Học viện tư thục Outouin nằm trên đỉnh một ngọn núi. Con đường dẫn lên trường dốc đến nỗi người ta phải tự hỏi liệu một cái xe cà tàng có đủ sức đi nổi hay không. Đám học sinh gọi nó bằng nhiều cái tên, như là: Dốc thiên niên kỉ, Dốc váng vất, Trái tim tan vỡ, hay Tàu lượn thăng thiên – Nấc thang tới thiên đàng. Đối với tôi và Yorutsuki, chúng tôi phải đi hai chuyến tàu và một chuyến xe buýt trước khi đến dốc, nên nếu không rời nhà trước sáu giờ, chúng tôi sẽ không thể đến kịp tiết đầu tiên. Để bù đắp cho chứng huyết áp thấp của con bé, tôi gọi Yorutsuki dậy lúc năm giờ ba mươi, bắt con bé thay đồng phục trong lúc còn ngái ngủ, và rồi chúng tôi chạy ra ga. Tất nhiên, tôi phải dậy từ trước năm giờ. Chuẩn bị cơm hộp cho bữa trưa, cũng như bữa sáng trên tàu là nhiệm vụ của tôi. Hệ quả là, tôi thường xuyên bị chứng mất ngủ mãn tính hành hạ. Sáng hôm nay, lúc tám giờ mười lăm, như mọi khi, chúng tôi đến cổng trường mười lăm phút trước lúc chuông reo. Với tôi thì đấy không phải vấn đề, bởi tôi từng tham gia câu lạc bộ thể thao ở trường sơ trung, nhưng Yorutsuki, người thích ở trong nhà, có lẽ vẫn chưa quen với những nỗ lực ấy. Con bé thở hổn hển liên hồi. Cứ đà này, chắc sớm muộn gì cũng có ngày chúng tôi phải dừng lại giữa đường mất.
“Thế, Yorutsuki. Gặp em ở nhà nhé.”
“Vâng.”
“Hôm nay cũng học cho chăm vào đấy.”
“Rõ ạ.”
“Tốt lắm.”
Tôi xoa đầu con bé.
Chúng tôi rút thẻ ID ra và bước qua cổng chính. Năm cái máy nom như cổng soát vé nằm thành hàng ở đó. Thay vì nhét vé, chúng tôi phải nhét thẻ ID. Rất nhanh chóng, thẻ ID chui ra từ đầu kia, và cánh cổng bật mở. Trên màn hình, dòng chữ: HITSUUCHI SAMATOKI, NĂM 3, 08:17 hiện lên. Nhìn sang cổng Yorutsuki bước qua thì: HITSUUCHI YORUTSUKI, NĂM 2, 08:17, tức là, lộ trình của chúng tôi đã được ghi lại. Thế nên, kể cả chúng tôi có đến muộn một giây đi nữa, thì chứng cứ vẫn còn đây. Nhưng hệ thống này có một thiếu sót rất hiển nhiên; do thiếu kinh phí, học viện chỉ lắp mỗi năm cái, và trong cơn hối hả trước chuông tiết đầu, những học sinh bình thường không đến muộn lại vì nó mà thành muộn. Không còn cách nào khác để vào trường, và dù có đi nữa, những hệ thống như này cũng sẽ được dựng lên, nên nếu chuyện đó xảy ra, sẽ chẳng ai được tự do qua lại hết. Và nếu quên thẻ ID ở nhà, bi kịch thậm chí còn tồi tệ hơn. Dù có thành công thuyết phục được ban trực cổng và vào trong trường, thì thực sự cũng chẳng thể làm gì trong ngày hôm đó hết. Dù là dùng căng tin hay mượn máy tính trong thư viện, tất cả đều cần đến ID. Nội quy trường gọi đó là nâng cấp công nghệ cao, nhưng tôi khá nghi ngờ chuyện đấy. Nếu trình độ người dùng không đủ cao, thì như thế cũng chẳng khác gì không có công nghệ hết. Người ta hay gọi cái này là “thời kì chuyển giao” thì phải. Có thể mấy vụ này sẽ là bình thường sau hai mươi năm nữa, và những đứa bằng tuổi tôi bây giờ sẽ bắt đầu kháo rằng “Nghe nói trường lớp ngày xưa tự do lắm,” và tôi của tuổi ba tám sẽ bảo “Ôi trời, bọn trẻ ngày nay.” Dù lịch sử có tiến lên, vòng lặp ấy vẫn tiếp diễn. Bản chất nó là vậy. Bất cứ khi nào. Bất cứ nơi đâu. Bất cứ cái gì. Chúng tôi thay giày sang dép đi trong nhà. Tôi từ biệt Yorutsuki và bước sang dãy phía đông. Dãy phía tây được dành cho các lớp năm nhất với năm hai, văn phòng khoa, phòng y tế, vân vân, trong khi dãy phía đông được dành cho năm ba, với một dãy chuyên dụng nằm kẹp giữa. Tôi thuộc lớp 3-2, tọa lạc trên tầng thứ tư. Thang máy với thang cuốn, không cái nào tồn tại. Công nghệ cao đâu hết rồi? Tâm trạng tôi xấu đi; đừng bi quan quá, chỉ phải leo chút nữa thôi mà. Tôi chỉnh lại ba lô và thách thức cầu thang bộ.
“Yo, Peacemaker.”
Giữa đường leo cầu thang, ai đấy đột nhiên đập vai tôi từ đằng sau. Tôi biết đó là ai nhờ giọng nói, nên tôi không quay đầu lại. Không hề giảm tốc, tôi đáp “Đã bảo tớ không thích cái tên đấy mà.” Peacemaker. Tôi hoàn toàn không có vấn đề gì với cái tên đó nếu nó mang ý nghĩa nguyên bản của Peacemaker (Sứ giả hòa bình), nhưng trong trường hợp này, nó lại là nói lái của Piecemaker (Kẻ nhặt rác). Trước khi tôi kịp nhận ra, vài đứa trong lớp đã gọi tôi bằng biệt danh dấy rồi. Nguồn cơn chắc là từ một giáo viên tiếng Anh. Tôi không biết đây có phải bắt nạt không, nhưng cái tên đó lại hợp với tôi đến tuyệt đối, nên tôi đành miễn cưỡng chấp nhận. Trước sự nhẫn nhục của tôi, danh hiệu ấy dần chìm vào dĩ vãng, những vài kẻ cứng đầu vẫn cứ lôi nó ra. Kotohara Ririsu đây là một trong số đó.
“Nhưng nó nghe ngầu mà. Peacemaker ấy.”
“Im đi, Names of the Meats.”
“Guah.”
Names of the Meats là biệt danh hồi năm nhất của Kotohara. Khi đấy tôi vẫn chưa biết Kotohara, nhưng tôi nghe nói cậu ta có ấn tượng xấu với nó, nên nó trở thành lá bài tẩy của tôi trong những dịp như này. Nhân tiện thì, nguồn gốc của cái tên đó, dĩ nhiên, không phải biến tấu của 'The Name of the Rose' (Tác phẩm mà, tình cờ thay, tôi chưa từng đọc. Nếu đến năm thứ ba mà bạn vẫn chưa đọc hết quyển đấy, thì tức là bạn có lẽ sẽ chẳng bao giờ được nghe lại về nó suốt phần đời còn lại, và, mặc dù nằm ngoài tầm kiểm soát, nó khiến tôi hơi cô đơn. Namaste.) Vào cái lần cả lớp đi ăn yakiniku để kỉ niệm lễ hội văn hóa, cậu ta tỏ ra hiểu biết đến kì lạ về tên của các loại thịt; giải thích kiểu bình thường thì là thế. Dạ tổ ong – ngăn thứ hai. Ba chỉ bò – cơ hoành. Lườn bò – thịt sườn. Thăn bò – phổi. Chủ nhân danh hiệu này tương đối ghét nó, nhưng tôi lại thấy Names of the Meats là một biệt danh rất ấn tượng, thế ngoài đời thì sao? Nhưng khi tôi hỏi câu đó, Kotohara chỉ đáp “Vậy thì tớ sẽ trao lại cho cậu.” Tôi chỉ cười. Thà chết còn vinh dự hơn.
“Được rồi, được rồi, tớ hiểu mà...... Hitsuuchi-sama.”
Vừa nói, Kotohara vừa sánh bước với tôi. Hitsuuchi-sama là biệt danh tiêu chuẩn mà người ta gọi tôi suốt từ xưa đến nay. Không phải bởi tôi được kính trọng hay gì. Tên tôi là Hitsuuchi Samatoki, Hitsuuchi-sama. Nói cách khác, đám bạn cùng lớp đang hướng sự châm biếm vào tôi, một kẻ chẳng có bạn bè nào ngoài những cuốn sách tôi trân quý. Chắc đấy là bắt nạt cũng nên. Tôi đã nghĩ đời học sinh của mình hoàn toàn bình thường, nhưng có vẻ tôi thực sự bị người khác thù ghét.
“Nè, Hitsuuchi-sama. Cậu đã làm xong bài dịch thuật cho giờ tiếng Anh tiết hai chưa? Nếu có thể thì, tớ mong được chăm sóc nó lắm đấy.”
Kotohara hỏi, liếc mắt nhìn tôi sau khi đã vượt mặt một chút. Vậy là cậu ta đi thẳng vào vấn đề. Thế thì, dù có hơi sớm hơn dự kiến, tôi cũng phải vào thẳng vấn đề thôi.
“Nè, nè, nè. Để xem nào. Không phải tớ không định trả công hay gì đâu. Hay là tớ nhường cho cậu vài miếng trứng cuộn nhé? Hôm qua tớ chơi game đến độ chẳng có thời gian rảnh luôn, chơi game nguyên đêm đấy. Nhìn quầng thâm dưới mắt tớ đi. Giờ thấy cái gì cũng thành màu vàng hết.”
“Làm gì có ai luận ra vậy đâu. Game à...... Tớ không hiểu cái đấy lắm. Đấy không hẳn là sở trường của tớ. Tớ từng nghĩ SFX là viết tắt của một phần mềm game, nên tớ cũng chẳng biết nói gì. Cơ mà này, Kotohara, tớ đã nói nhiều lần đến mức thấy vô ích luôn rồi, nhưng dù cậu có không ôn bài đi chăng nữa, thì ít nhất cũng chuẩn bị một tí đi. Kiểm tra giữa kì kết thúc rồi, nhưng vẫn còn nhiều bài kiểm tra lắm đấy, cậu biết không? Kotohara, chẳng phải điểm toán của cậu cao hơn của tớ à? Người biết làm toán đáng lẽ về cơ bản phải biết làm mọi thứ chứ. Tớ ghét nhất loại người có thể làm được nếu cố, nhưng chẳng bao giờ chịu làm gì.”
“Aah. Cậu nói mấy câu trầm cảm đấy dễ chưa kìa.”
“Ít nhất thì, tự làm bài tập đi.”
“Nhảy từ tầng thượng xuống còn đỡ hơn.”
“Không, nếu đã đến mức thà nhảy từ tầng thượng xuống, thì làm bài tập đi.”
“Nếu nhảy từ tầng thượng xuống, có thể tớ vẫn sẽ sống, nhưng nếu phải làm thứ gì đấy như bài tập, thì nhất định tớ sẽ chết ngay. Cậu định trù cho tớ chết luôn đi à? Uwah, tuyệt thật đấy, mình nói ngầu chưa kìa. Haah, ngay từ đầu, học hành cũng đã chẳng có ích gì cho đời rồi.”
“Đừng có nói mấy câu như bọn học sinh mất não thế. Cậu có hiểu nói vậy cũng giống như bảo chạy bộ không có ích gì cho vận động viên bơi không hả?”
“Dùng phép ẩn dụ để gây hoang mang cho đối phương là gian lận đó. Cứ để tớ nói những gì nảy ra trong đầu đi.
“Hiểu rồi. Ừ, có lẽ cậu đúng. Nên là, về cái bài dịch thuật đấy. Tớ có một chút đề nghị với cậu, Names of the Meats.”
“Nghiêm túc đấy, bỏ cái tên đó đi.”
“Được rồi. Thế, Kotohara. Tớ đang nghĩ đến chuyện giữ khoảng cách với cậu.”
“Cái gì?”
Cậu ta mang một biểu cảm mà chỉ có thể dịch ra là “Cậu nói gì thế hả?” Dĩ nhiên, nếu nói một câu như vậy với một đứa thậm chí còn chẳng phải người yêu hay bạn gái, thì ai cũng phải bất ngờ thôi.
“Tất nhiên, tớ vẫn sẽ cho cậu xem bài dịch thuật và cho cậu mượn vở toán mọi lúc, nhưng sẽ là hơi phiền nếu cậu bắt chuyện với tớ giữa chốn đông người hay rủ tớ ăn chung. Có thể chỉ một khoảng thời gian thôi, nhưng cậu làm được chứ?”
“.....Cái gì thế? Cậu nghiêm túc đấy hả?”
“Cũng không hẳn...... Ừm, cậu thấy đấy.”
Tôi cảm thấy hơi áp lực trước âm điệu của Kotohara. Cậu ta đang khá giận. Không chỉ thế, mà là giận âm ỉ nữa. Trong một thoáng, tôi đã nghĩ đến việc rút lại lời nói và giả vờ như mình đang đùa, nhưng tôi chợt nhớ những lời Yorutsuki nói hôm qua và cố gắng tiếp tục.
“Ờm, tức là, cậu thấy đấy, cậu có thể hành xử bình thường khi không ai thấy, kiểu, ví dụ như, mấy nơi thế này, từ giờ trở đi......”
“Đây là chia tay ư? Hay li dị? Là như vậy phải không?”
“Không, cậu hiểu sai rồi. Hiểu cho đúng thì...”
“Tớ không cần biết cái đó!”
Tôi bị hét thẳng vào mặt.
“Cậu có ngu không đấy?! Muốn làm gì thì làm!”
Không có đủ thời gian để phản biện bất cứ thứ gì, tôi lại bị hét lần nữa, và rồi Kotohara lao thẳng lên trên lầu. Không biết cậu ta có tập luyện gì không, dù là thành viên của câu lạc bộ về nhà; không bước chậm lại lấy chỉ một khắc, cậu ta biến mất khỏi tầm mắt tôi. Ừm, tôi làm cậu ta giận rồi thì phải. Tôi đã lo về những gì có thể xảy tới, căn cứ vào tính cách của Kotohara, và có vẻ linh cảm ấy đã đáp ngay trúng hồng tâm. Tôi chỉ có thể nói là mình hơi thất vọng vì không đạt được kết quả tốt nhất, nhưng đó cũng chỉ là một kết quả thôi. Với tôi, một kẻ không thể thấy trước định mệnh của chính mình, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài cẩn trọng đưa ra quyết định tối ưu nhất có thể trong từng thời điểm xác định. Vì tôi đã thành công trong khoản đấy, nên tình hình hiện tại chắc hẳn đã là tốt nhất rồi. Dù sao đi nữa, lời hứa của tôi với Yorutsuki cũng đã được hoàn thành. Cứ bằng lòng với chuyện đó đã. Tôi đã đạt được mục tiêu. Sau một hồi leo cầu thang, tôi dừng chân tại phòng học lớp 3-2. Bàn ghế tôi nằm ngổn ngang trên sàn. Giả sử rằng một trận động đất vô cùng cục bộ không thể xảy ra, thì chắc hẳn ai đấy đã đá đổ chúng. Tôi dáo dác nhìn quanh, nhằm tìm kiếm thủ phạm. Có vẻ như cậu ta chạy mất rồi. Cậu ta chạy nhanh thật đấy.
“Mày đắc tội gì thế hả?”
Hakohiko, người đang trả bàn ghế tôi về chỗ cũ và đút đống sách vở vào trong ngăn, cất tiếng hỏi khi thấy bộ dạng đáng thương của tôi.
“Cái bà Ririsu đấy, bả đá một cú siêu đỉnh luôn. Đá kiểu như, Rider Kick, rồi oành.”
“Ờ. Tao đẩy ngã nó trên hành lang. Thành thực mà nói, tao nghĩ con đấy mê tao như điếu đổ luôn rồi.”
“Không thể nào?”
“Cái nào cơ? Vụ tao đẩy ngã Kotohara? Hay vụ Kotohara mê tao?”
“Vụ cô ấy mê mày.”
“Thằng chó.”
“Đùa thôi. Làm sao tao tin mày đẩy ngã cô ấy được.”
“Ờ, ờ.”
“Samatoki làm gì có gan.”
“Tao đấm mày giờ.”
Tôi vung nắm đấm vào bụng Hakohiko. “Hự,” Hakohiko giả vờ rên. Dĩ nhiên, đấy mới chỉ là đùa, nhưng kể cả tôi có dồn toàn lực đấm cậu ta đi nữa, chắc sáu cái múi kia cũng đỡ được thôi. Cậu ta có khi còn chẳng nhúc nhích ấy. Mukaezuki Hakohiko, lớp trưởng của lớp, cũng như đội trưởng câu lạc bộ kendo; một thanh niên bận rộn. Cậu ta dường như là dân nhà nòi với thân hình vạm vỡ và mái tóc cắt ngắn. Mặc dù trông có vẻ đáng sợ, nhưng chẳng ai thấy sợ khi nhìn cậu ta hết. Nói cách khác, cậu ta là người tốt. Nhân tiện thì, có vẻ như cả lớp đều nghĩ tôi với Hakohiko là bạn bè, nhưng, mặc dù đúng một phần, không hẳn là như thế. Hakohiko là loại người thân thiện với bất cứ ai, nên, thực ra, cậu ta chỉ đơn thuần là người nổi bật nhất trong số những người tôi quen thôi. Vì lẽ đó, tôi thực sự biết ơn cậu ta, biết ơn đến độ có thể coi cậu ta là không thể thay thế, một người bạn quan trọng vậy. Giống như những gì tôi giải thích choYorutsuki tối qua. Kotohara với tôi về cơ bản chỉ biết về nhau thông qua Hakohiko. Khi tôi nói “Anh không hẳn là bạn với Kotohara,” đấy không chỉ là một lời nói dối để lừa phỉnh Yorutsuki. Tôi không có vấn đề gì với tính cách của Kotohara cả; chỉ là tôi có luật không sử dụng từ “bạn” khi đề cập đến bất cứ ai chưa quen được tròn một năm thôi. Xét theo khía cạnh đó, Hakohiko với Kotohara đích thực là bạn bè. Tôi nghe đồn họ quen nhau từ thời học mẫu giáo và đã là thanh mai trúc mã từ đó đến nay. Nếu nói về bạn bè, thì hai người họ đúng là một đôi bạn lí tưởng. Giờ thì, tôi nên giải thích sao cho Hakohiko đây?
“A. Có khi nào lại liên quan đến em gái mày không thế?”
“Không hề, không một phần triệu nào luôn, mày đoán sai đến độ tao cũng phải sởn gai ốc đấy. Kiếp trước của mày chắc phải là mọt con cánh cụt nhầm cực Bắc với cực Nam, một con hà mã nhảy xuống vực vì tin là mình biết bay ấy chứ.
“Trời...”
Hakohiko nghe chừng bất lực.
“Mày có nghĩ là đã đến lúc giữ chút khoảng cách với em gái mày chưa?”
“.....................”
“Siscon.”
“Đừng có nói về siscon như thể đấy là tệ nạn nhá. Ngay từ đầu, tại sao mày lại liên tưởng từ tử tế với em gái sang siscon thế hả? Hakohiko à, mày biết không, như vậy cũng ngang với gọi người ủng hộ cho UNICEF là lolicon đấy.”
“......Cái chuyện gì ấy nhở? Hồi năm nhất, mày suýt chút nữa thì có bạn gái, nhưng chưa gì đã từ chối ngay. Hamasaki Umiko. Đấy cũng là vì em gái mày, nhỉ? Nếu tao nhớ không nhầm.”
“......Đấy là do...bọn tao không hợp nhau thôi.”
“Cứ nuông chiều là mê nhau à? Tao coi mày là bạn, nên tao sẽ cho mày một lời cảnh cáo, nhưng cứ đà này, mày sẽ gặp nguy đấy.”
Đáng sợ ghê. Đúng như mong đợi từ một võ sĩ kendo, bản năng cậu ta thật là sắc bén. Nghe nói bản năng của võ sĩ kendo còn chính xác hơn cả phụ nữ, và có vẻ như đấy là sự thật. Không phải giải thích mấy cái dây mơ rễ má (cũng không hẳn) lại càng tốt cho tôi, nhưng tôi không muốn nghe thuyết giảng dông dài gì hết.
“...............”
Im lặng. Thay vì đánh ra lá làm ngơ, Hakohiko lại nhìn tôi như nhìn một đứa trẻ, “Đành vậy,” và thở dài.
“Ririsu thực sự cáu lắm đấy. Có vẻ như cô ấy vẫn chưa biết về em gái mày.”
“Nếu được thì, đừng có kể cho cậu ta. Tao không muốn phải cãi nhau nữa.”
“Được thôi. Khoan, mày thấy ổn thật à?”
“Khi nào cậu ta hết giận hẳn, tao sẽ đường hoàng đi xin lỗi. Dạo gần đây, em gái tao có đôi chút bất ổn về tâm lí.”
“Có lí do nào không?”
“Ai biết... chắc là có. Tao sẽ cố không can thiệp quá nhiều.”
Hakohiko bật cười. Nụ cười cậu ta nghe khá hào sảng, và tôi không ghét nó. Nhân tiện thì, tôi tương đối ghét điệu cười của mình. Nó có phần kinh dị và gợi cảm giác chết chóc. Dù rằng đó cũng không phải vấn đề nếu tôi chẳng bao giờ cười tự nhiên. Chuông tiết đầu réo vang, nên Hakohiko trở về chỗ ngồi. Ngay trước hồi chuông cuối, Kotohara cũng quay lại lớp qua cửa chính, ngồi xuống mà không hề nhìn tôi và bắt đầu buôn chuyện với một nữ sinh ngồi cạnh. Hớn hở cười nói, như thể vụ cãi vã với tôi chưa từng tồn tại. Bất ngờ thay, có lẽ cậu ta đã thỏa mãn chỉ bằng việc đạp đổ bàn tôi. Thế là mọi chuyện đều ổn. Một lúc sau, giáo viên chủ nhiệm Ikezaki-sensei bước vào lớp và điểm danh. Hôm nay và ngày mai, ban văn hóa sẽ có một buổi họp về lễ hội văn hóa diễn ra trong hai tháng nữa, nên là sau buổi hôm nay, chúng tôi sẽ phải tập hợp ở hội trường thứ hai ở dãy đặc biệt. Nhắc mới nhớ, Yorutsuki cũng ở trong ban văn hóa. Rồi, Ikezaki-sensei rời đi và giáo viên lịch sử phụ trách tiết một bước vào. Do đã đọc xong sách giáo khoa sau khi phát sách được ba ngày, tôi cũng không cần phải chú tâm vào bài giảng mấy. Cân nhắc tình hình xong, tôi giấu quyển sách Yorutsuki cho mượn hôm qua (quyển về đám sát nhân tàn ác) đằng sau sách giáo khoa và bắt đầu đọc. Ở trường Outouin, đọc sách trong giờ học không vi phạm vào nội quy. Miễn là tôi đạt điểm cao và không làm phiền ai khác, thì sẽ chẳng ai phàn nàn cả. Dù là giáo viên hay học sinh. Có thể coi đây là một môi trường tốt, nhưng phản biện lại cũng không sai. Giờ, về cuốn sách này, đúng như tôi nghĩ, nó kể về một đống người bị giết dễ dàng như tính cộng trừ, đến độ tôi còn cảm thấy thoải mái. Xét về khía cạnh này, có vẻ các nhà văn kì cựu với nhà văn trẻ đều như nhau. Dĩ nhiên, một phần là bởi các nhà văn trẻ trưởng thành bằng cách đọc tác phẩm của những người đi trước. Với lại, dù là cộng trừ đi nữa, đây vẫn là tiểu thuyết phá án, nên không thể khởi đầu mà không có ai chết được. Cơ mà, khoan đã. Có lẽ vấn đề này không chỉ bó hẹp trong tiểu thuyết phá án. Nghĩ kĩ thì, cũng không phải là tác giả tiểu thuyết phá án thiếu thốn thế giới quan hay gì. Đây không phải vấn đề về thế giới quan. Ngay cả manga, video với phim ảnh cũng như vậy. Người ta thường hay nghĩ rằng trẻ con phạm tội là do ảnh hưởng của truyện tranh, anime hoặc game, và có lẽ trong nhiều trường hợp thì đúng là thế. Như trường hợp của tôi, khi trẻ con làm gì đấy, phần lớn nguyên nhân là do truyện tranh, anime với game, nhưng chẳng phải người lớn cũng giống vậy về bản chất sao? Dưới sức ảnh hưởng của truyền hình, âm nhạc và báo chí, ai cũng yêu bạo lực cả. Hoặc có thể nói rằng sức ảnh hưởng của đạo đức là quá thiếu thốn. Nói cách khác, là một nghịch lí. Vì họ yêu bạo lực, nên họ ngả theo nó; lí lẽ ấy cũng tương tự như câu “yêu vì tình” vậy. Sự phát triển vượt bậc của máy tính và công nghệ thông tin phần lớn là đến từ việc chiến tranh và ham muốn ngày nay được coi như lẽ thường tình. Tình yêu và bạo lực. Tôi đoán đấy là hai nhu cầu cơ bản nhất của một con người. 'Thế giới này chứa nhiều phân cảnh bạo lực và gây khó chịu' nhỉ? Tôi không phiền nếu đó là sự thật đâu.
Cái làm tôi cụt hứng nhất là việc cuốn sách có một lời bạt, và nó mang tông giọng thân thiện đến kì quái. Nội dung thì ổn, nhưng tôi vẫn thất vọng. Vị tác giả miêu tả chân thực từng cảnh chém giết máu me với bạo lực đột nhiên lại dành hẳn hai trang để kể về con tắc kè mới mua gần đây. Thật đấy, Leon-chan dễ thương lắm luôn, còn thực sự biết đổi màu nữa, bất ngờ quá đi. Cho rằng đó là một nghệ thuật cao quý đến nỗi một thằng nhóc như tôi không sao hiểu nổi, tôi cũng không biết nói gì nhiều, nhưng thành thực thì, tôi thấy cái này rất ngu. Có lẽ, suy cho cùng, giống như khi thủ phạm rơi lệ hay khi thám tử giảng giải đạo lí, đây là một hình thức biện minh. 'Tôi viết như thế này thôi, nhưng ngoài đời tôi tử tế lắm đó.' Im mồm. Tôi không cần biết nhân cách của ông. Nếu ông đã trở thành người của công chúng rồi ấy, thì vứt cái nhân cách vào sọt rác đi. Nhà văn cũng chỉ là một dạng ngoại vi của máy tính thôi. Với lại, ai đó cấm cái trò gọi tắc kè hoa là Leon giùm tôi với. Chậc, ông ta thậm chí còn tùy tiện xin lỗi biên tập viên vì thiếu kinh nghiệm nữa. Cứ cảm ơn trực tiếp đi, hay ông muốn ám chỉ rằng mình không biết lịch sự là gì? Hay ông muốn khoe là mình được làm việc với tai to mặt lớn? Rốt cuộc ông là ai, sinh viên đại học thêm mấy cái chú thích mà đến bản thân còn không thèm xem vào bài luận à? Đùa giỡn như này chỉ làm ông thảm hại hơn thôi. Khốn kiếp, cái lời bạt này, nó thực sự chọc tức tôi, cảm ơn nhé. Đùa chút thôi, phần phá án hay lắm, cảm ơn ông rất nhiều. Tôi sẽ ca tụng ông. Tôi trả quyển sách vào hộc bàn và quay mắt sang sách giáo khoa. Bài học đã sang trang tiếp theo trước cả khi tôi kịp biết. Tôi lật sang trang đó. Có một lời nhắn được viết vội.
Gặp tôi vào giờ ăn trưa.
Chữ đẹp đấy. Dĩ nhiên, kể cả chữ có đẹp đi chăng nữa, viết bậy vẫn cứ là viết bậy. Tôi thậm chí còn chẳng cần phải nghĩ; rõ ràng thủ phạm là Byouinzaka. Có lẽ cô nàng viết dòng này vào lúc sáng sớm, bởi sách giáo khoa của tôi nằm sẵn trên bàn. Nếu muốn gửi lời nhắn, thì đáng lẽ cứ nhét một bức thư là xong. Và, trong cái thời đại này, có một thứ gọi là điện thoại mà đến cả Doraemon cũng phải sốc khi nghe tới, cậu ta cũng có thể dùng nó luôn. Nhưng cái kiểu tư duy này không tồn tại với Byouinzaka. Trong lúc tôi thong thả lật từng trang giấy, một tin nhắn hiện ra. Chắc chắn cậu ta muốn dàn dựng gì đấy như vậy. Cho đến giờ, cái trò này đã xảy ra được một vài lần, và cũng không phải là tôi nâng niu sách giáo khoa đến mức phát cáu, nhưng tôi cần đưa ra một lời cảnh cáo, không thì Byouinzaka có thể sẽ kiêu ngạo mà làm gì đấy tồi tệ trong tương lai. Nghĩ kĩ thì, có lẽ mặc kệ lời mời này sẽ tốt hơn. Nhưng tôi vừa cãi nhau với Kotohara, nên tâm trạng đang không được tốt. Bị hành tung của cậu ta quay như dế với chắt lọc đống suy nghĩ bừa bộn của cậu ta cũng không phải ý tồi. Tôi nên làm gì đây?
1. Đến gặp cậu ta.
2. Mặc kệ.
Tôi cảm thấy mình có đưa ra lựa chọn nào thì cũng không quan trọng lắm. Tôi cũng không thấy mình cần lo lắng hay suy nghĩ gì nhiều, nhưng cũng không cần phải quyết định ngay. Cứ từ tốn suy nghĩ cho tới giờ ăn trưa đã, và vận dụng tối đa khả năng của tôi để đưa ra lựa chọn tốt nhất có thể.