Sơn Hà Bất Dạ Thiên

chương 167

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Nhân vật chủ chốt trong vụ án Hình châu – Tôn Thượng Đức đã chết trong ngục từ lâu, nhưng khi truy nguyên, các quan Đại lý tự và bộ Hình vẫn vạch trần được mạng lưới quan hệ nhằng nhịt đến tận gốc rễ này.

Vụ án bắt nguồn từ hành vi tham ô hủ bại, rút ruột kho phủ của bọn Tôn Thượng Đức – một lũ quan lại cấp thấp ngũ phẩm, lục phẩm. Đây thật ra không phải trường hợp cá biệt. Rất có thể những phủ khác trên khắp ba mươi sáu châu Đại Tống cũng phát sinh chuyện tương tự, song phần lớn đều được giấu giếm không để lộ sơ hở. Quan tham không đời nào bắt xuể, nhưng trận tuyết lớn ở Tây Bắc mười bảy năm về trước đã biến “chuyện nhỏ” của lũ quan tham này thành chuyện động trời.

Quan viên Đại lý tự ghi rõ vụ án vào tấu chương, đệ trình trước nhà vua.

Hoàng đế đùng đùng nổi giận.

Trong vô số kẻ dính líu đến vụ án này, người có cấp bậc cao nhất chính là Dư Triều Sinh.

Dư Triều Sinh bị truyền vào cung ngay trong đêm đó. Giữa điện Thùy Củng, hoàng đế lấy tấu chương các quan tố cáo Dư Triều Sinh quăng thẳng vào người anh ta.

Triệu Phụ: “Ngươi còn gì để nói không!”

Quyển tấu vụt hằn một vết trên quan bào Dư Triều Sinh. Anh ta gục đầu khom lưng, rút từ tay áo ra một bản tấu dâng lên hoàng đế. “Tội thần Dư Triều Sinh cúi xin bệ hạ tha thứ.”

Quý Phúc nhận quyển tấu của Dư Triều Sinh, đưa lên cho hoàng đế.

Hoàng đế mở tấu ra đọc lướt, đoạn nhếch môi cười khẩy. Ông vung tay, ném nốt quyển tấu này vào người Dư Triều Sinh. Triệu Phụ gằn giọng, nửa cười nửa không: “Trẫm thấy ngươi đã mưu toan sẵn rồi nhỉ! Có thật là mười bảy năm qua ngươi không mảy may hoài nghi chuyện hồi ấy không? Nếu Dư Hiến Chi nhà ngươi thành thật khai báo từ sớm, trẫm thậm chí đã có thể mở lượng hải hà.”

“Dư Hiến Chi ơi là Dư Hiến Chi, ngươi nghĩ trẫm khờ, hay ngươi cho rằng mình là kẻ dại?”

“Ngươi muốn trẫm thấy nhà ngươi ngu xuẩn hay khôn ngoan đây?”

Dù đã có chuẩn bị, Dư Triều Sinh vẫn không tài nào ngừng run khi đối mặt với cơn thịnh nộ của đấng thiên tử: “Thần không dám.”

Triệu Phụ: “Trẫm thất vọng về ngươi quá thể!”

Dư Triều Sinh thấy trong lòng lạnh toát. Anh ta ngước nhìn hoàng đế, nhưng ông ta không buồn nhìn xuống anh thêm lần nào.

Thật ra khi án Hình châu mới được Ngự sử tâu lên, Từ Bí đã hỏi Dư Triều Sinh xem có dính dáng đến không. Dư Triều Sinh đáp rằng “Không đời nào.” Quả đúng thế, anh ta không cùng một giuộc với lũ quan Hình châu chuyên đục khoét kia.

Thuở ấy, Dư Triều Sinh vừa mới đỗ Bảng nhãn, làm quan kinh thành được một năm thì bị phái đến Hình châu. Là quan từ nơi khác đến, anh ta đâu thể nhanh chóng nhập bọn với lũ quan cấp thấp ngũ, lục phẩm đó được, nên thật tình anh ta không hề dự phần trong vụ việc. Tuy nhiên, trong những năm được thuyên chuyển đi khắp nơi sau nạn tuyết Hình châu, Dư Triều Sinh đã từng bước thăng tiến và cũng từng bước trông tỏ quan trường.

Lúc bấy giờ ngoái nhìn lại, anh ta mới hiểu rõ sự khác thường rất nhỏ mình nhận thấy ở Hình châu hồi đó, mới ngộ ra bản chất vụ việc mà anh ta đánh hơi thấy manh mối, nhưng không dám liều lĩnh định luận vì hiềm tuổi quan còn non, kinh nghiệm còn ít ỏi.

Anh ta chưa từng tham ô tiền của phủ, nhưng không hề mù tịt.

Triệu Phụ lí nào lại không biết.

Bản tấu của Dư Triều Sinh chính là bức thư trần tình để thưa rõ việc mình chưa bao giờ ăn hối lộ, rằng mình hoàn toàn vô can trong vụ án Hình châu. Ấy thế mà Triệu Phụ lại hỏi anh ta “Có phải ngươi đã đoán ra chân tướng từ trước không?”, “Trong tấu chương ngươi chỉ nói mình vô can, nhưng không nói một chữ rằng ngươi biết từ sớm mà lại làm ngơ.”

Dư Triều Sinh không ngu, thế nên Triệu Phụ thừa biết người bề tôi này của mình nắm được chuyện đã lâu rồi.

Điều khiến Triệu Phụ căm tức là mười bảy năm về trước ông ta còn đích thân lên đàn trời cầu phúc, lòng nơm nớp sợ hãi. Vậy mà bây giờ nhìn lại, chuyện này chẳng phải thiên tai, càng chẳng phải do ông thiếu đức hạnh, mà là nhân họa!

Hôm sau lên triều, hoàng đế hạ chỉ bãi nhiệm tạm thời Thượng thư bộ Hình Dư Triều Sinh, bắt phải đóng cửa suy ngẫm tại nhà. Các tội quan khác trong vụ án Hình châu đồng loạt bị trừng phạt. Những cái tên nổi cộm nhất đều đã bị Đại lý tự tống giam ở thiên lao từ lâu, e chỉ còn nước rục xương trong tù.

Trong điện Tử Thần, Dư Triều Sinh tự tháo mão quan. Tả tướng Từ Bí cầm hốt ngọc, mắt nhìn xuống đất chẳng liếc ngang, không hề đứng ra xin tha cho người học trò của mình.

Bên kia, nhóm Hữu tướng Vương Thuyên và Thượng thư Tả bộc xạ Vương Trăn cũng để mắt nhìn mũi, mũi nhìn tim, ung dung thong thả cứ như chưa từng nhúng tay vào chuyện này.

Đường Thận đứng đầu hàng quan tam phẩm, sau các quan nhị phẩm. Cậu nhìn bóng lưng Dư Triều Sinh rời khỏi điện Tử Thần, bất giác tự hỏi rốt cuộc Dư Triều Sinh có biết ai đã hại anh ta không.

Là Vương Thuyên, Vương Trăn, và có lẽ là cả ân sư Từ Bí của anh ta cũng tưới thêm dầu vào lửa, phủi sạch quan hệ với anh ta.

Nhưng người đẩy anh ta đến kết cục ngày hôm nay, không phải ai khác, chính là bản thân anh ta.

Làm quan ở đời nào có dễ, làm gian thần đã khó, làm hiền thần càng khó hơn.

Vương Trăn chưa bao giờ đả động đến, nhưng từ lâu Đường Thận đã đoán được vì sao Vương đảng phải bày ra ván cờ to nhường ấy từ hai năm trước, hòng bứt quân cờ Dư Triều Sinh khỏi phe Từ đảng.

Hai năm trước, Triệu Phụ lâm trọng bệnh, nằm li bì trên giường rồng. Khi đó, tất cả mọi người đã nghĩ ông không thể gượng dậy nổi. Ngay cả Chu Thái sư trấn thủ Tây Bắc cũng phải trở về kinh sau nhiều năm để thăm hoàng đế. Điều bất ngờ là lần đó Triệu Phụ đã qua khỏi, nhưng kể từ ấy Vương Trăn cũng hạ quyết tâm phải chặt đứt cánh tay phải của Từ đảng.

Triệu Phụ rồi sẽ quy tiên, ngày đó có lẽ không còn xa xôi.

Trong ba hoàng tử, bất kể ai nối ngôi cũng không có lòng quyết đoán của Triệu Phụ, không thể một mình dẹp yên các luồng chính kiến trong triều đình nhằm thúc đẩy ty Ngân dẫn. Ngày ấy mới chỉ có ty Ngân dẫn, còn nay đã thêm cả lung tương. Cái trước sớm đã bộc lộ sức uy hiếp với thế gia đại tộc, và cái sau cũng chỉ cần mấy năm nữa thôi để bộc lộ tiềm năng thay đổi toàn xã hội.

Vai của Dư Triều Sinh là vai hiền thần, mà vai Vương Trăn cần đóng, chính là vai gian thần.

Chỉ khi nắm lấy quyền lực tuyệt đối, khiến toàn thể triều đình răm rắp nghe theo thì mới có thể làm việc muốn làm, làm việc cần làm.

Hiền thần không dễ, gian thần cũng không dễ!

Gần sang năm mới, vụ án Hình châu làm cả thành Thịnh Kinh xôn xao ầm ĩ, người người bất an. Tin mừng Tây Bắc thắng lớn đã phai nhạt ít nhiều, kèm theo đó là những trận tuyết dầy ngày ngày phủ kín Thịnh Kinh khiến tòa thành mênh mông càng nhợt nhạt và vắng lạnh đến khôn cùng.

Đường Thận vâng lệnh vào cung. Lúc về, Đại thái giám Quý Phúc tiễn cậu ra cửa.

Đường Thận nói: “Công công vẫn khỏe chứ? Hôm nay trời rét mướt, đất đóng băng, công công phải chú ý giữ gìn hơn đấy.”

Quý Phúc cười xòa: “Để Đường đại nhân nhọc lòng quan tâm rồi. Thuốc cao dạo trước Đường đại nhân tặng cho đúng là thuốc tiên.”

Đường Thận khẽ mỉm cười.

Ngay sau ngày Đường Thận mang thành phẩm mới của máy dệt vải vào cung, cậu liền nghe kể mình vừa rời cung thì Thủ lĩnh Thái giám Quý Phúc cũng vác cái mặt đỏ tấy ra khỏi điện Thùy Củng. Chuyện này hết sức lạ kì, Đường Thận cũng không biết cớ sao đang yên đang lành mặt Quý Phúc lại sưng. Song vì đã thấm nhuần tác phong của Vương Trăn, cậu chẳng nghĩ ngợi nhiều, gửi ngay thuốc kim sang tốt nhất Bách Bảo Các vào cung cho Quý Phúc.

Vì so sánh Đường Thận với hoạn quan mà Quý Phúc phải tự phạt mười cái tát, vốn lão đang oán Đường Thận lắm. Nhưng rồi khi nhận được thuốc Kim sang thượng hạng thì lão cũng nguôi giận ít nhiều, bèn nửa cố ý, nửa vô tình mà kể lại chuyện phát sinh hôm đó cho Đường Thận.

Đường Thận hết sức ngỡ ngàng, cậu không ngờ mình chiếm vị trí cao đến thế trong lòng Triệu Phụ.

Hôm đó, Đường Thận bèn soạn một phần lễ thật hậu đưa sang nhà Quý Phúc ở ngoài cung.

Quý Phúc làm bộ chối từ, Đường Thận chân thành nói: “Công công bị thương vì ta, lễ này cũng như lời xin lỗi của ta vậy. Công công không nhận chẳng hóa vẫn giận bản quan đó ư?”

Quý Phúc liền nhận ngay.

Lão xúc động nói: “Trận tuyết này to lắm đấy, Đường đại nhân đi đường cẩn thận nhớ.”

Đường Thận: “Đa tạ công công.”

Quý Phúc vờ như vô tình, nói: “Nhìn trận tuyết này, nô tỳ lại nhớ hôm qua quan gia phê tấu chương đã phán một câu, rằng tuyết năm nay đúng là lớn thật, nhưng phương Bắc đã quen với tuyết lớn nên dân chúng đề phòng kĩ lưỡng, chứ tuyết này mà trút xuống những vùng như Tây Nam, Hình châu, e lại gây tai họa.”

Đường Thận đưa mắt lên nhìn lão.

Cậu nói: “Đúng là thời buổi nhiễu nhương.”

Quý Phúc cười: “Rồi sẽ gió đứng sóng êm cả thôi. Đường đại nhân đi thong thả.”

Ngày hăm bốn tháng Chạp năm Khai Bình thứ ba mươi sáu, Thượng thư bộ Hình Dư Triều Sinh bị biếm tới Xương châu làm phủ doãn.

Hôm đó, Dư Triều Sinh ra đi trên cỗ xe ngựa đơn sơ, thầm lặng rời kinh không hề báo cho bất cứ ai. Đến hành trang anh ta cũng thu xếp xong từ sớm, lên đường không nấn ná dù chỉ một ngày.

Đêm hai chín tháng Chạp trước giao thừa, hoàng đế bày tiệc ở các Yến Xuân, vời quần thần vào chung vui năm mới.

Trong buổi tiệc, chúng thần tử cạn chén hăng say, mặt mày hoàng đế cũng rạng rỡ.

Đường Thận là Hữu thị lang tam phẩm bộ Công, nhưng nhờ chức danh nhị phẩm Tán kỵ thường thị mà được ngồi giữa hàng ngũ quan nhị phẩm. Cậu rì rầm trò chuyện với Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng, nơi khóe mắt vẫn liếc thấy ba vị hoàng tử ngồi ở vị trí trên cao.

Mạnh Lãng nhìn theo tầm mắt cậu: “Nghe nói Nhị hoàng tử bị thương khi chiến đấu với người Liêu ở U châu. Có vẻ là bị thương cánh tay đấy.” Mạnh Lãng chỉ cánh tay trái của Nhị hoàng tử Triệu Thượng, quả nhiên thấy cánh tay ấy cứng đơ suốt, không nhúc nhích lần nào.

Đường Thận: “Ba vị hoàng tử đều xả thân vì nước, lòng thương dân như con rõ rành rành.”

Mạnh Lãng nghe thế thì nhòm Đường Thận từ trên xuống dưới, miệng lẩm bẩm: “Đúng là càng ngày càng y sì Vương Tử Phong!”

Đường Thận không nghe rõ tiếng lầu bầu của ông, ánh nhìn của cậu dừng ở ba vị hoàng tử hồi lâu.

Vào thời điểm hai nước Tống Liêu giao chiến, Triệu Phụ xua cả ba người con trai của mình đến U châu. Tới U châu rồi, dĩ nhiên cả ba phải vắt óc tìm cách cống hiến, những mong lập nên chiến công. Khổ nỗi, các hoàng tử đã bao giờ điều binh khiển tướng đâu. Dù họ có giành nhau xin đánh thế nào trước mặt Chu Thái sư đi chăng nữa, ông cũng chẳng đoái hoài đến họ.

Ba vị hoàng tử sốt ruột như ngồi trên đống lửa.

Sau rốt, Nhị hoàng tử Triệu Thượng giành được cơ hội lĩnh quân ra trận. Không biết là ngoài ý muốn hay cố tình mà cuối cùng anh ta đã bị thương, để rồi giờ đây, anh ta về kinh cùng với vết thương trên mình.

Trong các Yến Xuân, Nhị hoàng tử giữ nguyên cánh tay trái cứng đờ, tha thiết dõi mắt về phía hoàng đế hết lần này tới lần khác. Tiếc thay, Triệu Phụ chẳng buồn ngó ngàng đến anh ta.

Đôi mắt lấp lánh của Triệu Thượng ảm đạm dần.

Ngân khế trang ba mươi sáu châu, đại chiến Tống Liêu, hiệp ước Tiêu châu, vụ án Hình châu…

Năm Khai Bình thứ ba mươi sáu khép lại trong một trận tuyết trắng trời.

Lúc bá quan rời cung từ các Yến Xuân, Đường Thận đã khoác thêm áo đại sưởng da cáo. Cậu ra đến cửa Tuyên Vũ thì thấy xe ngựa treo đèn Thượng thư Tả bộc xạ chờ sẵn ngoài cổng cung từ lâu. Cửa sổ xe bằng gỗ đào được chống lên thành khe hở chừng một bàn tay, phả ra một thứ hương vừa nhạt lại vừa nhã.

Đó là mùi hương đã gắn liền với Vương Tử Phong theo năm tháng.

Đường Thận leo lên xe. Trong xe, Vương Trăn đang cầm một chiếc ngọc bội, ngắm nghía tỉ mỉ dưới ánh nến lù mù.

Đường Thận nhìn chàng không dời mắt: “Sư huynh ngắm thứ ấy làm chi thế?”

Vương Trăn nhẹ tay cất ngọc bội đi: “Nó là quà tiểu sư đệ tặng ta mà.”

Sau khi Đường Thận ngồi vững chỗ, xe ngựa nhanh chóng lăn bánh về phủ Thượng thư.

Buổi tiệc trong các Yến Xuân là yến tiệc cung đình mà hoàng đế chiêu đãi quần thần. Các món trong tiệc toàn sơn hào hải vị do đầu bếp hoàng cung chế biến nên hiển nhiên là thức quý ở đời. Thế nhưng đã là cung yến thì chẳng quan nào còn bụng dạ ăn uống trước mặt hoàng đế. Đường Thận chưa no, bèn quen tay lần mò một lát trong xe ngựa Vương Trăn, quả nhiên tìm được mấy món điểm tâm Thái Kỳ trai.

Đang cầm miếng bánh ăn dở, Đường Thận chợt nghe Vương Trăn nói nhẹ như lông hồng: “Gia Luật Xá Ca tức vị rồi.”

“Khụ khụ khụ khụ…” Đường Thận suýt chết nghẹn vì miếng bánh, vội vã tu một hớp trà thật to. Xuôi họng rồi, cậu ngẩng lên nhìn Vương Trăn sửng sốt: “Gia Luật Xá Ca lên ngôi á? Tay Nhị hoàng tử nước Liêu ấy ư?”

Ánh mắt Vương Trăn nhìn cậu đượm ý cười, chàng gật đầu đáp: “Phải.”

Đường Thận: “…”

Cậu chưa hết sợ, bèn để bánh ngọt ra xa một tí, khẽ khàng hỏi: “Thật hay giả mà sư huynh nói nhẹ tênh như bảo ‘tối nay mình ăn cua’ thế hở?”

Vương Trăn nhướng một bên mày: “Thế tiểu sư đệ cảm thấy ta nên nói chuyện này bằng giọng điệu nào?”

Đường Thận nghĩ ngợi một lát: “… Huynh cứ nói thế đi.”

Con người Vương Tử Phong luôn tạo cho người ta ấn tượng không chuyện gì có thể khiến chàng thất kinh. Vua Liêu tức vị thì đã sao? Chẳng phải chỉ lên ngôi thôi à…

Đường Thận luôn cảm giác mình theo Vương Tử Phong lâu thế, dường như cũng trở nên bình tâm trước mọi biến cố, có sự thay đổi sâu sắc về giá trị quan.

Ở nơi khác, khi tiệc trong các Yến Xuân đã tàn, Triệu Phụ cũng biết tin Nhị hoàng tử nước Liêu kế vị.

Lúc đó Triệu Phụ đương ở tẩm cung của phi tử, sắp sửa đi ngủ. Phản ứng của ông khi nghe tin từ thám báo cũng giống hệt như Vương Tử Phong. Vị hoàng đế Đại Tống chỉ “Ờ” một tiếng rất đơn giản, chẳng để vào đầu.

Hoàng đế mới của nước Liêu là ai, có quan trọng không?

Không hề.

Nay nước Liêu đã lập Hiệp ước Tiêu châu với Đại Tống, nay nước Liêu đã mất đi mười vạn quân Sói Đen, chỉ còn là cái bóng của một đất nước lớn rất hung hăng từng khiến người ta nghe tiếng đã sợ mất mật.

Triệu Phụ nhắm mắt, hồi tưởng lại vô số chuyện.

Chuyện ba mươi sáu năm về trước khi ông vừa nối ngôi, người Liêu tấn công nhân lúc triều đình rối ren bất ổn.

Chuyện hai mươi sáu năm về trước, ông thân chinh cầm quân, chật vật chiến thắng nước Liêu để sau rốt, giành về một bản hòa ước mà họ phải nhẫn nhục thỏa hiệp vì mục đích lâu dài.

Ba mươi sáu năm ông ở ngôi, tuy Đại Tống từng phải đối mặt với thiên tai, nhân họa, tuy cả triều đình không phải ai ai cũng trong sạch, nhưng bách tính đã hưởng trọn ba mươi sáu năm yên vui thái bình!

Vậy ông đã để lại gì cho người đời sau?

Ông để lại một tấm bản đồ toàn vẹn, ba châu quy về lãnh thổ Đại Tống. Ông để lại Ngân khế trang trải khắp ba mươi sáu châu. Ông để lại lung tương – niềm hi vọng mà Đường Thận nhen nhóm, ông để lại ba mươi sáu năm Khai Bình mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an!

Hôm nay hoàng đế nghỉ ở cung Trân phi – tức mẹ ruột của Nhị hoàng tử Triệu Thượng.

Từ dạo chính biến cung đình năm năm về trước, nỗi sợ hãi trước hoàng đế càng khắc sâu vào lòng Trân phi. Bà hầu vua đi ngủ mà cẩn thận từng li từng tí.

Nến được thổi tắt, ánh trăng im ru chiếu vào trong điện.

Trân phi tim đập chân run mãi, đến lúc sắp sửa ngủ thì bỗng nghe Triệu Phụ hỏi: “Tay Triệu Thượng bị thương ở U châu à?”

Trân phi sợ rùng cả mình, suýt thì bật dậy trên giường. Bà se sẽ đáp: “Vâng…”

Triệu Phụ không nói gì nữa.

Trân phi thấp thỏm ngóng chờ thật lâu, lúc này bà chẳng còn buồn ngủ chút nào.

“Phi bầu bạn với trẫm được ba mươi năm có lẻ rồi nhỉ.”

Trân phi nhoẻn miệng cười: “Thần thiếp vào cung từ năm Khai Bình thứ ba.”

Triệu Phụ hỏi rất thản nhiên: “Trẫm có phải hoàng đế tốt không?”

Trân phi máy mắt, trống ngực đổ dồn. Có thể sinh được hoàng tử và sống yên ổn trong hậu cung suốt ngần ấy năm, Trân phi đích xác là người hiểu hoàng đế. Bà ngước mắt nhìn lên, ánh trăng hắt vào làm những nếp nhăn trên gương mặt nhà vua nom tựa như những rãnh núi.

Bà nhớ về Triệu Phụ mà mình gặp thuở mới vào cung ba mươi ba năm về trước.

Triệu Phụ chẳng được coi là anh tuấn.

Thái hậu càng chẳng phải trang tuyệt sắc giai nhân. Trong mấy hoàng tử của tiên đế, người khôi ngô phi phàm nhất phải kể đến tiên thái tử. Hồi chưa vào cung, Trân phi từng may mắn trông thấy tiên thái tử từ xa trong một buổi cung yến. Người ấy đích thực là tiên cõi trời dạo bước nhân gian, thoáng chốc đã hớp hồn bà. Thử hỏi thành Thịnh Kinh thời bấy giờ có người con gái nào không thầm thương trộm nhớ Triệu Tuyền?

Tiếc thay Triệu Tuyền mất sớm. Bà vào cung và trở thành phi của Triệu Phụ.

Ra triều đình Triệu Phụ chuyên quyền độc đoán, về hậu cung ông chưa một lần để tâm. Lúc hoàng hậu còn sống, bà quản lí hậu cung có nền có nếp; lúc hoàng hậu đi, hậu cung chẳng loạn bao giờ. Nay ngẫm lại, có lẽ mỗi người đàn bà trong hậu cung đều ôm nỗi sợ hãi tột cùng trước Triệu Phụ. Dù Triệu Phụ hiếm khi nổi cơn thịnh nộ trước mặt các bà, nhưng các bà vẫn chẳng dám khinh nhờn ông.

Ba mươi ba năm bầu bạn, Nhị hoàng tử đã qua tuổi nhi lập.

Giờ ngắm nhìn Triệu Phụ, Trân phi hốt nhiên nhận ra dung mạo đẹp như người trời của tiên thái tử trong kí ức đã phai mờ từ lâu. Bao năm qua, người bà hằng nhớ nhung, người được bà may áo cho mỗi đêm về, người bà dùng mọi cách để chiếm lấy cảm tình, người khiến bà hồn vía lên mây, từng phút từng giây vẫn luôn là Triệu Phụ.

Trân phi đã trót thương ông mất rồi, bà dịu dàng nói: “Trong lòng thần thiếp, bệ hạ là vị hoàng đế tuyệt vời nhất.”

Triệu Phụ cúi đầu nhìn bà.

Ông cười bảo: “Phi già rồi.”

Không biết Trân phi lấy đâu ra can đảm, đánh bạo đáp: “Chẳng phải bệ hạ cũng thế sao?”

“Ha ha ha ha ha.”

Trân phi hẵng còn sợ sệt, tay ấn lên ngực, nghe rõ tiếng tim đập thình thịch giữa đêm khuya.

Bà thầm tự hỏi: Có lẽ nào đêm nay hoàng đế đang vui thật?

Cơn buồn ngủ ập đến, Trân phi từ từ thiếp đi.

Hôm sau là giao thừa, bá quan đã được nghỉ từ lâu nên không cần vào triều. Bọn thái giám đều túc trực ngoài tẩm điện.

Trân phi thức giấc, thấy hoàng đế còn say ngủ, bà bèn nhón gót ra ngoài cung điện. Đến tận lúc mặt trời lên cao ba sào mà hoàng đế vẫn chưa dậy, Trân phi mới đi vào khẽ giọng đánh thức ông. Gọi mấy tiếng mà ông không đáp, Trân phi thất kinh, tá hỏa hô Quý Phúc từ ngoài cửa vào, làm Quý Phúc cũng tái mét vì sợ.

Trân phi lẩy bẩy giơ tay chạm vào người Triệu Phụ.

Thế rồi bà ngã bệt xuống đất.

Quý Phúc mặt cắt không còn hột máu. Giây lát sau, Trân phi thảm thiết hô toáng lên: “Mau gọi thái y, gọi thái y!”

Hoàng đế chưa băng hà nhưng tái phát bệnh cũ, hôn mê bất tỉnh.

Tết năm Khai Bình thứ ba mươi bảy, cả hoàng cung nháo nhác. Có gương tày liếp khi xưa, ba hoàng tử dẫu muốn vào cung xem bệnh tình vua cha cũng sợ giẫm phải vết xe đổ năm năm về trước. Chờ hai ngày trôi qua, cả ba mới vào cung hầu bệnh.

Lần này, bệnh tình của Triệu Phụ hết sức nghiêm trọng.

Từ mùng bốn Đường Thận đã vào cung diện thánh, tiếc rằng hoàng đế chưa tỉnh nên cậu không gặp được ông.

Lần trước nhà vua lâm trọng bệnh, Chu Thái sư chờ tận hai tháng sau mới về kinh, còn dẫn theo cả một thần y. Lần này có lẽ do linh tính mách bảo, Chu Thái sư về Thịnh Kinh từ mùng bảy tháng Giêng và cũng dẫn theo vị thần y kia.

Thần y lưu lại hoàng cung cả tháng trời mà Triệu Phụ vẫn không hồi tỉnh.

Trên triều đình, lòng bá quan ai ai cũng có toan tính.

Còn trong hoàng cung, ba vị hoàng tử không khác gì ngồi trên bàn chông. Hơn bao giờ hết, họ ý thức được mình đã cách ngôi cửu ngũ rất gần. Song vụ chính biến cung đình năm năm về trước quả thực đã khiến bọn họ rái đến già, không một ai dám manh động. E rằng trên đời chẳng có đứa con trai nào khiếp sợ cha mình đến như thế, khiếp như một bầy chuột nhắt hoảng loạn.

Năm Khai Bình thứ ba mươi bảy, ngày mười ba tháng Hai.

Ở bộ Công, Đường Thận đang bàn bạc với thợ mộc về cách cải tiến lung tương nhằm nâng cao hiệu suất, giảm thiểu mức tiêu hao năng lượng. Có quan sai đến báo: “Bệ hạ đã tỉnh, Tả bộc xạ đại nhân mời Hữu thị lang đại nhân vào cung ạ.”

Đường Thận cả kinh, tức tốc vào cung.

Khi Đường Thận đến ngoài điện Thùy Củng, rất nhiều quan viên đã có mặt đông đủ nơi đây.

Trông thấy Vương Trăn, Đường Thận bèn tới bên chàng. Hai người trao nhau một ánh mắt, Vương Trăn đặt ngón trỏ lên môi, khẽ “suỵt” một tiếng. Đường Thận đưa mắt nhìn xuống, đi ra sau lưng Vương Trăn, không nói năng gì.

Đợi đến lúc ác vàng xế bóng, thỏ ngọc lưng trời, Đại thái giám Quý Phúc mới đi từ trong điện Thùy Củng ra.

Cái giọng the thé của thái giám giữa lúc đêm hôm nghe mới chói tai làm sao: “Truyền Tả tướng Từ Bí, Hữu tướng Vương Thuyên vào chầu.”

Từ tướng và Vương tướng lập tức đi vào điện Thùy Củng.

Ngót nửa giờ sau, hai người ra khỏi đại điện với nét mặt hoàn toàn khác nhau.

Từ Bí nói: “Về cả đi, long thể bệ hạ bất an, không phải đứng chầu đâu.”

Bá quan nhất tề đáp: “Vâng.”

Sau khi rời khỏi hoàng cung, Đường Thận và Vương Trăn sang phủ Hữu tướng liền.

Vương Thuyên thấy họ thì cười gượng: “Ta biết hai con đến để nói gì. Nhưng các con nên hỏi sau khi ta và Từ Bí cùng vào thì đã nói gì và được nghe những gì. Dĩ nhiên ta sẽ không giấu các con đâu. Hai đứa theo ta vào đây.”

Hai người đi theo Vương Thuyên vào thư phòng, chỉ thấy Vương Thuyên ấn ấn lên giá sách, đoạn lấy ra một chiếc hộp nhỏ nhắn đầy tinh xảo.

Ánh mắt Vương Trăn rung lên, chàng ngẩng lên nói: “Trong này là…”

Vương Thuyên: “Phải, chính là chiếu truyền ngôi đấy.”

Đường Thận thầm kinh hãi.

Vương Thuyên nói tiếp: “Hộp này do ta giữ, nhưng hai con có thấy ổ khóa bên trên không? Chìa khóa ổ này đang nằm trong tay Từ Bí. Thế nên rốt lại, chiếu thư trong hộp viết gì ta không biết, Tả tướng cũng không biết.” Vương Thuyên thở dài: “Ai mà tưởng tượng nổi hoàng đế lại sắp đặt như vậy chứ!”

Chiếu truyền ngôi do cả Từ Bí lẫn Vương Thuyên bảo quản.

Hai người là hai đảng phái đối địch với nhau, nếu một trong hai phe nảy sinh ý đồ làm loạn, dứt khoát không thể lừa được phe còn lại.

Hơn nữa, khi hoàng đế mới lên ngôi, cả hai người đều có công phò vua. Dẫu bước sang triều vua mới thì phe nọ cũng không dễ gì lấn lướt phe kia. Hành động rất đỗi đơn giản này thôi đã khiến bao công sức loại bỏ bằng được Dư Triều Sinh của Vương đảng đổ sông một nửa!

Vương Trăn không khỏi bật cười.

Vương Thuyên: “Con còn cười được à?”

Vương Trăn hỏi ngược lại ông: “Thế con phải làm sao đây, khóc ư?”

Vương Thuyên chẳng nói chẳng rằng, chỉ lườm chàng một cái, thở dài: “Than ôi, chẳng biết chuyện này là tốt hay xấu, cũng không rõ bệ hạ còn gắng gượng được bao lâu nữa đây!”

Câu nói ấy in sâu vào lòng Đường Thận. Hôm sau, cậu bình thản tới điện Cần Chính, tình cờ gặp viên Khởi cư lang trực ở điện cùng ngày.

Người này họ Tề, là Trạng nguyên năm Khai Bình thứ ba mươi sáu. Anh ta vừa lên chức Khởi cư lang vào tháng mười một năm ngoái, làm chưa được mấy hôm thì hoàng đế ngã bệnh nặng nên phải chầu cạnh nhà vua mê man suốt từ dạo ấy, cả ngày chẳng ghi chép được gì.

“Hạ quan Tề Phùng bái kiến Hữu thị lang đại nhân.”

Đường Thận nhẹ nhàng “ừ’ một tiếng: “Đang vào cung làm việc đấy hở?”

Tề Phùng: “Bẩm đại nhân, đúng thế ạ.”

Đường Thận không hỏi thêm nữa, cậu tránh sang một bên cho Tề Phùng đi trước. Tề Phùng hết sức ngỡ ngàng, rồi lấy làm biết ơn lắm, rảo bước đi vào trong cung.

Sau khi tỉnh lại, Triệu Phụ chỉ gặp mỗi Từ Bí và Vương Thuyên. Suốt hai ngày sau đó ông không gặp thêm ai.

Có quan đoán, khéo phen này hoàng đế cũng biến hiểm thành an, yên ổn khỏi bệnh giống như hai năm trước. Song Đường Thận biết, Chu Thái sư còn túc trực suốt ở kinh thành không đi, dễ có khi Triệu Phụ không cầm cự được quá mùa xuân này thật.

Ngày mười bảy tháng Hai, Triệu Phụ cho vời Thượng thư Tả bộc xạ Vương Trăn và Tham tri chính sự điện Cần Chính Tô Ôn Duẫn vào cung yết kiến.

Bọn họ cũng không vào cung cùng một lúc. Khéo làm sao, Tô Ôn Duẫn vừa ra khỏi cung thì chạm trán Vương Trăn.

Tô Ôn Duẫn liếc chàng nửa cười nửa không, Vương đại nhân thong dong điềm tĩnh vào cung. Đến tối về phủ, hai người Vương Đường dùng bữa xong, Vương Trăn mới lấy một vật từ tay áo ra, thuận tay để “cạch” lên bàn.

Hành động của chàng tự nhiên đến nỗi Đường Thận không cảm thấy có gì sai ở đây, nên chỉ liếc nhìn lấy lệ.

Đến lúc thấy rõ thứ trên bàn, Đường Thận mới biến sắc, chộp lấy nó.

“Gì đây?”

Vương Trăn cười nhẹ tênh: “Kim bài miễn tử.”

Đường Thận: “…”

Dĩ nhiên cậu biết nó là kim bài miễn tử!

Hóa ra phim truyền hình chuẩn thật, trên thế giới thực sự có kim bài miễn tử, còn được chế tác sao cho người ta vừa trông thấy đã biết nó là kim bài miễn tử nữa chứ!

Đường Thận suy nghĩ: “Hoàng thượng ban cho huynh lúc vào cung yết kiến hôm nay à?”

Vương Trăn khẽ gật đầu.

Khóe miệng Đường Thận máy một cái, cậu để kim bài xuống bàn, nhớ tới một chuyện: “Huynh nói xem, hôm nay bệ hạ triệu cả huynh và Tô Ôn Duẫn vào cung một lượt, ban cho huynh kim bài miễn tử, thế Tô Ôn Duẫn thì được cái gì?”

Vương Trăn: “Tại sao cứ nhất thiết phải ban thưởng cho Tô Ôn Duẫn?”

Đường Thận: “Ơ?”

Vương Trăn khẽ cau mày, ra vẻ quan tâm thiên hạ, đau đáu âu lo: “Vương Tử Phong ta đây thanh liêm chính trực có đất trời chứng giám, một lòng vì nước chẳng nề sống chết, nhờ thế mà được ban tấm kim bài miễn tử này. Tên Tô Ôn Duẫn ấy chắc chẳng được ban thưởng gì đâu, chưa biết chừng hoàng thượng còn đòi của y cái gì ấy chứ?”

Đường Thận: “…”

Người đâu mà dơ quá đáng!

Rốt lại Tô Ôn Duẫn có được cái gì không, chẳng cứ Đường Thận, ngay cả thái giám Quý Phúc cận kề bên Triệu Phụ còn không biết nữa là.

Sau hôm vào cung yết kiến nhà vua, Tô Ôn Duẫn khởi hành đến U châu.

Chỉ mấy ngày sau, Vương Tiêu gửi thư từ Tây Bắc về cho Đường Thận. Đường Thận bóc ra xem thì bật cười liền.

Sau khi lên ngôi, Nhị hoàng tử Gia Luật Xá Ca của nước Liêu lập tức thanh trừng các phần tử đối lập trước nhất nhằm củng cố quyền lực. Lần này Gia Luật Xá Ca tức vị được hoàn toàn là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của quan lại miền Nam. Vì thế, sau khi nối ngôi, Gia Luật Xá Ca cất nhắc hàng loạt các quan miền Nam, thay đổi cục diện quý tộc nắm quyền lực tuyệt đối trong triều đình nước Liêu.

Loạn trong thù ngoài không dứt, đây đúng là thời kì rối ren của nước Liêu.

Bận rộn suốt cả tháng trời, Gia Luật Xá Ca mới nhớ ra một chuyện. Y triệu tâm phúc lâu năm của mình, người đã từng là Tả bình chương chính sự phủ Tích Tân, hiện giờ là Vương tử Thái bảo nước Liêu – Tiêu Châm. Vị vua mới của nước Liêu nhỏ giọng hỏi lão: “Trẫm nhớ ngươi có quen một nhà buôn trà nước Tống phải không?”

Một giọt mồ hôi rỏ xuống từ gương mặt múp míp của Tiêu Châm: “Dạ, đúng là thần có quen một nhà buôn trà người Tống.”

Nụ cười lạnh toát xuất hiện trên gương mặt thanh tú của Gia Luật Xá Ca, y dịu giọng nói: “Nhà buôn trà đó có một cậu con trai.”

Tiêu Châm ngẩng đầu, kinh ngạc thốt lên: “Bệ hạ còn nhớ con trai người buôn trà đó ư?” Lão tỏ vẻ nuối tiếc, “Lái buôn ấy tên là Kiều Cửu – một thương nhân khôn khéo và cừ khôi. Năm ngoái con trai hắn mất vì bệnh tật ở quê nhà, Kiều Cửu quá đỗi đau lòng nên đã về quê lâu rồi. Từ bấy đến nay, thần chưa từng gặp lại Kiều Cửu.”

Gia Luật Xá Ca ngây ra vì ngỡ ngàng.

Đôi mắt Tiêu Châm trong sáng, lồ lộ vẻ tiếc nuối.

Gia Luật Xá Ca nhìn lão chằm chặp hồi lâu, lặng thinh không nói một lời.

Tiêu Châm phát rợn tóc gáy trước cái nhìn của y, không dám mở miệng.

Mãi sau, Gia Luật Xá Ca mới bảo: “Lui đi.”

“Vâng.”

Dĩ nhiên Gia Luật Xá Ca không tin lời nói của một mình Tiêu Châm. Tuy Tiêu Châm không có động cơ để làm chuyện khi quân, nhưng Gia Luật Xá Ca vẫn phái người đi điều tra xem sao. Kết quả điều tra giống hệt như những gì Tiêu Châm kể, lái buôn trà người Tống đã rời Liêu từ năm ngoái, không hề quay lại. Không ai biết có thực hắn đã ra đi vì con trai mắc bệnh rồi chết không, nhưng đúng là hắn đã biến mất không thấy tăm hơi.

Vua Liêu nhắm mắt, hồi tưởng về một thoáng mê hồn thuở ấy.

Khi mở mắt ra, Gia Luật Xá Ca lạnh nhạt phất tay, gạt phăng khỏi tâm tưởng chút xuyến xao còn sót lại.

Chuyến này Tô Ôn Duẫn đến U châu chính là để rút Kiều Cửu về và sắp đặt lại bên Liêu.

Kiều Cửu về, song quân cờ Tiêu Châm đã sớm được họ gài sẵn bên Gia Luật Xá Ca. Tiêu Châm đã thực hiện quá nhiều hành vi phản quốc, nếu phát sinh chuyện gì, Gia Luật Xá Ca dứt khoát sẽ phanh thây lão ra làm trăm mảnh. Lão đã lên “thuyền giặc” rồi, không còn đường để quay đầu.

Tô Ôn Duẫn thu xếp ổn thỏa xong bèn nói với Vương Tiêu: “Lần này có lẽ là lần cuối cùng trong đời ta đến Tây Bắc. Kể từ giờ trông cậy hết vào các ngươi đấy.”

Vương Tiêu kính cẩn chắp tay hành lễ: “Hạ quan tuân lệnh.”

Nếu không có thư của Vương Tiêu, Đường Thận cũng không biết bên nước Liêu xảy ra nhiều chuyện đến thế.

Cuối tháng Hai, Tô Ôn Duẫn về kinh, có cả Lý Cảnh Đức đi cùng.

Lý Cảnh Đức về kinh đến ngày thứ hai đã được triệu vào cung diện thánh.

Người ta kể rằng hôm đó Chinh Tây Nguyên soái rời cung với cặp mắt đỏ hoe. Không ai biết Triệu Phụ nói gì với hắn trong cung, nhưng kể từ ngày ấy, hắn trấn thủ Tây Bắc đến tận cuối đời.

Hoàng đế dưỡng bệnh trong cung, Đường Thận tiếp tục cải tiến lung tương ở bộ Công cùng các thợ.

Năm Khai Bình thứ ba mươi bảy, mùng sáu tháng Ba, sức khỏe hoàng đế đột nhiên khá lên. Ông có thể xuống giường đi bách bộ trong ngự hoa viên.

Buổi chiều hôm sau, Triệu Phụ truyền cho Đường Thận vào điện Thùy Củng.

Đường Thận mặc quan bào mới tinh, cúi đầu theo thái giám vào cung.

Lúc Đường Thận vào điện, Triệu Phụ không nằm trên gường rồng nghỉ ngơi mà đang ngồi ghế đọc sách.

Đường Thận hành lễ xong, Triệu Phụ nói: “Các người lui hết đi.”

Trong điện Thùy Củng thênh thang nhường ấy, bỗng chốc chỉ còn lại mình Triệu Phụ và Đường Thận.

Ánh mắt Đường Thận khẽ chuyển động, song cậu không làm gì bồng bột. Mấy ngày nay, quan viên vào điện Thùy Củng yết kiến hầu như chỉ gặp vua một mình, không có bất cứ ai khác hiện diện.

Ấy là hoàng đế đang dặn dò hậu sự.

Đường Thận vẫn khom lưng. Triệu Phụ mỉm cười nhìn cậu. Giọng ông thấp và từ tốn, nhưng khác với trước đây, ông nói chậm là bởi hơi thở phập phù, gần như đứt hẳn.

“Cảnh Tắc, hãy ngẩng đầu lên.”

Đường Thận ngẩng đầu.

“Ngươi có biết trẫm đang đọc sách gì không?”

Đường Thận liếc nhìn bìa sách, khi thấy rõ chữ đề trên ấy thì tâm thần run rẩy. Cậu chắp tay thưa: “Thần không biết.”

Triệu Phụ: “Là cuốn Khang sử huấn sách do Chung Thái Sinh biên soạn.”

Ông nói dứt câu, cả điện Thùy Củng lặng ngắt như tờ.

Mãi sau, Triệu Phụ mới bỏ sách xuống bàn, thản nhiên nói: “Cảnh Tắc, ngươi vào triều làm quan đã lâu, trẫm muốn hỏi ngươi rằng…”

“Trong lòng ngươi, trẫm có phải hoàng đế tốt không?”

Đường Thận trả lời không chút chần chừ: “Phải ạ, trong lòng thần, bệ hạ là một đấng minh quân.”

Triệu Phụ: “Một đấng minh quân là như thế nào?”

Đường Thận: “Bệ hạ chinh phạt nước Liêu, giành lại đất đai đã mất để giang sơn Đại Tống ta được toàn vẹn; bệ hạ mở ty Ngân dẫn, thiết lập Ngân khế trang Đại Tống ở khắp muôn nơi… Không có điều gì bệ hạ làm mà không phải vì muốn đời sau!”

Triệu Phụ cười một tiếng: “Thế so với Triệu Tuyền thì sao?”

Đường Thận ngây người.

Hồi lâu sau, cậu đáp: “Thần không biết Triệu Tuyền là ai.”

Triệu Phụ nghiêng mình về trước, rạp nửa người trên bàn, nhìn Đường Thận chăm chăm qua đôi mắt trĩu nặng dấu ấn thời gian nhưng vẫn còn sáng rỡ.

Đường Thận điềm tĩnh đứng yên, tuyệt nhiên không tỏ ra hãi sợ hay lúng túng.

Triệu Phụ: “Không biết thật hả?”

“Không ạ.”

Giọng Triệu Phụ lào thào: “Thái tử của tiên đế, và cũng là huynh trưởng của trẫm tên là Triệu Tuyền.”

Đường Thận cúi đầu lặng im.

Triệu Phụ cười: “Nếu Chung Thái Sinh là tôi hiền giúp nước, Triệu Tuyền là vua, so ra thì trẫm sẽ thế nào nhỉ?”

Đường Thận vẫn một mực nín thinh.

Thình lình Triệu Phụ quát: “Đường Cảnh Tắc, người thấy thế nào!”

Đường Thận đáp không kiêu không hèn: “Thần ra đời vào năm Khai Bình thứ mười một, chưa bao giờ chứng kiến cái cảnh mà bệ hạ nói đến. Kể từ khi nhớ được đến giờ, thần đã biết mình sống ở thời Khai Bình, Đại Tống chỉ có đúng một vị vua là Khai Bình hoàng đế. Thần không phải tiên, làm sao biết nổi những chuyện chưa từng xảy ra? Thế nhưng thần biết rõ, trong vòng năm trăm năm tới, không gì có thể vượt qua nổi những điều bệ hạ đã làm.”

Triệu Phụ cười khe khẽ.

“Cảnh Tắc, trong triều đình này, người trẫm tin tưởng nhất… chính là ngươi!”

Đường Thận nhìn Triệu Phụ đăm đăm, rạp người xuống vái: “Thần nguyện khom mình tận tụy vì bệ hạ đến hơi thở cuối cùng.”

Đường Thận rời khỏi điện Thùy Củng nhằm lúc bên ngoài nắng ấm chan hòa, đúng là cảnh đẹp ngày xuân.

Ánh nắng chói chang chiếu vào mặt làm cậu không thấy rõ màu trời, người chao đảo mất một lúc mới đứng vững được.

Quý Phúc thấy cậu đi ra thì nghĩ Đường Thận ở trong điện lâu thế, hẳn hoàng đế cũng ban thưởng cho cậu giống như bọn Vương Trăn. Lão nháy mắt với Đường Thận, nói: “Để nô tỳ gọi người dẫn Đường đại nhân rời cung.”

Đường Thận gật đầu đáp: “Cảm phiền công công.”

Một tiểu thái giám dẫn Đường Thận rời cung, Quý Phúc nhìn theo bóng lưng cao thượng mảnh mai của cậu, nói với con nuôi Tạ Bảo đứng bên: “Hôm nay ta mới nhận ra, Đường Cảnh Tắc vào triều làm quan chỉ có mười năm thôi, nhưng quan gia thật sự tin cậy và cực kì yêu thích cậu ấy.”

Tạ Bảo thì thào: “Cha nuôi ơi, vì sao lại thế? Con thấy quan gia cũng thích các ngài Vương Trăn, Tô Ôn Duẫn lắm chứ.”

Quý Phúc lắc đầu: “Không giống đâu. Cha cũng không biết là vì đâu, nhưng con người Đường đại nhân có gì đó hoàn toàn khác biệt so với những người khác. Hiển nhiên cậu ấy không sáng suốt tinh tường như Vương Tử Phong, cũng không sở hữu thủ đoạn tàn nhẫn dữ dội như Tô Phỉ Nhiên, nhưng đúng là rất khác biệt.”

Tạ Bảo vẫn mù mờ: “Khác ở chỗ nào cơ ạ?”

Quý Phúc mấp máy môi nhưng chẳng thể giải thích thành lời, bèn cáu kỉnh nạt: “Phắn đi lo việc của mày đi!”

Tháng Ba xuân về, cả khu vườn thắm sắc xuân tươi, không khí yên ả xưa kia đã quay lại triều đình Đại Tống.

Không một ai bàn tán về tình hình long thể hoàng đế, cũng không ai có gan nghĩ tới.

Thành Thịnh Kinh chốn chốn bình yên an lành. Những người duy nhất đứng ngồi không yên e chỉ có ba vị hoàng tử đang sốt ruột trông ngóng ngai vàng. Ấy thế mà hoàng đế vẫn khỏe mạnh, đến ngày hai mươi bốn tháng Ba, ông còn thiết triều lại!

Ba hoàng tử đâm ngẩn tò te.

Ngay cả Vương Trăn cũng rất ngỡ ngàng, chàng bảo Đường Thận: “Tu tiên có lợi thật thế chăng? Tiểu sư đệ à, hay là chúng mình cũng thử tí nhỉ?”

Đường Thận – người theo chủ nghĩa vô thần: “…”

Nhưng chưa đầy hai hôm, hoàng đế đã tặng Vương Trăn một bằng chứng sống về việc tu tiên là vô ích, trên đời chẳng có người trường sinh.

Ngày hai mươi tám tháng Ba năm Khai Bình thứ ba mươi bảy, giữa đêm khuya, hoàng đế bất ngờ đổ bệnh nặng trong tình trạng thở dốc, mặt mày tím tái.

Đại thái giám Quý Phúc tức tốc truyền lệnh cho bá quan vào cung.

Đang ngủ ngon thì bị triệu tập đột ngột, tất cả các quan kinh thành từ tứ phẩm trở lên cùng cuống quýt thay quan bào, rẽ màn đêm vào cung.

Trong điện mé của điện Thùy Củng là các phi tần hậu cung và các hoàng tử, hoàng tôn đang khóc rấm rứt không thôi.

Ngoài điện Thùy Củng là bá quan văn võ do Tả tướng Từ Bí cùng Hữu tướng Vương Thuyên dẫn đầu.

Tô Ôn Duẫn đứng giữa hàng ngũ quan văn, mặt không biểu cảm cúi nhìn xuống đất, chẳng biết đang suy nghĩ điều gì.

Vương Trăn đứng trên hàng đầu, lặng im nhìn cửa điện Thùy Củng đóng kín mít, sắc mặt bình tĩnh.

Đường Thận đứng phía sau hai người, trông nét mặt không rõ cảm xúc.

Giờ Sửu một khắc, các thái y trong điện Thùy Củng nối đuôi nhau xách hòm thuốc ra ngoài. Trông thấy vậy, bá quan đã có suy đoán rồi.

Lúc ấy Đại thái giám Quý Phúc đi từ trong điện ra, hô to: “Truyền Hữu thị lang bộ Công Đường Thận vào yết kiến!”

Giữa đêm đen, khắp nơi rộ tiếng xôn xao.

Ngay cả Vương Trăn cũng ngỡ ngàng ngó sang Đường Thận, nhưng rồi như hiểu ra điều gì, chàng nhìn vào mắt cậu đầy vững tin.

Nỗi kinh sợ trong lòng Đường Thận không hề ít hơn các quan ngoài điện chút nào. Cậu hoang mang cực kì, nhưng rồi khi ngẩng lên và đón được ánh mắt Vương Trăn, không hiểu sao cậu chợt thấy vững lòng hẳn.

Đường Thận chỉnh trang quan bào, sải bước ra khỏi hàng ngũ quan viên, đặt chân lên bậc thềm điện Thùy Củng.

Mắt đỏ hoe, Quý Phúc khe khẽ bảo: “Mời Đường đại nhân vào.”

Lão đẩy cửa ra, Đường Thận bước vào.

Vừa vào điện, Đường Thận đã bị nhấn chìm bởi mùi thuốc xộc thẳng tới. Khói đàn hương bồng bềnh trong điện, Đường Thận lần bước tới tẩm cung của hoàng đế theo trí nhớ. Cậu không vào trong, chỉ đứng ngoài cất cao giọng: “Thần – Đường Thận xin được yết kiến.”

Trong buồng mãi chẳng có tiếng vọng ra.

Đường Thận bèn lặp lại câu nói ấy.

Lúc bấy giờ, giọng nói yếu đến nỗi không nghe ra nổi của Triệu Phụ mới vang lên: “Vào đi.”

Đường Thận: “Vâng.” Cậu đẩy cửa tiến vào.

“… Đến cạnh trẫm.”

Tiếng hoàng đế rời rạc, gần như chẳng liền mạch nổi thành câu.

Đường Thận đi tới bên giường rồng. Vừa cúi xuống nhìn cậu đã bàng hoàng.

Cậu suýt không nhận ra Triệu Phụ lúc này!

Các cụ có câu trông “như đèn cạn dầu”, cách ví von này với Đường Thận mà nói vốn chỉ là bốn chữ trên giấy mà thôi. Thế mà giờ đây trông gương mặt gầy guộc vàng như nến của Triệu Phụ, cậu bất giác ngộ ra hàm ý của bốn chữ ấy.

Triệu Phụ thật sự không còn nhiều thời gian!

Triệu Phụ mở mắt nhìn cậu rất lâu, cười bảo: “Có biết… vì sao trẫm chỉ gọi mình ngươi không?”

Đường Thận cúi đầu đáp: “Thần không rõ.”

Triệu Phụ: “Đến giờ, trẫm vẫn muốn hỏi ngươi một câu… Trẫm rốt cuộc có phải một vị vua tốt không?”

Đường Thận thấy họng mình nghẹn ứ.

Hai mươi mốt ngày trước, Triệu Phụ đã hỏi y hệt khi gọi cậu vào điện Thùy Củng diện kiến. Câu trả lời của cậu khi đó là…

“Phải, trong lòng thần, bệ hạ là một đấng minh quân.”

Triệu Phụ hốt nhiên có sức hẳn. Ông chống tay nhấc người dậy, nhìn Đường Thận trừng trừng, nói rành rọt từng chữ: “Vậy ngươi hãy nhắc lại theo trẫm. Trẫm giết anh chiếm ngôi, trẫm xóa sổ đảng Tùng Thanh, trẫm bức tử Chung Thái Sinh, ân sư Lương Bác Văn của ngươi tự sát cũng vì trẫm… Ngay cả thế, trẫm, vẫn là vị vua tốt!”

Đường Thận từ từ ngẩng đầu lên, lặng im nhìn nhà vua trước mặt mình.

Triệu Phụ: “Nhắc lại đi, đúng y lời trẫm.”

Đường Thận vẫn nhìn ông, không nói không rằng.

Triệu Phụ nghiêm giọng: “Đường Cảnh Tắc, ngươi định kháng chỉ hay sao!”

Cả điện Thùy Củng nguy nga như thế chỉ có mình Đường Thận và Triệu Phụ, song cậu biết, Triệu Phụ chỉ cần hô một tiếng thì bất cứ lúc nào quân Ngự Lâm canh gác ngoài điện cũng có thể ập tới áp giải cậu vào thiên lao.

Đại Tống không xử trảm quan văn, không có nghĩa quan văn không thể chết trong ngục.

Giống như đầu sỏ vụ Hình châu – Tôn Thượng Đức.

Giống như Chung Thái Sinh.

Nhưng Đường Thận vẫn lặng thinh như trước.

Triệu Phụ trợn mắt nhìn cậu, mắt ông như sắp rách cả ra.

Sau rốt thì Đường Thận cũng mở miệng. Cậu thi lễ trước nhất, đoạn nói: “Bệ hạ giết anh cướp ngôi, bệ hạ xóa sổ đảng Tùng Thanh, bệ hạ bức tử Chung Thái Sinh… Ân sư Lương Bác Văn của thần cũng tự vẫn vì bệ hạ. Ngay cả thế, ngài vẫn là một đấng minh quân.”

Triệu Phụ bỗng đuối sức, nằm bệt xuống giường rồng, ngả đầu lên tấm phủ giường vàng óng, cười như ứa nước mắt.

“Bệ hạ có biết vì sao Lương Bác Văn chết không?”

Tiếng cười của Triệu Phụ im bặt. Ông ngước mắt lên nhìn Đường Thận chòng chọc.

Đường Thận bình thản đáp: “Thần sinh ra vào năm Khai Bình thứ mười một, chưa bao giờ có cơ may chiêm ngưỡng phong tư trác việt của tiên thái tử, cũng chưa bao giờ có vinh hạnh quen biết Chung đại nho. Thế nhưng thần được nghe không chỉ một người kể rằng ba mươi bảy năm về trước Chung Thái Sinh uyên thâm bác học đến nhường nào, tiên thái tử thấu đạt sáng suốt ra làm sao.”

Triệu Phụ vẫn cứ nhìn Đường Thận mà không cắt lời cậu.

“Nghe đồn, bệ hạ đã bắn mũi tên giết chết Tiên thái tử trên cổng Tuyên Vũ.”

“Đường Cảnh Tắc!” Triệu Phụ gầm lên mắng.

Đường Thận vẫn điềm nhiên: “Nghe đồn trước ngày ấy, bệ hạ từng rất khăng khít với tiên thái tử. Tiên thái tử đối xử với bệ hạ vô cùng tử tế, mà bệ hạ cũng hết lòng ngưỡng mộ tiên thái tử.” Cậu ngưng lời một thoáng rồi mới nói tiếp: “Những điều này thần đều ‘nghe’ trong Khởi cư chú chép từ thời Tiên đế. Bệ hạ biết đấy, thần có tài đọc một lần là nhớ ngay. Thứ gì thần đã xem qua thì không bao giờ quên được.”

Đường Thận: “Thần không rõ, lẽ nào lòng ngưỡng mộ của bệ hạ với Tiên thái tử thực chất là giả vờ sao?”

Dường như đã bị chọc tức, Triệu Phụ trông khá giận dữ. Đến giờ phút này mà Đường Thận vẫn còn tâm trí để nghĩ, giả sử cậu làm Triệu Phụ uất đến chết thật thì hôm nay điện Thùy Củng ắt có một người nữa chầu trời, mà người ấy dễ là cậu.

Triệu Phụ giận quá hóa cười. Ông nhìn Đường Thận, bảo: “Trẫm giả vờ nhiều thứ, song việc này thì chưa hề.”

Đường Thận: “Thế vì sao bệ hạ phải bắn chết Triệu Tuyền?”

Tự dưng cái tên này được cất lên, Triệu Phụ run bắn, ông gần như buột miệng thốt lên: “Ngươi không xứng nhắc đến cái tên ấy!”

Đường Thận sững người.

Triệu Phụ cũng sửng sốt, rồi dần dần tĩnh trí lại. Không khí tiêu điều trong điện Thùy Củng càng khiến ông bình tâm hơn. Ông ta cười: “Trẫm vẫn cảm thấy ngươi khác hẳn so với những kẻ khác. Nhưng khác ở đâu thì quả tình trẫm không rõ. Có thật là ngươi không hiểu vì sao trẫm phải bắn chết Triệu Tuyền và đoạt lấy ngôi hoàng đế của hắn không?”

Đường Thận cúi đầu không lên tiếng.

Triệu Phụ: “Đường Cảnh Tắc, ngẩng lên nhìn trẫm.”

Đường Thận ngẩng đầu.

Triệu Phụ cười hỏi cậu: “Nếu hôm nay trẫm nhường ngôi cho ngươi, liệu ngươi có muốn không?”

Đường Thận ngây người. Cậu chưa kịp đáp, Triệu Phụ đã nói: “Ngươi không muốn.”

Đường Thận trầm ngâm giây lát, nói: “Thần đâu có tài làm minh quân.”

Triệu Phụ: “Ngươi thấy đấy, người khác nói câu này nghe giả lắm, nhưng khi ngươi nói ra thì trẫm biết ngươi không dối lòng. Nếu đặt câu hỏi này cho Vương Tử Phong, cho Tô Phỉ Nhiên, có lẽ chúng cũng đáp rằng không muốn, nhưng ngay khi trẫm hỏi, chúng chắc chắn sẽ dao động, sẽ ngẫm ngợi về điều ấy. Chỉ riêng ngươi là chẳng nghĩ suy gì về ngôi hoàng đế.”

“Trên đời có ai không khát khao làm hoàng đế cơ chứ?”

“Trẫm sống hơn sáu mươi năm mà chưa từng thấy ai không muốn làm hoàng đế cả. Dù chỉ trong chớp mắt thôi, người ta đều có ham muốn đấy.”

“Còn ngươi thì không, quả thật ngươi chưa bao giờ nghĩ tới điều đó.”

Triệu Phụ im lìm hồi lâu, giọng ông lắng dịu: “Vì sao ngươi không muốn làm hoàng đế?”

Đường Thận nhìn mãi gương mặt không còn sinh khí của Triệu Phụ. Cậu nói: “Tôi nghĩ, hà cớ gì nhất định phải có một người thống trị muôn người.”

Bộ mặt của Triệu Phụ như sụp đổ bất thình lình, rạn ra một vết.

Mãi sau, Triệu Phụ ngỡ như đã cạn kiệt sinh lực: “Đây là lí do ngươi khác với họ ư?”

Đường Thận kính cẩn thưa: “Nếu có khác, thần trộm nghĩ, hẳn là vì lẽ này.”

Triệu Phụ mỉa mai: “Nếu lòng ngươi đã nghĩ về trẫm như vậy, cớ sao bây giờ ngươi còn khiêm tốn nhún mình trước trẫm, cớ sao còn tự xưng là ‘thần’?”

“Quan hệ xã hội không có khả năng phát triển trong một sớm một chiều. Hiện giờ Đại Tống được dẫn dắt bởi một vị hoàng đế, một đấng minh quân mới là con đường phù hợp nhất.” Đường Thận nói, “Thần biết thế nào là ‘nhập gia tùy tục’, có lẽ bệ hạ cảm thấy thần đang nói nhăng nói cuội, nhưng thần không thẹn với lòng mình. Có lẽ đến cuối đời thần cũng không chứng kiến được ngày ấy, nhưng thần sẵn lòng thúc đẩy Đại Tống đến chân trời đó.”

“Ngươi có biết những gì mình đang nói có thể khiến trẫm giết ngươi ngay lập tức không!”

Đường Thận: “Thần biết. Bây giờ đến phiên bệ hạ trả lời câu hỏi của thần. Vì sao bệ hạ phải bắn chết Triệu… tiên thái tử?”

Ngỡ như vừa nghe một chuyện quá đỗi hài hước, Triệu Phụ đáp: “Thiên hạ có ai không muốn làm vua?”

Đường Thận sững sờ.

Triệu Phụ nhắc lại: “Trừ Đường Cảnh Tắc nhà ngươi ra, cả thiên hạ này có ai mà không muốn làm hoàng đế! Trẫm muốn làm hoàng đế, thế là sai à!”

“Trẫm không sai, từ trước đến giờ trẫm chưa hề sai!”

“Tại sao thiên hạ này không thể thuộc về trẫm? Vì sao trẫm phải bắn chết Triệu Tuyền? Bởi vì trẫm muốn làm hoàng đế, làm hoàng đế đấy!”

Đường Thận: “Vậy tiên thái tử, Chung Thái Sinh, đảng Tùng Thanh… đã sai ư?”

Ánh mắt Triệu Phụ rừng rực: “Thắng làm vua, thua làm giặc.”

Đường Thận lặng im nhìn Triệu Phụ, chừng như muốn nhìn thấu ông ta. Sống ở đời hơn sáu mươi năm, đây là lần đầu tiên Triệu Phụ hơi ngần ngại khi đối diện với ánh mắt của một người trẻ tuổi. Thế rồi ông ta thấy Đường Thận cười. Từ khi vào điện Thùy Củng đến giờ, đây là lần đầu tiên cậu cười: “Phải. Thắng làm vua, thua làm giặc. Tiên thái tử thua cuộc nên bị bắn chết trên cổng cung; Chung Thái Sinh thua nên bị hạ độc chết trong tù. Mọi thứ trên thế gian này chỉ gói gọn trong mấy chữ thắng làm vua, thua làm giặc. Nhưng bệ hạ ơi, theo lời ngài thì thiên hạ này chẳng có ai không muốn làm hoàng đế; nếu ngài đã thắng, vì sao ngài không trả lại thanh danh cho họ trong sử xanh!”

Lần đầu tiên Đường Thận cảm nhận được niềm căm phẫn: “La đại học sĩ chết vì muốn lấy mạng mình gióng lên hồi chuông đồng trong sách sử, tuyên bố với người đời rằng đảng Tùng Thanh đã chịu oan khuất.”

“Lương tiên sinh chết, là bởi ông muốn lấy cái chết tuyên bố với người đời rằng đảng Tùng Thanh ngậm oan.”

“Ở rất nhiều nơi mà ngài không thể thấy, có một viên tiểu lại vùng nọ, có ông lão cử nhân miền quê đã cùng bỏ mạng. Cái chết của họ chẳng được ghi một chữ vào sách sử, nhưng bọn họ vẫn chết chỉ để không luống thẹn với lương tâm, chết vì chút công bằng, thanh thản trong lòng họ!”

“Đúng, trên đời có ai mà không muốn làm hoàng đế?”

“Nhưng tại sao ngài không chừa cho họ dù chỉ một chút trong sạch cuối cùng?”

“Từ mười một năm về trước tôi đã không hiểu có thứ gì trên đời mà lại quan trọng hơn cả sinh mạng, có thứ gì đủ sức khiến tiên sinh cam lòng quyên sinh để tỏ chí.”

“Song tôi chưa bao giờ cần hiểu điều ấy. Tôi chỉ cần biết, cái chết của tiên sinh vẫn không rửa nổi tiếng oan cho các ngài ấy.”

“Về phần mình, điều tôi có thể làm là dành cả đời này trả cho họ những trang sử còn mãi!”

Tiếng Triệu Phụ vang lên như lời cảnh cáo: “Đường Cảnh Tắc, thắng làm vua, thua làm giặc! Hôm nay trẫm muốn ngươi chết ở đây thì ngươi cũng phải xuống đất mà bầu bạn với bọn chúng!”

Đường Thận lớn tiếng nói: “Phải, thắng làm vua, thua làm giặc. Tôi có chết ở đây, bất quá cũng chỉ là một cái mạng. Nhưng tôi tin chắc trên đời luôn có người bất bình. Bệ hạ, ngài giết được một Đường Cảnh Tắc, nhưng ngài có giết nổi lê dân khắp thiên hạ không!”

“Khai Bình hoàng đế Triệu Phụ giết anh giết cha là bất trung bất hiếu; Khai Bình hoàng đế Triệu Phụ tàn sát trung lương là bất nhân bất nghĩa.”

“Nhưng Khai Bình hoàng đế Triệu Phụ có công bình định loạn Tây Bắc, thu hồi đất đai từng mất; ông ta xây đập, mở đường; ông ta lập ty Ngân dẫn, phổ biến Ngân khế trang… Ông ta tin tưởng giao phó cho tôi – một kẻ quá đỗi tầm thường, chế tạo hàng loạt lung tương vì phúc của thiên hạ.”

“Ông ta để một phản thần nói thánh nói tướng trước mặt mình, nhưng đến giờ phút này vẫn chưa một lần muốn kẻ ấy phải chết!”

Chứng kiến vẻ mặt bàng hoàng của Triệu Phụ, mắt Đường Thận cũng đỏ au, cậu cười: “Có đấng minh quân bực này, Đại Tống may mắn biết chừng nào.”

“Đổi lại là tôi, cả đời này tôi không làm nổi một phần mười những gì ngài đã thực hiện. Những ba mươi bảy năm thiết triều chưa một lần ngơi nghỉ, Triệu Tuyền đâu bằng một phân của ngài!”

“Bệ hạ, vì sao từ bấy đến giờ ngài vẫn không thể quên đi người khác? Ngài chính là ngài, là hoàng đế Khai Bình của nước Đại Tống.”

“Cũng chính ngài, là người đáng để tôi cam tâm tình nguyện cúi đầu xưng thần.”

“Thần không biết Triệu Tuyền, thần chỉ biết hoàng đế Khai Bình của Đại Tống ta mà thôi.”

Năm năm trước, trên điện Thùy Củng, Tả tướng Kỷ Ông Tập khi phẩy tay áo ra đi đã bỏ lại một câu…

“Trần đời có ai không thích Triệu Tuyền!”

Hôm nay, Đường Thận dõng dạc tuyên bố…

“Thần chẳng biết Triệu Tuyền, thần chỉ biết Khai Bình hoàng đế!”

Triệu Phụ ngỡ ngàng nhìn Đường Thận. Hốt nhiên ông bật cười, những giọt nước mắt đục ngầu cũng lăn xuống theo nụ cười ấy.

“Giờ ngươi đã đoán ra ai là kẻ lừa Chung Thái Sinh giúp trẫm giành ngôi hoàng đế ba mươi bảy năm về trước chưa?” Như một trưởng bối dẫn từng bước đi, Triệu Phụ mỉm cười nhìn Đường Thận, ôn hòa hỏi cậu.

Đường Thận trầm mặc trong giây lát. Những ngón tay cậu siết chặt thành đấm, giờ cậu mới phát hiện lòng bàn tay mình đã đẫm mồ hôi.

“Biết rồi ạ.”

Triệu Phụ cười: “Sách sử không dễ sửa vậy đâu. Nếu ngươi sửa lại, con trẫm sẽ không chấp thuận, cháu của trẫm cũng không chấp thuận. Đường Cảnh Tắc, thắng làm vua, thua làm giặc, sáu chữ này trẫm tặng cho ngươi. Nếu ngươi thực sự sửa thành công, khi ấy nhớ đốt một quyển xuống cho trẫm, để trẫm xem thử xem sau khi chết trẫm đã thua thế nào.”

Đường Thận: “Bệ hạ!”

“Lui xuống đi.”

Đường Thận cắn răng, xoay người rời bước.

Trên giường rồng, Triệu Phụ cười: “Chuyện lung tương đến giờ trẫm vẫn không hiểu. Nhưng mấy trò tân kì ấy khiến trẫm cảm thấy không thiết thực chút nào. Thứ ấy chắc chẳng tốt lành gì.”

Đường Thận lặng yên không đáp.

Triệu Phụ: “Trẫm ban cho Vương Tử Phong một tấm kim bài miễn tử duy nhất, cả thiên hạ không có tấm thứ hai. Nhưng trẫm để cho ngươi một tờ chiếu đằng sau bức hoành ba chữ trong điện Cần Chính.”

Đường Thận sửng sốt nhìn Triệu Phụ.

“Tờ chiếu đó viết gì, bây giờ trẫm không nói cho ngươi biết đâu. Trẫm tin rằng nếu không đến nước vạn bất đắc dĩ, ngươi sẽ không mở nó ra.”

“Lui xuống đi.”

Đường Thận chần chừ không đi.

Triệu Phụ đành nói: “Lần này trẫm cho ngươi lui thật!”

Đường Thận nhìn ông thật kĩ, rồi xoay người rời đi.

Điện Thùy Củng khôi phục sự tĩnh lặng vốn có.

Một lúc lâu sau, có bóng người cao lớn kì vĩ bước ra từ sau tấm bình phong vẽ ngàn non vàng rực.

Chu Thái sư với mái đầu bạc trắng sải bước tới bên giường, nắm bàn tay hoàng đế giơ lên.

Triệu Phụ nhìn người thầy của mình. Cảm nhận sinh mạng vùn vụt trôi đi, ông không kìm nổi nỗi sợ trước cái chết: “Thái sư, Thái sư, trẫm sợ quá, trẫm sợ quá…”

Chu Thái sư riết chặt tay ông.

“Bệ hạ, lão thần ở đây.”

“Thái sư có thấy Triệu Tuyền không?”

“Bệ hạ.”

“Ở nơi ấy, hắn đang chờ trẫm, chờ trẫm đến tìm hắn…”

Lòng Chu Thái sư nghẹn ngào, không cất nên lời.

Triệu Phụ lẩm bẩm lung tung hồi lâu, rồi bỗng bình tĩnh lại.

Ông thều thào hỏi: “Sau khi trẫm mất, Thái sư còn bảo vệ Đại Tống bao lâu?”

Chu Thái sư nhìn đức vua. Bao năm trấn thủ Tây Bắc đã quen với sinh ly tử biệt, mắt Thái sư lần đầu nhoà lệ: “Bệ hạ hỏi chuyện ấy làm chi? Ngài đi rồi, nước Đại Tống này sẽ chẳng còn liên quan đến ngài nữa. Lão thần đã khi nào không thấu nỗi trăn trở trong lòng ngài? Ngài làm được rồi, ngài thật sự đã làm được rồi.”

Từ trong đôi mắt Triệu Phụ ánh lên một vệt sáng ngời ngời. Giây lát sau, vệt sáng ấy bỗng lịm đi.

Ông siết tay Chu Thái sư, nói đứt quãng nhưng hết sức quả quyết: “Bắn… bắn chết… Triệu Tuyền… Ba mươi bảy năm qua, chưa ngày nào, trẫm, trẫm hối hận…”

Nụ cười bất đắc dĩ hiện lên trên gương mặt cương nghị của Chu Thái sư.

Hoàng đế Đại Tống mở to mắt nhìn trân trối rèm giường vàng óng. Thế rồi, ông chầm chậm khép đôi mắt mỏi mệt.

Ngày mười tám tháng Ba năm Khai Bình thứ ba mươi bảy, hoàng đế băng hà, thiên hạ khóc thương thê thiết.

Đất nước không thể thiếu vua một ngày. Tả tướng Từ Bí và Hữu tướng Vương Thuyên mở chiếu truyền ngôi, tôn Nhị hoàng tử Triệu Thượng lên làm vua, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa.

Lúc đó, cạnh một ao cá ngoài thành Cô Tô có hai ông lão đang tựa vào bàn thả câu.

Một cụ bảo: “Rốt lại là con trưởng.”

Cụ kia đáp: “Truyền cho ai mà chả thế. Trong lòng người ấy đâu có ai ngoài bản thân.”

“Ta đoán cuối cùng ông ta đã hối hận rồi.”

“Ta đoán chẳng đời nào.”

“Cái lão già ranh này, có dám cá với ta một phen không?”

“Sợ gì mà không dám? Nhưng ván cược này phân định thắng thua thế nào đây?”

“Nghe phong thanh, cậu trò Đường Cảnh Tắc của ông là người cuối cùng gặp ông ta đấy.”

“Dào ơi, họ Kỷ nhà ông vẫn chẳng hiểu ông ta rồi. Người cuối cùng ông ta gặp tất nhiên không thể là Đường Cảnh Tắc.”

Ông cụ kia nghe xong thì trầm ngâm một hồi, gật đầu thở dài: “Phải rồi, hẳn nhiên là Chu Thái sư!

Hai người nhìn nhau phì cười.

“Khỏi cá khỏi cá, mình đâu thể chạy sang hỏi cái lão Diêm Vương dữ dằn ấy được!”

Tiểu viện Lưu Kỳ ngoài thành Thịnh Kinh.

Hoàng đế mới lên ngôi, quần thần tất bật hơn tháng trời mới được thảnh thơi.

Vốn tiểu viện Lưu Kỳ chỉ rộng năm tiến, nhưng từ hồi lên nhất phẩm, Vương Trăn đã gọi thợ đến sửa sang lại hết. Hiện giờ trong vườn có một hồ nước rộng mênh mông, tuy chẳng thể so với hồ Thái Dịch trong hoàng cung, song cũng đủ thả chiếc thuyền bập bềnh phiêu du theo dòng nước.

Đường Thận nằm trên thuyền gỗ con con, có Vương Trăn sóng vai nằm kề.

Giờ đương tháng Năm, đúng vào độ mặt hồ rộ tiếng ếch reo, cỏ thơm dài mướt én chao rợp trời.

Ánh sao đầy ắp tầng không, rụng cả vào trong nước, yên ả và đẹp đẽ đến vô cùng.

Đường Thận không đừng được, ngâm lên: “Rượu say rồi chẳng hay trời trong nước, ăm ắp thuyền mộng đẹp trĩu dòng Ngân!”

Vương Trăn nghe thế bèn nghiêng người sang nhìn cậu, nói: “Sao đẹp, thơ đẹp, người càng đẹp. Tiểu sư đệ lúc nào cũng nghĩ ra những câu thơ diệu kì.”

Đường Thận hỏi lại chàng: “Huynh từng nghe câu thơ hay nào của ta nữa? À, ‘chênh vênh trăm thước lầu cao, giơ tay với được trăng sao trên trời’ đúng không?”

Mắt Vương Trăn rạng ngời, làm bộ cảm thán: “Quả là diệu cú!”

Đường Thận nảy ý muốn trêu chàng: “Ôi, văn chương vốn do trời thai nghén, người tài ngẫu nhiên hái được thôi.”

Vương Trăn tiếp tục tán thưởng: “Tuyệt diệu!”

“Đồng xa liền với trời cao, dòng sông trăng toả ào ào nước trôi.”

Vương Trăn gật gù: “Diệu kỳ!”

Đường Thận cười hì hì: “Huynh có thấy ta đúng là thiên tài không!”

Vương Trăn vờ sửng sốt: “Có chứ, đã bao giờ chưa đâu. Nếu không phải thiên tài, làm sao nói được câu ‘thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách’ từ năm mười ba tuổi!”

Nụ cười của Đường Thận ngay đơ, cậu từ từ nghiêng mình sang một bên.

Vương Trăn cười ha hả, vòng tay từ sau lưng ôm cậu vào lòng. Chàng ghếch cằm lên vai Đường Thận, rủ rỉ: “Ta còn nhớ hôm ấy là một buổi chiều. Ta đi từ bộ Hộ đến phủ tiên sinh, tiên sinh tức sôi sùng sục, chìa một lá thư bảo ta rằng ‘Lương Bác Văn làm phách quá thể! Nhận mỗi một đứa học trò mà ngày nào cũng viết thư khoe khoang’. Ta mới hỏi thầy rằng Lương đại nhân khoe cái gì?”

“Tiên sinh bèn bảo, ‘Thằng cu con mười ba tuổi đó nói với Lương Bác Văn là thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách!”

“Tiên sinh cảm thấy câu ấy không thể nào do một đứa trẻ mười ba tuổi ứng khẩu ra được, bèn quyết tâm tra cho rõ ràng. Chẳng ngờ ông lục hết sách cổ mà vẫn không tìm thấy câu đó đâu.”

“Giây phút ấy, trái tim ta liền in dấu một cái tên. Em đoán xem là ai nào?”

Đường Thận bực mình “hứ” một tiếng.

Vương Trăn nghe tiếng “hứ” của cậu mà rạo rực cõi lòng, cười bảo: “Ta có biết bao nhiêu suy đoán về người này, nhưng ta chẳng ngờ vừa mới thấy mặt, người ấy đã gọi ta là Phủ Cầm đồng tử. Nom điệu bộ giả vờ của người ấy mới đáng yêu làm sao. Nếu ta là một chú tiểu đồng thật thì thể nào cũng bị người ấy gạt. Thế nhưng ta lại là Vương Tử Phong… Ối ối, ta biết lỗi rồi, đừng đánh ha ha ha.”

Đường Thận cũng ảo não ghê gớm: “Hồi đó ta đâu có biết Vương Tử Phong huynh là người như vậy. Nếu biết trước, đời nào ta lại múa mép trước mặt đồ chúa lừa nhà huynh?”

Vương Trăn tỉnh bơ: “Tiểu sư đệ à, em lại khen ta rồi. Hay lắm, ta khen em là thiên tài, em cũng khen ta là nhân tài.”

Đường Thận phì cười: “Trời sinh ta giỏi ắt hữu dụng, ngàn vàng tiêu sạch lại đầy thôi!”

Vương Trăn ngẩn ngơ: “Đôi lúc ta cũng tự hỏi phải chăng em đã giấu đâu đó một đại tài tử ngàn năm có một. Em làm văn làm thơ kể cũng xoàng, chỉ được cái cẩn thận, vì sao thỉnh thoảng lại nảy ra một câu tuyệt hay nhỉ… Khụ, không xoàng, Thám hoa được tiên đế khâm điểm thì xoàng thế nào được!”

Đường Thận thu nắm đấm, nói: “Huynh muốn nghe thêm mấy bài thơ nghìn năm có một, hay là muốn xem ta giấu đại tài tử đó ở đâu trước tiên?”

Mắt Vương Trăn sáng bừng. Chàng ý thức được mình sắp sửa chân chính bóc vỏ chén sạch cái người trong lòng, cất hết vào bị chẳng chừa chút chi.

Song chàng vẫn phải vờ như không mấy bận tâm, điềm nhiên nói: “Đường nào cũng được.”

Đường Thận cân nhắc một chút, bảo: “Thế thì ta sẽ kể cho huynh từ đầu…”

Năm Nguyên Hòa thứ nhất, ngày mùng bốn tháng Chín, Tả thừa Trần Lăng Hải bị quan Ngự Sử tố giác một loạt tội danh. Trần tướng tự biết mình lầm lỗi, hổ thẹn vô cùng, bèn xin rời kinh thành, cáo lão hồi hương.

Năm Nguyên Hòa thứ tư, hoàng đế băng hà, truyền ngôi cho Thái tử Triệu Hy, đặt niên hiệu là An Cảnh.

Năm An Cảnh thứ năm, ngoài thành Thịnh Kinh, tiểu viện Lưu Kỳ.

Đường Thận thả một quyển sách sử mới được viện Hàn Lâm biên soạn vào chậu than, nhìn ngọn lửa ngấu nghiến cuốn sách mỏng.

Vương Trăn ôm cậu vào lòng, Đường Thận vòng tay ôm lại chàng.

Hồi lâu sau, cậu nói: “Gần đây ta cứ hay nghĩ, sư huynh này, chắc là chúng mình không được chứng kiến ngày đó đâu nhỉ.”

“Thời kì cực thịnh mà em vẫn nhắc đến ư?”

Đường Thận trầm tư, “Phải, mà cũng không phải. Nói ra thì thật xấu hổ, hồi Lương tiên sinh còn sống, ta đâu chỉ mạnh mồm nói với người mỗi câu ‘thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách’.”

“Em còn ba hoa cái gì nữa?”

Đường Thận toan nói lại thôi: “Ta chẳng kể đâu, kẻo huynh cười vào mũi ta mất.”

Vương Trăn nghĩ bụng: Bình thường ta trêu em có ít ỏi gì cho cam, sá gì một lần chứ?

Dù vậy, chàng là một người tình vô cùng tâm lí, biết Đường Thận hay xấu hổ và cũng hiểu khéo quá hóa vụng, bèn dịu giọng vỗ về: “Được rồi, nghe em tất mà.”

Đường Thận xúc động dạt dào, bất tri bất giác càng thêm yêu Vương Tử Phong.

Từ khi yêu cậu mới hiểu, tình yêu chẳng phải một đại lượng bất biến. Năm tháng trôi qua, tình yêu cậu dành cho người đàn ông này chỉ đầy lên từng ngày chứ chẳng hề vơi đi.

Đường Thận nghĩ một lát rồi bảo: “Ta nói cho huynh biết nhé, nhưng cấm huynh cười đấy.”

Vương Trăn nghiêm chỉnh đáp: “Ta không cười đâu.”

Đường Thận ghé tai chàng nói ù một mạch. Vương Trăn ngỡ ngàng, rồi không nhịn được phải phì cười.

“Sư huynh bảo không cười cơ mà!”

Vương Trăn cố nín, nhìn cậu rất thành thật: “Thì yêu em nên mới cười đó.”

Đường Thận: “…”

“Huynh muốn cười thì cứ cười đi vậy.”

Vương Trăn vừa cười vừa hôn lên môi cậu: “Ta không cho là em khoác lác đâu. Những gì chúng ta làm chẳng nhẽ không phải kẻ trước bắc cầu cho kẻ sau noi, từng bước hướng về tương lai đó sao?”

Chàng nói bằng lòng chân thành đến vô hạn. Dưới vòm trời đầy sao, dung nhan thần tiên của Vương Tử Phong chẳng vì tuổi tác mà tàn phai; trái lại, vẻ đẹp của chàng đậm chất thâm trầm hơn bao giờ hết. Chỉ một ánh mắt sâu hút thôi cũng đủ khiến Đường Thận động tình.

Cậu kìm lòng chẳng đặng mà hôn chàng.

Vương Trăn ôm eo cậu, hôn càng sâu hơn.

Bên tai ve ếch rộn ràng, dưới chân làn nước đổ vàng ánh trăng.

Giữa những âm thanh xôn xao, lời Đường Thận thầm thì bên tai Vương Trăn ngân nga trong rì rào sóng nước.

Em muốn mang bình yên về non sông bốn bể. Dẫu nghìn năm trôi trong chớp mắt, trời xanh còn mãi tiếng hoan ca!

– Hết –

Truyện Chữ Hay