Ngày xưa có một ông già phù thủy tốt bụng ưa xài pháp thuật một cách hào phóng và khôn ngoan để giúp ích cho bà con lối xóm. Không muốn lộ bí mật nguồn gốc thực của quyền phép mà ông có, ông giả bộ như những thứ cao đơn hoàn tán và bùa chú chế sẵn vọt ra từ một cái vạc nhỏ mà ông gọi là cái nồi hầm may mắn của ông. Dân chúng ở chung quanh cách nhiều dặm đường đem những nỗi khốn khó của họ đến tìm ông, và ông già phù thủy vui vẻ khuấy cái nồi lên và mọi thứ đâu vô đó.
Ông phù thủy được mọi người kính mến này sống thọ ơi là thọ, rồi chết, để lại tất cả của cải cho người con trai duy nhứt. Tánh nết người con trai này lại rất khác với người cha nhân hậu. Theo ý cậu thì tất cả những ai không làm ra được phép thuật đều là đồ vô tích sự, và hồi trước cậu đã thường cự nự thói quen ban bố sự giúp đỡ phép thuật cho bà con lối xóm của cha cậu.
Khi cha chết rồi, cậu con trai phát hiện một cái gói nhỏ có đề tên mình được giấu bên trong cái nồi hầm cũ kỹ. Cậu mở gói ra, hy vọng có vàng, nhưng lại chỉ thấy một chiếc dép êm êm ú ù, nhưng quá nhỏ không mang được, vả lại cũng không đủ đôi. Trong chiếc dép có một miếng giấy da ghi mấy chữ: “Rất mong con sẽ không bao giờ cần đến nó, con à.”
Cậu con trai cằn nhằn cái đầu già nua lẩm cẩm của cha mình rồi quăng trả chiếc dép vô cái vạc, quyết định từ nay trở đi dùng nó làm cái thùng rác.
Ngay đêm hôm đó một bà nông dân đến gõ cửa. Bà nói với cậu phù thủy:
“Thưa cậu, con cháu gái của tôi đang điêu đứng thảm sầu vì bị mụn cóc mọc rộ lên. Trước đây ba của cậu thường trộn một thứ thuốc cao dán đặc biệt trong cái nồi hầm cũ đó…”
“Biến ngay!” Cậu con trai quát. “Mắc gì tôi phải bận tâm đến mụn cóc của một con ranh hử?”
Và cậu đóng sập cánh cửa vào mặt bà cụ.
Ngay lập tức một tiếng lanh canh rổn rảng vang lên từ nhà bếp. Cậu phù thủy thắp sáng cây đũa phép và mở cánh cửa ra, và mèn ơi, cậu kinh ngạc nhìn cái nồi hầm cũ của cha cậu: nó đã mọc ra một cái chân duy nhứt bằng đồng, và nó đang nhảy tưng tưng tại chỗ, ngay ở giữa sàn nhà bếp, gây ra những tiếng động dễ sợ trên nền đá lát sàn.
Cậu phù thủy tò mò đến gần nó, nhưng vội nhảy thụt lùi lại ngay khi cậu thấy trên toàn bộ mặt nồi chi chít những mụn cóc.
“Đồ gớm ghiếc!” Cậu la lên, và cậu tìm cách, trước tiên, hô biến cái nồi, rồi làm phép cạo sạch nó, và cuối cùng là tống khứ nó ra khỏi nhà. Thế nhưng mà, chẳng có bùa phép nào của cậu linh nghiệm cả, và cậu không cách nào không cho cái nồi nhảy tưng tưng theo cậu ra khỏi nhà bếp, và rồi theo cậu lên giường, nện lanh canh rổn rảng trên mỗi bậc cầu thang bằng gỗ.
Suốt đêm cậu phù thủy không tài nào ngủ vì cái nồi cũ bị mụn cóc cứ nện vô cạnh giường, và sáng hôm sau cái nồi cứ nhứt định nhảy tưng tưng theo cậu tới bàn điểm tâm. Lanh canh, lanh canh, lanh canh, cái nồi một chân bằng đồng bước đi, và cậu phù thủy còn chưa kịp bắt đầu ăn món cháo thì lại nghe có tiếng gõ cửa nữa.
Và một ông già đứng ngay ở ngưỡng cửa.
“Thưa cậu, con lừa già của tôi ấy mà,” Ông già giải thích. “Lạc rồi, hoặc là bị chôm mất, mụ lừa ấy, mà không có mụ thì tôi không thể nào thồ hàng ra chợ, và gia đình tôi sẽ đói tối nay.”
“Còn tôi thì đang đói bây giờ nè!” Cậu phù thủy rống lên, và cậu đóng sập cánh cửa vào mặt ông già.
Lanh canh, lanh canh, lanh canh, cái chân đồng độc nhứt của cái nồi hầm bước đi trên sàn, nhưng âm thanh nó phát ra lúc này hòa lẫn tiếng kêu be be chói tai của con lừa và tiếng người rên rỉ vì đói, vang vọng từ đáy nồi.
“Yên đi! Im đi!” Cậu phù thủy hét, nhưng tất cả quyền phép của cậu vẫn không thể khiến cái nồi mụn cóc chịu im, nó cứ nhảy tưng tưng theo sát gót chân cậu suốt cả ngày, kêu be be, rên ư ử, nện lanh canh, cho dù cậu đi đâu hay làm gì.
Buổi tối đó lại vang lên tiếng gõ thứ ba trên cánh cửa, và một người đàn bà trẻ đứng ở ngưỡng cửa khóc nức nở như thể trái tim cô sắp vỡ tan. Cô nói:
“Đứa con nhỏ của tôi bị bệnh nặng quá. Cậu nỡ nào không giúp mẹ con tôi? Cha của cậu biểu tôi đến khi có khó khăn…”
Nhưng cậu phù thủy đóng sập cánh cửa vào mặt cô.
Và bây giờ cái nồi gây sự bỗng đầy ắp nước mặn chát, và nước mắt sóng sánh tràn qua mép nồi văng tứ tung trên sàn khi cái nồi nhảy tưng tưng, và kêu be be, và rên ư ử, và xì thêm nhiều mụn cóc.
Mặc dù cho đến cuối tuần chẳng còn người dân làng nào tìm đến ngôi nhà cậu phù thủy để nhờ giúp đỡ nữa, cái nồi vẫn cứ không ngừng thông báo cho cậu về tình hình bệnh tật tùm lum của nó. Nội trong vài ngày, nó không chỉ kêu be be và rên ư ử và tràn nước mắt và nhảy tưng tưng và xì mụn cóc, mà nó còn nghẹt thở, nôn ọe, khóc lóc như một đứa con nít, rên như một con chó, ói ra phô mai thúi và sữa chua và một đống sên đói.
Với cái nồi sát một bên, cậu phù thủy không thể nào ngủ hay ăn, nhưng cái nồi không chịu bỏ đi, và cậu không thể nào làm cho nó đứng yên hay khiến nó im lặng.
Cuối cùng cậu phù thủy không thể nào chịu nổi nữa. Cậu gào:bg-ssp-{height:px}
“Hãy đem đến ta tất cả phiền toái, tất cả rắc rối, tất cả khổ đau của các người!”
Cậu chạy vào đêm tối, cái nồi lót tót nhảy theo sau trên con đường vào làng.
“Cứ đến! Để tôi chữa lành các người, hồi phục các người, và khuyên giải các người! Tôi có cái nồi hầm của cha tôi, và tôi sẽ chữa cho mọi người khỏe mạnh!”
Và cậu vừa chạy trên đường cái vừa ếm bùa ra tứ phía thập phương, trong khi cái nồi hôi hám vẫn nhảy tưng tưng theo sau cậu.
Bên trong một căn nhà, mấy cái mụn cóc của cô gái nhỏ biến mất tiêu khi cô bé ngủ; con lừa được triệu về từ bãi cỏ thạch nam ở rất xa và được nhẹ nhàng đặt vào chuồng của nó; đứa bé bị bệnh được rảy nước cây bạch tiễn và tỉnh lại, hồng hào và bụ bẫm. Ở mỗi ngôi nhà có bệnh tật và khổ đau, cậu phù thủy đều ráng hết sức mình, và dần dần cái nồi bên cạnh cậu thôi rên rỉ và nôn ọe, trở nên im lặng, sạch sẽ, bóng láng.
“Sao hả, nồi?” Cậu phù thủy mệt run hỏi, trong lúc mặt trời bắt đầu mọc lên.
Cái nồi ợ ra một chiếc dép lẻ mà cậu đã quăng vào nồi, và cho phép cậu mang nó vào cái chân đồng vừa khít. Cả hai cùng nhau lên đường trở về của cậu phù thủy, tiếng chân của cái nồi rốt cuộc đã nín khe. Nhưng từ ngày hôm đó trở đi, cậu phù thủy giúp đỡ bà con lối xóm như cha của cậu đã làm trước đó, để cái nồi khỏi phải quăng dép ra nhảy lưng tưng một phen nữa.
BÌNH LUẬN CỦA CỤ ALBUS DUMBLEDORE VỀ “CẬU PHÙ THỦY VÀ CÁI NỒI TƯNG TƯNG”
Một ông già phù thủy tử tế quyết định dạy cho con trai một bài học bằng cách cho cậu nếm trải nỗi khốn cùng của dân Muggle ở địa phương. Lương tâm của cậu phù thủy trẻ được đánh thức, và cậu đồng ý sử dụng bùa phép của mình giúp đỡ những người láng giềng không phép thuật. Một câu chuyện ấm lòng và đơn giản, người ta có thể nghĩ vậy – trong trường hợp đó, người ta sẽ tự để lộ ra mình là một kẻ lù đù vô tư. Một câu chuyện ủng-hộ-Muggle cho thấy người cha thương-Muggle có bùa phép cao siêu hơn cậu con ghét-Muggle chứ gì? Chẳng đáng lấy làm ngạc nhiên cho lắm là chẳng còn quyển sách bản gốc nào của câu chuyện này thoát được ngọn lửa mà chúng thường bị quẳng vào.
Beedle đã ở một mức độ nào đó đi trước thời đại của mình trong rao giảng một thông điệp về tình thương huynh đệ đối với dân Muggle. Sự ngược đãi phù thủy và pháp sư đã gia tăng trên khắp châu Âu vào đầu thế kỷ mười lăm. Nhiều cộng đồng pháp thuật cảm thấy, một cách chính đáng, rằng ếm bùa chữa bệnh con heo quặt quẹo của tay-hàng-xóm-Muggle thì chẳng khác nào tự nguyện đi vác củi chất lên cái giàn hỏa thiêu chính mình.() “Cứ mặc xác bọn Muggle tự lo liệu, khỏi cần chúng ta!” là lời hô hào, khi các pháp sư ngày càng tách xa khỏi những người anh em Muggle của họ, đạt tới căng thẳng tột đỉnh qua việc ban hành Đạo luật Quốc tế về Bí mật Pháp thuật vào năm , khi giống nòi phù thủy tự ý rút vào hoạt động bí mật.
() Quả đúng, dĩ nhiên, là các phù thủy và pháp sư chân chính khá giỏi trong việc thoát thân khỏi cọc thiêu sống, thớt chặt đầu, và thòng lọng thắt cổ (xem bình luận của tôi về Lisette de Lapin trong phần bình luận chuyện “Thỏ Lách chách và gốc cây Khanh khách”). Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số chết chóc: Ngài Nicholas de Mimsy-Porpington (một pháp sư triều đình thuở sinh thời, và từ thời thì làm con ma Tháp Gryffindor) đã bị tước cây đũa phép trước khi bị nhốt vào một hầm ngục, và đã không thể thi thố pháp thuật để giải thoát bản thân khỏi cuộc hành hình; và những gia đình phù thủy đặc biệt có xu hướng mất mát những thành viên trẻ, những người không có khả năng kiềm chế năng lực phép thuật của mình, và trở nên dễ bị chú ý, dễ bị những Muggle-săn-phù-thủy tấn công.
Tuy nhiên, trẻ em là trẻ em, hình ảnh ngộ nghĩnh của cái Nồi Tưng tưng đã thâm nhập vào trí tưởng tượng của chúng. Giải pháp là lược bỏ đi giá trị đạo đức ủng hộ Muggle, nhưng giữ lại cái vạc mụn cóc, cho nên đến giữa thế kỷ thứ mười sáu một phiên bản khác của câu chuyện được lưu hành rộng rãi trong các gia đình phù thủy. Trong câu chuyện đã bị biên tập lại đó, cái Nồi Tưng tưng bảo vệ cậu phù thủy khỏi bọn cầm đuốc săn lùng hung hăng và bọn láng giềng tráo trở bằng cách đuổi chúng ra khỏi ngôi nhà của cậu phù thủy, tóm đầu chúng và nuốt trộng cả lũ. Kết thúc câu chuyện, khi mà cái Nồi Tưng tưng đã ngốn hầu hết bà con trong xóm, cậu phù thủy được dăm ba dân làng còn sót lại cam kết là sẽ để cho cậu được sống yên ổn mà trổ tài phép thuật. Đổi lại, cậu ra lệnh cho cái Nồi thả các nạn nhân đã bị nó ngốn, những người đó lần lượt được ợ ra từ dưới đáy nồi, hơi hơi bị khét. Cho đến tận ngày nay, một số trẻ con phù thủy chỉ được nghe kể câu chuyện đã bị cha mẹ chúng (thường có đầu óc chống-Muggle) biên tập lại, còn câu chuyện nguyên tác, nếu chúng có dịp đọc, khiến chúng ngạc nhiên vô cùng.
Dù vậy, như tôi đã gợi ý, quan điểm ủng-hộ-Muggle của câu chuyện không phải là lý do duy nhất khiến cho chuyện “Cậu phù thủy và cái Nồi Tưng tưng” thu hút sự phẫn nộ. Khi những cuộc săn lùng phép thuật trở nên khốc liệt hơn, các gia đình phù thủy bắt đầu sống hai mặt, dùng bùa bưng bít để bảo vệ bản thân và gia đình mình. Vào thế kỷ thứ mười bảy, bất cứ phù thủy hay pháp sư nào muốn thân thiện với dân Muggle đều bị nghi ngờ, thậm chí trở nên kẻ bị chính cộng đồng của mình ruồng bỏ. Trong số rất nhiều những sự xúc phạm nhắm vào những phù thủy và pháp sư ủng-hộ-Muggle (những kiểu gán tên gọi nham nhở như “Đồ-nhúng-bùn”, “Đồ-liếm-cứt”, và “Đồ-mút-cặn” đều có xuất xứ từ thời kỳ này) có cả việc đổ cho những phù thủy này khả năng yếu kém hay thua cơ về phép thuật.
Những pháp sư có thế lực vào thời đó, như Brutus Malfoy, biên tập báo Chiến tướng lâm trận, một kỳ san chống-Muggle, khắc họa hình tượng một phù-thủy-yêu-Muggle chỉ có tài cán của một Á-phù- thủy.() Vào năm , Brutus viết: "Chúng ta có thể tuyên bố chắc chắn điều này: bất cứ pháp sư nào biểu lộ sự ưa thích đối với xã hội Muggle đều có trí lực thấp, quyền phép yếu ớt và đáng thương hại đến nỗi hắn chỉ tự cảm thấy ưu thế của mình khi ở giữa đám người lợn Muggle. Không có dấu hiệu yếu kém phép thuật nào chắc chắn hơn sự yếu kém vì bầu bạn với bọn phi-pháp-thuật."
() [Một Á-phù-thủy là một người có cha mẹ là phù thủy, nhưng lại không có quyền phép. Những trường hợp như vậy khá hiếm. Phù thủy và pháp sư có cha mẹ là dân Muggle thì phổ biến hơn. JKR]
Thành kiến này rốt cuộc cũng tiêu tan trước chứng cứ quá hiển nhiên rằng một số pháp sư lỗi lạc nhứt thế giới(), theo cách nói thông thường, chính là “những người khoái Muggle”.
() Như tôi chẳng hạn
Ngày nay sự chống báng cuối cùng đối với chuyện “Cậu phù thủy và cái Nồi Tưng tưng” vẫn tiếp tục tồn tại trong những phường xã nào đó. Có lẽ, điều này được Beatrix Bloxam (-), tác giả cuốn sách tai tiếng Chuyện kể Nấm dù tổng kết hay nhứt. Bà Bloxam cho rằng Những chuyện kể của Beedle Thi sĩ gây tác hại cho trẻ em bởi vì cái mà bà gọi là “nỗi ám ảnh bệnh hoạn của chúng với những đề tài khủng khiếp nhứt, như chết chóc, bệnh tật, tàn sát, ma thuật, nhân vật bất toàn và xác thân biểu lộ quá lố, và bộc phát theo kiểu tởm lợm nhứt”. Bà Bloxam đem nhiều chuyện kể khác nhau, bao gồm cả chuyện của Beddle, viết lại theo lý tưởng của bà, mà bà diễn tả là “lấp đầy đầu óc tinh khiết của những thiên thần bé bỏng của chúng ta bằng những suy nghĩ vui tươi lành mạnh, giữ cho giấc ngủ ngọt ngào của các cháu không bị những mộng mị quỷ quái ám ảnh và bảo vệ những đóa hoa ngây thơ quý báu của các cháu.”
Đoạn cuối truyện “Cậu phù thủy và cái Nồi Tưng tưng” được bà Bloxam viết lại với cái hậu quý báu và tinh khiết như sau:
"Thế là cái nồi bằng vàng bé bỏng nhảy múa hân hoan – tưng-cà-tưng tưng-cà-tưng tưng– trên những ngón chân hồng hồng nhỏ tí! Cậu Wee Willykins đã chữa cho tất cả những con búp bê khỏi chứng xà xịt hơi thê thảm, và cái nồi bé bỏng vui đến nỗi nó đầy ắp kẹo cho Wee Willykins và những con búp bê!
“Nhưng chớ có quên đánh những cái cọc-ngà của cậu đấy nhé!” Cái nồi kêu.
Và Wee Willykins hôn và ôm cái nồi tưng cà cưng và hứa luôn luôn giúp đỡ những con búp bê và không bao giờ là trái-bí-xị già chát nữa."
Câu chuyện của bà Bloxam gặp sự phản ứng giống nhau của nhiều thế hệ trẻ em phù thủy: những cơn nộn ọe không kiểm soát được, tiếp theo là một đòi hỏi tức thì rằng cuốn sách phải đem ra xa chúng và đem nghiền thành bột giấy.