Thực tế đúng là Trương Thúy Nga không đến Đam Nhĩ.
Sau khi xác nhận mình đã mang thai, nàng nằm liệt ở trấn kia hết vài ngày.
Ba chữ “Lý Nhu Phong” này, nàng đã trốn tránh thật lâu. Có lẽ là một loại số mệnh. Lý Nhu Phong chính là Phật pháp to hơn trời của nàng, là hết thảy phương hướng, bến bờ của nàng. Nàng có bay nhảy thế nào, vẫy vùng ra sao, hay có trốn đến chân trời góc bể, thì cuối cùng cả thế giới đều vẫn là chàng.
Hệt như năm đó khi nghe tin Lý Nhu Phong chết, ba hồn nàng tan mất một, bảy vía nàng vỡ mất hai, bỗng chốc đã biến thành cái xác rỗng tuếch. Nhưng như thế sẽ chẳng còn đau buồn, nàng cảm thấy đấy cũng là một loại giải thoát.
Nào hay, Lý Nhu Phong dẫu có hóa thành quỷ, à không, thành người cõi âm, cũng chẳng chịu buông tha nàng.
Đến lần này, Lý Nhu Phong chơi xấu hơn, trực tiếp để huyết mạch của chàng và nàng tương liên. Nàng thậm chí còn chả biết thứ trong bụng đây rốt cuộc là người hay quỷ, hay cái gì kỳ quái khác. Có quỷ có quỷ, trong lòng có quỷ, đúng là đang nói về nàng đấy.
Thực ra không phải nàng chưa từng tính tới việc bỏ nó đi, nàng rất sợ mình sẽ sinh yêu quái. Nàng từng đọc sơ qua tư liệu liên quan đến người cõi âm của Pháp Tuân, mà đâu hề thấy chỗ nào đề cập đến chuyện người cõi âm có thể sinh con.
Ai lại sinh con cùng người cõi âm chứ.
Nàng rất suy sụp.
Lại nói, nếu đứa bé này là người, thì sinh ra xong rồi phải làm gì tiếp? Một ngày nào đó, nó sẽ hỏi cha mình là ai, nàng biết trả lời thế nào?
Cha con khi còn chưa chính thức gặp mẹ con thì đã lăn ra chết rồi.
Nàng bụm mặt, chẳng biết làm sao. Trong lòng nàng hiện giờ chỉ mong, giá như Lý Nhu Phong ở đây thì tốt quá. Vừa nghĩ tới đấy đã thấy nước mắt tràn qua kẽ tay, nàng cứ sụt sùi ráng lau cho hết.
Nàng từng nhiều lần ngẫm lại, nhờ đâu mình có thể sống sót trở về sau trận huyết chiến kia. Thành trì địa ngục đảo nghiêng, nghiệp hỏa hồng liên thiêu đốt cõi trần, nhật nguyệt khuất bóng dưới bàn tay La Hầu khổng lồ [], nàng làm sao bình an thoát khỏi trận chiến Tu La ấy?
[] La Hầu (Rahu) là một Atula bốn tay, nửa người nửa rắn, thường tạo sự hỗn loạn, đôi khi sẽ nuốt mặt trời, mặt trăng.
Ngoài Lý Nhu Phong ra, thì còn có thể là ai.
Về sau, nàng nghĩ chắc do mình là dương bạt nên mới không chỉ giúp người cõi âm tái tạo được xương thịt, mà e còn là canh giã rượu, là thuốc hoàn hồn của họ. Bởi vậy khi nàng bước vào phòng thì Lý Nhu Phong, vốn bị Tiêu Yên chuốc bao nhiêu Bạch Đọa xuân lao, vẫn có thể trở dậy. Lúc đó đã trở dậy được, thì tiếp theo hẳn nhiên sẽ tỉnh táo thôi.
Nhưng chàng cứu nàng thế nào.
Nàng chẳng muốn nghĩ nhiều về việc này. Sao lúc trước nàng lại tìm cách tranh thủ nắm tay chàng chứ, còn dạy chàng pháp quyết kỹ càng. Là nàng đích thân đặt đao tự sát vào tận tay chàng. Nàng tưởng đao nằm trong vỏ thì chàng sẽ không rút ra sao? Nàng thật ngu ngốc quá sức.
Nàng biết mình rất nhát gan. Nàng đã từng trải qua cái chết của Lý Nhu Phong một lần, nên chẳng muốn nếm trải thêm lần nào nữa. Dù rằng nàng hiểu đây mới thật sự là giải thoát. Bất kể Lý Nhu Phong bây giờ đã hóa cốt, hay vẫn còn là một thây ma vĩnh viễn vô tri, nàng đều không muốn biết.
Nàng hoàn toàn không muốn biết chút nào.
Nàng cứ xem như Lý Nhu Phong vẫn còn sống tốt, sống an lành trong thành Kiến Khang, trường sinh bất lão, vĩnh viễn thanh xuân. Cho dù chàng có ở với Tiêu Yên, nàng biết chàng còn sống là đủ rồi.
Khốn nỗi, giờ thì nàng lại có con của Lý Nhu Phong. Lý Nhu Phong dùng một đứa bé, bắt nàng phải thời thời khắc khắc nhớ tới chàng, nghĩ về chàng, thời thời khắc khắc không được quên chàng. Chàng muốn hành hạ chết nàng giày vò chết nàng đây mà! Chàng thật quá ác độc.
Bão Kê nương nương lau nước mắt. Nàng đã mấy lượt nhờ bà chủ quán trọ chỉ nhà thầy lang trong trấn, nhưng lúc định bước ra thì lại tê liệt ngồi ngay xuống bậu cửa. Rồi còn cứ nôn hết lần này tới lần khác, mà mỗi lần nôn xong là nàng lại điên cuồng ăn bù. Ăn đến khi mồm miệng đầy dầu mỡ, nàng mới ý thức được mình vẫn mong sinh mệnh trong bụng ấy được khỏe mạnh sống sót.
Nàng hồi tưởng lại đêm hôm đó, tượng Phật trong phòng Lý Nhu Phong là Bồ Tát. Nàng nghĩ họ đã cùng nhau trước mặt Bồ Tát, đoán chắc đấy là Bồ Tát ban con nhỉ? Nếu là Bồ Tát ban tặng thì nàng không thể từ chối.
Bất chợt nàng như có thêm sức mạnh. Nàng phát hiện mình đang rẽ qua hướng tây, thế thì cứ dứt khoát tây tiến luôn. Nghe bảo đường vào Thục là khó đi nhất, khó như lên trời. Đã vậy nàng chỉ cần bước lên con đường vào Thục, thì có muốn lùi lại cũng chẳng dễ dàng. Nàng sẽ không quay về nữa.
Thế là nàng thẳng tiến qua phía tây. Mải miết đi đến tận bờ sông Thanh Y giữa đất Thục thì bụng đã to kềnh, nàng thực sự chẳng nhấc bước nổi nữa mới dừng lại.
…
Hồi sáng nay nàng dẫn Nhóc Quỷ đến nhà thầy ở thôn bên cạnh, vừa định về thì ông giáo già trạc lục tuần đã gọi nàng lại nói chuyện riêng: “Cô Trương ạ, cậu bé nhà cô này, sợ là lão đây không dạy nổi nữa rồi.”
Bão Kê nương nương kinh ngạc, hơi sốt ruột hỏi: “Thưa thầy, thằng bé lại quậy phá chẳng chịu nghe lời, làm thầy tức giận ạ?”
Ông giáo già vội lắc đầu: “Không phải vậy, trẻ con tinh nghịch là thường tình, đâu có gì đáng trách. Vấn đề là cậu bé được trời ban tư chất thông minh, lão đây kiến thức nông cạn... Cô Trương ạ, thôn bên có mở trường đấy, trong trường sẽ mời các vị học giả uyên thâm, cô thử đưa cháu nhà đến đấy xem sao.”
Bão Kê nương nương chau mày. Nhóc Quỷ này khi vừa chào đời, ngoài việc toàn thân tím xanh ra thì chẳng có gì khác những đứa bé bình thường. Về sau từ từ lớn lên, màu tím xanh cũng dần nhạt đi nên nàng không phải lo lắng nữa. Nhóc Quỷ còn học đi học nói nhanh hơn bọn trẻ đồng lứa rất nhiều. Trẻ con bình thường phải từ bốn, năm tới bảy, tám tuổi mới đến trường, con nàng thì chỉ hơn một tuổi đã phải xách tới nhờ thầy dạy cho.
Ông giáo già đưa mấy tờ tập viết của Nhóc Quỷ cho Bão Kê nương nương xem: “Cô Trương, cô nhìn chữ cậu bé đi, còn đẹp hơn của lão, số mặt chữ biết được cũng nhiều hơn lão, thì lão còn dạy thế nào nữa? Hiện tại cậu bé có thể dạy ngược lại cho lão rồi.” Ông lắc đầu thở dài, “Hậu sinh khả úy, lão đây sống uổng sáu mươi năm, thực sự hổ thẹn, thực sự hổ thẹn…”
Bão Kê nương nương đau đầu hết sức. Trước kia Nhóc Quỷ muốn học viết, nàng là người đã thấy nhiều chữ đẹp, như của Lý Nhu Phong chẳng hạn, chữ nào chữ nấy đều làm nàng vui mắt, nên khi nhìn bảng chữ mẫu ông giáo già viết cho Nhóc Quỷ thì quả thực là khó lòng đánh giá cao nổi. Nàng nhớ ra ven sông Thanh Y có rất nhiều vách đá khắc chữ, lối thư pháp của các chữ ấy đều thuộc hàng tuyệt mỹ, thế mới thu xếp lên đó mấy chuyến. Nàng vốn định tự mình dập chữ, sau lại ngoài ý muốn gặp một người đã làm trước rồi, nên cũng phần nào đỡ tốn công tốn sức.
Nhóc Quỷ học theo bản dập nàng đem về, học xong hết thì đương nhiên sẽ đạt trình bỏ xa ông giáo tận ngàn dặm.
Bởi vậy Bão Kê nương nương nghĩ, bắt buộc phải tìm thầy giỏi nhất cho con rồi. Nàng ưu sầu trở về thôn, thầm nhủ, có lẽ nàng nên học hỏi cổ nhân, theo chân Mạnh mẫu dời nhà ba lần [].
[] Mẹ Mạnh Tử lần chuyển nhà để con mình được sống trong môi trường giáo dục tốt nhất.
…
Vừa đến đầu thôn nàng đã được vài cô bác tới nhắc: “Chị Trương này, tối qua thôn mình mới xuất hiện một con quái vật đen sì đấy. Nghe bảo nó cứ như ngọn núi nhỏ biết đi, biết động đậy, làm ông Hai Dương ra ngoài tiểu đêm sợ hết hồn. Với cả mấy nhà khác đều kể là nghe có tiếng ồn, nhưng trưởng thôn dẫn mọi người tìm suốt đêm mà vẫn chưa thấy đâu. Chị là quả phụ đơn thân, nhớ phải cẩn thận cửa nẻo nhé.”
Bão Kê nương nương hỏi: “Đó là gì nhỉ?”
Các bà các cô đều ra chiều nghiêm túc suy tư, rồi xúm vào thảo luận om sòm, cuối cùng nhất trí với một kết luận: “Là thái tuế sống [], sẽ ăn thịt người đấy.”
[] Một loài được người xưa cho là có dạng như khối thịt một mắt.
Bão Kê nương nương gật đầu cám ơn họ. Có thứ quỷ thần nào mà nàng chưa gặp đâu, tám chín phần mười là một đứa trộm gà. Nhà nàng nuôi rất nhiều gà, đúng là phải cẩn thận hơn. Mỗi lần bọn trộm gà xuất hiện trong thôn thì nhà.nàng toàn đứng mũi chịu sào, nên giờ nàng hơi nóng máu xíu.
Dọc đường quả nhiên gặp trưởng thôn và cả toán đàn ông trai tráng xách dao đi lòng vòng tuần tra. Khi gần đến nhà, Bão Kê nương nương rút rựa vác trên lưng ra, tháo hết vải quấn để lộ lưỡi rựa bén ngót, cầm chắc cán trong tay.
Nàng không qua cổng ngay, chỉ lượn quanh xem xét căn nhà đã khóa chặt của mình. Quả nhiên cạnh chân tường ở mé cổng sau hiện rõ mấy dấu chân, trên tường cũng có, nhìn sơ là biết trèo vô nhà nàng rồi. Nàng thầm mắng một tiếng, lôi ra sợi dây thừng có móc, quăng lên đầu tường, rồi nhẹ nhàng như chim yến nhảy vào nhà theo dấu chân kia.
Trong sân bừa bộn kinh khiếp, đúng thật là chui vào chuồng gà. Chẳng biết tên trộm gà đó làm gì mà nguyên cái chuồng to ngăn nắp của nàng đổ bẹp ra đất, trong số mấy con gà bị đè dẹp bên dưới có cả Đại lang quân năm màu sặc sỡ. Nhặt Đại lang quân lên ngó thử, tròng mắt đã bị đập văng mất, lập tức, nàng nổi trận lôi đình.
Chừng trăm con gà trong sân bay lượn nháo nhào, kêu gào quang quác, lông gà phân gà vung vãi tứ tung, chỉ chớp mắt thôi mà khoảnh sân sạch sẽ của nàng đã bị phá bung bét. Nàng muốn mắng tiên sư nhà mi mấy trăm lần, nhưng tạm thời ráng dằn hết xuống. Nàng nhẹ tay nhẹ chân đi tới, cầm theo rựa, không phát ra một âm thanh nào.
Dấu chân bùn hướng thẳng tới trước, cuối cùng tấp vào một chòi nghỉ râm mát. Hiện đang là giữa trưa, hôm nay nắng đẹp, chiếu xuống khắp mặt đất sáng lóa. Trước khi ra ngoài nàng luôn có thói quen khóa kín hết các cửa, cả sân chỉ còn đúng căn chòi này là mát mẻ.
Nàng im ắng áp sát, trông thấy một bàn tay.đàn ông bẩn thỉu lộ ra ngoài. Nàng cắn răng, chém ngay một phát vừa chuẩn vừa mạnh.
“Chó hoang trộm gà, xem bà có băm chết mày không!”
Người kia đau quá than khẽmột tiếng, ló ra khỏi chòi. Bão Kê nương nương giơ rựa đang muốn chém tiếp, lại bị tiếng than kia như mũi tên đâm xuyên qua tim. Nàng kinh ngạc nhìn người đang chui ra đấy, rựa rớt loảng xoảng. Nàng vội nhào qua ôm ngay cổ tay bị chặt đứt đoạn vào lòng, cũng chẳng để ý chàng bẩn tới mức nào, cứ quỳ dưới đất, giữ cánh tay lạnh cóng trước ngực mình, ở nơi gần tim mình nhất.
Tim nàng đập cuồng loạn, cũng hệt như đàn gà đang chí chóe loạn xạ sau lưng. Nàng dán mắt xem bàn tay cụt kia chầm chậm mọc lại, mọc ra từng ngón tay dài thon gọn, trắng trẻo. Thế rồi bàn tay lạnh lẽo ấy từ từ lần theo cổ nàng, chạm đến mặt nàng, cuối cùng áp vào má nàng, nâng niu trong tay. Nàng cúi thấp đầu, giọt nước mắt to như trân châu lăn dài, chỉ khàn giọng, khẽ nức nở gọi:
“Lý Nhu Phong, ôi oan gia”