Nhớ Mãi Không Quên - Thiên Tại Thủy

chương 52: biết rõ

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Tức giận vì phong tục phụ nữ không được ăn trên bàn, dường như Tống Nhĩ Giai mất hứng thú với mọi thứ xung quanh. Nàng ăn nửa bát cơm và uống một hơi cạn ly rượu gạo của trang trại, sau đó lấy cớ tửu lượng thấp, chóng mặt để chạy ra ngoài, ngắm phong cảnh đồng lúa.

Nguyễn Trinh chỉ ăn một ít, sau đó cũng đặt chén đĩa xuống và đi theo nàng.

Các nàng đứng dưới mái ngói xanh ngoài sân, nhìn ra sườn đồi và ruộng bậc thang trong màn mưa cách đó không xa.

Núi xa mờ ảo, ruộng thang bạt ngàn.

Hiện tại là tháng bảy, những cánh đồng lúa bát ngát, tươi tốt, xanh mướt mắt.

Nguyễn Trinh chỉ vào ruộng bậc thang:" Vào mùa thu, khi lúa chín, gió thổi vi vu khiến cánh đồng lúa chín vàng nhấp nhô, tạo nên một bức tranh rất đẹp."

Tống Nhĩ Giai vừa uống một ly rượu, sắc mặt nàng đỏ bừng:" Phong cảnh đồng lúa đẹp thật, nhưng một số phong tục ở đây thực sự rất ngu ngốc."

Nguyễn Trinh khoanh tay, khẽ nói:" Tốt và xấu, đơn giản và ngu dốt, đều có thể cùng tồn tại."

Tống Nhĩ Giai nghe xong, bèn im lặng một lúc lâu.

Nàng lớn lên tại thành phố, sinh ra trong gia đình một con, được giáo dục về bình đẳng giới từ nhỏ, cũng được bố mẹ chu cấp những điều kiện vật chất vượt trội và lớn lên trong lồng kính cho đến năm mười bảy tuổi.

Năm mười bảy tuổi, bố mẹ ly hôn. Nàng nằm trong vòng tay của Nguyễn Trinh, khóc đến long trời lở đất.

Năm mười tám tuổi, nàng trúng tuyển đại học, nhưng vẫn chưa nhận ra sự khác biệt gì giữa nam và nữ. Nàng vẫn sống trong một thế giới có quan điểm nam nữ bình đẳng.

Năm mười chín tuổi, mẹ nàng đột ngột qua đời. Người chú không xứng đáng kia đến lo tang lễ, nên nàng đã đưa một phần tiền cho chú. Nhưng một số người lớn tuổi trong họ hàng đã giục nàng giao toàn bộ số tiền dành dụm được của mẹ cho chú để ông ta giữ hộ. Thậm chí, ông ngoại còn nói nàng là con gái, giữ nhiều tiền trong tay không an toàn. Ông ấy còn nói nàng phải cưới một người chồng có nhà, chú nàng vẫn chưa mua được nhà, nếu có thể thì hãy sang tên bất động sản của mẹ cho chú.

Sau khi tốt nghiệp Đại học và tìm đơn vị công tác, nàng mới chợt nhận ra rằng đàn ông sẽ dễ tìm việc hơn phụ nữ.

Sự giáo dục mà nàng nhận được từ khi còn nhỏ là nam nữ bình đẳng. Nhưng chỉ khi chuẩn bị bước ra xã hội, nàng mới nhận thức rõ rằng nam nữ chưa từng bình đẳng trong xã hội này.

Các nàng đang lặng lẽ ngắm nhìn khung cảnh thôn dã thì bỗng có một cô bé tầm bảy, tám tuổi chạy đến mái hiên, cầm một chiếc gáo làm bằng vỏ bầu khô, phía bên trong gáo là những quả dại đủ màu sắc. Cô bé kiễng chân lên, mỉm cười và đưa đến tay Tống Nhĩ Giai.

Tống Nhĩ Giai nhận lấy. Nàng khom lưng, mỉm cười và hỏi cô bé:" Cho bọn chị à? Em là con nhà ai thế? Trông rất đáng yêu quá."

Cô bé không trả lời, chỉ nhìn nụ cười của các nàng, đôi mắt to, đen láy đảo qua đảo lại.

Cô bé đang trong quá trình thay răng nên bị thiếu một chiếc răng cửa, lúc cười rộ lên có chút ngại ngùng. Sau một lúc cười toe toét, cô bé liền mím môi, lấy tay che miệng lại.

Nguyễn Trinh cũng cúi xuống, sờ sờ đầu cô bé, cười nói: "Cảm ơn nhé."

Tống Nhĩ Giai muốn nói thêm gì đó, nhưng cô bé đã vội vàng chạy về nhà.

Tống Nhĩ Giai cầm lấy gáo bầu và xem xét nó rất cẩn thận. Nguyễn Trinh lấy một quả dương mai và đưa đến bên môi nàng:" Em biết loại quả này, là dương mai."

Tống Nhĩ Giai cắn vào miệng, nước trái cây chảy ra, vị chua chua ngọt ngọt quyện vào nhau.

Nguyễn Trinh hỏi:" Em có nhận ra hết trái cây trong gáo không?"

Tống Nhĩ Giai dùng ngón tay gõ gõ vào gáo bầu:" Chiếc gáo này trông rất thú vị."

Nguyễn Trinh liền phổ cập kiến thức khoa học:" Nó được làm từ quả bầu. Quả bầu xanh có thể nấu ăn được, khi bầu chín vàng thì khoét bỏ phần thịt bên trong, đem phơi khô, sau đó có thể cho vào thau nước để làm gáo múc nước." Cô nhìn xung quanh, bỗng thấy bồn nước lớn trong sân, liền chỉ cho Tống Nhĩ Giai xem:" Này, nó thường được để ở đấy, cũng sẽ có một hoặc hai chiếc nằm cạnh nồi bếp để múc nước trong nồi."

Tống Nhĩ Giai nhổ hạt dương mai ra và hỏi:" Người xưa có câu, "dù có ba nghìn con sông, tôi cũng chỉ uống một gáo nước", cũng là loại gáo này sao chị?"

Nguyễn Trinh ừ một tiếng, sau đó lấy một hạt màu đỏ trong gáo ra và quơ qua quơ lại trước mặt Tống Nhĩ Giai:" Phúc bồn tử, hay còn gọi là quả mâm xôi. Lúc còn nhỏ, chị rất thích ăn, hầu như chúng đều mọc đầy ở đồng quê. Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều người chuyên trồng với số lượng lớn. Sau khi phơi khô, có thể ủ và uống, cũng có nhiều địa điểm du lịch bán loại trà hoa này."

Tống Nhĩ Giai:" À, em biết loại quả này. Hiện tại, có nhiều danh lam thắng cảnh bị thương mại hóa, sản phẩm của cửa hàng cũng na ná nhau, dây chuyền sản xuất cũng tương đồng. Đến bất kỳ quán trà hoa nào cũng đều có thể thấy loại này."

Nàng cho vào miệng và nếm thử, vẫn là vị chua chua ngọt ngọt.

Nguyễn Trinh lấy một quả màu nâu ra:" Đây là quả táo tàu, bọn chị cũng thường gọi là lê chân gà."

Tống Nhĩ Giai cười nói:" Nó thực sự sống đúng với tên gọi của mình."

Giống hệt chân gà, xiêu xiêu vẹo vẹo.

Nguyễn Trinh: " Nó cũng rất ngọt, nhưng nếu em ăn quá nhiều, em sẽ cảm thấy chát miệng."

Tống Nhĩ Giai nếm thử, sau đó cầm một quả mọng màu đen hình cầu lên và hỏi Nguyễn Trinh: "Còn cái này thì sao?"

Nguyễn Trinh cười nói: "Sim rừng. Khi còn bé, chị thường ăn loại này. Sau khi ăn xong, đầu lưỡi và môi của chị sẽ biến thành màu đen."

Tống Nhĩ Giai lấy vài quả để ăn. Đầu ngón tay, môi và lưỡi của nàng đều biến thành màu đen.

Nàng lấy điện thoại, lè lưỡi ra, bật camera trước để selfile rồi gửi lên nhóm chat.

Bạn cùng phòng Lư Lị Lị phàn nàn:【Xấu chết đi được!】

Lục Lộ than thở:【 Nhìn đau mắt quá! 】

Hai người họ gửi tin nhắn thoại đến:" Khi nào thì đến?"

Tống Nhĩ Giai nói: "Chờ mưa nhỏ lại đã."

Nàng và Nguyễn Trinh đứng dưới mái hiên, cùng ăn hết quả dại trong gáo bầu.

Sau khi tiệc gần xong, những người phụ nữ trong bếp bước ra dọn dẹp bàn ăn, dọn đồ ăn thừa rồi bày đậu phộng, hoa quả, trà, thuốc lá và rượu lên bàn. Ngoại trừ những người phụ nữ đang rửa bát trong bếp ra, những người còn lại có thể ngồi vào bàn để tán gẫu vài mẩu chuyện ngắn trong gia đình mình.

Trong góc còn có một bàn đàn ông ngồi nhậu, khua tay múa chân, âm thanh lớn đến mức át cả tiếng mưa.

Mưa dần lắng xuống, hai người dưới mái hiên xoay người trở lại sân, muốn nói lời tạm biệt bí thư làng.

Khi đi được nửa đường, Nguyễn Trinh nhìn thấy cô bé vừa cho các nàng trái cây dại đang ngồi cạnh nhân vật chính của buổi tiệc mừng thọ trăm tuổi, nghịch máy đo huyết áp và ống nghe.

Nguyễn Trinh vỗ vỗ vai Tống Nhĩ Giai, ra hiệu cho nàng nhìn sang.

Tống Nhĩ Giai tò mò hỏi: "Họ định đo huyết áp sao?"

Nguyễn Trinh bước đến, bảo cô bé ngồi yên rồi duỗi tay ra. Sau đó, cô buộc dây quấn máy đo huyết áp cho cô bé, đặt ống nghe vào túi hơi, sau đó mang vào tai, ấn bóng bơm để đo huyết áp cho cô bé.

Tống Nhĩ Giai lặng lẽ đứng phía sau Nguyễn Trinh và chờ đợi.

"Cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều nằm trong giới hạn bình thường." Đứa bé không hiểu thuật ngữ chuyên môn, Nguyễn Trinh bèn dừng lại và nói thêm:" Rất khỏe mạnh, không có vấn đề gì cả."

Bí thư làng nhìn thấy họ, liền đến hỏi:" Con gái, con cũng biết dùng cái này sao?"

Tiểu Lưu cũng bước đến và nói:" Cô ấy là bác sĩ ở tỉnh lỵ, chuyện này rất đơn giản, con cũng biết làm. Con sẽ dạy cho mọi người biết để sau này mọi người có thể tự đo ở nhà."

Cô ấy đã mua chiếc máy đo huyết áp này để làm quà mừng thọ cho bà mình.

"A, là bác sĩ đấy! Con mau đi đi, có bác sĩ ở đây, còn cần đến đứa gà mờ như con làm gì nữa?" Bí thư làng xua tay với Tiểu Lưu hòng đuổi cô ấy đi và mời Nguyễn Trinh ở lại:" Con gái, phiền con đo huyết áp giúp mẹ của chú đi. Tháng trước, khi chú đưa bà ấy đến khám ở bệnh viện quận, bác sĩ đã nói rằng bà ấy bị cao huyết áp, nên đã kê rất nhiều thuốc để uống, bây giờ không biết tình hình ra sao rồi."

Nguyễn Trinh mỉm cười đồng ý, sau đó yêu cầu cụ bà duỗi cánh tay ra để cô đo huyết áp giúp bà.

Nguyễn Trinh xem xét trị số và nói:" Huyết áp hơi cao ạ."

Cô hỏi bà cụ gần đây đã uống thuốc gì và có cảm giác khó chịu nào khác trong người không. Cụ bà không thể hiểu được tiếng phổ thông nên bí thư làng đã giải thích thay bà.

Nguyễn Trinh nghe xong liền gật gật đầu và nói:" Cao huyết áp là một bệnh tim mạch tương đối phổ biến ở người cao tuổi. Đồng thời, đây cũng là một căn bệnh mãn tính cần điều trị và kiểm soát lâu dài, nhớ chú ý việc ăn uống hằng ngày một chút."

Cô tiếp tục dặn dò một số biện pháp phòng ngừa. Người phụ nữ ngồi bên cạnh cô cũng dịch lại gần, mỉm cười và nhờ vả:" Con gái, cháu giúp dì đo một chút đi."

Không mất quá nhiều thời gian để đo huyết áp, Nguyễn Trinh liền mỉm cười đồng ý.

Cô chỉ giúp một người đo, nhưng sau đó, năm sáu người xung quanh cũng tụ tập lại đây, nhờ Nguyễn Trinh đo huyết áp giúp, nhân tiện hỏi vài câu về sức khỏe thể chất.

Nguyễn Trinh kiên nhẫn trả lời từng người một.

Tống Nhĩ Giai kéo ghế ngồi xuống, những người dân làng hiếu khách bên cạnh rót cho nàng một tách trà nóng, đẩy đậu phộng và trái cây đến trước mặt nàng và bảo nàng muốn ăn gì cứ lấy đó.

Nàng mỉm cười và nói cảm ơn. Nàng bóc một ít đậu phông cho vào miệng, sau đó mở điện thoại lên và nhắn với những người bạn cùng phòng:【Có lẽ bọn tôi không thể đến sớm được... 】

Đúng như dự đoán, khi người dân trong làng nghe tin Nguyễn Trinh là bác sĩ của bệnh viện tỉnh, họ liền vây quanh cô. Những người trung niên và cao tuổi trong làng nài nỉ cô đo huyết áp giúp, còn những người cảm thấy cơ thể không khỏe thì hỏi cô rất nhiều câu về bệnh tật.

Ban đầu, đây chỉ là món quà thiện tâm cho một người, nhưng hiện tại đã biến thành phòng khám miễn phí ở vùng quê.

Tống Nhĩ Giai vừa cảm thấy buồn cười, vừa cảm thấy bất lực.

"Phòng khám miễn phí" này đã bị hoãn hơn hai tiếng đồng hồ, cơn mưa vốn đã tạnh giờ lại càng nặng hạt hơn.

Tống Nhĩ Giai nhìn gió giật sấm rền bên ngoài và thầm nhủ: Chút nữa trời sẽ nhá nhem tối, đường núi trơn trượt, đèn đường mờ ảo, đi lại rất khó khăn...

Vì Nguyễn Trinh khám bệnh miễn phí cho mọi người nên rất được người già yêu thích. Bí thư làng muốn giữ các nàng ở lại một đêm để cùng ăn tối, ngày mai hẵng xuất phát:" Làng của chúng tôi cũng có các trang trại, vườn cây ăn quả, vườn chè. Những người trong quận cũng thường đến đây để nghỉ mát."

Người phụ nữ bên cạnh cũng thuyết phục:" Chúng tôi muốn làm tiệc mừng thọ trong ba ngày. Buổi tối, lúc mưa tạnh sẽ có đoàn hát bội đến ca tuồng, hai cháu ở lại nghe đi."

Nguyễn Trinh nhìn Tống Nhĩ Giai, quan sát biểu hiện của nàng nhằm đưa ra sự lựa chọn.

Tống Nhĩ Giai mỉm cười và nói:" Cứ theo chị đi, em sao cũng được. Chị ở đâu, em sẽ ở đấy cùng chị."

Thật ra, nàng chơi ở đâu cũng không quan trọng, miễn là Nguyễn Trinh vẫn ở bên cạnh nàng.

Nguyễn Trinh gật đầu và nói:" Vậy chút nữa chúng ta sẽ xuất phát."

Sau đó, cô quay đầu lại, giải thích với bí thư làng rằng vẫn còn bạn bè đang chờ mình ở thị trấn, nên không tiện ở lại.

Các nàng ở lại thêm nửa tiếng để uống chút trà, cơn mưa cũng đã tạnh dần.

Cả hai nắm lấy tay nhau, không chịu ở lại. Sau đó, dân làng bèn cầm ô tiễn các nàng ra xe.

Lan Chu đã trở lại xe RV của đoàn làm phim. Khi thấy các nàng bước ra, cô ấy liền đưa cho Nguyễn Trinh một tấm danh thiếp:" Cảm ơn cô đã cho chúng tôi quá giang đến đây. Nếu sau này cô có chuyện gì cần giúp, có thể gọi cho trợ lý của tôi."

Cô ấy để lại thông tin liên lạc của trợ lý.

Nguyễn Trinh nhận lấy và nói lời chào tạm biệt.

Tống Nhĩ Giai lấy điện thoại di động ra, chụp ảnh cùng Lan Chu.

Chụp ảnh xong, cả hai cùng thở phào nhẹ nhõm khi trở lại xe.

Tống Nhĩ Giai xé gói khăn giấy ra, lau nước mưa trên vai Nguyễn Trinh, cười nói:" Để xem sau này chị còn thích xen vào chuyện của người khác nữa không? Suýt chút nữa đã phải ở lại đây cả đêm rồi."

Nguyễn Trinh nhẹ nhàng nói:" Không phải em ham vui nên muốn ở lại ăn trưa à..."

Tống Nhĩ Giai nói:" Là do chị thấy nữ diễn viên kia xinh đẹp nên muốn cho cô ấy quá giang mà."

Nguyễn Trinh hờ hững nói:" Không phải em cũng thích người ta lắm sao? Lúc thì xin ký tên, lúc thì chụp ảnh chung."

"Em...em...em..." Tống Nhĩ Giai có vốn từ nghèo nàn, không biết nên nói gì để phản bác Nguyễn Trinh.

Nguyễn Trinh vẫn muốn khích nàng, cô mỉm cười và nói:" Em nhìn em xem, đuối lý rồi?"

"Em...em không đuối lý..." Tống Nhĩ Giai lẩm bẩm một câu, sau đó buột miệng nói ra:" Người em thích là ai, chị vẫn chưa biết sao?"

Nguyễn Trinh dần thu lại ý cười bên môi. Cô cúi đầu, khẽ nghiêng người thắt dây an toàn cho Tống Nhĩ Giai, sau đó ngồi thẳng, tự thắt dây an toàn cho bản thân, khởi động xe và khẽ nói:" Chị biết rất rõ."

Lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy, sao cô có thể không cảm nhận được?

Truyện Chữ Hay