Người Trong Số Mệnh

chương 4

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

8.

Trong cái gọi là số mệnh, luôn tồn tại những thăng trầm kỳ diệu như vậy.

Không ngờ còn có một ngày, ta, mẹ ta, thêm cả Triệu Tứ Thủy, có thể ngồi quây quần bên bếp, cùng nhâm nhi uống trà.

Mẹ ta nhanh tay moi một củ khoai từ đống than hồng, rồi hỏi Triệu Tứ Thủy: "Bây giờ cậu kiếm sống ở đâu?"

Triệu Tứ Thủy đáp: "Tại hạ đang làm viên chức nhỏ ở Nha Môn."

Cần phải biết, cả đời mẹ ta có hai kỳ vọng đối với tương lai của ta. Thứ nhất là tìm chàng rể làm viên chức nhỏ trong Nha Môn, thứ hai mới là qua nhà Trương đồ tể ở kế bên làm bà chủ.

Quả nhiên, hắn vừa dứt lời, mẹ ta đã lập tức thay đổi thái độ, vốn đang cầm củ khoai định lột ăn, thế mà bỗng quay ngoắt đưa cho Triệu Tứ Thủy, còn ân cần nói: "Bình thường thím Đào đã nhìn ra con có tiền đồ rồi, mà làm viên chức gì thế?"

Triệu Tứ Thủy nhận lấy, phủi phủi lớp bụi trên vỏ khoai rồi đưa sang cho ta, sau đó khách khí nói: "Chỉ làm chân sai vặt thôi."

Ta ngồi bên cạnh hít hà cắn miếng khoai, suýt chút đã cắn trúng lưỡi. Có lẽ do hôm nay hắn không đeo mặt nạ, cộng thêm bộ dạng chải chuốt chẳng khác gì một tên ngụy quân tử, mà dường như mẹ ta quên mất, hắn còn biết giet người.

Trái lại, ánh mắt bà nhìn viên chức nhỏ làm ở Nha Môn này càng lúc càng vừa ý. Còn truy hỏi thêm đủ điều.

"Vậy... con có hôn phối chưa? Nhà bao nhiêu huynh đệ? Song thân còn khoẻ không?"

Nghe tới đây ta hơi khó chịu, vội đặt khoai lang xuống, nói: "Mẹ, mẹ hỏi mấy cái này làm gì?"

"Con nha đầu chết tiệt này! Hỏi thì sao hả? Mẹ cũng đâu có hỏi con. Triệu Tứ Thủy người ta còn chưa bất mãn, con bất mãn cái gì?"

Triệu Tứ Thủy lanh trí nịnh nọt: "Thím Đào đã hỏi, tất nhiên tại hạ phải trả lời. Song thân trong nhà còn khoẻ mạnh, trên dưới có ba huynh đệ, tại hạ là con thứ. Về chuyện hôn phối, tạm thời vẫn chưa có."

Hay cho câu tạm thời vẫn chưa có hôn phối. Ta tận mắt thấy trên cáo thị, giấy trắng mực đen viết rõ ràng là hắn sắp thành thân.

Nhưng mà Lâm Tiểu Tiểu, mi tức giận gì chứ? Giận hắn lừa gạt mẹ mi, hay giận hắn sắp có thê tử. Sớm muộn gì hắn cũng phải thành gia lập thất. Không cưới một tiểu thư nhà quan xinh đẹp lễ nghĩa, chã lẽ lại cưới một đứa không biết chữ như mi sao?

Hơn nữa, hắn cưới hay không thì liên quan gì tới mi? Lúc này, mẹ ta ở bên kia lại bắt đầu hỏi: "Muốn cưới người như thế nào?"

Triệu Tứ Thủy đáp với giọng ôn hoà: "Tất nhiên là cưới người tâm đầu ý hợp."

Ta thực sự không nghe nổi nữa, chỉ ném lại một câu con ăn no rồi, con đi ngủ đây, sau đó đứng dậy rời đi.

Lúc ra khỏi cửa mới phát hiện, ta vốn đang ở phòng mình cơ mà. Căn phòng mà ba người bọn ta ngồi túm tụm uống trà chính là phòng của ta. Bây giờ nhìn quanh nhà, ngoại trừ phòng mẹ ta thì chỉ còn căn phòng phía tây của Triệu Tứ Thủy là có thể ngủ được.

Ta thầm thở dài, rồi bước tới bậc đá trong sân ngồi phịch xuống. Ánh trăng như sương mờ, ta tựa đầu lên hai gối, nghiêng mắt ngắm sao trời một lát.

Suốt nửa năm kể từ khi Triệu Tứ Thủy rời đi, sự nhiệt tình mà Trương Đại Ngưu dành cho ta vẫn không suy suyễn. Tuy ta đã thôi ghé mua xương ống, nhưng những miếng thịt thăn hảo hạng của nhà huynh ấy vẫn đều đặn được giao qua nhà ta. Làm đến nỗi ta không dám đi ngang nhà Trương đồ tể nữa.

Quãng thời gian này mẹ luôn hối thúc ta, rằng tuổi ta đã không còn nhỏ, lẽ ra phải gả đi từ lâu rồi. Nhưng ta không muốn gả đi.Chỉ cần nhắm mắt lại, trong đầu ta sẽ hiện lên cảnh tượng Triệu Tứ Thủy dạy ta viết từng nét chữ trên cát. Ta viết chữ "Chiếu" trong Thẩm Chiếu còn đẹp hơn cả chữ "Tiểu" trong Lâm Tiểu Tiểu.

Chẳng rõ đã qua bao lâu, bên cạnh ta có bóng người ngồi xuống. Không cần ngẩng đầu cũng biết đó là Triệu Tứ Thủy.

Hắn lên tiếng: "Ta biết muội đã đọc được cáo thị. Phụ hoàng định sẵn Thái tử phi cho ta, mối hôn sự này ta không tài nào trốn tránh."

Ta lặng thinh cúi gằm mặt.

"Hoàng tử liên hôn, công chúa hoà thân. Sinh ra trong hoàng gia, có rất nhiều việc đều là thân bất do kỷ."

Nói đoạn, hắn kéo ta ngẩng dậy, rồi vươn ngón tay lau đi giọt lệ trên khóe mắt: "Khóc gì hả? Ta sẽ không cưới nàng ta."

Ta ngân ngấn nước mắt nhìn hắn: "Tại sao?"

"Bởi vì ta không thích nàng ta."

"Vậy huynh thích ai?"

"Ta thích muội, muội có thích ta không?"

Ta tròn mắt ngạc nhiên, ngẫm nghĩ chốc lát lại nói: "Ta không thích, ta thích Triệu Tứ Thủy."

"Ừ, ta là Triệu Tứ Thủy."

"Huynh làm Thẩm Chiếu rồi, huynh không phải Triệu Tứ Thủy."

Hắn đảo ngón tay quấn lấy lọn tóc của ta, sau đó áp lên trán ta, nói: "Triệu Tứ Thủy có thể cưới muội, lẽ nào Thẩm Chiếu không thể sao?"

Thẩm Chiếu muốn cưới ta? Hắn là Thái tử sao có thể cưới ta chứ.

Ta lắp bắp không thành câu: "Huynh, huynh muốn để ta làm ngoại thất ư? Nhà ta tuy nghèo thật, nhưng ta không bao giờ làm ngoại thất..."

Thẩm Chiếu cau mày ngắt lời ta: "Sao muội lại nghĩ là làm ngoại thất? Ta nói chữ cưới, muội không nghe rõ ư? Ta muốn cưới muội làm chính thê."

Chính thê của hắn... Vậy chẳng phải là Thái tử phi sao? Tương lai còn trở thành Hoàng hậu.

Chuyện này thật hoang đường.

Ta tiếp lời: "Cầm kỳ thi hoạ ta đều không biết, sao xứng làm chính thê của huynh?"

"Cầm kỳ thi hoạ, trong cung tự có danh gia đảm nhận, thê tử của ta không cần biết mấy thứ đó. Lúc nãy ta vừa nói với mẹ muội là ta muốn cưới người tâm đầu ý hợp, lẽ nào muội quên rồi sao?"

Ta khịt khịt mũi, trả lời hắn: "Huynh thích ta, còn nói với ta những điều này, trong lòng ta rất vui. Nhưng làm Thái tử phi thì ta không đảm đương nổi. Tục ngữ có câu, nồi nào úp vung nấy, ta chỉ là chú chim nhỏ giữa đại ngàn, đối với chuyện trọng đại như tiến cung, ta thật sự không có bản lĩnh. Huống hồ, ta cũng không rành quy tắc trong cung. Huynh cưới ta, chỉ khiến người khác chê cười thôi."

Thẩm Chiếu nói: "Trong cung, thứ không thiếu nhất chính là người hiểu quy tắc. Chỉ cần có ta ở đây, sẽ không ai dám cười nhạo muội. Muội nói muội là chim nhỏ giữa đại ngàn, vậy hãy nhớ, chim bằng một ngày cùng gió bay lên. Cưỡi trên gió lốc, bay thẳng lên chín vạn dặm. Muội cho rằng gả cho ta thì phải biết cầm kỳ thi hoạ sao? Tinh thông cầm kỳ thi hoạ là có thể làm mẫu nghi thiên hạ ư? Một cân gạo bao nhiêu tiền, một cuộn vải bao nhiêu tiền, mùa nào trồng trọt, mùa nào đánh bắt? Muội sống ở nhân gian, ắt biết rõ hơn bất kỳ ai. Làm thê tử của ta có gì mà không xứng?"

Ta nghe mà đực mặt ra, cuối cùng mơ hồ nói: "Theo lời huynh, ngay cả Hoàng hậu ta cũng làm được."

Thẩm Chiếu bật cười gõ đầu ta, sau đó hung hăng mắng: "Nói khoác không biết ngượng, đúng là suồng sã quá."

Ta ngửa mặt lên trời thở dài: "Vậy nên, hai chúng ta nước sông không phạm nước giếng. Huynh là trăng trên trời, còn ta là người trần thế. Huynh nói muốn cưới ta, ta đã nghe rồi. Đoạn tình này đến đây nên tỉnh mộng thôi."

Thẩm Chiếu im lặng hồi lâu mới cất giọng hỏi: "Muội biết nguyên do nào mà tú tài liên tiếp thi trượt công danh không?"

Tú tài? Ta chẳng hiểu sao Thẩm Chiếu đột nhiên nhắc tới chàng ta, nhưng ta vẫn thành thật đáp: "Không biết."

Thẩm Chiếu giải thích: "Ta từng đọc thử bài thi của tú tài, đều là những lập luận sắc sảo chỉ ra sai lầm của thời đại. Nhưng cuối cùng lại thi trượt, liên tiếp thi năm lần mà vẫn trượt, bởi vì hắn không phải con cháu thế gia. Nếu hắn xuất thân từ danh môn vọng tộc, đoán chừng bây giờ đã đạt chức quan tam phẩm rồi."

Ngập ngừng chốc lát, Thẩm Chiếu nói thêm: "Lúc đầu kẻ ám sát ta cũng là người của thế gia."

Ta sửng sốt: "Sao họ dám?"

Thẩm Chiếu xắn tay áo, cười khẽ: "Có gì mà không dám? Nhóm gia tộc lâu đời đã quen thói hống hách, thậm chí chi phối cả vương quyền. Sĩ tử nhà nghèo ngụp lặn không lối thoát, triều đình thiếu thốn nhân tài, ta phải gấp rút thực hiện chính sách mới. Tiểu Tiểu, lần này đính hôn là vì trấn an các thế gia. Ta có nỗi khổ tâm, người khác không hiểu ta, nhưng hy vọng muội có thể hiểu cho ta."

Mấy trò đấu đá ở triều đình, ta hoàn toàn mù tịt. Nhưng suy đi nghĩ lại, muốn đả đảo giới quý tộc là chuyện rất khó khăn. Hẳn là vô cùng mệt mỏi.

Ta bèn đứng dậy, đi về phía nhà bếp. Thẩm Chiếu vội đuổi theo hỏi: "Muội đi đâu vậy?"

Ta bĩu môi: "Đi nấu canh xương cho huynh uống."

9.

Lần gần nhất ta về nhà lúc tối muộn, là vì dẫn theo một tên áo trắng máu me đầy mình. Lần này cũng về nhà lúc tối muộn, lại dẫn theo một đại cô nương như hoa như ngọc.

Vừa thấy mỹ nhân đẹp tựa tiên nữ kia, mẹ ta đã cầm không nổi ki hốt rác, làm đậu rơi tung toé khắp nền nhà.

Hồi xưa khi Triệu Tứ Thủy còn ở đây, ngày nào mẹ ta cũng chỉ cây dâu mắng cây hoè. Thế mà giờ Như Ý đến tá túc, bà suốt ngày cười ngoác mang tai. Chỉ vì cửa tiệm nhà ta đã có một cô nương xinh đẹp lung linh ngồi túc trực. Thanh niên trai tráng từ mười dặm thôn xóm xung quanh đều tranh nhau tới mua đậu phụ.

Chiều chiều sau khi dọn hàng xong, Như Ý thường dạy ta viết chữ. Nàng cực kỳ kiên nhẫn, tâm tính lại dịu dàng. Chỗ nào Triệu Tứ Thủy chưa nói rõ, nàng sẽ giảng lại từng chút một. Dạy viết xong thì chuyển sang dạy ta học văn, làm thơ.

Như Ý vẫn đeo băng vải trắng trên cánh tay. Những đêm trằn trọc không ngủ được, nàng sẽ thắp đèn đi qua phòng ta, nhờ ta kể nàng nghe những chuyện về tú tài.

Ta khuyên nàng, ngày tháng còn rất dài, không thể canh cánh mãi chuyện xưa. Như Ý nói muốn để tang ba năm cho tú tài.

Qua ba năm đó thì sao?

Như Ý nói đời này nàng không gả cho ai cả. Rồi nàng hỏi ta có người trong lòng không, ta chợt nhớ đến hình bóng Triệu Tứ Thủy dưới ánh trăng, đôi tai thoáng chốc nóng bừng, nhưng ngượng ngùng nói không có.

Như Ý nhìn thấu mọi thứ, nàng nhẹ giọng giải bày cùng ta: "Tiểu Tiểu, ta thực sự ngưỡng mộ muội."

"Có gì mà ngưỡng mộ? Tỷ xinh đẹp như vậy, lại có đủ tài hoa. Muội ngưỡng mộ tỷ còn không kịp nữa là."

Như Ý đưa tay vuốt tóc ta: "Bao năm qua ta lăn lộn chốn phong trần, từ lâu đã không còn tin vào đàn ông. Khó khăn lắm mới tin tưởng một người, nhưng chàng ấy đã chêt rồi. Tiểu Tiểu, cứ tiến lên, đến bên cạnh người muội yêu đi."

Nghĩ đến Tử Cấm Thành u ám mịt mù, ta buông lời thở than: "Người muội yêu, huynh ấy là cánh diều bay vút chín tầng mây, mà trong tay muội chỉ nắm một sợi dây. Mỗi lần nghĩ tới, muội thấy rất mông lung."

Như Ý nói: "Diều bay cao cách mấy cũng có lúc phải thu dây. Tiểu Tiểu, muội là một cô gái dũng cảm, đừng sợ nhé."

Cuối xuân, hoàng đế băng hà, Thẩm Chiếu đăng cơ, bắt đầu thúc đẩy chính sách mới, đồng thời cải cách mọi phương diện.

Rất lâu rồi hắn không ghé thăm ta. Ta đoán, có lẽ trong cung đang bận tối mắt tối mũi.

Ta không biết mình có thể giúp gì cho hắn, nên đành mỗi ngày đến Lan Hương Các nghe nhóm thư sinh bàn luận.

Kể ra cũng xem là truyền kỳ, hai người dạy ta viết chữ làm văn, một người nay là thiên tử, còn người kia là hoa khôi nổi danh kinh thành. Việc này giống như một kẻ không biết nấu nướng, nhưng đã nếm thử món thịt hảo hạng vậy.

Theo ta thấy, hầu hết thư sinh ở Lan Hương Các đều ba hoa khoác lác, nói toàn những chuyện trên mây. Duy chỉ có một người thường ngồi thu mình trong góc, bộ dạng rất kiệm lời, nhưng thi thoảng cũng phát biểu vài câu. Ấy vậy mà tình cờ trùng khớp với những chủ trương mà Thẩm Chiếu từng nói với ta.

Người đó trông có vẻ rất nghèo, quần áo vá víu đủ chỗ, phải dựa vào việc viết thư thuê để kiếm vài đồng mưu sinh. Nhìn chàng ta, cứ khiến ta nhớ tới tú tài.

Nghe người xung quanh thường gọi chàng ta là Cố Thanh Ngôn. Ta cũng âm thầm quan sát suốt ba ngày liền, mỗi ngày chàng ta chỉ ăn một cái màn thầu lót dạ.

Sang ngày thứ tư, ta bước tới ngồi đối diện Cố Thanh Ngôn. Chàng ta đặt sách xuống, sau đó cầm bút lên rồi nhìn lướt qua ta, hỏi: "Cô nương cần viết thư nhà ư? Nội dung thế nào? Là đọc sao viết vậy, hay muốn tại hạ giúp cô trau chuốt câu từ?"

"Không viết thư nhà."

Ta nói tiếp: "Ta bán đậu phụ ở hẻm Tây. Đậu phụ nhà ta rất rẻ, chỉ một văn tiền thôi. Nếu đương tuổi đi học, còn có thể tặng miễn phí."

Cố Thanh Ngôn khẽ nhướng mắt, vẻ mặt đan xen đủ thứ cảm xúc từ lúng túng đến kinh ngạc. Ta giật mình nhận ra sai lầm của bản thân. Có điều muốn hối hận cũng muộn rồi.

Quả nhiên, Cố Thanh Ngôn đặt bút xuống nói: "Đại trượng phu không ăn đồ bố thí. Đa tạ ý tốt của cô nương."

Ta hết cách đành hậm hực ra về, về nhà ngồi nghiền ngẫm suốt cả ngày. Sáng hôm sau, trong đầu ta loé lên một ý tưởng, nên vội vàng tìm mẹ thương lượng. Ta muốn lấy ra năm mươi lạng bạc mà Triệu Tứ Thủy cho mỗi tháng để mở thêm một cửa tiệm, chuyên nấu ăn cho những thư sinh nghèo bữa đói bữa no.

Mẹ ta không đồng ý. Một Triệu Tứ Thủy, còn thêm một Như Ý, mấy chuyện bao đồng mà ta rước về đã đủ nhiều rồi.

Ta vội thuyết phục: "Năm mươi lạng bạc chôn dưới gốc cây cũng đâu nảy mầm. Nhưng lấy ra dùng thì có thể nuôi sống nhiều người. Đều là phận nghèo khổ như nhau, mình không tự giúp mình, lẽ nào còn đợi người khác tới giúp sao?"

Mẹ ta nói: "Làm chuyện này cần phải xuất đầu lộ diện, không thích hợp với mấy người phụ nữ chúng ta."

Ta thầm nghĩ, thế thì vừa khéo, ta đã chọn sẵn được người rồi.

Truyện Chữ Hay