Papillon - Người Tù Khổ Sai

chương 22: cuộc vượt ngục của những kẻ ăn thịt người

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

"Nó chén mất cái chân gỗ rồi!" "Một ra-gu đùi gỗ, một!". Hoặc bắt chước giọng đàn bà: một suất bít-tết đàn ông rán kỹ không bỏ hạt tiêu nhé!".

Giữa đêm khuya thỉnh thoảng lại nghe la lên một câu như vậy hoặc cả ba câu liền. Clousiot và tôi cứ băn khoăn không hiểu tại sao lại có những câu nói ném ra một cách bâng quơ như vậy trong đêm khuya. Cho đến chiều nay tôi mới biết căn nguyên câu chuyện. Người kể cho tôi nghe là một nhân vật của câu chuyện tên là Marius de la Ciotat, chuyên gia về két sắt. Khi đã biết rằng tôi có quen với bố anh ta, ông Titin, anh ta không ngần ngại nói chuyện với tôi.

Sau khi kể cho anh ta nghe một phần trong chuyến vượt ngục của tôi, tôi hỏi: "Còn anh?" - hỏi lại như vậy là điều rất tự nhiên. - Ồ, tôi thì đã tham gia vào một chuyện rất xấu xa. Tôi e rằng chỉ vì một cuộc vượt ngục mà lĩnh năm năm cấm cố. Nó được mệnh danh là "cuộc vượt ngục của những kẻ ăn thịt người". Những câu "Nó chén rồi" hay là "một ra-gu,v.v... " và thỉnh thoảng anh có nghe thấy là nói về hai anh em Graville. "Chúng tôi có sáu người trốn từ Cây số . Trong bọn có cả Dédé và Jean Graville, anh ba mươi lăm tuổi, em ba mươi, vốn là người Lyon, một người Naples ở Marseille và tôi, người ở La Ciotat, rồi thì một anh chàng ở Angers có một chân gỗ và một cậu thanh niên hai mươi ba tuổi, được hắn dùng làm vợ.

Khi ra khỏi sông Maroni thì ổn cả, nhưng ra đến biển chúng tôi không sao điều khiển được thuyền, và chỉ trong mấy tiếng đồng hồ đã bị giạt vào bờ biển Guyane thuộc Hà Lan. "Thuyền bị đắm, mất sạch không vớt vát được chút gì lương thực cũng như đồ đạc. May mà hãy còn giữ dược những áo quần đang mặc trên người. Nơi chúng tôi bị giạt vào không có bãi cát, biển vào thắng trong rừng rậm. Chỗ này những cây bị gẫy gốc hay bị biển bứng lên cả rễ đan chi chít vào nhau. "Đi suốt một ngày mới đến chỗ khô ráo. Chúng tôi chia ra làm ba nhóm, nhóm thứ nhất là hai anh em Graville, tôi với Guesepi đi với nhau, còn gã chân gỗ đi với thằng bạn nhỏ. Mỗi nhóm đi về một phía, nhưng mười hai ngày sau nhóm Graville và nhóm chúng tôi lại gặp nhau gần đúng ở chỗ đã chia tay nhau. Xung quanh toàn là bùn lầy, tìm mãi không có một lối nào qua được. Không cần phải tả cho anh thấy mặt mũi chúng tôi lúc bấy giờ ra sao. Suốt mười ba ngày chúng tôi không ăn gì ngoài mấy mẩu rễ cây hay mầm cây. Đói và mệt lả, hoàn toàn kiệt sức, chúng tôi quyết định là Marius và tôi sẽ thu hết tàn lực trở ra bờ biển, buộc một chiếc áo sơ mi lên một ngọn cây, càng cao càng tốt, để ra đầu thú với chiếc tàu tuần tra bờ biển đầu tiên của Hà Lan thế nào cũng sẽ đi qua đấy. Hai anh em Graville sẽ ở lại nghỉ vài giờ rồi đi tìm vết tích của hai người kia. Tìm chắc cũng dễ vì ngay từ đầu chúng tôi đã thỏa thuận là sẽ bẻ cành cây đánh dấu những chỗ vừa đi qua.

Thế rồi mấy giờ sau, hai anh em thấy gã chân gỗ trở lại một mình.

- Còn thằng bé đâu?

- Tớ để nó ngồi lại cách đây rất xa, vì nó không đi được nữa.

- Cậu bỏ nó lại như vậy thật là quá tệ.

- Chính nó muốn quay lại.

Đến đấy Dédé nhận thấy cái chân duy nhất còn lại của hắn đi một chiếc giày của cậu bé.

- Cậu lại còn bắt nó cởi giày ra cho cậu đi nữa à! Khá thật. Mà cậu có vẻ khỏe khoắn lắm chứ không phải như chúng mình. Rõ ràng là cậu vừa được ăn.

- Đúng, tớ tìm được một con khỉ lớn bị què.

- Thế thì may cho cậu. - Đến đây Dédé đứng dậy, con dao lăm lăm trong tay, vì anh ta eảm thấy mình đã hiểu ra được một điều gì khi nhìn thấy cái túi dết của gã kia căng phồng lên.

- Mở túi dết ra. Cái gì ở trong ấy? Hắn mở túi dết ra thì thấy có một súc thịt.

- Cái gì đấy?

- Miếng thịt khỉ ấy mà!

- Đồ khốn kiếp, mày đã giết thằng bé để ăn thịt!

- Không phải đâu Dédé, tớ thề như vậy. Cậu ấy mệt quá chết rồi, tớ có ăn một ít. Cậu tha cho tớ.

Hắn chưa nói hết câu thì con dao đã đâm sâu vào bụng hắn.

Lục soát trong người hắn, Dédé tìm thấy một cái túi da có đựng diêm và tấm bìa quẹt. Hai người giận điên lên khi thấy cái túi đựng diêm ấy vì như thế là khi chia tay nhau gã kia không chịu chia đều số diêm cho các nhóm khác. Thêm vào đấy lại đói nữa, thế là họ đốt lứa và bắt đầu nướng thịt gã chân gỗ ăn. Guesepi đến trong khi hai người đang chén. Họ mời anh ta. Guesepi từ chối. Ở bờ biển anh ta đã ăn mấy con cua và mấy con cá sống. Anh ta bên đứng nhìn từ bên ngoài cái cảnh hai anh em Graville nướng miếng thịt trên than hồng, dùng cả cái chân gỗ để đun bếp. Như vậy là trong hai ngày liền Guesepi đã trông thấy hai anh em Graville ăn thịt gã kia; anh ta lại còn trông thấy rõ những bộ phận họ đã ăn: cái bắp chân, cái đùi, bộ mông. Còn tôi, - Marius nói tiếp, - tôi đang đứng chờ ở bờ biển. Guesepi ra tìm tôi. Chúng tôi bắt cua và cá nhỏ bỏ đầy một cái mũ và đem về bếp anh em Graville để nướng. Tôi không trông thấy xác thằng chân gỗ, chắc họ đã lôi đi chỗ khác. Nhưng tôi có trông thấy mấy miếng thịt còn để ở một bên đống lửa, trên lớp tro.Ba hôm sau, một chiếc tàu tuần tra bờ biển cho chúng tôi lên và giao chúng tôi lại cho trại tù Saint Laurent - Du-Maroni. "Guesepi đã không chịu giữ mồm giữ miệng. Tất cả những người ở trong phòng này đều biết sự việc đã xảy ra, ngay cả bọn gác cũng biết. Tôi kể cho anh nghe vì ai cũng biết hết rồi; anh em Graville là người xấu tính, cho nên mấy người khác mới ném ra những câu mà anh đã từng nghe giữa đêm khuya. Chúng tôi bị chính thức lên án về tội vượt ngục kèm theo tội ăn thịt người. Cái gay là ở chỗ để tự bào chừa tôi phái tố cáo anh em Graville, mà điều đó thì không thể được. Cả bọn, trong đó có cả Guesepi, đều phủ nhận việc này trong các buổi hỏi cung. Chúng tôi đều nói là hai người kia đã mất tích trong rừng. Tình cảnh của tôi là như thế đấy, Papillon ạ".

- Tôi chia buồn với cậu, vì quả thực cậu chỉ có thể tự bào chữa bằng cách tố cáo người khác.

Một tháng sau, Guesepi bị giết bằng một nhát dao đâm vào giữa tim trong lúc đang đêm. Thậm chí người ta cũng chẳng cần tự hỏi xem ai đã giết hắn. Đó là sự thật trong câu chuyện những người vượt ngục đã ăn thịt một người trong bọn bằng cách nướng hắn trên ngọn lửa đốt bằng cái chân gỗ của hắn, và trước đó bản thân người này đã ăn thịt thằng bạn nhỏ cùng đi với hắn. Đêm ấy tôi nằm ở một chỗ khác trên sạp gỗ: người trước đó nằm ở đây đã bị chuyển đi nơi khác. Tôi lại xin mọi người xê ra một quãng, thế là Clousiot có chỗ nằm cạnh tôi. Từ chỗ tôi nằm, dù chân trái bị cùm vào thanh sắt dài, ngồi dậy tôi vẫn thấy được những ai đang diễn ra ở ngoài sân. Sự giám sát nghiêm ngặt đến mức các đợt đi tuần hầu như kế tiếp nhau không hở phút nào, và bất cứ lúc nào cũng có những đội tuần tra đi đến từ phía ngược lại với đội trước.

Bây giờ chân tôi đã đi được rất khỏe, và chỉ có khi nào trời mưa tôi mới thấy đau nhức. Vậy là tôi đã đủ sức để tiến hành một cuộc vượt ngục khác, nhưng bằng cách nào? Phòng này không có cửa sổ, chỉ có một dãy song sắt rất lớn ghép liền thành một bức rào chạy hết chiều ngang và lên đến tận mái. Vị trí của nó cho phép gió đông bắc thổi vào phòng lồng lộng. Tuy đã quan sát suốt cả tuần, tôi vẫn chưa tìm được một chỗ nào sơ hở trong cách giám sát của bọn canh ngục. Lần đầu tiên, tôi hầu như đã phải chịu rằng họ sẽ có thể đưa tôi vào nhà giam cấm cố ở đảo Saint-Joseph. Nghe nói là nhà giam này rất khủng khiếp. Người ta gọi nó là cái nhà giam "ăn thịt người". Thêm một tài liệu nữa: nó tồn tại đã tám mươi năm nay mà chưa hề có một người nào trốn ra ngoài được.

Dĩ nhiên một khi hầu như đã chấp nhận mình thua cuộc như vậy, tôi phải nhìn về tương lai. Tôi đã hai mươi tám tuổi, mà viên đại úy dự thẩm đòi giam tôi năm năm cấm cố. Rút ngắn thời hạn này là việc hết sức khó khăn. Vậy thì khi ra khỏi nhà giam cấm cố tôi sẽ được ba mươi ba tuổi. Tôi còn có nhiều tiền trong plan. Vậy nếu tôi không vượt ngục được - điều này gần như chắc chắn nếu cứ theo những điều tôi được biết - ít nhất tôi cũng phải làm thế nào để giữ được sức khỏe cho tốt. Năm năm trong cảnh hoàn toàn cô độc khó lòng có thể chịu đựng nổi mà không phát điên. Cho nên tôi dự tính sẽ luyện tập ngay từ ngày đầu bị cấm cố cho bộ óc của tôi hoạt động thật ngăn nắp theo một phương trình được ấn định chính xác và đa dạng. Phải cố tránh đến mức tối đa những lối mơ tưởng "xây lâu đài ở Tây Ban Nha"(thành ngữ Pháp có nghĩa là mơ ước những chuyện hão huyền) và nhất là tránh mơ ước những cách trả thù. Vậy ngay từ bây giờ tôi đã chuẩn bị vượt qua sự trừng phạt khủng khiếp đang chờ tôi và ra khỏi nhà giam cấm cố với tư thế của người chiến thắng. Phải, chúng nó sẽ chẳng được xơ múi gì. Tôi sẽ ra khỏi nhà giam cấm cố với một thể lực tốt, hoàn toàn làm chủ những năng lực thể chất và tinh thần của mình.

Xác lập được những dự định này và điềm tĩnh chấp nhận những gì đang đợi tôi là một điều làm cho tôi thêm vừng vàng. Ngọn gió biển lùa vào phòng mơn trớn tôi trước khi thổi đến những người khác và thực sự làm cho tôi thêm sảng khoái. Clousiot biết rõ khi nào tôi không muốn nói chuyện. Cho nên anh ta không quấy rầy những phút yên lặng của tôi, và chỉ hút nhiều thuốc lá. Nhìn thấy mấy ngôi sao ở trên trời, tôi nói với anh:

- Nằm ở chỗ cậu có thấy sao không?

- Có! - anh ta nói, người hơi nghiêng về phía trước. - Tôi thấy đừng nhìn sao thì hơn vì nó làm cho tôi nhớ những ngôi sao trong chuyến vượt ngục vừa qua quá.

- Cậu đừng buồn, chúng ta sẽ thấy lại hằng ngày trong một chuyến vượt ngục khác.

- Bao giờ? Năm năm nữa à?

- Clousiot ạ, cái năm mà chúng ta vừa được sống qua, tất cả những chuyện ly kỳ đã xảy ra đến với chúng ta, những con người mà chúng ta đã quen được biết chẳng lẽ lại không đáng giá năm năm cấm cố hay sao? Cậu thích ở Quần đảo ngay từ đầu hơn là đã dự cuộc vượt ngục ấy sao? Vì mấy năm cấm cố đang đợi chúng ta chắc chắn là những năm đọa đày, cậu tiếc là đã có mặt trong cuộc vượt ngục ấy sao? Cậu hãy trả lời thành thật đi, cậu có tiếc không?

- Papi ạ, cậu quên mất một điều: tôi không hề được sống bảy cái tháng thần tiên của cậu ở làng Anh- điêng. Giá tôi đã cùng đến đấy với cậu, tôi cũng sẽ nghĩ như cậu, nhưng đằng này trọn thời gian ấy tôi lại phải ngồi tù.

- Xin lỗi cậu, tôi quên mất, tôi nói bậy.

- Không, cậu không nói bậy: dù sao tôi cũng rất hài lòng về chuyến vượt ngục của chúng ta, vì chính tôi cũng đã được sống những giờ phút không thể nào quên được. Chỉ có điều tôi cũng hơi lo sợ trước những gì đang chờ tôi ở cái nhà giam "ăn thịt người". Năm năm cấm cố là một cái gì hầu như không thể qua nổi.

Tôi liền nói với Clousiot biết những điều tôi đã quyết định làm, và tôi cảm thấy anh ta có một phản ứng rất tích cực. Thấy bạn lấy lại được sức mạnh tinh thần, tôi rất mừng. Còn mười lăm ngày nữa chúng tôi phải ra tòa. Theo những lời đồn đại viên thiếu tá sẽ đến đây chủ tọa hội đồng trừng giới có tiếng là người nghiêm khắc, nhưng hình như lại là người rất trung trực. Ông ta không dễ gì tin vào những lời xúc xiểm của Ban quản trị nhà tù. Vậy nên coi đó là một tin mừng thì hơn. Clousiot và tôi (vì Maturette ngay khi trở về trại đã bị nhốt vào xà-lim riêng) đều không chịu nhận một viên giám thị làm trạng sư bào chữa. Cả hai quyết định rằng tôi sẽ nói thay cho cả ba chúng tôi và sẽ bào chữa cho cả nhóm

Truyện Chữ Hay