Ngày Giáp Ngọ tháng Bảy, Hoàng thái hậu Vi thị về Nam, lên thuyền tại Đông Bình, đi từ Thanh Hà tới biên giới Sở Châu. Triệu Cấu lệnh cho em trai Thái hậu là Bình Lạc quận vương Vi Uyên và con gái của Anh Tông hoàng đế Tần Lỗ Quốc đại trưởng công chúa, con gái của Triết Tông hoàng đế Ngô Quốc trưởng công chúa khởi hành trước tới nghênh đón Thái hậu. Vốn dĩ cũng mệnh Phúc Quốc trưởng công chúa đi cùng, song nàng cáo bệnh thoái thác, Triệu Cấu mặc dù không vui nhưng cũng không miễn cưỡng, chỉ dặn dò nàng yên tâm dưỡng bệnh trong phủ.
Ngày Tân Tỵ tháng Tám, Triệu Cấu đích thân rời khỏi Lâm An, cùng người tới nghênh đón Thái hậu ở Lâm Bình trấn, tể chấp, lưỡng tỉnh, tam nha quản quân đều đi cùng. Quý phi Anh Phất cũng dẫn theo hai đứa con nuôi Tấn An quận vương Viện và Sùng Quốc công Cừ.
Mẹ con gặp mặt, Vi Thái hậu không đợi Triệu Cấu hành lễ xong đã tự mình bước xuống khỏi kiệu, đỡ con trai dậy, khóc nói: "Trước đây luôn nghĩ đời ngày sẽ không còn ngày mẹ con ta đoàn tụ, vậy mà nay chẳng ngờ còn gặp được nhau, hoảng hốt như cách một đời, vẫn e còn trong giấc mộng."
Sau khi thoáng rơi lệ với Triệu Cấu, bà lại nhìn về phía linh cữu của Hình hậu, nói: "Đáng thương, hiền hậu của con đã bỏ con mà đi. Hài cốt tuy đem được về, nhưng đã khô lạnh cả, sao có thể không khiến người ta đau lòng!"
Triệu Cấu nghe vậy càng buồn bã hơn, đi tới phía trước linh cữu Hình hậu, vuốt v e quan tài lặng lẽ rơi lệ. Anh Phất thấy im lặng quay sang liếc Tần Cối, Tần Cối hiểu ý, bước lên khuyên nhủ Triệu Cấu: "Sống chết có số, con người không tự quyết định được. Nay Thái hậu đã về triều, mẹ con đoàn tụ, xin bệ hạ gắng nén đau thương, để người được an lòng."
Lúc này Triệu Cấu mới gạt lệ, chỉnh trang lại dung mạo, lại mệnh Anh Phất dẫn Viện, Cừ tới, quỳ xuống thỉnh an Thái hậu.
Thái hậu nghe Anh Phất tự xưng là "Quý phi Ngô thị", biết nàng là phi tần của Triệu Cấu, thấy hai thiếu niên quỳ trước mặt mình dáng vẻ thanh tú tuấn dật, tuổi tác đều chừng mười mấy, bèn cho rằng bọn họ là hoàng tử con ruột của Triệu Cấu, trong lòng vui mừng, chưa đợi Viện và Cừ lên tiếng thỉnh an đã nói với Anh Phất: "Hai đứa nhỏ này rất tuấn tú, đều là do con sinh sao?"
Anh Phất lúng túng, song vẫn bẩm bảo sự thật: "Thần thiếp vô phúc, chưa thể sinh được hoàng tử cho quan gia. Viện ca và Cừ ca được quan gia lựa chọn từ con cháu trong tông thất, mệnh thần thiếp nuôi dưỡng trong cung."
Vi Thái hậu vốn dĩ đang tươi cười đợi Anh Phất nói ra đáp án khẳng định, nào ngờ lại nhận được lời giải thích này, nụ cười có chút biến dạng, vô thức hỏi: "Vậy quan gia có..."
Còn chưa dứt lời đã biết không ổn, liền nuốt ngược vào trong. Anh Phất dĩ nhiên cũng biết Thái hậu muốn hỏi "Quan gia có hoàng tử ruột không", song Triệu Cấu đang có ở bên cạnh, không dám đáp lời, cũng chỉ đành im lặng.
Vi Thái hậu thấy vậy đã hiểu ra, thất vọng vô ngần, nụ cười cũng tắt lịm. Anh Phất lập tức nhẹ nhàng thúc giục hai vị hoàng tử: "Còn không mau thỉnh an Thái hậu nương nương."
Triệu Viện còn chưa kịp lên tiếng, Triệu Cừ đã nhanh nhẹn dập đầu hai lần, hô to dõng dạc: "Cừ cung nghênh nương nương về Nam. Nương nương thiên tuế! Nương nương vạn an!"
Vi Thái hậu thấy Cừ xưng hô thân thiết, bất giác cũng nở nụ cười, ôn hòa nói với Cừ: "Ngoan."
Dứt lời lại chậm rãi chuyển ánh mắt sang Viện. Lúc này Viện mới dập đầu bái, thái độ cung kính, thế nhưng chỉ nói: "Thái hậu nương nương vạn an."
Vi Thái hậu mỉm cười nói với Triệu Cấu: "Đứa nhỏ này rất chững chạc." Lại quay sang hỏi Anh Phất: "Đứa bé tên là gì?"
Anh Phất cúi người đáp: "Quan gia ban tên là Viện... Là chữ "Viện" giống trong khuê danh Phúc Quốc trưởng công chúa."
Vi Thái hậu thoáng sững sờ: "Phúc Quốc trưởng công chúa?"
Anh Phất mỉm cười giải thích: "Chính là Nhu Phúc đế cơ. Sau khi đế cơ quay về phía Nam vào năm Kiến Viêm thứ tư, quan gia gia ơn đã tấn phong nàng làm Phúc Quốc trưởng công chúa. Trưởng công chúa hôm nay vốn dĩ cũng muốn đến nghênh đón Thái hậu, chẳng ngờ mấy ngày này ốm bệnh, quả thực không rời giường được, bởi thế mới nhờ thần thiếp thay nàng tới đón mẫu hậu, nói đợi sức khỏe bình phục sẽ lập tức vào cung bái kiến mẫu hậu."
Giống như màn sương chợt giăng, khuôn mặt Vi Thái hậu tức thì lạnh xuống. Nhàn nhạt ra hiệu cho chúng nhân bình thân, bà quay về kiệu rồng ngồi, nói: "Quay về thôi."
Triệu Cấu lập tức hạ lệnh khởi giá về thành, dẫn đầu bá quan đưa theo linh cữu đế hậu quay về. Lúc này đột nhiên trông thấy, phía sau ba chiếc quan tài, còn có một chiếc quan tài nhỏ, phía bên trên không hề trang trí hay đặt bài vị, nhìn không ra đó là linh cữu của ai.
Bởi thế y bèn quay lại hỏi Thái hậu: "Chiếc quan tài phía sau mấy linh cữu cũng là tông thân sao?"
Vi Thái hậu chưa đáp lời, sắc mặt vẫn nặng nề: "Đợi về tới cung ta sẽ nói chi tiết."
Về tới hoàng cung Lâm An, Triệu Cấu thiết yến chúc mừng Thái hậu về Nam, còn mời cả sứ Kim Hoàn Nhan Tông Hiền, Lưu Đào, Cao Cư An chuyến này hộ tống Thái hậu về nước cùng tham gia. Vi Thái hậu lại nói vì đường xá xa xôi, có chút mệt nhọc, muốn nghỉ ngơi một lát, bởi thế không ra dự tiệc. Triệu Cấu liền một mình nói chuyện với Kim sứ, cảm ơn một đôi câu. Lưu Đào, Cao An Cư cùng Triệu Cấu trò chuyện, chỉ có Hoàn Nhan Tông Hiền im ắng dị thường, một mình rót rượu uống, trừ mấy câu khách sáo lúc mới nhập tiệc thì không nói một lời nào nữa. Triệu Cấu thi thoảng liếc nhìn y, cũng không chủ động bắt chuyện.
Đợi sứ Kim quay về dịch quán, Triệu Cấu lại mệnh người bày tiệc gia đình trong nội điện, lần này Vi Thái hậu mới chịu bước ra. Anh Phất vội vã đứng lên nghênh đón, dìu Thái hậu vào chỗ, lại đứng sang một bên, đợi Thái hậu lên tiếng ban ngồi mới ngồi xuống.
Mặc dù chỉ là gia yến, lễ tiết vẫn giống như sinh thần đế hậu, rượu qua chín tuần, ca múa văn nghệ, cung quyến theo thứ tự bước lên chúc rượu Thái hậu, nhất thời đèn đuốc sáng trưng, không khí rộn ràng. Khi uống tới tuần rượu thứ bảy, Anh Phất dâng một món "chích kim trường" lên cho Vi Thái hậu, Triệu Cấu ngồi một bên giải thích: "Quý phi nghe nói mẫu hậu thích ăn món này nên đã xuống bếp học làm, hôm nay đích thân nấu, mời mẫu hậu nếm thử, xem hương vị có giống ngày xưa hay không."
Vi Thái hậu nếm thử một chút, gật đầu mỉm cười: "Ngon, ngon..." Lúc này nhìn Anh Phất ở khoảng cách gần, bà đột nhiên cau mày, nhìn nàng chằm chằm hồi lâu mới hỏi: "Sao ta thấy con quen mắt quá vậy? Trước kia ở Biện Kinh chúng ta đã từng gặp nhau chưa?"
Anh Phất cười nhạt cúi đầu đáp: "Thần thiếp là cung nhân ở Biện Kinh khi xưa, có lẽ mẫu hậu đã từng gặp trong cung. Chỉ tiếc thần thiếp phúc bạc, khi ấy không có duyên được hầu hạ mẫu hậu."
Vi Thái hậu lại tự mình chậm rãi nhớ ra, thoáng ngừng lại, lại hỏi: "Là cung Long Đức sao?"
Bà còn nhớ nữ tử mình đã từng gặp trước cung Long Đức. Khi ấy thân phận bà vẫn chỉ là Uyển dung của Thái thượng hoàng, một phi tử chốn hậu cung thấp cổ bé họng, không được sủng ái. Để xin Thái thượng hoàng khuyên Triệu Hoàn thu lại mệnh lệnh phái Triệu Cấu đi sứ trại Kim, bà phủ phục dưới chân Triệu Cát khóc lóc thảm thiết, trâm cài tóc rơi đầy mặt đất. Trước nay bà chưa từng hèn mọn tới vậy, quỳ xuống cầu xin ai. Mà cuối cùng bà nhận được, chỉ là một ánh mắt tràn đầy chán ghét... Khi ấy, Ngô Anh Phất này hẳn cũng có ở đó chăng? Khi bà rời đi, là nàng đã nhặt cây trâm rơi trên nền đất của bà, đuổi theo trả lại.
Đoạn kí ức không vui này, thật không may, người chứng kiến khi ấy chẳng ngờ giờ đã biến thành con dâu của mình.bg-ssp-{height:px}
Câu cuối cùng bà nói ban nãy có vẻ lơ đễnh, thế nhưng ý cười bên khóe môi đã tắt lịm.
Chỉ nghe thấy Anh Phất đáp: "Mẫu hậu tha tội, thần thiếp trí nhớ kém, không ghi nhớ được. Trước đây thần thiếp hầu hạ Nhu Phúc đế cơ, ngày thường làm việc trong cung đế cơ, rất hiếm khi ra ngoài. Nếu mẫu hậu có gặp được thần thiếp, hẳn cũng là trong các dịp yến tiệc lễ tết tụ họp."
Vi Thái hậu lại kinh ngạc: "Con đã từng hầu hạ Nhu Phúc đế cơ?"
Anh Phất gật đầu, nhẹ nhàng đáp: "Vâng, trước đây thần thiếp đã từng hậu hạ đế cơ... Thế nhưng chưa được bao lâu thì biến cố Tĩnh Khang đã xảy ra. Thần thiếp phiêu bạt giữa lúc loạn lạc, may mắn được quan gia thu nhận, đi theo hầu hạ người tới tận hôm nay."
Vi Thái hậu nghe xong chỉ "ừm" một tiếng, không nói nhiều nữa. Anh Phất và Triệu Cấu liếc nhau, hai người đều cảm nhận được vẻ không vui của Thái hậu khi nhắc tới Nhu Phúc đế cơ. Triệu Cấu còn tưởng là do Nhu Phúc trước đó không đi theo đoàn nghênh đón Thái hậu, hiện giờ lại không vào cung chúc mừng, bởi thế Thái hậu khó tránh khỏi có chút bực bội, lúc này mình cũng không tiện giải thích nhiều, bèn đổi chủ đề khác để xóa tan sự trầm mặc có chút khó xử. Y chỉ vào nến trong điện hỏi Thái hậu: "Nến này có hợp ý mẹ chăng?"
Nến này không giống bình thường, mà là nến thơm được điều chế bằng hương liệu thượng đẳng. Trong những năm Tuyên Hòa, Chính Hòa dưới thời Huy Tông khi ấy, quốc gia giàu mạnh, tiêu dùng trong cung cũng xa xỉ hết mức. Triệu Cát vì không thích nến Hà Dương trong cung không có mùi thơm, bèn mệnh người dùng hương Long Diên, Trầm Não trộn vào sáp nến, đêm đến thắp hai hàng, cao thấp mấy trăm ngọn, sáng trưng mà thơm ngát, rực rỡ cả nhân gian. Mà Triệu Cấu sau khi lui về phương Nam quốc lực đã kém xa khi xưa, trong cung nào có thể dùng những loại đồ vật xa xỉ tới mức này. Cho tới tận khi Thái hậu sắp sửa quay về, Triệu Cấu quyết tâm đem những gì tốt nhất trong thiên hạ tới phụng dưỡng mẫu thân, Anh Phất mới kiến nghị: "Không bằng dùng loại nến Tuyên Chính khi xưa trong tiệc tẩy trần cho Thái hậu, Thái hậu ngửi mùi hương này chắc chắn sẽ yêu thích." Triệu Cấu bèn lệnh người làm nến cung theo phương thức Tuyên Chính năm xưa, thế nhưng hương liệu có hạn, cuối cùng không làm ra được nhiều, bởi thế đêm nay chỉ đốt mười mấy ngọn. Vốn tưởng rằng Thái hậu vừa ngửi thấy mùi hương sẽ hỏi đến, nào ngờ đã qua mấy tuần rượu mà bà vẫn như không hề nhận ra, còn chẳng buồn liếc nhìn nến cung chút nào.
Vi Thái hậu nghe Triệu Cấu hỏi vậy mới thoáng liếc nhìn nến cung, nhàn nhạt đáp: "Cha con khi xưa đêm nào cũng thắp mấy trăm ngọn nến, trong các của chúng phi cũng vậy."
Dứt lời bèn đứng lên thay y phục. Đợi bà đi xa rồi, Triệu Cấu mới cười khổ, nói với Anh Phất: "Trẫm sao giàu có được bằng cha!"
Sau khi tiệc tan, Triệu Cấu đích thân đưa Thái hậu về Từ Ninh cung. Mẫu tử hai người ngồi dưới ánh nến chuyện trò, kể về nỗi khổ nhiều năm xa cách và tình cảnh thê thảm của Huy Tông ở phương Bắc, không nén được than thở. Triệu Cấu nhớ lại chiếc quan tài nhỏ được đưa về cùng với Vi Thái hậu kia, bèn hỏi đó là linh cữu của ai.
"Là của Nhu Phúc đế cơ, Viện Viện." Vi Thái hậu đáp, ngữ khí nghẹn ngào.
Triệu Cấu thoáng sững sờ, chỉ sợ mình nghe lầm, hỏi lại: "Mẫu hậu nói là của ai?"
"Là của Nhu Phúc đế cơ." Vi Thái hậu nhắc lại bằng ngữ khí không cho phép nghi ngờ, lau nước mắt, nghiêm túc nói với Triệu Cấu: "Ta đang định nói với con việc này. Con có biết những năm này người Kim vẫn luôn cười nhạo con, là đã mua nhầm đế cơ nhan tử không?"
Ở Biện Kinh khi xưa có một nơi tên là ngõ Nhan Gia, đồ vật bán trong đó thường không chắc chắn, bởi thế người trong kinh thành đều gọi hàng giả là "nhan tử".
Triệu Cấu cúi đầu trầm mặc hồi lâu, đang định cho tất cả cung nhân lui ra, lại bị Vi thị đưa tay ngăn lại, chỉ vào cung nhân Dương thị bên cạnh mình nói: "Nhiều năm nay nó vẫn luôn bầu bạn bên cạnh ta, việc gì cũng biết, không cần tránh né."
Triệu Cấu biết Dương thị này là cung nữ thân cận của Vi Thái hậu trong cung Biện Kinh xưa, sau đó cùng bà lên phương Bắc, nay lại được Thái hậu dẫn theo về, ắt hẳn là tâm phúc, bèn để nàng ta ở lại. Đợi những người khác đã lui hết rồi, y mới chậm rãi nói: "Ý mẫu hậu là, Viện Viện quay về phương Nam, Phúc Quốc trưởng công chúa hiện nay, là kẻ khác giả mạo?"
Vi Thái hậu gật đầu một cái thật sâu, ra hiệu cho Dương thị. Dương thị bèn nói với Triệu Cấu: "Nhu Phúc đế cơ ở nước Kim ban đầu được ban cho Bát thái tử Hoàn Nhan Tông Tuyển, sau đó mấy năm, lại bị Hoàn Nhan Tông Tuyển tặng cho con trai của Kim Thái Tông là Hoàn Nhan Tông Bàn để lấy lòng y, muốn dụ dỗ y cùng mình mưu phản. Thế nhưng sau khi có được đế cơ rồi Tông Bàn không hề trân trọng, còn chưa được mấy ngày phu nhân trong nhà y đã đuổi đế cơ đi. Đáng thương biết bao, khi ấy trên người nàng trên dưới đều là vết thương, ốm tới mức chỉ còn thoi thóp, may thay vô tình gặp được Thái hậu, đón nàng về chăm sóc, dần dần mới bình phục. Sau đó đế cơ quen biết viên quan người Hán Từ Hoàn ở Ngũ Quốc thành, hai người tình chàng ý thiếp, Thái thượng hoàng cũng vui vẻ tác hợp, nàng bèn gả cho Từ Hoàn. Đáng tiếc những tháng ngày yên ổn chưa được bao lâu, nàng lại ngã bệnh, năm ngoái đã qua đời ở Ngũ Quốc thành, Thái hậu và nô tỳ đều tận mắt trông thấy nàng hạ táng. Nay Phúc Quốc trưởng công chúa này, ắt hẳn là nữ tử trong thành mạo nhận lừa dối quan gia, biết quan gia và Nhu Phúc đế cơ tuy là huynh muội, song khi xưa không hề thường xuyên gặp gỡ, chưa chắc đã nhận ra nhau, lại không rõ từ đâu nghe được một ít chuyện cũ trong cung Biện Kinh, bèn lớn gan mạo nhận lá ngọc cành vàng, mưu đồ phú quý."
Triệu Cấu nhìn ngọn nến trong cung chằm chằm, lúc này chỉ nhàn nhạt hỏi một câu: "Làm gì có ai giống nhau đến thế?"
Vi Thái hậu lại cảm thấy kinh ngạc: "Lẽ nào khi xưa con thân thiết với Nhu Phúc, vừa liếc mắt đã có thể nhận ra thật giả?"
"À, không." Triệu Cấu cười nhạt, đáp: "Dĩ nhiên con và Nhu Phúc không thân thiết, chỉ là năm ấy nghe nói nàng bỏ trốn về Nam nên đã tìm những người biết mặt nàng, gặp rồi đều nói nàng là thật."
Dương thị thở dài: "Người với người có thể giống nhau, ả cũng ỷ vào điểm này nên mới dám mạo nhận. Huống chi những người mà quan gia phái đi chứng thực đó có đáng tin chăng? Khó mà bảo đảm bọn họ không có ý muốn thừa nhận đế cơ này để quay về đòi ban thưởng, thậm chí, bọn họ còn cấu kết với đế cơ giả này để qua mặt quan gia cũng không biết chừng. Nếu ả là thật, vì sao tới nay vẫn không dám tới gặp Thái hậu?"
"Thế nhưng..." Triệu Cấu trầm ngâm đáp: "Cử chỉ hành động của nàng rất giống một đế cơ... Những chuyện cũ trước đây kể lại cũng chính xác."
"Ả đã nói những gì?" Vi Thái hậu lập tức ngẩng đầu hỏi, "Chuyện cũ... Là chuyện cũ ở Biện Kinh hay ở nước Kim?"
Triệu Cấu lặng lẽ nhìn mẫu thân một cái, đáp: "Chỉ là mấy chuyện vụn vặt ở Biện Kinh khi xưa. Những việc ở nước Kim, nàng nói không muốn nhớ lại, không muốn nói. Con cũng không hỏi nữa, sợ sẽ khiến nàng đau lòng."
Vi Thái hậu gật đầu đáp: "Phải rồi, nói nhiều tất sẽ lỡ lời, ắt hẳn ả cũng không dám tùy tiện bịa chuyện..."
Dương thị cũng hùa theo: "Cho dù ả có nói gì, cũng không thể tin tưởng, cùng lắm là mấy lời đồn đãi nghe nói được trên đường mà thôi."
Triệu Cấu im lặng không tiếp lời, Dương thị bèn nói tiếp: "Chuyến này Thái hậu đưa theo hài cốt Nhu Phúc đế cơ quay về, một là để hoàn thành tâm nguyện được quay về cố quốc của nàng, hai là để vạch trần lời nói dối của đế cơ giả kia. Thái hậu và đế cơ ở nước Kim chung sống lâu ngày, coi nàng như con gái ruột, tuyệt đối không thể dung thứ việc có kẻ khác mạo danh nàng nghênh ngang qua mắt quan gia. Mong quan gia sớm ngày trị tội đế cơ giả, an táng ổn thỏa cho di cốt đế cơ thật, đồng thời tiến hành truy phong, an ủi vong linh em gái ngài trên trời cao."
Triệu Cấu không lập tức nhận lời ngay, sau khi suy nghĩ hồi lâu sắp xếp câu chữ nói với mẫu thân: "Việc này liên can tới nhiều người, xin mẫu hậu chờ một thời gian, đợi nhi thần nghĩ ra cách giải quyết tốt sẽ tính toán tiếp."
Vi Thái hậu thở dài, đáp: "Được. Đêm khuya rồi, con cũng quay về nghỉ ngơi sớm đi. Thiết triều nên dậy sớm, nếu không, không có lợi cho cả long thể lẫn xã tắc."
Triệu Cấu hành lễ cáo lui, ánh nến bập bùng khiến bóng y kéo dài trên nền đất. Cảm thấy có chút phiền muộn, y phất tay áo, muốn xua tan bóng tối nặng nề che phủ kia.