ƯỚC NGUYỆN CHUNG THÂN BÊN CHÀNG ẤY.
THẾ MÀ LẠI TÈ DẦM RỒI!
Lại nói, Cửu Ca đi chơi một chuyến ra ngoại thành về, có cái gì đó sai sai. Dù bận trăm công nghìn việc, Thân thị vẫn nhận ra cử chỉ thường ngày của con trai hơi lạ, bèn gọi tiểu tư theo hầu y đến hỏi. Tiểu tư cũng chẳng nói rõ ràng được, vắt óc một hồi, vẫn lắc đầu thưa: “Cửu Ca ra ngoài, không gặp nguy hiểm gì, cũng chẳng chạm mặt người lạ.” Nó theo sau Cửu Ca nhưng không có ngựa để cưỡi, chẳng phải một bước không rời.
Thân thị chưa nắm được mấu chốt, lại hỏi Cửu Ca, Cửu Ca sao dám khai? Y vẫn chưa trưởng thành, chỉ lờ mờ hiểu chuyện tình yêu đôi lứa, cũng vì trong nhà có rất nhiều anh trai, liên tục bàn chuyện cưới xin, lúc tán gẫu với mọi người mới nghe được vài điều vụn vặt. Dù có vụn vặt nhưng y cũng biết một nam một nữ mới là đạo âm dương. Còn chuyện hai thằng con trai với nhau, y hiểu, cũng biết đó không phải đường ngay lối đúng.
Thân thị dạy con rất tốt, không chỉ Cửu Ca mà người khác có tâm sự gì, quá nửa sẽ bị nàng phát hiện, dù có là chuyện bí mật đi chăng nữa, nàng sẽ luôn có cách khuyên bảo một cách lặng lẽ, còn chuyện nghiêm túc thì nàng sẽ không qua loa, con cái cũng vui vẻ tâm sự với nàng. Hồi nhỏ Cửu Ca cũng thế, nhưng lớn rồi lại tự mình quyết định nhiều hơn, xong việc mới báo mẹ một tiếng, để mẹ còn hay chuyện. Nhưng việc trước mắt đây, Cửu Ca còn chẳng biết trong lòng mình nghĩ gì, đương nhiên không dám nói cho mẹ nghe.
Thân thị hỏi lại, Cửu Ca bèn đáp: “Tay không mà về, hơi cụt hứng.”
Thân thị bên này phải gả Tứ Tỷ, Ngũ Tỷ và đính hôn cho Ngũ Ca trước Tết, để đầu xuân năm sau lo xong hẳn chuyện của Ngũ Ca rồi chuẩn bị luôn cho Lục Ca, chỉ hờn nỗi không thể phân mình làm tám. Nghe Cửu Ca giải thích, cũng tin đôi phần. Vì Lệ Ngọc Đường mà Cửu Ca hơi bướng bỉnh, lần này về tay không, không vui là đúng. Thân thị có thừa việc phải làm, khuyên bảo Cửu Ca đôi câu rồi cũng vứt ra sau đầu. Không phải coi rẻ Cửu Ca, mà là chuyện của Tứ Tỷ, Ngũ Tỷ gấp hơn nhiều.
Lại bảo chàng Cửu Ca này, nhà cửa bận rộn, khó tránh khỏi chểnh mảng y, vừa khéo như ý. Vào thư phòng ngồi, trong lòng trong mắt đều là “cậu ấy”. Ngọc Tỷ đang độ khó phân biệt nổi là trai hay gái, lại còn mặc đồ nam. Gia giáo nhà Cửu Ca lại nghiêm, nào từng có cơ hội học cách phân biệt nam nữ dưới lần áo ấy? Gia giáo tốt lại làm khổ gã khờ Cửu Ca, thấy người ta vận nam trang thì nghĩ ngay họ là giống đực.
Vì Ngũ Ca sắp cưới vợ, trong nhà lại bận chuyện gả Tứ Tỷ Ngũ Tỷ đi, trong lúc tán gẫu với các anh trai, Cửu Ca không khỏi thỉnh thoảng nghĩ: Mình muốn có một nương tử thế nào?
Trong lòng y, mẹ tần tảo sớm hôm, đương nhiên là một người phụ nữ cực cực tốt, nếu có thể nên duyên với người như thế là phúc của mình. Y thích mẫu phụ nữ dịu dàng, mình là người có tiền đồ, sẽ không để vợ phải khổ nhọc như mẹ, nên chỉ cần người hiền lành nhã nhặn, trên lo cha mẹ dưới dạy con cái. Lúc mình ra ngoài làm việc, nàng có thể ở nhà thảnh thơi, hoặc đun trà hoặc trồng hoa, hoặc gảy đàn hoặc đọc sách, luôn làm những việc nàng thích, tao nhã trời sinh, không cần mạnh mẽ tất tả ngược xuôi như mẹ. Còn lúc bên nhau, không cần trò chuyện, đã ấm áp dịu dàng khôn xiết. Rồi khoác tay lên vai ôm vào lòng, hương thơm ngào ngạt đầy tràn trong dạ, đúng là hoàn hảo. Đôi lứa bên nhau, khẽ khàng hôn nhẹ lên mi mắt tóc mai…
Nhưng trước mắt y lại luôn thấp thoáng hình bóng kia… Áo xanh phóng khoáng mày mắt như tranh, Cửu Ca tưởng tượng đến hồn bay bổng, mặt mũi đỏ ửng, cố sức ưỡn thẳng cái lưng đã thẳng đến chẳng thể thẳng hơn được nữa. Lại không kìm nổi mà đưa tay bắt vào khoảng không, đến lúc bắt trúng lọ đựng bút mới hoàn hồn.
Nhón một cây bút trong lọ, tự khắc có thư đồng mài mực cho y. Cửu Ca vốn đang ngồi thừ người ra, sau lại thấy cả nghiên đầy mực, mặt xụ nhăn lại, sai thư đồng tránh đi. Rút một tờ giấy trắng, đặt bút viết: Hoa hạnh xuân bay rợp rợp đầu. Trai trẻ phong lưu bước bước mau? Ước nguyện chung thân bên chàng ấy. Dẫu tình có nhạt cũng không sầu.
[Thơ của Vi Trang.]
Viết xong, trân trối nhìn tờ giấy, tay phải nhấc lên cất bút, thả bút xuống mãi mà không vào lọ, cuối cùng lỏng tay, cây bút lông sói cứ thế rớt xuống mặt bàn. Tuy y không phải là thiếu nữ, cũng chưa từng nghĩ đến chuyện mình sẽ gả đi mà chỉ muốn lấy người ấy thôi, nhưng lúc này đây, chỉ có bài “Tư đế hương” này là có thể thổ lộ nỗi lòng mình. Dừng bút chăm chăm ngắm, ngắm mãi ngắm hoài mặt mày lại nhuốm ý cười, êm dịu nhẹ nhàng, thư đồng nhìn mà sợ đến rớt cằm.
Thư đồng của Cửu Ca là một cậu bé cực thông minh mà Thân thị chọn riêng, nhưng vì còn nhỏ nên cũng chẳng hiểu được ngọn ngành chuyện này, chỉ có thể nhìn suông. Đoạn thấy Cửu Ca tiếp tục ngẩn ngơ, ngoài kia Thân thị gọi y cùng dùng bữa, Cửu Ca mới vội vàng đáp lại, cẩn thận gấp tư tờ giấy kia, cất vào ngực áo.
Khuôn mặt Cửu Ca nghiêm túc trời sinh, thường ngày cũng chẳng thích cười mấy, xụ mặt dùng cơm, xụ mặt xem kịch, xụ mặt nghe mắng, không ai nhận ra y có gì đó khác lạ. Lại thêm trong nhà bận rộn ba mối hôn sự, đôi chút lạ lùng này của y, tuy có người nhận ra cũng chỉ cho rằng y vì chị gái phải gả đi mà không vui. Tứ Tỷ, Ngũ Tỷ lại hợp tác khâu một đôi hài mới, tặng y làm kỷ vật.
Cửu Ca bên kia nhận quà mà lòng hổ thẹn, chị gái trước khi gả đi còn nghĩ tới y, y lại một lòng nhớ nhung chàng thiếu niên xinh đẹp kia, càng lầm lì không nói chuyện. Uổng cho Tứ Tỷ còn ôm y vào lòng xoa dụi một phen, Thân thị bèn bảo Tứ Tỷ: “Con nghỉ ngơi cho khỏe, ta sai người hầm canh cho con dùng mỗi ngày, thằng này con trai con đứa, da dày thịt béo, cứ kệ nó giả bộ đi.” Đoạn cũng cười vỗ về Cửu Ca, thầm nhủ con trai nặng tình, hẳn sẽ trở thành một người đàn ông tốt.
Ngày Tứ Tỷ xuất giá, phàm là những người có chút vai vế ở Giang Châu đều đến dự, cả nhà Hồng Khiêm cũng lóc cóc tới tham gia. Tiếc rằng nội ngoại khác nhau, Cửu Ca lại không gặp Ngọc Tỷ. Bận bịu hôn lễ, thực tình cũng không có thời gian trò chuyện nhiều, đến cả những người thân nhau như Tú Anh và Thân thị, cũng chỉ hàn huyên được đôi câu.
Tứ Tỷ là tông nữ, khi làm lễ có rất nhiều thứ không thể dựa hoàn toàn vào phong tục, tự có quy chế riêng. Dân Giang Châu tháng mười được chiêm ngưỡng một màn mới mẻ, đến tận mấy chục năm sau, vẫn còn người ngồi tán chuyện này, mào đầu bằng câu: “Quy củ Thiên gia, không như dân chúng bình thường…”
Sau vụ Tứ Tỷ là đến Ngũ Tỷ, cũng tiến hành như chị mình, hai người đều gả đi trước Tết, đúng là lưu loát dứt khoát.
•••••
Bên này Tứ Tỷ Ngũ Tỷ đã gả đi, Thân thị thừa thế xông lên quyết định ngày cưới của Ngũ Ca là vào tháng tư năm sau. Lại nói, Ngọc Tỷ chẳng hề biết trên đời có một gã khờ quá khờ, chưa rõ nàng là trai hay gái, đã muốn cưới nàng rồi. Sắp đến Tết, cả nhà bận rộn sắm sửa, cụ Lâm nói với Tú Anh, bảo Ngọc Tỷ sang giúp việc. Lúc Ngọc Tỷ đến, cụ Lâm bèn đùn hết tất cả mọi sự vụ cho nàng.
Cụ Lâm quả thực đã già, lưng còng eo cong, lúc đi đứng phải có người dìu, không ai dìu thì phải chống gậy. Tố Tỷ trước giờ chưa từng xử lý mấy chuyện này, chỉ đành gọi Ngọc Tỷ đến. Lại nói Tố Tỷ, chẳng biết vì sao mà hai năm nay lại cưng Ngọc Tỷ hơn hẳn Kim Ca, đi đường thì sợ nàng sứt đầu, uống nước e nàng bỏng. Trâm vòng mấy chục năm góm ghém, thỉnh thoảng lại đem tặng Ngọc Tỷ. Tú Anh thường bảo bà: “Ngọc Tỷ đã có con lo, tài sản riêng của mẹ thì mẹ cứ giữ, sau này cho vợ của Kim Ca.”
Tố Tỷ đáp: “Mẹ không biết mình có thể chờ đến ngày đấy không, Ngọc Tỷ lại gần bên, mẹ có thể thương yêu con bé ngày nào hay ngày ấy.” Thói quen không đổi. Lại vì Ngọc Tỷ phải học thêu thùa nấu ăn, bà lại dốc hết lòng dạy dỗ. Ngọc Tỷ bụng bảo dạ, có lẽ dạo đầu bà ngoại lầm lỡ, giờ muốn bù đắp, nếu từ chối ý tốt, chỉ sợ bà lại nghĩ nhiều. Bèn thản nhiên nhận lấy, nhưng cũng thỉnh thoảng thêu dải buộc trán, làm đĩa điểm tâm đem đến hiếu kính Tố Tỷ, vỗ về bà.
Lại nói, Ngọc Tỷ đến nhà, bảo gì Tố Tỷ nghe nấy, dạo trước Tú Anh hay cụ Lâm mà có đưa đồ màu sáng cho bà, bà sẽ sầm mặt, có khi còn khóc lóc than thở góa phụ không được ăn vận thoải mái. Lần này Ngọc Tỷ dỗ bà mặc áo bào tay rộng thêu hồng tím chỉ vàng, bà lại cười đồng ý. Cụ Lâm nhìn mà khấn tổ tông hiển linh mãi.
Bên nhà kia, Tú Anh cũng chuẩn bị áo mới cho cả gia đình, đến thầy Tô cũng có phần. Kim Ca ăn vận rất tươi sáng, áo quần đỏ đậm, đeo dây chuyền vàng, mặt dây chuyền là một chiếc khóa. Quần áo đều do Tố Tỷ may, chỉ có đôi hài đầu hổ là Ngọc Tỷ làm, chẳng cần Tú Anh phải ra tay.
Hai bên xơi cỗ đoàn viên, thế là qua năm mới. Tết Nguyên Tiêu năm nay, Kim Ca đã có thể tự cầm đèn lồng, đọ với mấy đứa bé nhà hàng xóm. Tú Anh vẫn nhớ chuyện Ngọc Tỷ khi xưa, lệnh mợ Hồ theo sát, để ngừa rắc rối. Ngõ Hậu Đức cũng thuộc dạng đông đúc, tuy nhà họ Dương, Liễu đã chuyển đi, nhân khẩu ít hơn nhưng hai năm nay lại sinh sôi nảy nở, ngay cả vợ kế mới cưới của nhà họ Triệu, cũng đã có tin vui. Bên kia, nương tử Kỷ chủ bộ – Hà thị lại đính hôn cho con trai, năm sau là cưới, chẳng vài năm sau sẽ lại được nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh.
Tháng giêng chúc Tết, nhà họ Hồng nô nức hơn năm ngoái nhiều, một là vì Hồng Khiêm có công danh, hai là do được phủ quân coi trọng. Tú Anh dự cỗ khắp nơi, cũng có người hỏi nàng tình hình Ngọc Tỷ, Tú Anh chỉ đáp lấy lệ: “Dạy con bé đọc sách học chữ tính sổ, cầm được kim, khâu nổi áo quần giày vớ thôi.” Không muốn để lộ ý nghĩ trong lòng. Nàng đã định bụng sẵn, tuy muốn kết thân với gia đình cử nhân nhưng ngại không muốn đồng ý ngay bây giờ, Hồng Khiêm năm nay lại đi thi, nếu đỗ cử nhân, Ngọc Tỷ càng nên được gả đến nơi tốt hơn.
Tuy có câu “Cửa nhà quyền quý sâu như biển”, nhưng lại có lời “Vợ chồng nghèo muôn sự gian nan”, cân nhắc tới lui, thấy Ngọc Tỷ cũng chẳng phải cô ngốc, sẽ không đến nỗi bị ai đó nuốt sống, với cao một tý thì hay hơn. Với cả Kim Ca còn bé, phải có chị lớn nâng đỡ chứ, đúng không?
Ngoài những kẻ có ý định kia, thì khách đến nhà họ Hồng vẫn còn nhiều loại lắm, có đồng niên của Hồng Khiêm, có thân giao như gia đình Kỷ chủ bộ, có cả họ hàng như Lâm tú tài cháu cụ Lâm. Trong số đó lại thêm Thịnh Khải.
Từ lúc Thịnh Khải quen Ngọc Tỷ, chỉ một ánh nhìn đã khiến hắn rục rịch trong lòng, về nhà bèn thưa với cha mẹ: “Đàn ông không lập nghiệp thì chưa thành gia, giờ phải dốc sức học hành, đừng nhắc đến những chuyện phiền phức kia nữa. Trong sách khắc có giai nhân tựa ngọc, chờ con đỗ tiến sĩ, hẳn sẽ nên duyên vợ hiền.” Khéo làm sao lại hợp ý Phan thị.
Thịnh Khải vỗ về mẹ là thế, nhưng trong lòng lại có ý chờ năm sau đỗ cử nhân, có công danh, có tiếng nói trong gia đình, sẽ xin cha mẹ đến đề thân. Thoạt đầu cứu người chưa mong báo đáp, sau này lại lộ ra ý muốn đòi ân. Nhưng khi gặp Hồng Khiêm thì vẫn không được tự nhiên cho lắm, muốn thể hiện học vấn bản thân để người ta đánh giá cao mình hơn, nhưng lại ngại tiến tới xun xoe. Không khỏi chợt nóng chợt lạnh, khiến cả thầy Tô cũng phải lấy làm lạ, không kìm nổi mà hỏi Hồng Khiêm: “Cậu ta làm sao thế? Y như trúng gió độc, lắc lư lảo đảo.”
Hồng Khiêm hiểu rõ trong lòng, biết lý do Thịnh Khải trở thành thế này nhưng không nói ra. Trong lòng chàng, con người Thịnh Khải vẫn khá ổn, tuy có ý với con gái mình nhưng chưa từng vượt quá khuôn phép. Nhưng gia đình cậu ta quá rối, không xứng với con gái cưng của chàng. Thịnh Khải đã không ngỏ lời, chàng cũng làm như không biết, khinh khỉnh nhìn thầy Tô: “Cậu ta tâm đầu ý hợp với thầy, thầy đã không rõ, thì sao ta biết được? Hay là thầy đi bói một quẻ xem sao?”
Tô tiên sinh tức nỗi về phòng xoay ba đồng xu cổ liên tục, không biết có phải đang tính xem chừng nào Hồng Khiêm mới sụp hố trẹo chân không.
Hồng Khiêm thấy thầy Tô bực mình thì lại vui vẻ hẳn, hờn nỗi chỉ dám vui thầm, trên dưới cả nhà, đến cả con gái chàng cũng chẳng muốn chung vui —– Trong lòng mọi người đều kính Tô tiên sinh. Vui vẻ một chốc lại nhíu chặt mày, vị Thịnh tiểu tú tài này cả ngày cứ rì rà rì rầm, vừa khéo nhắc chàng một điều: Năm nay Ngọc Tỷ đã mười ba tuổi rồi!
Nghĩ tới chuyện này, Hồng Khiêm đã cảm thấy cả người khó chịu, về bàn với Tú Anh, bảo nàng nhớ chú ý Ngọc Tỷ hơn. Tú Anh nghe mà giật thót: “Chẳng nhẽ có gì không ổn?” Hồng Khiêm đáp: “Chờ xảy ra chuyện thì đã muộn. Con bé cũng lớn rồi, ý của ta là, không vội mấy năm này. Thu năm nay ta đi thi, năm sau vào kinh, không bàn mấy chuyện khác chứ ánh mắt thì Tô Trường Trinh lợi hại có thừa, thầy ấy nghiện chê bôi ta, chứ một khi bảo ta có thể miễn cưỡng đỗ, thì ta chắc chắn sẽ đỗ. Vào kinh rồi nói sau!”
Tú Anh chần chừ: “Tuy chàng phải đi thi, nhưng nào có cái lẽ dắt theo cả vợ con? Thi xong lại ra làm quan, hẳn sẽ không quay về đây, hoặc ở kinh hoặc đến nơi khác, bọn ta lại chuyển đến chỗ chàng, khi ấy mới lo? Chỉ e lạ nước lạ cái, không tiện dò hỏi.”
Hồng Khiêm đáp: “Ta đã liệu trước rồi. Dù là trai hay gái, thành hôn quá sớm, chưa trải đời là bao, khó tránh khỏi thiệt thòi.”
Tú Anh lòng vẫn không yên, tuy ngoài miệng đồng ý nhưng bụng vẫn thầm xem xét đối tượng có thể trở thành con rể, nếu ở Giang Châu quả thật có mối tốt, thì Hồng Khiêm lại chẳng không chịu? Một mực thầm lưu tâm, nếu thực sự cảm thấy ổn sẽ nói lại với Hồng Khiêm, nếu chàng đồng ý thì hẵng tới bàn bạc với sui gia.
•••••
Lúc ấy Cửu Ca hãy còn chưa biết, người trong lòng mà y ngày nhớ đêm mong, suýt nữa thì bị mẹ họ gả cho kẻ khác rồi. Quả thực là, dù Tú Anh có tự mãn, cảm thấy con gái mình hoàn hảo đến đâu đi chăng nữa, cũng chưa từng nghĩ đến chuyện để nàng “trèo cao” vào nhà y. Tuy bảo tông thất quá nửa chỉ còn cái vỏ ngoài, nhưng Thân thị lại tháo vát, gia đình Lệ Ngọc Đường vẫn rất sung túc. Tú Anh qua lại với Thân thị, dù cũng từng mơ mộng viển vông song rốt cũng trở về mặt đất, chẳng ngờ Thân thị đã sớm nhắm vào Ngọc Tỷ.
Dẫu Thân thị có ý này, nhưng trước mắt vẫn đang bận chuyện Ngũ Ca, vì gả liền hai đứa con gái mà nàng đã bỏ ra tám mươi phần trăm tiền lời làm ăn hai năm nay ở Giang Châu, tuy lễ đính hôn của Ngũ Ca và Tề thị không tốn kém quá nhiều, nhưng sau đó là đám cưới, vẫn phải chi ra không ít. Với cả Ngũ Ca thành hôn, lại phải thu xếp một phòng khác cho nó, may mà Tứ Tỷ Ngũ Tỷ đã gả đi, bằng không hậu nha chẳng còn nhiều phòng trống đến vậy.
Vừa sắp xếp xong phòng tân hôn, kiểm lại nhà kho đã vơi nửa, Thân thị ấy vậy mà lại nắm tay, thở phào nhẹ nhõm. Chỉ còn hai đứa con gái là Lục Thất Tỷ và bốn cậu con trai Lục Thất Bát Cửu Ca thôi, Ngũ Ca thành hôn xong, hai tháng sau sẽ tống cổ về kinh nhậm chức quan nhỏ nào đó, gách vác gia đình. Lục Ca cũng sắp rồi, trọng trách của nàng đã vơi quá nửa. Lệ Ngọc Đường chỉ mới nhậm chức ở Giang Châu hai ba năm, ở thêm hai ba năm nữa vẫn ổn, khi ấy tiền cưới gả mấy đứa còn lại chắc cũng gom đủ rồi, chẳng cần nàng tự rút của hồi môn ra, còn có thể kiếm được một khoản dưỡng già.
Thân thị vui vẻ, năng nổ hơn, thấy ai cũng cười khanh khách, suy xét kỹ chuyện lấy vợ của Ngũ Ca, thấy không còn sơ sót nào thì lại nghĩ đến Cửu Ca. Dạo gần đây Cửu Ca hơi gầy, Thân thị đã nuôi biết mấy thằng con, biết đến tuổi này chúng nó sắp trổ giò, gầy cũng là chuyện thường, năm đó Tứ Ca tuổi này còn gầy như que củi, nên chỉ dặn bếp hầm canh cá canh thịt cho Cửu Ca bồi bổ.
Tuy Lệ Ngọc Đường phó mặc mọi việc, nhưng rốt lại cũng có đến chín thằng con trai, tám thằng trước đứa nào đứa nấy lũ lượt trưởng thành, thể nào cũng sẽ lướt qua trước mắt hắn, thấy Cửu Ca gầy thế kia, cũng chỉ cười buông lời: “Tục ngữ bảo ‘Thằng con trổ mã, ăn mạt thằng cha’, nó ăn khỏe thật đấy!” Thân thị nhủ thầm, ông vốn nghèo mà, nếu giao con trai cho ông nuôi thì đã đói nheo đói nhóc từ lâu rồi, tôi có đồ ngon cho nó ăn, ông lại xỏ xiên vào. Nhưng miệng lại đáp: “Thằng bé trổ giò, thoắt cái nhìn lại đã cao hơn một tấc, phần dôi ra này từ đâu mà có? Chẳng phải đều nhờ vào cơm ăn à?”
Lệ Ngọc Đường bảo: “Ta chẳng bao giờ nói lại được mình.”
Thân thị nói: “Mình cãi làm gì, đi viết thư đi. Gửi vào kinh, xin vương phủ tìm một chức để nhét Ngũ Ca vào để nó còn gánh vác gia đình, đã thành gia thì nên lập nghiệp rồi. Rồi viết thêm một bức cho Đại Ca, bảo nó chăm sóc mấy đứa em.” Dù chức quan mà Ngũ Ca nhận được có ở trong kinh hay không, hắn cũng phải về một phen, vì là tông thất. Vì mới cưới vợ, cũng phải dắt theo vợ về nhận họ hàng, bái tổ tông. Lệ Ngọc Đường đang nhậm chức, không có chiếu triệu thì không tiện quay về, đành sai quản sự tâm phúc hộ tống dọc đường.
Bên này Lệ Ngọc Đường vừa gửi thư đi, bên kia trong kinh lại đưa thư đến, phủ Ngô vương đã định hôn cho Lục Ca, là cháu gái của Lại bộ thượng thư, vì cha mẹ mất sớm mà được bà nội nuôi, Ngô vương con đàn cháu đống, cũng có nhiều việc phải nhờ Tôn thượng thư, bèn kết thông gia với ông ấy. Lệ Ngọc Đường quý nhất cậu con này, không ngờ lại bị cha mình phá hoại, giậm chân đành đạch: “Sao cha lại thế này?! Sao có thể làm vậy?! Từ bấy đã có tục không cưới trưởng nữ tang mẹ rồi!”
Thân thị khuyên: “Sự tình đã thế, còn nói gì được nữa? Cháu gái vị thượng thư ấy được bà nội nuôi, chắc cũng không đến nỗi vô giáo dục. Mà gia đình thượng thư cũng có lợi cho Lục Ca. Chỉ đành chín bỏ làm mười thôi. Đừng nhắc trưởng nữ tang mẹ gì nữa, đã trở thành con dâu nhà mình, đến ấm ức mà người ngoài gây ra ta còn không muốn để con bé phải chịu, huống chi là người nhà? Dâu mới về nhà, sinh con đẻ cái, cần được chỉ dạy!”
Nàng nói đúng, Lệ Ngọc Đường càm ràm một hồi rồi dứt khoát ngậm miệng lại. Thân thị bảo: “Hồi âm đồng ý đi. Rồi bảo vợ chồng Ngũ Ca mang hộ quà biếu nhà Tôn thượng thư, may mà ta đã tính sẵn sau chuyện Ngũ Ca sẽ lo tới Lục Ca, đã đặt trước sính lễ, tất cả có sẵn rồi, giờ thêm vào vài món là được.” Trong lòng lại buồn phiền, trong mấy đứa con dâu thì chỉ dâu trưởng có xuất thân cao nhất, cha cô là trung tán đại phu tòng ngũ phẩm, cha vợ của mấy đứa em trai còn lại đều chỉ lục, thất phẩm. Giờ lại lòi ra một cháu gái thượng thư, e sẽ át uy các chị dâu, hẳn sẽ không tránh khỏi một phen trắc trở.
Thân thị bèn suy nghĩ, nếu quả thật không ổn, thì lệnh ra riêng là được.
Tục lệ của dòng Ngô vương là, đàn ông sau khi thành hôn sẽ phải ra làm quan để nhận bổng lộc, trừ con trai trưởng, tất cả đều phải chia ra mà ở. Nguyên nhân đương nhiên là do phủ Ngô vương tuy lớn nhưng ông lại đông con trai, ở không hết, ắt phải ra riêng. Lúc trước Lệ Ngọc Đường được chia cho một khu nhà năm dãy ở trong kinh, đúng là không nhỏ nhưng sân trước phải dành để tiếp khách, không thể ở, thư phòng thì nữ quyến lại không được vào, thật ra thì chỉ có ba dãy sân là ở được thôi. Nhà còn tàu ngựa, nhà ấm trồng hoa của Lệ Ngọc Đường, rồi lại chỗ ở cho tôi tớ vân vân, đúng là không đủ. Khi ấy con cái còn nhỏ thì thôi kệ, Lệ Ngọc Đường giờ đã ra ngoài nhậm chức, ba thằng con ở trong kinh, vì giá nhà đắt nên đều ở chung một khu nhà ấy. Con trai thứ thì được nhậm chức bên ngoài, làm huyện lệnh. Tôn thị này nếu là đứa biết điều thì chung sống hòa thuận, còn bằng không, Thân thị sẽ lệnh ra riêng.
Cân nhắc xong, Thân thị bèn đi thu xếp quà mang vào kinh.
•••••
Bên này Thân thị quyết định xong, bảo Lệ Ngọc Đường tự đi nói với Lục Ca chuyện hôn sự đã định. Lệ Ngọc Đường bụng dạ chẳng lấy gì làm vui vẻ, nhưng trước mặt con trai lại không luyên thuyên, chỉ bảo: “Ông nội đã định hôn cho con rồi, là cháu gái Tôn thượng thư.”
Lục Ca nghe rồi cũng chẳng nói gì, ung dung nhận lời.
Phút chốc, tin tức này cũng nhanh như việc trổ giò, trên dưới cả nhà đều biết cả. Ngũ Ca chưa vào kinh, gọi Thất Ca, Bát Ca, Cửu Ca đến thăm Lục Ca. Cửu Ca đang đứng trước gương, ngắm bộ áo bào xanh mới may của mình, thình lình bị Ngũ Ca kéo đi, trên đường thì nghe Ngũ Ca nói: “Chuyện tốt của Lục Ca sắp tới rồi.”
Đến phòng Lục Ca mới biết rõ đầu đuôi. Mọi người lục tục “Chúc mừng” Lục Ca, Lục Ca lại chẳng lấy gì làm vui lòng. Nếu là mối mà Thân thị chấm cho hắn, hắn sẽ vui vẻ vô lo, còn người trong kinh kia, hắn thực sự không dám tin tưởng. Ông nội ấy à, suýt nữa đã gả Tam tỷ cho một lái buôn, chẳng biết đã có bao nhiêu chị em họ bị ông ấy gả đi như thế, chuyện đó chả vẻ vang gì.
Lại nghe Ngũ Ca nói: “Lần này trong kinh vẫn còn ‘lành’ đấy, gả một tiểu thư nhà quan cho đệ.” Bát Ca bèn nháy mắt với Thất Ca: “Người tiếp theo là Thất Ca huynh rồi.” Thất Ca gầm gừ: “Đệ xếp ngay sau ta đấy. Mẹ bớt phải lo vụ Lục Ca, tiếp theo chính là hai chúng ta.”
Bàn đến chuyện cưới gả, lại là anh em ruột, thoải mái hơn nhiều. Lục Ca nói: “Nếu có thể bằng một nửa các chị dâu, ta cũng thỏa mãn rồi.” Đám anh em lại ầm ĩ, vì thành hôn rồi, Ngũ Ca như được thay da lột xác, tuy cũng cười đùa, nhưng đã có dáng dấp đảm đương. Thấy Cửu Ca im như hũ nút, bèn hỏi: “Đệ ngày càng kiệm lời, năm nay cũng đã mười ba, mẹ mình hẳn sẽ chẳng bỏ qua đâu, đệ muốn có một nương tử thế nào? Nhân lúc còn sớm thì lo mà nói với mẹ, để người trong kinh kia lại sắp lung tung bây giờ.”
Gần đây Cửu Ca sợ bàn chuyện này nhất, ậm ừ không nói. Dù mặt y có đen hơn nữa thì cả đám anh em đều lớn lên bên nhau cả, không quan tâm thì thôi, chứ mà để ý rồi sẽ cảm thấy lạ. Ngũ Ca là người từng trải, thấy y thế kia, bèn bảo: “Đệ thật sự có người trong lòng rồi? Là tiểu thư tốt nhà ai vậy, nếu xứng đôi thì nói ra, các huynh sẽ đứng ra đảm bảo cho, mời mẹ đề thân.”
Sao Cửu Ca chịu đáp chứ?
Ngũ Ca bèn nghiêm mặt lại: “Có phải đệ đã để ý người không nên để ý rồi không? Từ bấy đệ đã là đứa hiểu chuyện nhất, nếu đó là thị nữ trong nhà, đệ không được phép lén lút gây chuyện đâu đấy, có gì thì nói rõ ra. Đệ chưa lấy vợ, không nên nảy nòi ra mấy cái chuyện kia, ầm ĩ đến mạng người thì không đùa được đâu! Còn nếu là người ngoài, con gái nhà lành thì thôi đành vậy, chứ mà là ngữ bẩn thỉu, đệ chưa chọc cho cha mẹ tức sôi lên, ta đã đánh đệ trước rồi!”
Lục Ca khuyên: “Ngũ Ca, huynh cứ từ từ, Cửu Ca trước giờ hiểu chuyện mà.”
Ngũ Ca nói: “Các đệ nên biết, gia pháp của mẹ chúng ta rõ ràng xưa giờ. Không cho phép thứ tử ra đời trước, cũng không cho phép sủng thiếp diệt thê, hai điều này là mầm họa của cả gia đình. Còn nữa, phải kính trọng thê tử, không được để thê tử khó xử, đó là người thừa phụng tông tự, đệ không yêu nàng, mà muốn yêu thương người khác? Nếu thực sự rất xinh, biết bổn phận, khiêng tới làm thiếp cũng được, nhưng không thể để lấn lướt thê tử. Rõ chưa?”
Cửu Ca nghe đến đoạn “khiêng tới làm thiếp cũng được” thì lắc đầu, bảo: “Đã thích thật thì một khắc cũng không muốn buông tay. Ta đã thương ai thì sẽ thương thật lòng, sẽ không để ‘cậu ấy’ phải cúi đầu làm lẻ trước người khác, tủi thân khó xử. Làm thế, hẳn chưa xem họ là người trong lòng.”
Lục Ca tái mét mặt mày: “Trừ lúc trả bài, chưa từng thấy đệ nói nhiều như vậy! Đệ thực sự để ý người nào bên ngoài à?!”
Cửu Ca đáp: “Giờ không còn nữa.”
Ngũ Ca chợt thấy sống lưng lạnh toát, chỉ cảm thấy em trai mình bỗng lạnh như sắt đá. Cửu Ca là con trai duy nhất của Thân thị, lại là đứa bé nhất, vì Thân thị đối xử rất tốt với bọn họ, thêm cái tật lạ kia của Lệ Ngọc Đường, Cửu Ca thường ngày lại cần mẫn chịu khó, họ cũng khá thương y. Thất Ca nói: “Chỉ cần là con gái nhà lành, chúng ta sẽ đứng ra bảo đảm cho đệ.”
Cửu Ca không cả lắc đầu, chẳng thèm nhướng mày, buông lời: “Khỏi, là chuyện đã qua, tội gì làm khó người khác?”
Bốn thằng anh của y nghe mà sợ tới mức không dám nói năng chi, chỉ đưa mắt ra dấu cho nhau, lập tức phải báo chuyện này cho Thân thị. Cửu Ca chợt bảo: “Vốn là nỗi lòng của ta, ta bảo đã hết thì là đã hết, không ảnh hưởng gì nữa. Mẹ dạo này đã bận lắm rồi, nếu các huynh còn xem ta là em trai, thì đừng nói với cha mẹ.”
Biểu cảm của y rất đáng sợ, Ngũ Ca gật đầu, bụng bảo dạ: Mình cứ ừ trước đã, lát nữa đi mách mẹ sau. Lục Ca thầm nhủ, Ngũ Ca ừ rồi nhưng mình thì chưa, Cửu Ca à, đệ đừng trách huynh. Mới nghĩ tới đó, đã nghe Cửu Ca bảo: “Người không giữ lời thì không ai dám tin nữa.” Chăm chú nhìn Ngũ Ca gật đầu, rồi lia mắt sang Lục Ca, lần lượt ép buộc mấy ông anh, thấy tất cả đều đã ừ thì mới đứng dậy, vái dài một cái: “Ta cảm ơn các huynh.”
[Vốn là câu ‘Dân vô tín vô lập’ trong “Luận ngữ” của Khổng Tử. Ý là một quốc gia mà không lấy được lòng tin của người dân thì sẽ sớm ngày suy tàn.]
Đám anh đúng là chẳng thốt nổi nên lời. Giờ mới thấy vẻ lặng thầm ít nói thường ngày của thằng em này thực sự rất rất đáng yêu, chứ cái kiểu buông tiếng chưa dọa chết người chưa ngừng kia, thôi bớt lôi ra hù họ thì hơn. Ngũ Ca nói: “Ta cho đệ một tháng, một tháng sau, nếu đệ vẫn chưa quên được, ta sẽ là người đầu tiên đi nói với mẹ đấy.”
Cửu Ca trịnh trọng gật đầu.
•••••
Cửu Ca ép các anh hứa xong thì về phòng ngủ, trăn trở tới lui, nỗi cầu mà không được càng sôi sục, đến tận lúc chuông canh ba đã điểm, mới mơ màng thiếp đi. Trong mơ, thiếu niên áo xanh kia chợt cười rộ lên, chẳng hay vì sao chiếc trâm trên đầu đã biến mất, mái tóc đen buông xuống, lướt khẽ qua mặt y. Y đưa tay vén tóc cho thiếu niên, đầu ngón tay chạm vào gương mặt ấy chỉ thấy mịn màng trắng trẻo, không khỏi rung động, cả người đã nóng lên. Không kìm được, một tay nắm tóc, một tay kéo eo người ta, ôm thật dịu dàng.
Vừa chạm vào, y lại cảm thấy đường đột, đúng là đã làm chuyện sai trái. Nếu không có lòng kia thì cũng đành, chỉ là đàn ông bình thường chen vai sát cánh; còn đã có thì, nếu vẫn cứ ôm như thế, thì sẽ không ổn. Vội vã buông tay, miệng ấp úng tạ lỗi. Nhưng lại chẳng nghe thiếu niên nói gì.
Cửu Ca thấp thỏm, ngước mắt lên nhìn người nọ, sợ cậu giận dỗi, lại trông thấy mày mắt kia thanh tú dịu dàng lắm thay, trên thùy tai trắng như ngọc kia có một lỗ bấm. Y trong mộng hoảng hốt, lúc ngẩng đầu lên nhìn kỹ, mày than nhẹ phớt, môi hồng thắm tô. Mái tóc buông lơi biến mất, lại được vấn thành hai búi. Thiếu niên áo xanh đã thay áo váy xanh nhạt, thế mà lại hóa thành một thiếu nữ đương độ xuân thì.
Trong mơ, Cửu Ca vui sướng vô chừng, rốt cuộc quá giờ rời giường, Thân thị nghe tin còn tưởng y bệnh, vội đến thăm. Nhưng gọi lại không tỉnh, sốt ruột lay.
Giữa mộng, Cửu Ca đang nói với nàng: “Nhà nàng ở đâu, ta xin cha mẹ đến đề thân. Gả cho ta nhé, ta sẽ luôn đối tốt với nàng, cả một đời.” Thiếu nữ nọ đỏ bừng mặt, vừa mới gật đầu, Cửu Ca vui đến độ như sắp phi thăng, nào ngờ lại bị Thân thị đập một phát lăn xuống đất, hỏi: “Sao gọi mà con không thức?” Đoạn đưa tay ướm lên trán y, “Hơi nóng. Gọi thái y đến khám đi.”
Cửu Ca bừng tỉnh khỏi mộng đẹp, tối mặt tối mày: “Khỏi ạ, con dậy ngay đây, để mẹ phải lo lắng là lỗi của con. Con trai lớn phải tránh mẹ.“
Thân thị cạn lời, chỏ trán y: “Cái đồ cụ non nhà con!” Thấy Cửu Ca có sức để chuyển chế-độ-mặt-đen, bèn thử sờ lại trán, bấy giờ đã bớt nóng thì rời giường y, ra gian ngoài ngồi. Bên trong, Cửu Ca gọi thư đồng lấy quần áo tới thay. Vừa đứng dậy đã thấy tiết khố của mình ướt một mảng, mặt lại càng đen hơn! Y thế mà lại tè dầm!
Thịt có lời muốn nói: Cửu Ca: Thế mà lại tè dầm rồi, T,,T (lại khóc chạy trốn…)
Há há, Cửu Ca, người không si ngốc phí sức xuân!
Thiệt ra tui biết viết truyện tình mà, đúng hôn?
À à, ngày mai Cửu Ca sẽ biết sự thật đó, lúc ấy hẳn lại là một cú sét đánh! (Lén cười chạy mất)