứ việc thi thố tài ba của mình vào trong trận mà lấy. Chứ còn các người đến đây định cứu người, thì lại là một chuyện khác!
Lan Nhi lại hỏi:
- Nếu quả thật chúng ta đến đây để cứu người, thì các người sẽ đối xử ra sao?
Đạo sỹ nọ ung dung đáp:
- Thì phải đợi sư tôn của chúng ta xét xử đã.
Tiểu Hồng vẫn đứng yên từ nãy đến giờ, nghe đối phương nói như thế, nàng không sao nhịn được liền xen lời nói:
- Hừ! Đồ Long đảo thì đã lợi hại gì nào? Hai tháng trước đây đại sư huynh của ta đã chả nói đến là đến, và bảo đi là đi là gì? Các người có cản nổi y đâu?
Người đạo sỹ trẻ tuổi nghe nói mặt bỗng biến sắc, cười khinh khỉnh hỏi:
- Thế ra các người đều là đồng đảng của Thiên Lý Cô Hành Khách hay sao?
Bạch Mai tức giận xen lời nói:
- Ngươi không được nói bậy! Thiên Lý Cô Hành Khách là sư phụ của ta.
Thì ra nàng định nói Thiên Lý Cô Hành Khách không tới Đồ Long đảo, người tới đó chỉ là Chúc Sĩ Ngạc thôi.
Ngờ đâu nàng nói như thế này lại khiến cho bốn đạo sỹ kia càng hiểu lầm thêm.
Thanh Lam đứng cạnh trong lòng lo âu hết sức, vì chàng nghe giọng nói của đối phương, thì hình như Hắc Y Côn Luân đã gây hấn với người ở trên đảo và hiện đang bị giam giữ. Bây giờ lại dây dưa thêm vào câu chuyện Thiên Lý Cô Hành Khách khiến cho sự hiểu lầm lại ngày càng thêm sâu đậm, nhất thời khó mà giải thích cho họ hiểu được. Huống hồ nếu mình nói rõ cho họ biết, tuy có thể rửa sạch được nỗi oan cho Bạch Mai, nhưng Tiểu Hồng lại là sư muội của Chúc Sĩ Ngạc. Như vậy thì khi nào họ lại chịu buông tha cho nàng? Người ta có lòng tốt theo mình tới đây, nhỡ người của Đồ Long đảo đánh hay hành hạ nàng, thì mình cũng không thể nào khoanh tay đứng yên mà không giúp nàng được.
Chàng đang cảm thấy khó xử, đạo sỹ nọ lại quát bảo tiếp:
- Đồ Long đảo này đang tìm kiếm Thiên Lý Cô Hành Khách, bây giờ các người lại dấn thân đến tận cửa như vậy! Hì hì! Họ Giang kia, các ngươi đã biết mấy thế Côn Luân kiếm pháp thì các ngươi cứ việc giở tài ba bản lãnh của mình ra đi, để bần đạo xem xem!
Thanh Lam đang định giải thích, nhưng nghe thấy lời nói của đối phương, hình như cho mình chỉ nhờ có kiếm pháp của phái Côn Luân thì may ra thắng thế của đối phương. Thanh Lam liền quay tít một vòng, và nhằm người đạo sỹ trẻ tuổi vẫn hay lên tiếng nói tấn công tiếp. Nhưng ba người nọ cũng đồng thời tưởng tường Thanh Lam đang múa kiếm đâm mình, nên mấy người đó cùng giơ kiếm lên phong tỏa. Khi chúng gạt ngang một cái mới biết kiếm thế của đối phương là ảo ảnh, nhưng chờ tới khi chúng phát giác thì kiếm của Thanh Lam đã nhanh như gió nhằm đầu đạo sỹ kia bổ xuống rồi.
Đạo sỹ ấy tự thị võ công của mình rất cao siêu, khi nào chịu lui bước và tránh né? Không những thế y còn quát lớn:
- Nhanh!
Y vẫn đứng yên, nhưng kiếm đồng của y bỗng ở bên cạnh người đưa ra.
Có lẽ cái câu "nhanh" ấy là ám hiệu riêng của chúng. Ba tên nọ hay tin cùng đồng thanh quát lớn, xoay đầu kiếm lại, nhằm Thanh Lam cùng đâm một lúc. Động tác của bốn người hầu như cùng ra tay một lúc vậy.
Thanh Lam chưa xuống tới mặt đất, thấy đạo sỹ nọ lên tiếng rồi họ không tránh né thì thôi chớ lại còn múa kiếm phản công, và giờ ba thanh kiếm ở phía sau ra mới thắng được họ thôi.
Nghĩ tới đó, chàng bỗng trợn ngược đôi lông mày lên, hào khí bộc phát, lớn tiếng cười và đáp:
- Tiểu sinh với thanh kiếm này ra ngoài giang hồ đã gặp khá nhiều cao thủ rồi, nhưng còn đấu với bốn vị đại huynh, tiểu sinh chả cần phải dùng đến Côn Luân kiếm pháp cũng chưa chắc đã thua quý vị đâu!
Bốn đạo sỹ ấy vốn là đệ tử đời thứ ba của Đồ Long đảo, ngày thường vẫn tự phụ, ngoài sư trưởng của bổn môn ra, chúng không còn coi các cao thủ của võ lâm Trung Nguyên vào đâu hết.
Lúc này, chúng nghe thấy Thanh Lam ăn nói ngông cuồng như thế, chúng liền nổi giận, quát lớn:
- Tiểu tử ngông cuồng thật!
Bốn thanh Đồng Da Kiếm đều nhằm Thanh Lam đâm tới.
Thanh Lam lớn tiếng cười, liền giở thế "Thông Thiên Triệt Địa", một thế đắc dụng cho Thất Tinh Kiếm, ánh sáng kiếm đã tỏa ra tứ phía, người theo kiếm mà chuyển động, đột nhiên tiến tới, giơ cánh tay phải lên, trường kiếm của chàng đã biến thành bẩy tám thanh kiếm một lúc, nhằm bốn đạo nhân đâm luôn.
Thế đó là thế kiếm cuối cùng của Thông Thiên kiếm pháp, tên là Truy Hồn Bát Kiếm. Lúc ấy kiếm ở trong tay Thanh Lam kêu veo véo, oai lực quả thật kinh người.
Vì thấy đối phương coi thường phái Không Động, Thanh Lam đã quyết định dùng Không Động kiếm pháp để đánh cho bốn người chịu phục, cho nên chàng vừa ra tay đã dùng tuyệt thế của pho Thông Thiên kiếm pháp tấn công tới tấp.
Truy Hồn Bát Kiếm tinh diệu nhất là ở chỗ tám kiếm cùng tấn công một lúc, có hư có thực và cũng là một thế kiếm để đối phó với bốn kẻ địch cùng một lúc thần diệu nhất. Vì thế kiếm ấy nhanh không thể tưởng tượng được khiến kẻ địch cứ tưởng kiếm hư là kiếm thực và kiếm thực là kiếm hư, và còn tưởng tượng Thanh Lam như có bẩy tám cánh tay nhằm mỗi người tấn công hai kiếm một lúc.
Bốn đạo sỹ kinh hoảng vô cùng, cùng múa tít bốn thanh Đồng Da Kiếm, nên bóng kiếm tựa như một tấm màn đồng bóng nhoáng và ở bốn mặt ghép vào giữa.
Không đợi chờ thế kiếm va đụng vào kiếm của mình cũng tấn công cùng một lúc, thật là trước sau bị địch tấn công như vậy, hình như chàng không có cách gì mà chống đỡ bốn thế tấn công như vậy.
Bạch Mai thấy thế kinh hãi đến thất thanh kêu "ủa" một tiếng, nhưng nàng đã nghe thấy có một tiếng hú thánh thót nổi lên, một luồng ánh sáng bạc bỗng tỏa ra làm lóe mắt mọi người.
Hoành Ni Lục Hợp, đây là thế kiếm tuyệt nhất trong pho Thông Thiên kiếm pháp, và oai lực của nó cũng không thể tưởng tượng được.
Đằng trước đằng sau Thanh Lam hai luồng bóng kiếm đồng va đụng vào luồng ánh sáng bạc kia, liền có tiếng kêu "bốp bốp". Hai luồng bóng kiếm đồng đó bỗng biến mất. Mọi người chỉ thấy bóng người thấp thoáng và nhìn kỹ mới hay bốn đạo sỹ đã có hai tên tay cầm kiếm gãy, sắc mặt nhợt nhạt, đứng đờ người ra như tượng gỗ. Có lẽ hai tên này đã sợ hãi quá nên mới có thái độ như vậy.
Quý vị nên biết môn phái của Đồ Long đảo môn quy rất nghiêm, mỗi đệ tử sau khi học thành nghề rồi, do sư trưởng đích thân ban cho một thanh kiếm Đồng Da (kiếm này làm bằng thân cây dừa đồng), nếu bị người ta chặt gẫy là do võ công của mình không được thuần thuộc để làm mất sĩ diện của sư môn đi, người đó sẽ bị trị tội rất nặng. Cho nên các môn hạ đệ tử của Đồ Long đảo rất quý trọng thanh kiếm đồng da ấy.
Lúc này hai tên bị Thanh Lam chặt gẫy kiếm như vậy, chúng không hổ thẹn và đau lòng sao được?
Đang lúc ấy, có một luồng gió thổi tới, và bỗng có một bóng người ở đâu nhảy xuống, lớn tiếng quát bảo:
- Thất Tinh kiếm là thần vật của đời thượng cổ, chặt vàng chém sắt như chém bùn vậy. Đây không phải là lỗi của các ngươi, vậy các ngươi mau lui xuống và cho phép được vào kho kiếm lãnh hai thanh kiếm khác!
Bốn đạo sỹ ấy đều cung kính vái chào, vâng dạ một tiếng rồi rút lui luôn.
Thanh Lam đưa mắt nhìn, mới hay người vừa phi thân tới đó là một ông già, tuổi chừng năm mươi, mặc cái áo dài màu vàng chỉ ngắn đến đầu gối, lưng cột sợi dây lụa vàng, mày dài mắt nhỏ, mặt đầy hồng quang, dưới cằm có một chòm râu xanh, chân đi đất, nhưng trông rất chính phái.
Đạo sỹ trẻ tuổi hay lên tiếng nói nhất muốn rút lui lại thôi và còn vái chào ông già rồi nói tiếp:
- Thưa sư phụ, bốn người này có hai người là sư muội và môn hạ của Thiên Lý Cô Hành Khách đấy.
Ông già mặt đỏ gật đầu, xua tay, đáp:
- Sư phụ biết rồi!
Bốn đạo sỹ ấy vâng lời, vội rút lui ngay.
Thanh Lam vội chắp tay vái chào và nói:
- Tiểu sinh nhất thời lỡ tay chặt gẫy trường kiếm của lệnh cao đồ, trong lòng rất không yên. Không biết lão trượng có phải là Thực Cô Tiên trong Đông Hải Tam Tiên đấy không? Tiểu sinh rất lấy làm thất lễ.
Ông già lớn tiếng cười ha hả và đáp:
- Giang thiếu hiệp không nên quá khiêm tốn như thế. Lão phu chính là Dương Chấn Cửu. Bốn vị ở xa tới không phải là chuyện dễ, xin mời vào trong đình này nghỉ ngơi.
Nói xong, ông ta giơ tay mời khách, rồi tiến thẳng vào trong Chỉ Túc Đình trước.
Tuy Thanh Lam thấy đối phương cử chỉ rất cao ngạo, nhưng lời nói lại rất khách khứa, chàng liền cùng Lan Nhi, Bạch Mai, Tiểu Hồng ba người theo Thực Cô Tiên vào trong đình. Mọi người vừa ngồi xuống thì đã có đạo đồng bưng nước lên mời.
Thanh Lam vội giới thiệu ba người cho Thực Cô Tiên và nói:
- Trước kia ở núi Thác Thành, tiểu sinh đã lỡ tay chặt gẫy mất hai cái móc ngọc trên chiếc Độc Băng Luân của Kỳ Thiên Hành, phải có Long Giác Giao mới có thể gắn lại được. Nhưng sau lại may mắn gặp được Đồng Địch Tiên đạo trưởng nên mới biết quý đảo có Long Giác Giao và lại còn cho phép người ta được đến lấy, tiểu sinh mới dám đường đột tới đây để xin chút ít. Nhưng nghe thuyền chài ở núi Đại Hàn nói thì đã có người đi thuyền đến quý đảo, mà theo lời họ mô tả hình dáng thì người đó hình như là Hắc Y Côn Luân Ma Lạc, đại sư huynh của tiểu sinh. Vả lại vừa rồi lệnh cao túc cũng có nhắc nhở tới, hôm qua có một môn hạ của phái Côn Luân đến đây xin Long Giác Giao, việc này cũng do tiểu sinh mà nên. Không biết người đó có phải là tệ sư huynh không? Chẳng hay lão trượng có thể cho tiểu sinh biết được không?
Thực Cô Tiên để ý nhìn, thấy Thanh Lam thao thao bất tuyệt nói như vậy nhưng vẻ mặt rất thành khẩn, liền gật đầu và mặt hơi lộ vẻ kinh ngạc, rồi thủng thẳng hỏi lại:
- Giang thiếu hiệp đã là môn hạ của phái Không Động, sao lại gọi Hắc Y Côn Luân là sư huynh như thế?
- Tiểu sinh chính là môn hạ của phái Không Động, nhưng được Côn Luân lão thần tiên đoái hoài, cho làm đệ tử ký danh.
Thực Cô Tiên vừa vuốt râu vừa gật đầu, nói tiếp:
- Phải, lệnh sư huynh Hắc Y Côn Luân có ở trên đảo thực!
Lan Nhi bỗng xen lời hỏi:
- Thưa đại bá bá, chẳng hay đại sư huynh của chúng tôi đang ở đâu thế?
Thực Cô Tiên nghe nói kinh ngạc hỏi lại:
- Cô nương cũng là môn hạ của phái Côn Luân đấy à?
Thanh Lam vội đỡ lời:
- Lan Nhi muội cũng là đệ tử ký danh của lão thần tiên đấy Thực Cô Tiên kêu "ồ" một tiếng, đưa mắt ngắm nhìn Lan Nhi rồi đáp:
- Hiện y đang bị giữ trong Đồng Da trận.
Lan Nhi nghe nói trợn tròn xoe đôi mắt, vội hỏi tiếp:
- Đại sư huynh bị giữ ở trong Đồng Da trận ư?
Thực Cô Tiên không trả lời mà chỉ nói với Thanh Lam tiếp:
- Theo luật lệ của Đồ Long đảo...
Tiểu Hồng bĩu môi khẽ nói:
- Sao lại có lắm luật lệ đến thế!
Thanh Lam sợ nàng không biết ăn nói làm mếch lòng đối phương nên vội đưa mắt ra hiệu.
Quả nhiên Thực Cô Tiên đã lộ vẻ mặt không vui nhưng chỉ một thoáng thôi, rồi ông ta lại nói tiếp:
- Theo luật lệ của bổn đảo, ai vào trong đảo lấy Long Giác Giao trước hết phải thắng được bốn người trông coi Trì Túc đình này trước, sau đó do sư huynh đệ lão đảm nhiệm chức tổng trực hỏi rõ người đó lấy Long Giác Giao về làm gì, rồi mới đưa người ấy theo đường chính mà vào trận. Nếu giữa đường người đó có gặp sự gì nguy hiểm thì cứ việc hô lên ba tiếng "Đồng Da lão thần tiên" là sẽ có người tiếp dẫn ra khỏi trận liền. Nhưng người đó phải suốt đời ở lại trên đảo và không chết chóc đâu. Nếu người nào tài ba cao siêu muốn vào lấy trộm Long Giác Giao thì cứ để mặc cho người đó tự tiêu tự diệt ở trong đảo.
Thanh Lam nghe nói lo âu vô cùng, vội hỏi tiếp:
- Xin hỏi lão trượng, tại sao đại sư huynh chúng tôi lại bị giam giữ ở trong trận như thế?
Thực Cô Tiên cau mày lại đáp:
- Lệnh sư huynh Hắc y Côn Luân không theo luật lệ của bổn đảo mà hành sự, lại thị có Côn Luân tuyệt học mà xông pha đây đó, và còn đả thương mấy đệ tử đời thứ ba của bổn đảo, vì thế y mới bị dụ vào trong Đồng Da trận, đến nay vẫn chưa ra được. Vì tôn sư của lão phu còn đang bế quan tu luyện, nên lão phu không dám tự tiện giải quyết việc này...
Lan Nhi hậm hực đỡ lời:
- Lam đại ca, đi! Chúng ta đi kiếm Hắc sư huynh, và cũng xem Đồng Da trận này lợi hại như thé nào mà lại giam giữ được môn hạ của phái Côn Luân như thế?
Thực Cô Tiên nghe nói liền biến sắc mặt ngay.
Vì mình được Hắc Y Côn Luân giải vây cứu nguy cho mấy lần, bây giờ Thanh Lam nghe thấy người sư huynh ấy bị giữ trong Đồng Da trận, máu trong người cũng sôi lên sùng sục ngay. Chàng lại nghe thấy Lan Nhi nói như thế, liền chắp tay vái chào Thực Cô Tiên và nói tiếp:
- Tiểu sinh được lão trượng chỉ điểm cho như vậy, rất lấy làm cảm ơn, nhưng đại sư huynh đã bị giam trong trận, bắt buộc phải vào trong trận tương kiến.
Nói xong, chàng vội đứng dậy, ba nàng nọ cũng đứng dậy theo.
Thực Cô Tiên mặt đang đỏ bừng, lại biến sắc lần nữa, và có vẻ lo âu là khác, nhưng vẫn cười ha hả, đáp:
- Vừa rồi thiếu hiệp đã thắng được đệ tử canh gác ở trước đình này, theo lệ thiếu hiệp có thể đi cửa chính mà vào trận, nhưng lão phu còn có một việc này muốn thỉnh giáo.
Nói tới đó, ông ta khẽ ra hiệu bảo Thanh Lam hãy ngồi xuống.
Thanh Lam thấy cử chỉ của ông ta như thế, thắc mắc vô cùng, và bụng bảo dạ rằng:
"Đối phương là đồ đệ của Đồng Da lão nhân, và cũng là lão đại của Đông Hải tam tiên, mới gặp gỡ mình lần đầu, sao lại có cử chỉ như vậy?".
Chàng vừa nghĩ vừa lên tiếng hỏi lại:
- Không biết lão trượng còn có việc gì chỉ giáo nữa?
Quả nhiên chàng nghe lời, lại ngồi xuống như cũ. Thực Cô Tiên thấy thế mặt tỏ vẻ mừng rỡ, chỉ thấy ông ta chấm nước trà viết lên trên bàn rằng:
"Trong khi gia sư tĩnh tọa, bất cứ tiếng động gì ở quanh ông ta mười trượng, ông ta đều nghe thấy hết. Côn Luân lão thần tiền là bạn cũ của ông ta, cho nên Hắc Y đại hiệp tuy bị giữ ở trong trận, nhưng không sao đâu. Thiếu hiệp không nên lỗ mãng.".
Thanh Lam đọc xong những chữ đó mới yên tâm, mặt lộ vẻ cảm ơn, gật đầu chào Thực Cô Tiên một cái.
Thực Cô Tiên lại lớn tiếng cười và nói tiếp:
- Vừa rồi lão phu nghe trực đình đệ tử nói trong bốn vị đây, có hai vị là tiểu sư muội và môn hạ của Thiên Lý Cô Hành Khách.
Chẳng hay chuyện đó có phải là chuyện thật không?
Thanh Lam đã biết dụng ý câu hỏi của ông ta, vội đáp:
- Lão tiền bối nói rất đúng. Thiên Lý Cô Hành Khách lão tiền bối ẩn cư ở Trường Hận cốc đã mấy chục năm, chưa hề bước chân khỏi núi bao giờ. Cô Bạch Mai đây chính là đệ tử duy nhất của ông ta đây.
Thấy Thanh Lam nói như vậy, Thực Cô Tiên kinh ngạc vô cùng, hai mắt đang lim dim bỗng trợn tròn xoe.
Thanh Lam thấy thế mỉm cười nói tiếp:
- Tiểu sinh ở Trường Cốc khẩu may mắn gặp được Đồng Địch Tiên Trà đạo trưởng và Xích Túc Tiên Lý đạo trưởng. Nghe hai vị ấy nói mới hay hai vị ấy tại sao lại kiếm tới Trường Hận cốc, là vì Thiên Lý Cô Hành Khách đã lên quý đảo phá phách và đả thương người, nhưng việc này là một người khác gây ra, chứ không phải Thiên Lý Cô Hành Khách lão tiền bối thực đã tới quý đảo.
- Thiếu hiệp nói như thế là nghĩa lý gì? Lão phu thật không hiểu chút nào.