Nhật Ký Xuyên Thanh

chương 47: c47: bát gia minh chí

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Lý Vi có không hiểu, không bằng lòng cỡ nào, thì Nhị cách cách vẫn nhanh chóng bị ẵm ra khỏi chăn, sửa soạn tươm tất, rồi được ôm ra ngoài. Nàng chỉ khoác tấm áo giản đơn, để nguyên mái đầu tóc tai bù xù, tiễn con ra khỏi tiểu viện. Ngọc Bình sốt hết cả ruột, cầm theo chiếc áo choàng rộng hớt hải đuổi theo: "Cách cách! Trời vẫn còn đổ tuyết đấy!"

Đằng trước, trong bóng đêm nhập nhèm, dưới tán mấy ô giấy dầu giăng cao, Tô Bồi Thịnh và nhũ mẫu ẵm Nhị cách cách bước đi phăng phăng chẳng còn thấy bóng dáng.

Thời gian còn lại Lý Vi không ngủ nổi nữa. Ngọc Bình nhìn trời, khuyên nhủ: "Cách cách, hãy còn sớm lắm, người về ngủ thêm một lúc đi."

"Thôi, thu dọn đi, ta dậy đây." Lý Vi bọc mình trong áo choàng quay về phòng, rửa mặt thay đồ, ăn vội bữa cơm rồi ngồi yên trong phòng làm hòn vọng nữ. Đợi mãi đến khi trời đen kịt, Triệu Toàn Bảo mới chạy về, vừa thở hổn hà hổn hển, vừa nói: "Về rồi, về rồi!"

Nàng đứng bật dậy, ôm áo choàng chạy ào ra đón.

Ngờ đâu Nhị cách cách lại được bọc trong chiếc áo choàng nhỏ lạ lẫm chưa thấy bao giờ, trên đầu còn đội mũ trùm đầu, đương nằm trong lòng nhũ mẫu ngủ say tít mù khơi. Tô Bồi Thịnh cũng đưa về cùng, theo sau là mấy người khiêng rương.

Lý Vi ôm lấy con gái, vào phòng đặt lên giường, vừa định c ởi quần áo cho con ngủ thoải mái hơn, ai ngờ nó lại dậy. Vừa dậy đã ôm nàng líu tíu kể hôm nay đi chơi vui ơi là vui, thái tử điện hạ rất quý nó, cứ ôm nó suốt thôi, vân vân; còn bảo đói bụng quá, lúc trong cung chỉ ăn mỗi bánh ngọt, chưa ăn bữa chính, bấy giờ bụng đã reo inh ỏi rồi.

Khi Nhị cách cách ôm cái bát vàng nhỏ của mình vùi đầu ăn cơm, bên gian sát vách Tô Bồi Thịnh đương giải thích với Lý Vi trong bộ mặt ngơ ngác rằng chuỗi hạt dài và những rương hòm kia là thứ gì.

Tất cả đều là phần thưởng của thái tử. .

||||| Truyện đề cử: Chồng Cũ Là Quyền Thần |||||

Mở từng chiếc rương ra, khắp cả căn phòng ngập trong sắc vàng sắc ngọc chói lọi đến là nhức mắt.

Nhưng thú thật... Lý Vi không muốn lắm...

Vì đây vốn là quà thái tử để dành cho hai cách cách chết yểu, nào các kiểu tú cầu, quạt tròn, khăn thơm, túi hương, ngựa vàng, thỏ ngọc,... mà con gái thích. Ngoài ra còn có cung tên và yên ngựa, roi da, vì rằng thái tử luôn mong một ngày được đưa tiểu cách cách đi cưỡi ngựa, vậy nên lúc chuẩn bị có hơi gấp rút.

Ý Tứ a ca là nếu thái tử thưởng rồi, vẫn nên lấy ra cho Nhị cách cách dùng. Đều là đồ tốt cả, chế độ mà cách cách nhà thái tử được hưởng còn cao hơn chàng.

... Nhưng vậy có xúi quẩy quá không?

Chiếc áo choàng Nhị cách cách khoác lúc về là đồ thái tử sai người làm cho tiểu cách cách chết yểu, các loại áo quần, giày ủng, trang sức cũng có hẳn hai rương.

Tô Bồi Thịnh nói xong, nhận ra sắc mặt Lý Vi không ổn lắm, thế là không muốn cho Nhị cách cách dùng à? Suy đi nghĩ lại, hắn thân thiện chêm thêm câu: "Lát nữa Tứ a ca sẽ sang đây."

Khi chàng sang, ắt hẳn sẽ muốn nhìn thấy những thứ này được bày biện ra, chứ không phải cất tiệt trong rương.

Lý Vi hết cách, đành bảo nhũ mẫu tạm cất đồ chơi trong phòng Nhị cách cách, để qua vài hôm nữa trời nắng đẹp, sẽ lấy ra phơi nắng rồi đưa cho Nhị cách cách chơi. Quần áo cũng phải đem phơi nắng, kiểm tra xem có chỗ nào bị sâu đục, nhiễm bẩn không.

Hôm sau, xe la của Dục Khánh cung lại đến đón Nhị cách cách. Suốt những ngày ăn tết, cỗ xe này chưa khi nào ngơi nghỉ, cần mẫn làm nhiệm vụ đưa Nhị cách cách vào cung. Lý Vi nghe Nhị cách cách về kể phần lớn thì giờ nó ở cùng thái tử phi, quá lắm là lúc dùng bữa mới thấy thái tử tới thăm nó. Song phần thưởng thì hôm nào cũng có đủ.

Bên Đại cách cách lại có phần khó xử. Ngày đầu tiên về chỉ cầm theo quà thái tử phi thưởng, rồi cũng chẳng nhắc gì chuyện đón vào trong cung nữa.

Lý Vi cũng thấy bối rối, nhưng bấy giờ làm gì cũng thành sai trái. Nên thôi cứ ở yên đấy, giả vờ không biết vậy. Liễu ma ma thấy nàng lo, bèn đi nghe ngóng chuyện của Đại cách cách rồi về kể với nàng: "Các ma ma và nhũ mẫu của Đại cách cách hiểu cả. Chuyện Nhị cách cách vào cung tuy Đại cách cách có biết, song bọn bà ta đều bảo với Đại cách cách rằng: Nhị cách cách đi như thế là để tận hiếu thay Tứ a ca và phúc tấn, vì Đại cách cách phải ở nhà chăm phúc tấn nên không cho đi. Trông vẻ Đại cách cách cũng không để bụng chuyện này."

Lý Vi khẽ thở phào, Liễu ma ma cười nói: "Nghe kể tối hôm Đại cách cách về còn khóc lóc, bảo không muốn vào cung nữa. Trong cung lắm quy củ khắt khe, trẻ con sợ là chuyện thường. Nhị cách cách vì bé tuổi, vẫn chưa biết sợ, đâm ra mới không la lối ầm ĩ."

"Bên Tống tỷ tỷ thì sao?" Nàng hỏi.

Liễu ma ma sửng sốt, liền đó dửng dưng cười bảo: "Cách cách, người quan tâm nàng ta làm gì? Vậy đi, nếu cách cách áy náy thực, nô tỳ sẽ đi xem sao?" Bà ta khựng lại, đoạn nói: "Cách cách, chuyện sủng ái này đâu ai nói rõ được, cũng chẳng có cách nào điều khiển cả. Ngày đầu Đại cách cách và Nhị cách cách đi cùng nhau, sang hôm sau lại đón mỗi mình Nhị cách cách, chỉ có thể kết luận là Nhị cách cách hợp duyên quý nhân. Chứ không một cỗ xe ấy, chở thêm một đứa con nít cũng đâu hao tổn gì."

Vẫn phải để Liễu ma ma phân tích mới hay. Lời bà ta nói tuy nghe tàn khốc, nhưng câu "chuyện sủng ái đâu ai thấy rõ" lại là sự thật. Huống chi, đây là sủng ái mà Nhị cách cách có được, Lý Vi vốn cũng không định bắt con gái mình phải nhường cho ai. Chỉ lo con mình sẽ bị người ta đố kỵ. Nàng đã thấm thía lắm cái cảm giác khi bị người khác ganh ghét rồi, không muốn những vô tư vô lự biến mất khỏi tuổi thơ của Nhị cách cách, để con phải nhìn thẳng vào bộ mặt xấu xí trong thế giới người lớn nữa.

Buổi tối, nàng và Ngọc Bình bàn nhau xem có cần cho thêm vài a hoàn nhỏ vào làm bạn chơi với Nhị cách cách hay không. Bạn bè của nàng thời bé được phân theo các bậc lớp từ mẫu giáo, tiểu học, cấp hai, cấp ba, ở giai đoạn nào nàng cũng có cả đám bạn đồng trang lứa. Dù xuyên không về đây, tính trên con phố Lý gia ở, con gái của các nhà cũng là bạn cùng lớn lên bên nhau.

Nay xem ra, để Nhị cách cách và Đại cách cách kết bạn thì hơi bất hợp lý. Những việc diễn ra xung quanh cả hai đứa trẻ đều quá phức tạp, dẫu sinh ra trong một phủ, nhưng đến nay lại chưa gặp nhau được mấy lần, chứ đừng nói là chơi chung.

Ngọc Bình nói: "Cách cách nói đúng, vậy đi, ngày mai nô tỳ đi hỏi Trang ma ma xem liệu có được chọn thêm mấy a đầu bé vào đây nữa không."

Hết tết, hoàng thượng lại đem binh đi đánh Cát Nhĩ Đan. Lần này không cho a ca nào theo cùng, hoàng thượng tự dẫn người đi luôn, nghe bảo đã thám thính được vị trí Cát Nhĩ Đan ẩn nấp, lần này nhất định sẽ tóm gọn thành công.

Trước đó Tứ a ca có tiếp nhận việc dựng phủ giúp bọn đệ đệ từ tay thái tử, hoàng thượng khen Tứ a ca làm tốt, nên đã chính thức giao hẳn cho chàng.

Lần này đến cả Tứ a ca cũng không thể tiếp tục lừa mình dối người nổi nữa, song thái độ của hoàng thượng với thái tử quả tình có hơi... vi diệu...

Về chuyện trong triều, dường như trong vô thức, hoàng thượng đang tẩy sạch mọi vết tích giám quốc của thái tử. Lần này trước khi hoàng thượng xuất chinh, nghe nói ngài đã có một cuộc trò chuyện dài hơi với thái tử, và lại còn thưởng cho hết thứ này đến thứ khác, như thể vẫn coi trọng thái tử như xưa. Song nhóm a ca người nào người nấy cũng cảm nhận được sự vi diệu này.

Cả Tam a ca lẫn Ngũ a ca đều đang dần xa lánh thái tử. Mà thái tử chẳng còn thường xuyên xuất hiện ở thư phòng nữa; chẳng còn những khung cảnh y nắm tay các tiểu a ca dạy từng đứa viết chữ, kéo cung nữa.

Hồi tết, thái tử còn nâng cốc vui chuyện với lũ em. Hoàng thượng vừa đi khỏi, thái tử đã đóng chặt cửa cung, mười ngày mới gửi người giục ngựa chuyển tấu chương ra tiền tuyến; hoàng thượng phê duyệt xong, lại cho khoái mã đưa về cùng tình hình chiến sự.

Tứ a ca bắt đầu thấy lo, chẳng biết dạo trước mình thân thiết với thái tử liệu có khiến hoàng thượng bất mãn hay không. Đành ra sức gấp bội, cố gắng làm tốt công việc được giao. Chỉ là nỗi sợ trong lòng cứ mỗi ngày một lớn thêm. Không phải chàng không đoán ra ý của hoàng thượng, nhưng ngài không thể nào lảng tránh việc thái tử đã đến tuổi thành thân được. Dần dà rồi các đại thần trong triều cũng sẽ dâng sớ góp ý, mời thái tử cùng tham gia chính sự. Tóm lại, cứ để thái tử "học" hoài là không được.

Thái tử cũng không còn cách nào giành được sự tín nhiệm của hoàng thượng nữa. Ngồi ở vị trí của y, làm tốt hay làm tệ đều bị người khác nói, hay dẫu có muốn làm ở mức trung bình thôi, sẽ lại bị chê bôi làm qua loa xoàng xĩnh. Vả lại, nếu những nghi kỵ của hoàng thượng mỗi ngày một nhiều hơn, thì ngài sẽ rất khó tin thái tử sẽ bằng lòng thúc thủ chịu trói.

Tứ a ca không muốn bị cuốn vào cuộc đấu tranh giữa hoàng thượng và thái tử, song chàng là a ca xếp hàng trước nhất, chuyện này không phải cứ chàng không muốn là sẽ không dính dáng vào được.

Mấy bữa nay, ngoài ban ngày theo dõi tiến độ dựng phủ đệ của Thất a ca và Bát a ca, thì đến tối Tứ a ca lại ngồi trầm tư trong thư phòng.

Nếu hoàng thượng muốn hạn chế không cho quyền hành của thái tử bành trướng ra thêm, rất có khả năng rằng ngài sẽ không tự ra tay, mà là đẩy một vài a ca đã trưởng thành vào những mớ mâu thuẫn xích mích này. Xếp phía đầu là Đại ca ca, Tam a ca và chàng. Ngũ a ca thì thiếu điều gắn bốn chữ "ta hạng tầm thường" lên đầu, Thất a ca cũng giả ngu.

Nhưng còn Bát a ca... Y vốn mang lòng cầu tiến, nên liệu có vâng theo ám chỉ của hoàng thượng mà ép thái tử thoái vị hay không?

Tứ a ca lấy ra một tờ giấy, viết mấy con chữ, khoanh vòng chữ "Bát" lại, sau đó đưa tờ giấy vào gần sát ngọn đèn, nhìn nó dần bị đốt thành tro tàn.

Tháng năm, theo tin báo, Cát Nhĩ Đan uống thuốc tự sát, hoàng thượng thắng lợi thu binh về triều.

Thái tử thở phào, bước chân đi đến Nam thư phòng nhẹ nhàng chưa từng thấy. Đến nơi, đầu tiên y báo nay hoàng thượng đại thắng, Cát Nhĩ Đan sợ hãi trước sức mạnh của hoàng thượng, đã uống thuốc độc tự vẫn.

Tuy chúng đại thần biết tin từ trước rồi, song lúc này người nào cũng mừng vui ra mặt, một lần hiếm hoi Nam thư phòng rộn vang tiếng cười.

"Ít ngày nữa hoàng thượng sẽ về. Chúng ta hãy mau chóng hoàn thành công việc hoàng thượng giao phó, những việc này phải được kết quả ngay trong hôm nay. Sớ đã đến đây, ở trên có lời phê của hoàng thượng." Thái tử nói.

Có lời hoàng thượng phê, những việc tiếp sau lại đơn giản. Kỳ thực cũng chỉ gồm hai vấn đề là nông dân không chống chọi được thiên tai và quan lại th@m nhũng, làm phản mà thôi. Tuy chỉ có mười mấy ông, và cũng bị xử từ lâu rồi, song từ giây phút báo cáo lên trên, mấy vị đại thần vẫn chẳng dám kết luận tùy tiện, đùn đẩy tới lui không ai chịu lên tiếng.

Hiện giờ hoàng thượng đã quyết định: trong đám quan viên kích động dân chúng nổi dậy, sẽ thả hai, giết một. Nên họ cũng cần nhanh nhanh viết đôi lời hay ý đẹp về số được thả này, số còn lại hiển nhiên là phải tội ác tày trời.

Thái tử vẫn ngồi hiên ngang ở trên, thủng thỉnh phẩm trà. Các đại thần ở Nam thư phòng đã suy tính xong, truyền tay nhau đọc một lượt rồi đưa về đặt trên bàn của y. Thái tử không xem vội, hỏi các vị đại thần đọc hết cả chưa? Chúng đại thần đáp đã đọc, thái tử mới đọc; làm như đọc kỹ hết một tuần trà, mới cười bảo: "Ta thấy thế này là được rồi." Nói xong lấy ấn thái tử ra, đóng dấu rồi gửi trả cho chúng đại thần, để họ sao lưu và phát xuống.

Thái tử cứ ngồi đóng ấn thế suốt một ngày, những tấu chương được phát đi có dấu ấn thái tử này sẽ là minh chứng cho dấu tích chính trị của y.

Nhưng buổi tối khi thái tử quay về Dục Khánh cung, cởi bỏ miện phục thái tử, mới thở một hơi thật dài như là vừa trút được gánh nặng ngàn cân.

Sau khi hoàng thượng hồi cung, Tứ a ca đi thỉnh an mới gặp thái tử. Chàng giật mình phát hiện có đâu mấy tháng chưa gặp, mà thái tử đã gầy hơn rất nhiều. Bộ thường phục màu xanh khổng tước khoác trên người lại trông vẻ hơi thùng thình, làm bật lên cả sắc diện xanh xao suy yếu của thái tử.

Chàng bước nhanh qua: "Thỉnh an thái tử."

"Lão Tứ đó à." Thái tử cười nói, đứng lại vẫy tay gọi chàng tới gần.

Tứ a ca đi qua sóng bước với thái tử, nhìn gần mới thấy thần sắc thái tử có vẻ mỏi mệt hơn nhiều, lo lắng hỏi: "Hình như thái tử điện hạ gầy đi thì phải."

Thái tử cười điềm đạm, nói: "Do hè ăn ít, người cũng gầy theo. Vừa vào hè, thiện phòng toàn đưa đồ ninh hầm, chưng hấp sang, nhìn đã chẳng buồn ăn uống. Muốn ăn món gì thanh đạm, họ lại cằn nhằn thế nọ thế kia."

Những người hầu hạ thái tử toàn bộ là người do hoàng thượng ban, mọi việc phục dịch thái tử đều vâng theo lệnh hoàng thượng. Tứ a ca vừa nghe đã nghĩ ngay đến ma ma và thái giám tổng quản hồi bé, mày chàng nhăn tít, nói: "Vậy... hay là điện hạ đi nơi khác đổi khẩu vị."

"Đi đâu đổi đây? Ai dám cho ta ăn thứ ta không nên ăn? Lúc đó lại lôi cả đám người ra cửa phạt gậy, phiền lắm." Thái tử khoát tay, khẽ thở dài: "Ta vẫn nên ở yên, đừng hại người khác là hơn."

Tứ a ca đành nuốt ngược những lời còn lại vào bụng.

Hai người chậm bước tới Võ Anh điện, khi gần tới nơi, thái tử nhỏ giọng nhắc Tứ a ca một chuyện: "Có chuyện này có lẽ đệ đã nghe nói rồi. Phúc tấn của Minh tướng* bị ám sát, chuyện này đã truyền lên ngự tiền, hoàng a mã nổi giận, đang xử rất nghiêm. Đoán chừng còn phải cử người đến phủ Minh tướng xem xét... Chuyện này, đệ đừng nhúng tay vào."

Những lúc thế này, phe phái sẽ rõ.

*Minh tướng ý chỉ Nạp Lan Minh Châu, đại thần nổi tiếng dưới thời Khang Hi. Em giải thích thêm một chút cho mọi người rõ hơn về đoạn phe phái thì lúc bấy giờ trong triều nhà Thanh đang có hai phe, một phe phản thái tử và một phe ủng hộ thái tử. Đứng đầu phe ủng hộ thái tử là Sách Ngạch Đồ - một đại thần có uy vọng ngang hàng với Nạp Lan Minh Châu trong triều, hai người này luôn luôn chèn ép lẫn nhau. Do vậy nên thái tử mới không muốn anh Tư dính vào vụ này.

Tứ a ca nghe xong, lòng dấy lên bàng hoàng, vội cúi đầu cảm tạ lời thái tử nhắc.

Trong Võ Anh điện, ngoài hoàng thượng thì Đại a ca, Tam a ca, Ngũ a ca, Thất a ca đều đã có mặt. Thái tử và Tứ a ca lần lượt bước vào, thái tử thỉnh tội trước: "Vừa nãy đi giữa đường gặp lão Tứ, chuyện trò một lúc chợt quên mất giờ, chắc Đại ca và các đệ đệ đợi lâu lắm."

Đại a ca thoáng nhìn, cũng không nói thêm gì.

Tứ a ca vừa đứng ra đằng trước Ngũ a ca, hoàng thượng nói: "Biết con và lão Tứ gần gũi nhau rồi, nhanh lại đây ngồi."

Tứ a ca thấy thái tử giữ nguyên nụ cười, khi ngồi xuống lại hơi khom người. Chàng cũng lùi về sau nửa bước, Ngũ a ca liếc qua chàng một ánh nhìn đồng cảm, đoạn cúi đầu giả làm khúc gỗ.

Đợi cả nửa buổi trời, chẳng thấy Bát a ca đâu, Tứ a ca lia mắt một vòng ra tận ngoài cửa điện, Ngũ a ca ho nhẹ nhắc nhở chàng. Hoàng thượng ngồi trên nói: "Lão Tứ tìm gì, mà hết nhìn đông lại ngó tây?"

Huynh đệ cả điện cười ầm lên trêu chọc chàng.

Bị các huynh đệ cười, bị hoàng thượng chỉ đích danh, Tứ a ca đâm xấu hổ, bước khỏi hàng thưa: "Nhi tử không thấy lão Bát, đang nghĩ có phải đệ ấy vướng chuyện ở đâu không."

Tiếng cười trong điện ngưng bặt, Tứ a ca biết có chuyện không ổn, đầu cúi gằm tận ngực.

Hoàng thượng ở trên chậm giọng bảo: "Ồ, con đến muộn, ban nãy trẫm đọc sớ cùng chúng nó. Nhà Nạp Lan Minh Châu xảy ra chuyện ô nhục, trẫm cho lão Bát tới đó xem sao, về sẽ trình lại cho trẫm và các anh."

Lão Bát... đệ thực là...

Tứ a ca cười, về chỗ đứng. Đại a ca đứng phía dưới thái tử, từ lúc Tứ a ca nhắc đến Bát a ca, đã cụp mắt suy tư mãi, chẳng trông rõ nét mặt. Nụ cười trên mặt Tam a ca thì như phết một lớp hồ dán, chưa giây nào suy suyển. Ngũ a ca lại cười hết sức chân thành.

Tứ a ca và mọi người nói chuyện với hoàng thượng, nên cười thì cười, nên nghe sẽ nghe. Tiếng ve kêu ngoài điện mỗi lúc một vang. Tứ a ca nghe ve kêu râm ran, như rơi vào một cõi trời riêng biệt. Bất thình lình, một chuỗi tiếng bước chân nhanh nhẹn thoăn thoắt truyền vào điện, Bát a ca rảo bước vào cùng gương mặt phơi nắng đỏ gay, quỳ ở giữa điện, cất cao giọng thưa: "Hoàng a mã, nhi tử đã về."

Thấy Bát a ca, hoàng thượng cười tươi hơn, nâng tay bảo: "Dậy đi, nói cho trẫm và các ca ca của con nghe xem, bên kia sao rồi?"

Bát a ca vững giọng nói: "Nạp Lan đại nhân cảm kích ơn đức của hoàng thượng, nước mắt thành dòng khấu tạ hoàng thượng ân sủng vô biên..."

Nhìn thấy Bát a ca đứng trong điện không một chút rụt rè, Tứ a ca cảm tưởng như lần đầu tiên nhận ra đệ đệ này đã khôn lớn.

Đại a ca nhớ lại lời Bát a ca nói vào lần trước khi hai người tâm sự.

Y nói: "Đại ca, đệ hiểu. Đệ cũng biết mình không bì được với thái tử. Không phải đệ không hiểu, lỡ hoàng a mã chỉ muốn tìm một người cho thái tử luyện tay thôi, thì mọi chuyện đệ đứng ra làm coi như thành công cốc."

"Đại ca, huynh cũng biết từ nhỏ đến lớn đệ thế nào, thậm chí lúc đệ còn nằm trong tã lót huynh cũng thấy rồi. Huynh hay nói đệ giống như a ca của huynh, đệ cũng vậy, trong lòng đệ, huynh không khác gì một a mã. Đệ không sợ nói với huynh, đệ muốn cố xem xem. Dù miếng bánh ngọt hoàng thượng quẳng ra có chứa độc, đệ cũng sẽ cắn."

"... Vì nếu không đi theo ý hoàng thượng, đệ sẽ không giành được gì cả."

Lúc nói những điều này, cặp mắt Bát a ca sáng rỡ lên như con sói đói sắp sửa vồ lấy con mồi.

Đại a ca thầm nghĩ: Lão Bát, giờ đệ đứng ra, mọi chuyện về sau sẽ không còn được làm theo ý mình nữa. Mong rằng cho đến cuối cùng, đệ sẽ không hối hận.

Nghĩ vậy, Đại a ca hướng mắt lên phía hoàng thượng ngồi trên cao tít, đương nhìn Bát a ca với cái nhìn từ ái. Lúc họ còn nhỏ, hoàng thượng là a mã của họ. Nhưng khi họ lớn lên, ngài lại là hoàng thượng.

Y vũ dũng cương cường, lại chẳng dám kết giao với những hạng văn thần. Thái tử thì sao? Thuở bé bắn cung, cưỡi ngựa, bày trận, chưa người nào thua thái tử, nay ngoài những khi thỉnh thoảng quất roi trong cung, đến cưỡi ngựa cũng rất ít ỏi.

Lão Bát, kết cục của đệ sẽ là gì đây?

(còn tiếp)

Truyện Chữ Hay