Tôi sống trong một căn phòng đơn giản tại tầng khu A. Tiền thuê một tháng là hai ngàn.
Khi tôi vừa mới lên lầu thì phát hiện mẹ tôi đang hoảng sợ đứng ở cửa, hai mắt đỏ hoe như vừa mới khóc. Tôi lập tức cảm thấy lo lắng, đi tới.
- Mẹ! Sao mẹ lại ở đây?
- Tiểu Phàm bị bệnh, sốt cao gây ra chứng nhiễm trùng máu, đang ở trong bệnh viện cấp cứu. Mẹ gọi điện cho con không được, đành phải về đây tìm. Sao con về muộn như vậy? Phải tăng ca ở công ty?
- Vâng. Hai ngày nay công ty nhiều việc. Mẹ! Tiểu Phàm đang ở bệnh viện nào.
Tôi nói dối mà trong lòng chợt có cảm giác gì đó khó chịu.
Tiểu Phàm chính là kết quả của lần tôi bị hãm hại đó. Lúc ấy, tôi định đi phá thai, dù sao thì mình cũng vẫn chưa kết hôn. Nhưng bác sĩ nói tử cung của tôi quá mỏng, phá rồi thì khả năng có thai gần như không còn.
Vì vậy mà cho dù chưa kết hôn nhưng tôi vẫn cố sinh đứa bé, đặt tên nó là Trầm Tiểu Phàm.
Vì chuyện này mà bệnh tình của ba tôi chuyển biến xấu, cuối cùng rời xa cả nhà chúng tôi. Sau đó tôi dùng tiền tích góp thuê một căn hộ có hai phòng ở ngoại thành, đón mẹ tôi về đây để bà chăm cho đứa bé.
Mẹ tôi vốn không biết chữ, là một người phụ nữ không có ý kiến riêng, nên tới bây giờ cũng không để ý tới công việc và cuộc sống của tôi. Khi tôi sinh con phải nghỉ mấy tháng, số tiền tích góp dùng gần hết nên mới đi làm.
Ngày học đại học, tôi học chuyên ngành thiết kế, mẹ tôi vẫn nghĩ tôi làm ở công ty, chưa bao giờ nghi ngờ. Tôi hi vọng bà không bao giờ biết tới chuyện này.
Tôi cho bà số di động mà không phải điện thoại chỗ làm, bởi vì tôi sợ có người biết tôi có con sẽ nói linh tinh.
Từ trước tới nay tôi luôn cảm thấy việc sinh Tiểu Phàm là chuyện bất đắc dĩ, bởi vì nó không phải là đứa con mà tôi mong đợi. Nhưng khi biết nó bị bệnh, tôi lại cảm thấy sợ hãi.
Hóa ra, vô tình, tôi đã học được cách làm một người mẹ.
Tôi kéo tay mẹ chạy tới đường cái. Nhưng lúc này có rất ít taxi. Hai chúng tôi đi một đoạn rất xa mới có được một chiếc xe. Tôi gần như lao ra để cản.
Trên đường đi, mẹ tôi vừa khóc vừa tự trách bản thân rằng nếu bà không sơ ý thì thằng bé cũng chẳng sinh bệnh.
Tôi quay đầu nhìn qua cửa kính, yên lặng lau nước mắt. Làm sao tôi có thể trách mẹ. Mẹ tôi là một bà lão từ xa đến Ma Đô chăm con cho tôi.
Hơn nữa, nếu nói tới sự nhẫn tâm, có ai hơn được tôi không? Tôi sinh Tiểu Phàm được một tháng thì bỏ đi, hiện tại nó đã được bốn tháng nhưng số lần về nhà của tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mỗi ngày tôi đều sống trong trạng thái lơ mơ, rạng sáng say khướt rồi về nhà, tới đêm lại ra đường như bóng ma. Cuộc sống ngày nào cũng như ngày nào.
Chỉ có mỗi khi cầm tiền, tôi mới có cảm giác chân thực nhất. Bởi vì có tiền, Tiểu Phàm và mẹ của tôi mới có thể sống tốt.
Bình thường, cứ nửa tháng tôi mới về một lần, chơi với Tiểu Phàm đôi ngày rồi lại đi. Mỗi lần nó đều ngạc nhiên nhìn tôi chằm chằm, nở nụ cười thơ dại. Đó là lúc mà tôi chỉ biết im lặng.
Đau mà cũng vui.