Thế là chẳng bao lâu, sáu nhà quý tộc mới toanh của chúng ta gặp đoàn người săn và cùng nhập bọn với họ mà chẳng gặp một sự phản đối nào cả. Phần lớn khách khứa đều đến từ những địa phương khác nhau và chẳng ai quen biết ai. Vào đến sân rồi thì những kẻ cướp đường ấy cũng trở thành tân khách.
Tất cả có lẽ sẽ diễn ra tốt đẹp nếu họ cứ giữ nguyên vị trí của mình. Nhưng lại không được như vậy. Một lát sau, thì Cauvignac có vẻ như tin chắc chắn rằng cuộc săn đã được tổ chức để đón tiếp mình, y giựt lấy cái kèn săn trong tay một tên người hầu mà gã này không dám từ chối, chạy lộn xộn thổi kèn lung tung, lẫn lộn tất cả những ám hiệu, xô ngã nào chó, nào người hầu, cúi chào các bà một cách điệu nghệ mỗi khi đi ngang qua trước mặt họ, chửi bới, la lối, bực tức khi không còn trông thấy họ nữa, và bắt kịp con hươu khi nó vừa nhảy qua một cái ao lớn.
- Hallali! Hallali! (Chú thích: Tiếng hò reo trong các cuộc đi săn) - Cauvignac gào lên - Bắt được nó rồi!
- Này Cauvignac! - Ferguzon nói, anh chàng này theo gần bên Cauvignac - Coi chừng anh làm cho chúng ta bị tống cổ khỏi đây đấy. Tôi van anh, vừa phải thôi!
Nhưng Cauvignac chẳng đếm xỉa gì đến, và thấy rằng con vật đang giơ sừng trước lũ chó, y nhảy xuống đất, rút gươm ra và lấy hết gân cổ gào lên:
- Hallali! Hallali!
Và các chiến hữu của y không thận trọng như Ferguzon, được kích động bởi hành động của y, cũng chuẩn bị nhảy đến con mồi thì viên đội trưởng đội săn đưa dao gạt Cauvignac ra:
- Khoan đã, thưa ông, chính phu nhân quận chúa là người điều khiển cuộc săn. Chính bà sẽ là người đâm cổ hươu hoặc sẽ nhường vinh dự ấy cho ai tùy ý bà.
Cauvignac tỉnh trí lại sau câu phê bình gay gắt đó, và trong khi y bực bội lùi lại thì đám đông các tay săn ùa đến vây quanh con vật bị dồn vào một gốc cây thông giữa lũ chó đang gầm gừ chờ đợi.
Ngay khi đó, mọi người thấy phu nhân quận chúa phóng đến, theo sau là quận công D Enghien và đám cận thần cùng người hầu. Đến giữa vòng người bà dừng lại, đưa ánh mắt vương giả nhìn quanh và nhìn thấy Cauvignac cùng đồng bọn đang bị vây hãm giữa những tia nhìn giận dữ và nghi ngờ của đám tùy tùng và sĩ quan của cuộc săn.
Viên đội trưởng tiến đến gần bà, tay cầm con dao.
- Phu nhân có biết người đó không ạ? - Viên đội trưởng nói nhỏ vừa đưa ánh mắt liếc về phía Cauvignac.
- Không. - Bà nói - Nhưng nếu y vào được thì có lẽ là có người quen biết y.
- Chẳng ai biết y cả, thưa phu nhân, và tất cả những người tôi hỏi đều bảo rằng lần đầu tiên thấy y.
- Nhưng làm sao y có thể qua cổng được nếu không trả lời đúng mật khẩu?
- Vâng, có lẽ vậy, thế nhưng tôi xin mạn phép khuyên phu nhân nên thận trọng.
- Trước hết, cần phải biết y là ai. - Bà quận chúa nói.
- Lát nữa sẽ được biết thôi, thưa phu nhân. - Lenet nói với nụ cười thường lệ của mình - Tạm thời phu nhân đừng tỏ vẻ gì quan tâm đến y, nếu không y sẽ vuột mất khỏi tay chúng ta.
- Ông nói đúng, Lenet à, hãy trở lại với buổi săn thôi.
- Này Cauvignac! - Ferguzon nói - Tôi hoàn toàn tin rằng họ đang nói đến chúng ta đấy. Tốt hơn cả là chuồn thôi.
- Cậu nghĩ thế à? Ái chà! Thây kệ! Ta muốn xem cảnh giết hươu, chuyện gì sẽ đến thì cứ đến.
- Cảnh đó xem thì thú vị đấy, tôi biết chứ! - Ferguzon nói - Nhưng có thể, chúng ta sẽ phải trả một vé vào xem đắt hơn tại khách sạn Bourgohne.
- Thưa phu nhân! - Viên đội trưởng đội săn trao cho bà quận chúa một con dao và nói - Phu nhân có muốn ban danh dự giết hươu cho ai không ạ?
- Tự ta sẽ hoàn tất công việc ấy. - Bà quận chúa nói - Một phụ nữ thuộc giai cấp như ta cần phải làm quen với ánh thép và máu chảy.
- Namur! - Viên đội trưởng nói với một tên lính - Hãy chuẩn bị sẵn sàng.
Tên lính ra khỏi hàng và đến đứng cách con vật khoảng mười bước, tay cầm súng sẵn sàng. Động tác này có mục đích là giết con vật với một viên đạn nếu nó vì sợ hãi, lại xông vào tấn công bà quận chúa thay vì đợi bà đến kết liễu đời nó.
Phu nhân quận chúa xuống ngựa, cầm lấy con dao và tiến về phía con vật gần như hoàn toàn bị khống chế bởi mấy con chó. Có lẽ con vật không nghĩ rằng chết sẽ đến qua tay bà quận chúa xinh đẹp ấy, người đã từng bao nhiêu lần tận tay mớm thức ăn cho nó; không còn kịp để nó nhận ra tình thế, lưỡi dao lấp lánh biến mất trong cổ nó, máu tóe ra văng đến tận mặt bà quận chúa, con hươu ngẩng đầu lên, kêu la vì đau đớn và su khi ném một ánh mắt trách móc cuối cùng về phía người chủ nhân xinh đẹp của mình, nó gục xuống chết.
Ngay khi đó, những tiếng kèn nổi lên, và cả ngàn tiếng reo hò cùng vang lên: Hoan hô phu nhân quận chúa! Trong khi cậu hoàng nhỏ tuổi vui sướng vỗ tay trên chiếc yên ngựa của mình.
Bà quận chúa rút dao ra khỏi cổ con vật, đưa mắt nhìn chung quanh, trả lại con dao cho viên đội trưởng rồi leo lên lưng ngựa.
Thế là Lenet đến gần bà.
- Phu nhân quận chúa có muốn tôi nói rằng đang nghĩ đến ai khi đâm vào cổ con vật không? - Ông ta nói với nụ cười cố hữu của mình.
- Được Lenet, ông nói đi, ông sẽ làm ta thích thú đấy!
- Phu nhân đang nghĩ đến ngài De Mazarin và muốn thấy ông ta thay vào chỗ con vật.
- Phải rồi! - Bà quận chúa kêu lên - Đúng vậy, và ta sẵn sàng đâm vào cổ lão không một chút thương xót, ta thề với ông như vậy, nhưng mà Lenet à, ông đúng là một lão phù thủy.
Rồi quay về phía đám người theo sau, bà nói:
- Thưa các ông, buổi săn đã chấm dứt, xin mời các ông hãy theo tôi. Bây giờ thì đã quá muộn để đuổi theo một con hươu khác, và hơn nữa bữa ăn tối đang chờ đợi chúng ta.
Cauvignac đáp lại lời mời đó bằng một cử chỉ thật là duyên dáng.
- Kìa Cauvignac, anh làm gì vậy? - Ferguzon hỏi.
- Ta chấp thuận chứ sao nữa? Cậu không thấy là phu nhân quận chúa vừa mời chúng ta dự tiệc với bà như ta đã hứa với các cậu sao?
- Cauvignac à, anh muốn nghe tôi hay không tùy ý nhưng ở vào địa vị anh thì tôi sẽ trở ra chỗ tường đổ ban nãy.
- Ferguzon thân mến, đầu óc sáng suốt ngày thường của cậu đâu mất rồi? Cậu không để ý thấy những mệnh lệnh mà cái ông mặc áo đen kia vừa ban ra hay sao? Ferguzon à, cái lỗ hổng ấy đã bị canh giữ rồi, và đi về phía đó có nghĩa là muốn cho mọi người biết rằng chúng ta sẽ ra bằng nơi mà chúng ta vừa vào.
- Trời, thế chúng ta sẽ ra sao đây?
- Cứ yên tâm... ta chịu trách nhiệm tất cả...
Sau câu trấn an đó, sáu chàng lãng tử nhập vào đoàn người và cùng họ tiến về phía tòa lâu đài.
Cauvignac đã không lầm: Họ bị theo dõi sát. Lenet đi bên cạnh hông đoàn người; bên phải ông là viên đội trưởng đội săn, bên trái là viên quản gia của gia đình Condé.
- Các ông có chắc - Lenet nói - là không ai biết về các tên kỵ sĩ đó chứ?
- Không ai cả. Chúng tôi đã hỏi hơn năm mươi người rồi, và đâu đâu cũng là một câu trả lời: Hoàn toàn xa lạ. Có điều người ta đã khám phá ra một lỗ hổng nơi tường và đang canh giữ nó.
- Nếu vậy - Lenet nói - chúng ta sẽ áp dụng đến một biện pháp có hiệu quả hơn chứ không nên để cho một nhóm do thám làm cho chúng ta mất đứt một cách oan uổng cả trăm con người hữu ích kia... Ông quản gia, ông hãy trông coi đừng để một ai ra khỏi sân hoặc rời khỏi hành lang lớn... Còn ông, ông đội trưởng, một khi cửa đóng rồi, ông hãy cắt đặt một tiểu đội người với đầy đủ súng ống, phòng khi có biến... Bây giờ thì các ông đi đi, tôi sẽ không rời mắt khỏi bọn chúng đâu.
Hơn nữa, Lenet không khó nhọc gì trong việc hoàn thành công việc mà ông tự cắt đặt cho mình. Cauvignac và các chiến hữu của y không tỏ vẻ gì là muốn bỏ chạy cả. Cauvignac đi ở hàng đầu, tay vân vê hàng ria, Ferguzon theo sau y đã an tâm với câu hứa hẹn bởi vì anh chàng biết quá rõ chỉ huy của mình để không lấy làm chắc rằng y sẽ không đâm đầu vào cái bẫy ấy nếu không có một ngõ thoát thứ hai. Còn Barrabas với tướng chẳng có ý nghĩ nào khác hơn về một bữa tiệc linh đình đang chờ đợi họ dù sao thì họ cũng chỉ là những người thiếu về vật chất và dành phần trí tuệ trong những cuộc giao dịch ngoài xã hội cho hai vị chỉ huy mà họ hoàn toàn tin tưởng với một thái độ vô tâm hoàn toàn.
Tất cả xảy ra theo dự liệu của viên cố vấn mà theo như lệnh của ông, phu nhân ngồi nơi phòng tiếp tân lớn, trên một thứ ngai, bên cạnh là cậu con trai.
Mọi người nhìn nhau: Họ được hứa hẹn một bữa ăn tối, thế mà bây giờ rõ ràng là sẽ phải nghe một bài diễn văn.
Thật vậy, bà quận chúa đứng dậy và mở lời. Bài diễn văn của bà khá lôi cuốn. Lần này, Clémence De Maillé-Breze không còn giữ gìn ý tứ gì nữa mà kịch liệt công kích ngài De Mazarin. Về phần mình, những người tham dự, nhớ đến hành động sỉ nhục đối với toàn thể giới quý tộc của nước Pháp qua việc bắt giữ các ngài hoàng thân và có lẽ nhiều hơn cả là nghĩ đến những món lợi hời sẽ nhận được trong trường hợp thành công nên nhiều lần cắt ngang bài diễn văn bằng những tiếng tung hô, thề hứa sẽ phục vụ trung thành chân lý của gia đình Condé và sẽ giúp bà thoát khỏi cảnh giam cầm.
- Như vậy, thưa các ông - Bà quận chúa chấm dứt bài diễn văn của mình - chính trong lòng dũng cảm và tận tụy mà đứa trẻ côi cút đây hỏi xin nơi tấm lòng rộng lượng của các ông... Các ông là bạn hữu của chúng tôi... hoặc ít ra, các ông cũng đã đến đây với tư cách đó... Các ông có thể làm được gì cho chúng tôi?
Thế là sau một giây yên lặng, cảnh yên lặng đầy trịnh trọng bắt đầu một cảnh tượng vừa uy nghi và cũng vừa cảm động.
Một người trong đám nghiêng mình kính cẩn chào bà quận chúa.
- Tên tôi là Gerard De Montalent - Ông ta nói - Cùng đi với tôi có bốn nhà quý tộc, bạn tôi. Chúng tôi có năm thanh gươm tốt và hai ngàn đồng Pistoles mà chúng tôi xin dâng hiến cho ngài hoàng thân toàn quyền sử dụng... Đây là thư giới thiệu chúng tôi do ngài De La Rochefoucauld ký.
Bà quận chúa cũng chào lại, cầm lấy lá thư, trao cho Lenet và ra hiệu cho những người đó bước qua bên phải.
Họ vừa tiến về chỗ được chỉ định thì một người khác đứng dậy.
- Tên tôi là Claude Raoul De Lassas, bá tước De Cleremont. - Ông ta nói. Tôi đến cùng với sáu người bạn hữu của tôi. Chúng tôi có mỗi người một ngàn Pistoles mà chúng tôi xin được nộp vào quỹ của phu nhân... Chúng tôi đều có vũ trang và quân phục đầy đủ và chỉ cần một món lương bổng nhỏ... Đây là thư giới thiệu chúng tôi do ngài De Bouillon ký.
- Hãy bước qua bên phải tôi, thưa ngài. - Bà quận chúa nói và cầm lấy lá thư của ông De Bouillon, cũng đọc như lá thư trước và cũng trao cho Lenet - Xin các ông hãy tin tưởng vào sự biết ơn của chúng tôi.
Các ông này tuân theo.
- Tôi tên là Louis Ferdinande Loroges, bá tước Duras. - Sau đó một người thứ ba nói - Tôi đến đây, không bạn hữu, không tiền bạc, chỉ có thanh gươm của tôi mà nhờ nó tôi đã mở con đường máu giữa quân thù, bởi vì tôi bị vây hãm tại Bellegarde. Đây là thư giới thiệu tôi do ngài tử tước De Turenne ký.
- Hãy đến đây, hãy đến đây, thưa ông. - Bà quận chúa nói vừa cầm lấy lá thư vừa đưa bàn tay ra cho ông ta hôn. Hãy đứng bên cạnh tôi đây, tôi sẽ phong cho ông làm một trong những tướng lãnh của tôi.
Tất cả mọi người khác đều làm như vậy, mỗi người đến cùng với lá thư giới thiệu hoặc là của ngài De La Rochefoucauld, ngài Bouillon, hoặc của ngài De Turenne, giao lại lá thư rồi bước qua bên phải, khi bên phải đầy người rồi thì bà quận chúa bảo bước qua bên trái.
Cứ như thế, phần cuối của gian phòng dần dần vắng người. Và chẳng bao lâu chỉ còn lại Cauvignac cùng với đám thủ hạ của mình, giữa những ánh mắt giận dữ, đe dọa và tiếng thì thầm nghi ngờ.
Lenet ném một ánh mắt về phía cửa. Cửa đã đóng kín. Ông ta biết là đằng sau cánh cửa ấy có viên đội trưởng cùng với tiểu đội lính. Thế là đưa ánh mắt về phía những người lạ kia.
- Còn các ông, các ông là ai? - Ông ta hỏi - Chúng tôi có được vinh dự biết tên tuổi các ông và biết ai giới thiệu các ông không?
Phần đầu của màn kịch vừa qua đã mang đến cho Ferguzon ít nhiều lo âu và đã từ từ lây sang các tên kia, nhất là khi Lenet nhìn về phía cửa; nhưng viên chỉ huy của họ, oai nghi trong chiếc áo choàng của mình, vẫn thản nhiên và sau lời mời của Lenet, tiến lên hai bước rồi cúi chào bà quận chúa với một điệu bộ duyên dáng không thể nào chê được.
- Thưa phu nhân - Y nói - Tôi tên là Roland De Cauvignac cùng đi với tôi đây có năm nhà quý tộc sẵn sàng để phục vụ người, họ thuộc vào những gia đình danh giá nhất của vùng Guynne và xin được giấu tên.
- Nhưng chẳng lẽ các ông đến Chantilly mà không được ai giới thiệu hay sao? - Bà quận chúa hỏi - Thư giới thiệu của các ông đâu?
Cauvignac nghiêng mình, chứng tỏ là rất hiểu lẽ phải trong câu hỏi vừa qua, lục túi và rút ra một mảnh giấy gấp tư mà y trao cho Lenet với một cái chào rất sâu.
Lenet mở ra, đọc và tỏ ra vui vẻ tột cùng. Trong khi Lenet đọc, Cauvignac nhìn tất cả mọi người với một ánh mắt đắc thắng.
- Thưa phu nhân! - Lenet nói nhỏ vào tai bà quận chúa - Hãy nhìn này: Một tờ khống chỉ của lão D Epernon!
- Thưa ông - Bà quận chúa nói với một nụ cười duyên dáng, xin cám ơn ông nhiều lắm! Vì chồng tôi! Vì tôi! Và vì con tôi!
Tất cả những người có mặt đều lặng đi vì kinh ngạc.
- Thưa ông - Lenet nói - Mảnh giấy này thật quá quý giá để các ông có ý nhượng lại cho chúng tôi vô điều kiện. Tối nay, sau bữa tiệc chúng ta sẽ thảo luận với nhau và ông sẽ cho chúng tôi có thể giúp ích được ông vào việc gì.
Và Lenet cất tờ khống chỉ vào túi và Cauvignac hết sức tế nhị, cũng bỏ qua không đòi lại.
- Sao? - Cauvignac nói với các chiến hữu của mình, tôi đã không bảo là sẽ mời các cậu dùng tiệc cùng với ngài quận công D Enghien đó hay sao?
- Xin mời quý vị vào bàn. - Bà quận chúa nói.
Sau những tiếng đó, hai cánh cửa to mở rộng ra và mọi người thấy một bữa tiệc linh đình được dọn nơi hành lang lớn của lâu đài.
Bữa tiệc thật là ồn ào, mọi người nâng ly chúc mừng sức khỏe của ngài hoàng thân có đến mười lần và ăn uống ngon lành. Ngay cả Ferguzon, anh chàng Ferguzon cẩn thận cũng mềm môi trước các chai rượu vùng Bourgogne mà lần đầu tiên được biết đến. Nhưng Cauvignac thì không như vậy. Mặc dù biết thưởng thức giá trị thực sự của các loại rượu hảo hạng, y cũng giữ chừng mực. Y vẫn không quên nụ cười quỷ quyệt của Lenet và nghĩ rằng cần phải giữ đầu óc thật sáng suốt để đàm phán với Lenet, một cuộc thương lượng mà y sẽ không phải hối tiếc.
Đến gần cuối bữa tiệc, khi những ly rượu chúc mừng mỗi lúc mỗi nhiều hơn, bà quận chúa lẻn ra ngoài cùng với con trai, để cho thực khách hoàn toàn tự do muốn kéo dài bao lâu tùy ý. Vả lại, tất cả đều xảy ra như ý muốn của bà, và bà ôn lại trong đầu mọi diễn tiến trong ngày, không quên câu nói mà Lenet bỏ nhỏ vào tai bà khi bà vừa rời bàn:
- Xin phu nhân đừng quên là chúng ta sẽ lên đường vào lúc mười giờ.
Khi ấy đã chín giờ, phu nhân quận chúa bắt đầu chuẩn bị. Trong khi đó, Lenet và Cauvignac trao đổi nhau một ánh mắt, Lenet đứng dậy, Cauvignac cũng đứng dậy. Lenet ra ngoài bằng cánh cửa nhỏ nơi góc hành lang. Cauvignac hiểu ý và cũng đi theo ông ta.
Lenet dẫn Cauvignac vào phòng làm việc của mình, y bước theo ông ta, vẻ mặt vô tư và tin tưởng. Thế nhưng, trong khi bước đi, tay y đùa nghịch với cán của một con dao gài nơi thắt lưng, và con mắt nhanh nhẹn sáng quắc của y dò xét mọi cách cửa hé mở cũng như mọi tấm màn rung động.
Y không sợ người ta phản bội nhưng theo một nguyên tắc là luôn luôn sẵn sàng đối phó với mọi phản trắc.
Vào đến phòng làm việc chỉ được soi sáng boỞi một ánh đèn, mà chỉ cần liếc mắt y cũng đủ biết rằng không có một ai khác, Lenet đưa tay chỉ một chiếc ghế mời Cauvignac ngồi. Họ ngồi đối diện nhau ở hai bàn làm việc.
- Thưa ông! - Lenet nói để thu hút lòng tin tưởng của người đối thoại - Trước hết, tôi xin trả lại ông tờ khống chỉ. Đây! Nó là của ông, có đúng thế không?
- Thưa ông - Cauvignac nói - Nó thuộc về người cầm giữ nó vì như ông cũng đã thấy, trên đó không có một cái tên nào khác ngoài tên của công tước D Epernon.
- Khi tôi hỏi nó có đúng là của ông, là tôi muốn hỏi có phải ông nhận nó từ chính tay của ngài D Epernon hay không?
- Tôi nhận từ chính tay ông ta, thưa ông.
- Như vậy là nó không do vũ khí hoặc lấy trộm mà ra? Tôi không nói là bởi ông nhưng bởi một người khác sau đó đã trao lại cho ông, có thể là ông nhận qua tay một người thứ hai?
- Tôi xin nhắc lại, nó đã được ngài công tước tận tay trao cho tôi, tự ý ông ta, để đổi lấy mảnh giấy khác mà tôi trao lại cho ông ấy.bg-ssp-{height:px}
- Ông có hứa với công tước D Epernon sẽ sử dụng tờ khống chỉ này vào một việc này hay một việc khác không?
- Tôi chẳng hứa gì với ngài công tước cả.
- Như vậy kẻ nào làm chủ nó có thể an toàn mà sử dụng nó?
- Đúng như vậy.
- Tại sao chính ông lại không sử dụng nó?
- Bởi vì nếu sử dụng tờ khống chỉ này, tôi sẽ chỉ có một cái lợi, còn nếu nhượng nó cho ông, tôi sẽ được hai mối lợi.
- Hai cái lợi đó là như thế nào?
- Trước hết là tiền.
- Chúng tôi không có tiền.
- Tôi không đòi hỏi nhiều.
- Cái lợi thứ hai?
- Một cấp bậc trong quân đội của các ngài hoàng thân.
- Các ngài hoàng thân không có quân đội.
- Rồi họ sẽ có.
- Ông có thích có một tờ bổ nhiệm để tự mình chiêu một đội quân?
- Tôi đã toan đề nghị điều này.
- Vậy là còn vấn đề tiền bạc?
- Vâng, vấn đề tiền bạc.
- Ông đòi bao nhiêu?
- Mười ngàn livres. Tôi đã nói với ông rằng tôi không đòi hỏi nhiều.
- Một ngàn livres!
- Vâng. Tôi cần được ứng trước một món tiền để trang bị cho quân đội của tôi.
- Đúng vậy, từng đó là không nhiều.
- Vậy là ông đồng ý?
- Coi như chúng ta thỏa thuận.
Lenet rút ra một tờ bổ nhiệm đã ký sẵn, điền tên họ của chàng thanh niên, đóng mộc lên rồi đưa cho người bổ nhiệm, sau đó ông ta mở một cái tủ sắt ngầm đựng tài sản của quân đội phiến loạn, lấy ra một ngàn livres bằng đồng vàng.
Cauvignac đếm cẩn thận, đến đồng cuối cùng, y hất đầu ra hiệu cho Lenet là tờ khống chỉ đã thuộc về ông. Lenet cầm nó lên và bỏ vào cái tủ sắt khóa lại.
Ngay khi ông đút chìa khóa vào túi, một tên hầu hốt hoảng chạy đến báo rằng ông được mời vì có chuyện khẩn cấp. Thế là cả hai rời văn phòng cùng một lúc: Lenet theo tên gia nhân. Cauvignac trở về phòng tiệc.
Trong thời gian đó, quận chúa đang chuẩn bị để lên đường, nghĩa là thay bộ y phục dạ tiệc để mặc vào quần áo đi đường, sắp xếp giấy tờ của mình, đốt những gì không cần thiết và mang theo những gì có giá trị, và cuối cùng là gom góp mớ nữ trang của bà.
Mấy cỗ xe đã được thắng ngựa như thể sắp đưa phu nhân De Cambes trở về Paris và được đưa đến một lối đi tối, nơi không có ai nhìn thấy được. Cửa xe mở sẵn, mà phu nhân đã vào vị trí. Chỉ còn chờ hiệu lệnh lên đường. Phu nhân quận chúa, nhìn lên đồng hồ và đã thấy mười giờ kém năm, bà toan nắm tay con trai đứng dậy, thì bỗng nhiên cửa bật mở, và Lenet nhảy bổ vào phòng.
Nhìn thấy vẻ mặt tái nhợt và ánh mắt hốt hoảng của ông ta, phu nhân cũng tái đi.
- Trời! - Bà kêu lên và tiến về phía ông ta - Có chuyện gì vậy?
- Có một người do đức vua sai đến đòi hội kiến phu nhân.
- Lạy chúa! Chết chúng ta rồi! Phải làm sao bây giờ hả ông Lenet?
- Một việc duy nhất.
- Việc gì?
- Phu nhân hãy bảo quận công D Enghien đổi y phục với Pierrot.
- Nhưng con không muốn cho Pierrot mặc áo của con! - Ông hoàng nhỏ tuổi phản đối.
- Cần phải như vậy, thưa đức ông. - Lenet nghiêm nghị nói - Nếu không người ta sẽ đưa đức ông cùng với phu nhân vào cùng ở tù với ngài hoàng thân cha của đức ông.
Cậu D Enghien đành im lặng và đành để cho người hầu dẫn qua phòng bên cùng với Pierrot để hai cậu đổi áo cho nhau.
- May là công chúa phu nhân còn ở đây, nếu không thì chúng ta đã bị thua vào tay Mazarin.
- Tại sao vậy?
- Bởi vì viên sứ giả buộc phải đến trình diện với công chúa trước và hiện giờ đang ngồi đợi nơi tiền phòng.
- Như vậy viên sứ giả của nhà vua đó chỉ là một tên do thám, một tên cai ngục mà triều đình gởi đến với chúng ta?
- Đúng như lời phu nhân nói.
- Và nhiệm vụ của y là canh giữ chúng ta?
- Vâng, nhưng không can gì đến phu nhân cả bởi vì y sẽ không phải canh giữ phu nhân.
- Tôi không hiểu ý ông Lenet à!
Lenet mỉm cười:
- Còn tôi thì hiểu, thưa phu nhân và tôi xin đảm nhận tất cả. Hãy cho Pierrot ăn mặc như quận công, và hãy để tôi chỉ bảo cho cậu bé.
- Ôi! Lạy chúa! Để cho con ta ra đi một mình hay sao?
- Cậu ấy sẽ ra đi cùng với mẹ mình.
- Không thể như vậy được.
- Tại sao không? Nếu có thể kiếm được một quận công giả hiệu thì cũng có thể kiếm được một quận chúa giả hiệu vậy! Xin phu nhân cứ yên tâm, bà quận chúa De Condé kia hiện thời đang ngủ nơi giường của phu nhân.
Đây là những gì vừa xảy ra mà Lenet đã kể lại với bà quận chúa.
Trong khi các quan khách hãy còn vui say nơi phòng tiệc trong khi Lenet đang bận thương lượng với Cauvignac, trong khi bà quận chúa đang bận gom góp của cải chuẩn bị lên đường thì một viên sứ giả đến trình diện nơi cổng lâu đài theo sau là tên đày tớ của mình.
- Ngài từ đâu đến? - Người gác cổng hỏi.
- Từ Mantes. - Viên kỵ sĩ trả lời.
- Ngài đi đâu vậy?
- Đến yết kiến phu nhân công chúa, phu nhân quận chúa và quận công D Enghien.
- Không vào được!
- Lệnh của đức vua! - Chàng kỵ sĩ trả lời vừa lấy ra một mảnh giấy. Sau những tiếng đáng gờm đó, mũi súng hạ xuống, cổng mở ra và viên sứ giả được dẫn vào ngay.
Nếu viên sứ giả đòi được gặp quận chúa phu nhân và con trai bà trước thì mọi việc coi như là hỏng bét. Nhưng nghi thức buộc rằng chàng ta phải đến trình diện với bà công chúa lớn trước. Bởi vậy tên người hầu đưa chàng vào đợi nơi tiền sảnh giáp với phòng ngủ của bà công chúa.
- Xin ngài thứ lỗi cho! - Tên này nói - Phu nhân vừa đột ngột ngã bệnh mấy hôm nay. Người vừa được trích máu cách đây hai giờ. Tôi đã báo tin ngài đến, và một phút nữa thôi tôi sẽ nhận được hân hạnh đưa ngài vào.
Viên sứ giả gật đầu ra dấu đồng ý và ngồi lại một mình mà không để ý rằng có nhiều con mắt đang dò xét chàng qua lỗ khóa. Nhưng không ai trong số đó có thể nhận ra người lạ mặt kia. Đấy là một chàng trai trẻ bảnh bao trong bộ y phục kỵ binh, chàng đang lơ đãng nhìn những bức họa chân dung, đồ đạc trong phòng và chăm chú nhìn kỹ bức chân dung của bà công chúa khi hãy còn trẻ và rất đẹp.
Vài phút sau tên người hầu đến đưa chàng vào yết kiến bà phu nhân.
Bà đã ngồi dậy, viên y sĩ vừa rời khỏi đấy, ông ta gặp viên sĩ quan nơi ngưỡng cửa và lịch sự chào, người này cũng lễ phép chào lại.
Viên sĩ quan bước đến ba bước, rồi kính cẩn cúi chào. Bà phu nhân mở to hai mắt lộ vẻ giận dữ. Bà đưa tay ra hiệu cho viên sứ giả trao lại bức thư mà chàng có nhiệm vụ chuyển giao.
- Được lắm! - Bà nói nhỏ sau khi đã đọc xong bốn hàng của lá thư - Ta rất hiểu ý định của hoàng hậu, dù bà đã dùng những lời lẽ rất lịch sự, ta là tù nhân của ông.
- Thưa phu nhân!... - Viên sĩ quan bối rối nói.
- Một tù nhân canh giữ không lấy gì làm khó lắm, thưa ông. - Bà phu nhân già lại nói tiếp - Bởi vì ta không đủ sức để bỏ chạy đâu. Và như ông cũng thấy khi vào đây, có một người canh giữ rất nghiêm khắc, ông y sĩ Bourdelot. Ta biết là ngài Mazarin có khả năng sử dụng đến những hành động bạo lực rất thô lỗ, nhưng không ngờ ông ấy lại nhút nhát đến độ e sợ một bà già bệnh hoạn như ta, một người đàn bà góa với một đứa con nít, vì ta cho rằng lệnh mà ông mang đến cũng liên quan đến cả con dâu ta và cháu ta.
- Thưa phu nhân, tôi vô cùng buồn rầu khi thấy rằng phu nhân xét đoán tôi qua sứ mạng mà tôi buộc phải thi hành. Tôi mang đến Mantes một bức thư gởi cho hoàng hậu. Phần tái bút của lá thư có gởi gắm người đưa thư cho ngài, thế là hoàng hậu có lòng tốt bảo tôi ở lại bên bà, để chờ khi có việc cần đến công sức của tôi. Hai ngày sau, hoàng hậu gởi tôi đến đây, nhưng mặc dù phải tuân theo mệnh lệnh, tôi dám nói rằng tôi đã xin không nhận lãnh công việc này, mà còn muốn từ chối là đằng khác nếu như tôi có quyền được từ chối.
Nói xong những lời đó, viên sứ giả lại nghiêng mình chào lần thứ hai, còn kính cẩn hơn lần trước.
- Ta xin cảm tạ lời giải thích của ông và hy vọng rằng có thể yên tâm mà nghỉ ngơi. Thế nhưng, xin đừng tránh né làm gì thưa ông, hãy cứ nói tất cả sự thật. Có phải ta sẽ bị giữ luôn trong phòng như đứa con đáng thương của ta tại lâu đài Vincennes? Ta còn được quyền viết thư và người ta có kiểm duyệt thư của ta hay không? Nếu căn bệnh này cho phép ta ngồi dậy, thì ta còn được quyền đi dạo hay không?
- Thưa phu nhân - Viên sĩ quan trả lời - Đây là mệnh lệnh mà chính hoàng hậu đã căn dặn tôi. Ông hãy đến, hoàng hậu nói với tôi như vậy, trấn an người chị em bà con của ta rằng ta sẽ đối đãi với các vị hoàng thân với tất cả những gì mà ta có thể làm được. Qua lá thư này, ta yêu cầu người chị em của ta hãy tiếp đón một trong các viên sĩ quan của ta để làm người liên lạc giữa ta với người chị em ấy. Người sĩ quan đó sẽ là ông. Thưa phu nhân, đấy là nguyên văn những gì hoàng hậu nói.
Suy nghĩ giây lát, bà công chúa cắn môi rồi nói:
- Ông sẽ ngụ tại lâu đài Chantilly theo như ý muốn của hoàng hậu, và ông cứ tùy nghi sử dụng gian phòng nào mà ông cho là thuận lợi trong việc giám sát của ông.
- Thưa phu nhân - Viên sĩ quan hơi cau mày trả lời - Tôi đã được hân hạnh giải thích với phu nhân khá nhiều điều không thuộc phạm vi chỉ thị của tôi. Tôi, một sĩ quan nghèo nàn, tôi bị đặt vào một vị trí rất gay go, giữa cơn giận của phu nhân và ý muốn của hoàng hậu, dù sao thì tôi cũng nghĩ rằng phu nhân có thể chứng tỏ lòng rộng lượng của mình bằng cách đừng sỉ nhục một người vốn là một công cụ thụ động trong tay các bà chúa. Thưa phu nhân, tôi rất phiền lòng khi thi hành nhiệm vụ mà tôi buộc phải thi hành. Nhưng, hoàng hậu đã ra lệnh, và tôi đành phải tuân theo. Tôi đã không đòi hỏi công tác này, tôi rất vui lòng nếu nó được giao cho một người khác. Hình như tôi đã trình bày đầy đủ...
Và viên sĩ quan ngẩng đầu lên, mặt ửng đỏ không khác gì máu đỏ trên vầng trán cao ngạo của bà công chúa.
- Thưa ông - Bà trả lời - Dù cho chúng ta ở địa vị nào trong xã hội đi nữa thì như ông vừa nói, chúng ta đều buộc phải tuân theo đức vua. Tôi sẽ bắt chước theo ông và cũng sẽ tuân theo lệnh của hoàng hậu, nhưng dù sao ông cũng nên hiểu cho rằng thật là đáng buồn khi không thể tiếp đãi một cách xứng đáng một nhà quý tộc đáng trọng như ông tại nhà mình. Kể từ bây giờ, chính ông sẽ là chủ nhân ở đây. Xin ông cứ ra lệnh.
Viên sĩ quan cúi chào thật sâu và đáp lại:
- Thưa phu nhân, làm sao tôi có thể quên được khoảng cách giữa phu nhân với tôi và lòng tôn kính của tôi đối với gia đình người. Phu nhân sẽ vẫn là chủ nhân trong lâu đài này và tôi xin được là tên đầy tớ đầu tiên của người.
Sau những lời đó, chàng trẻ tuổi cáo lui không một chút bối rối, không cao ngạo mà không quỵ lụy dể lại bà công chúa trong một cơn giận dữ tột độ mà bà không thể nào trút lên một viên sứ giả lịch sự và lễ phép như vậy.
Chàng sĩ quan gặp lại tên người hầu nơi tiền phòng.
- Phu nhân quận chúa đã sẵn sàng tiếp ngài, mời ngài theo tôi.
Nối gót sau tên người hầu, chàng đến trước cửa phòng ngủ của bà quận chúa.
- Phu nhân quận chúa đã vào giường sớm sau khi đi săn về, và bà bị mệt. Tôi sẽ báo tên ngài như thế nào đây?
- Hãy báo rằng có nam tước De Canolles đến xin được gặp theo lệnh của hoàng hậu nhiếp chính.
Từ giường của mình, sau khi nghe cái tên đó, bà công chúa giả hiệu phác một cử chỉ kinh ngạc và vội vã đưa tay phải kéo sụp chiếc nón ngủ trên đầu xuống tận mắt trong khi bàn tay trái kéo tấm chăn lên đến tận cằm.
- Cho vào! - Bà nói với một giọng nghẹn đi.
Viên sĩ quan bước vào.