Quo Vadis

chương 46

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Thành phố vẫn cháy triền miên. Đại hý trường đổ sụp thành một đống tro tàn, sau đó, tại những khu phố bị bốc cháy đầu tiên, từng dãy phố, từng ngõ phố cùng đổ sụp. Mỗi lần sụp đổ như thế, những cột lửa lại vọt lên cao đến tận trời. Gió đã đổi chiều và với một sức mạnh khó đo nổi thổi về từ phía biển, mang tới Caelinux, mang lên đồi Exquilinux và đồi Viminalix những sóng lửa, tàn lửa và trot han. Tuy nhiên, người ta cũng bắt đầu nghĩ tới việc cứu hỏa. Theo mệnh lệnh của Tygelinux - kẻ mãi ngày thứ ba mới từ Anxium chạy về - người ta bắt đầu phá sập các ngôi nhà trên đồi Exquilinux, để khi gặp phải chỗ trống ngọn lửa sẽ tự tắt đi. Song đó chỉ là một sự cứu chữa vô ích mà người ta cố công tiến hành để cứu lấy phần còn lại của thành phố, bởi vì đối với những gì đã cháy trụi đi rồi thì chẳng cần thiết phải nghĩ tới chuyện cứu chữa làm cho nữa. Ngoài ra, còn phải lo đối phó với những hậu quả tiếp theo sau thảm họa. Cùng với thành Roma, đã bị tiêu hủy vô vàn của cải, toàn bộ tài sản của các cư dân thành đô, khiến cho giờ đây chung quanh tường thành hàng trăm ngàn người cùng khổ phải sống trong cảnh lang thang màn trời chiếu đất.

Ngay từ hôm thứ hai, cái đó đã bắt đầu đe dọa đám người đông nhung nhúc này, bởi lẽ những kho lương thực dự trữ đầy ắp trong thành phố bị thiểu hủy cùng với nó, mà trong cảnh hỗn loạn chung vè tình trạng rã rời của các quan chức, chưa một ai nghĩ tới chuyện chuyển số lương thực mới tới cung cấp. Mãi sau khi Tygelinux tới mới có những mệnh lệnh thích hợp được gửi tới Oxtia, song lúc này dân chúng đã bắt đầu trở nên mỗi lúc một hung tợn hơn.

Ngôi nàh gần Aqua Appia, nơi Tygelinux tạm nương náu, bị bao vây bởi những đám đông đàn bà kêu gào từ sáng sớm đến đếm: "Bánh mì và nhà ở". Bọn lính cấm vệ được điều từ trại binh lớn nằm giữa Via Xafaria và Nomenta cố công nhung không sao duy trì được trật tự. Nhiều nơi người ta công khai dùng vũ khí chống lại chúng, nơi khác, những đám đông không một tấc sắt chỉ tay về phía thành phố đang cháy thét lên: "Với ngọn lửa kia chúng mày hãy cứ giết chúng tao đi!". Người ta nguyền rủa hoàng đế, đám cận thần, lính cấm vệ và mỗi giờ không khí lại sôi sục lại càng nóng bỏng thêm lên, đến nỗi ban đêm, khi nhìn hàng nghìn đám lửa vây quanh thành phố, Tygelinux tự nhủ thầm rằng đó chính là lửa của các trị binh kẻ thù vậy. Theo lệnh y, ngoài bột mì, người ta còn chở đến rất nhiều bánh mì đã nướng sẵn, không những chỉ từ Oxtia mà từ khắp các thị trấn và làng mạc trong vùng, nhưng khi chuyến hàng đầu tiên được chở tới Emporium, dân chúng đã phá cổng thành chính từ phía đồi Aventyn và chỉ trong chớp mắt đã cướp sạch sành sanh số lương thực ấy, gây ra một cảnh náo động kinh hoàng. Trong ánh lửa đỏ, người ta giật nhau, cướp từng ổ bánh mì, dẫm nát vô số khác dưới chân. Từ những bao bột mì bị rách, bột vung vãi như tuyết trắng phủ đầy khoảng không gian từ các kho ngũ cốc đến tận cổng vòm Đruxux và Germanik, cơn náo động kéo dài mãi cho tới khi bọn lính vât chặt các tòa nhà và dùng tên đạn xua đuối đám người. Kể từ khi xẩy ra cuộc tấn công của người Gali dưới sự thống lĩnh của Brennux, Roma chưa khi nào gặp phải một thảm họa tương tự. Và người ta cũng tuyệt vọng khi so sánh hai đám cháy ấy với nhau. Trước kia, dù sao quanh Kapiton là cả một vùng lửa rừng rực. Dù đá cẩm thạch không bị lửa đốt cháy, nhưng ban đêm, khi thỉnh thoảng những ngọn lửa bị gió thổi dạt ra, có thể trông rõ những hàng cột của đền thượng Jupiter bị nung đỏ và phát ra ánh sáng màu hồng giống như những hòn than cháy bỏng. Vả chăng, thời Brennux, Roma có một đám dân chúng có kỷ cương, thống nhất, gắn bó với thành đô và với với bàn thờ, còn giờ đây, bốn chung quanh bức tường thành của thành phố hừng hực cháy đang lang thang một đám người lang chạ đủ mọi thứ ngôn ngữ, mà phần đông là nô lệ và nô lệ giải phóng, náo động, vô cương và dưới tác dộng của sự bần hàn, sẵn sàng chỉa mũi nhọn chống lại cả chính quyền lẫn thành đô.

Tuy nhiên, chính cái quy mô to lớn của đám cháy, khiến trái tim người tràn ngập hãi hùng, đã dẹp yên một phần nào đó đám tiện dân. Sau hỏa hoạn sẽ có thể tiếp đến nạn đói và bệnh tật, vì không may chính những ngày đó lại là những ngày tháng bẩy nóng nực vô chừng. Bị thiêu đốt bởi ngọn lửa và mặt trời, không sao thở được. Đêm không những không mang đến đối chút dễ chịu mà lại trở thành địa ngục. Còn ban ngày thì phơi bày ra một cảnh tượng kinh hoàng và dữ dội. Ở giữa trung tâm là thành đô khổng lồ trên các ngọn đồi đang biến thành một núi lửa phun, còn khắp bốn chung quanh, tới tận núi Anban, là một khu trại vô tận gồm những nhà, những lều, trại căng tạm, xe ngựa, càng, kiệu, những đống lửa, bị che khuất trong những đám khói, đám bụi mù mịt, được chiếu sáng bởi những tia nắng mặt trời hung hung đỏ vì xuyên qua đám cháy, đầy tiếng ồn ào, tiếng kêu la, lời đe dọa, nỗi hằn thù và sự sợ hãi, một đám quần hợp quỷ quái của những đàn ông, đàn bà và trẻ con. Giữa những người Quyrit là dân Hy Lạp, những cư dân mắt màu nhạt của phương Bắc, những người Châu Phi và Châu Á, giữa đám công dân là bọn nô lệ, nô lệ giải phóng, đấu sĩ, thương nhân, thợ thủ công, nông dân và binh lính, cả một biển người thực sự vây quanh hòn đảo lửa.

Đủ loại tin tức khác nhau là xao động cái biển cả này như gió làm nổi lên những làn sóng. Những tin lành và những tinh không lành. Người ta kháo nhau về những kho vô vàn lương thực và quần áo đã được chở tới Emporium và sẽ được phát chẩn. Người ta còn nói rằng, theo lệnh của hoàng đế, các tỉnh trấn ở Châu Á và Châu Phi sẽ bị cướp sạch sành sanh tài sản của cải, số cướp được thu vào ngân khố sẽ đem chia cho dân chúng thành Roma, để mỗi người có thể tự xây dựng lại nhà ở cho chính mình. Song đồng thời người ta cũng truyền đi những cái tin, ví như nước trong đường máng đã bị đánh thuốc độc và Nerô muốn hủy diệt thành đô, triệt hết cư dân thành phố, để chuyến đến Ai Cập hoặc Hy Lạp và từ đó thống trị thế giới. Mỗi tin tức đều lan truyền nhanh như chớp và đều tìm thấy lòng tin trong đám tiện dân, gây nên những cơn bùng nổ hy vọng hay giận dữ, kinh hoàng hoặc điên khùng. Rốt cuộc hàng nghìn hàng nghìn con người lang thang ấy dường nhưu bị lên một cơn sốt nào đó. Lòng tin của các tín đồ Thiên Chúa giáo rằng ngày tận thế kết thúc bằng lửa đã đến gần, mỗi ngày thêm lan rộng giữa đám tín đồ thờ các vị thần. Người ta rơi vào cơn chán chường nhắm mắt đưa chân hoặc vào cơn điên loạn. Người ta trông thấy giữa những đám mây được quầng lửa chiếu sáng là những vị thần đương nhìn xuống sự hủy diệt trái đất, họ vươn tay lên cầu xin lòng thương xót, hoặc trỏ tay nguyền rủa các thần.

Trong khi đó, với sự trợ lực của một số cư dân thành phố, binh lính vẫn tiếp tục phá dỡ nhà trên đồi Exquilin, trên đồi Caeliux, cũng như ở khu Zatybre, nhờ đó mà phần lớn khu này được cứu thoát. Nhưng giữa lòng thành phố đã cháy rụi nhiều kho báu vô kể được tích tụ qua bao thể kỷ chiến thắng, những tác phẩm nghệ thuật vô giá, những thần miếu tuyệt vời và những kỷ vật quý giá nhất của quá khứ và niềm vinh quang La Mã. Người ta đồ rằng cả thành phố chỉ cứu được vài khu phố nằm ngoài rìa và hàng trăm nghìn con người trở nên không có mái che thân. Một số người tuy vậy vẫn đồn rằng: Binh lính phá nhà không phải để kìm hãm ngọn lửa mà chính là để cho không còn một thứ gì của thành phố còn sót lại. Trong từng bức thư, Tygelinux đều cầu xin hoàng đế hãy trở về và dùng sự có mặt của người làm yên lòng đám dân chúng đang tuyệt vọng. Nhưng Nerô chỉ lên đường khi ngọn lửa đã chiếm lĩnh "domus transitoria"(), ngài vội vã để không bỏ lỡ mất thời điểm khi đám cháy đạt tới sức mạnh khủng khiếp nhất.

Chú thích:

() Latinh : Nhà truyền ngôi

Truyện Chữ Hay