Niên hiệu Thần-Vũ thứ ba (Tân-hợi ), bên Trung-nguyên là niên hiệu Hy-Ninh thứ tư đời vua Thần-Tông nhà Tống; tháng mười, giữa ngày rằm, nhà vua thình lình lâm bệnh. Bốn ngự-y thuộc Thái-y viện được triệu hồi nhập cung Ỷ-Lan để điều trị. Sau khi chẩn mạch, xem lưỡi, quan sát sắc diện nhà vua, cả bốn ngự-y đều không tìm ra lý thì sao có thể đưa ra pháp, rồi định phương điều trị?
Sau khi nghe viện-trưởng Thái-y viện Trần Hữu-Đức tâu trình về bệnh của nhà vua, triều đình lập tức ban hành hai điều. Một là đưa nhà vua về cung Long-thụy an nghỉ. Hai là truyền Khu-mật viện vội cho chim ưng đem chiếu chỉ khẩn cấp đến Vạn-thảo sơn trang thỉnh tiên nương Lê Thiếu-Mai, tức Yên-vương phi.
Việc di chuyển nhà vua về cung Long-thụy là do luật định từ thời vua Thái-tông. Nguyên thời Thuận-Thiên, vua Thái-tổ lâm bệnh tại Tây-cung của Đàm quý phi; sau quan thái-phó Dương-Bình khám phá ra vụ ngài bị đầu độc, mà người đầu độc lại là thân phụ của quý phi Đàm-thụy-Châu... (xin xem Anh-linh thần vũ cùng tác giả do Xuân-thu Hoa-kỳ xuất bản). Cho nên lúc vua Thái-tông lên ngôi, triều đình tâu xin ban luật quy định rõ: « Khi hoàng đế lâm bệnh, thì phải đưa về cung Long-thụy, hay Hội-tiên rồi mời thái-y điều trị. Việc ban hồng ân cho phi tần nào chầu hầu hoàn toàn do hoàng hậu với tể-tướng chỉ định ».
Một mặt triều đình xin hoàng đế ban chỉ:
« Tuyệt đối cấm bách quan, kể cả thị vệ ra vào hoàng cung. Tại cung Long-thụy, Hội-tiên ngoài hành lang, thì chỉ quan tả-hữu đô-úy với đội cấm vệ được đi lại canh phòng mà thôi. Ai vô ý đi lạc vào thì bị đánh trượng ».
Từ khi Ỷ-Lan thần phi sinh thái tử Càn-Đức, thì nhà vua ở luôn trong cung Ỷ-Lan. Ngoài những ngày thiết triều, nhà vua lại về đây làm việc, chứ không về cung Long-thụy, cung Nghinh-xuân, cung Hội-tiên. Để thuận tiện, cũng để giảm chi tiêu, nhà vua cho giải tán đội cấm vệ riêng, rồi phong cho quan vũ-vệ hiệu úy cung Ỷ-Lan là Lê-Huy kiêm luôn chức tả hữu đô úy; đội thị vệ của Huy kiêm luôn nhiệm vụ đội cấm vệ. Hai đội cung nữ cung Long-thụy, Nghinh-xuân được đem gả cho chư tướng, dùng đội cung nữ cung Ỷ-Lan do Chu-thúy-Phượng thống lĩnh kiêm luôn nhiệm nhiệm chầu hầu. Kể từ đấy, cung Long-thụy, Nghinh-xuân, Hội-tiên khuyết đội cấm vệ, cung nữ; dĩ nhiên khuyết luôn chức tả-hữu đô-úy với thống lĩnh cung-nga.
Mặc dù chiếu chỉ ban ra, tiết giảm tối đa cung nga thái giám, để bớt gánh nặng thuế cho dân chúng; các cung, các phủ đều răm rắp tuân theo. Nhưng vì việc kiểm soát này do Ỷ-Lan đảm trách, nên Thượng-Dương hoàng hậu không tuân. Nhà vua biết rõ hậu vi chỉ, ngặt vì hối hận, úy kị việc bỏ phế hậu suốt mấy chục năm qua, nên ngài đành nhắm mắt để mặc hậu muốn làm gì thì làm. Biết vậy, Thượng-Dương hoàng hậu tuyển thêm nhiều cung nga, lập ra sáu đội, mỗi đội mười hai người. Năm đội trưởng là đám tỳ nữ của an-vũ sứ Kinh-Bắc Phạm-Anh gửi về tên Hoàng, Bạch, Huyền, Thanh, Hồng được cải ra họ Dương, và một cung nữ Minh-Can, chính là em ruột Ỷ-Lan thần phi. Sáu đội ứng trực tại cung Long-an, Long-thụy, Nguyệt-minh, Nghinh-xuân, Thúy-hoa, Hội-tiên.
Bây giờ Thần-vũ hoàng đế lâm bệnh, Thượng-Dương hoàng hậu là chánh hậu, nên tể tướng Lý-đạo-Thành để bà điều động việc canh phòng cung cho nhà vua. Thế là viên chỉ huy đội thị vệ cung Thượng-Dương tên Chu-Yêm được trao cho chức tả-hữu đô úy, giữ nhiệm vụ canh phòng cung Long-thụy, Hội-tiên. Còn quan vũ-vệ hiệu úy Lê-Huy với đội thị-vệ, cung nga Chu-thúy-Phượng được trả về cung Ỷ-Lan với thị vệ, cung nữ thuộc quyền.
Ghi chú:
Việc này, ĐVSKTT, Lý kỷ, Thánh-Tông kỷ chép: Niên hiệu Thần-vũ thứ ba (Tân-hợi , Tống Hy-Ninh năm thứ tư), mùa Đông, tháng mười hai, vua không khoẻ,. Xuống chiếu cho Hữu-ty rằng ai vào lầm hành lang quan tả hữu đô thì đánh trượng. Sự việc quá sơ lược. Chỉ độc giả Nam-quốc sơn-hà mới được biết rõ uyên nguyên mà thôi.
Lại nói, Khu-mật viện sai chim ưng đem thư đến Vạn-thảo sơn trang buổi sáng hôm trước, thì chiều hôm sau tiên nương Thiếu-Mai về tới Thăng-long.
Quốc-mẫu Thanh-Mai, Thượng-Dương hoàng-hậu, Ỷ-Lan thần phi, thái tử Càn-Đức, dẫn quan ngự-y ra cửa cung đón tiên nương. Bởi tiên nương là vương phi Yên-vương, Quốc-mẫu Tống, địa vị cực cao, đáng lẽ Thần-vũ hoàng đế phải thân ra đón. Nhưng vì ngài lâm bệnh, nên hoàng hậu phải thay thế.
Lễ nghi tất.
Tiên nương hỏi quan thái-y Trần-hữu-Đức:
– Trần đại nhân, tình hình thánh thể ra sao?
– Trình sư bá.
Ngự-y Trần-hữu-Đức là đệ tử của U-bon vương Lê-Văn, tức sư điệt của tiên nương, thông thường tiên nương gọi thẳng tên ông ra. Nhưng tiên nương hiện là Quốc-mẫu của Tống, tính tình lại trang trọng, ôn nhu, nên người dùng ngôn từ của triều đình. Biết thế, nhưng quan thái-y Trần-hữu-Đức lại không dám bỏ nghĩa sư môn:
– Cách nay bốn ngày, hoàng thượng ngự Kinh-Bắc duyệt thủy quân. Lúc trở về tới bến đò Bắc-ngạn, thì người phát rùng mình, ớn lạnh. Sau khi nhập cung Ỷ-Lan, hoàng-thượng cảm thấy mệt mỏi, người uống hai viên thuốc chống lạnh, rồi đi nghỉ. Nhưng kể từ hôm ấy, hoàng thượng kiêm luôn chứng chóng mặt. Đệ tử chẩn thì thấy mạch trầm trì, lưỡi hồng lợt, bọn lưỡi bình thường. Vì vậy bọn đệ tử không dám quyết định điều trị.
Ghi chú:
Thuốc chống lạnh có từ thời Lĩnh-Nam. Y-sư Trần-đại-Sinh chế cho binh sĩ uống để có sức chống lạnh khi lội qua sông, khi hành quân dưới mưa bão. Thành phần như sau: Gừng tươi %, Quế-chi %, Ma-hoàng %, Cam-thảo %, Mật ong %. Chế thành viên nặng tiền (, g). Để chống lạnh uống một lúc hai viên với nước ấm. Các trường hợp khác mỗi ngày uống hai viên, trước bữa ăn. Chủ-trị: dùng cho người bình thường khi phải làm việc ở nhiệt độ thấp, hoặc sau khi trúng lạnh. Dùng cho người thể tố dương hư người lạnh chân tay lạnh, hoặc sau khi ăn xong bị tiêu chảy.
Mọi người nhập cung.
Thần-vũ hoàng đế ngồi trên long sàng, dựa lưng vào công chúa Thiên-Ninh. Cạnh ngài còn có công chúa Động-Thiên, hoàng tử Chì-Nhân đứng hầu. Hoàng đế cung tay:
– Thần nhi tham kiến sư thúc. Thực nhọc công sư thúc phải hạ giá Thăng-long.
Tiên nương nói với nhà vua như mẹ nói với con:
– Trời có khi nắng, thì cũng có lúc mưa. Thân thể con người khi khỏe cũng có lúc yếu. Mong rằng tài mọn của tôi có thể giải cái bất thường cho hoàng thượng.
Tiên nương tiến lên bắt mạch, án tay vào hai chân, hai tay, vùng bụng, rồi nói với ngự-y Trần-hữu-Đức:
– Bệnh tình của hoàng thượng rất phức tạp, nên Trần đại nhân không tìm ra cũng phải.
Quốc-mẫu Thanh-Mai hỏi:
– Cứ như sư tỷ, thì nguồn gốc bệnh của hoàng thượng từ đâu? Hư hay thực? Hàn hay nhiệt? Nội nhân hay ngoại nhân?
Cách đây năm, thời con niên thiếu, Thanh-Mai với Thiếu-Mai là đôi bạn cực thân thiết. Cả hai đều là con của đại tôn sư võ-học Trần-tự-An, Hồng-sơn đại phu. Sau này, Thanh-Mai được Hồng-Sơn đại phu thu làm đệ tử, rồi trở thành vương phi Khai-Quốc người cầm vận mệnh Đại-Việt. Còn Thiếu-Mai trở thành vương phi Yên-vương, người cầm vận mệnh Trung-quốc. Nay cả hai đã đi vào tuổi sáu mươi, nhưng khi gặp lại nhau tình cảm vẫn nồng thắm như xưa.
– Trong hư có thực, trong thực có hư. Từ hàn sang nhiệt, do nhiệt chuyển hàn. Từ nội biến ra ngoại và từ ngoại nhập nội.
Thiếu-Mai chỉ vào chân nhà vua: Nguyên nhân đầu tiên do hoàng thượng cần lao chính sự quá nhiều. Y kinh nói: Tư thương tỳ. Hoàng thượng tư lự nhiều, khiến tỳ vị hư nhược. Tỳ chủ thống huyết. Khi tỳ vị hư, công năng thống huyết giảm, khiến huyết chuyển vận khó khăn. Huyết chuyển động khó khăn, đưa đến khí bế tắc. Khí chủ dương, khi tỳ khí không vận xuống chân thì hàn, thấp lưu trú. Cho nên lúc đầu thì những tiểu mạch, chi mạch nghẽn, dần dần đưa đến người hơi mập ra từ ngang lưng trở xuống. Sau một hai năm, thì từ gối trở xuống gần như tê dại, da bóng loáng, bắp thịt cứng lại, rồi những tia máu tím xuất hiện.
Mọi người đều đưa mắt nhìn hai chân nhà vua, quả đúng như tiên nương nói.
– Khi công năng thống huyết của tỳ mất đi, các chi mạch, tôn mạch nghẽn, dần dần đưa đến mạch lớn hơn nghẽn. Tâm chủ vận hóa huyết. Khi huyết ở mạch hạ chi bị cản trở, tâm phải thúc đẩy nhiều, rồi thành mệt mỏi. Tâm chủ thần chí. Tâm mệt mỏi thì thần tổn. Đến đây thì hoàng thượng thường hay bị lo phiền không duyên cớ.
Tiên nương nói đến đâu, nhà vua gật đầu tới đó.
– Ban ngày hoàng thượng vận động nhiều thì cơ thể khoẻ mạnh, những khi vận động ít, thì cơ thể yếu đuối. Ban ngày là dương, ban đêm là âm. Phần trên là dương, phần dưới là âm. Như trên nói, tỳ dương khí bị nghẽn, dương khí phân tán khó khăn. Ban đêm, âm khí thịnh, nên khí không lên được đầu. Cho nên chập tối trước khi đi ngủ, thánh thể an khang. Nhưng đêm ngủ, dương khí không lên được đầu, hàn tà thừa cơ xâm nhập. Bởi vậy, sáng dậy, người cảm thấy đầu nặng nề, nhức trước trán. Sau đó, dù không thuốc thang, đến trưa, dương khí thịnh, thì cơn nhức đầu cũng biến đi.
Nhà vua hỏi:
– Thưa sư thúc, thế sao hôm sư điệt đi duyệt binh về lại bị cảm lạnh, rùng mình cho đến nay cũng chưa dứt?
– Bệ hạ đi duyệt binh về, thánh thể đã mệt mỏi, lại bị trúng mưa, phong hàn nhập. Đó là bệnh gốc ở hư, rồi thực tà vào người. Trở về kinh, bệ hạ nằm nghỉ, không vận động, các mạch nghẽn càng thêm nặng. Hàn tà càng nhập sâu. Tuy rằng bệ hạ đã uống thuốc chống lạnh, nhưng không đủ, hóa cho nên thánh thể mệt mỏi.
Tiên nương hỏi thái-y Trần-hữu-Đức:
– Trần đại phu hiểu chưa?
– Khải sư bá, đệ tử hiểu rồi. Bây giờ đệ tử phải dùng ba phương pháp. Một là giải ngoại tà phong-hàn. Muốn thế thì dùng thuốc xông, để tán phong hàn. Hai là phải khai bế, thông huyết. Vì đã dùng thuốc xông rồi, không nên dùng thuốc uống nữa e hỗn độn, như thế phải dùng châm cứu. Khi dùng xông thì tà khí được trục ra, nhưng cũng mang theo chính khí, nên dễ bị suy nhược. Vì vậy chỉ nên xông ba ngày là đủ. Sau ba ngày, ngừng châm cứu, xông hơi, bấy giờ chỉ dùng thuốc bổ huyết, thông dương.
Tiên-nương khen ngợi:
– Trần đại nhân thực xứng là ngự y. Vậy ta dùng thuốc gì nào? Châm những huyệt gì nào? Đại nhân viết ra đi.
Trần-hữu-Đức cầm bút viết, rồi cung cung, kính kính trình cho tiên nương. Tiên nương xem qua:
Sinh khương lượng (tán nhỏ),
Quế-chi lượng,
Ma-hoàng lượng,
Tế-tân lượng.
Ghi chú,
Phương thuốc xông này, ngày nay vẫn còn dùng. Kết quả tốt.
Trần Hữu-Đức tiếp:
– Xông liền ba ngày, mỗi ngày một lần. Đây là phần tán phong hàn. Còn châm cứu thì châm các huyệt: Giải bế, thông dương tán hàn, hành thủy gồm Túc bát-phong, Phong-long, Tam âm-giao, Huyết-hải; trợ tỳ-vị gồm Tam-uyển, Lương-môn, Túc tam-lý, Công-tôn, Nọi-quan.
– Được rồi.
Tiên nương gật đầu khen ngợi: Còn phương thuốc thứ nhì?
Trần-hữu-Đức lại cầm bút viết:
Quế-chi tiền, Đương-quy tiền,
Xuyên-khung tiền, Đào nhân tiền,
Bạch-phục-linh tiền, Đơn bì tiền,
Sơn- dược tiền, Lộc-nhung tiền.
Mỗi ngày uống một thang, uống liền mười lăm ngày.
Sau hơn hai tháng, đúng ngày tháng chạp là ngày ông Táo chầu trời thì nhà vua khỏi bệnh: Hai chân nhà vua đã hết phù, hết bóng, đi đứng nhẹ nhàng, trong lòng không còn hồi hộp, lo lắng nữa. Triều đình cùng dâng biểu chúc mừng. Nhà vua truyền lệnh ân xá cho các tội chưa thành án, các tội nhẹ. Còn tội đại hình thì giảm ba bậc. Lại ban chỉ phát thêm một tháng bổng cho tướng sĩ.
Tể tướng Lý-đạo-Thành thay bách quan dâng biểu tạ ơn. Nhân dịp thiết đại triều vào ngày lễ Thượng-nguyên ( tháng giêng), tể tướng nêu ra những luật lệ của các triều Đinh, Lê, cùng các triều Hán, Đường bên Trung-quốc; xin nhà vua chuyển về ở cung Hội-tiên, làm việc ở cung Cần-chánh, chứ không thể ở luôn trong cung Ỷ-Lan. Trước những luật lệ ràng buộc, Thần-vũ hoàng đế đành chấp nhận; nhưng ngài vẫn dùng Ỷ-Lan thần phi như một đại học sĩ bên cạnh. Hằng đêm ngài truyền cho Ỷ-Lan đến chầu hầu ở cung Long-thụy.
Hôm ấy là ngày mười sáu tháng giêng, nhà vua, Ỷ-Lan, Lý-đạo-Thành, Lý-thường-Kiệt, Hoàng-Kiện, công chúa Động-Thiên, Thiên-Ninh đang duyệt các tấu chương ở điện Cần-chính, thì Khu-mật viện dâng lên ba tấu chương khẩn cấp. Tấu chương thứ nhất của Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương cho biết rằng dư đảng Hồng-thiết giáo Chiêm tụ tập giáo đồ, hô hào người Chiêm nổi dậy ở chín nơi. Loạn quân tàn sát người Việt cực kỳ tàn bạo. Hai vương đã đẹp xong.
Công-chúa Động-Thiên tâu:
– Ba châu Bố-chính, Ma-linh, Địa-lý thuộc về ta đã ba năm. Nhờ chính sách ruộng đất của ta, mà người Chiêm không hề bỏ vào Nam sống trong vùng cai trị của triều đình Chế-Củ. Trái lại có rất nhiều dân Chiêm từ đất Chiêm trốn sang đất Việt. Không hiểu nay sao lại có điều lạ này xẩy ra? Vậy phải cử một đại-thần vào kinh-lý xem tại sao.
Tể-tướng Lý-đạo-Thành đưa mắt nhìn Thường-Kiệt:
– Tâu bệ hạ, nhị vương Trung-Thành, Tín-nghĩa đều là người có tài kinh bang tế thế, mà vẫn loạn, thì thần e có nguyên do nào trọng đại. Nếu như triều đình cử một đại thần vào kinh-lý thì đại thần ấy phải có chức tước cao hơn hai vương. Hiện triều đình không có đại thần nào tương đối đủ điều kiện về chức tước. Theo ngu ý của thần, triều đình không có đại thần nào chức tước cao hơn hai vương, thì ta cử một vị có vai vế lớn hơn hai vương, hay một vị thực thâm tình với vương cũng được.
Nhà vua phì cười:
– Đúng vậy, xét về vai vế, uy tín thì e chỉ mình đại-tư-mã Thường-Kiệt mới khiến hai vương nể vì mà thôi. Xét về thâm tình thì Ninh nhi là người được hai vương sủng ái cùng cực. Vậy Thường-Kiệt, Thiên-Ninh hãy khẩn lên đường ngay.
Một tấu chương của Binh-bộ tâu rằng không rõ lý do nào, Tống di chuyển hải quân từ Mân, Triết xuống Quảng-Đông, rồi thủy bộ tập trận, ngụ ý đe dọa ta. Tể-tướng Lý-đạo-Thành tâu:
– Đây cũng là một bất thường nữa. Tại vùng Tiên-yên ta đồn trú hạm đội Âu-cơ. Tại Đồn-sơn ta đồn trú hạm đội Bạch-đằng. Thế mà Tống còn dám đe dọa, vậy ta phải đưa hạm đội Thần-phù, Động-đình lên biên giới, rồi phối hợp với quân Bắc-biên dàn ra ở lĩnh hải, tỏ rằng ta không sợ.
Nhà vua tuyên chỉ:
– Được! Vậy phò-mã thái-úy cùng công chúa Động-Thiên hãy điều động vụ này ngay lập tức.
Đến đây, một cung nữ tâu: Có thân nhân của thần phi đến báo tin nhà. Thần-vũ hoàng đế truyền cho vào. Người đó là Lê-huy-Lực, em trai thần phi.
Lễ nghi tất.
Thần phi dẫn em sang phong bên cạnh rồi hỏi:
– Em hiện đang giữ chức đô-thống chỉ huy đạo binh của lộ Thiên-trường phải không?
– Tâu thần phi vâng.
– Em về triều có việc gì vậy?
– Bố bị bệnh nặng, mẹ sai người báo cho em biết. Em ghé Thăng-long để đón phi cùng về một thể. Mẹ nói, mình phải về ngay may ra mới có thể được gặp bố lần cuối.
Nghe tin thân-phụ đau nặng, thần-phi thừ người ra. Phi dẫn em tâu tự sự với nhà vua.
Nhà vua nắm tay phi:
– Chữ hiếu là thiên kinh, địa nghĩa. Vậy trẫm để khanh về thần hôn định tỉnh quốc trượng. Sau khi quốc trượng mạnh khỏe, phải lai kinh ngay để phụ giúp cho trẫm.
Ỷ-Lan lo lắng:
– Thần thiếp rời Thăng-long đi, giữa lúc công chúa Động-Thiên đang cùng Hoàng phò mã ở Đông-Triều duyệt thủy quân; sư huynh Thường-Kiệt với công chúa Thiên-Ninh vào Nam kinh lý. Vậy ai sẽ chầu hầu hoàng thượng?
– Không sao đâu. Phi chỉ đi mấy ngày mà!
Tể-tướng Lý-đạo-Thành tâu:
– Hôm trước Tây-hồ thất kiệt, Long-biên ngũ hùng cùng dâng biểu xin được nghỉ nửa tháng về thăm quê sau dịp tết. Hoàng thượng đã chuẩn. Nay nhân việc thần phi về thăm cố lý này, xin hoàng thượng cho mười hai đô thống cùng về theo.
– Được, trẫm chuẩn tấu. Thầy truyền xuất công khố: Vàng trăm nén, bạc nghìn nén, trâu bò mười con, gấm mười tấm, nhiễu hai mươi tấm để phi mang theo ban thưởng cho Dương-quang hầu cùng phu nhân (ghi chú: Dương-quang hầu là tước hàm của ông Lê-văn-Thiết).
Nhà vua nói với Ỷ-Lan:
– Về thị-vệ, cung nga, thái giám phi muốn đem ai theo thì tùy ý.
Ỷ-Lan tâu:
– Hồi trước thiếp vinh qui cố lý, hoàng thượng truyền hai hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn, với hai tướng Bùi-hoàng-Quan, Nguyễn-Căn theo hộ giá với mục đích hỏi vợ cho bốn người. Bây giờ đã có mười hai đứa em trai, mười một đứa em dâu cũng đủ rồi. Về thị vệ, thần xin cho vũ-vệ hiệu-úy Lê-Huy mang đội thị vệ cung Ỷ-Lan theo.
Nhà vua cười:
– Còn cung nữ, chắc khanh xin cho vợ của Lê-Huy là Chu-thúy-Phượng đem đám cung nữ cung Ỷ-Lan theo cho tiện, phải không?
Sau khi thắng Chiêm trở về, Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt đều được phong tước bá. Tước triều Lý có đại-vương, thân-vương, quận-vương, công, hầu, bá, tử, nam. Khi được phong tước thì được cắt đất ban cho, gọi là phong-ấp. Khi một người được phong ấp nào, thì coi như ông vua ấp đó, được thu các thứ thuế làm lợi tức; trong ấp có bao nhiêu công điền đều được tự canh tác hay giao cho tá điền rồi thu tô. Trong trang ấp bá tước, vợ con, anh em, họ hàng đều kéo đến cư ngụ trong rư dinh, đe cùng hưởng ơn mưa móc của triều đình.
Hôm nghị sự cắt đất phong cho các bá tước trẻ này, công-chúa Thiên-Ninh tâu rằng: Mười hai tân bá tước, giữ chức vụ đô-thống; luật định rằng tướng đâu quân đó, nên mười hai người phải ở trong dinh thự nằm tại trại quân của mình. Vì những liên hệ thời thơ ấu giữa Ỷ-Lan và mười hai bá tước, công-chúa xin triều đình phong những ấp thuộc huyện Gia-lâm cạnh quê hương thần phi là làng Siêu-loại, để lao tưởng công thần ngay tại cố lý. Nhà vua chuẩn tấu. Cho nên hôm nay đây, sau hai năm, Long-biên tứ hùng, Tây-hồ thất kiệt, kẻ thì một con người thì hai con. Mười một người đem vợ con theo hộ tống thần-phi về cố-lý, mà cũng để trở về thăm trang ấp của mình.
Riêng Đinh-hoàng-Nghi thuộc giòng dõi vua Đinh, nên ấp phong của chàng ở tận cố-đô Hoa-lư, nơi có lăng tẩm của Đinh triều. Hoàng-Nghi sai người vào Chiêm đón phụ thân về ấp phong của mình. Đinh-nho-Quan tuổi đã cao, muốn dừng gót giang hồ, ông đem vợ con, tỳ thiếp, gia thuộc về ấp phong của Hoàng-Nghi sống. Trong ấp phong, dinh thự của Đinh-hoàng-Nghi, không thiếu gì những tỳ thiếp xinh đẹp, họ sẵn sàng dâng hiến cho vị chủ nhân anh hùng. Nhưng lòng Hoàng-Nghi chỉ có Chang-Lang, chàng không để ý đến bất cứ tỳ thiếp nào. Trong đám thiếu nữ xinh đẹp ấy, Hoàng-Nghi chỉ dùng một người tên Nang-Trúc để phục thị cho mình.
Nguyên sau khi Chang-Lan mất tích, Đinh-hoàng-Nghi xin phép vào Chiêm tìm nàng. Chàng đến Pandurango, nơi trấn nhậm của thân vương Bài-ma-la để hỏi tin tức Chang-Lan, nhưng ông cũng không biết gì hơn. Hoàng-Nghi đành trở về. Khi qua ấp phong của mình ở cố-đô Trường-yên, chàng ghé thăm cha, kể cho ông nghe mối thương tâm bấy lâu. Đinh-nho-Quan từng sống qua nhiều lớp sóng phế hưng, ông hiểu con mình hơn ai hết. Ông không đưa ra lời khuyên nhủ nào, vì ông cho rằng có khuyên cũng vô ích, thời gian sẽ làm cho Hoàng-Nghi quên Chang-Lan. Biết Hoàng-Nghi ham đọc sách, muốn yên tĩnh, ông cho chàng một tỳ nữ câm mà không điếc, gốc người Chàm mà ông đặt cho cái tên nửa Việt nửa Chàm là Nang-Trúc.
Hôm nay, các bạn mang nào vợ, nào con trên những chiếc xe song mã về trang ấp thưởng Xuân, thì Hoàng-Nghi chỉ mang theo có tỳ nữ Nang-Trúc mà thôi.
Ỷ-Lan thần phi ban chỉ:
– Chị muốn Nghi đệ đánh xe cho chị, để dọc đường chị em có dịp hàn huyên.
Thông thường mỗi khi đi đâu, Ỷ-Lan chỉ có Thúy-Phượng theo hầu trên xe, Lê-Huy hộ tống. Từ khi phi gả Thúy-Phượng cho Lê-Huy, thì phi cho Phương-Quỳnh thay thế Thúy-Phượng và Hoàng-Nghi thay thế Lê-Huy. Bởi một là Phương-Quỳnh vừa thông minh vừa ôn nhu văn nhã. Hai là Phương-Quỳnh với phi có tình sư thúc sư điệt. Bà là để cho Phương-Quỳnh có dịp gần Hoàng-Nghi. Hôm nay, hơi đổi khác một chút, Hoàng-Nghi để Nang-Trúc đánh xe cho Ỷ-Lan, còn chàng thì cỡi ngựa đi cạnh.
Quan vũ-vệ hiệu úy Lê-Huy, quản lĩnh cung nga Chu-thúy-Phượng dẫn đội thi vệ, cung nga tiền hô hậu ủng lên đường.
Ỷ-Lan tuyên chỉ cho mười hai cậu em:
– Chị về làng kỳ này chỉ với mục đích thăm phụ thân bị bệnh. Vậy tới nơi, các em cứ dẫn vợ, con về thẳng nhà mình, khỏi phải theo chị làm gì. Nhưng khi viếng chùa Từ-quang, thì các em phải đi cùng chị hầu dâng lễ cúng dàng sư-phụ. Riêng Hoàng-Nghi với Phương-Quỳnh thì về ở với chị.
Đường Thăng-long, Siêu-loại không xa. Xe ngựa đi trong khoảng hai giờ thì về tới nơi. Tuy thần-phi lên đường thình lình, nhưng Khu-mật viện cũng cho ngựa trạm phi khẩn cấp về báo cho lý dịch làng Siêu-loại để chuẩn bị tiếp đón. Lý dịch vừa ra lệnh cho mõ đi rao để dân chúng biết thần phi về làng. Lập tức già, trẻ, lớn, bé lũ lượt kéo nhau ra đứng bên đường thắp hương đón Hằng-Nga tiên nữ hồi hương.
Trong khi thần phi vào trong dinh của Dương-quang hầu, thì đội thị vệ do Lê-Huy chỉ huy dàn ra xung quanh dinh.
Vừa bước vào dinh, Ỷ-Lan kinh ngạc vô cùng khi thấy phụ thân khăn áo chỉnh tề ra đón mình. Thần phi nắm lấy tay ông:
– Bố! Lực tới Thăng-long báo cho con biết bố đau nặng phải về ngay. Thế mà sao con thấy thần sắc bố vẫn bình thường?
Ông Thiết nắm lấy tay con gái, hỏi bằng giọng đầm ấm:
– Bố vẫn bình thường, không hề đau yếu gì cả.
Ông quay sang hỏi Lực:
– Ai đã nói với con rằng bố bị bệnh?
Lực đưa ra bức thư:
– Mẹ sai người đem thư cho con. Đây bố xem, rõ ràng bút tích của mẹ, thì hỏi sao con không tin?
Ông Thiết cầm thư lên xem xét rất kỹ, thì rõ ràng nét chữ của vợ, không sai tý nào. Ông thừ người ra suy nghĩ. Ỷ-Lan hỏi:
– Hiện mẹ ở đâu?
– Mẹ rời nhà về Thăng-long ở với con Minh-Can từ mấy tháng nay rồi. Bố ở đây một mình mà thôi.
Nghe bố nói, Ỷ-Lan kinh hãi:
– Mẹ về Thăng-long ở với Minh-Can à? Sao con không biết gì cả?
Nàng giải thích: Hồi trước Minh-Can bị công chúa Động-Thiên đem giam ở nhà ngục về tội đầu độc con. Bộ Hình kết tội xử giảo. Mẹ khóc lóc nhờ con xin với Hoàng-thượng. Hoàng-thượng ban chỉ ân xá cho nó tội chết, chỉ phải lao dịch trong Hoàng-thành. Hồi Càn-Đức ra đời, có lệnh ân xá, nó được Thượng-Dương hoàng hậu tuyển làm cung nữ, rồi gả cho tên thị-vệ Chu-Yêm. Gần đây nó được cất nhắc lên trưởng toán cung nữ. Tên Chu-Yêm được thăng tả-hữu đô-úy.
Ông Thiết thừ người ra:
– Hà! Việc này mà tiết lộ để quan Ngự-sử biết thì e mẹ con sẽ bị kết tội khi quân, đem cho ngựa xé. Ta bị mất tước hầu. Lực bị cách chức xung quân. Còn con thì bị liên đới. Tại sao mẹ con lại làm như vậy?
Ỷ-Lan biết nhà vua sủng ái mình, dù gì chăng nữa rồi cũng qua. Nàng an ủi bố:
– Thôi đành vậy. Con sẽ cho người dâng mật biểu lên kể rõ sự tình. Bây giờ con tạm ở lại đây với bố mấy ngày đã.
Nàng cầm bút viết thư, niêm phong rồi giao cho Lực:
– Em lấy ngựa về Thăng-long xin yết kiến công chúa Thiên-Ninh, trao thư này cho người. Người sẽ sai thân binh dẫn em đến chỗ ở của vợ chồng Minh-Can. Em hỏi mẹ xem tại sao mẹ lại viết thư như thế này? Thôi em đi ngay đi.
Lực đi rồi, Ỷ-Lan tuyên chỉ cho Hoàng-Nghi:
– Nghi đệ hãy dẫn Phương-Quỳnh đi thăm làng mình một lần cho biết.
Hoàng-Nghi tuân chỉ dẫn Phương-Quỳnh đi khắp làng Thổ-lội, chỉ cho nàng xem những nơi ghi kỷ niệm thời thơ ấu của Long-biên ngũ-hùng. Tới mấy viên đá cạnh miếu thổ thần, Phương-Quỳnh chỉ cho Hoàng-Nghi ngồi rồi hỏi:
– Này anh Nghi ơi! Phi đã truyền gả em cho anh, thì dù anh chưa cưới em, em cũng tự coi như là vợ anh, cho nên em phải chú ý đến đời sống của anh. Em hỏi anh câu nàay nhé: Anh có để ý đến những điều khác lạ của con nữ tỳ Nang-Trúc không?
– Không! Nó chỉ là đứa con gái người Chàm, bất hạnh bị câm mà thôi.
– Nguồn gốc nó ra sao?
– Theo mẹ anh nói, nó là con một thợ săn. Vì mẹ nó chết không có tiền chôn cất, nên cha nó bán nó cho gia đình anh. Tuy nó câm, nhưng không điếc. Nó rất thông minh, cần mẫn. Trong tất cả các tỳ nữ, nó là người săn sóc anh tận tâm nhất. Vì vậy đi đâu anh cũng mang nó theo.
– Nó câm, mà sao lại biết chữ?
– Theo cha nó, hồi nhỏ nó học rất thông minh, năm mười sáu tuổi, chẳng may bị lên một cơn sốt, rồi hóa câm.
Phương-Quỳnh lắc đầu:
– Anh tin tất cả những gì cha nó nói, rồi không chú ý nữa?
– Quỳnh đã thấy nó có hành vi nào khác lạ không?
– Em thấy, thấy rất nhiều.
–???
– Theo anh nói, anh có dậy cho nó một ít bản sự, với nội công Đông-a. Thế mà em thấy bước chân của nó nhẹ như chim, khi bước lên xe ngựa, nó chỉ đặt ngón chân cái vào bàn đạp là tung người lên ngồi vào phiá sau xe rất êm. Như vậy có phải nó đã luyện nội công âm-nhu đến trình độ thâm hậu rồi không?
Hoàng-Nghi giật bắn người lên:
– Ừ nhỉ!
– Từ Thăng-long về đây, xe ngựa đi trên đường gập ghềnh như thế. Đến em, luyện tập có dư mười năm, mà còn thấy mệt. Nhưng nó lại không. Bằng cớ là tới nơi, nó đứng dậy nhẹ nhàng, rồi khi chuyển hành lý xuống; với túi hành lý của anh, của nó nặng có dư trăm cân (kg ngày nay) mà nó dùng có hai ngón tay móc bổng lên, đem vào nhà dễ dàng. Như vậy công lực nó thực hơn chúng mình nhiều.
– Em thử đoán xem, nếu như nó là gian tế, thì làm gian tế cho ai? Cho Chiêm? Cho Tống? hay cho họ Dương?
– Khó biết lắm. Bởi nội công của nó là nội công Mê-linh. Theo em biết hiện trong phái Mê-linh chỉ có vị luyện tới mức thượng thừa. Sau này thêm công chúa Thiên-Thành với thần-phi mà thôi. Vậy có thể nó là đệ tử của một trong tám vị đó. Vì vậy em khuyên anh nên chú ý theo dõi nó, và đề phòng một chút.
Vào buổi chiều hai ngày sau, như chương trình định sẵn, nàng sang chùa Từ-quang thăm sư phụ Viên-Chiếu, cùng gặp lại những người cũ của thời thơ ấu.
Ỷ-Lan tới nơi, thì trong chùa đã có mặt đủ: Thân nhân vương phi Trinh-Dung, Ngọc-Nam, hai phu nhân Thanh-Thảo, Ngọc-Huệ; thân nhân hai đại thần Lý-kế-Nguyên, Quách-sĩ-An; Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt với gia đình; lại có cả các bà làm công quả. Sư Viên-Căn ra đón phi. Ông định hành lễ, thì phi nói chặn trước:
– Sư huynh! Muội là con bé làm công quả Yến-Loan đến thăm sư phụ, chứ muội có phải là thần phi đâu? Sao, sư phụ vẫn thường an lạc chứ?
Viên-Căn mỉm cười:
– Tiếc quá, sư phụ với sư bá Mộc-tồn mới cùng Viên-Mộc, Viên-Diệp, Viên-Chi vân du thuyết pháp cách đây hơn tuần.
Ỷ-Lan được mời vào bảo điện. Tất cả mọi người đều hành đại lễ. Phi đáp lại, rồi đưa mắt nhìn qua cử tọa: Ngoài những người trong làng mà phi đã biết ra còn thấy năm cặp vợ chồng. Nam thì hùng vĩ khôi ngô, nữ thì ôn nhu văn nhã, đẹp tuyệt thế. Hoàng-Nghi đọc được câu hỏi trong ánh mắt Ỷ-Lan rằng:” họ là những ai vậy?”. Chàng chỉ năm cặp đó:
– Tâu thần phi, đây là năm kỳ nam tử, năm tuyệt thế giai nhân, mà phi đã biết rất kỹ về họ, nhưng chưa từng gặp.
–???.
– Đó là các vị cựu kỳ chủ Hồng-thiết giáo Chiêm-thành. Nhưng hiện đã được Bồ-tát Mộc-tồn thu làm đệ tử, giải Chu-sa huyền-âm độc tố, cùng trị lưỡi cho. Người truyền bỏ cái tên Đông-Thiên đặt, cải họ các sư huynh thành Hùng, các sư tỷ thành Âu.
–???
Viên-Căn đỡ lời cho Hoàng-Nghi:
– Sư bá vẫn để các sư tỷ giữ nguyên mầu sắc Hoàng, Thanh, Huyền, Lam, Hồng, chỉ đổi họ thôi. Còn các sư huynh thì đổi Hoàng thành Nhân; đổi Thanh thành Nghĩa; đổi Huyền thành Lễ; đổi Lam thành Trí; đổi Hồng thành Tín.
Ỷ-Lan biết rằng đây là những tinh hoa của người Việt hải ngoại, yêu nước nhiệt thành, mà bị bọn Đông-Thiên lừa dối, làm cho khốn khổ bấy lâu. Phi hỏi:
– Bây giờ các vị định làm gì nào?
– Tâu thần phi, anh em thần chờ sư phụ phát lạc.
Âu-Hoàng tâu: Hôm trước sư thúc Viên-Chiếu có đề nghị với sư phụ rằng nên cho anh em thần đi khắp nơi trên Đại-Việt quy tụ cựu giáo chúng Hồng-thiết lại, rồi huấn luyện họ thành đạo quân như Giao-long, hay tiễn thủ Long-biên, chờ dịp giúp nước. Nhưng còn phải chờ chỉ dụ của Thiên-tử ân xá đã.
Hùng-Nghĩa tiếp:
– Nay có thần phi đây, mong thần phi tâu lên thiên tử cho.
Ỷ-Lan cực kỳ vui vẻ:
– Việc này không khó. Đợi sau việc ở đây, tôi hồi kinh sẽ tâu ngay. Vả việc này do sư bá Mộc-Tồn chủ chương, thì chư vị có thể làm ngay từ bây giờ, ai mà dám phản đối? Trước kia các sư huynh, sư tỷ mang tên ”Thập kỳ chủ” bây giờ tôi xin đặt cho cái tên mới.
Cả mười người đều đảm động:
– Đa tạ thần phi.
– Mười vị trở về chính đạo năm trước. Mà năm trước là niên hiệu Thần-vũ thứ nhất, vậy tôi xin dùng danh tự ”Thần-vũ thập anh”. Thế là ta có Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt, nay thêm Thần-vũ thập anh.
Mọi người vỗ tay hoan hô.
– Để phân biệt năm sư huynh, năm sư tỷ; từ nay chúng ta gọi năm sư huynh là Thần-vũ ngũ Hùng, năm sư tỷ là Thần-vũ ngũ Âu.
Phi ngồi xuống bảo điện, nghe lý-trưởng tường trình về những thay đổi của làng Siêu-loại từ khi phi tiến cung. Phi mừng vô cùng, khi nghe nói, trong kỳ thi tuyển sinh vào trường Quốc-tử giám vừa qua, trong làng có tới mười người trúng.
Sau đấy phi ngồi thọ trai cùng mọi người. Chuyện trò ồn ào vui vẻ. Giữa lúc đó, sư Viên-Căn nói sẽ vào tai Ỷ-Lan:
– Thần-phi! Dường như có tiếng người phi ngựa đang tiến về phía chùa gấp lắm thì phải!
Ỷ-Lan lắng tai nghe thì dường như ngựa đã dừng lại trước cổng chùa. Không phải chờ lâu, Lực bước vào bảo điện hành lễ với sư Viên-Căn rồi ghé miệng vào tai chị nói nhỏ:
– Chị rời khỏi đây về nhà ngay. Có đại biến.
Phi vội đứng dậy cáo từ sư Viên-Căn:
– Sư huynh, muội có việc khẩn phải về nhà. Xin tạm biệt sư huynh.
Mọi người đứng lên tiễn phi. Phi lên xe trở về dinh của phụ thân. Vào trong dinh, phi vẫy tay cho cung nga, thái giám, thị-vệ lui ra ngoài, rồi đóng cửa phòng lại. Trong phòng chỉ còn phu thân với Lực. Phi hỏi:
– Việc gì đã xẩy ra?
– Hôm ấy em về tới Thăng-long vào buổi trưa, đang ăn cơm ở tửu lầu Ngọc-thụy, thì nghe có tiếng trống báo động. Sau đó dân chúng ùn lại vì các cửa thành đã đóng kín. Trên mặt thành, quân sĩ gươm đao sáng ngời đi đi, lại lại tuần hành. Em gọi cửa, thì viên tốt trưởng thị-vệ xuất hiện trên địch lâu. Y thấy em mặc quân phục lữ trưởng, mà không thèm hành lễ. Y đuổi em đi. Em nói rằng em mang thư khẩn cấp cho mẹ. Y vẫn không chịu mở cổng thành.
Ỷ-Lan hồi hộp dục:
– Rồi sao?
– Lát sau Chu-Yêm xuất hiện với Minh-Can. Minh-Can bảo em hãy trở về Thiên-trường. Còn cái gì là thư của bố với chị thì cứ đốt quách đi cho rồi. Em đành lui ra kiếm nhà trọ. Nhưng suốt hai ngày cổng thành vẫn đóng. Đến ngày thứ ba thì phò mã Thân-cảnh-Long với công chúa Thiên-Thành; phò mã Hoàng-Kiện, công chúa Động-Thiên về Thăng-long. Cổng thành mở ra, nhưng chỉ cho bốn vị vào, chứ không cho tùy tùng theo. Đến sang hôm nay, thì quân sĩ trên thành đều mặc tang phục.
Ỷ-Lan la hoảng:
– Tang phục?
– Vâng! Rồi có tin hoàng thượng băng hà. Thái-tử Càn-Đức lên ngôi trước linh cữu đại hành hoàng đế, lấy hiệu là Thái-Ninh. Em kinh hoàng, vội phi ngựa về báo cho chị biết.
Tin sét đánh đến với Ỷ-Lan. Nhưng vì tập thiền, nên phi cố chế chỉ tâm thần, bảo em:
– Em gọi Lê-Huy, Thúy-Phượng, Phương-Quỳnh vào cho chị.
Lát sau ba người vào. Phi truyền:
– Dàn thị-vệ bảo vệ quanh dinh này thực cẩn thận. Bên trong, Thúy-Phượng, Phương-Quỳnh cho cung nga thay quần áo võ, mang vũ khí. Bất cứ ai muốn vào cũng phải hỏi ta trước.
Phi bảo Lực:
– Em sai thị-vệ mời sư Viên-Căn, Thần-vũ thập anh, Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt với vợ của họ đến đây ngay.
Hơn khắc sau, tất cả tề tựu. Mọi người đều ngơ ngơ ngác ngác không hiểu những gì đã xẩy ra. Ỷ-Lan nhìn cử tọa một lượt rồi nói chậm chậm:
– Các vị với tôi đều là chỗ thâm tình còn hơn cốt nhục. Lúc tôi vinh dự, thì các vị cũng vinh dự. Nếu như sau này, tôi có nguy nan gì, thì các vị nghĩ sao? Trước hết xin sư huynh Viên-Căn cho biết tôn ý.
– Thần phi với bần tăng cùng là đệ tử của sư phụ. Chúng ta đã có cộng nghiệp từ muôn vàn kiếp trước, cho nên phải chịu chung hoạn nạn năm xưa. Bây giờ bất cứ hạnh ngộ nào của thần phi chưa hẳn là hạnh ngộ của sư huynh. Nhưng bất cứ rủi ro nào của phi, cũng là rủi ro của sư huynh.
Đám Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt cùng mười một cô vợ đều bầy tỏ lòng trung thành với phi. Phạm-Dật đại diện, đứng lên nói:
– Phi với chúng em, tiếng thì là chị em, chứ thực ra tình như mẹ con. Phi nuôi chúng em, dạy chúng em, dựng vợ cho chúng em... thì thực là phi đẻ ra chúng em một lần nữa. Rồi phi lại xây dựng sự nghiệp cho chúng em, thì lại thêm nghĩa chúa tôi. Thế thì, chúng em là con của phi, là bầy tôi của phi. Phi bảo chúng em nhảy vào nước, vào lửa, chúng em cũng không từ. Phi ơi! Nếu như phi có gì không may, thì chúng em nguyện chết với phi.
Hùng-Hoàng đại diện cho Thần-vũ thập anh đứng lên cung tay:
– Anh em chúng thần sinh trưởng ở hải ngoại, chỉ vì lòng yêu nước nhiệt thành mà bị bọn ma đầu làm cho thành quái vật. Nay được sư phụ mở tâm Bồ-đề cứu cho, bọn thần thực thâm cảm vô cùng. Hôm rồi sư phụ có nói: Sau này sẽ đặt bọn thần dưới quyền Thần-phi. Nay Thần-phi cần đến sức mọn, bọn thần nguyện tuân chỉ.
Ỷ-Lan tỉ mỉ trình bầy các biến cố mẹ nàng viết thư đánh lừa nàng về thăm nhà, cho đến những tin tức mà Lực vừa thu nhận được, rồi kết luận:
– Hoàng-thượng băng hà nhất định liên quan đến vụ tôi bị lừa cho rời khỏi Thăng-long. Vậy ai có ý kiến gì?
– Có thể thế này.
Trần-Di giảng giải: Thượng-Dương hoàng hậu biết rõ Hoàng-thượng sắp băng, nên sai Minh-Can ép mẹ viết thư, lừa cho phi rời Thăng-long; rồi khi Hoàng-thượng băng, bà dễ dàng giả chiếu chỉ để chiếm quyền. Còn cái việc Hồng-thiết Chiêm nổi loạn, Tống tập trận, cho chúng em theo phi về cố lý... cũng có liên quan; với mục đích đem đại-tư-mã Thường-Kiệt, thái-úy Hoàng-Kiện, hai công chúa Động-Thiên, Thiên-Ninh với chúng em rời Thăng-long để dể bề hành sự.
Trần-Ninh thắc mắc:
– Ai đã tâu với Hoàng-thượng cho bằng ấy người rời Thăng-long?
– Chính là Tể-tướng Lý-đạo-Thành.
Triệu-Thu nổi cáu:
– Từ lâu em đã nghi ngờ cái lão già hủ nho này rồi. Trước khi bình Chiêm, lão chẳng từng tâu xin cho Thượng-Dương hoàng hậu nhiếp chính đó sao? Nay chính lão tâu để Đại-tư-mã, Thái-úy, hai công chúa, với chúng em rời Thăng-long, e nằm trong âm mưu này.
Quách-Y tán thành ý kiến Triệu-Thu:
– Đúng ra khi Hoàng-thượng băng, Thái-hậu với Tể-tướng phải sai ngựa lưu tinh báo cho chị biết, rồi mới phát tang, tôn thái tử lên ngôi. Thế mà giờ này hai người vẫn bưng bít. Vậy ta phải về kinh tức thời hầu đối phó với tình thế.
Đến đó thị-vệ vào báo:
– Có sứ giả xin cầu kiến.
Ỷ-Lan truyền dẫn vào. Vừa trông thấy sứ giả, Ỷ-Lan đã muốn nổi đóa ngay, vì y chính là một thái giám hầu cận Thượnmg-Dương hoàng hậu. Y quỳ gối hành lễ:
– Thần Chu-Kỷ, lĩnh chức hoàng-môn hợp chỉ xin tham kiến thần-phi.
– Người yết kiến ta có việc gì?
– Ngày Canh-Dần, tháng giêng, Hoàng-thượng băng hà ở điện Hội-tiên vào giờ Hợi.
– Khi Hoàng-thượng băng, có những ai chầu hầu?
Ỷ-Lan hỏi: Tại sao Hoàng-thượng băng?
– Tâu ngày Kỷ-Sửu, thình lình bệnh hoàng-thượng tái phát. Thái-y Trần-hữu-Đức đã dâng thuốc, nhưng bệnh không giảm. Hoàng-thượng biết khó qua khỏi, người tuyên chỉ gọi tể-tướng Lý-đạo-Thành, hoàng-hậu, thái-tử tới cạnh long sàng dặn dò việc sau. Sang ngày Canh-Dần, thì hoàng-thượng mệt lả, đến giờ Hợi thì băng. Hoàng-hậu tuyên chỉ triệu các đại thần vào nghe di chiếu. Di chiếu dặn tôn thái-tử lên kế vị, tể tướng Lý-đạo-Thành phụ chính, hoàng-hậu buông rèm thính chính.
Chu-thúy-Phượng lắc đầu:
– Thần không tin! Thần chầu hầu hoàng-thượng với phi từ lâu, thần biết rõ lắm. Nếu như người cảm thấy se mình, ắt tuyên chỉ cho ngựa lưu tinh tìm phi về để nghe chỉ, chứ không thể có việc này.
Bọn Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt đều nhìn nhau rồi ”hừ” một tiếng, tỏ vẻ đồng ý với Chu-thúy-Phượng.
Vũ-Quang hỏi:
– Rồi sao?
– Thái-tử lên ngôi trước linh-cữu, tôn đại hành hoàng đế làm Ứng-thiên, sùng-nhân, chí-đạo, uy-khánh, long-tường, minh-văn, duệ-vũ, hiếu-đức, thánh-thần hoàng đế, miếu hiệu Thánh-tông. Tôn hoàng-hậu làm Thượng-Dương hoàng thái hậu, buông rèm thính chính; tể tướng Lý-đạo-Thành làm phụ chính. Lại ban cho các quan mỗi người lên một đẳng, quân sĩ mỗi người được hưởng thêm một tháng bổng. Đại xá thiên hạ. Hôm nay người ban chế tôn thần phi làm hoàng-thái phi.
Nói rồi y cung kính dâng trục lụa lên cho Ỷ-Lan. Ỷ-Lan đọc qua, rồi cười nhạt:
– Chế này do ai soạn?
– Thần không được biết.
Ỷ-Lan nói với mọi người:
– Ta biết con ta lắm, dù thông minh, dù tài trí, nhưng mới có sáu tuổi, nó không thể xa ta khi không có hoàng-thượng ở cạnh. Nay hoàng- thượng băng, mà mãi hôm nay là ngày thứ tư mới ban chế tôn ta làm hoàng- thái phi, rồi lại không rước ta hồi cung là điều vô lý. Một là thái-hậu lộng quyền, áp chế hoàng-thượng. Hai là tể-tướng Lý-đạo-Thành khiếm khuyết chức vụ.
Phi truyền chỉ:
– Chúng ta chuẩn bị về Thăng-long.
Hơn giờ sau, cung-nga, thái-giám, thị-vệ chuẩn bị xong định lên đường, thì có sứ giả tới phong cho quan vũ-vệ hiệu-úy cung Ỷ-Lan là Lê-Huy lên chức đô-thống đạo quân lộ Trường-yên. Nội ngày hôm nay cùng vợ phải lên đường ngay. Đội thị-vệ cung Ỷ-Lan thì giao cho Trịnh-Ngọc, đội cung nga giao cho... Minh-Can. Hai người theo sứ giả để nhận nhiệm vụ mới.
Ỷ-Lan bảo Trịnh-Ngọc, Minh-Can, sứ giả chờ ở ngoài, rồi sai đóng cửa dinh lại cùng mọi người nghị sự.
Lý-Đoan nổi giận:
– Như vậy là thái-hậu muốn cô lập chị rồi. Bọn em không thể nào chịu được nữa!
Ỷ-Lan ôn tồn:
– Dù sao đây cũng là chỉ của hoàng-thượng. Lê-Huy, Chu-thúy-Phượng không thể vi chỉ. Thôi được, Huy, Phượng cứ bàn giao ngay đi, rồi lên đường. Còn ta, ta về Thăng-long.
Trần-Di hỏi anh em:
– Làm sao bây giờ?
Hoàng-Nghi đứng lên:
– Như vậy rõ ràng thái-hậu lấn quyền hoàng-thượng rồi cô lập thái-phi. Chúng ta không thể để bà làm lộng như vậy. Còn trường hợp thái-phi, chúng ta không thể để thái-phi sống giữa bọn chồn sói. Chúng ta không thể không hành động. Anh em có đồng ý không?
– Đồng ý.
– Ngay bây giờ, chúng ta lấy ngựa phi bất kể sống chết, ai về nhiệm sở người ấy, nắm lấy quân của mình, dùng chim ưng liên lạc với nhau. Việc anh Lê-Huy bị điều đi giữ chức đô-thống đạo Trường-yên càng hay. Anh cũng lên đường, nắm lấy đạo quân đó liền.
– Đồng ý.
Ỷ-Lan lắc đầu:
– Chị sợ rằng Dương hậu đã ban chỉ, cử bọn con cháu, chân tay bà thay các em quản lĩnh mười hai hiệu Thiên-tử binh rồi.
Trần-Di cười:
– Phi đừng lo. Từ khi bọn em được cử chỉ huy mười hai hiệu Thiên-tử binh, lập tức chúng em ban hành kỷ luật thép. Một là khi ra trận chỉ có tiến, mà không có lùi. Ai lùi, ngừng lại, quay đầu lại thì chém tại chỗ. Hai là thấy đồng bạn lâm nguy mà không cứu, bị xử tử. Ba là bất kỳ trường hợp nào, khi cấp chỉ huy vắng mặt, dù có chiếu chỉ của Thiên-tử cũng không được tuân hành; trái thì chém. Nếu như Dương hậu sai người đến thay thế bọn em, mà không có mặt bọn em để ban giao, nhất định quân sĩ không tuân chỉ đâu.
Chàng nói với Lê-huy-Lực:
– Dù gì anh cũng là em thái-phi. Cái chức đô thống hôm nay mà anh có là do thái-phi mà ra. Nếu như Dương hậu hại thái-phi, thì cái chức đô thống của anh mất là lẽ dĩ nhiên, nhưng tôi e tính mệnh của anh và vợ con cũng khó toàn. Vậy anh phải về Thiên-trường nắm lấy quân, nếu có gì, tôi cho chim ưng liên lạc với anh, để chúng ta cùng hành động.
– Xin vâng.
– Thần-vũ thập anh thì được giả làm thị-vệ, cung-nga cạnh thái- phi. Nếu như thái hậu có hành động nào phản nghịch, thì ta kéo quân về cứu giá.
– Đồng ý.
Lòng Ỷ-Lan rối như tơ vò, bà đành để cho các em hành động. Bàn luận xong, bà gọi sứ giả vào, truyền cho Trịnh-Ngọc, Minh-Can bàn giao.
Khi Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt, vợ chồng Lê-Huy, Lê-huy-Lực chuẩn bị lên đường, Hoàng-Nghi vào phòng Nang-Trúc nói với nàng:
– Nang-Trúc ở lại dinh này với Lê quốc-trượng. Ta phải về Thăng-long ngay, nên không mang nàng đi được. Bởi vạn nhất xẩy ra cuộc giao tranh, thì nguy hiểm lắm.
Hai giọt nước mắt rơi trên mà Nang-Trúc. Nàng cầm bút viết:
– Chủ nhân đối với tiểu tỳ thực là tử tế chưa từng có. Nay nhân lúc chủ nhân ra trận lăn mình vào chỗ chết, xin chủ nhân cho tiểu tỳ đi theo. Chủ nhân đã dạy tiểu tỳ một ít bản sự, khi lâm trận, tiểu tỳ cũng có thể đánh giặc như một người lính vậy.
– Ta đồng ý cho Nang-Trúc đi theo, nhưng Nang-Trúc phải giả trai nới được.
Thế Nang-Trúc giả làm một người lính, lưng đeo kiếm, cỡi ngựa theo Hoàng-Nghi lên đường.
Đợi cho mười hai nghĩa đệ đi rồi, Ỷ-Lan tuyên chỉ cho Trịnh-Ngọc, Minh-Can:
– Các người điều động thị-vệ hộ giá ta về Thăng-long ngay.
Khi Minh-Can bước vào, không hành lễ, Ỷ-Lan đã lên ruột rồi, bây giờ nghe bà tuyên chỉ, y thị nói trống không:
– Chúng tôi chưa được chỉ dụ của Thái-hậu, không thể cho người về Thăng-long. Người phải ở đây cho đến khi nào có chỉ dụ.
Ỷ-Lan quát:
– Người với ta là chị em, nhưng ở đây là nghĩa chúa tôi. Người là trưởng đoàn cung nữ của ta, mà dám chống chỉ của ta là một tội, khi vào đây không hành lễ là hai tội, nói năng xung chàng là ba tội. Cả ba tội đều đáng xử tử.
Phi hô lớn:
– Thị vệ đâu?
Mười thị-vệ ứng hầu dạ ran.
– Đem con tiện tỳ này ra chém tức thời.
Thị-vệ cung Ỷ-Lan hầu hết là đệ tử của Thường-Kiệt, hàng ngày Ỷ-Lan đối xử với chúng trong tình cảm sư thúc, sư điệt, bà cực kỳ thương yêu chúng. Nay nghe bà tuyên chỉ, bất kể Trinh-Ngọc đứng đó, chúng lôi Minh-Can đem ra ngoài liền. Minh-Can kinh hoảng la lớn:
– Trịnh-Ngọc, người với ta cùng nhận chỉ dụ của thái hậu kiềm chế con tiện nhân này. Thế mà nay người để thị vệ thuộc quyền tuân chỉ y thị giết ta ư?
Trịnh-Ngọc vẫy tay cho toán thị-vệ ứng trực:
– Khoan hãy thi hành lệnh xử trảm.
Ỷ-Lan đưa mắt cho Hùng-Tín. Hùng-Tín lạng mình tới cạnh Trịnh-Ngọc, chỉ một chiêu chàng đã kiềm chế được y, rồi điểm huyệt ném xuống dưới đất.
Ông Thiết thấy thảm cảnh gia đình sắp xẩy ra, vội can thiệp:
– Thôi con! Dù gì nó cũng tuân chỉ của Thái-hậu, con nên nhẹ tay với em một chút.
Cơn thịnh nộ của Ỷ-Lan hạ xuống liền, nhưng phi vẫn không thể khoan thứ cho đứa em từng nhiều lần muốn giết mình. Bây giờ lại theo kẻ thù hại mình, rồi có thể kéo tới hại cả gia đình. Phi truyền nọc cổ y thị xuống, sai cung nga đánh ba chục roi. Sau khi lĩnh đòn, y thị đứng dậy, đưa mắt lườm Ỷ-Lan rồi từ từ bước ra ngoài. Ỷ-Lan thấy cần phải giáo huấn lại đứa em lăng loàn, phi quát:
– Mi từng là cung nữ, hẳn biết luật lệ của nội cung rằng: ”Sau khi được giảm án, khi thọ hình rồi phải tạ ơn”. Nay mi thọ hình xong còn có cử chỉ vô phép như vậy sao?
Phi đưa mắt cho cung nga:
– Nọc cổ y thị xuống, đánh đủ năm mươi roi nữa.
Ông Thiết lại can thiệp:
– Như vậy đủ rồi, phàm uốn người thì phải uốn từ từ. Con nên nhẹ tay với em một chút.
Ỷ-Lan chỉ mặt Minh-Can:
– Kể từ lúc này, ta cách chức mi xuống thành bộc phụ chuyên lau chùi. Mi cút ra khỏi đây ngay.
Phi gọi Thần-vũ thập anh lại, ban chỉ:
– Các vị là đệ tử của sư bá Mộc-tồn thì là sư huynh, sư tỷ của Yến-Loan này. Nhưng bây giờ trước sự tình khẩn thiết, cần tới tài trí của các vị. Yến-Loan xin các vị khuất thân giả làm cung nữ, thị vệ ít ngày. Không biết các vị nghĩ sao?
Hùng-Nhân chắp tay:
– Sư phụ đã giao chúng tôi cho Thái-phi, trong tình thì sư huynh sư muội đồng môn. Ngoài thì nghĩa chúa tôi. Vì vậy Thái-phi cứ xử dụng chúng tôi như cung nga, thị vệ.
Ỷ-Lan chỉ vào đám cung nga, thị-vệ:
– Đội thị vệ của tôi có bốn toán, mỗi toán mười người. Vậy Nhân sư huynh tổng chỉ huy. Bốn sư huynh Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, mỗi vị coi một toán. Cung nga cũng vậy, Hoàng sư tỷ tổng chỉ huy, bốn sư tỷ Thanh, Huyền, Lam, Hồng làm trưởng toán. Nhớ: chỉ nghe lệnh từ tôi mà thôi. Nào, bây giờ, các vị dàn thị-vệ ra canh gác dinh này thực cẩn thận.
Phi nói với sư Viên-Căn:
– Dinh của phụ thân muội đã có võ sĩ canh phòng. Nhưng muội khuát thân nhờ sư huynh viện cho vài cao thủ để có an ninh hơn.
Viên-Căn chắp tay:
– Thái-phi cứ yên tâm, mọi chuyện an-ninh của Thái-phi, bần tăng xin hết sức mình.
Âu-Hoàng dùng lăng không truyền ngữ nói với Ỷ-Lan:
– Trong thành Thăng-long hiện có nhiều cạm bẫy dăng ra. Hoàng-thượng còn quá trẻ, hiện Thái-hậu kiềm chế người để cướp quyền. Nếu nay Thái-phi đường đường chính chính trở về, thì khó mà đối phó với bà. Vậy ý Thái-phi ra sao?
– Muội cần biết: Sự thực về thư của mẹ muội viết đánh lừa muội rời Thăng-long, có liên quan đến việc Hoàng-thượng băng hà không? Rồi khi Hoàng-thượng băng hà, có đúng người để di chiếu cho Thượng-Dương phụ chính không?
– Nếu quả có di chiếu như vậy thì Thái-phi có tuân chỉ không?
– Dĩ nhiên phải tuân rồi. Sư tỷ có cao kiến gì không?
– Thần nghĩ không khó.
Âu-Huyền xen vào: Bây giờ có tên thái giám Trịnh-Ngọc với ả Minh-Can đây, chúng ta khảo chúng thì ra ngay chứ gì?
Ỷ-Lan tỉnh ngộ:
– Vậy xin Huyền sư tỷ nghĩ dùm muội một kế vẹn toàn.
– Thần với Thanh sư tỷ xin phụ trách tra khảo hai đứa, rồi tâu thái phi sau.
– Đa tạ sư tỷ.
Âu-Huyền, Âu-Thanh lùi lại phía sau dinh, họ túm cổ tên Trịnh-Ngọc với Minh-Can đem ra miếu thổ thần cách dinh Dương-quang hầu không xa.
Âu-Huyền mở cửa miếu, dùng đá đánh lửa đốt lên, rồi xách Minh-Can đem vào ném xuống đất đến bộp một cái. Ả ngoác mồm ra chửi:
– Con tiện tỳ kia, mi định làm gì ta đây?
Năm nàng Âu từng theo học với Đông-Thiên, lại bao năm lưu lạc với bọn Hồng-thiết giáo, nên thừa bản lĩnh lưu manh. Nàng trả lời rất khoan thai:
– Cũng chả làm gì cả. Ta sẽ gọi vài vạn con rắn đến đây để chúng rỉa thịt người, xem người đau đớn, rên siết cho vui. Người cứ chờ một lát sẽ thấy. Đừng nóng.