Trời đã vào hạ, nắng vàng nóng cháy hoà cùng luồng gió bỏng rát thổi qua làm cành đào trong Hoà Kính viên phất phơ lay động. Ngày rồi đêm rồi lại ngày, mười hai canh giờ cứ thế trôi qua nhịp nhàng, mới đó mà đã vào giữa tháng tư, cách lễ thành thân của Trầm Thư Kính chỉ còn độ mươi ngày.
Cách Tình một thân y phục nha hoàn màu xanh lục, trên tóc bới Nguyên Bảo kế cắm một cây trâm bạc, vẻ mặt hấp tấp, hớt ha hớt hải tiến vào sân.
Nơi ghế đá dưới tàn cây đào thụ, Trầm Thư Kính bởi vì giá y tân nương đã sớm thêu xong, hôn phục tân lang lại chẳng cần đến tay nàng làm, nên Trầm Thư Kính chỉ đành rảnh rỗi may vài bộ y phục thường nhật cho Trác Thiếu Hằng.
Lấy màu tím cùng màu mận chín làm chủ đạo, trên bàn đá đã sớm đặt ngăn nắp ba bộ, trên tay Trầm Thư Kính vẫn đang tiếp tục may bộ thứ tư, tay áo chỉ cần dùng một ít kim tuyến thêu mấy chữ "Phúc" nữa là xong.
"Tiểu thư, người mau thay y phục, Thái ma ma bên người Hoàng hậu nương nương đã đến chính viện, mang khẩu dụ của Hoàng hậu nói muốn người tiến cung thăm hỏi", Cách Tình chuẩn xác dừng lại cách Trầm Thư Kính ba bước chân, gấp rút nói.
Kim trong tay không phòng bị châm vào đầu ngón tay một cái đau điếng, một giọt máu đỏ tươi nhiễm lên trên y phục, hoà lẫn vào từng sợi vải, Trầm Thư Kính giật mình ngẩng đầu lên.
Dẫu vậy, lời của Hoàng hậu là không thể trái cũng không thể tránh, Trầm Thư Kính vội vàng để y phục trong tay lên bàn đá, cùng Cách Tình Túc Tình tiến vào tẩm phòng thay đổi y phục.
Nửa canh giờ sau, ở nơi chính điện, Thái ma ma đã sớm chờ đến tức giận. Bà ta là thân tín bên cạnh Hoàng hậu nương nương, khi nào thì phải đợi chờ một người lâu như thế? Nhưng lại nghĩ đến thân phận hiển hách của Trầm Thư Kính, Thái ma ma cũng không dám tỏ thái độ với nàng, đành phải cắn răng nuốt ngược trở vào.
Cùng lúc đó, Trầm Thư Kính cuối cùng đã xuất hiện. Trên người nàng khoác lên cung trang Quận chúa nhất phẩm màu cam đào thêu chim Yến đang tung cánh bằng kim tuyến dưới làn váy, ba ngàn tóc đen bới kiểu Linh Xà kế chỉ cài hai đóa Bách Hợp hoa làm từ vàng ròng lên, ngọc bội chiết phiến trắng tinh khiết trong nắng dường như phát sáng, khiến cho chữ "Trầm" khắc bên trong càng thêm nổi trội.
Đôi mày được chau chuốt tỉ mỉ khẽ nhếch lên, mắt phượng mi cong toát lên tươi cười hờ hững, giữa mi tâm vẽ một ấn kí Bách Hợp hết sức mới lạ màu đỏ nhạt, cùng với màu son như có như không càng thêm rực rỡ, bàn bàn nhập hoạ.
Tay ngọc vén làn váy, vòng eo thon thả không đầy nắm tay khẽ cúi, hành lễ với Tô Tịch đang ngồi trên chủ vị sau đó mới hành một cái bán lễ với Thái ma ma:
"Thỉnh an mẫu thân, Thái ma ma hảo. Kính nhi đến trễ, mong Thái ma ma đừng chấp nhặt".
Tô Tịch ngồi trên chủ vị mỉm cười hoà ái khẽ gật đầu, Thái ma ma lại là một dáng vẻ thụ sủng nhược kinh, vội vội vàng vàng hành lễ với Trầm Thư Kính:
"Lễ của quận chúa lớn quá, nô tì không dám nhận. Là do nô tì đến quá gấp gáp, hại quận chúa phải gấp rút chỉnh trang, nô tì ngàn sai vạn sai a".
Nhận được cái gật đầu của Trầm Thư Kính, Cách Tình tiến lên nhét vào trong tay Thái ma ma một hà bao đầy bạc vụn, khéo léo nói:
"Ma ma nói đùa, ma ma chỉ là thay Hoàng hậu nương nương truyền khẩu dụ, làm sao có lỗi được. Đây là chút trà phí mà quận chúa nhà ta thưởng cho ma ma, xin ma ma đừng chê ít".
"Nô tì nào dám a, quận chúa quá lời rồi. Nếu quận chúa đã xong chúng ta cũng nên xuất phát, tránh để nương nương đợi lâu sẽ mất hứng", Thái ma ma khẽ ước lượng hà bao trong tay, trên mặt nhanh chóng xuất hiện nụ cười càng thêm chân thành tha thiết.
Trầm Thư Kính nói vài lời với Tô Tịch, dặn bà không cần đi ra cửa tiễn vì khí trời oi bức dễ cảm nắng, sau đó mới cùng Thái ma ma lên xe ngựa tiến vào Hoàng cung.
Mà lúc này ở trong Phượng Loan cung- tẩm cung của Hoàng hậu nương nương, người đã sớm ngồi đợi.
Hoàng hậu tên gọi Triệu Phương Linh, là thân cô cô của Triệu quận công gia hiện tại. Dù đã gần năm mươi tuổi, nhưng nhan sắc vẫn luôn được bảo dưỡng rất tốt, trông khoẻ mạnh lại xinh đẹp như chỉ mới ba mươi mấy tuổi xanh.
Chỉ thấy nơi chính điện, Hoàng hậu nương nương một thân cung trang màu xích thố, trên đó thêu đồ đằng hải vân. Tóc bới Mẫu Đơn kế, trâm cài phượng vĩ chín đuôi đầy uy nghi.
Bà nghiêng người, khe khẽ tựa vào đệm êm phía sau lưng, trầm ngâm nghĩ ngợi.
Tính đến lúc này thì cũng đã ba mươi năm kể từ lúc bà nhập cung. Bà sớm đã quên hết sự trịnh trọng của buổi thành thân đó, trong trí nhớ chỉ còn sót lại lời nói của Hoàng đế:
"Linh nhi, trẫm biết nàng không muốn Phượng vị này, cũng không thích nơi cung cấm, nhưng trẫm nợ ca ca của nàng một mạng sống, nợ nàng một vị huynh trưởng như cha, nợ các chất nhi của nàng một phụ thân từ ái. Trẫm là quân, là vua một nước, luôn bận trăm công nghìn việc, sợ có lúc sẽ hồ đồ làm bậy. Triệu gia có công lớn như thế, nếu không có nhân lực trong Hoàng cung, chỉ sợ sẽ trở thành bia ngắm cho những người có dã tâm".
"Trẫm không cầu nàng yêu trẫm, trẫm chỉ cầu nàng vẫn luôn hiền lương thục tuệ như thế này, thay trẫm gánh vác biến loạn nới hậu cung, thay trẫm chăm lo các con của mình. Nếu nàng làm tốt, trẫm hứa với nàng, cho dù trẫm có chết đi, Triệu gia của nàng vẫn sẽ mãi mãi không đổ".
Sau đó mấy năm, Hoàng đế trong lúc đi Định Nam quốc gặp được Mặc Kì Hinh, Hoàng đế liền rơi vào bể tình sâu đắm. Ông ở khắp nơi che chở bà ấy, luôn công khai bảo hộ bà ấy, từng chút từng chút một.
Nếu không phải vì Mặc Kì Hinh không muốn Hoàng đế trở thành người thất hứa thì Phượng vị này của bà cũng đã sớm đổi chủ.
Hoàng đế yêu Hinh Đức phi như thế, nhưng bà lại không hề đau lòng, mà chỉ thấy rất ganh tị. Bà ganh tị tại sao ở nơi cung cấm này, Mặc Kì Hinh có thể tìm thấy tình yêu, còn bà thì không.
Mấy năm sau, Hinh Đức phi vì khó sinh mà mất, Hoàng đế cũng suy sụp tinh thần mất mấy năm. Rồi Hoàng đế đến gặp bà, trên tay còn ẵm theo Trác Thiếu Hằng còn trong tã lót vốn vẫn luôn ở trong Dưỡng Tâm điện kể từ khi sinh ra.
Ông giao đứa nhỏ cho bà, lại cầm tay Trác Thiếu Khanh dắt về phía bà, ông nói:
"Hoàng hậu, nàng nhân từ độ lượng lại thông minh. Nàng ắt hẳn cũng biết hai đứa nhỏ này quan trọng như thế nào với trẫm. Trẫm không thể ở bên cạnh chúng mỗi ngày, đó là hại chúng. Hai đứa nhỏ đã mất mẫu phi, trẫm đành phải giao lại cho nàng, nhờ nàng chăm sóc. Linh nhi, nàng có thể không thương chúng như con ruột, nhưng cũng đừng quá hà khắc với chúng. Hai đứa là tất cả những gì Hinh Hinh để lại cho ta, xem như là ta cầu xin nàng".
Đó là lần đầu tiên bà thấy Hoàng đế nhượng bộ đến như vậy. Ánh mắt ông ánh lên tia cầu khẩn, giọng nói còn thoáng chút run rẩy khó phát hiện. Từ khi Hinh Đức phi bước chân vào, bà đã sớm phát hiện có một ngày, có một ngày nào đó Hoàng đế sẽ vì bà ấy mà bỏ xuống kiêu ngạo của chính mình.
Quả thật là như thế.
Sau đó nữa thì bà nhận nuôi dưỡng Trác Thiếu Khanh cùng Trác Thiếu Hằng. Trác Thiếu Khanh tuy lúc đưa đến Phượng Loan cung cũng đã bốn tuổi, nhưng vẫn rất thân thiết với bà. Trái lại, Trác Thiếu Hằng lớn lên trong những cái ôm của bà lại có chút xa cách.
Bà cũng không để tâm, vẫn luôn hoàn thành rất tốt trách nhiệm của một dưỡng mẫu- không hơn không kém. Luôn tỏ ra quan tâm nhưng không chú tâm, tựa như mỗi khi chúng làm sai bà sẽ phạt nhưng không trách mắng một câu. Nói tóm lại, những hành động nên có của một người mẹ bà đều có hết, nhưng lại vẫn luôn không thực sự đặt chúng vào tim mình.
Đó có thể chính là lý do mà càng lúc càng lớn, Trác Thiếu Hằng lại càng thêm xa cách với bà, vì tâm tư của trẻ nhỏ thường rất mẫn cảm. Có thể nó đã sớm cảm giác được thái độ của bà rồi.
Trải qua mười tám năm trời, Triệu Phương Linh đã sớm xem Trác Thiếu Hằng cùng Trác Thiếu Khanh như là con ruột của mình. Nhưng Trác Thiếu Hằng vẫn luôn duy trì bộ mặt lạnh nhạt khi đối diện với bà, hầu như chưa bao giờ tâm sự một điều gì với bà cả.
Ngay cả đến việc hắn muốn cưới Trầm Thư Kính, bà cũng phải thông qua miệng hạ nhân bàn tán sau lưng mới biết được.
Trầm Thư Kính- người nhi tức này bà không hề thích một chút nào. Dẫu rằng nàng có là người đàn ra được "Phượng Cầu Hoàng", dẫu rằng nàng là Phượng Nghiên quận chúa, dẫu rằng nàng là một trong Tứ Đại mỹ nhân, bà vẫn một chút cũng không thể thích được.
—Chú thích—
Bàn bàn nhập hoạ: đẹp như trang vẽ.
Thụ sủng nhược kinh: được sủng ái mà lo sợ.
Chất nhi: cháu.