Mười bảy ngày sau, Tiết Vô Y chết.
Y tắt thở vào một buổi chiều rực rỡ nhất.
Thẩm đại phu nói Tiết Vô Y không có ham muốn sống, y vốn nên có một cuộc đời tốt đẹp hơn.
Khi chết y gầy trơ cả xương, chiếc áo khoác lỏng lẻo trên người, gương mặt trắng như tuyết. Đối mặt với cơ thể ngày một teo tóp của y, lâu dần ta chẳng nhớ nổi thiếu niên mặc áo vải thô chạy băng băng trên cánh đồng kia nữa.
Lúc đứng trước Tiết Vô Y ngồi bất động trên giường, đầu óc ta trống rỗng.
Trong mười bảy ngày này ta thường nhớ đến một câu nói mà Tiết Vô Y nói cách đây ba, bốn năm. Y nói, đôi khi y nghĩ, nếu như ngày ấy ở lại quê cũ, không ôm chí khí hư ảo đến Trường An thì có phải bây giờ sẽ sung sướng tự do hơn không.
Còn có Hoài Ngọc ngồi trên xe lăn, đứng trước khung cửa sổ cao cao đón gió nhìn phố xá rộn ràng sầm uất bên dưới, mái tóc dài bay bay. Đôi mắt nàng sáng ngời, nàng nói thích cánh ưng cô độc trên sa mạc rộng lớn, ao ước ngưỡng mộ Tiết Vô Y có thể vượt nóc băng tường, mong đợi một ngày mình có thể đi đến tầng cao nhất của tháp Đại Nhạn ngước nhìn trời xanh, chắc chắn là rất tự do tự tại.
Mười bảy ngày không quá dài nhưng chẳng hiểu tại sao rất nhiều người và việc mười mấy năm qua đã cắm rễ vào trí nhớ của ta bỗng mơ hồ không rõ. Ta chậm rãi quên đi rất nhiều chuyện lúc Tô Thu Trì còn sống… căn nhà cỏ xập xệ kia, tiếng cười của nàng và Tiết Vô Y, màn cãi lộn ngây thơ ầm ĩ của chúng ta, còn có những thanh đao sắc bén được rèn thành dưới bàn tay của Tô Thu Trì.
Đêm đến ta mơ một giấc mơ.
Ta mơ thấy Tô Thu Trì thuở mới quen, nàng mặc chiếc váy hoa rách màu xanh, thắt mái tóc dài màu đen thành đuôi sam, ánh mắt tĩnh lặng như nước. Nàng ôm thanh đao đã gãy làm hai nửa, dính đầy máu của Tiết Vô Y trong lòng, nhìn ta mỉm cười, đôi mắt long lanh như nước hồ Tây.
Nàng chẳng nói gì cả, cứ lẳng lặng nhìn ta như thế.
Ta há hốc mồm nhưng lại không biết phải nói gì, sau đó ta tỉnh lại.
Lúc mở mắt ra trời đã sáng choang, ngoài cửa sổ có một con én xuân bay ngang qua.
Gió xuân thổi tuyết tan, phương Nam bội thu. Sau ngày mười bốn tháng Chạp trời không đổ tuyết lớn nữa, có lẽ là năm ngoái thiên tai không ngừng, giá rét hoành hành nên năm nay xuân đến rất sớm. Giặc Hung Nô xâm lấn phương Bắc bị đánh bại, rút lui đến Bạch Thành ở phương Bắc, mầm xuân nhú lên trên những cánh đồng bị tuyết lớn bao phủ. Từng tốp dân chạy nạn rời đi, thành Trường An khôi phục vẻ huyên náo rộn ràng như cũ.
Trong mười bảy ngày này còn xảy ra rất nhiều chuyện…
Hoài Vô Nhai tỉnh lại, người mang mầm bệnh không nhẹ.
Đại đệ tử của lão cũng tỉnh, bị què chân trái.
Hoài Vô Nhai thả Phương Hàn Hoa, an táng long trọng cho Thạch Thu Phong. Lão trục xuất đại đệ tử ra khỏi sư môn, giải tán hết đệ tử, tuyên bố thoái ẩn giang hồ, ôm bài vị của cô con gái duy nhất Hoài Ngọc ẩn cư núi rừng, không hỏi sự đời.
Kỳ thật ân oán giang hồ cũng chẳng khác người lừa ta gạt trên triều đình là bao, triều đình là một giang hồ khác và giang hồ là một triều đình khác. Trên triều đình thế sự biến ảo khôn lường chỉ trong một sớm một chiều, chưa đến một tháng giang hồ đã mất đi một gia chủ nhà họ Hoài dã tâm bừng bừng suýt chút nữa tung hoành võ lâm, nhiều thêm một người cha, một người đàn ông mất con vào tuổi trung niên, tâm như tro tàn.
Thạch Thu Phong không có người thân, ta đến đón linh cữu của hắn.
Lúc quay về ta bị một người đàn ông mặc áo đay chặn lại.
Hắn là phục vụ trong quán rượu ta ngồi hôm luận võ, một vị kiếm khách áo trắng bỏ ra mấy lượng bạc bảo hắn giữ một chiếc hộp gỗ, gửi cho một cô gái áo đen đến lúc đưa tang Thạch Thu Phong đại hiệp.
Trong hộp là một cái chén sứ trắng, bên trong còn một nửa rượu chưa uống cạn.
Ta ôm hộp gỗ quay về nhà.
Lúc đặt hộp gỗ xuống ta bỗng thấy lạ, mở ra xem, hóa ra người áo trắng đã cắt cả khối mặt bàn bên dưới cái chén. Ta cầm chén sứ trắng lên, dưới đáy chén là một lá thư ngắn gấp nhỏ.
Bên trên viết, nếu ta thắng luận võ sẽ đến nhà hỏi cưới nàng.
Nực cười thay, người cũng đã chết mà còn nói muốn cưới ta.
Lúc ông lão chết ta không khóc, lúc Tô Thu Trì mất ta không khóc, lúc khắc bia cho Tiết Vô Y, vùi thanh đao gãy dính đầy máu xuống mộ y ta cũng không khóc, lúc nhìn quan tài của Thạch Thu Phong từ từ chìm xuống bùn đất ta cũng không khóc nhưng nhìn thấy bức thư vốn mãi mãi không nên nhìn thấy ánh mặt trời này ta lại khóc. Ta không kìm nén được khóc thút thít, làm thế nào cũng chẳng ngừng lại được.
Ta không hiểu vì sao mình lại thút thít, rõ ràng ta đã sớm đoán được kết cục của bọn họ. Vào lúc nhìn thấy đôi mắt trong veo đen láy của Thạch Thu Phong ta đã biết chắc chắc hắn sẽ chết vì lý tưởng của mình, lúc Tiết Vô Y khăng khăng cố chấp tiếp tục giết người ta đã biết cuối cùng mình chẳng thể ngăn hắn đi tìm cái chết. Rõ ràng ta khắc bia nhiều năm như thế, chứng kiến biết bao sinh ly tử biệt, rõ ràng từ rất lâu rồi đôi mắt ta khô khốc không một lần nhỏ lệ… Vì sao, vì sao ta lại thút thít?
Từng giọt nước mắt nhỏ tí tách xuống hộp gỗ.
Ta ngồi trong căn phòng trống trải khóc mãi không thôi.
Ta bắt đầu nằm mơ thường xuyên. Cảnh xuất hiện trong mơ là cánh đồng hoang gió thổi vi vu, không có lấy một bóng người, chỉ có mình ta đứng trên gò đất trụi lủi dõi mắt nhìn nơi hoang vắng.
Ở trong mơ, rất nhiều thứ như đã từng quen biết thoáng hiện lên trước mắt ta. Người và những chuyện từng gặp, từng xảy ra trong suốt hai mươi bảy năm qua đan xen vào nhau, rườm rà hỗn loạn, kỳ quái lạ lùng, nhưng tỉnh lại ta đã quên sạch.
Tỉnh mộng ta không buồn ngủ nữa, mở to hai mắt nhìn chằm chằm nóc nhà, nghe tiếng tuyết hóa thành nước nhỏ tí tách xuống mái hiên, đầu óc trống rỗng.
Ta đeo đàn ba dây của Thạch Thu Phong trên lưng, ôm Tảng Đá rời khỏi Trường An.
Mười một năm, ta cho rằng mình mãi mãi không rời khỏi nơi đây.
Sau khi rời khỏi Trường An, cả đêm ta không mộng mị, ngủ một mạch đến hừng đông. Ta bỗng hiểu vì sao năm ấy ông lão lại tự mình chặt dứt con đường phía trước, đi xa tha hương, rõ ràng có tiền đồ xán lạn lại đắm mình trong trụy lạc, trở thành một con ma men say sưa với ảo mộng. Ông nhìn như có lựa chọn nhưng kỳ thật chưa từng được làm theo ý mình.
Ta cũng như vậy.
Ta đến Giang Đô, đến ngôi mộ mình tự tay đào hơn mười năm trước, cỏ dại mọc trên phần mộ của ông lão đã cao ngang nửa người.
Ông đã khắc xong bia mộ của mình từ lâu, trên đó không có tên, không có cuộc đời, chỉ có một câu trong Kinh Kim Cương: Phàm những gì có tướng đều là hư ảo. Hai chữ hư ảo được khắc rất sâu, lúc ấy ông lão đã uống say tí bỉ.
Ta đợi ở Giang Đô nửa năm. Ta học gảy đàn ba dây, có thể gảy hoàn chỉnh khúc nhạc Phong Vũ Thiết Mã.
Thầy dạy đàn ba dây cho ta là vợ của một chủ quán trà, tên là Man Nương. Nàng xuất thân từ phố hoa, từng danh chấn sông Tần Hoài, ngón nghề ca múa gảy đàn ba dây diễm tuyệt Giang Đô. Rất nhiều đàn ông đã từng quỳ dưới váy nàng, ai nấy đều tuấn tú lỗi lạc, phú quý giàu sang hơn hẳn chủ quán trà.
Man Nương dạy ta đánh đàn ba dây hai tháng, cuối cùng đến một hôm nàng nói với ta, “Nhạn Cửu, cô rất thông minh, đáng tiếc là một người mất hồn. Cô có học chẳng làm nên trò trống gì.”
Ta bắt đầu uống rượu, uống rượu mà mình ủ. Lần đầu tiên ta uống rượu mơ, vị vừa chua lại vừa ngọt, nuốt một hớp xuống giống như đang nếm một trái nho xanh.
Thạch Thu Phong nói đúng, có việc số chuyện không thử thì làm sao biết. Tiết Vô Y đúng, con người không nên cố chấp, đã thành thói quen thì không thể thay đổi. Ông lão cũng đúng, rượu mơ uống rất ngon, đủ để khiến người ta say mê.
Nhưng có chuyện Thạch Thu Phong nói sai, dù không có Tảng Đá ta cũng không cô độc. Ta đã quen với một mình, lúc ông lão còn sống, ông chỉ thích uống rượu, trong rượu có người ông yêu; lúc Tô Thu Trì còn sống, ta đứng ở xa xa nhìn nàng và Tiết Vô Y tâm đầu ý hợp, tình chàng ý thiếp; lúc Tiết Vô Y và Thạch Thu Phong còn sống, từ đầu chí cuối bọn họ chỉ sống trong lồng giam và lý tưởng của mình.
Từ trước đến giờ ta vẫn luôn một mình.
Có Tảng Đá cũng chỉ là thêm một thú vui trên đời.
Lúc còn ở Trường An, Tảng Đá vẫn còn yên phận, lớn hơn chút nữa nó theo ta đi hành tẩu giang hồ, bắt đầu chạy loạn khắp nơi. Đến một chỗ mới nó sẽ vắt chân lên cổ chạy như điên, ta muốn túm cũng chẳng túm nổi, thỉnh thoảng nó lại biến mất dăm bữa nửa tháng rồi vác tấm thân lôi thôi lếch thếch chạy về. Lạ là mỗi lần ta muốn rời khỏi chỗ nào đó, dường như Tảng Đá đã biết trước, ngồi xổm ở đó chờ ta.
Có lẽ bản chất của nó là một con mèo hoang thích lưu lạc chân trời góc bể, lại còn không thầy dạy cũng tự hiểu, rất am hiểu đạo lý lãng tử quay đầu còn quý hơn vàng.
Trong nửa năm nay ta thường xuyên nghĩ, rốt cuộc sống chết là gì? Khi xưa ta xem sống chết là chuyện tầm thường, dù là bậc đế vương hay thường dân áo vải thì không thoát khỏi mai sau sẽ trở thành một nắm cát vàng, một bộ xương khô.
Sau này ta bắt đầu suy ngẫm kỹ càng, hôm đó ta không khóc vì Tiết Vô Y và Thạch Thu Phong chết, người lựa chọn cái chết là bọn họ; ta cũng không cảm động vì bức thư kia, ta biết rõ Thạch Thu Phong chỉ xem ta là nơi gửi gắm chút ánh sáng trên con đường chán nản của hắn.
Ta khóc vì chính mình.
Ta đã gặp rất nhiều người nhưng chỉ nhớ rất ít người, trong số đó người được xem là bạn lại càng ít. Mà bây giờ…
Ta chẳng có gì cả.
Vậy nên ta mới rơi lệ, vậy nên ta mới có thể khóc không thành tiếng, vậy nên ta mới khóc mãi không ngừng khi nhìn thấy bức thư tuyên bố ta đã mất đi hết thảy.
Phật Tổ nói rất đúng, phàm tất cả những gì có tướng đều là hư ảo.
Lúc trở lại Trường An, lại là một năm xuân rực rỡ.
Cỏ mọc én bay, hồng nhạn xuôi về phương Bắc.
Thẩm đại phu đã đi, không bệnh không đau, sống thọ và mất tại nhà, khi mất gương mặt còn mỉm cười giống như một bức tượng Phật Di Lặc. Không đến hai tháng, bà lão cũng đi theo. Lúc ta đến Trường An chỉ nhìn thấy hai ngôi mộ đất nương tựa vào nhau.
Ta ngồi xếp bằng trước mộ phần rất lâu.
Gió lớn thoảng qua, cảnh xuân rực rỡ, tâm hồn sáng sủa rộng mở. Dường như ông lão chẳng phải lãng tử phong lưu gì cả, ông chỉ là một người khốn khổ vì tình, một người hèn nhát không dám bước ra khỏi nỗi đau. Thẩm đại phu chẳng phải thần tiên mà chỉ là một người bình thường trọng tình, làm việc tùy thích mà không vợt khuôn phép, không phải vì tâm mà là tình.
Còn rốt cuộc Phật Tổ vì muốn phổ độ chúng sinh nên phổ độ chúng sinh hay là vì phải phổ độ chúng sinh nên phổ độ chúng sinh, ai mà biết được Phật Tổ nghĩ như thế nào.
Viếng mộ cho Tiết Vô Y. Ta chôn cất y và Tô Thu Trì chung một chỗ, khi còn sống họ chẳng thể chung chăn gối, tốt xấu gì sau khi mất cũng nằm chung một nấm mồ.
Đến viếng mồ Tô Thu Trì ta chọn một ngày xuân cỏ dại mơn mởn, bẻ một cành hoa lê trắng nàng ấy thích nhất khi còn sống, đặt trước bia mộ nàng.
Viếng mồ Thạch Thu Phong, ta lấy chiếc hộp gỗ đã theo ta suốt một năm qua từ trong bao quần áo ra, giơ chén sứ trắng với nửa phần rượu còn lại ở bên trong lên cao, đập nát trước mộ hắn. Mảnh sứ văng ra, rượu lỏng vẩn đục chậm rãi ngấm vào bùn đất.
Lúc rời đi ta gặp thiếu phụ được Thạch Thu Phong cứu năm ấy.
Nàng không theo dân chạy nạn rời khỏi Trường An mà gả cho một người làm công trong quán trà. Nàng bế đứa con trai vừa tròn một năm tuổi, sắc mặt hồng hào, nụ cười bình thản. Phu quân tái hôn không ngại nàng có con riêng, đối xử với đứa bé như con ruột của mình.
Nàng nói, Thạch đại hiệp là ân nhân lớn của nàng, cả đời này nàng sẽ không quên.
Viếng mộ Hoài Ngọc, có một nữ ni mặc áo đen quỳ trước mộ phần nàng ấy, sống lưng ưỡn thẳng tắp.
Nghe thấy tiếng động nàng quay lưng lại, đúng là Phương Hàn Hoa.
Vẻ mặt bình thản, chẳng còn đầy rẫy oán hận như một năm trước.
Nàng đứng dậy, chắp tay trước ngực, “Nhạn cô nương.”
Ta đốt một bức tranh vẽ chim ưng cô độc trên sa mạc rộng lớn cho Hoài Ngọc. Ta tình cờ nhìn thấy bức tranh này trong một ngõ hẻm ở Giang Đô, trong tranh vẽ một con chim ưng đen giương cánh bay lượn, dưới trăng thanh gió mát là sa mạc cát chập trùng trải dài như tuyết trắng, chắc chắn nàng ấy sẽ thích.
Châm lửa đốt tranh, ánh lửa chập chờn, khói đen lượn lờ.
Ta hỏi, “Bây giờ muội tên là gì?”
“Pháp hiệu của tiểu ni là Chiết Hoa.”
“Có ý nghĩa gì?”
“Sư phụ nói tiểu ni bị chuyện phàm tục quấy nhiễu, nổi lên ý đồ xấu, đã phạm phải sai lầm lớn. Trước khi xuất gia tên thường gọi của tiểu ni là Hàn Hoa, sư phụ bèn đặt tên cho muội là Chiết Hoa, mong cả đời này tiểu ni dốc lòng hướng Phật, buông bỏ trước kia, độ mình độ người.”
Tranh cháy hết chỉ để lại một đống tro tàn, đến giao lộ hai chúng ta mỗi người một ngả.
“Tiểu ni muốn ra khỏi thành viếng mộ cha và em gái.” Nàng mặc áo đen, gương mặt trẻ trung trắng bệch như tờ giấy, “Nhạn cô nương, xin từ biệt ở đây.”
Đạo sĩ mù ở dưới lầu vẫn còn đó, chỉ là quầy hàng không người thăm hỏi.
Nghe thấy giọng nói của ta, ông ấy ngạc nhiên mừng rỡ, “Cô nương đã về.”
“Qua hai hôm nữa ta sẽ nghỉ, quay về thôn.” Đạo sĩ mù nói, ông rung đùi đắc ý, thở dài bảo, “Già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa…”
Ông thu quầy hàng, chống chiếc gậy gỗ cong queo rời đi.
Hoàng hôn có ánh tà dương, mây ngũ sắc đầy trời.
Trở về nhà, vừa mở cửa ra, mùi ẩm mốc ập vào mặt, bụi bặm bay khắp nơi khiến ta bị sặc, ho khan liên tục.
Quyển Đông Pha toàn tập vẫn còn nằm trên bàn, dưới thanh chặn giấy là bài thơ Định Phong Ba của Tô Thức:
Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh,
Hà phương ngâm khiếu thả từ hành.
Trúc trượng mang hài khinh thắng mã,
Thùy phạ?
Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh.
Liêu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh,
Vi lãnh,
Sơn đầu tà chiếu khước tương nghênh.
Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xử,
Quy khứ, dã vô phong vũ dã vô tình!
(Rừng động chớ nghe cành chuyển lá.
Thong dong bước chậm, chẳng đi nhanh.
Gậy trúc giày rơm hơn vó ngựa.
Nào sợ,
Áo tơi mưa gió mặc kệ đời.
Gió xuân heo hắt, men say tỉnh.
Hơi lạnh,
Mặt trời ngả bóng cũng đón chào.
Ngoảnh đầu nhìn trông nơi hiu quạnh.
Rời bước,
Không mưa không gió cũng chẳng hanh.)
Tảng Đá nhảy lên, vọt vào lòng ta.
Ta ôm nó đến hầm rượu, đào hũ rượu mơ ủ năm ngoái lên, xách cái ghế dài ra trước cửa nhà, ngồi dưới gốc hòe già rồi rót cho mình một chén rượu.
HẾT