Người Dịch: Lan Thảo Hương.
Mấy người Trọng phụ là bình dân, ở cái thời đại vương hầu sĩ phu hoành hành như hiện nay. Về cơ bản những thứ dân như mấy người Trọng phụ không thể lướt qua Di Bá hầu tự mình chế muối biển đem bán được. Bởi vì một vùng biển rộng lớn chỗ bọn hắn đang sống đều là đất phong của Di Bá hầu. Những ngư dân làng chài như bọn hắn tuy dựa vào biển cả ăn cơm, nhưng hàng năm phải nộp thuế cho Di Bá hầu dựa trên bình quân đầu người. Thuế hàng năm nộp lên sẽ tiêu tốn của bọn hắn mất nửa năm đánh bắt cá.
Cộng thêm thỉnh thoảng còn sẽ tay không mà về, rồi chi phí bảo dưỡng lưới đánh cá và thuyền đánh cá. Tới cuối cùng, những gì có thể rơi vào trong tay bọn hắn đã ít càng thêm ít.
Nhận thấy phương pháp nấu muối biển quả là đại sự, Trọng phụ làm thứ dân khẳng định không thể ăn nổi một chiếc bánh to như vậy. Hắn cùng người nhà thương lượng thật kỹ càng, cuối cùng quyết định mang muối biển đã phơi khô tới trong thành cầu kiến Di Bá hầu.
Nấu phơi muối biển chính là một cái công lao lớn, đợi báo lên, vậy ban thưởng chắc chắn là không thể thiếu. Nếu vận khí tốt, nói không chừng còn có thể hỗn được một cái chức sĩ phu. Nhắc mới nhớ, làm quan thời bây giờ thật sự không khó. Hiện tại quốc gia còn phổ biến chế độ tặng quan chức. Tên như ý nghĩa, chính là chỉ cần bỏ được cống hiến ra đại lượng hoàng kim hoặc là lương thực thì có thể mua hầu hết các chức quan ngoại trừ Tam phẩm trở lên.
Giống như một công sĩ cấp thấp nhất, chỉ cần cho ra một trăm lượng vàng, nếu có thể lên tới một vạn lượng vàng là có thể trực tiếp phong hầu. Chẳng qua vàng rất khó có, nên hầu hết vàng đều nằm trong tay của giới quý tộc. Chỉ có rất ít vàng lưu thông trên thị trường.
Chính vì mấy người Trọng phụ chưa từng nhìn thấy vàng chân chính, nên họ mới coi chiếc trâm đồng Vân Sơ cho như một chiếc trâm gài tóc bằng vàng. Và cất giữ nó như trân bảo, không dám lấy ra cho người khác xem.
Thấy tâm tình Trọng phụ tốt, Quý Hòa nhân cơ hội đề nghị: "A đa, ngày mai chúng ta theo A đa cùng vào thành chơi nhé".
Sợ hắn cự tuyệt, Quý Hòa vội vàng gạt ra dáng vẻ đáng thương, nói: "Ta lớn như vậy mà còn chưa từng được tới trong thành bao giờ. A đa yên tâm, lúc ngươi tới trong thành đi gặp vị đại nhân kia, chúng ta sẽ ngoan ngoãn đứng ở bên ngoài chờ ngươi".
Nghe Quý Hòa nói, không chỉ Trọng Hòa mà ngay cả Trang Cơ cũng nhịn không được tâm động. Lần cuối cùng nàng vào thành là khi mới thành thân với Trọng phụ. Khi đó A đa Trọng phụ cũng chính là A công của hai người Quý Hòa vẫn còn sống, nàng nhớ rõ khi đó bọn hắn ra biển có bắt được một con cá lớn hiếm thấy. Tranh thủ lúc cá lớn chưa chết hẳn, cả A đa và Trọng phụ vội vàng chở tới trong thành bán.
Lúc đó nàng và Trọng phụ vẫn đang sống trong ngôi nhà gỗ nơi mấy người Bá Hoa ở. Bởi khi đó cũng có kế hoạch muốn phân hai người bọn họ ra ở riêng, nên mới đồng ý để nàng cùng theo vào trong thành để xem có muốn đổi gia dụng gì cho trong nhà nhỏ hay không.
Trang Cơ đến bây giờ vẫn còn nhớ sau khi vào thành, nàng không dám nghiêng mắt nhìn loạn khắp nơi mà chỉ vội vàng đổi một ít bát sứ, nồi niêu và những đồ dùng khác liền trở lại.
Nghĩ tới đây, Trang Cơ không khỏi nghĩ đến cha chồng mình. Ông là một ngư dân bậc thầy, rất giỏi phân biệt vị trí của cá dưới biển. Khi đó ông thường dẫn theo cả Bá Hoa và Trọng phụ cùng ra biển, mười lần thì có tám lần thắng lợi trở về. Ngay cả ngôi nhà các nàng đang ở cũng là cha chồng bỏ tiền ra xây, nếu không phải ông đi quá sớm vậy Bá Thân cũng không đến nỗi vì chưa có phòng ở mà không lấy được vợ.
Lúc nỗi lòng đang cuồn cuộn, Quý Hòa thấy A đa đã có chút dao động bèn vội vàng đưa tay giật giật góc áo mẫu thân. Trang Cơ bị nữ nhi kéo một cái, cuối cùng lấy lại tinh thần, ôn nhu nói: "Khó được bây giờ trong nhà có nhiều tồn lương và vải vóc, không bằng ngày mai chúng ta cùng nhau vào thành đi. Cũng coi như dẫn bọn nhỏ ra ngoài nhìn chút việc đời"."Vậy được. Chẳng qua hai đứa không thể chạy lung tung khi ra cửa. Quý nhân trong thành nhiều như lông trâu, sơ ý một cái là sẽ va chạm tới quý nhân......". Trọng phụ không nói hết những lời sau, nhưng cả Quý Hòa và Trọng Hòa đều nghe thấy ý uy hiếp trong lời nói còn dang dở của A đa.
Quý Hòa vội vàng gật đầu: "Ta khẳng định sẽ không chạy loạn. Còn A đệ, ta cũng sẽ nhìn hắn và không cho hắn chạy lung tung".
Phía trước có một tấm gương đẫm máu của A Quý, hai người Quý Hòa cũng xác thực không dám chạy loạn.
Mặc dù tuổi nàng còn nhỏ, nhưng nàng hiểu rõ một đạo lý----- mệnh của những kẻ thứ dân như các nàng ở trước mặt quý tộc các lão gia lại nhẹ như cỏ rác. Nàng thật không muốn dùng mạng nhỏ của mình đi tìm kích thích.
Quý Hòa vẫn có một mức độ tin tưởng nhất định với Trọng phụ. Nếu nàng đã nhiều lần cam đoan như thế, vậy Trọng phụ chỉ có thể gật đầu đồng ý ngày mai sẽ đưa họ cùng vào thành.
Chỉ là đồng ý thì đồng ý, nhưng lời nên nói hắn vẫn phải nói: "Từ làng đến trong thành cần phải đi một đoạn đường hơi xa. Nếu các ngươi đều muốn đi vậy tối nay đi ngủ sớm đi, nghỉ ngơi tốt thì ngày mai mới có sức lực để đi đường".
Quý Hòa và Trọng Hòa lập tức đồng ý. Nhưng tới đêm sau khi nằm trên giường gỗ, bọn hắn mới phát hiện chuyện không đơn giản như vậy. Cứ nghĩ đến ngày mai có thể vào thành chơi, hai tiểu gia hỏa không hề thấy buồn ngủ chút nào. Trong lòng tràn đầy kỳ vọng và chờ mong cho chuyến đi tới trong thành vào ngày mai.
Nghe nhi nữ ở bên cạnh thỉnh thoảng lật người, Trọng phụ bất đắc dĩ nhắm mắt lại lắc đầu. Nghĩ đến ngày mai có việc lớn cần làm, hắn cũng trở mình sang bên không để ý tới nhi nữ ngủ ở bên cạnh nữa, trực tiếp ngủ thiếp đi.
Quý Hòa nghe thấy động tác A đa lật người, hai tay lặng lẽ đặt ở trên ngực, không dám thở mạnh. Rất sợ Trọng phụ phát hiện nàng còn chưa có ngủ, liền tức giận nói mai không dẫn theo bọn hắn cùng đi nữa. Cũng may rất nhanh liền truyền tới tiếng ngáy của Trọng phụ trong đêm tối. Biết hắn đã ngủ rồi, Quý Hòa thở một hơi thật sâu và nhìn chằm chằm lên mái nhà đang chìm trong bóng đêm.
Tại sao thời gian bỗng trở nên chậm chạp như thế? Thật hy vọng trời nhanh nhanh sáng!
Trước khi tờ mờ sáng, Trọng phụ và Trang Cơ đều cùng rời giường. Bọn hắn đốt lửa bắt đầu chuẩn bị đồ ăn cho buổi sáng và lương khô cho buổi trưa. Sau khi thêm nước vào bình gốm, Trang Cơ đổ vào hai nắm bột đậu hỗn hợp, động tác vô cùng lưu loát nặn ra mười mấy tấm bã đậu.
Thời gian vội vàng chạy nhanh qua, nàng không kịp để nấu món canh hải sản phức tạp hơn.
Bã đậu sau khi làm xong, nàng và Trọng phụ mỗi người ăn hai cái trước. Sau đó gói lại chỗ bã đậu còn lại rồi mới trở về trong phòng thay quần áo, thuận tiện đánh thức bọn nhỏ đang ngủ dậy.
Quý Hòa và Trọng Hòa nhớ rõ hôm nay sẽ tới trong thành chơi, nên vừa nghe gọi cũng không dám tỏ ra lười biếng mà vội vàng trở mình xuống giường tự mặc quần áo vào. Thật vất vả mới được tới trong thành một chuyến, số quần áo khi trước Vân Sơ đưa vừa vặn hôm nay phát huy công dụng. Một nhà bốn người Quý Hòa đều mặc quần áo vải bông mềm mại.
Người xưa nói rất đúng. Người đẹp vì lụa, ngựa dựa vào yên. Cả nhà Quý Hòa thay đổi y phục liền trông không giống những ngư dân chút nào, nói họ là sĩ phu nhất lưu trong thành cũng không phải quá. Nhất là Trang Cơ, váy áo trên người nàng vốn là bộ đẹp nhất trong mấy bộ quần áo, chưa kể nó còn được nhuộm màu đặc biệt. Vị chủ nhân trước của bộ y phục này chắc hẳn ngày thường rất yêu thích bộ quần áo này, nên còn xảo tâm ở chỗ ống tay áo, vạt áo và vạt váy dùng sợi tơ thêu lên hoa nhỏ.
Sau khi Trang Cơ mặc bộ váy áo này vào, bỗng nhiên thấy nàng không phải là ngư phụ mà là phu nhân quan gia trong thành.
Trang Cơ ngày ngày không phải theo Trọng phụ ra biển đánh cá, thì là ở nhà bận rộn phơi chế cá khô. Quý Hòa chưa bao giờ thấy A nương xinh đẹp như hôm nay. Nàng ngay lập tức ngẩn người, che miệng ngạc nhiên tán thưởng: "A nương, ngươi thật đẹp!".
Nghe nữ nhi khen, Trang Cơ ngượng ngùng sờ sờ góc áo: Cũng đã là mẹ của hai đứa nhỏ rồi, nào có cái gì đẹp mà nhìn.
Song khi nàng trong lúc vô tình quay đầu lại, vậy mà bắt gặp Trọng phụ cũng đang mở to hai mắt nhìn nàng chằm chằm. Thấy sự kinh diễm trong mắt trượng phu, Trang Cơ chạm vào búi tóc của mình, có chút không xác định mà nghĩ: Thật đẹp tới vậy sao?
Trọng phụ chưa bao giờ thấy thê tử như thế này. Trước đây, hai vợ chồng bọn hắn cả ngày đều vì sinh kế một nhà lớn nhỏ mà sầu muộn, nên nào có tâm tư đi chú ý cách ăn mặc của mình. Đã nhiều năm trôi qua, hắn gần như đã quên mất dáng vẻ trước khi Trang Cơ gả cho hắn. Nàng trước kia cũng là cô nương xinh đẹp nổi danh mười dặm tám thôn quanh đây.
Nhìn thê tử lộng lẫy trong bộ đồ mới, trong lòng Trọng phụ không hiểu sao cảm thấy khó chịu: Sau bao nhiêu năm, thê tử đi theo hắn xác thực đã chịu khổ.
Đang khi xuất thần, Trọng phụ thấy một dải vải màu xám được buộc trên búi tóc của Trang Cơ. Nhìn thế nào cũng thấy không hợp mắt. Hắn ba bước thành hai bước đi đến bên giường, đưa tay chạm vào dưới lớp cỏ khô sờ soạng mấy cái. Tới khi thu tay lại, trong tay nhiều thêm một cây trâm vàng.
Thấy đồ trong tay trượng phu, Trang Cơ ngay lập tức hiểu hắn đang nghĩ gì. Nàng có chút chần chờ: "Chuyện này có lẽ không tốt lắm......".
Trọng phụ đi đến bên người Trang Cơ, vươn tay cởi xuống dải vải buộc trên đầu nàng, nói: "Ngươi mặc bộ quần áo đẹp như vậy trên người, vậy trên đầu tự nhiên không thể buộc một cái vải rách đi".
Nữ nhân đều thích chưng diện, nghe Trọng phụ nói thế, Trang Cơ chỉ do dự hai giây liền bị thuyết phục. Nàng tiếp nhận trâm gài tóc từ trong tay trượng phu, dùng một tay búi lại tóc sau đầu, tay kia cắm cây trâm lên và vững vàng cố định lại búi tóc.
Nhìn cây trâm gài tóc trên đầu A nương, Quý Hòa đứng bên gấp đến độ dậm chân, liên thanh ồn ào nói: "Ta cũng muốn, ta cũng muốn".
Tuổi nàng nhỏ, Trọng phụ tự nhiên không yên lòng để nàng cài trên đầu cây trân quý như vậy. Ở trong thành loại người gì cũng có, vạn nhất bị người đoạt mất thì làm sao bây giờ? Bởi dẫu sao nàng không có khả năng tự vệ lại.
Tuy trâm vàng không thể đeo, nhưng trâm gỗ vẫn có thể đeo được. Trang Cơ vì làm yên lòng nữ nhi, liền xuất ra cây trâm gỗ mà trước đó Vân Sơ cho, đồng thời búi cho nàng một búi tóc nữ đồng. Quý Hòa hơi thất vọng, nhưng sau khi được đeo trâm gỗ lên đã không còn ầm ĩ nữa. Xét cho cùng, nàng cũng không phải loại tiểu hài tử không hiểu chuyện.
Lần này tới trong thành, Trọng phụ muốn đổi ít vải vóc trong nhà đi. Hắn cầm ra hai thớt vải bỏ vào trong gùi, chuẩn bị đổi một trăm cân lương thực tinh, ba trăm cân bột đậu hỗn hợp trở về. Vì cùng chuyển những lương thực này, Trang Cơ và Quý Hòa đều đeo thêm cái gùi trên lưng. Muối biển trong nồi đất là thứ quan trọng nhất và khó quên nhất, nên được Trang Cơ cẩn thận bỏ vào trong gùi tự mình cõng.
Lúc này trời đã sáng rồi và đã quá muộn để hai người Quý Hòa ăn điểm tâm. Nhưng may có bã đậu nên mỗi người cầm một chiếc vừa ăn vừa đi đường. Khi người một nhà ra cửa, họ còn cố ý tới nhà Bá Hoa một chuyến nhờ hắn ta giúp đỡ trông nhà hộ một bữa.
Giờ đâu như trước kia, trong nhà còn cất mấy trăm đồng bố tệ và mười mấy thớt vải đấy. Nên cần phòng bị người tới đánh cắp.
Mặc dù người làng chài mấy đời nay đều biết rõ gốc rễ. Nhưng tiền bạc động nhân tâm, nên tâm phòng người không thể không có.
Bá Hoa là một đại nam nhân còn tốt. Bởi nhờ có Trọng phụ mà lần này kiếm lời được rất nhiều lương thực, sau lại còn biết tới phương pháp nấu muối biển. Do đó khi nghe Trọng phụ nói hôm nay người một nhà muốn vào thành liền gật đầu đồng ý ngay. Biểu thị đợi hắn ăn sáng xong sẽ đem lưới đánh cá trong nhà kéo tới trước cửa nhà Trọng phụ ngồi sửa, khẳng định sẽ thay hắn nhìn kỹ đồ trong nhà.
Huệ Cơ là nữ nhân nên tâm tư cẩn thận hơn nhiều. Khi thấy hôm nay Trang Cơ mặc quần áo mới, trên đầu còn đeo trâm vàng, sự hâm mộ tột cùng trong lòng đều sắp nhảy cả ra ngoài.
Nữ nhân mà, đều thích quần áo đồ trang sức. Cho dù có là thôn phụ cả ngày vì sinh kế mà phát sầu cũng không ngoại lệ. Chẳng qua do các nàng không có điều kiện thôi, chứ nếu có khẳng định sẽ không để bản thân chịu thiệt.
Bây giờ trong nhà có rất nhiều vải vóc mới, vốn Huệ Cơ đã lên kế hoạch định thừa dịp vào đông không có việc gì làm sẽ may quần áo mới cho mọi người trong nhà. Giờ nhìn bộ quần áo với kiểu dáng mới lạ và nhan sắc xinh đẹp của Trang Cơ, nàng liền không dời nổi mắt.
"Đệ muội, y phục này của ngươi nhìn thật đẹp mắt. Vừa hay hai ngày nay ta muốn cắt quần áo mới, đợi lúc ngươi từ trong thành trở về nhớ phải để ta xem kỹ bộ y phục này của ngươi đấy. Ta cũng muốn cắt một bộ kiểu dáng như vậy".
Trang Cơ tự nhiên không có phản đối, một lời liền đáp ứng. Nói thẳng chờ nàng ấy từ trong thành trở về sẽ đưa quần áo qua cho nàng, mặc nàng muốn nhìn thế nào đều được.
Ở hiện đại, phụ nữ đều không thích người khác đụng vào quần áo mình. Nhưng ở thời đại của Trang Cơ và Huệ Cơ, họ hoàn toàn không có những ý nghĩ này. Huống hồ màu sắc của chiếc váy và hình thêu trên đó, Huệ Cơ khẳng định không làm ra được!
- -- HẾT CHƯƠNG 84 ---