Giang Nam. Đồn Bạch Nhật.
Lâm Tố Đình trở về đồn Bạch Nhật. Điều đầu tiên nàng làm là đi tìm Nữ Thần Y để hỏi thăm tình trạng thương tích của Tần Thiên Nhân.
Đồn Bạch Nhật là khu căn cứ thứ ba của bang phái phản Thanh phục Minh. Di cư nằm ở phía sau chùa Thanh Tịnh, nơi Khẩu Tâm đang tu hành. Chùa Thanh Tịnh còn có tên gọi khác là Tu Thiền Phật Địa.
Tọa lạc bên dưới chân núi Thanh Vân, hằng năm, chùa Thanh Tịnh thu hút hàng vạn khách hành hương từ mọi miền đất nước. Quan khách đến chùa để vãn cảnh, cầu may, bái lễ và dự hội Quan Âm. Khu rừng núi bao quanh chùa Thanh Tịnh là nơi có cảnh sắc thiên nhiên đẹp tuyệt vời và nhiều hang động bao la kỳ thú.
Du khách muốn đến thăm chùa phải đi bằng đường bộ xuyên qua rừng thông, con đường mà các tiều phu thường vào rừng lấy củi và hái thuốc. Đường mòn lót sỏi trắng. Quan khách men theo lối đi đó và lặng ngắm hai bên bờ thông xanh. Xa xa sau màng sương mỏng là trùng điệp núi biếc.
Ngoài Thanh Vân Sơn thì còn có ba dãy núi khác an vị phía sau chùa Thanh Tịnh. Tên núi được đặt theo hình dáng núi. Thanh Vân nghĩa là ngọn núi cao chọc trời có mây ngàn phủ lấp quanh năm. Ba dãy núi kia là núi Cổ Nhạc với hình trái chuông, núi Thổ Đụn như đụn thóc và núi Nghệ Lân hình con kỳ lân. Núi Nghệ Lân đôi khi còn được dân bản xứ gọi là núi Tông Quy vì đứng ở một góc cạnh nào đó người ta lại thấy giống hình con rùa. Bốn dãy núi hợp lại thành hình tứ giác và tạo nên một thung lũng nằm ở trọng tâm. Thung lũng này chính là khu căn cứ bí mật của bang phái Đại Minh Triều.
Ở trên đỉnh núi Thanh Vân xuất hiện một phiến thạch vô cùng to lớn. Mỗi ngày khi mặt trời ló dạng, ánh dương rọi vào phiến thạch khiến cho phiến thạch phản chiếu như tấm gương. Người đứng ở bên dưới thung lũng nhìn lên cao sẽ thấy phiến thạch giống như mặt trời. Bởi thế mà Mã Lương lão nhân đặt tên cho di cư là đồn Bạch Nhật, nghĩa là mặt trời màu trắng.
Mười mấy năm về trước, Sư Thái đã kêu gọi các thành viên bang hội xây cất võ đường, kho thuốc, kho lượng thực và hàng trăm thư phòng ở tại thung lũng trông từa tựa như một sơn trang. Thung lũng có cây che khuất. Ngoài trừ người trong hội thì không ai biết nơi này chính là nơi đóng đô của quân đội phản Thanh.
Đồn Bạch Nhật có dòng suối uốn lượn quanh co. Cảnh đẹp như tranh thủy mặc với cỏ cây hoa lá đung đưa theo gió. Phía đông của sơn trang có động Thạch với nhiều nhũ đá hình thù muôn vẻ. Phía tây bắc có hồ sen bán nguyệt, quanh bờ mọc đầy cẩm quỳ phù dung. Đồn Bạch Nhật là địa điểm hội tụ của muôn loài thực vật và động vật. Tại đây, chim chóc từng đàn tụ tập hoan ca, vượn gọi bầy đua nhau reo hót cùng tiếng suối róc rách như bản nhạc hòa tấu của thiên nhiên.
Kể tiếp câu chuyện. Lâm Tố Đình đi nhanh như bay trên hành langg, gấp rút đến kho chứa thuốc tìm kiếm Nữ Thần Y nhưng vô vọng. Lâm Tố Đình bèn vọt đến thư phòng của vị hôn phu và xô cửa bước vào. Nàng bắt gặp Nữ Thần Y đang ngồi trên bục gỗ cạnh giường bệnh phu. Vị Hoa Đà tái thế gục đầu lên ngực Tần Thiên Nhân mà âm thầm rơi lệ.
Lòng cảm giác bất an, Lâm Tố Đình lao đến bên giường bệnh lay mạnh đôi vai của Nữ Thần Y.
- Huynh ấy thế nào? – Lâm Tố Đình hồi hộp hỏi.
Nữ Thần Y ngẩn đầu lên, đưa tay lau nước mắt:
- Huynh ấy trọng thương rất nặng cơ hồ nguy hại nội tạng lục phủ. Lại thêm vết thương trên cánh tay không ngừng xuất huyết khiến cho cơ thể mất rất nhiều máu. Hiện tại huynh ấy còn đang mê man, không thể ăn uống nên tôi e là sẽ lành ít dữ nhiều.
Tin tức bi thương bóp nát tâm can Lâm Tố Đình. Nàng giơ đôi tay chèn ngực, cảm thấy trái tim đau đớn như có bầy kiến lửa đang thi nhau cấu xé. Bên tai vang vọng tiếng nấc nghẹn ngào của Nữ Thần Y. Lâm Tố Đình quỵ xuống sàn ôm mặt khóc theo. Căn phòng vốn đã u buồn giờ càng thêm sầu não. Đêm đông cây cỏ giá băng. Ánh trăng len qua khung cửa sổ soi sáng thư phòng. Hai nàng thiếu nữ như hai chiếc bóng ủ rũ in trên mặt đất.
Nữ Thần Y nín khóc trước tiên. Nàng bật dậy sờ tay lên trán của Tần Thiên Nhân và kéo tấm chăn bông đắp ngang ngực chàng trước khi quay mình bỏ ra khỏi thư phòng. Lâm Tố Đình cũng đứng lên dùng tay phủi hai đầu gối rồi tất tả rượt theo tri kỉ.
Trên hành langg chật hẹp, Lâm Tố Đình níu áo Nữ Thần Y:
- Cô định đi đâu?
- Tôi đi tìm Tuyết Liên hoa – Nữ Thần Y đáp, vẫn không dừng chân.
- Cô muốn đến Thiên Sơn? – Lâm Tố Đình nhướng mắt - Để tôi đi với cô.
- Không! – Nữ Thần Y xua tay - Tôi muốn đến Hắc Viện học đường. Nếu tôi nhớ không lầm thì trong kho thuốc có dự trữ một số lượng Tuyết Liên đáng kể. Tôi sẽ hòa chúng với nhân sâm Linh Chi, sắc thành thuốc cho Thiên Nhân uống.
- Cách này hay đấy? - Lâm Tố Đình choàng tay qua vai Nữ Thần Y.
- Không hay lắm đâu – Nữ Thần Y lắc đầu. Đôi chân từ từ chậm bước.
- Cô bảo sao? - Lâm Tố Đình ghì đôi vai của Nữ Thần Y, buộc tái Hoa Đà đứng lại.
Nữ Thần Y thở dài:
- Tôi nói phương thuốc này có thể làm huynh ấy mất mạng.
Lâm Tố Đình không tin đôi tai mình:
- Cô nói gì tôi không hiểu? Tôi tưởng Tuyết Liên hoa chữa được bá bệnh còn nhân sâm Linh Chi thì nghe thiên hạ nói có thể dùng để cải tử hoàn sinh.
Nữ Thần Y cười chua chát:
- Nếu mà cải tử hoàn sinh được thì Thiên Nhân đâu có nằm trên giường hôn mê bất tỉnh.
Và nàng nói thêm:
- Đêm trước tôi có dùng hoa Tuyết Liên sắc thành thuốc cho huynh ấy uống dưng không có tác dụng gì. Rồi thì sáng nay tôi cũng thử sử dụng nhân sâm Linh Chi. Kết quả cũng chẳng khả quan là mấy. Giờ chỉ còn một cách là hòa hai vị thuốc đó lại chung với nhau. Nhưng…
Thấy Nữ Thần Y nhưng nhị, đang nói lưng chừng thì bỏ lửng, Lâm Tố Đình trố mắt:
- Cô còn ái ngại điều gì?
- Tô lo là sâm Linh Chi và hoa Tuyết Liên có tính hàn nhiệt, khi dung hòa thì liều thuốc đối lập có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Nhưng tôi nhất định phải thử.
Lâm Tố Đình tung hai tay lên trời quát tháo:
- Cô làm vậy là coi nhẹ tánh mạng của huynh ấy! Mang huynh ấy ra làm vật thí nghiệm!
- Nhưng tôi đã hết cách! – Nữ Thần Y nói lớn hơn - Nếu cứ ngồi bó tay chờ mãi thì huynh ấy cũng sẽ mất mạng, thời gian chỉ sớm hay muộn mà thôi!
Trong lúc hai người họ bàn luận, có kẻ đứng nép mình sau bụi cây vểnh tai lắng nghe.
Lâm Tố Đình dùng ngón trỏ xỉa vào ngực Nữ Thần Y:
- Nhưng nhỡ trị liệu không thành… Cô đành lòng hay sao?
Nữ Thần Y đáp bằng giọng kiên quyết:
- Nhỡ mà không thành thì tôi sẽ cùng huynh ấy xuống suối vàng để trên đường Cửu Tuyền huynh ấy có người bầu bạn.
Câu trả lời của Nữ Thần Y khiến Lâm Tố Đình xúc động. Và Lâm Tố Đình nắm chặt đôi tay của người tri kỉ, nói:
- Tôi cũng sẽ theo hai người vào tận chốn âm ty.
Nữ Thần Y rơm rớm nước mắt, cười khẽ:
- Được rồi! Chúng ta đừng nói chuyện không may này nữa.
Lâm Tố Đình buông tay Nữ Thần Y, gật đầu nói:
- Đúng vậy! Huynh ấy nhất định không sao.
Nữ Thần Y gật đầu đồng ý. Và nàng nói nhanh:
- Bây giờ tôi đi lấy thuốc.
Lâm Tố Đinh chợt nhớ đến lời phỏng đoán của Khẩu Tâm “nếu để Dương Tiêu Phong tìm được Nữ Thần Y thì cơ hội phản Thanh coi như hỏng béng.” Lâm Tố Đình liền chộp lấy cánh tay trái của Nữ Thần Y kéo lại.
- Cô đừng nên đi! – Lâm Tố Đình lắc đầu lia lịa - Hắc Viện bây giờ binh lính trùng trùng. Hãy để tôi đi thế cô?
Nữ Thần Y nhìn Lâm Tố Đình, thầm nghĩ “để Đình Đình đi cũng tốt, cô ấy biết võ công, có thể lẻn vào Hắc Viện mà không sợ bị bắt gặp.”
- Vậy cũng được – Nữ Thần Y đặt tay phải lên vai Lâm Tố Đình - Cô hãy mau lên đường. Thiên Nhân không thể cầm cự lâu thêm được nữa.
- Cô an tâm – Lâm Tố Đình vỗ ngực - Trước lúc trời sáng, tôi sẽ mang Tuyết Liên hoa về đây.
Khi Lâm Tố Đình khuất bóng, Nữ Thần Y quay mình định đi về hướng thư phòng của Tần Thiên Nhân thì bỗng nhớ ra điều quan trọng. Nàng bèn hối hả nối gót theo Lâm Tố Đình lúc này đã men theo đường hầm bí mật để ra khỏi thung lũng.