Nàng Iđo

chương 17

Truyện Chữ Hay
Tùy Chỉnh
Truyện Chữ Hay

Buổi sáng hôm ấy, tình cờ I-đo quen với một phu nhân người Đức cạnh nhà nàng. Người phụ nữ hàng xóm này đang đứng bên cạnh bậc thang chải chiếc áo lính thủy của một bé trai, vừa lúc đó I-đo cùng với Ka-ti đi chợ về. Ka-ti chào người phụ nữ, I-đo cũng gật đầu chào chị, người hàng xóm nhìn I-đo với ánh mắt thân thiện.

I-đo dừng lại nói:

- Chúng em là khách thuê nhà trọ của ông bà Đa-nau-er. Chúng em là những người Hung. Không biết ở nước Đức có phong tục hàng xóm sang thăm viếng lẫn nhau không? Chồng em họ là Ba-logh. Còn em tên là I-đo.

Người phụ nữ cũng vui vẻ giới thiệu với I-đo tên chồng chị là Mil-ner. Còn tên chị là Dô-zê-phin. Chồng chị là giáo sư trường đại học. Họ đã cưới nhau bảy năm rồi. Họ có một cậu con trai tên là Fritz, nhưng bây giờ cậu bé đang về thăm bà ba ngày ở Thal-kir-chen, nơi đó làng quê đang độ mùa xuân ấm áp. Lẽ ra họ còn có một cô con gái nữa tên là Tri-ni-ke, nhưng cô bé đã mất ba năm nay. Con bé chết vì bệnh sởi. Ôi, con bé mới thông minh, xinh xắn làm sao.

Nói đến đây mắt chị hàng xóm ướt đầm, mắt I-đo cũng rơm rớm. Chị lặp đi lặp lại câu khen ngợi cô bé và I-đo thấy rõ chị vẫn chưa thỏa mãn về lời khen đó.

- Cô hãy đợi chị vào lấy ảnh cháu bé cho cô xem. Nhìn cháu, cô sẽ thấy chị không phải là người mẹ quá khen con. Hay là cô hãy vào nhà chị một chút để nhìn ảnh thằng Fritz trong khung kính. Hãy vào đây nào, chỉ một phút thôi, chị sẽ không giữ cô đến trưa đâu mà sợ.

Họ quen nhau chỉ khoảng mười lăm phút là đã bắt đầu gọi nhau bằng tên riêng và chị chị em em thân mật. I-đo cũng bắt đầu quen hết các nhân vật trong nhà Dô-zê-phin qua các bức ảnh để trong al-bom, lẫn ảnh lồng trong khung kính. Nàng còn biết rằng chị là người phụ nữ nội trợ, chỉ sống trong gia đình với chồng con. Chồng chị hút tẩu thì chị ngồi đàn pi-a-nô. Cứ thứ năm hàng tuần chị dọn dẹp, cọ rửa nhà cửa; họ không bao giờ ăn cà rốt, nhưng bữa ăn trưa thứ tư nào trên bàn ăn cũng phải có món móng bò. Chỉ khi nào áo khoác da hỏng tới độ không còn lộn được nữa thì họ mới thay. Nhạc sĩ mà họ ưa thích là Raff Joa-chin. Nàng còn biết rằng chị Dô-zê-phin biét làm một món bánh nướng với chè, đặc biệt đến mức các đầu bếp của các tiệm ăn cũng phải học chị.Ở nhà chị sạch sẽ không thể nào có một con rệp. Chị có hai đôi hoa tai mà chị đã được thừa hưởng của một bà cô chị không hề hi vọng; bởi vì chồng của bà cô lại đi làm hạ sĩ quan đánh thuê cho các nước thuộc địa ở Ca-mơ-run, sau đó ông rời bỏ con đường binh nghiệp mở một cửa hàng buôn bán ngay ở tại nước đó, nhưng ông đã không gặp may và hết cả vốn liếng.

Ngược lại, chị hàng xóm cũng đã biết rằng I-đo lớn lên trong trường dòng, I-đo đã thực sự chán ngán con đường tu hành, I-đo biết chơi pi-a-nô. Ở bên nhà I-đo cũng không hề có rệp, và nàng chưa bao giờ xem ở trong nhà hát.

Buổi chiều, I-đo lại đi qua thăm chị hàng xóm. Nàng nói, nàng qua chơi một mình bởi vì chồng nàng bận vẽ và không thể dứt ra khỏi công việc dù chỉ một giờ. Lúc đó, có hai bà khách người Đức cũng đến thăm chị hàng xóm, rồi chồng chị (giáo sư trường đại học) cũng đã về, ông có bộ râu quai nón hoe hoe vàng rất lịch sự và dễ cảm tình. Hàm răng trên của ông trắng lóa với những chiếc răng dài mỗi khi ông cười phá lên vui nhộn. Trông ông không có vẻ gì đạo mạo của một giáo sư trường đại học cả mà như là một nghệ sĩ dân gian chính cống. Mọi lời ông nói đều khiến các bà cười như nắc nẻ. I-đo cũng vui lây. Lần đầu tiên trong đời, nàng tiếp xúc với một người đàn ông vui nhộn. Những chiếc răng dài và trắng của ông hễ cứ phô ra là khiến mọi người cười. Thế mà trước đây, chưa bao giờ I-đo tưởng tượng rằng ngôn ngữ Đức lại có thể gây cười được. Nàng cảm thấy niềm vui thật hồn nhiên, dễ chịu.

- I-đo thân mến, em hãy nói cho chị biết có phải tất cả các phụ nữ Hung đều đẹp như em không? – Một chị người Đức hỏi.

- Không đâu. – Giáo sư trả lời thay cho I-đo, - cô ấy là một hạt giống đẹp nhất của người Hung đã rơi lên mảnh đất này đấy. Cơ mà các bà cũng phải nhìn chồng cô ấy thì mới biết. Anh ấy cũng là một người đẹp trai, trẻ tuổi rất hợp với cô ấy, các bà mà thấy thì sẽ cảm người Hung đến thế nào nhé. Tôi có may mắn được nhìn thấy anh ấy rồi, nhưng mà rất tiếc, chúng tôi chỉ chào nhau được có ba lần ở gần cầu thang.

- Em hãy làm ơn về mời chồng em sang đây một phút thôi, - chị Dô-zê-phin nài nỉ, - anh chị sẽ mời vợ chồng em chính thức sang thăm nhà đấy, nhưng mà em hãy mời anh ấy sang đây ngồi năm phút thôi, rồi các chị sẽ lại để cho anh ấy về làm việc. Đến tối, khi anh ấy không vẽ nữa, vợ chồng em lại sang chơi. Em hãy dẫn anh ấy sang đây I-đo. Em hãy để cho các bà chị người Đức này được nhìn thấy một chàng trai người Hung-ga-ri.

- Ôi, anh ấy mới trẻ đẹp làm sao. – Vị giáo sư lại càng khen ngợi Tro-bo không tiếc lời, - có thể thấy anh ấy là một người trí thức. – Tôi sẽ rất may mắn, nếu…

Một bà khách cũng lên tiếng:

- Đúng đấy, khi chúng tôi đang ở đây, em hãy cho chúng tôi có cái may mắn là làm quen với cả hai vợ chồng trẻ và đẹp đẽ như các em.

I-đo cảm thấy vui, nàng xúc động bồi hồi khi nghe họ hết lời ca ngợi “vợ chồng” nàng như là trên thế giới này chỉ có Tro-bo xứng làm chồng I-đo mà thôi.

Trong lúc xúc động như vậy, chợt nàng đã nói ra một câu mà không cân nhắc:

- Các chị nhiệt tình quá, em sẽ cố gắng về mời anh ấy sang thăm các chị một chút.

Không khí trong phòng khách lắng xuống đợi chờ, I-đo đứng lên và đi ra.

Liệu Tro-bo có chiều lòng nàng mà đi sang thăm với một lời mời bất ngờ như vậy không? Nhưng trước mắt mọi người họ vẫn là vợ chồng của nhau kia mà? Họ phải cư xử bình thường như mọi người khác. Ngoài ra, Tro-bo chẳng đã kéo nàng đi thăm nhà ông già Bo-laz mà chẳng hề định trước đó sao. Nàng đã phải ngồi chờ chàng một tiếng rưỡi trên chiếc ghế lau giầy, dưới một đôi tất rách còn ướt, và khi đi về nhà, Tro-bo còn giãi bày tâm tư với nàng như họ không phải người xa lạ ấy. Nào, dù sao thì họ cũng không phải là những kẻ xa lạ hoàn toàn mà nỡ coi nhau như băng giá.

Phòng vẽ yên tĩnh. Chàng không có nhà sao?

I-đo nhẹ nhàng ấn quả đấm mở hé cửa nhìn vào.

Bỗng nét mặt nàng thảng thốt, đôi mi run rẩy như nhìn thấy bóng ma kinh hoàng nửa đêm…

Không, không phải bóng ma mà là người thật. Cái cô gái da nâu mà nàng đã nhìn thấy hôm nọ qua lỗ khóa, mớ tóc đen bẩn xõa ra và cô ta đang quì trên đi-văng của Tro-bo nửa người trên vẫn còn ở trần. Lúc I-đo nhìn vào là lúc cô ta đang cài khuy bên hông, chiếc váy lót trong màu đỏ bẩn thỉu, nét mặt cô ta chán ngán.

I-đo đóng cửa lại, bỏ chạy vào phòng ngủ của nàng. Nàng chạy bổ vào chiếc ghế ở trong góc phòng, gục đầu xuống.

Một cảm giác lợm giọng, buồn nôn khiến đầu nàng rung lên giữa đôi vai.

I-đo về tìm Tro-bo, rồi nàng bỏ luôn không sang nhà hàng xóm nữa. Buổi chiều hôm đó Ka-ti dã xin phép I-đo cho về nhà thăm mẹ. Bỗng nhiên cô gái mẫu người I-ta-li-a của Tro-bo chiều hôm đó lại bị lạnh.

Quả thật hôm đó trời cũng lạnh đột ngột cái rét cuối xuân. Cô gái mẫu cởi áo váy ra thì rùng mình:

- Thưa ngài, ở đây lạnh quá.

Tro-bo ra nhà bếp gọi Ka-ti, nhưng tất nhiên Ka-ti không có ở đấy.

Chàng đi ra phòng I-đo để yêu cầu nàng sai bảo Ka-ti đốt cho chàng một cái lò sưởi đem vào phòng làm việc.

Nhưng chàng đã không tìm thấy I-đo ở nhà.

Chàng nhớ rằng, buổi tối hôm trước họ có đốt lò sưởi. Chàng nghĩ bụng có thể một lò sưởi nào đó đã để sẵn củi để đốt. Chàng xách một cái lò sưởi vào và mở cửa lò sưởi ra nhìn. Cái lò sưởi này hôm trước đã nằm ở trong phòng I-đo. Chàng chẳng nhìn thấy than củi gì ngoài một đống tro tàn.

Nhưng tro gì mà lạ thế, màu đen nhánh như bồ hóng, lại xếp thành hình chữ nhật như là một quyển sách bị cháy.

Chàng nhìn kĩ thì đúng là một quyển vở có chốt ở gáy, I-đo đã xé cái chốt ra và vứt nó ở đấy, còn phần lớn quyển vở đã cháy hết, chỉ còn một phần trắng sát gáy vở.

Hừm… thế đấy…

Chàng thận trọng dùng tay nhấc gáy quyển vở lên. Quyển vở đã bị xé rời trước khi mang đốt. Nhưng ở cái bìa cứng vẫn còn nhìn thấy mờ mờ chữ: “Nhật ký”.

Hừm... ra thế đấy…

Ở gần lề giấy trắng còn sót lại một hàng dọc chữ không cháy hết. Đó là những chữ bắt đầu của mỗi hàng. Tro-bo thấy đó là chữ Hung.

Hừm, vì sợ mà I-đo phải đốt nhật ký của nàng đi? Phải chăng nàng sợ có ai đọc được à? Nhưng trong nhà này còn có ai biết tiếng Hung nữa ngoài chàng? Vậy thì I-đo đốt nhật ký đi vì sợ nó rơi vào tay chàng đây!

- Hừm! Hay thật!

Cái khóa nhỏ để khóa quyển vỡ hãy còn đây nhưng chìa khóa đâu mất? Chắc chắn I-đo đã cẩn thận đốt quyển vở đi để chàng không thể nào biết được những tâm tư của nàng nữa; Mà vì sao I-đo phải đi lấy chồng gấp thế nhỉ?

Buổi tối hôm đó, I-đo không xuất hiện ngoài bàn ăn.

Tro-bo cũng chẳng hỏi Ka-ti xem bà chủ ở đâu

Truyện Chữ Hay