Cho đến khi Trác Thiếu Khanh ly khai, sắc trời cũng đã dịu mát. Trầm Thư Kính ngủ một giấc dậy thì ráng chiều đã chầm chậm tan đi.
Nàng ngồi trên giường, một mực suy nghĩ về chuyện của Hỷ Tình.
Nếu thân phận của Hỷ Tình thực sự là Mặc Kì Vân, vậy thì tại sao kiếp trước không ai phát hiện ra?
Đột nhiên ánh mắt Trầm Thư Kính loé lên, đứng bật dậy.
Phải rồi. Kiếp trước Trầm Thư Kính một mực đi theo Trác Thiếu Kình, phụng mệnh y đi giết Vệ Quân thần y. Sau lại tìm cớ giết cả Hỷ Tình, đến lúc chết cũng không cho chôn cất đàng hoàng có lẽ vì sợ sẽ có người đào xác nàng ấy lên để xác nhận xem nàng ấy liệu có phải là Mặc Kì Vân Vân quận chúa của Định Nam quốc hay không.
Kiếp trước thì ra bên người nàng lại có một bí mật lớn như thế...
Hỷ Tình cố gắng nhẹ bước chân tiến vào trong tẩm phòng đổi một bình trà khác cho tiểu thư, để nàng có trà nóng uống khi tỉnh dậy. Nào ngờ vừa quay đầu đã thấy Trầm Thư Kính tủm tỉm ngồi trên giường nhìn mình, Hỷ Tình bị doạ ngốc lăng a.
Trầm Thư Kính bật cười, đưa tay ngoắc ngoắc Hỷ Tình lại gần mình. Hỷ Tình nhanh chân đi đến, nhưng vẫn một mực không dám ngồi xuống giường của Trầm Thư Kính, yên lặng đứng thẳng tắp.
Không hiểu vì sao tâm Trầm Thư Kính chợt nặng nề, nàng thở dài một cái, vươn tay kéo Hỷ Tình ngồi xuống bên cạnh mình. Nếu Hỷ Tình thật sự là Mặc Kì Vân, thì số phận của nàng vốn phải là Vân quận chúa cao cao tại thượng, chứ không phải là bình dân nô tỳ, đến cả ngồi cũng không dám ngồi như thế kia.
Nếu sư phụ mà biết chuyện này, có lẽ sẽ đau lòng đến chết mất thôi.
Đột ngột bị “tập kích”, Hỷ Tình không đứng vững ngồi phịch xuống giường lớn mềm mại của Trầm Thư Kính. Sau đó vẻ mặt như bị bỏng nước sôi, nhanh chóng đứng lên rồi thẳng tắp quỳ xuống, một loạt hành động làm đến như mây trôi nước chảy, nhanh đến mức Trầm Thư Kính vươn tay đỡ không kịp.
Hỷ Tình cúi đầu, một mực quỳ trước mặt Trầm Thư Kính, chọc cho nàng tức đến cảm giác cái mũi cũng lệch đi rồi:
“Hỷ Tình, tỷ làm cái gì đó? Mau đứng lên cho ta”.
“Tiểu thư...Trên người nô tì y phục dơ bẩn, ngồi lên giường trắng sẽ làm bẩn mất”, Hỷ Tình thuỷ chung vẫn cúi đầu, thanh âm lí nhí.
Nàng biết nàng chọc giận Trầm Thư Kính rồi.
Không khí trong phòng thoáng chút bị đông cứng, Trầm Thư Kính tuy tức giận nhưng không hiểu sao mũi lại có chút xót, khoé mắt không nhịn được cay xè.
Hỷ Tình....
Trầm Thư Kính vươn tay, lần này không kéo Hỷ Tình ngồi xuống nữa mà đỡ nàng đứng lên, kéo cái ghế gần đó bắt nàng ngồi xuống rồi mới nhẹ giọng hỏi:
“Hỷ Tình, tỷ theo ta đã bao lâu rồi nhỉ?”.
“Thưa tiểu thư, mười hai năm rồi ạ”, Hỷ Tình không yên lòng vân vê vạt áo, giọng nói nhỏ như muỗi kêu.
Thì ra đã lâu như vậy.
Nhớ năm đó khi Trầm Thư Kính ba tuổi, mẫu thân đưa đến cho nàng một tiểu nha hoàn gầy nhom, tuy đã mười tuổi nhưng dáng người như trẻ mới lên bảy. Vừa ốm yếu vừa đen thật là đen.
Mẫu thân nói Hỷ Tình là cháu gái của một người mẹ theo mẫu thân đã lâu, nay người ấy mất, Hỷ Tình không có nơi nương tựa, nên thương tình đem nàng ấy đến bên cạnh Trầm Thư Kính, cùng Trầm Thư Kính bầu bạn lớn lên.
Một lần bầu bạn, là mười hai năm. Năm nay Hỷ Tình đã hai mươi hai tuổi, nếu là nhà bình thường, đã sớm gả đi rồi, huống gì là hoàng thân quốc thích.
Trầm Thư Kính hỏi vòng vo một hồi lâu, mới vòng lại chủ đề chính, thứ mà nàng vẫn luôn muốn hỏi:
“Hỷ Tình, trên đầu vai phải của tỷ có phải có một vết bớt màu đỏ hình đám mây không?”.
Hỷ Tình ngạc nhiên trừng lớn mắt, lắp bắp kinh hãi nhìn Trầm Thư Kính:
“Tiểu, tiểu thư, người, người làm sao biết được?”.
Nghe lời Hỷ Tình nói, lại thấy phản ứng của nàng, Trầm Thư Kính biết mình tìm được đáp án rồi.
Nàng không hiểu cảm giác trong lòng là sao. Có chút vui mừng cho Hỷ Tình, lại có chút đau xót cho nàng ấy. Thân là kim chi ngọc diệp của hoàng thất, là nữ tử thanh cao, thế mà lại phải lưu lạc nơi nhân gian, dùng thân phận nô tì mà chậm rãi lớn lên.
Nỗi đau khổ này, chỉ sợ khó có thể diễn tả nên lời. May là Hỷ Tình không hề nhớ gì đến năm năm êm ấm kia, nếu không chỉ làm nàng thêm suy sụp.
Trầm Thư Kính phút chốc sững sờ, không biết nên làm sao mới tốt. Hỷ Tình hoang mang nhìn Trầm Thư Kính, rối rắm một lúc lâu mới nhẹ giọng hỏi:
“Có phải tiểu thư biết gì đó về thân phận của nô tì không? Nếu không tiểu thư cũng không hỏi nô tì về cái bớt đó làm gì đúng không? Mẹ nuôi trước khi mất có nói với nô tì, nếu ai hỏi đến cái bớt của nô tì, ắt hẳn người đó biết thật sự nô tì là ai”.
Trầm Thư Kính cau mày nhìn Hỷ Tình, cứ thế qua một lúc lâu thật lâu. Lâu đến mức Hỷ Tình cứ chắc rằng tiểu thư sẽ không đáp lại lời mình, thì thanh âm Trầm Thư Kính mới vang lên:
“Hai mươi tám năm trước Định thân vương Định Nam quốc Mặc Kì Nguỵ cũng chính là Vệ Quân thần y Bình Tây quốc theo Hinh Đức phi đến Bình Tây quốc hoà thân, sau đó ở nơi này cưới vợ sinh con. Thê tử y trong lúc sinh vì khó sinh mà mất, để lại cho y một nữ hài tên Mặc Kì Vân là cốt nhục duy nhất, là mối tương quan duy nhất của thê tử với y. Sau đó sáu năm, Định Nam quốc biến loạn, Mặc Kì Nguỵ dẫn theo Mặc Kì Vân trở lại Định Nam quốc theo ý của Tiên hoàng.
Nào ngờ trên đường đi bị tập kích, Mặc Kì Nguỵ trở tay không kịp, cứ thế trơ mắt nhìn Mặc Kì Vân bị hắc y nhân bắt đi. Sau đó ở một thung lũng gần đó, y phát hiện một bộ xương trắng nho nhỏ bị sói hoang gặm hết thịt, y cứ nghĩ đó là con gái của mình, đau đớn đến chết đi sống lại. Hối hận, dằn vặt, thù hằn, Mặc Kì Nguỵ manh theo tâm tình đó trở lại Định Nam quốc, huyết tẩy hoàng cung, sau đó bình tĩnh nâng Tân đế lên ngôi, rồi không màng danh lợi trở lại Bình Tây quốc ẩn cư nơi núi rừng sâu thẳm. Cứ thế như dã thú bị thương, một mình liếm láp vết thương đã huyết nhục mơ hồ, chỉ là dùng cả một đời, cũng chẳng thể làm vết thương kia ngưng nhỏ máu”.
Không hiểu sao, nghe đến ba chữ “Mặc Kì Nguỵ”, trái tim của Hỷ Tình khẽ run rẩy. Như là huyết mạch tương liên, như là tình phụ tử.
Thanh âm Trầm Thư Kính không dừng lại, cứ thế tiếp tục kể:
“Nhưng Mặc Kì Nguỵ đã lầm, nữ nhi của ông thật ra chưa chết. Nàng vì lý do nào đó sống sót từ trong tay hắc y nhân, cơ duyên xảo hợp được một lão bà họ Khổng nhận nuôi. Chỉ là nàng đã quên hết mọi chuyện, hoàn toàn là một tờ giấy trắng. Bốn năm sau, Khổng mẹ chết, Mặc Kì Vân vào Trầm Quốc công phủ Bình Tây quốc làm nha hoàn cho Tam tiểu thư, về sau gọi là Hỷ Tình...”.