Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huck Finn

chương 16

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Chúng tôi ngủ gần hết ngày, chờ đến đêm lại ra đi theo sau một cái bè lớn dài như một đám rước. Bốn góc bè có bốn mái chèo to và dài, chúng tôi đoán bè phải chở đến ba bốn chục người. Trên bè lại có năm cái lều to giữa có một cái bếp lộ thiên, rồi ở mỗi đầu bè lại có một cột cờ thật cao nữa. Trông cái bè này thật là oai. Trên những bè lớn như thế này, người chở bè hẳn là phải giá trị lắm.

Chúng tôi chèo đi và vẫn theo dòng sông tới một nơi mênh mông. Về đêm mây kéo lên cao và trời đã bắt đầu nóng rực. Sông rất rộng, và hai bờ kín đặc những cây to; nhìn rừng cây như chẳng thấy có chỗ nào ánh sáng mặt trời lọt qua được. Chúng tôi nói chuyện với nhau về Cairo, không biết đến bao giờ mới đến và trông thấy được Cairo được. Tôi bảo hình như sẽ không tới được đâu, vì tôi nghe đồn ở đó chỉ có độ hơn chục căn nhà và nếu như ban đêm họ không thắp đèn lên thì làm sao chúng tôi biết rằng mình đi qua đó được? Jim nói đến chỗ nào có hai con sông lớn gặp nhau là đúng đấy. Nhưng tôi bảo có lẽ mình đi vòng đằng đầu một hòn đảo rồi lại quay lại con sông cũ hay sao ấy. Điều đó làm cho Jim lo lắng - cả tôi nữa cũng vậy. Cho nên vấn đề là: Bây giờ làm như thế nào đây? Tôi bảo hễ cứ trông thấy ánh đèn là rẽ ngay vào bờ, nói với người ta là bố tôi đi sau với một cái tàu buôn, và vì là một người mới vào nghề nên không rõ Cairo còn bao xa nữa. Jim cho đó là một ý kiến hay. Thế là chúng tôi hút thuốc ngồi chờ.

Lúc này chẳng có việc gì làm mà chỉ chăm chú để ý tìm thị trấn cho khỏi nhỡ đi qua mà không nhìn thấy. Jim bảo chắc chắn là sẽ trông thấy, vì nếu trông thấy thì sẽ lại phải sống trong một xứ nô lệ và không thể tìm thấy tự do nữa. Bỗng lát sau, hắn nhảy lên nói:

- Kìa kìa!

Nhưng không phải. Đó chỉ là ma trơi hay đom đóm thôi. Rồi hắn lại ngồi xuống, chăm chú nhìn như trước. Jim bảo rằng khi đã đến gần xứ tự do thì thấy người hắn run lên như sốt. Còn tôi, có thể nói rằng điều đó làm tôi cũng run đến phát sốt lên khi nghe Jim nói như vậy. Vì tôi cũng đã bắt đầu cảm thấy trong đầu hắn là người tự do nhất. Và cái đó là tại ai? Tại tôi chứ ai. Trong ý thức tôi không thể hiều nổi cái đó như thế nào và vì sao? Nó làm cho tôi băn khoăn mãi mà không sao ngồi yên được, không thể đứng im một chỗ được. Trước kia có bao giờ tôi quen thuộc với ý nghĩa đó, mà bây giờ tôi đang nghĩ lại chính là cái đó. Bây giờ, nó ám ảnh tôi, bám tay tôi và càng ngày càng làm cho bứt rứt. Tôi cố tự nhủ rằng đó không phải là lỗi tại tôi, vì không phải chính tôi làm cho Jim chạy trốn khỏi tay người chủ có quyền hành đối với hắn. Nhưng tôi không làm thế nào khác hơn được, tôi luôn luôn ý thức được rằng hãy tỉnh dậy và nói: mày phải biết rằng Jim nó trốn đi là vì tự do, và mày không thể lên bờ mà nói với ai như vậy được. Thế đấy, tôi không có cách nào tránh được ý nghĩ ấy. Và chính chỗ đó là chỗ ý thức lại bảo tôi: Cô Watson có làm gì mày đâu mà mày lại thản nhiên nhìn anh da đen của cô ấy bỏ trốn và mày không hề nói một lời nào như vậy? Cái người đàn bà tội nghiệp ấy đối xử với mày thế nào mà mày lại xử tệ với người ta như thế? Người ta dạy mày học hành, dạy mày ăn ở, và đối đãi với mày tốt đủ điều. Thế cơ mà? Tôi bỗng cảm thấy mình hèn quá, xấu xa quá và chỉ muốn chết. Tôi bồn chồn đi lại trên bè, tự xỉ mắng mình; còn Jim thì cũng sốt ruột đi đi lại lại như tôi. Cả hai người, chả ai giữ được im lặng. Chốc chốc, hắn quay ngoắt người lại, nói: Cairo kia kìa! Tiếng nói như phát đạn bắn xuyên qua người tôi. Và tôi cũng nghĩ rằng nếu đó là Cairo thì có lẽ tôi sẽ chết một cách khốn khổ.

Trong lúc tôi đang tự vấn mình thì Jim cứ luôn miệng nói to. Hắn nói rằng sau khi tới một xứ tự do thì việc đầu tiên hắn làm là sẽ đi gửi tiết kiệm và sẽ không bao giờ tiêu một đồng xu nhỏ. Đến khi nào đủ tiền, hắn sẽ tậu người vợ hiện đang làm thuê cho ở một cái trại gần nơi cô Watson ở. Rồi cả hai vợ chồng sẽ làm lụng để tậu lấy hai đứa con về, nếu như chủ không chịu bán chúng nó thì sẽ nhờ một người đi cướp chúng nó về.

Tôi nghe nói thế mà lạnh toát người. Từ xưa chưa bao giờ hắn dám nói đến những chuyện ấy. Cứ thử nhìn cái phút mà hắn cảm thấy trong người sắp được tự do nó khác trước như thế nào. Thật đúng như câu phương ngôn người ta thường nói: Cho người da đen một tấc thì hắn sẽ đòi một thước. Tôi nghĩ, cái này là do tôi không suy tính trước. Đây là một người da đen mà tôi đã giúp cho hắn trốn đi, bây giờ hắn nhất quyết nói rằng sẽ đi cướp con hắn về, con của ai tôi cững chẳng biết nữa; một người da đen chưa bao giờ làm gì hại tôi cả.

Tôi rất tiếc thấy Jim nói như vậy. Thật là hèn quá. Ý thức của tôi trở lại kích thích tôi thêm sôi sục. Cho đến khi tôi trả lời ý thức của tôi rằng: Được, cứ để đấy cho tôi, bao giờ cũng chưa quá muộn. Nhìn thấy ánh đèn là tôi sẽ chèo ngay xuồng vào bờ và sẽ nói ra.

Trả lời xong, tôi thấy dễ chịu, sung sướng, nhẹ như một chiếc lông bay bổng. Bao nhiêu những cái bứt rứt đều tiêu tan cả. Tôi quay ra chăm chú nhìn ánh đèn, trong bụng thầm vui. Lát sau, có ánh sáng loé lên. Jim hét lên;

- Yên trí rồi, cậu Huck ơi, nhảy lên đi, nhảy lên đi. Đây đúng là Cairo của ta đây rồi, tôi biết lắm.

Tôi nói:

- Để tôi lấy xuống đi xem, Jim ạ. Nhưng không chắc đâu, Jim biết không?

Hắn chạy ra sửa soạn chiếc xuồng, cởi bỏ áo cũ của hắn lót xuống vào tôi ngồi, rồi đưa mái chèo cho tôi. Tôi vừa đi, hắn nói theo:

- Chẳng mấy chốc tôi sẽ được hét lên vì sung sướng, và tôi sẽ nói: Tất cả là nhờ ở cậu Huck. Tôi là người tự do, và nếu như không có Huck thì tôi không thể nào tự do; chính Huck đã tạo ra cái tự do đó cho tôi. Thằng Jim tôi sẽ không bao giờ quên cậu Huck, cậu là người bạn tốt nhất mà tôi chưa có bao giờ, và bây giờ đây, cậu là người bạn duy nhất của Jim.

Tôi chèo xuồng đi, nóng ruột muốn đem chuyện này nói ra nhưng khi nghe hắn nói những lời ấy thì hình như ruột gan tôi bị bật cả ra ngoài. Tôi chậm chạp chèo đi, và tôi không biết rằng tôi vui lòng hay không vui lòng mà đi đây. Cách xa độ dăm chục thước, Jim lại nói:

- Cậu chính thật là cậu Huck, cậu là người da trắng duy nhất đã giữ lời hứa với Jim đấy.

Tôi cảm thấy đau lòng. Nhưng tôi lại tự nhủ: phải làm việc đó, không thể đứng được. Ngay lúc đó có một chiếc thuyền chở hai người đi tới, tay cầm súng. Họ dừng lại, tôi cũng dừng lại. Một người hỏi:

- Cái gì đằng kia?

Tôi đáp

- Bè đấy

- Cái bè đó là của mày hả?

- Đúng vậy

- Có người nào trên ấy không?

- Dạ chỉ có một người thôi

- Có năm tên da đen vừa chạy trốn về phía trên kia, ở chỗ đầu sông ấy. Cái người của mày da trắng hay đen?

Tôi không trả lời ngay được. Tôi định trả lời nhưng không nói ra được. Trong một hai giây tôi lúng túng chẳng ra thế nào, không có cái gan của một con thỏ. Tôi thấy mình đã yếu mềm quá rồi. Tôi đành thôi không dám nghĩ như lúc nãy nữa và nói:

- Da trắng

- Để chúng tao tự đi xem

Tôi nói:

- Vâng, mời các ông đi xem, vì đó là bố tôi đang ở trên ấy. Và có lẽ nhờ các ông đẩy giúp cái bè lên chỗ có ánh đèn. Ông ấy ốm, cả mẹ tôi và cô Mary Anne cũng vậy.

- ồ, quỉ quái, chúng tao còn đang vội đây. Nhưng có lẽ chúng ta cũng nên giúp một tý. Mày cầm lấy mái chèo đi.

Tôi cầm mái chèo đẩy thuyền đi. Họ cũng đi. Chèo được vài ba nhát, tôi nói:

- Bố tôi sẽ cảm ơn các ông lắm đấy. Nhờ ai giúp để đẩy vào bờ họ cũng đều bỏ đi cả, mà mình tôi thì không làm nổi.

- ồ, cái đó bao giờ cũng thế. Thật là tệ. Này, chú bé, bố mày ốm thế nào?

- ờ... ờ... cũng chẳng có gì nguy lắm

Họ dừng tay. Chỉ còn một quãng ngắn nữa là đến bờ. Một người nói:

- Bé con, mày nói dối. Bố mày làm sao? Trả lời cho thật không thì đừng trách tao

- Vâng, tôi... thưa ông, tôi nói thật... nhưng xin các ông đừng bỏ chúng tôi. Vì là... vì đó là... các ông ơi, các ông đi trước đi, để tôi đi sau rồi vứt cái đầu dây cho, các ông chớ lại gần bè, xin chờ!

- Lùi thuyền lại, John, lùi lại - Một người nói. Họ chèo thuyền lui lại. Tránh xa ra, bé con - tránh sang bên đi, mau lên. Đồ con khỉ, không khéo gió lại thổi cái của ấy vào chúng tao rồi đấy. Bố mày mắc bệnh đậu mùa, chắc hắn là mày biết rồi. Sao mày không nói ngay. Mày muốn cho bệnh nó lan ra hay sao?

Tôi lắp bắp trả lời:

- Không, không ạ, lúc trước tôi đã nói với mọi người rồi, họ lảng đi, họ bỏ mặc chúng tôi.

- Khổ chưa, chắc có chuyện gì đó thôi. Chúng tao thấy mày mà thương hại quá, nhưng chúng tao... Thôi mặc kệ, khômg nói nữa chúng tao không muốn bị lây bệnh đậu mùa, nghe không? Đây này, tao bảo đừng có lên bờ, mày lên bờ thì sẽ lây bệnh lung tung cả. Hãy chèo xuồng phía dưới kia độ hai mươi dặm rồi sẽ đến một thị trấn ở bờ bên trái. Lúc đó là sáng rồi. đến khi nào nhờ người ta đoán là bệnh đậu mùa, nghe không. Thôi, bây giờ chúng tao sẽ giúp mày một việc. Mày cứ dọc theo đây xuôi thuyền xuống đó nhé, mày cũng là đứa bé ngoan đấy. Không nên lên bờ chỗ có ánh đèn kia làm gì, đấy chỉ là cái làn gỗ thôi. Này, có lẽ bố mày nghèo lắm phải không, chắc lão ta gặp nhiều chuyện rủi ro đấy. Đây này, tao để cho một đồng tiền hai mươi đô la bằng vàng trên miếng ván đây này, nó trôi đến chỗ mày thì với tay sang mà lấy. Bỏ mặc mày thì thật tệ quá, nhưng lạy chúa, tao sợ bị lây bệnh đậu mùa, mày hiểu không?

Người đó laị nói:

- Khoan đã, Packer. Này, để đồng tiền hai mười đô là lên miếng ván hộ tôi. Thôi, chào chú bé nhé, cứ làm như ông Packer đã bảo mày thì yên trí

- Đúng đấy. Thôi chào chú, chào chú. Nếu chú mày trông thấy tên da đen nào chạy trốn thì kêu người ta bắt lấy nó, như vậy sẽ được tiền đấy.

Tôi đáp:

- Vâng, chào các ông. Nếu tôi thấy tên da đen nào thì tôi sẽ không để cho nó chạy đâu.

Họ đi rồi, tôi mới trở về bè, cảm thấy mình xấu xa, hèn hạ quá, vì tôi biết rất rõ rằng mình đã làm một việc sai lầm. Tôi thấy rằng đối với tôi nếu có học làm điều gì phải thì cũng đến vô ích thôi, một người lúc bé không tập làm điều gì phải thì lớn lên cũng chẳng ra gì. Sau này gặp những lúc khó khăn thì chả có ai giúp đỡ hoặc làm cho ăn gì, lại còn có thể bị đánh đập nữa. Tôi suy nghĩ một phút, rồi tự nhủ: nếu như lúc nãy mình làm điều không phải là đưa Jim ra, thì có phải bây giờ thấy dễ thở hơn không? Nhưng tôi lại nói: Không. Nếu như thế thì mình sẽ thấy khổ tâm chứ, sẽ thấy bứt rứt như chính bây giờ mình đang bứt rứt rồi đây. Rồi tôi lại tự bảo: học làm điều phải để làm gì trong khi làm điều phải thì khổ tâm và làm điều trái thì không thấy phiền lòng gì cả. Mà lợi lộc thì có phải hai đằng cùng như nhau không? Tôi thấy bí, không trả lời được câu đó. Sau cùng tôi nghĩ chẳng tội gì mà bận tâm về chuyện ấy nữa. Tuy thế nhưng về sau nó vẫn cứ luôn luôn quanh quẩn trong đầu óc.

Tôi bước vào trong lều. Jim không có đấy. Tôi tìm quanh, không thấy. Tôi gọi:

- Jim!

- Tôi đây, cậu Huck ơi. Họ đi xa chưa? Cậu đừng nói to.

Thì ra Jim núp ở dưới sông, dưới mài chèo đằng sau lái, chỉ thò cái mũi lên trên mặt nước. Tôi bảo hắn là họ đi xa rồi, hắn mới trèo lên. Jim nói:

- Tôi nghe suốt cả câu chuyện, tôi mới luồn xuống sông và định bơi vào bờ nếu như họ lên bè. Nhưng sau thấy họ đi rồi tôi quay lại. Nhưng cậu làm thế nào mà đánh lừa được họ tài thế, hả cậu Huck? Giỏi thật đấy cậu ạ. Như thế là cậu lại cứu Jim một lần nữa. Jim không thể nào quên được cái đó đâu, cậu Huck ạ.

Rồi chứng tôi bàn với nhau về chuyện tiền. Thật là một món tiền lớn đấy chứ, những hai mươi đô la. Jim bảo bây giờ có thể lấy vé đi tàu thuỷ được, và số tiền đó đủ có thể đi đến những xứ tự do. Hắn bảo vài chục dặm thì đi bè cũng chả mấy, nhưng muốn đến nơi mau hơn nữa cơ.

Đến lúc trời tảng sáng, chúng tôi buộc bè lại và Jim đi tìm chỗ giấu rất khéo. Rồi suốt ngày hắn cú cặm cụi buộc đồ đạc thành từng bọc và sẵn sàng để rời bỏ chiếc bè.

Khoảng mười giờ đêm hôm đó, chúng tôi nhằm phía có ánh đèn thị trấn ở bờ sông bên trái. Tôi xuống xuồng chèo ra hỏi thăm. Một chốc, gặp một người đi chiếc thuyền con ra sông để mắc dây câu. Tôi đến gần hỏi:

- Ông ơi, có phải chỗ thị trấn kia là Cairo không?

- Cairo nào ở đâu. Không! Mày điên hay sao thế?

- Thế là cái gì hả ông?

- Nếu muốn biết thì đi đến đó mà hỏi. Mày mà còn ở đây quấy rầy tao chỉ nửa phút thôi thì cũng đừng có trách tao.

Tôi quay trở về bè, Jim thất vọng vô cùng, nhưng tôi bảo không sao, chỗ sắp tới có thể là Cairo rồi.

Chúng tôi lại đi qua một thị trấn khác trước khi trời sáng. Và tôi lại mò ra ngoài, nhưng chỗ này thì chỉ có núi, tôi không đi nữa. Jim bảo là ở Cairo không có núi đồi gì đâu. Tôi cũng quên đi mất. Ban ngày chúng tôi lại nghỉ ở một cái hốc ở bãi bên trên bờ sông. Tôi bắt đầu ngờ ngợ một cái gì. Jim cũng thế. Tôi nói:

- Hay có lẽ chúng mình đã đi qua Cairo trong cái đêm sương mù ấy rồi Jim.

- Đừng nói chuyện ấy nữa, cậu Huck. Những người da đen nghèo khổ chả lẽ không bao giờ gặp may mắn cả ư. Tôi vẫn nghĩ rằng cái da rắn lột lấy chưa đến lúc đó báo oan đâu đấy.

- Giá như trước kia đừng nhìn vào cái da rắn ấy có phải tốt không Jim nhỉ. Tôi nghĩ giá như đừng nhìn vào nó thì hơn.

- Cái đó không phải lỗi ở cậu đâu, cậu Huck. Vì là cậu không biết đấy chứ. Cậu đừng tự trách mình như vậy.

Trời sáng rõ. Đây đúng là nước xanh của con sông Ohio chảy vào phía trong này, và ngoài kia là bãi Muddy. Thôi thế là đi tong chuyện đi Cairo.

Chúng tôi bàn tính với nhau mãi. lên bờ bây giờ thì không nên. Đẩy bè đi ngược dòng thì cố nhiên là không đi được. Chẳng có cách nào khác, chỉ chờ đến đêm, xuống xuồng đi quay lại xem may ra có gì chăng. Thế là suốt ngày chúng tôi ngủ trong rừng rậm, để lấy lại sức. Cho đến chập tối quay ra chỗ giấu bè thì thấy chiếc xuồng đã biến mất.

Chúng tôi lặng người đi một lát, không nói. Chẳng còn biết nói gì nữa. Cả hai đứa chúng tôi đều hiểu rằng đấy là cái da rắn nó báo oán đây, vậy thì còn nói đến nó làm gì nữa. Lúc đó thật đúng như chúng tôi đã làm một cái gì tội lỗi, và nghĩ rằng sẽ còn gặp chuyện rủi ro nữa đây. Nghĩ mãi và cả hai đứa cứ lặng im hoài.

Nhưng rồi lát sau, chúng tôi lại bàn tính với nhau nên xem làm thế nào. Và không tìm được cách nào hơn là cứ phải chèo bè đi xuôi nữa cho đến lúc nào may ra tậu được chiếc xuồng đã rồi mới quay trở lại. Chúng tôi không muốn đi mượn xuồng, vì quanh đó chẳng có ái. Giá bố tôi thì đã đi mượn rồi đấy, nhưng mượn cái kiểu như thế người ta sẽ biết và đuổi theo.

Lúc trời đã tối, chúng tôi lại bò ra bè.

Những ai còn chưa tin rằng mó tay vào cái da rắn lột là một điều hết sức dại dột và sau đó cái da rắn nó sẽ báo hại như thế nào, thì bây giờ cũng sẽ phải tin, nếu như người ta thấy tình cảnh của chúng tôi lúc này.

Chỗ có thể mua xuồng được là chỉ gần nơi nào ở bờ sông có nhiều bè đóng lại ở đó. Nhưng chúng tôi không thấy chỗ nào có nhiều bè đóng lại cả, nên cứ phải tiếp tục đến hơn ba tiếng đồng hồ. Đêm đã bắt đầu ngả sang màu xám mờ mờ, và đó là dấu hiệu lại sắp có sương mù. Không thể nào nhìn rõ hơn bờ sông chỗ lồi chỗ lõm, và cũng không nhìn ra xa được nữa. Đêm đã khuya lắm và yên tính. Lúc đó bỗng có chiếc tàu thủy đang đi ngược dòng lên phía trên. Chúng tôi thắp đèn lên và nghĩ rằng chiếc tàu thuỷ sẽ trông thấy mình. Những tàu đi ngược dòng thường không bao giờ đi sát chúng tôi, họ đi cách xa tận phía ngoài và theo những chỗ nào mà dòng nước ở bên dưới không chảy xiết lắm. Nhưng vào những đêm mù như thế này thì họ cứ đi thẳng tuột.

Chúng tôi có thể nghe rõ tiếng lịch xịch nhưng không trông thấy rõ tàu thuỷ trước khi nó tới gần. Chiếc tàu như đang nhằm thẳng phía chúng tôi đi lên. Thường thường họ vẫn làm như thế để thử xem họ có thể đi sát tới mức nào mà vẫn không chậm. Có khi cái guồng tàu của họ đập gẫy mất một mái chèo của người ta rồi, lúc đó anh lái tàu lại còn thò đầu ra cười tưởng như vậy là hay lắm. Chiếc tàu thuỷ tiến đến, chúng tôi bụng bảo dạ có lẽ nó định liếm mình đây, mà hình như nó không có vẻ gì là tránh ra cả. Chiếc tàu to lắm, lại đi nhanh nữa, trông như một đám mây to đen tua tủa những guồng và có những con đom đóm ở xung quanh. Nhưng rồi bất thình lình nó quặt ra, trông lù lù khung khiếp, với một dãy cửa sáng lên trông như một hàm răng lớn đỏ chót, với những guồng những mái muốn ụp cả lên đầu chúng tôi. Có tiếng thét gọi, rồi một hồi chuông lắc vang lên để hãm máy lại, những tiếng càu nhàu chửi, tiếng máy rít, và vừa lúc Jim nhảy sang một bên, tôi cũng nhảy sang một bên, thì chiếc guồng tàu đã quật thẳng cái bè của chúng tôi vỡ tan.

Tôi lao người xuống nước và lặn sâu xuống đáy sông, vì chiếc guồng to đến tám chín thước như thế có thể đập vào đầu mình chưa biết chừng, và tôi cũng cần phải tránh cho thật xa. Tôi có thể lặn ở dưới nước đến một phút, nhưng lần này tôi tưởng là mình đã ở đáy nước đến một phút rưỡi. Rồi tôi ngoi lên mặt nước, vì đã gần nghẹt thở. Tôi đưa tay lên nhay nhay cho nước ra khỏi lỗ mũi, xì xì vài cái. Cố nhiên là ở chỗ này nước cuốn, và chiếc tàu kia chỉ sau độ mười giây là chạy máy như thường, vì có bao giờ họ thèm biết đến số phận những người đi trên thuyền bè ra sao. Lúc đó, chiếc tàu lại lạch xạch đi, rồi mất hút trong đám sương mù, mặc dầu tiếng máy vọng lại tôi vẫn còn nghe thấy.

Tôi lên tiếng gọi Jim đến hàng chục lần, nhưng không thấy trả lời. Sau tôi bám lấy một mảnh ván gần đó, rồi lấy chân đạp nước bơi vào bờ, đẩy mảnh ván đi trước. Nhưng bỗng tôi nhận ra nước cuốn về phía bờ bên trái, nghĩa là tôi đang đi ngược, nên tôi lại quay lại bơi theo dòng nước chảy. Qua sông dài đến hai dặm, xa lắcm, phải lâu lắm mới qua được. Tôi vào đến bờ sông, yên ổn, rồi trèo lên bãi. Trước mặt chỉ thấy có một con đường nhỏ, nhưng tôi cứ lò dò đi trên đám đất gồ ghề một quãng đến non nửa dặm, đi ngang một toà nhà xây kiểu cổ, có hai nếp, từ lúc nào mà không hay.

Tôi vừa định vượt lên chạy qua đó thì một đàn chó ở đâu chay ra cứ nhè tôi mà sửa ầm lên. Tôi biết là lại sắp nguy nữa rồi đây.

Truyện Chữ Hay