Trong đêm ta mơ thấy sư phụ.
Chúng ta sóng vai đứng giữa cánh đồng hoang heo hút gió.
Ông lão đã chết hơn mười năm nhưng đây là lần đầu tiên ta mơ thấy ông.
Ông vẫn giữ nguyên cái vẻ già cả vô lại, đầu đội một chiếc nón rách rộng vành, chống cây gậy liêu xiêu, nghiêng đầu cầm cái hồ lô đựng rượu bẩn thỉu đổ vào miệng, uống say đến độ mặt mũi đỏ bừng, mái tóc trắng bị gió thổi rối tung như ổ gà.
Điểm duy nhất không giống trong trí nhớ đó là ánh mắt của ông.
Đôi mắt đã vẩn đục từ lâu bỗng sáng kinh người, dù là lúc ông lão hồi quang phản chiếu ta cũng chưa bao giờ nhìn thấy ánh mắt ấy.
Một bầy nhạn bay qua phía chân trời.
Ánh hoàng hôn đỏ rực như lửa thiêu đốt nửa bầu trời, giữa trời đất mênh manh dường như chỉ có chúng ta và đàn nhạn thong thả bay qua đỉnh đầu.
Ông lão giơ tay chỉ bầy nhạn trên trời, nhếch miệng cười: “Bé con, con có biết vì sao thầy đặt tên cho con là Nhạn Cửu không?”
Mọi người đều nói những chuyện xảy ra trong mơ thường không giống ngoài đời, nhưng những lời này chúng ta đã từng nói, cả địa điểm và thời gian đều không sai lệch chút nào.
Ta nhớ đến tình hình khi ấy, nói tiếp: “Vì sao ạ?”
“Con là đứa trẻ bị bỏ rơi, lúc thầy nhặt được con thời tiết cũng thế này, trên trời vừa vặn có chín con chim nhạn xuôi về phương Nam, thầy liền vỗ bàn đứng dậy, một lời đã định, con liền có cái tên Nhạn Cửu!”
Nói xong ông lão chống nạnh ngửa mặt lên trời cười to, uống rượu thỏa thích.
Đây là lần thứ hai ta nghe ông lão nói những lời này, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy may mắn vì khi đó thứ bay qua trời không phải là một đôi nhạn dắt tay nhau bỏ trốn, nếu không ta đã ôm cái tên “Nhạn Nhị” hoặc là “Nhị Nhạn” bị mọi người chế giễu đến cuối đời.
Ông lão ngừng cười bắt đầu ngâm nga, gật gù đắc y, nói năng không rõ:
“Cõi đời này lắm hợp rồi tan như lục bình trôi. Đúng lúc gặp gỡ, vừa hay có rượu cùng nhau nghiêng ngả. Tình nghĩa chân thành vốn chẳng có bao nhiêu, duy chỉ có rượu là tri âm. Huống hồ trăng thanh gió mát… rót thêm vài chén!”
Ông lão đột nhiên dừng lại, quay đầu nhìn ta chằm chằm, đôi mắt vẩn đục trên gương mặt đỏ lừ bỗng như bị rượu gột rửa, sáng ngời tựa tuyết: “Nhạn Cửu, con đã hiểu chưa?”
Ông lão như gặp phải kẻ địch mạnh, hung dữ nhìn ta chằm chằm, giống như muốn khắc ra đóa hoa trên mặt ta. Một lúc lâu sau, ông như thất vọng lại như đang trấn an, thở dài một tiếng: “Con không hiểu... Con không hiểu...”
Ông lão chống cây gậy lung lay sắp đổ giống như ông, ung dung bước từng bước một, miệng còn ngâm nga một ca khúc không tên: “Yêu như bắt gió, hận như sương mai, yêu hận như sương… “
Chim nhạn bay tán loạn, chiều tà dần buông, trong nháy mắt tầm nhìn trở nên mơ hồ.
Lúc tỉnh lại ta đối mặt với một đôi mắt phượng như cười như không.
Tiết Vô Y dựa vào cửa sổ, ngực ôm một vò rượu mơ và đao của y. Sau bóng lưng thẳng tắp của y là bầu trời Trường An vời vợi không đổi, có con chim ưng giương cánh, đôi cánh đen chập chờn, trong thoáng chốc xé toạc trời xanh.
“Nằm mơ thấy ác mộng?” Y hỏi.
“Mơ thấy người quen cũ.” Ta đáp.
“Người quen cũ? Cô cũng có người quen cũ à?”
Ta không trả lời, y cũng không hỏi lại.
Ở chung với Tiết Vô Y cũng có chỗ hay, từ trước đến giờ y luôn biết có chừng mực.
Bên ngoài văng vẳng tiếng mưa rơi.
Trường An và mưa Trường An đều quen giấu tài, không mưa thì thôi mà đã mưa rồi thì như trút nước. Trước hạn hán sau lại mưa ròng rã suốt một tháng trời, mặt người Trường An bị nước mưa xối nhợt nhạt.
Tiết Vô Y nói, chắc chắn là ông trời cũng ngứa mắt người Trường An ngợp trong vàng son, muốn Trường An không được là Trường An một lần.
Ta đã gặp rất nhiều người nhưng chỉ nhớ có vài người, trong đó người được xem là bạn bè thì lại càng ít. Tiết Vô Y cũng xem như là một người.
Tiết Vô Y là một trong số những sát thủ độc hành không nhiều lắm ở Trường An.
Mỗi lần giết người xong y đều đến chỗ của ta uống rượu, ba vò rượu mơ, mười năm không đổi. Y thích nhất là uống rượu bằng chén lớn, uống như thể không thể uống thêm lần nữa. Y không cho phép mình uống say, say rồi tay sẽ run, không thể cầm đao giết người.
Tiết Vô Y đặt một túi gấm nặng trĩu lên bàn như ngày thường, y bảo trong này có ít nhất một ngàn năm trăm lượng bạc.
Người trên giang hồ gọi y là Huyết Đao Tử. Một khi Tiết Vô Y rút đao, lưỡi đao trắng lóa sẽ tắm máu, tuyệt không có sơ xuất.
Chuyện làm ăn của sát thủ độc hành thường hẩm hiu bởi người thuê không cần một kẻ không nghe lời, bất cứ lúc nào cũng có thể buông đao. Chỉ những môn đồ liều mạng đã đến đường cùng mới thuê sát thủ độc hành… tất nhiên, tiền thù lao cũng khá cao. Trên đời này chưa bao giờ có kẻ liều mạng chân chính, chỉ có đáng giá hay không đáng để dùng tính mạng làm tiền đặt cọc mà thôi.
Ta lắc túi gấm hỏi: “Lần này giết nhân vật đao to búa lớn nào thế?”
“Lấy đâu ra nhân vật đao to búa lớn, lúc Binh Bộ Thị Lang bị ta một đao làm thịt, lão còn đang mây mưa với tiểu thiếp, chưa kịp rên đã chết… chẳng có gì thú vị.” Tiết Vô Y ngẩng đầu nâng chén, ánh mắt mơ màng vì say rượu nhưng sâu trong đáy mắt lại vô cùng tỉnh táo, “Cô có biết Thanh Bạch Nhãn Thạch Thu Phong không?”
Tất nhiên ta biết.
Dạo gần đây người này nổi đình nổi đám trên giang hồ.
Hiện giờ Thạch Thu Phong bị gọi với cái tên “Thanh Bạch Nhãn” giống như Nguyễn Tịch thời Ngụy Tấn. Trước kia hắn chỉ là một đệ tử ngoại môn của Mai Tông Giang Bắc chẳng có tiếng tăm gì. Nửa năm trước hắn bất ngờ phát hiện Mai Tông lén lút giết người cướp của, sau khi rời khỏi Mai Tông đã công bố bí mật của bọn họ, gây ra sóng to gió lớn trên giang hồ. Nhất thời Mai Tông bị ngàn người chỉ trỏ, Tông chủ Mai Tông bỏ trốn khỏi giang hồ, Mai Tông Giang Bắc thuộc phe chính đạo sừng sững trăm năm trên giang hồ sụp đổ từ đây.
Chẳng ai ngờ đây chỉ là bắt đầu, trong vòng nửa năm Thạch Thu Phong hành tẩu giang hồ, lần lượt vạch trần bốn môn phái chính đạo có quy mô lén lút làm chuyện xấu xa. Nhất thời lòng người xôn xao, lời đồn “chính đạo đã vong, hiệp đạo đã diệt” nổi lên bốn phía, liên tục có đệ tử thoát ly môn phái, cam nguyện lưu lạc giang hồ để chứng minh trong sạch.
“Hôm qua Thạch Thu Phong tiến vào Trường An, bây giờ trong thành Trường An có vô số người đang mai phục chờ lấy mạng của hắn.” Tiết Vô Y vuốt ve thanh đao đặt trên đầu gối đã đi theo mình mười năm qua, giọng nói nhuốm vẻ trầm tư lại chẳng có ý cười, “Nhạn Cửu, ta đánh cược với cô, thằng nhóc này không qua khỏi tối nay.”
Bình thường lông mày y dài mỏng sắc bén, lúc cười trông tựa lá liễu, không cười thì giống như lưỡi đao chưa ra khỏi vỏ. Đạo sĩ mù xem bói dưới lầu từng bảo tâm sinh tướng, người mặt mày sắc sảo, tính tình quái đản thường thích đi ngược ý trời, mệnh số khó lường, hoặc phú quý giàu sang hoặc con đường tương lai bị chặt đứt, nhóm lửa tự thiêu thân.
Ta cúi đầu nhìn lá trà nổi lềnh bềnh trong chén sứ trắng, lúc nào cũng có thể sẽ bị nước xanh chôn vùi: “Có phải cả hai giới hắc bạch đều muốn lấy mạng của hắn?”
“Tất nhiên, hai giới hắc bạch cùng một gốc rễ, như ruột thịt không thể chia lìa.” Tiết Vô Y nói.
“Ta cược hắn không qua khỏi đêm mai.”
“... Vì sao?”
“Nghe nói Thạch Thu Phong này có khinh công và tài năng ngút trời, sao mà dễ chết thế được.”
Tiết Vô Y cười nhạo: “Chưa bàn đến chuyện lúc hắn vào Trường An đã bị thương, kỳ tài ngút trời thì sao? Cái giang hồ ăn thịt người này đã từng buông tha ai chưa?”
“Mọi chuyện luôn có ngoại lệ.” Ta ngẩng đầu nhìn y, “Tiền đặt cược?”
Y trả lời rất nhanh: “Tiền thù lao giết Binh Bộ Thị Lang ta vừa nhận được.”
Ta nhìn túi gấm nặng trĩu trên bàn: “Đồng ý.”
Tiết Vô Y ngửa đầu uống ngụm rượu mơ cuối cùng rồi xoay người nhảy ra khỏi cửa sổ: “Nhạn Cửu, chắc chắn cô sẽ thua.”
Ta cũng cảm thấy mình chắc chắn sẽ thua.
Đại đa số kỳ tài ngút trời trên đời này hoặc là chết bởi sóng gió to lớn, hoặc là bị người đã từng là kỳ tài ngút trời mai táng.
Tiết Vô Y thuộc về vế sau.
Thuở thiếu thời y từng bởi ham mê giết chóc mà nổi tiếng như cồn, người giang hồ không thể dung y. Y vướng vào một cuộc đảo chính trên giang hồ, bị hai phía hắc bạch bắt tay nhau phục giết một lần, mạng còn nhưng nhuệ khí đã mất.
Đây là câu chuyện về sát thủ Huyết Đao Tử Tiết Vô Y mười năm độc hành mà người trên giang hồ đồn đại.
Có rất ít người biết, mười năm trước người thương của Tiết Vô Y là Tô Thu Trì bởi vì từ chối rèn vũ khí cấm cho môn phái chính đạo nên bị đệ tử chính đạo giết người diệt khẩu. Tiết Vô Y muốn đòi lại công bằng, môn phái chính đạo lại quyết không thừa nhận, dưới cơn nóng giận y rút đao tắm máu cả nhà họ, bấy giờ mới có trận giết chóc vang danh giang hồ ấy.
Một vị nguyên lão đức cao vọng trọng trên giang hồ đứng lên nói mấy câu đã thành công che giấu hết thảy tội nghiệt… chẳng ai tin tưởng một thiếu niên mới ra đời, cũng chẳng có ai tin rằng chính đạo sẽ làm ra chuyện dơ bẩn bực này.
Sau này Tiết Vô Y nói với ta: “Nhạn Cửu, giết chóc là chuyện chỉ có kẻ điên mới làm, biết rõ là không thể mà vẫn hi vọng xa vời lấy ít thắng nhiều.”
“Thất bại thảm hại năm ấy đã dạy ngươi điều này?” Ta hỏi.
Y không đáp, chỉ cúi đầu nhẹ nhàng vuốt ve thanh đao Tô Thu Trì rèn cho y như đang vuốt ve nấm mồ xanh cỏ của người thương đã mất.
Không biết có phải ta nhìn nhầm hay không, mà dường như trong đôi mắt y đã mất đi rất nhiều thứ, ta cũng chẳng thể nói rõ đó là cái gì… nhuệ khí, sát khí hoặc có lẽ là vẻ ngông cuồng ngày ấy.
Ta vẫn nhớ như in dáng vẻ thuở thiếu thời của Tiết Vô Y, thiếu niên ngông cuồng kiêu ngạo, lẻ loi độc hành, ánh mắt phách lối khinh thường, khóe miệng nhếch lên ngạo nghễ, lúc rút đao đôi mắt sáng rực.
Sau khi Tiết Vô Y đi có một vị khách đã đến.
Đồ tể họ Phương mặc áo vải đay, vì cầm dao nhiều năm nên các đốt ngón tay bè ra, mọc dày những vết chai. Hắn ngồi trước bàn, khách sáo xoa tay: “Nhạn cô nương, hôm qua con ta chết đuối trong sông, phiền cô nương khắc bia cho con ta.”
Ta và Tiết Vô Y đều làm ăn với người chết, Tiết Vô Y giết người còn ta thì khắc bia mộ, mai táng cho người chết. Chỗ nào có người sẽ có người chết, làm ăn ma chay mãi mãi sinh sôi không ngừng.
“Giá tiền khắc bia có thể thương lượng, ta chỉ có một đứa con trai nên chẳng tiếc chút bạc này, chỉ là…” Đồ tể họ Phương ngẩng đầu nhìn ta, vẻ mặt mệt mỏi nhưng sống lưng vẫn ưỡn thẳng như cũ, “Đêm qua ta và vợ bàn bạc chuyện khắc bia mộ này mãi mà chẳng có kết quả, Nhạn cô nương có ý kiến nào không?”
Ta ngẩng đầu nhìn hắn: “Đây là chuyện lớn cả đời của lệnh lang, mong ngài hãy đưa ra quyết định.”
Đồ tể họ Phương trù trừ do dự hồi lâu, cuối cùng quyết định: “Ngoại trừ cuộc đời thì khắc thêm một câu ‘Mong con kiếp kiếp bình an’.”
Nguyện vọng cực kỳ bình thường cũng vô cùng chất phác.
Phần lớn khách đến đây nhờ khắc bia đều vậy, bất kể người chết là bạn thân, người yêu thương nhất hay là kẻ địch thì đều do dự về nội dung khắc trên bia, đa số chỉ có bình an vui vẻ… thế mà thôi.
“Chết là một trong số ít những chuyện có thể khơi gợi lòng tốt của con người.”
Thi thoảng ông lão tỉnh táo, ông hay nói với ta như vậy.
“Bất kể là người, vật, hay một tòa thành chết đều giống nhau, chúng đều là thứ có thể khiến con người trở nên cực kỳ bi ai trong nháy mắt. Chẳng qua chúng ta làm ăn dựa vào người chết nên điều ấy đặc biệt và quý giá hơn chút.”
Lúc nói lời này, ông lại uống rượu, tay cầm đao khắc, chầm chậm điêu khắc trên bia đá màu xanh, ánh mắt bình tĩnh mà xa xôi.
Ông lão là một người khắc bia ưu tú, nghe nói khi còn trẻ ông đã từng có thời phong lưu phóng khoáng. Sau này chẳng hiểu vì sao ông lại lang bạt khắp nơi, dựa vào tay nghề khắc bia mộ kiếm miếng cơm sống qua ngày, cũng nhân tiện mắc tật nghiện rượu.
Gần như đêm nào ông cũng uống say mèm. Bình thường ta đi ngủ vào giờ Hợi, canh bốn lại thức dậy, mò mẫm tìm ông lão say ngất ngưởng, đỡ ông lên giường, lúc kề sát còn nghe thấy ông nấc một cái rõ to, xong xuôi ta quay về ngủ tiếp.
Đêm nào cũng thế.
Có lần ta hỏi ông: “Sư phụ, rượu uống ngon thế sao?”
Hình như ông lão chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề này, ngẩn người một lúc rồi mới đáp: “Từ lâu rồi ta cũng chẳng nếm ra rượu có vị gì nữa.”
“Vậy sao thầy còn uống nhiều rượu thế?”
Ông không trả lời mà chỉ vuốt đầu ta, một lúc lâu sau mới nói một câu khó hiểu: “Nếu như cuộc đời này thật sự có thể sống mơ mơ màng màng thì tốt biết bao.”
Ta ngẩng đầu, chỉ nhìn thấy một gương mặt già nua chảy xệ vì uống rượu nhiều năm cùng với một đôi mắt vẩn đục như rượu mạnh.
Cuối cùng ông lão cũng chết vì rượu.
Một hôm ông uống say như mọi ngày rồi đột tử trong quán rượu. Lúc ta đến tìm ông, gương mặt ông hãy còn đỏ bừng vì say rượu, khóe môi vương vấn nét cười nhưng cơ thể đã lạnh cóng.
Sau khi ông lão mất ta đến Trường An, chẳng vì sao cả, chỉ vì người nơi này chết nhiều nhất và chết cũng nhanh nhất.
Đêm mưa không ngớt, gốc mơ ngoài phòng nghiêng ngả liêu xiêu.
Xưa giờ ta không thích thời tiết mưa dầm, mùi ẩm mốc hôi hám ập vào mặt khiến ta nhớ lại rất lâu trước đây ông lão ngủ quên ở bãi tha ma, lúc về người toàn mùi thối.
Một đêm không mộng mị, vẫn giống như ngày thường.
Lúc nửa tỉnh nửa mê, hình như có cô gái say rượu ngâm nga:
“Cát sinh mông sở, liễm mạn vu dã.
Dư mỹ vong thử, thùy dữ độc xử?
(Sắn dây leo lấp cây gai,
Bìm bìm mặc sức lan ngoài đồng hoang.
Lang quân nay đã cách ngàn,
Để ta chiếc bóng thở than một mình)
Cát sinh mông cức, liễm mạn vu vực.
Dư mỹ vong thử, thùy dữ độc tức?
(Sắn dây leo lấp cây gai,
Bìm bìm mặc sức lan ngoài mồ hoang.
Lang quân nay đã cách ngàn,
Để ta chiếc bóng thở than canh dài.)
Giác chẩm sán hề, cẩm khâm lạn hề.
Dư mỹ vong thử, thùy dữ độc đán?”
(Gối sừng đẹp đẽ còn kia,
Còn kia chăn gấm như khoe sắc màu.
Chàng nay thiên cổ còn đâu,
Để ta trằn trọc đêm thâu một mình.)
Đây là ba bài thơ có tên theo thứ tự là Cát Sinh (Dây Sắn) , , nằm trong Kinh Thi. Ba bản dịch bên trên là của Nguyễn Văn Thọ ở thivien.net)
Hết chương .
Chú thích:
Nguyễn Tịch là một trong Trúc Lâm Thất Hiền (bảy danh sĩ trong rừng trúc) thời Ngụy Tấn, nhiều tài hoa. Tương truyền Nguyễn Tịch có thể làm “thanh bạch nhãn” (mắt xanh, mắt trắng), hai mắt nhìn thẳng, lộ rõ tròng đen, đó là “mắt xanh”, dùng để nhìn người mà ông ta tôn kính; hai mắt liếc nhìn nghiêng, lộ rõ tròng trắng, đó là “mắt trắng”, dùng để nhìn người mà ông ta không thích.
Đương thời, nước Ngụy họ Tư Mã nắm giữ triều chính, Nguyễn Tịch khó có thành tựu. Ông suốt ngày cùng với nhóm Kê Khang uống rượu đến say, rất phản cảm đối với những kẻ truy danh trục lợi. Lúc mẫu thân Nguyễn Tịch qua đời, bạn bè thân thích đến điếu viếng. Người anh của Kê Khang là Kê Hỉ cũng đến nhà Nguyễn Tịch để điếu. Kê Hỉ là quan viên truy danh trục lợi, Nguyễn Tịch rất không vui khi gặp ông ta, cho nên khi Kê Hỉ bước vào linh đường, Nguyễn Tịch đưa tròng đen của mắt trượt xuống dưới mí mắt, dùng tròng trắng đảo qua. Kê Hỉ đành chán chường ra về. Về sau, Kê Khang phẩm hạnh cao khiết đến điếu, Nguyễn Tịch vội đứng dậy nghênh tiếp, đôi mắt cũng có thần, tròng đen tràn đầy thần thái rạng rỡ.