Ta là Thẩm Phong Cẩn, hoặc gọi với cái tên mà ai cũng biết, đó là Cẩn phi.
Nói ra thì, chính thê của Hoàng thượng là Huệ Nhân hoàng hậu, trăng sáng trong lòng là Nghi phi, người yêu dấu nhất là Dao phi.
Còn ta, là người ở bên bệ hạ lâu nhất.
Lần đầu gặp Hoàng thượng, ta mới chín tuổi thôi. Mẹ của ta là muội muội ruột của Đoan Khang thái phi, năm đó vẫn đang là Đoan phi, dưới gối không con khó tránh thấy cô đơn nên mẹ thường dẫn ta vào cung. Ngày đó Hoàng thượng nhân hậu hiền lành, chưa nhiều cố kỵ, xưa nay ta vốn chỉ vào cung thăm người thân, không ngờ một ngày bản thân cũng bị vây trong bốn bức tường cao này.
Hôm đó là tháng ba, hạnh mai trong cung nở rộ tươi sáng, mẹ và Đoan phi nương nương đang ngồi hàn huyên, ta nha hoàn bên cạnh chạy ra ngoài ngắm hoa. Lúc ta không nhịn được muốn lén bẻ một cành xuống thì, bỗng nghe một tiếng gọi từ phía xa.
- Đây là cô bé nhà ai nhỉ?
Ta nhớ câu “cô bé nhà ai” của bệ hạ rất nhiều năm. Về sau, người gọi ta là Phong Cẩn, gọi ta là Trắc phúc tấn, gọi ta là Cẩn tần, gọi ta là Cẩn phi nhưng chẳng bao giờ gọi ta là cô bé nữa.
Bệ hạ khi ấy mặc một chiếc áo choàng trắng, thong dong bước tới, đôi mắt sâu thẳm nhìn thẳng vào ta, làm trái tim ta đột nhiên đập vội, ngượng nghịu cúi đầu.
Người nói tên người là Thừa Dục, chỉ vậy thôi, như thể hai chữ “Thừa Dục” này đã đủ đại biểu rồi.
Về sau ta mới biết, hai chữ Thừa Dục thật sự đại diện cho tất thảy.
Thừa Dục, bây giờ là Thái tử, mẹ đẻ xuất thân danh gia vọng tộc, là Hoàng hậu được Hoàng thượng sủng ái nhất. Từ nhỏ, tài cưỡi ngựa bắn cung, trị quốc luận đạo của người đều vượt trên các hoàng tử khác.
Đại khái là như vậy.
Sau đó, thỉnh thoảng ta sẽ gặp được người. Bệ hạ cư xử nho nhã lễ độ mà vẫn mang theo sự kiêu ngạo khó thấy. Chúng ta gặp nhau cũng chỉ chào hỏi đôi ba câu, mãi đến năm ta mười tuổi gặp được bệ hạ trong cung của Đoan phi nương nương.
Nghe nói Hoàng hậu sinh xong đứa thứ hai, cơ thể sa sút nên bệ hạ được gửi tạm đến chỗ Đoan phi. Ta có thể thường xuyên gặp được người, trẻ con dễ thân nhau nên chẳng mấy mà hai bên thân thiết.
Quen thuộc rồi mới thấy bệ hạ không khiến người ta kính sợ mà tránh xa như trước, thỉnh thoảng chúng ta cùng chơi đùa ầm ỹ. Chúng ta ở đây là ta và huynh trưởng, Thẩm Tích Lương.Ca ca hơn ta hai tuổi, lớn hơn Thái tử một tuổi, cha của ta Đại nội thị vệ nên ca ca từ nhỏ lớn lên trong quân doanh, không hề giống một công tử thế gia chút nào. Hai người họ chơi chung lâu ngày đã thân như tay chân, có lúc còn thấy ta phiền phức. Ta không phải không muốn chơi với bọn họ, nhưng mẹ ta luôn dạy ta phải đoan trang hiền thục, không được mất khí độ đại gia khuê tú.
Ta thường ngồi rất xa nhìn bệ hạ đọc sách, viết chữ, luyện kiếm, người luôn rất năng nổ. Ca ca thường hỏi ta sao cứ tự nhiên đỏ mặt thế, ta không chịu đáp.
Một năm lặng lẽ trôi qua, mùa hè năm ấy bệ hạ ốm nặng. Ta nóng ruột không yên, lại không biết phải làm sao, mỗi ngày lại theo Đoan phi nương nương tụng kinh cầu phúc cho Hoàng thượng ở điện Trường Xuân. Mỗi ngày đều quỳ, đến nỗi đầu gối đau không đi nổi.
Ta thề nguyện trước mặt Bồ tát rằng, chỉ cần bệ hạ tỉnh lại, dù ta phải cơ khổ một đời, thậm chí không gặp lại người nữa, ta cũng chấp nhận, tuyệt đối không oán hận.
Cuối cùng bệ hạ đã tỉnh lại.
Năm ta mười lăm tuổi, bệ hạ xuất cung kiến phủ, nạp Trắc phúc tấn, là tiểu thư nhà Hộ quốc công, về sau là Nghi phi.
Cô ấy và ta khác nhau nhiều. Cha mẹ cô ấy không gò bó cô ấy chút nào. Lần đầu nhìn thấy, cô ấy đang ngồi chơi xích đu trong Vương phủ, tiếng cười lanh lảnh như chuông bạc, vừa trong sáng vừa ngây thơ, Thừa Dục đứng bên cạnh cười đầy yêu chiều.
Năm đó ta mười sáu tuổi, vừa trở thành Trắc phúc tấn thứ hai của người.
Bệ hạ không thích ta, ta cũng biết. Lúc còn trẻ, người kiêu ngạo lại tràn đầy sức sống, người không thích mẫu phụ nữ trầm tĩnh như ta.
Bồ tát không để ta phải cô độc đến cuối đời, cũng không khiến ta và người không gặp lại nhau. Nhưng đến năm bệ hạ hai mươi tuổi, kế vị, ta dọn vào cung Đường Lê, nhiều khi ta lại thấy cô độc hơn cả một đời không gặp lại người nữa.
Ta nhìn bệ hạ dần bận rộn, nhìn từng nhóm tú nữ mới vào cung, nhìn phía đông có thêm một công chúa, phía tây có thêm một hoàng tử, nhìn bệ hạ vui vẻ với người khác, nhìn người thỉnh thoảng nhớ đến ta, thỉnh thoảng lại quên mất.
Cả đời ta có lẽ sẽ mãi mãi ở lại trong cái góc nhỏ bé này, rót trà cho người vào mấy bận được bệ hạ nhớ đến. Số mệnh của ta là ở nơi bệ hạ không nhìn thấy, lặng lẽ chờ đợi người.
Năm ta hai mươi mốt tuổi xảy ra một chuyện lớn, trong triều mất một vị tướng quân.
Tên người đó là Thẩm Tích Lương.
Lúc nghe được tin này, ta ngất đi, hai ngày sau mới tỉnh lại, bên giường có một Lưu thái y đang quỳ. Rất lâu sau, cung nữ bên cạnh nói với ta rằng, tiểu chủ, đứa bé mất rồi.
Ta không biết ta có hận bệ hạ hay không. Có những chuyện không phải ta cứ muốn là có thể thay đổi.
Bệ hạ vì chuyện này mà thay đổi. Người trở nên nghiêm khắc hơn, không chỉ với người bên cạnh, mà với chính bản thân, không nương tay chút nào. Trước tiên người là Hoàng thượng, sau đó mới là bản thân người.
Mười năm qua vẫn luôn như vậy.
Người đã thay đổi lúc nào nhỉ? Có lẽ từ lúc cô gái tên Từ Ý Tùy kia xuất hiện.
Ngày ta nói rằng, tính tình của Từ thường tại rất giống Nghi phi.
Tay đang bưng trà của người khựng lại, rồi đáp, trẫm thấy nàng ta có vẻ không an phận, nàng để ý nhiều chút.
Ta chỉ cười mà không phản bác, mẫu người bệ hạ thích là thế nào, ta hiểu rõ nhất.
Thời gian chầm chậm trôi, Từ thường tại trở thành Dao phi.
Bệ hạ luôn thấy có lỗi với nàng ấy, ta biết nhưng ta không nói gì. Thật ra, ta cũng rất muốn ra ngoài cung ngắm hoa đăng.
Ta không hận, cũng không ghen tị. Giống như ngày đó có Nghi phi, không còn Nghi phi thì có Dao phi, không có Dao phi cũng có người khác. Ta thậm chí rất biết ơn Dao phi, nàng ấy thật sự yêu bệ hạ, ở một góc độ nào đó, coi như thay ta yêu bệ hạ thật nhiều.
Lúc Hoàng thượng đổ bệnh đã gọi ta đến, bàn giao rất nhiều chuyện trong Hậu cung.
Người nói, huynh trưởng của Thục hoàng hậu là Định Sóc Đại tướng quân, người không yên tâm. Mắt Tuệ phi không chứa được ai, Gia phi quá háo thắng, Dao phi quá bộp chộp, tính tới tính lui chỉ nhờ cậy được ta.
Có lẽ bệ hạ không biết, khi nhắc đến Dao phi tính tình bộp chộp, trong mắt lại đầy dịu dàng, là ánh mắt ta xưa nay ta chưa từng thấy.
Ta lĩnh chỉ tạ ơn, ta ước ao người gọi ta một tiếng “Phong Cẩn”, nhưng người không gọi.
Câu cuối cùng bệ hạ nói là, nếu còn dư lại chút thời gian, trẫm mong có thể sống vì bản thân.
Nhiều ngày đêm sau khi bệ hạ băng hà, ta trăn trở suy nghĩ mãi. Nghĩ đi nghĩ lại, giọt nước mắt kìm nén bao năm liền tuôn ra. Trong cung này, có mấy người có thể vì bản thân mà sống? Từ phủ Ninh thân vương đến cung Đường Lê rồi đến cung Thọ Khang, có khi nào ta sống vì mình?
Có khi nào, ta sống vì bản thân?
Gia phi nói ngưỡng mộ Dao phi có thể xuất cung sớm. Chúng ta đều biết rõ đằng sau cái câu “ở trong cung lưu niên bất lợi”(2) là sự ưu ái đến nhường nào.
Nhưng ta không ngưỡng mộ, ta muốn ở lại nơi này, gìn giữ những dấu chân người in trên hành lang trong cung, gìn giữ bóng dáng người ở điện Cần Chính, gìn giữ những con chữ người từng viết ra.
Giữ lại cây hạnh mai nở rộ trong cung.
Ở nơi đó, người từng hỏi ta, đây là cô bé nhà ai nhỉ?
Cán Hoa khê thượng kiến khanh khanh,
Kiểm ba thu thuỷ minh.
Đại my khinh,
Lục vân cao oản,
Kim thốc tiểu tinh đình.
Hảo thị vấn tha lai đắc ma?
Hoà tiếu đạo:
Mạc đa tình.