Ba Du Sinh ngáp dài. Vua thức đêm như mình mà cũng có lúc buồn ngủ. Đủ biết đứng ngóng ở bên ngoài căn nhà gác cũ kỹ này ngán ngẩm đến đâu. Anh đưa tay xem đồng hồ: h rưỡi sáng.
Nhưng khi ngẩng đầu lên thì anh lại thấy nhẹ nhõm vì đã không phí công mai phục giữa đêm thu như thế này.
Một bóng đen hơi do dự, rồi bước qua cái bậu xi măng cao cao trước cửa nhà Giải phẫu của của Đại học Y Giang Kinh.
Sinh thấy thỏa mãn, thậm chí tự hào vì mình đã đoán đúng: người đó chính là Quan Kiện?
Nhưng một chút khoái chí xa vời ấy đã nhanh chóng bị nhạt nhòa bởi nhiều nỗi băn khoăn hơn: Quan Kiện đến, chứng tỏ mình đã đoán đúng, nhưng có thể nói lên điều gì? Bắt nguồn từ những giả thiết về tâm lý học và tâm lý học tội phạm, Sinh đã dự kiến rằng Quan Kiện sẽ vào.
Một là, Quan Kiện vô tội. Đây chỉ là hành động đơn giản do nhớ người yêu đã ra đi. Hoặc là, anh ta vẫn tự khám nghiệm hiện trường.
Hai là, anh ta chính là hung thủ. Một kẻ trẻ tuổi máu lạnh sát nhân chắc chắn nội tâm vẫn có chỗ yếu đuối. Nhất là khi nạn nhân còn là người yêu của mình, anh ta không dễ gì mà quên, thậm chí có thể vì yêu điên dại nên dẫn đến giết người. Trong trường hợp này tiềm thức của anh ta vẫn biết hối hận, thậm chí muốn trừng phạt mình, trở lại chốn gây tội ác để nhớ lại khung cảnh ghê rợn cũng chính là cách tự trừng phạt.
Ba là, nếu anh ta là hung thủ, mà lại gây án khi bị tác động bởi một năng lượng tăm tối không thể định danh, thì thứ năng lực tăm tối ấy sẽ luôn nhắc anh ta về "cái lần thứ nhất" hoặc khu nhà giải phẫu này là căn nguyên của mọi tội ác (dù sao nó cũng bị coi là đầu bảng trong "Mười nơi có ma ở Giang Kinh")
Quan Kiện bước vào hành lang tối om, tiện tay khép luôn cửa ra vào.
Ba Du Sinh từ trong bụi cây bước ra, đi đến trước cửa nhà giải phẫu, ghé tai lắng nghe. Bên trong rất im ắng. Anh khẽ đẩy cửa, cửa không đóng chặt, cũng không khóa trái.
Bên trong tối đen như mực.