Mấy năm sau đó, Tông Hiền thường xuyên qua lại giữa hai Xu mật viện ở Vân Trung, Yến Kinh, có khi cũng tới Đại Định phủ ở Trung Kinh, còn thường xuyên dẫn Vi thị đi theo.
Vì Vi thị tin Phật, Tông Hiền cho phép bà vào chùa chiền dâng hương. Ở một ngôi chùa Yến Kinh, bà đã làm quen với một tăng nhân pháp hiệu Đạo Tịnh. Người này vốn quê ở Đông Kinh, xuất gia làm tăng trong những năm Đại Quán, trong những năm Tuyên Hòa vì một lý do nào đó mà chuyển về Khiết Đan ở phương Bắc. Sau đó Khiết Đan bị Kim tiêu diệt, y liền ở luôn lại phía Bắc. Vi thị thường tới nghe y giảng giải kinh kệ. Một ngày kia, Đạo Tịnh nhắc tới việc hôm trước y vào thành thuyết pháp, vô tình gặp được cha con Triệu Cát, Triệu Hoàn bị giam giữ ở Yến Kinh. Trời đã rất lạnh, thế nhưng bọn họ vẫn mặc quần áo mỏng manh, hơn nữa còn bạc màu cũ kỹ, hai người đều héo hon tiều tụy.
Vi thị nghe xong, tưởng tượng ra tình cảnh thê thảm của Triệu Cát, trong lòng buồn bã, bèn tháo cây trâm vàng trên đầu xuống đưa cho Đạo Tịnh nói: "Cảm phiền đại sư đem cây trâm này đi đổi thành ít tiền, mua vài bộ quần áo cho bọn họ."
Đạo Tịnh còn chưa kịp đồng ý đã nghe thấy phía sau có người ha ha cười lạnh. Vi thị quay đầu lại nhìn, trông thấy là Tông Hiền, nhất thời vừa xấu hổ vừa sợ hãi, cúi gằm mặt, đợi y trách mắng.
Tông Hiền đi tới, thoạt tiên thoáng đánh giá bà, sau đó giật lại cây trâm cắm mạnh vào búi tóc bà, móc ra mấy thỏi bạc ném cho Đạo Tịnh, quát: "Cầm lấy, làm theo lời phu nhân dặn!"
Vi thị kinh ngạc vô cùng, khó mà tin nổi nhìn y. Y chỉ nói: "Nàng vẫn còn nhớ tới tên hoàng đế đốn mạt đó không phải chuyện xấu. Nếu đi theo ta rồi liền quên sạch hắn thì quá vô tình vô nghĩa. Thế nhưng sau này nếu còn muốn tiếp tế hắn thì phải cho ta biết, không được phép giấu ta."
Vì sự rộng lượng lần này của y, Vi thị cảm kích vô ngần, thế nhưng sau đó nào dám thực sự công khai tiếp tế cho cha con Triệu Cát. Lại là Tông Hiền có ý này, thi thoảng sẽ bố thí chút tài vật cho bọn họ, hoặc dặn dò những tướng lĩnh binh lính canh gác không dày vò họ quá mức, khi trở về kể cho Vi thị để bà được yên lòng. Mà Vi thị nghe xong không mấy vui vẻ, chỉ giấu Tông Hiền lén lút thở ngắn than dài.
Tháng Tám năm Thiên Hội thứ sáu, Kim chủ Hoàn Nhan Thịnh mệnh Triệu Cát Triệu Hoàn tới Hội Ninh phủ Thượng Kinh, mặc quần áo trắng quỳ lạy ở miếu Kim Thái Tổ, sau đó yết kiến Kim chủ. Khi ấy Tông Hiền cũng có ở kinh thành, sau đó liền thiết yến khoản đãi Triệu Cát Triệu Hoàn trong phủ, còn mời cả Bát thái tử Tông Tuyển thân thiết với y dẫn theo con gái của Triệu Cát Nhu Phúc đế cơ tới dự tiệc.
Vi thị không biết vì sao Tông Hiền lại gọi bà ra gặp mặt mọi người, trốn sau bức bình phong lần lữa trì hoãn mãi, cuối cùng bị Tông Hiền kéo tới trước mặt Triệu Cát. Bà cảm thấy không còn mặt mũi nào, có cảm giác như mình bị lột [email protected] quần áo trước bao nhiêu người.
Giữa buổi tiệc, bà không dám nhìn ông, cũng không dám nói chuyện, chỉ cầu mong bữa tiệc như lăng trì này sẽ mau chóng kết thúc. Thế nhưng Tông Hiền hình như lại có hứng thú xem kịch, lại mệnh bà hát tặng Triệu Cát. Bà nào có thể hát, hát cho chồng cũ trước mặt chồng mới, chẳng thà chết quách luôn cho xong.
Sau đó bà nghe thấy Triệu Cát lên tiếng, nói: "Trước đây là Vi nương tử hát cho tôi nghe, hôm nay để tôi hát một bài cho nàng ấy đi, cũng xem như cảm tạ tình nghĩa nhiều năm của nàng đối với tôi."
Bởi thế, "Hỏi sân ngõ thê lương, mấy phen xuân úa?... Trời xa đất cách, muôn núi ngàn sông, nào biết cố cung đâu chứ?"... Một khúc "Yến sơn đình" khiến toàn bộ những người Tống có mặt bi thương khôn tả, bà lại càng đau lòng hơn, nước mắt không ngừng rơi xuống.
Trăm ngàn lần không thể ngờ tới, sau đó Tông Hiền lại nói ra những lời này với bà: "Nếu nàng vẫn còn lưu luyến hắn ta, hôm nay liền theo hắn quay về đi."
Bà khó mà tin được lời này xuất phát từ ý muốn chân thật của y. Nếu y có ý thăm dò, bà lại đồng ý, thậm chí dẫu chỉ là một chút xíu vui mừng lộ ra cũng đã đủ để tạo thành mối họa lớn cho bà và Triệu Cát. Huống chi, cho dù y thực sự có ý muốn thả bà đi, bà làm sao còn có thể quay về bên Triệu Cát tiếp tục sinh sống?
Vốn đã không được sủng ái, hiện giờ lại thất tiết, nay chỉ nhìn mặt nhau cũng đã cảm thấy không nơi để trốn. Nếu về sau lại ngày ngày chung đụng, biết sống thế nào? Lại nghe nói bên cạnh ông vẫn còn mấy vị phi tần, mùa Xuân năm nay, Thiệu Tài nhân, Diêm Uyển dung và Địch Tài nhân còn lần lượt sinh cho ông những đứa con mới...
Bà đột nhiên cười khổ trong lòng. Cuối cùng, bà nghe thấy chính mình đáp lời thế này: "Sự tình đã đến nước này, còn có thể quay đầu được nữa ư? Nô gia cam tâm tình nguyện tiếp tục đi theo đại vương, nửa đời về sau mãi mãi không xa rời."
Bà cáo lui trong tiếng cười như trút được gánh nặng của Tông Hiền, nào ngờ lại bị Nhu Phúc gọi lại.
Nhu Phúc hoạt bát, dũng cảm, thông minh tới mức có thể thiêu cháy người khác.
"Hoàng hậu nương nương." Không ngờ Nhu Phúc lại xưng hô với bà như vậy, xa lạ tới mức khiến bà suýt chút nữa không nhận ra người mà nàng đang gọi là mình.
Nhu Phúc nhắc nhở bà, bà đã được cửu ca tôn làm Tuyên Hòa Hoàng hậu, Thái thượng hoàng hậu. Bà là quốc mẫu.
Nhu Phúc chất vấn bà, Cái Thiên đại vương đã cho phép bà quay về bên Triệu Cát, vì sao bà lại không đồng ý.
Nhu Phúc cảnh cáo bà, nay bà là quốc mẫu, hành động vốn nên lấy nước nhà làm trọng, tuyệt đối không được phép vì tham vinh hoa phú quý nhất thời mà khiến danh dự của mình bị tổn hại, ảnh hưởng tới danh tiếng của cửu ca, khiến quân chủ Đại Tống biến thành trò cười cho người Kim.
Lời lẽ Nhu Phúc quyết liệt, ánh mắt ép người không tha. Nàng đi tới nắm lấy tay Vi thị, khẩn thiết muốn khuyên Vi thị quay về bên phụ hoàng nàng.
Giống như bị bỏng, Vi thị vội vã rút tay ra, chạy về phía sau bức bình phong. Bà muốn trốn chạy, trốn chạy sự bức ép của Nhu Phúc, và trách nhiệm liên quan tới nước nhà mà Nhu Phúc muốn bà phải nhận.bg-ssp-{height:px}
Thế nhưng những lời nghẹn ngào quật cường của Nhu Phúc sau lưng vẫn quanh quẩn trong tim, xua mãi không tan: "Bà ấy là mẫu thân của cửu ca, mẫu thân của cửu ca sao có thể hạ mình hầu giặc!"
Vi thị đã khóc suốt một đêm. Dương thị bên cạnh bà không ngừng than thở: "Nhu Phúc đế cơ này thực quá không hiểu chuyện, vốn dĩ không hiểu được chỗ khó xử của nương tử, lại còn dám nói năng lung tung!"
Bà vẫn chỉ khóc mà không nói. Kỳ thực, những lời của Nhu Phúc có thể khiến bà tổn thương, chính bởi bản thân bà biết rất rõ, Nhu Phúc không hề nói năng lung tung.
Rất không may, sau đó bà lại gặp phải Nhu Phúc ở cung của Triệu phi Ngọc Tương, khi bà đang mang thai đứa con đầu tiên với Tông Hiền.
Ngọc Tương thường xuyên triệu các nữ tử Tống thất ở các vương phủ vào cung nói chuyện, ngày thường cũng quan tâm chăm sóc bọn họ vô cùng. Thấy Vi thị mang thai, nàng cũng không kinh ngạc, chỉ hàn huyên thăm hỏi, dặn dò bà phải giữ gìn sức khỏe.
Không ngờ, ngày hôm ấy Nhu Phúc cũng tới thăm Ngọc Tương, trông thấy phần bụng đã nhô cao rõ rệt của Vi thị, tức thì trợn trừng mắt.
Vi thị xấu hổ vô ngần. Lúc này bà đã gần tuổi, không ngờ vẫn đang mang thai, hơn nữa cha của đứa trẻ này lại còn là một người Kim. Trông thấy phản ứng của Nhu Phúc, bà càng cảm thấy sợ hãi hơn, không biết nàng sẽ lại nói ra những lời gì đâm vào trái tim bà.
"Nương nương," Nhu Phúc bắt đầu hỏi: "Người định sinh đứa bé này ra sao?"
Bảo bà phải trả lời như thế nào? Lẽ nào bà có thể, cho Nhu Phúc đáp án phủ định khiến nàng hài lòng hay sao?
Vi thị chuyển ánh mắt khỏi Nhu Phúc, nhìn về phía cây cối phía xa, gắng sức tỏ vẻ thản nhiên, nói: "Dĩ nhiên."
"Không được!" Nhu Phúc lập tức nói, quyết liệt như Vi thị đã dự liệu, "Đứa bé này có huyết thống của người Kim, nương nương tuyệt đối không thể sinh nó ra!"
Vi thị buồn bã cười: "Nữ tử Tống thất sinh ra đứa bé có huyết thống của người Kim còn hiếm lạ hay sao?" Quay sang nhìn Ngọc Tương cũng đang mang thai, lại nói: "Có sinh con hay không, không phải việc chúng ta có thể quyết định. Bản thân ta là vậy, Triệu phu nhân cũng vậy, mà Viện Viện con về sau cũng vậy."
Nhu Phúc lắc lắc đầu, đôi mắt hồng lên, nước mắt đã lưng tròng: "Thế nhưng nương nương, đứa bé mà người sinh ra là em trai của cửu ca. Sao người có thể để người trong thiên hạ đều hay biết, đương kim Hoàng đế Đại Tống có một đứa em trai mang huyết thống của người Kim?"
Quả nhiên, nàng lại chọc vào đúng chỗ đau của bà. Vi thị hối hận vô cùng vì hôm nay đã vào cung, lần nữa phải đối mặt với sự bối rối do đứa con gái trên danh nghĩa nói năng không chút e dè này mang lại.
Bà im lặng. Lát sau, bà mới khẽ khàng nói: "Viện Viện, con nghĩ quá nhiều rồi."
Nhu Phúc cười khổ, nhìn thẳng vào bà bằng đôi mắt rưng rưng: "Viện Viện không nghĩ, người Kim sẽ nghĩ, người Tống sẽ nghĩ. Người định đẩy cửu ca mang trên mình trọng trách khôi phục Đại Tống vào chốn nào?"
Vi thị không ngồi yên nổi nữa, cũng không đáp lời nàng, đứng dậy cáo từ Ngọc Tương, muốn chạy trốn như lần trước.
Nhu Phúc lại nắm lấy ống tay áo của bà níu lại, cau mày nói: "Nương nương, Viện Viện cầu xin người, đứa trẻ này không được phép sinh ra! Sự tồn tại của nó, tương lai sẽ là nỗi nhục suốt đời của cửu ca. Người tiếp tục ở lại vương phủ của Cái Thiên đại vương con đã không còn oán trách nữa rồi, thế nhưng người có thể, đừng sinh ra đứa con của Cái Thiên đại vương, cho người Kim thêm một lí do nữa để cười nhạo cửu ca và Đại Tống nữa được không?"
Vi thị không nói một lời, chỉ muốn rút ống tay áo ra khỏi tay nàng, thế nhưng Nhu Phúc nắm rất chặt, không đợi bà đồng ý thì không chịu buông tay. Hai người giằng co, Vi thị nóng ruột vô cùng, khuôn mặt cũng đỏ lên.
Cuối cùng, Ngọc Tương lạnh lùng mắng một câu: "Viện Viện buông tay ra, lôi lôi kéo kéo, còn ra thể thống gì!"
Nhu Phúc thoáng sững sờ, lúc này mới buông tay, thế nhưng vẫn cắn môi, nhìn chằm chằm Vi thị, mong chờ.
"Đừng ăn nói với Vi phu nhân vô lễ như thế." Ngọc Tương quở Nhu Phúc, "Muội cũng không còn nhỏ nữa rồi, vậy mà vẫn không hiểu chuyện như vậy. Nữ tử vong quốc, đừng nghĩ mình vẫn còn là công chúa mệnh phụ, có thể nạt nộ quát tháo người khác. Vi phu nhân có nỗi khổ riêng của bà, trước đây muội chưa cưới gả, không hiểu được. Thân phận của đứa nhỏ này tuy éo le, thế nhưng việc đã đến nước này, cũng không thể không sinh. Muội làm loạn như vậy, sẽ chỉ rước thêm phiền não cho chính mình và những người khác."
Nghe thấy lời này, nước mắt của Nhu Phúc rơi xuống, lồ ng ngực phập phồng, rõ ràng là vừa buồn vừa giận, cuối cùng cũng không cáo từ, tự mình xoay người chạy ra bên ngoài.