Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huck Finn

chương 20

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Họ hỏi tôi rất nhiều câu: Tạo sao chúng tôi phủ kín cái bè như thế? Tại sao lại nghỉ vào ban ngày mà ban đêm lại đi? Jim có phải là tên da đen đang chạy trốn không?

Tôi nói:

- Trời ơi, đời nào lại có anh da đen chạy trốn xuống miền Nam không?

Họ bảo không có chuyện ấy. Tôi nói luôn:

- Gia đình tôi ở Pike, vùng Missouri. Gia đình tôi chết cả, chỉ còn lại tôi, bố tôi và em tôi là Ike. Bố tôi bỏ quê đi xuống ở với chú tôi là Ben. Chú tôi có một cái xuồng máy chuyên chở khách qua sông, về phía dưới kia, cách Orleans bốn mươi tư dặm. Bố tôi nghèo lắm, lại nợ nần nữa. Vì thế khi bố tôi đi rồi chẳng để lại một thứ gì khác ngoài số tiền mười sáu đô la với anh da đen là Jim. Với số tiền ít ỏi đó, chúng tôi không thể vượt qua quãng đường đó bằng tàu thủy hay các phương tiện khác. Thế rồi nước lũ kéo, bố tôi may mắn kiếm được một cái bè, và chúng tôi quyết định đi Orleans. Nhưng thật không may mắn, một đêm đi lạc đường một cái tàu thủy đâm phải một bên bè. Chúng tôi nhảy xuống sông, lặn thật sâu để tránh cho guồng tàu khỏi đập phải; Jim và tôi thoát nạn. Nhưng còn bố tôi lúc đó say rượu và em Ike của tôi mới lên bốn tuổi thì không thấy ngoi lên nữa. Vài ngày sau đó, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, vì có những người đi thuyền ra giữa sông định bắt Jim, họ bảo Jim là một tên da đen đang chạy trốn. Vì thế bây giờ chúng tôi không đi ban ngày nữa, mà đi đêm cho khỏi phiền.

Quận công nói:

- Để yên tôi tính xem có cách nào đi ban ngày được không. Tôi phải suy nghĩ cái đã. Tôi sẽ trình bày ra một mẹo có thể giải quyết được cái đó. Hôm nay thì hãy khoan chưa tính vội, vì cố nhiên ban ngày này chúng ta chưa nên đi qua cái thị trấn trong kia, nhỡ xảy ra chuyện chẳng lành.

Đến đêm, trời bắt đầu tối đen và có vẻ sắp mưa. Chớp giật loang loáng ở phía cuối trời. Quận công và nhà vua vào lều của chúng tôi xem chỗ ăn ngủ ra sao. Giường của tôi là một ổ rơm, nhưng còn êm hơn giường của Jim khối, bởi đó là một cái ổ trải bằng thân cây ngô. Thân ngô cứng kèo, mỗi khi trở mình, đám lá héo kêu lạo xạo khiến cho mình phải tỉnh ngủ. Quận công đòi ngủ trên giường của tôi nhưng nhà vua không chịu. Lão nói:

- Anh nên biết rằng về chức tước mà nói thì tôi đây không thể hợp với một cái ổ bằng thân ngô hơn anh. Vì vậy, anh nên tự biết thân biết phận nên nằm trên cái giường đó là thích hợp nhất...

Jim với tôi toát cả mồ hôi vì sợ hai người lại gây ra rắc rối. Nhưng cũng may, quận công nói:

- Số phận tôi đi đến đâu cũng đen đủi. Bao khổ đau mà tôi đã phải hứng chịu từ trước đến nay đã làm tôi mất hết nhuệ khí. Tôi xin nhường ông thôi. Cái số của tôi nó thế mà. Trên cõi đời này, chỉ có tôi là cô đơn... Xin cứ để cho tôi đau khổ, tôi có thể chịu đựng được.

Chúng tôi lên đường khi trời đã tối hẳn. Nhà vua ra lệnh cho chúng tôi phải đẩy bè ra giữa sông và chừng nào đã ra khỏi thành phố khá xa mới được lên đèn. Lát sau, chúng tôi thấy những chùm đèn loang loáng bên sông. Đó là thị trấn. Bè cứ thế lướt qua khoảng nửa dặm một cách trót lọt. Đi được gần một dặm, chúng tôi treo đèn hiện lên. Khoảng mười giờ đêm, trời đổ mưa tầm tã, gió rít lên từng hồi, sấm sét ì ầm. Nhà vua bảo hai chúng tôi phải thay phiên nhau canh gác cẩn thận cho đến lúc nào trời tạnh hẳn. Còn lão ta với quận công chui vào lều ngủ. Tôi phải gác cho đến mười hai giờ đêm. Nhưng nếu có nằm trong giường chắc tôi cũng chẳng tài nào mà nhắm mắt được. Thực ra, cả tuần, có phải ngày nào cũng mưa bão như thế này đâu. Gió rít lên từng hồi rùng rợn. Thỉnh thoảng lại có một tia chớp kéo nhằng nhịt, soi rõ những mỏm đất trắng xóa một quãng dài đến nửa dặm. Những hòn đảo nhìn qua mưa như bị phủ một màn bụi. Cây cối như quay cuồng trong gió. Tiếng xoẹt, tiếng ầm nổi lên, rồi lan ra xa dần. Sóng vỗ mạnh té ướt hết cả người tôi ở bên bè. Nhưng vì tôi chẳng mặc quần áo gì cả nên không sợ ướt. Cũng may nhờ có chớp lóe lên mà chúng tôi nhìn thấy những mỏm đá ngầm từ xa nên không bị va vào chúng.

Tôi đứng gác đến nửa chừng thì buồn ngủ quá, Jim bảo hắn sẽ gác hộ tôi. Lúc nào Jim cũng rất tốt đối với tôi. Tôi bò vào trong lều, nhưng vua và quận công nằm xoay ngang, xoay dọc nên chẳng còn chỗ cho tôi nữa. Tôi đành ra ngủ bên ngòai lều vậy, mặc cho mưa gió đang gào rít. Đến khoảng hai giờ, sóng lại nổi lên dữ dội. Jim định gọi tôi nhưng lại thôi vì hắn nghĩ mức sóng này cũng chưa nguy hiểm lắm. Nhưng hắn lầm, ngay sau đó, một ngọn sóng to chồm lên tận đầu tôi. Jim nhìn tôi cười như nắc nẻ. Sóng lại lao đến và dội lên suốt người tôi. Jim thấy thế cười vỡ bụng. Hắn ta thật là một người da đen dễ cười mà tôi ít gặp.

Tôi ra đứng gác thay cho Jim. Hắn vừa đặt lưng xuống đã ngáy khò khò. Dần dần, cơn giông tan đi. Lúc ánh sáng đầu tiên ló rạng, tôi đánh thức Jim dậy rồi đưa bè vào chỗ nấp.

Ăn sáng xong, nhà vua lấy ra một cỗ bài tây đã cũ rồi cùng quận công đánh bài ăn tiền, mỗi ván năm xu. Chơi chán rồi, họ bàn nhau mở chiến dịch mới. Quận công lục lọi trong túi, lấy ra một tập những mảnh giấy đã in chữ sẵn, rồi đọc to lên. Một tờ viết: “Bác sĩ danh tiếng của kinh thành Paris là Armand de Montanbal sẽ diễn thuyết giảng về cách chữa bệnh thần kinh ở ... ngày... Giá vào cửa là một hào, cung cấp những bảng tra cứu về tính chất của bệnh, mỗi bảng hai mươi lăm xu”. Quận công nói rằng bác sĩ ấy chính là anh ta. Một tờ khác lại nói rằng anh ta là Garrick Younger Iung, ở Drury Lane, thành phố Luân Đôn, nhà nghệ sĩ nổi tiếng chuyên diễn bi kịch của Shakespears nổi tiếng trên thế giới. Trong những mảnh giấy khác, anh ta lại mang những tên khác và làm nhiều nghề rất lạ, thí dụ như có một chiếc gậy thần để đi tìm nước, tìm vàng: để đánh tan những bùa chú của phù thủy vân vân. Sau đó, anh ta nói:

- Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là môn nghệ thuật sân khấu. Ngài đã bao giờ được lên sân khấu chưa?

- Chưa - Nhà vua đáp.

Quận công nói:

- Vậy thì, chỉ vài ngày nữa, ngài sẽ được dịp lên sân khấu. Đến một thị trấn lớn nào gần đây, ta sẽ thuê một cái rạp và sẽ biểu diễn một màn dấu kiếm trong vở: “Vua Richard và Juliet”. Ngài thấy thế nào?

- Bilgewater, tôi sẵn sàng làm bất cứ cái gì miễn là có tiền. Nhưng tôi chưa bao giờ diễn kịch, mà xưa nay cũng chưa được xem mấy. Hồi tôi còn nhỏ, cha tôi thường đưa tôi đi xem, nhưng lúc đó tôi còn quá nhỏ. Anh xem có thể dậy tôi được không?

- Chuyện nhỏ ấy mà!

- Thế thì được. Dù sao tôi cũng đang muốn có cái gì mới mẻ một chút. Ta bắt đầu ngay đi.

Rồi quận công giải thích Romeo là ai, Juliet là ai, và nói rằng anh ta sẽ đóng vai Romeo, còn bây giờ nhà vua sẽ đóng vai Juliet.

- Nhưng, quận công này, Juliet là một cô gái xinh đẹp như vậy, tôi e rằng cái đầu hói của tôi không được phù hợp cho lắm.

- Ngài đừng lo. Dân quê ở đây sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến điều đó đâu. Vả lại, khi mặc trang phục vào, trông ngài khác hẳn đi. Nàng Juliet đứng trên lan can, ngắm trăng trước khi quay vào đi ngủ, và nàng đã mặc vào người chiếc áo ngủ, với chiếc áo khoác và đội chiếc mũ thêu đăng ten để trốn đi cho dễ. Những đồ trang phục cho cái màn kịch ấy đây.

Anh ta lôi trong bị ra hai ba bộ quần áo bằng vải màn thô, bảo rằng đó là những chiến bào thời Trung cổ của vai Richard đệ tam, và của người đối thủ kia nữa. Rồi một cái áo lót dài mặc ban đêm bằng vải trắng với một chiếc áo khoác ngoài để đánh nhau. Nhà vua lấy làm thích lắm. Sau đó, quận công đem quyển sách của anh ta ra đọc những đoạn nói về chuyện trên đây, vừa đọc vừa hoa chân múă tay cho đúng điệu bộ cần phải biểu diễn. Rồi anh ta đưa cuốn sách cho nhà vua, bảo ông ta phải đọc thuộc những phần diễn của mình.

Cách chỗ chúng tôi khoảng ba dặm có một thị trấn nhỏ. Sau bữa ăn trưa, quận công nói đã tìm ra một mẹo để có thể đi ban ngày được mà không nguy hiểm gì cho Jim. Anh ta bảo sẽ vào phố để lo liệu chuyện này. Nhà vua nói rằng lão cùng đi với để giúp một tay. Chúng tôi đã hết cà phê nên Jim bảo tôi có lẽ cũng nên đánh xuồng đi cùng với họ để mua về một ít.

Khi đến thị trấn, đường vắng tanh không một bóng người, xung quanh im lặng như tờ như ngày chủ nhật. Chúng tôi gặp một người da đen đang nằm dưới nắng, trên một cái sân gần đường cái. Anh ta nói rằng tất cả những ai còn quá nhỏ, quá già hoặc quá yếu mới ở nhà, còn lại đều đi dự lễ trong rừng rồi. Nhà vua hỏi thăm đường đi, rồi rủ tôi đi cùng.

Quận công thì muốn đi tìm nhà in. Chúng tôi tìm được một xưởng in nhỏ nằm trên gác một hiệu thợ mộc. Thợ mộc và thợ in đều đi lễ, mà cửa thì không khóa. Xưởng in bẩn thỉu, lộn xộn, đầy những vết mực, lại có những mảnh giấy vẽ ngựa và vẽ những anh da đen cưỡi ngựa chạy trốn, dán khắp chung quanh tường. Quận công cởi bỏ áo ra, bảo rằng công việc của anh ta thế là đã ổn rồi. Tôi và nhà vua đi đến chỗ lễ hội. Chừng nửa giờ sau, chúng tôi mới tới chỗ ấy. Mồ hôi chảy ra như tắm vì ngày hôm đó trời rất oi bức. Hàng nghìn người ở xa đến hai chục dặm cũng về tụ tập ở đây. Trong rừng, đầy những ngựa với xe, ngựa buộc rải rác khắp nơi. Có những chiếc lều làm bằng cọc cây phủ cành lá lên trên, bán chanh, bán gừng, với những qủa dựa lớn, bánh lá và nhiều thứ khác nữa.

Trong những túp lều khác có vẻ rộng rãi hơn, mọi người đang cầu nguyện. Ghế dài làm bằng những mảnh ván mỏng có lỗ để cắm gậy vào đó mà gác chân nhưng không có lưng tựa. Mục sư giảng đạo trên những bục gỗ cao hơn ở góc lều. Đàn bà đội mũ, mặc áo bằng dạ nỉ, có bà thì mang theo ô. Một số những anh nam giới đi chân đất, trẻ con chỉ có mỗi mảnh áo bằng vải thô che thân. Các cụ già ngồi đan trong khi đám trai làng thì ngấm ngầm tán gái.

Trong ngôi lều thứ nhất, một mục sư điều khiển một bài thánh ca. Ông ta hát hai câu đầu, mọi người hát theo, nghe cũng hay đáo để. Tiếng hát mỗi lúc càng thêm sôi nổi. Dân chúng như mỗi lúc một hăng hơn, càng hát càng to. Đến cuối bài ca, họ gào lên, có người hét nữa. Rồi mục sư bắt đầu giảng đạo. Ông bước ra đi đi lại trên bục, bước sang bên này, bước sang bên kia, bước ra đằng trước, chân tay chẳng lúc nào ngơi nghỉ.

Một lúc sau, người ta không còn nghe thấy mục sư nói gì nữa. Cả đám người lao lên chiếc ghế dành cho những kẻ sám hối. Họ khóc lóc, kêu la, lăn lộn trông thật hỗn độn.

Thế rồi, nhà vua bước lên. Mục sư mời lão ta nói chuyện với dân chúng. Tiếng nói của ông ta làm tất cả đều im lặng. Lão kể rằng lão ta chính là một tên cướp biển trên Ấn Độ Dương ba mươi năm nay. Trong một trận giao chiến mùa xuân năm ngoái, các đồng bọn của hắn bị giết rất nhiều. Bây giờ lão ta cần lấy thêm những người mới. Nhưng đêm qua, trên đường đi, lão lại bị cướp không còn một xu và bị ném lên tàu. Nhưng lão lại thấy mừng vì việc này. Lão thầm hứa từ nay trở đi, lão sẽ sống một cuộc đời khác. Lão ta sẽ trở về Ấn Độ Dương để khuyên nhủ những tên cướp biển còn lại đi vào cuộc sống lương thiện. Lão tin rằng lão sẽ làm tốt việc này hơn ai hết bởi vì lão đã quen với mọi tên cướp. Và mặc dầu trong túi lão ta không còn tiền mà phải đi lâu lắm mới trở về tới đó được nhưng vẫn cứ đi. Và mỗi lần cải hóa được một tên cướp nào, lão sẽ nói với tên đó rằng: “Xin đừng cảm ơn tôi. Tất cả những ơn huệ ấy là thuộc về những người dân tại lễ hội Pokeville, những kẻ đã cứu giúp nhân loại, và vị mục sư kia, người bạn chân thật nhất mà anh chưa bao giờ gặp mặt”.

Nói xong, lão ta khóc hu hu. Mọi người thấy thế cũng khóc. Rồi có vài người kêu lên.

- Chúng ta hãy quyên tiền để giúp đỡ ông ta!

Thế là có đến năm sáu người xô tới, nhưng lại có người nói:

- Bảo ông ấy chìa mũ và chúng ta bỏ tiền vào đó.

Mọi người khác cũng nói thế, cả ông mục sư nữa, Thế là nhà vua chìa mũ ra, đi một vòng khắp đám người, vừa lau nước mắt, cầu chúc phước cho họ, cảm ơn mọi người đã có lòng tốt đối với những tên cướp biển. Thỉnh thoảng, lại có vài cô gái xinh đẹp nước mắt lã chã bước đến xin được lão hôn một cái để ghi nhớ. Lão ta ưng ngay, có người bị lão ôm chặt lấy hôn đến năm sáu lần. Rồi lão ta được mời ở lại chơi một tuần lễ. Rồi ai cũng muốn mời lão ta về ở nhà mình họ nói đó là vinh dự đối với họ. Nhưng lão ta từ chối vì đang vội phải trở lại Ấn Độ Dương để thuyết phục đồng bọn.

Về đến bè gỗ, lão ta đếm được cả thảy tám mươi bảy đô la và bảy mươi lăm xu. Lão ta còn nẫng được hai chai Whisky để ở dưới hòm một chiếc xe ở ven rừng. Lão nói đây là vụ khá nhất, hơn cả những ngày mà lão phải đi giảng đạo như ông mục sư kia.

Quận công thì nghĩ rằng mình đã làm được một việc còn thú vị hơn nhà vua nhiều. Anh ta đã in cho mấy người chủ điền vài thứ như in giấy mua ngựa, và đã nhận được bốn đô la. Rồi anh ta lại kiếm thêm được mười đô la nữa về quảng cáo cho một tờ báo. Thế là anh ta thu được chín đô la rưỡi, và cho rằng hôm đó mình đã làm một việc lương thiện.

Rồi anh ta đưa cho chúng tôi xem một bản cáo thị mà anh ta đã in không tính tiền, vì cái đó là làm cho chúng tôi. Đấy là cái tranh vẽ một anh da đen chạy trốn, trên vai vác một cái gậy, đầu gậy đeo một cái bọc, ở dưới đề dòng chữ: “Hai trăm đô la tiền thưởng”. Người trong tranh chính là Jim. Bản cáo thị còn nói rằng Jim đã chạy trốn khỏi đồn điền St Jacque, bốn mươi dặm về phía dưới New Orleans từ mùa đông năm ngoái và hình như chạy về phương Bắc, nếu ai bắt được hắn thì đưa hắn trở về sẽ được tiền thưởng và được trả các khoản chi tiêu khác.

Quận công nói:

- Từ hôm nay, nếu muốn, chúng ta có thể đi ban ngày. Hễ gặp ai, chúng ta có thể lấy dây thừng trói chân tay Jim lại, đặt Jim ở trong lều kia, rồi giơ cái giấy này ra nói là chúng ta bắt được hắn ở bên sông. Vì không đủ tiền đi tàu cho nên phải mượn cái bè gỗ này để đi lĩnh thưởng. Nếu như có vòng sắt xích sắt mà quàng vào Jim thì hơn, nhưng nó lại không ăn khớp với chuyện chúng ta nghèo quá. Cho nên dây thừng là hợp lí hơn cả.

Tất cả chúng tôi đều cho rằng quận công thật là khôn ngoan. Và như vậy, chúng tôi đi ban ngày cũng chẳng lo gì cả. Chúng tôi bàn với nhau đêm đó có thể đi thêm mấy dặm nữa để ra khỏi vùng này rồi sau đó muốn đi đâu thì tùy. Chúng tôi nằm xuống, im lặng không nói, đến gần mười giờ đêm mới ló mặt ra. Rồi chúng tôi nhẹ nhàng ra đi, cách thị trấn khá xa, và cũng không mắc đèn hiệu lên cho đến lúc chúng tôi đi khuất hẳn.

Jim gọi tôi dậy để gác vào lúc bốn giờ sáng. Hắn hỏi:

- Cậu Huck ơi, cậu có nghĩ rằng chúng ta sẽ còn gặp ông vua nào khác trong chuyến đi này, nữa không?

Tôi đáp:

- Không.

- Hắn nói:

- Thế thì được. Hai ông vua như thế này thì quá đủ rồi. Ông vua này thì nghiện rượu. Còn ông quận công kia thì cũng chẳng hơn gì.

Có lúc tôi thấy Jim cố nài nỉ nhà vua nói tiếng Pháp để hắn thử nghe xem; nhưng lão bảo rằng lão đến ở xứ này đã lâu rồi, nên bây giờ lão quên hết cả.

Truyện Chữ Hay