Ngày ta nhập cung là tiết Hoa Triêu (1). Tính ra lúc ấy hơi lạnh của mùa đông chưa tan hết, nhưng mặt trời đã rải nắng trên bầu trời xanh thăm thẳm.
Sáng sớm, hơn trăm tú nữ xếp thành một hàng dài ở Thuận Trinh môn để đến cung Vĩnh Ninh. Theo gia thế và tuổi tác, ta được xếp ở cuối hàng. Người ở trong điện ở rất xa, không nhìn rõ nên ta không mấy sợ hãi.
Có một chú chim đen nho nhỏ đậu trên cây bách ngoài sân, ta chưa từng nhìn thấy nó bao giờ nên tò mò nhìn thêm mấy lần. Ánh nắng chói chang làm ta không mở được mắt, bỗng cả người nôn nao, quần áo mặc trên người cũng thấy hơi chật.
Đến lúc thái giám gọi tên ta, ta mới tỉnh hồn lại, theo sát các tú nữ vào hành lễ. Bị giật mình, quần áo lại vướng víu, động tác vụng về làm mặt ta hơi nóng lên. Tuổi nhỏ vô tri nên không thấy sợ sệt, chỉ thấy mất mặt trước bề trên.
Trong lúc hoảng hốt chỉ nhớ người trên điện hỏi ta sao lại ngẩn ra thế, lại hỏi có biết đó là chim gì không. Ta không trả lời được, cũng không nhớ người đó nói gì, chỉ ngơ ngác biết mình được giữ lại.
Sau đó, ta mới nghe một cung nữ nói chim kia là hỉ thước, có lẽ được nhờ điềm lành đó mà ta được lấy thân phận con gái của một tri huyện Hoài An nhập cung, trở thành một thường tại nhỏ bé.
Nhưng thật lòng ta không nghĩ “hỉ thước” kia là điềm lành, vì vào cung chẳng có gì vui.
Từ hôm tuyển tú, sau khi để lại lục đầu bài ta liền bị đuổi về khách điếm. Ta cứ nghĩ trước khi vào cung có thể ở ngoài rong chơi, thăm quan kinh thành phồn hoa, ai ngờ còn bị quản thúc chặt hơn, đến ra khỏi cửa cũng không được.
Năm ngày sau nghi trượng tới đón, ta tạm biệt bà vú rồi vào cung.
Hôm đó phải vào cung Đường Lê, bái kiến vị cung chủ là Cẩn phi. Cẩn phi người cũng như tên, là người điềm đạm. Nàng ấy căn dặn ta phải cẩn thận từ lời nói đến hành xử, biết tôn ti trật tự. Thấy nàng ấy có vẻ không muốn bị quấy rầy, ta nghe chỉ bảo, tạ ơn rồi lui ra. Thiên điện không nhỏ, lại có vẻ yên tĩnh nặng nề, ngoài Mịch Nhi ta dẫn theo, hai cung nữ được ban cho ta cũng chỉ cúi đầu vâng dạ.
Hôm sau đến bái kiến hoàng hậu. Hoàng hậu đoan trang dịu dàng, ngoài nhắc nhở tần phi trong cung phải hòa thuận cũng không nói gì thêm. Ta nhìn các quý nhân, thường tại khác đều đeo trang sức khác hôm tuyển tú, không nhận được ra ai với ai nữa.
Ngày hai mươi tư tháng hai, lúc đi ngang Ngự hoa viên thấy cành mai đã có nụ.Ngày hai mươi lăm tháng hai, nụ hoa đã hé, phơn phớt sắc hồng.
Ngày hai mươi sáu tháng hai, ngắm hoa mai.
Ngày hai mươi bảy tháng hai, ngắm hoa mai.
Ngày hai mươi tám tháng hai, mấy ngày rồi hoa vẫn chưa nở, giận không đến nữa.
Ngày mai mươi chín tháng hai, vẫn chưa nở.
Thời tiết ở kinh thành chán thật đấy. Ở quê nhà ta, mùa xuân vừa đến, hải đường và hoa mai đã khoe sắc suốt đêm xuân rồi.
Ngày mồng một tháng ba, thỉnh an hoàng hậu nương nương về, ta thấy mấy cây mai ở phía nam Ngự hoa viên đã có vài bông hoa nhỏ. Ta và Mịch Nhi đứng ngắm rất lâu.
Mịch Nhi ngáp dài nói tiểu chủ ơi, chúng ta về thôi.
Ta cũng muốn về rồi.
Thật ra ta cũng chẳng muốn ngắm đâu. Chẳng qua cảm thấy chờ lâu như vậy cũng nên thấy kết quả. Chỉ là nhìn mãi ta cũng không thấy cành mai nở chậm này có gì đẹp.
Ngày mồng hai tháng ba, có Lâm quý nhân đến thỉnh an Cẩn phi nương nương. Trong cung ngoài hoàng hậu nương nương thì không cần thỉnh an chủ vị các cung khác, với lại lát sau cô ấy lại chạy vào thiên điện của ta, giới thiệu xong thì ngồi lại hàn huyên, ta đoán cô ấy chỉ mượn cớ đến la cà thôi.
Ngày mồng ba tháng ba, Lâm quý nhân dẫn Di thường tại ở cùng cung đến uống trà. Di thường tại không hoạt bát như Lâm quý nhân, lúc nói chuyện hai má hơi đỏ lên, ta nhìn mà thích.
Ngày mồng bốn tháng ba là tiết hàn thực, trời đổ mưa. Hai ngày trước có người đến nói chuyện giải sầu đã quen, hôm nay vắng lặng tẻ nhạt. Ban đêm ta rầu rĩ ngồi trên giường nghĩ vẩn vơ rất lâu.
Ngày mùng năm tháng ba, hôm nay cả người uể oải, trán hơi nóng, có lẽ hôm qua thức khuya đã cảm lạnh rồi.
Trận cảm lạnh này kéo dài đến trung tuần tháng ba mới khỏi hẳn, ta cũng nhờ vậy mà quen thân với Triệu thái y đến chữa bệnh cho ta.
Cũng phải nói, ngự y trong cung không tệ, y thuật tốt lại cần cù chỉ là hơi nhát gan. Hôm đó ta hỏi hắn có thể giúp ta chuẩn bị một đơn thuốc không có thuốc không làm hắn giật cả mình. Ta không hiểu chuyện này có gì đáng sợ.
Cuối cùng, hắn vẫn viết cho ta một đơn thuốc gồm trần bì, cẩu kỷ, cam thảo và sơn tra để nấu thành trà. Uống ngon hơn so với trà được tiến công nhiều.
Mười lăm tháng ba ta đến thỉnh an hoàng hậu, mới nghe nói Dung tần đã có thai ba tháng, hậu cung cùng chung vui.
Mười sáu tháng ba, có lẽ do bệnh lâu mới khỏi, ta cảm thấy mình như chim sổ lồng, hào hứng chạy đến điện Y Lan.
Hôm nay trong điện chỉ có mình Di thường tại, bởi vì Lâm quý nhân được triệu hạnh nên đã đi theo các ma ma rồi.
Ta với Di thường tại vừa hàn huyên nói chuyện vui vừa chơi cờ, so thắng thua sít sao. Hai cô gái ham vui cũng chẳng mấy để tâm, chẳng qua kiếm chuyện chơi mà thôi.
Lúc về cung Đường Lê, Cẩn phi nói Lâm quý nhân may lắm mới được triệu hạnh sớm. Ta lại không thấy được triệu hạnh có gì hay, cô ấy không có ở điện Y Lan, không biết ta và Di thường tại chơi vui vẻ thế nào.
Mười bảy tháng ba, sáng sớm đã có công công đến điện Y Lan truyền chỉ. Lâm quý nhân được ban phong hào “Gia”.
Ta thấy hoàng thượng hẳn rất thích cô ấy cho nên mới ban phong hào đẹp như vậy. Mắt thấy các thái giám nối đuôi nhau nâng ban thưởng vào, ta vừa vỗ tay đi vào vừa nói “chúc mừng Gia quý nhân”.
Gia quý nhân hé miệng cười, ngượng ngùng lườm ta một cái. Ta nhìn cô ấy đứng thẳng ở đó, nhu mì yên tĩnh, khác hẳn lúc thường ngày tranh cãi sôi nổi cùng ta.
Vào trong điện ngồi, ta mới đi hỏi cô ấy:
- Hoàng thượng trông thế nào?
Cô ấy đỏ mặt, cúi đầu vuốt khăn tay nói:
- Người, rất tốt.
Ta không hiểu rất tốt của cô ấy là ý gì. Nghĩ lại mặt mũi hoàng thượng thế nào ta cũng không biết, cô ấy nói ta lại không tưởng tượng ra được, hơi mất mặt nên thôi không hỏi nữa. Ba người chúng ta liền ngồi chơi Cửu liên hoàn rất lâu.
Tháng ba lặng lẽ trôi qua.
Đến đầu tháng tư, ngọc lan, nghênh xuân, hoa đào lần lượt nở rộ che khuất lá xanh, đan vào không khí hương thơm ngọt ngào.
Ngày mồng hai tháng tư, hoàng thượng đến điện Y Lan thì gặp Di thường tại, bốn ngày sau có thái giám truyền chỉ gọi Di thường tại đến bạn giá.
Ngày mồng tám tháng tư, ta cầm mẫu thêu do cung nữ của Cẩn phi vẽ cho đến điện Y Lan. Gia quý nhân đang thêu đai lưng, Di thường tại thêu túi tiền, ta biết họ đang làm cho hoàng thượng. Ta nghĩ một lát liền làm một tấm màn tua rua cho chiếc lồng anh vũ trong cung. Nghe chẳng liên quan gì nhưng ta chẳng biết phải làm gì nữa.
(1) Tiết Hoa Triêu: Còn gọi là Hoa Thần tiết, sinh nhật trăm hoa, là ngày lễ truyền thống của Trung Quốc.