Nữ Hộ

chương 69: chẳng hiền

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

“Ừ THÌ CHẮC ĐỘ BA NGÀY, NGƯỜI KINH THÀNH HẲN BIẾT TỎNG ÔNG LÀ CON RÙA MÉN.”

Lại nói Tú Anh theo Hồng Khiêm đến phủ họ Tô, Hồng Khiêm đã gửi gắm Tô tiên sinh đưa Kim Ca sang học lý nhà Lương tướng đương triều, Tô phu nhân lại nhờ nàng làm mai, dò ý Lệ Ngọc Đường, muốn cầu hôn Lục Tỷ cho Tô Bình. Cũng tạm gọi là song hỉ lâm môn, một là Kim Ca không những được danh sư chỉ dạy mà còn sắp có quan hệ với gia đình tể tướng đương triều, nhà họ Hồng không có căn cơ trong kinh, chuyến cầu học này thực sự có lợi cho cậu. Hai là nhà họ Tô sẽ trở thành sui với Lệ gia, cũng coi như có quan hệ cột chèo với nhà họ Hồng —– Chắt của thầy Tô phải gọi con gái họ Hồng là mợ.

Gặp bao chuyện mừng, Tú Anh dồn hết tâm trí vào đấy, ngồi trong kiệu chặp thì cân nhắc chuyện thúc tu, quần áo nên mặc, bút nghiên cần dùng, tiểu tư theo hầu khi Kim Ca đi học, chặp thì suy xét chuyện có cần sai người đưa thiệp đến báo Thân thị mai mình sang chơi không. Khoảnh khắc Hồng Khiêm khựng lại trước cổng kia, nàng không phát hiện.

Về đến nhà, Tú Anh cởi áo dày đi ngoài, thay áo mỏng thường mặc ở nhà, mợ Viên dâng trà ướp lạnh dưới giếng lên, Tiểu Hỉ quạt hầu, trời đã vào hạ, kinh thành đông người, nhà lại chật, không dưng lại nóng hơn vài phần. Đám Ngọc Tỷ cũng thay áo, Kim Ca vẫn đang nghĩ chuyện cưỡi ngựa khi nãy, len lén hỏi Tú Anh: “Mẹ, con đi học bằng gì ạ?”

Tú Anh thốt: “Úi!” Khi nãy đắn đo nhiều thứ như thế, lại quên mất chuyện này, thuận miệng đáp, “Chờ mẹ bàn với cha con đã, xem đám trẻ trong kinh đi học ra sao.” Kim Ca cúi đầu di mũi giày xuống đất. Bị Tú Anh vỗ hờ một cái lên vai: “Đã sắp đến trường rồi, không được trẻ con như này nữa. Đứng phải nghiêm, ngồi phải ngay ngắn,” Đưa mắt thấy Hồng Khiêm đã về, lại bảo chàng, “Nhìn thằng nhóc con nhà mình này, đứng dặt đứng dẹo, trước khi đi học mình nhớ dạy lễ nghi cho nó đấy.”

Hồng Khiêm cười xoa đầu Kim Ca, đáp: “Ừ rồi.” Tú Anh bèn hỏi Kim Ca đến trường bằng cách nào, Hồng Khiêm bảo: “Bảo Minh Trí theo hầu con là được, mấy hôm nữa sẽ mua thư đồng cho nó. Trước cứ thuê xe, chờ thằng bé lớn tý sẽ dạy nó cưỡi ngựa, khi ấy sẽ mua thêm thớt ngựa.” Mắt Kim Ca sáng lên, lập tức đứng nghiêm, Hồng Khiêm bất giác mỉm cười.

Tú Anh vỗ Kim Ca: “Sao còn chưa đi ôn bài?” Xua cậu đi rồi bảo với Hồng Khiêm: “Tô phu nhân nhờ ta làm mối, ta phận gái chẳng qua chỉ vun vào đôi lời, chuyện chính vẫn nên do mình ra mặt, được không?” Hồng Khiêm nhận lời. Tú Anh mới không nói nữa, ra ngoài chuẩn bị dụng cụ học tập cho Kim Ca.

Hồng Khiêm vào thư phòng ngồi một lúc, Bổng Nghiên đã về. Vái chào trước rồi bẩm: “Quan nhân, tôi đi theo hai người nọ, tiểu lang ấy về thẳng một tòa nhà. Khu ấy đông người tới lui, hỏi thử một ông bán tương qua đường, nghe bảo là gia học của nhà Tế Nam hầu.” Dứt lời định bước lên châm trà cho Hồng Khiêm, chàng phất tay, Bổng Nghiên bèn lui xuống.

Bổng Nghiên theo hầu Hồng Khiêm đã lâu, sau lại được Tú Anh gả Tiểu Hỉ cho, nếu không có gì bất trắc thì sẽ là ứng cử viên của chức quản sự Hồng phủ. Lúc Hồng Khiêm ra ngoài thường dắt hắn theo, vì hay đi lại nên biết được nhiều chuyện, cũng loáng thoáng nghe được vài lời đồn không tốt, chuyện lại có liên quan đến con em nhà Tế Nam hầu kia. Giờ đi dò la được tin này, thấy Hồng Khiêm không vui thì không dám nói gì nữa, len lén lui xuống, những chuyện đã làm trong hôm nay không dám tiết lộ cả vợ nghe.

Hắn không nói, không có nghĩa là không ai biết.

Hồng Khiêm vẫn như trước, nên làm việc gì thì làm việc đấy, chẳng lộ vẻ gì. Nhưng quanh nhà họ Hồng, đúng là có thêm một số người. Có kẻ sang láng giềng dò la, láng giềng cũng chỉ ở thuê, đôi bên không thân quen gì lắm, chỉ biết gia đình này có một tân tiến sĩ, làm ngự sử, …. Bổng Nghiên đã có thể hỏi thăm chuyện người ta, người ta cũng có thể nghe ngóng chuyện nhà họ Hồng. Hôm ấy, mợ Viên mua thức ăn tươi về chuẩn bị cơm canh, lại chạm mặt một người đầu phố. Trong mắt người ngoài, những bà cô đứng tuổi như mợ Viên là đối tượng lắm mồm lắm miệng nhất, “già hay lảm nhảm” là thế, bèn thừa cơ đâm sầm vào mợ, lại nhặt hộ đồ rơi hòng bắt chuyện.

Vừa xin lỗi vừa nói: “Chẳng hay quý phủ ở đâu, tôi đưa mợ về.” Mợ Viên bèn bảo không cần, đấy là một người đàn bà sạch sẽ độ ba mươi, khăng khăng đòi tiễn, mợ Viên mới nói: “Ngay trên con phố này thôi, không xa đâu, tôi tự về được.” Người nọ nhìn theo tay mợ: “Nhà cửa khang trang biết bao, chẳng hay quý chủ nhân là người thế nào?” Mợ Viên cũng lấy làm vẻ vang, bèn đáp là nhà của tân ngự sử, người nọ lại vin vào đó hỏi tiếp.

Nào ngờ lúc còn theo hầu chủ cũ, mợ Viên là người nhát gan ngại phiền nhất, từ lúc sang nhà họ Hồng, vì chủ nhân hiền hậu, mợ quyết định sẽ ở lại dưỡng già, càng không muốn đi sai bước nhầm, gây họa miệng lưỡi, lập tức cảnh giác, xách làn chạy. Về đến nhà tim vẫn đập thình thịch, kể lại với Tiểu Trà: “Quái lạ thế đấy, chuyện là vậy.”

Hai người Tiểu Trà và Trình Trí đã biết Tú Anh sắp xếp thế nào từ trước, chắc chắn sẽ trở thành thị tỳ theo hầu Ngọc Tỷ, lòng ắt nghiêng về chủ nhân, bèn thuật lại cho Ngọc Tỷ. Ngọc Tỷ từ nhỏ đã có chủ kiến, bèn bảo Tiểu Trà và Đóa Nhi năng ra ngoài mua trái cây, mỗi khi rời nhà cứ vờ ra vẻ nhiều chuyện, léo nha léo nhéo, kháo nhau mấy lời đồn đầu ngõ cuối xóm. Quả nhiên, có người tới bắt chuyện. Đóa Nhi khờ nhưng Tiểu Trà lại khôn khéo, chẳng để lộ điều gì. Trình Trí lén đi theo kẻ kia, phát hiện ra đó là tôi tớ nhà Nghĩa An hầu.

Ngọc Tỷ thầm ngạc nhiên: Nhà mình sao lại dính đến gia đình quyền quý như thế trong kinh chứ? Bỗng hỏi: “Chỉ hỏi chuyện cha ta?” Tiểu Trà đáp: “Theo em, tuy họ hỏi thăm cả nhà, nhưng lại chỉ nhắm riêng vào quan nhân.” Ngọc Tỷ híp mắt, vẫy tay: “Chị bảo Minh Trí ra quán trà quán rượu dò xét thử, nhà Nghĩa An hầu mới xảy ra chuyện gì, có kẻ thù như nào, có ai mất tích không.”

Tiểu Trà vâng lời.

Ngọc Tỷ không chờ Tiểu Trà về thưa chuyện, vừa khéo Tú Anh sang bên Thân thị làm mai, được bà giữ lại dùng cơm đặng hỏi thêm vài chuyện, buổi trưa không về. Ngọc Tỷ bèn vào bếp làm vài món bưng đến thư phòng cho Hồng Khiêm. Hồng Khiêm nằm lòng cái lẽ “Không dưng lại ân cần, chẳng cướp thì trộm“, lại ngay thời buổi rối ren, bèn hất hàm, như cười như không nhìn Ngọc Tỷ tất bật: “Trông tình hình thì con có chuyện cần nói nhỉ, nghe thử xem nào.” Ngọc Tỷ thưa: “Cha, ăn cơm ạ.”

Hồng Khiêm nghẹn họng, bật cười lắc đầu: “Cũng phải, dùng bữa trước khi lên đoạn đầu đài.” Ngọc Tỷ nhếch mép cười. Hồng Khiêm gắp vài đũa, hỏi Ngọc Tỷ: “Con không ăn à?” Ngọc Tỷ đáp: “Thường ngày cha phiền lòng nhiều việc, ăn nhiều một chút lấy sức đi ạ.” Hồng Khiêm thở dài, chậm rãi dùng hết thức ăn, Đóa Nhi vào dọn bát đũa, lúc ra ngoài còn khép kín cửa lại.

Hồng Khiêm nói: “Cha biết con là người kỹ tính.” Ngọc Tỷ thưa: “Cha đã no rồi thì cứ nói với con đi ạ. Để con còn tiện chuẩn bị, gần đây hay có kẻ vờn ngoài cổng nhà ta, Tiểu Trà và Đóa Nhi ra ngoài mua trái cây còn bị họ ngăn lại hỏi chuyện. Cha cũng chỉ là ngự sử, lại không phải ngự sử đại phu, nào đáng để họ làm đến mức ấy? Hẳn có nguyên do. Cha nói con nghe còn hơn để con nghe tin từ bên ngoài, trở tay không kịp. Nhà hãy còn mẹ, cha không nói con nghe thì nên kể với mẹ đi ạ.”

Hồng Khiêm đáp: “Chẳng qua là đồn đãi trong kinh thôi, bảo cha con trông giống con trai mất tích của đại lý tự khanh ấy mà.” Ngọc Tỷ giật nảy người, lại cắn tay áo nhìn Hồng Khiêm, Hồng Khiêm bảo: “Hành động kỳ lạ gì thế này?” Ngọc Tỷ cười luôn mồm, thưa: “Đúng là có duyên thật, trên đường ngồi thuyền đến đây đã nghe chuyện người này, thực sự giống cha lắm à? Chẳng hay lúc cha giở ngón vô lại ra thì trông thế nào nhỉ? Cha nói sớm với mẹ thì hơn, dạo này mẹ hay phải tụ tập với vợ các quan, coi chừng lại nghe đám bà hầu lắm điều điêu toa bảo trước đây cha có thằng con rơi của tỳ nữ nào thì mệt.”

Hồng Khiêm nghe mà cười run cả người: “Bậy bạ gì đó! Con là con đầu lòng của ta, cứ nghĩ con hiểu chuyện, yên tâm giao em trai cho mà dạy dỗ, con lại bắt chước cái ngón lẻo mép này! Coi chừng ta mách mẹ đánh cho.” Ngọc Tỷ đáp: “Thì con bắt chước cha chứ ai.” Dứt lời bèn xách làn váy xanh biếc, co giò chạy mất.

•••••

Tú Anh sang làm khách ở nhà Lệ Ngọc Đường được chia cho sau khi ra riêng, ngồi tiếp chuyện với cả Thân thị và đám con dâu, được tiếp đãi khá long trọng. Lần đầu làm bà mai, Tú Anh thật chả biết người ta mối mai thế nào, lúc nàng hứa gả Ngọc Tỷ cho Cửu Ca, nghe tin đã mừng, quên bằng sạch tình hình khi đó, người làm mối đã nói những gì.

Thế nên khi Tú Anh đưa thiệp sang Lệ phủ, hôm sau đến chơi, Thân thị tiếp đón lại chẳng hay nàng có chuyện gì, song vẫn thân thiết lắm. Tú Anh vào ngồi, không biết mình nên mào đầu thế nào bèn dứt khoát chờ chào hỏi xong, cười bảo: “Em có chuyện tốt muốn báo chị sui nghe đây, có điều mấy đứa con gái chưa lấy chồng không tiện biết.”

Tuy Lục Tỷ Thất Tỷ không rõ chuyện gì, nhưng hiểu rằng Tú Anh không có ác ý, bèn lén lui ra ngoài. Các con dâu thấy mẹ chồng không lên tiếng thì ở lại.

Khi ấy Thân thị đang cân nhắc trong lòng, lăng tẩm của Thái tử sắp xong rồi, bà đã mãn tang Thái tử, chỉ chờ cậu ta nhập thổ sẽ chuẩn bị hôn lễ cho Lục Ca và Tôn thị. Chỉ vì là tông thất nên trước mắt không tiện chuẩn bị rình rang, nhưng đã gom đám con dâu lại, kín đáo bàn xem trong kho nhà còn bao nhiêu của cải, thiếu món gì trước rồi, lại bảo Lục Tỷ Thất Tỷ đi theo học hỏi. Nghe bảo Tú Anh đến chơi, bèn tạm ngừng việc đang làm lại.

Tú Anh thấy hai cô chưa chồng đã ra ngoài, bèn nói thẳng với Thân thị: “Hôm qua em sang thăm nhà Tô tiên sinh, vốn định hỏi tiên sinh trong kinh nơi nào có thầy giỏi đặng đưa Kim Ca nhà em đến học vỡ lòng. Ngờ đâu Tô phu nhân giữ em lại hàn huyên, chị đoán thử xem tại sao?”

Thân thị lấy làm căng thẳng, hỏi ngay: “Sao thế?”

Tú Anh đáp: “Chuyện là, bà Tô nghe thầy Tô bảo phủ mình nếp sống lành mạnh, thầy ấy có một đứa cháu mười lăm tuổi siêng năng chăm chỉ muốn lấy vợ…” Chưa dứt lời, Thân thị đã buột thốt: “Ấy!” một tiếng. Tú Anh cười bảo: “Đúng là vậy đó, muốn hỏi thăm Lục Tỷ đã hứa hôn với ai chưa, nếu chưa thì định kết thân.”

Thân thị thầm khấn tạ trời Phật, ý cười hiển hiện khó mà che đậy. Đám con dâu của bà bèn vây lấy Tú Anh gọi “thím”, khen nàng là phúc tinh mãi. Thân thị cũng rất vui, cười nói: “Lần trước Tô tiên sinh bảo cháu thầy đến đây thăm viếng, ông nhà ta sau khi tiễn khách đã liền mách thằng bé họ Tô ấy xuất sắc như nào như nào —– Ấy chẳng là duyên phận còn gì? Chẳng hay đứa nào thế em?”

Tú Anh đáp ngay: “Là cháu thứ hai của thầy, tên Tô Bình.”

Thân thị thốt: “Đúng là thằng bé ấy!” Tú Anh hỏi: “Chị sui thế là ưng rồi nhỉ? Không cần bàn với anh sui một tiếng ạ? Đặng đưa Lục Tỷ sang gặp mặt một lần.” Thân thị đáp: “Bên nhà ấy chẳng có đứa nào kém cả, nhưng đúng là ta muốn xem mặt con cháu họ Tô thử. Còn Lục Tỷ nhà mình, cũng nên dắt sang để phu nhân nương tử nhà ấy gặp trước.” Tú Anh bảo: “Vậy em về trả lời ngay nhé?” Thân thị nói: “Đừng gấp, mình trò chuyện tý đã.”

Đương lúc chuyện gẫu, Ngũ Nương là người Giang Châu nên luôn miệng gọi thím, giữ lại dùng bữa. Đại Nương vào bếp xem cơm canh chuẩn bị thế nào, Tam Nương thì ra sau nhà mách cho Lục Tỷ Thất Tỷ nghe, có khách đến nhà, hai cô phải dùng bữa ở hậu viện, lại cười đùa Lục Tỷ: “Lục Tỷ sắp có chuyện tốt rồi đấy nhé, số đỏ nhé.” Hễ có người đùa kiểu này thì các thiếu nữ khuê phòng quá nửa đều có thể đoán được sự tình. Lục Tỷ đỏ mặt: “Tam Nương xấu xa, dám ghẹo muội.” Tam Nương cười đáp: “Xấu xa xấu xa, chỉ có Lục Tỷ là tốt, ta không tốt, thôi đành chịu vậy.” Lục Tỷ bước tới níu tay cô mãi không buông. Tam Nương dùng bữa cùng Lục Tỷ Thất Tỷ.

Lúc ăn cơm, Tú Anh cũng tiện thể quan sát quy củ nhà họ, đám con dâu thấy món ăn được bưng lên đã so đũa dâng Thân thị, Thân thị bèn bảo các cô ngồi xuống, không cần hầu hạ luôn tay, ăn không trò chuyện. Thầm nhủ Thân thị hiền hậu.

Dùng bữa xong, Tú Anh được Thân thị giữ lại, bèn kể sạch những gì có thể, lại tả Hồ thị, mẹ của Tô Bình rằng: “Là một người dịu dàng tươm tất, đầu mày cuối mắt đều rất ôn hòa. Gia đình ấy, nói trắng ra thì làm sao có phụ nữ không hiểu chuyện được?” Thân thị nghĩ, con gái mình cũng là người lễ phép biết điều, gả vào nhà thư hương như thế cũng vừa lòng hợp ý.

Tiễn Tú Anh về, Thân thị cứ quay ra sau ngắm Ngọc Tỷ mãi, càng ngắm càng vừa ý, Ngọc Tỷ ngượng ngùng lắm, bất chấp mẹ ở đấy, quay sang chỗ Thất Tỷ chơi song lục. Tối Lệ Ngọc Đường về nhà, thấy Thân thị cứ cười luôn thì lấy làm lạ: “Sao hôm nay mình lại cười ghê thế?” Thân thị đáp: “Còn bảo ta cười ghê cơ, để xem mình biết rồi còn cười ghê tới mức nào. Hôm nay cô sui Hồng đến chơi.” Nói đoạn cố ý ngừng lại một chút.

[Một trò chơi, còn tên gọi khác là “đánh ngựa”, nói chung là lạ lắm.]

Lệ Ngọc Đường đáp: “Tới chơi thì tới chơi, mình cứ đón thôi, sao ta lại phải cười?”

“Đến làm mối.”

Lệ Ngọc Đường: “Cho Lục Tỷ?”

Thân thị không úp mở nữa, nói thẳng luôn: “Muốn làm mối thằng cháu thứ hai của Tô tiên sinh cho Lục Tỷ…”

Lệ Ngọc Đường mừng điên lên được, nhảy phát cao ba thước: “Ta trúng số rồi!” Thân thị cuống cuồng kéo ông xuống: “Xem mình kìa!” Lệ Ngọc Đường rì rầm mãi: “Tốt quá tốt quá, đúng là quá tốt rồi! Mối lành, đồng ý, đồng ý ngay. Ta đi báo với cha mẹ.”

Thân thị giữ ông lại: “Chiều rồi, phủ bên ấy chắc đã đóng cổng, mình sang quấy rối à? Thiếp canh còn chưa trao đổi, thế này thành ra đàng gái ẩu tả rồi. Chờ chuyện đã hòm hòm mới báo. Ây dà, cưới đúng người cho Cửu Ca rồi, may phước thật! Nó với Cửu Nương nên duyên trước Phật cơ mà. Cô sui lại làm mai cho mối tốt thế này.”

Lệ Ngọc Đường toét miệng cười to.

•••••

Nhà họ Lệ vui vẻ, còn bầu không khí giữa vợ chồng họ Hồng lại hơi trầm trọng.

Hồng Khiêm đã hứa với Ngọc Tỷ, cũng cảm thấy thay vì để Tú Anh biết chuyện qua lời kẻ khác thì mình tự nói còn hơn. Bèn bảo nàng, có kẻ nói mình trông rất giống con trai đại lý tự khanh, có khi sẽ có kẻ mượn chuyện này gây sự, nếu Tú Anh có nghe thấy lời gì không hay ngoài kia thì phải cẩn thận, đừng kích động.

Tú Anh tái mặt hỏi: “Thế nào là lời không hay? Lời đồn nhảm thì sao lại phải trịnh trọng dặn ta như vậy? Rốt lại mình họ gì?” Không chờ Hồng Khiêm trả lời, đã lại nói, “Ngày ấy trên thuyền có bảo, người tên Chu Bái kia hãy còn một thằng con do thị tỳ sinh đúng không?”

Hồng Khiêm cứng rắn đáp: “Ta chỉ mang họ Hồng, là chồng mình, chúng ta có một trai một gái, ta và kẻ khác chẳng can gì nhau. Mình cứ nhớ rõ thế là được.”

Tú Anh nghiến răng ken két, nhìn chằm chằm vào mắt Hồng Khiêm: “Mình thề cho ta. Mình nên nói thật để ta còn biết đường mà chuẩn bị, đừng để trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Ban nãy mình bảo chỉ mang họ Hồng, là thật đúng không? Ta sẽ ra mặt hộ mình, cũng là để bảo vệ cái nhà này đâu ra đấy.”

Hồng Khiêm nói: “Ta khắc có cách giải quyết, mình không cần phải đôi co với kẻ khác.”

Tú Anh cười lạnh: “Mình thì biết gì? Những lời ta và Ngọc Tỷ nói trên thuyền hôm ấy, mình nghĩ là gió thoảng qua tai ư? Mồm mép đàn bà là độc nhất, mặc xác mình thế nào! Nếu bà mẹ ghẻ hiền lương nhà ấy lại ra mặt, vai vế trên cơ mình, đuổi giết mình bà ta chỉ cần bày mưu ba năm, huống chi là mắng vài câu? Cái nhà này còn cần mặt mũi không? Ngọc Tỷ sau này sao có thể đứng vững ở nhà chồng? Kim Ca dạm vợ thế nào đây?”

Hồng Khiêm nói: “Bà ta là người nhà họ Chu, còn ta họ Hồng, tổ tiên sang năm mình sẽ cúng bái.” Dứt lời bèn vén tay áo lên thề với nàng. Tú Anh nghe chàng nói: “Nếu mang họ Chu, chắc chắn sẽ thân bại danh liệt.” thì không kìm nổi nữa, nước mắt chảy dài. Nàng và Ngọc Tỷ như nhau, trong lòng đều có khúc mắc, vợ chồng, cha con mười mấy năm, đã để ý, cũng đã nhận ra Hồng Khiêm là lạ. Chàng lại là người từ đất bắc trốn chạy về Giang Châu, cử chỉ hằng ngày không như người khác. Lại thông thuộc đường to lối nhỏ trong kinh, nói sõi tiếng quan thoại.

Tú Anh khóc xong lại ôm Hồng Khiêm vào lòng: “Đám giặc ác tâm, chàng đã phải chịu bao nhiêu khổ cực cho đành?”

Hồng Khiêm đáp: “Ta nào từng chịu khổ chứ? Không còn sớm nữa, nghỉ ngơi thôi.”

Chẳng ai hỏi rõ Hồng Khiêm có thật là Chu Bái không, chuyện này không thể rùm beng.

Hai người cả đêm trăn trở, Tú Anh trở dậy lại phải chuẩn bị món tiền cho Hồng Khiêm, hôm nay tiễn các đồng hương Giang Châu thi rớt về nhà. Người đỗ cùng khóa nọ nhậm chức huyện lệnh ở một châu xa, cũng phải về nhà báo tin mừng rồi đưa gia đình đến đấy công tác luôn thể. Hồng Khiêm ra tiễn. Thịnh Khải đợt này không đỗ, Hồng Khiêm cũng bảo hắn rằng: “Cậu còn trẻ, đừng nản, năm sau lại thử thách lần nữa.”

Thịnh Khải khẽ đáp vâng, thề lần sau vào kinh sẽ đỗ hạng tốt.

Lúc về nhà Hồng Khiêm vẫn như cũ, lúc cần ăn thì ăn, khi nên ngủ thì ngủ, tựa như không biết ngoài phố đang đồn đãi cái gì, Tú Anh cũng an lòng hơn, lại muốn đứng ra làm chủ cho hai nhà Tô, Lệ, bảo mợ Viên nhà mình đứng bếp, lấy cớ món ăn Giang Châu, mời Tô phu nhân đến nếm thử. Tô phu nhân được Tô Bình hộ tống sang, bên kia Thân thị cũng đưa Lục Tỷ đến, Cửu Ca thì tới thăm cha mẹ vợ. Hai nhà chào hỏi nhau, cái khác không nói, trông thấy người thì đều vừa lòng cả, chuyện mười phần chắc tám. Kế đến là nhờ quan mối viết thiếp canh, lại cảm tạ đám Tú Anh, vui vẻ cả làng.

Trong nhà yên ắng, ngoài phố lại không. Những lời đồn đãi tạm được kỳ thi dẹp yên lại bắt đầu rầm rộ. Ngọn nguồn là từ nhà Tề vương, Tề vương vốn không tin Triệu vương khắc mệnh, nào ngờ con trai đích trưởng của hắn lại ngã gãy cổ trong lúc cưỡi ngựa, bèn bắt nghi ngại. Lại thêm Chân Nhất đạo nhân cương quyết rằng mình chưa bao giờ cho quẻ sai, có chết cũng chẳng chịu nhận tội. Tề vương chỉ có một đứa con trai, để vương phi chửa đứa con đích trưởng này thì Tề vương đã phải sinh liền ba cô con gái. Đau lòng cùng cực, không lời tỏ nổi.

Thục phi cũng chỉ có một đứa cháu trai này đây, vốn biết Triệu vương bị oan, nào ngờ khi cháu trai chết, Thục phi lại bắt đầu tin rằng Triệu vương khắc mệnh thật, đồn đại ầm ĩ trong cung. Lý tài nhân bất đắc dĩ phải thắt cổ tự tận, để lại di thư phân trần thay Triệu vương, càng như gián tiếp khẳng định lời đồn.

Thành phần trí thức chính chuyên thì không tin, thái học sinh lại cùng dâng tấu, ngờ đâu Hoàng thái hậu bỗng chợt xuất hiện trước mặt Quan gia. Cả đời Quan gia sợ nhất là Hoàng thái hậu, là “sợ” thật, Ngài vốn là con thứ xuất của Tiên đế, đã tính làm vương gia cho êm chuyện, ai ngờ được sau cuộc giành giật đập lộn của đám anh em, Hoàng thái hậu lại đích thân tôn Ngài vào Đông cung. Lại kèm cặp nghiêm khắc, lúc Quan gia còn nhỏ, Hoàng thái hậu vẫn còn là Hoàng hậu, đã có tiếng là cực nghiêm trong cung. Mới vào Đông cung, Ngài đã sủng ái vài nhũ nhân cung nữ, Hoàng thái hậu bảo Ngài không thể trầm mê nữ sắc, giết sống một mớ người, từ khi thành niên Quan gia đã sợ bà. Chuyện không kể đúng sai, cứ hễ Hoàng thái hậu xụ mặt là Quan gia lại run giò —– Từ nhỏ đã bị bà dọa tới lớn.

Hoàng thái hậu chợt xuất hiện ngay trước mặt: “Sao ta coi trọng ai thì kẻ đó lại bị biếm đi thế? Quan gia hiếu thảo quá!” Quan gia đương nhiên không dám đồng ý với lời cầu “trục xuất kẻ yêu gian Chân Nhất ra khỏi kinh” của thái học sinh nữa, đành tạm gác lại.

Mà lạ là Quan gia sợ Hoàng thái hậu nhưng triều thần thì không. Người xung phong đi trước lại là Hồng Khiêm, vị tân ngự sử này không thuật lời đồn, cũng chẳng bảo ai là phường yêu gian, chỉ vin vào một vị thuốc để nói chuyện, lời rằng: “‘Thế thuyết’ có Vân Hoàn Công sang Thục, đến Tam Hiệp, trong đội ngũ có kẻ bắt được một con vượn. Vượn mẹ than khóc trên bờ, đuổi theo ngoài trăm dặm, cuối cùng nhảy lên thuyền rồi chết. Mổ bụng vượn mẹ, thấy ruột đứt từng tấc. Công nghe mà giận, truất miễn người nọ. Đến cầm thú vẫn có tình máu mủ. Hoàn Ôn là thần tử mưu đồ soán vị, ấy mà vẫn còn lòng thương xót. Nay phụ nữ cung cấm lại dùng Lộc Thai dưỡng nhan, bắt nai mẹ, mổ bụng lấy chữa, nghe sao mà nhẫn tâm? Thần thực chẳng muốn biết! Đã nhẫn tâm làm chuyện như thế, còn chuyện gì là không dám làm? Phụ nữ tứ đức, đức ngôn công dung, đức đi đầu, dung xếp cuối, xin Hoàng thái hậu, Hoàng hậu làm gương cho thiên hạ, đừng bất nhân thất đức nhường này.”

Chẳng nhắc một chữ nào đến rắc rối trong kinh, càng không bàn chuyện Thái tử hoăng thệ và Triệu vương hàm oan, nhưng lại túm Hoàng thái hậu và Hoàng hậu lại cào rách mặt vứt đất, dùng chân di thật mạnh. Đến cả các ngự sử thành tinh như Chung Thận cũng phải xoắn xuýt, tới người chấp chưởng Ngự Sử Đài còn phải khen ngón này của Hồng Khiêm, chiêu này đúng là ghi khắc tận xương. Tấu chương vừa dâng lên, phút chốc kinh đô chẳng ai không biết. Triệu vương nhẩm mãi câu: “Đã nhẫn tâm làm chuyện như thế, còn chuyện gì là không dám làm?” Có rất nhiều người nhẩm lấy câu này, vì chả ai không rõ Chân Nhất là kẻ được Hoàng thái hậu xem trọng.

Đám Hoàng thái hậu, Hoàng hậu trong cung ngậm bồ hòn, đành phải hạ lệnh thiện chí, cấm Lộc Thai trong cung. Lộc Thai ấy à, đúng là có tác dụng bảo dưỡng nhan sắc, nhưng lại còn là vị thuốc phụ khoa cực tốt, nhất là hậu phi muốn sinh con đẻ cái, sợ mình mắc chứng cung hàn thì nên dùng nó, không phải chỉ để dưỡng nhan. Nhưng hễ là người hiểu biết y lý thì đều không dám phủ nhận công dụng dưỡng nhan của nó, hai cung đành nhịn, rủa xả Hồng Khiêm không ngớt lời.

Ngô vương bên kia lại chửi Lệ Ngọc Đường một chập: “Hai thông gia nhà mày đúng là đầu bò óc lợn, không biết tính toán! Đắc tội Hoàng thái hậu thì không sao, nhưng mày có biết Quan gia chỉ có ba đứa con trai không? Triệu vương tật nguyền, chỉ còn Tề Lỗ nhị vương là còn cơ hội vào Đông cung, dù là ai lên thì thông gia nhà mày cũng chết chắc!”

Lệ Ngọc Đường vốn muốn về nhà khoe mẽ, nào ngờ lại bị ăn mắng, ông lại không sợ: “Lẽ phải khắc lòng người, với cả, dẫu có là Quan gia cũng không dám đắc tội kẻ sĩ.” Ngô vương tức gần chết, ném gậy trong tay vào Lệ Ngọc Đường, ông bị đánh đến mức phải trốn chạy về nhà.

Hôm sau là ngày Thái tử được hạ táng. Tô Chính lặng lẽ quan sát ba Hoàng tử, vẻ tiều tụy của Triệu vương thì khỏi tả, Tề vương thì hốc mắt đỏ hoe, Lỗ vương khóc lóc thảm thiết, nhưng so ba người thì, Triệu vương yếu đuối độ chừng gục ngã, nhị vương còn lại tuy có kẻ dìu, nhưng chân bước lại vững vàng. Không khỏi cười thâm thúy.

•••••

Thái tử được chôn cất xong, kinh thành lại bắt đầu nhộn nhịp. Lục Ca nhà Lệ Ngọc Đường thành thân với cháu gái Tôn thượng thư, ông lại viết thư về Giang Châu, thỉnh hai cặp thông gia khác đưa dâu đến hoàn hôn.

Hoàng thái hậu lập uy trên triều, cắt chức vài vị quan xuất thân tiến sĩ rồi đuổi đi, bảo rằng có vài kẻ trí thức là “đạo đức giả hám danh hám lợi”, Quan gia chỉ đành trốn không ra mặt. Hồng Khiêm biết bà chỉ dâu mắng hòe, bèn dâng tấu nhắm thẳng vào việc Hoàng thái hậu tham chính, rằng “Gà mái gáy sáng“. May nhờ chàng lên tiếng, lại cũng may được Quan gia bảo vệ. Cứ hễ Hồng Khiêm mắng ai là Quan gia lại chống lưng cho chàng, bảo ấy là “Bề tôi trung trinh cương trực”, thực sự đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho Hồng Khiêm.

Đám ngự sử bên kia thấy Hồng Khiêm đơn độc nhắm thẳng vào Hoàng thái hậu thì lấy là hổ thẹn, lại thêm việc vài đồng niên bị Hoàng thái hậu độc ác tước chức, người nào người nấy sôi sục căm hờn, không nhờ Hồng Khiêm ra mặt nữa mà cùng nhau buộc tội ngoại thích phạm pháp. Bầu không khí trong chầu như sôi lên.

Chẳng mấy ngày sau bỗng có tin đồn Hồng Khiêm chính là Chu Bái, rằng chàng gian ngoan giả dối, chẳng đếm xỉa đến nhân luân, quên nguồn quên cội, là một gã ngụy quân tử mua danh chuộc tiếng. Đến tận khi có ngự sử hạch tội vị Hồng đồng liêu này, thuật lại lời của người còn nhớ vẻ ngoài của Chu Bái năm xưa, rằng bên tai hắn có một nốt ruồi son. Mọi người liếc nhìn tai Hồng Khiêm, có một nốt ruồi son thật.

Tô tiên sinh không ngồi im nữa, thoạt đầu là tin đồn, thầy vờ không biết, đến cả Lương Túc cũng chẳng dám hỏi thẳng trước mặt thầy, chỉ sợ lại ăn mắng: “Phi lễ chớ nghe.” Giờ đây đã có ngự sử tham tấu, Tô tiên sinh không thể không chất vấn Hồng Khiêm giữa triều.

Hồng Khiêm ung dung đáp: “Tiên sinh hỏi thế lại buồn cười, ta từ bấy họ Hồng, nếu bảo ta nhận người khác làm cha, thì chẳng phải bảo phủ định mình là con cháu họ Hồng ư. Không phải cứ hễ ai bảo ta không phải con của cha ta thì ta đều phải nhảy dựng lên phân trần, kẻ nói ra điều ấy mới là kẻ cần đưa ra chứng cứ xác thực…” Quét mắt sang nhìn Trương ngự sử hạch tội chàng, nhếch mép cười lạnh, “Lẽ nào thầy lại quên mất gã-Trương-nào-đó rồi, cái gã con rơi gái điếm được ăn mày nuôi nấng ngoài thành ấy? Trước giờ sống nhờ ăn mày, vừa xin xỏ được cơm thừa canh cặn nhà quan lớn quý nhân đã chịu làm chó cho họ, cắn bậy sủa um khắp cả. Ông tưởng ông trông giống Trương ngự sử, khoác áo quan lên người thì tôi không còn nhận ra nữa đấy?”

Cả đời thầy Tô chưa từng gặp kiểu vô lại này, lại chưa nghĩ ra mình nên đáp lại thế nào. Trương ngự sử thì giận tái cả mặt, nhảy xồ ra, mắng: “Ngươi ngươi ngươi, ngươi ăn nói hàm hồ, ngươi, ngươi, làm nhục tư văn!” Hồng Khiêm ngoáy lỗ tai: “Ông cũng biết cái gọi là ăn nói hàm hồ à?”

Trương ngự sử đáp: “Người kinh thành đều biết.” Hồng Khiêm bảo: “Ừ thì chắc độ ba ngày, người kinh thành hẳn biết tỏng ông là con rùa mén.” Trương ngự sử trợn trắng mắt, phụt máu, bất tỉnh nhân sự.

Quan gia sướng rơn, cười nắc nẻ. Bị Tô tiên sinh lườm cho một cái, giật mình nấc cụt, cuống quýt bụm miệng bãi triều.

Vừa bãi triều thầy Tô đã kéo Hồng Khiêm cùng về Tô phủ, đóng cửa thư phòng, bắt đầu tra hỏi. Hồng Khiêm chẳng chờ thầy lên tiếng đã nói luôn: “Từ khi tôi đỗ đã liền có người quanh co khắp nơi, đại lý tự khanh đã nhận nhầm tôi, giờ tôi cũng đã hiểu tại sao trước kia thầy lại nghiêm khắc với tôi như vậy.” Thầy Tô là người đứng đắn, không chống nổi miệng mồm lẻo mép của Hồng Khiêm, ngờ vực: “Trò thực sự không phải Chu Bái?” Hồng Khiêm bất lực đáp: “Tôi là Hồng Khiêm. Mà… Quả là giống thật. Chẳng giấu gì tiên sinh, tôi biết rõ chuyện nhà hắn cũng có nguyên nhân cả, nhưng trước mắt không thể nói, không bao lâu sau chân tướng sẽ rõ ràng.”

Chàng không nói, Tô tiên sinh cũng không tiện gặng hỏi. Còn chuyện huyết thống thì, quả thực chẳng cách nào có thể nghiệm được thật giả. Thầy Tô là chính nhân quân tử, bèn bằng lòng tin lời Hồng Khiêm, với cả hôm trên thuyền bàn chuyện gia đình họ Chu, vợ con chàng bảo mẹ kế Chu gia không tốt, Hồng Khiêm lại chẳng nói một lời, không có vẻ gì là căm phẫn.

Hồng Khiêm nói được làm được, lời đồn về thân thế vị Trương ngự sử kia ngày càng bất thường, không còn một vị quan nào dám nói xằng trên triều nữa. Nhưng lời qua tiếng lại giữa các bà các cô thì khác.

•••••

Ngọc Tỷ còn đỡ, tuy đã đính hôn nhưng chưa thành thân, cũng chỉ năng qua lại với các cô chưa chồng, chẳng ai không ngại lời thô tục, sợ bị cười chê.

Hôm ấy phu nhân Chung Thận mời mọi người đến ngắm hoa xơi cỗ, Tú Anh và Ngọc Tỷ cũng đến, Ngọc Tỷ thấy có rất nhiều cô bé mà mình không quen ở đấy, bèn than với Lục Tỷ Thất Tỷ: “Lúc ở Giang Châu còn tưởng chúng ta đã trải đời, giờ mới hay mình là ếch ngồi đáy giếng.” Hai đứa không quen biết ai trong kinh, Đại Nương bèn xin Thân thị cho Lục Nương Tôn thị theo canh chừng. Tôn thị vốn là người kinh thành, cô biết mặt tất cả các khuê các nổi danh trong kinh. Lần lượt giới thiệu cho ba người.

Họ ngồi cùng nhau, vì chưa rõ lai lịch nên không vội trò chuyện với các cô kia. Chợt thấy một thiếu nữ áo đỏ cao dong dỏng lướt qua ngay trước mắt, da mặt trắng nõn, mặt xoan má đào, hất mặt thật cao, nụ cười treo khóe miệng. Tôn thị nói: “Đấy là cháu họ ngoại của Thục phi, con của vợ cả Nguyên hầu. Bên cạnh cô ta là hai em gái thứ xuất.” Ngọc Tỷ trông sang, đúng là phục sức không bằng.

Tôn thị lại lén chỉ một thiếu nữ áo vàng hoa hạnh: “Đấy là cháu họ của Hoàng hậu.” Vẻ ngoài đoan trang dịu dàng, tuy không cười cũng chẳng ai dám bỏ mặc.

Đến tận khi có một nhóm người lướt qua bên cạnh, bỏ lại vài tiếng hừ lạnh. Ngọc Tỷ ngạc nhiên, từ lúc vào kinh đến nay mình chẳng quen được mấy người, sao lại có kẻ lườm nguýt? Tôn thị hơi lúng túng, nhưng không thể không nói: “Ấy là Tam Tỷ nhà đại lý tự khanh.” Ngọc Tỷ nhướng mày, nhếch môi cười mỉm. Tôn thị thấy nàng không giận không ngượng, thầm nhủ Cửu Nương đúng là người khoan hậu. Chẳng trách ông nội lại bảo, muội ấy là người không thể trêu vào, cha muội ấy là một người cực kỳ lợi hại, xem ra muội ấy cũng thế. Lại nghĩ, tại sao Chu Tam Tỷ cũng tới đây? Nhà Chung ngự sử không thể nào qua quýt như thế.

Chưa nghĩ xong đã có hai thiếu nữ dắt tay nhau sang, ánh mắt tò mò, chào Tôn thị: “Từ hồi Đại Tỷ làm dâu nhà người đã không tụ tập cùng chúng muội nữa. Đây là em gái Đại Tỷ ạ?” Tôn thị đáp: “Ừm. Đây là Đại Tỷ nhà Hồng ngự sử, đây là Lục Tỷ Thất Tỷ nhà chồng ta.” Lại giới thiệu cho cả ba: “Đây là Tam Tứ Tỷ nhà Nghĩa An hầu.” Nghĩa An hầu Đổng gia, dạo gần đây cũng chẳng im ắng. Ngọc Tỷ cười mỉm chào họ, chị em mỗi người kéo một tay của Ngọc Tỷ, hỏi ngắn hỏi dài Giang Châu trông thế nào.

Ngọc Tỷ cười đáp: “Ấy là quê cũ, hỏi ta ta đương nhiên sẽ bảo đẹp rồi.” Tam Tỷ cũng cười: “Gặp cô đã biết nơi ấy thực sự là đất lành.”

Tình hình các bà ngoài kia lại khác. Tú Anh từ lâu đã nhận ra có người cứ nhìn mình mãi, nhưng vờ ra vẻ không hay, ngồi cùng Thân thị, trò chuyện với phu nhân nhà họ Chung. Tạm giao thiệp với các nương tử quan trên. Chẳng bao lâu sau, Chung phu nhân tiếp khách khác, có người bèn đến nói chuyện với Tú Anh.

Chuyện phiếm kinh thành, không nhắc vụ Hồng Khiêm, chỉ kháo nhau tiểu lang nhà ai muốn gặp gỡ cưới vợ, dần dà nói sang chuyện gặp mặt con dâu thế nào. Trong đám có người lỡ lời, thuận mồm nhắc đến Chu Khiết, bảo cô bé gia giáo tốt, Đoàn thị hiền lương vân vân. Đúng là đám các bà các cô trong kinh mỗi bận bàn chuyện, mười lần hết chín sẽ nhắc tới Đoàn thị, ấy là người có bản lãnh, gia đình lại ấm êm —– Tội gì không nhắc? Cũng như mỗi khi nhắc đến tài tử thiếu niên, vị Tạ Linh An nọ sẽ lại được chọn.

Tú Anh bĩu môi: “Biết người biết mặt chẳng biết lòng.” Mọi người đều là vợ quan, cũng có đôi phần khôn khéo, nếu Hồng Khiêm thực sự là Chu Bái thì ấy thực sự là “quên nguồn quên cội”, chừ nghe nói, đám Nghĩa An hầu lấy làm rục rịch, nhìn chăm chăm vào nhà chàng. Ở đây có vài cô có chồng năm xưa từng cùng Chu Bái kết bè kết hội, lúc về nhà đều bảo giống thật, tuy đã hơn mười năm nhưng nốt ruồi son của Chu Bái vẫn hệt như cũ.

Lại có kẻ bất bình, kể Đoàn thị tốt bụng ra sao, lại khen thị quá tốt với hai họ Đổng Nghĩa An hầu, đoạn ám chỉ Hồng Khiêm chính là Chu Bái.

Tú Anh dựng thẳng mày, giận dữ bảo: “Nếu là con trai mình, cô chịu để nó chưa vợ đã có con rơi à? Gióng trống khua chiêng sợ người đời không biết ư? Nếu là con gái mình, cô chịu gả nó cho kẻ chưa vợ đã có con rơi à? Tốt vậy đấy hả? Nghe nói nhà nọ có thằng con câm, bưng bít đến tận năm mười tám tuổi phải thành hôn, chẳng ai biết nó tàn tật. Vậy chuyện này sao lại phải đồn ra ngoài? Trên đời có cái kiểu mẹ hiền như thế ư? Người tốt cơ đấy!”

“Chắc một ngày ba lần đi viếng người vợ đã khuất của chồng, sáng bảo ‘Con trai ta ngoan hơn con bà’, trưa vái ‘Hôm nay con bà ra ngoài lêu lổng, ta cho tiền nó rồi đấy’, tối khấn ‘Ta mới kiếm được thằng-con-rơi-tin-đồncủa con trai bà này, chờ nó lớn rồi, xem ai chịu gả con gái cho con bà nữa’, các cô bảo có đáng yêu không?”

“Người hiền lương là người thế nào? Nuôi dạy tốt cả con trai lẫn con gái. Còn như thị, dạy hư con đích trưởng người ta, rèn giũa con thứ xuất thật tốt dằn mặt, khinh người chết không biết nói à! Người đầy đủ chân tay mất tích một tháng, không nghĩ xem chừng nào chàng ta trở về đã vội vàng nhặt mụ chửa ở đâu về đắp vào cho đủ số, cấy mạ còn phải chờ trổ giống, thị cứ thế chắc mẩm chàng không thể quay về, nhận ngay thằng bé kia là con người ta? Sao thị biết chàng sẽ không về? Chẳng nhẽ chính thị giết hại chàng ta?!”

“Cái ngữ gian trá ấy bảo quan nhân nhà ta giống con nhà mình, cô vậy mà cũng thèm tin? Chẳng có nhẽ trời nóng không được uống trà mát nên váng đầu rồi?”

Vợ nhà quan cũng có người xuất thân từ gia đình dân thường, sang quý nhờ chồng, miệng lưỡi khôn khéo chưa từng tha ai, lại không ngờ Tú Anh vừa lên tiếng đã lợi hại đến thế, lời thốt ra lại khiếp người như vậy. Vừa nghĩ đến cảnh Đoàn thị nói chuyện với bài vị mà rét lạnh cả người.

Chung phu nhân nghe thế cũng không tiện ngăn lại. Bà mời khách cũng trăm lựa ngàn chọn, đã mời nhà họ Hồng thì không mời nhà họ Chu, cũng muốn lén giữ Tú Anh lại trò chuyện sau buổi gặp, hỏi rõ đầu đuôi. Nào ngờ mấy đứa con gái tới báo, rằng Chu Tam Tỷ khăng khăng xin một người bạn thân dắt đến. Hai chị em nhà họ Đổng cũng lén theo người khác tới, mà đã đến thì lại chẳng thể đuổi mấy cô bé ra ngoài. Bà sợ xảy ra chuyện mới rời đi xem thử. Nào ngờ bên đám các cô thì bình yên, còn phe các bà lại lên cơn trước?

Chung phu nhân cũng cho rằng Đoàn thị này chẳng tốt đẹp được như ngoài mặt, nhưng con người thường hay gió chiều nào theo chiều đó, trước đây chưa từng nghĩ nhiều. Với cả Hoàng hậu cũng là vợ kế, bất hòa với Đông cung, ai rỗi hơi bàn luận lung tung chứ? Hoàng hậu dễ đối phó chứ Thái hậu thì không à nha. Định dàn hòa thì vị nương tử bị Tú Anh mắng cho kia lại cũng là một người nóng tính, đáp luôn: “Sao cô lại nghĩ xấu cho người ta như vậy? Chưa chắc họ đã thế, chính lòng dạ cô tối tăm thì có.”

Tú Anh phỉ nhổ: “Vậy chắc các vị quan thanh liêm, Hình bộ thượng thư, phán quan ngày thẩm dương đêm tra âm đều bị ném vào chảo dầu dưới tầng địa ngục thứ mười tám rồi, ai bảo họ lại nhìn thấu bao nhiêu là mưu đồ lươn lẹo, phá bao nhiêu là án oan, án giết người tàn nhẫn, án hãm hại như kia?”

Chung phu nhân bước tới hỏi: “Đang nói chuyện gì thế, sôi nổi như kia?” Tú Anh cười đáp: “Chỉ đang bàn về mấy lời đồn trong kinh thôi.” Ngoài người bị Tú Anh hạ bệ mặt mũi kia ra, số còn lại đều đang suy xét, có khi là vậy thật. Mọi người đều là đàn bà quanh năm suốt tháng chôn chân sau nhà, khá nhiệt tình với những chuyện như này, càng nghĩ càng thấy đúng. Mẹ ghẻ bày mưu ác lại che giấu thật tốt, nghe còn ly kỳ hơn một đứa con bất hiếu nhiều. Dù đều là vợ nhà quan, cũng không kìm được cảm giác muốn về nhà kể lại cho người khác nghe.

Người đã ra mặt hộ Đoàn thị giận dữ lắm, cô ta xưa nay có quan hệ rất tốt với Đoàn thị, cảm xúc rối loạn, giờ lại chẳng rõ cảm xúc trong lòng là gì, định bụng về nhà tìm dịp sang họ Chu hỏi rõ Đoàn thị.

Mọi người không dám đắc tội Tú Anh nữa, một là do nàng khéo nói, hai là vì chẳng cách nào chứng thực chuyện Hồng Khiêm có phải là Chu Bái không. Nếu phải, đấy cũng là chuyện nhà người ta, Chu Bái sai, nhưng theo cách nói của Tú Anh, Đoàn thị kia cũng chẳng hiền gì, rõ ràng Du Ca nhà họ Chu được sống mười lăm mười sáu năm nay là do lỗi của Đoàn thị, ấy không phải là việc mà một người cẩn trọng nên làm. Nếu không phải thì là mình vô duyên ép Hồng Khiêm nhận người dưng làm cha mẹ, lại đem cặp cha mẹ hờ này ra làm cớ mắng chàng, chẳng đang gây thù chuốc oán với người ta là gì?

Quan thanh khó đoán chuyện nhà, Chung phu nhân không bình luận, chỉ bảo mọi người ngắm hoa. Cái danh bất lương của Đoàn thị cứ thế truyền ra ngoài.

•••••

Chuyện giữa các bà vợ bên đây chưa dứt, bên kia Hồng Khiêm ưa chốn rình rang, nào sợ chuyện bé xé to, bèn tâu lên một bản, xin được trở về họ Thẩm. Quan gia thấy chàng đề nghị, lập tức đồng ý, lại lôi bản hình dung Thẩm thị ra, con trai nhà họ Thẩm có một nốt ruồi son bên tai, tay có sẹo. Lại càng có nhiều người ngóng tai Hồng Khiêm hơn nữa.

Thịt lên tiếng: Thầy Tô ới, vẫn câu nói cũ, Quân tử khả khi chi dĩ phương, có lúc, mấy người tốt như thầy lại không tài nào ngờ được rằng trên đời có nhiều người xấu như vậy, có nhiều tâm tư nhơ nhớp đến thế. Ôi dào.

[Nghĩa là có thể dùng chuyện hợp tình hợp lý để lừa người, nhưng không thể dùng chuyện không đúng lý hợp lẽ đi lừa người.]

Nào là Thẩm công tử…

Nào là sự vô lại hung tàn của cha ngự tỷ…

Ảnh chưa từng biết chịu thiệt là gì mà.

Truyện Chữ Hay