Trong thư phòng thắp một ngọn nến.
Trước giờ Đường Thận không thích đọc viết vào ban đêm vì điều kiện ánh sáng rất tệ, đọc lâu gây nhức mỏi mắt, có khi còn ảnh hưởng đến thị lực. Sau khi nghiên cứu và chế tạo ra thủy tinh, cậu bèn bảo Diêu Tam chỉ đạo công nhân trong xưởng chế tạo chụp đèn bằng phương pháp thổi thủy tinh. Nhờ thế, ánh đèn dầu lưu li nhìn chung đã sáng sủa hơn rất nhiều, tuy vẫn chưa bằng đèn thời hiện đại.
Lúc này cậu đang chăm chú đọc một lá thư dưới ánh đèn dầu. Đọc thư xong, Đường Thận nhấc chụp đèn thủy tinh lên, gí góc lá thư vào ánh nến. Phừng một tiếng, ngọn lửa liếm vào lá thư. Trong ánh nến mờ mờ hắt lại, vẻ mặt Đường Thận càng thêm thâm trầm bí ẩn.
Không lâu sau, quản gia bẩm báo: “Công tử, đại nhân đã về phủ.”
Đường Thận thản nhiên dọn dẹp sạch sẽ tàn giấy rơi vãi. Đang phủi dở, cậu bỗng dừng tay, chừa lại một ít trên bàn. Lúc ra đến cửa thì vừa khéo Vương Trăn đang đi vào trong sân. Dưới ánh trăng, họ sững lại khi trông thấy nhau, cả hai đều có phần chột dạ.
Vương Trăn bước đến nắm tay Đường Thận: “Muộn thế này rồi mà tiểu sư đệ chưa ngủ. Chờ ta đấy à?”
Đường Thận hỏi ngược lại: “Trễ thế này sư huynh mới về, ta không đợi huynh thì còn đợi ai được nữa?”
Vương Trăn bật cười thích chí, dắt tay sư đệ nhà mình vào thư phòng.
Vừa bước chân vào phòng, Vương Trăn đã ngửi thấy mùi giấy khen khét phảng phất đâu đây. Một suy nghĩ lóe lên trong đầu chàng, rồi tức thì, chàng thấy trên bàn còn nửa đụn tro giấy. Đường Thận làm quá khéo, đụn tro ấy bên thì lộn xộn, bên thì phẳng lì. Hiển nhiên có người quét đi một nửa thì bỏ đó không dọn hết.
Làm sao mà Vương Trăn không hiểu dụng ý Đường Thận cơ chứ? Chàng khẽ đảo mắt, hỏi: “Tiểu sư đệ đã thấy gà trống gáy sáng bao giờ chưa?”
Đường Thận: “… Hả?”
“Ta chưa thấy. Nhưng hồi xưa ở thôn Triệu gia ta đã từng nghe gà nhà hàng xóm gáy mấy lần.”
Đường Thận tò mò, “Sư huynh hỏi thế để làm gì?” Lại đánh võ không theo bài rồi!
Vương Trăn ý nhị buông một câu: “Em đoán đi.”
Đường Thận: “…”
Đoán cái đầu huynh ý!
Đường Thận tức tối: “Suốt ngày chỉ nói ngon nói ngọt, chẳng biết đường nào mà lần. Trêu người ta vui lắm phải không?”
Lần này thì Vương Trăn tự thấy mình cực kì vô tội: “Rõ ràng tiểu sư đệ cố tình mập mờ trước để ta đoán ý em còn gì.”
Đường Thận thoạt tiên chẳng hiểu sao, đến khi nhớ ra, Vương Trăn đã ôm cậu vào lòng. Chàng trỏ nửa đụn tro giấy trên bàn, bảo: “Không định dối ta mau nói thẳng ra xem nào. Nhược bằng tiểu sư đệ thấy thế này mới thú, cứ muốn ta đoán bằng được thì ta cũng chẳng nỡ từ chối em đâu. Ta đoán, đây là một phong thư.”
Đường Thận hừ một tiếng đằng mũi: “Rồi sao hử?”
“Một phong thư gửi về từ Tây Bắc.”
“Còn gì nữa?”
Vương Trăn im lặng một lát, nói: “Thư của Vương Đại Nhạc à?”
Đường Thận: “Đoán đúng rồi, nhưng không có thưởng.”
Vương Trăn bật cười. Chàng có tật giật mình, chỉ chăm chăm không muốn Đường Thận biết mình bàn bạc gì bên phủ Hữu tướng Vương Thuyên nên quên béng phải đòi trước phần thưởng. Vương đại nhân tự thấy thiệt thòi ghê gớm, sống hơn ba mươi năm trên đời, đã bao giờ chàng thua thiệt thế này đâu cơ chứ.
Nhưng Vương Tử Phong chẳng đời nào để lộ cảm xúc ra mặt. Chàng nói giọng tỉnh bơ: “Tất cả là vì ta quá yêu em đấy thôi. Em xem, vừa trông thấy em là ta quên khuấy hết cả.”
Đường Thận không đáp lời chàng.
Bây giờ cậu đang nắm thực quyền nhờ quản lí bộ Công nên chức Hữu phó ngự sử ty Ngân dẫn đã bị hoàng đế tước đi để cân đối triều đình. Tuy mất chức, nhưng căn cơ cậu xây dựng trong ty Ngân dẫn suốt hai năm không thể nào mất ngay được. Kể cả khi rời ghế Hữu phó ngự sử, cậu vẫn còn hai người tâm phúc Vương Tiêu, Mai Thắng Trạch ở ty Ngân dẫn U châu – bí mật “móc nối” sang Liêu dưới vỏ bọc quan viên ty Ngân dẫn.
Tuy thượng cấp hiện tại của họ là Tô Ôn Duẫn, nhưng về bản chất họ đều thuộc phe Đường đảng.
Trong nửa năm vừa qua, dù họ không báo cho cậu tất tật những việc xảy ra trong ty hay những gì Tô Ôn Duẫn giao phó, nhưng hễ có việc quan trọng, Vương Tiêu vẫn sẽ viết thư mật gửi về Thịnh Kinh.
“Vua Liêu bị thương trong lúc đi săn, hiện giờ Nhị hoàng tử Gia Luật Xá Ca và Tam hoàng tử Gia Luật Hàm kình địch với nhau như nước với lửa, tình thế hết sức căng thẳng. Trong vòng nửa năm, ngoài Tiêu Châm – người được chúng ta gài vào ngay cạnh Gia Luật Xá Ca từ ban đầu, Tô Ôn Duẫn và Lý Cảnh Đức còn mua chuộc thêm một thị vệ thân cận của Gia Luật Hàm. Vốn dĩ anh em họ còn đấu đá dằng dai để giành ngôi thái tử, nhưng giờ có cú huých này, chưa biết chừng thời cơ ngàn vàng để phản công Liêu sẽ chẳng còn xa.”
Là người lãnh đạo ty Ngân dẫn, Vương Trăn vẫn nắm được sơ bộ tình hình dù không biết tường tận ý đồ của Tô Ôn Duẫn và Lý Cảnh Đức.
Những gì Đường Thận nói khiến chàng hơi sửng sốt. Nhưng sau một thoáng trầm tư, Vương Trăn hỏi: “Thế Gia Luật Định thì sao?
Đường Thận thở dài: “Ông ta cũng chính là điều ta lo ngại.”
Dưới một người, trên vạn người, đích thực là vị thế của Vương tử Thái sư Gia Luật Định trong triều đình nước Liêu. Giờ đây khi vua Liêu bị thương, Gia Luật Định nghiễm nhiên thâu tóm việc triều chính. Xuất thân quý tộc khiến ông ta luôn ủng hộ Tam hoàng tử Gia Luật Hàm. Để tạo đối trọng với ông ta, Gia Luật Xá Ca chỉ có thể dựa vào sự ủng hộ của Liêu đế.
Vua Liêu bị thương, người sốt ruột nhất chính là Nhị hoàng tử chứ chẳng phải ai khác.
Trong trường hợp vua Liêu đột ngột băng hà, chỉ e Gia Luật Xá Ca cũng vô duyên với ngôi báu. Vì lẽ đó, y sẽ không đời nào bình chân như vại trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này. Bất kể vua Liêu sống chết ra sao, trước khi ông ta qua đời hoặc hồi tỉnh, nước Liêu nhất định sẽ lâm vào nội loạn.
Trong có vững thì ngoài mới yên.
Loạn lạc ở Liêu chắc chắn sẽ lắng xuống rất nhanh thay vì kéo dài. Rất có khả năng, nó sẽ giống như vụ cung biến tháng Giêng ở Đại Tống vậy – suốt đêm gió nổi mây vần, để rồi khi vầng dương ngày mới ló rạng cũng là lúc gió đứng sóng êm.
Phải làm sao để chớp thời cơ, lợi dụng tình hình tấn công nước Liêu, chính là việc mà Tô Ôn Duẫn và Lý Cảnh Đức đang lo liệu.
Vương Trăn bỗng hỏi: “Vua Liêu bị thương trong lúc đi săn à?”
Đường Thận chớp chớp mắt: “Chuyện đó quả đúng là tai nạn.”
Vương Trăn bật cười.
Ngoài vua Liêu vẫn mê man, chắc chẳng còn ai biết rõ nguồn cơn sự việc!
Nhưng trên đời đâu thiếu người muốn vua Liêu băng hà, tiêu biểu nhất là Tam hoàng tử Gia Luật Hàm và Vương tử Thái sư Gia Luật Định sau lưng gã. Thậm chí, nếu bỏ gần kể xa thì ngay như Tô Ôn Duẫn, Lý Cảnh Đức cũng đều thích Liêu đế đi đời quách cho nước Liêu đại loạn.
Đêm đã khuya, hai người nói chuyện thêm một hồi rồi cũng muốn đi nghỉ.
Đường Thận tì mặt lên cánh tay gác trên bàn, quan sát Vương Trăn khép cửa sổ phòng ngủ. Lúc Vương Trăn quay người lại, chàng thấy Đường Thận đang nhìn mình không rời mắt dưới ánh nến. Trái tim chàng rộn nhịp với biết bao ý nghĩ ái ân. Chàng chẳng buồn dời bước, cứ đứng im cạnh cửa sổ mỉm cười với Đường Thận.
Họ mải mê ngắm nhìn nhau hồi lâu, bầu không khí trong buồng ngủ cũng nóng dần lên.
Chợt Đường Thận hỏi: “Hôm nay sư huynh sang phủ thúc tổ bàn bạc gì mà lâu đến vậy?
Dòng suy nghĩ bay bổng của Vương Trăn trôi tuột, song chàng không hề đánh mất vẻ ung dung tự tại. Vương Trăn sải bước tới cạnh bàn, dang tay ôm Đường Thận, cười nói: “Bàn tí chuyện nhà dưới Kim Lăng ấy mà.” Chẳng ngờ, Đường Thận lại né khỏi tay chàng.
Vòng tay Vương Trăn trống huếch.
Đường Thận: “Sư huynh từng hứa suốt đời không dối gạt ta. Nếu huynh lừa ta…”
Vương Trăn đành chào thua, cúi mình hôn lướt lên môi Đường Thận. Ánh mắt chàng sâu lắng, giọng âu yếm vô ngần: “Đúng, ta không đời nào dối lừa em đâu.”
Đường Thận: “…”
Ngay trước khi nói câu đấy mà huynh cũng dám hôn hả!
Đường Thận mãi chẳng ừ hử gì, sau mới khẽ hừm một tiếng: “Đã thế, ta hỏi huynh đáp.”
Vương Trăn choàng tay ôm cậu, nói: “Được.”
Đường Thận: “Hôm nay huynh sang phủ thúc tổ, có phải để bàn chuyện chính sự với ông không?”
Vương Trăn hôn cậu, trả lời: “Tất nhiên không phải.”
Đường Thận: “Có liên quan đến ty Ngân Dẫn hả?”
“Chả liên quan gì hết.” Hôn cái nữa này.
“Ty Ngân Dẫn gặp rắc rối ư?”
“Không hề…” Chưa nói hết câu, Vương Trăn đã lập tức sửa lời: “À đâu, đúng là đã phát sinh rắc rối.” Chàng lại cúi đầu tặng cậu thêm chiếc hôn.
Đường Thận: “Vương Tử Phong!”
Vương Trăn cười giòn tan: “Hà hà, mình thỏa thuận là cứ nói dối thì hôn em trước còn gì. Cảnh Tắc, ta không hề thất hứa nhé.”
Đường Thận: “…”
Được lắm, người ta không cãi nổi huynh mà!
Đường Thận trầm ngâm rất lâu, lại ngẩng lên hỏi: “Còn một câu cuối. Có phải huynh định tác động… để ty Ngân dẫn gặp sự cố không?”
Nụ cười của Vương Trăn dần dần chùng xuống. Chàng lặng im nhìn Đường Thận, ánh mắt thẳm sâu như nước.
“Em có biết không, ta vô cùng yêu sự thông minh của em, nhưng đôi lúc ta cũng ước sao em không khờ khạo hơn một chút!”
Đường Thận hiểu ngay ý chàng, nhưng sau thoáng trầm tư, cậu vẫn hỏi: “Tại sao huynh phải giấu ta?”
Vương Trăn nghiêm giọng trách cứ: “Chuyện hèn hạ như thế làm sao ta nói cho em được? Nếu em biết, em còn coi ta ra gì nữa?” Dứt lời chàng im bặt, úp mặt vào tay như thể thương tâm khôn tả.
Đường Thận gỡ bàn tay bụm mặt của Vương Trăn ra. Họ nhìn vào mắt nhau, đôi ngươi Vương Trăn sáng rỡ, tràn ngập ý cười.
Đường Thận thản nhiên như không: “Mặc dù ta có vẻ thiệt, nhưng sư huynh đã hứa sẽ hôn ta trước khi nói dối cơ mà?”
Vương Trăn tròn mắt ngỡ ngàng trong giây láy, rồi bật cười ha hả, đè Đường Thận xuống hôn lấy hôn để lên cặp môi rất giỏi biện luận kia. Say sưa quấn quýt một hồi, Đường Thận thở phập phù, Vương Trăn mới nói thực tình: “Lẽ nào trong lòng em, ta không phải là bậc chính nhân quân tử với trái tim bao dung khoáng đạt?”
Đường Thận ngạc nhiên nhìn chàng: “Cớ làm sao sư huynh lại ảo tưởng như thế?”
Vương Trăn thành thật nói: “Thì cũng phải để ý một tí chứ.”
Đường Thận: “Huynh nói dối ta vì không muốn ta biết huynh lại ăn hối lộ, hại trung lương chứ gì?”
Vương Trăn ấp cậu vào lòng, thở than: “Lí nào ta lại mong thế!”
Trong buổi chầu ba ngày sau, giữa điện Tử Thần.
Một viên quan mặc áo bào Ngự sử tứ phẩm bước ra khỏi hàng, giương cao hốt ngọc, rút từ tay áo ra một bản tấu.
“Thần Phương Vị Đồng có việc khải tấu.”
Triệu Phụ nhìn ông ta, phất tay ra hiệu cho Quý Phúc xuống cầm tấu chương của Phương Vị Đồng lên. Ông hỏi: “Có chuyện gì?”
Phương Ngự sử cúi mặt làm thinh, chỉ giơ quyển tấu lên cao quá đầu. Quý Phúc cầm bản tấu lên trình Triệu Phụ. Triệu Phụ xem xong thì biến sắc, đùng đùng nổi giận.
Ông gắt giọng: “Nói.”
Bấy giờ Phương Vị Đồng mới dõng dạc tâu: “Thần là Ngự sử đại phu, có chức trách giám sát triều đình. Cho nên, thần muốn tố cáo Phủ doãn Hình châu Lưu Kịp – Lưu Trọc Trọng! Tội của Lưu Kịp đẵn kiệt trúc xanh ghi không xuể, thần chỉ xin điểm sơ qua bảy tội lớn. Tội thứ nhất, hành xử vô đạo đức, lạm dụng công danh. Còn trẻ mà đã quan cao lộc hậu, ắt có chỗ đáng ngờ. Tội thứ hai, đất hoang ở Hình châu…”