Kể từ thời vua Lý Thái-tổ lên ngôi. Ngài cho ban hành luật lệ, chế triều nghi, định lễ độ; đến giờ trải đã ba đời vua, gồm năm mươi sáu năm. Điển sự lệ suốt triều Lý quy định rằng, khi hoàng-đế đi đâu, hoặc ngồi xe, hoặc ngồi kiệu, hoặc ngồi võng, hoặc cỡi ngựa, thì xa giá Hoàng-hậu phải ở phía sau xa giá hoàng đế bốn trượng. Còn xa giá qúy phi, cung nga thì phải ở phía sau đến mười trượng. Đây là lần đầu tiên, trước bách quan, trước thần dân, một cô thôn nữ như Yến-Loan được hoàng-đế cho ngồi chung một kiệu.
Tuy Yến-Loan đã đọc thiên kinh vạn quyển của Trung-quốc, của Đại-Việt. Nhưng nàng chưa hề biết qua về những quy định lễ nghi phiền phức cung đình. Bây giờ thực tế trước mặt, nàng phải hành xử lễ nghi với nhà vua, với các quan, mà nàng chưa hề biết qua. Nhờ trí thông minh, nàng tự nhủ:
– Mình hãy cứ xử dụng cái tên Dương Tông với nhà vua đã. Dương Tông là người tình, thì mình muốn nói gì, muốn hành xử thế nào thì cũng không ai bắt bẻ mình được.
Sự thực thì trong lòng Yến-Loan cũng chỉ thấy ở nhà vua môt người yêu mà thôi. Từ hồi lớn lên đến nay, Yến-Loan chỉ mới được biết một nho sinh phong nhã tiêu sái duy nhất là Dương Tông. Rồi hai người yêu nhau. Lúc đầu nàng còn do dự, ái ngại về việc vượt quyền cha mẹ, theo trai. Nhưng giữa lúc tình yêu và lý trí xung đột nhau, thì có sự can thiệp của Lý Thường-Kiệt. Đối với nàng, Thường-Kiệt là một ông bố, một ông thầy hơn là một sư huynh. Người là một đại thần cầm cương nẩy mực cho lễ nghi, cho đạo lý; thế mà Thường-Kiệt lại khuyên nàng cứ dạo chơi kinh-thành với Dương Tông. Vì vậy tình yêu của nàng nở tung ra như một nụ hoa mùa Đông gặp nắng Xuân.
Khi bị Tể-tướng Dương Đạo-Gia lừa dối, nói với nàng rằng Dương Tông là kẻ trộm, tuy lúc đầu nàng tin lời y. Nhưng sau xét lại những cử chỉ, những hành vi của chàng, thì nàng thấy Dương Tông không thể là quân trộm cướp được. Tình yêu lại sống dậy, một thứ tình tuyệt vọng. Nàng sinh chán đời, đến nỗi trong làng tuyển nàng làm thanh nữ múa hát đón đức vua, may mắn ra có thể được tuyển làm cung nga, nàng cũng từ chối. Nàng từ chối luôn cả việc đi đón nhà vua. Bởi lỡ ra được nhà vua tuyển làm cung phi, thì nàng với Dương Tông trở thành nghìn trùng xa cách.
Lúc thấy Trịnh Quang-Thạch nịnh nọt nhà vua quá đáng, lại nữa đội nhạc cử những bản nhạc Việt, nhưng lời lời giống như trong thiên Nhã, Tụng của Kinh-thi; lòng tự ái dân tộc nổi dậy, nàng cất tiếng hát một bài ca bình dân, thổi lên khúc tiêu chăn trâu. Rồi không ngờ Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế lại chính là Dương Tông, người mà nàng nhớ nhung ngày đêm.
Khi ngồi vào trong kiệu với nhà vua. Câu đầu tiên nàng hỏi là:
– Anh ơi! Em tưởng kiếp này không gặp anh nữa. Em nào có ngờ anh lại là ông vua. Anh ơi! Giá như anh không phải là ông vua, mà chỉ là một nho sinh, có phải chúng mình hạnh phúc biết bao không?
– Thế anh là vua, thì có gì trở ngại cho tình mình đâu? Anh vẫn là anh, vẫn sủng ái em. Em vẫn là em, là Hằng-Nga tiên nữ của anh.
– Em không thích cái tên Hằng-Nga đâu.
– Thế thì anh đặt cho em một cái tên mới. Hồi nãy em dựa gốc lan, vậy anh đặt cho em cái tên là Ỷ-Lan.
– Ừa! Tên này hay đấy.
Lịch sử Đại-Việt chỉ ghi vắn tắt rằng vua Thánh-Tông đi hành hương chùa Dâu, khi trở về gặp một giai nhân dựa gốc lan, nhà vua đem về cung, và đặt cho nàng cái tên Ỷ-Lan và phong làm Ỷ-Lan phu nhân. Sau Ỷ-Lan sinh ra hoàng nam, được phong làm Ỷ-Lan thần-phi. Đến lúc con trai của Ỷ-Lan lên làm vua, phong cho mẹ làm Linh-Nhân hoàng thái hậu. Nhà vua lên ngôi mới có sáu tuổi, Linh-Nhân hoàng thái hậu buông rèm thính chính. Đó là dùng mỹ tự, chứ thực ra là bà làm vua.
Trong thời gian bà thính chính, bà cùng Lý Thường-Kiệt đã làm một chuyện độc nhất vô nhị trong sử Việt, là đánh sang Trung-nguyên, làm nghiêng ngả triều Tống. Thời Lý, trước sau có ba cuộc đánh Tống. Một là cuộc đánh Tống do Khai-Quốc vương thống lĩnh, nhưng dưới danh nghiã tộc Việt ở Lưỡng-Quảng với Nùng Trí-Cao nổi dậy đòi đất cũ, công chúa Bảo-Hòa chỉ huy. Cuộc đánh sang lần thứ nhì, do vua bà Bình-Dương cùng phò mã Thân-thiệu-Thái thống lĩnh, như đã thuật ở các hồi trên. Nhưng cuộc đánh sang do Linh-Nhân hoàng thái hậu với Lý Thường-Kiệt đã làm đảo lộn toàn bộ giang sơn nhà Tống, làm tan vỡ cuộc cải cách kinh tế của Tống Thần-Tông và Vương An-Thạch. Nhưng sử Việt-Hoa, chỉ chép vắn tắt rằng Lý Thường-Kiệt, Tôn-Đản đánh Tống để phá căn cứ địa của họ, khi họ chuẩn bị đánh ta. Sự thực ra, chính Linh-Nhân hoàng thái-hậu chủ trương.
Không một sử gia nào chép rõ nguồn gốc cùng xuất thân của bà. Chỉ độc giả Nam-Quốc sơn hà mới biết tên thực của Ỷ-Lan là gì, nguồn gốc ra sao. Sau này người ta còn tưởng tượng rồi đặt ra chuyện Tấm-Cám để kể thời thơ ấu khốn khổ của bà. Bình dân tin theo chuyện Tấm-Cám, mà quên hẳn công nghiệp vĩ đại của bà.
Chương-thánh Gia-khánh đã có tam-cung, lục-viện, và mấy chục phi tần, nhưng có lẽ mình Ỷ-Lan được nghe những lời chân tình yêu đương mà thôi. Nhà vua tiếp:
– Là vua, nhưng anh vẫn là người con trai, vẫn rung động trước một đóa hoa lan ngát hương trong trăm vạn thứ hoa khác chứ? Em cho rằng anh là vua thì anh như những tượng đất trong miếu thổ thần hay sao?
– Anh nói! Anh là hoàng đế chí tôn, bị biết bao nhiêu lễ nghi, bổn phận ràng buộc, sao có thể bằng một nho sinh Dương Tông được? Rồi đây anh sẽ gọi em là ái-khanh. Còn em thì mỗi khi thấy anh là phải cúi đầu phủ phục tung hô vạn tuế, rồi xưng là thần thiếp. Ôi! Ra luồn, vào cúi, chán biết bao?
Nhà vua ngồi ngay ngắn lại:
– Nhưng chúng ta sẽ thực hành những điều em nói với anh trước đây rằng nếu em là vua, em sẽ ban hành những chính lệnh làm cho dân chúng hạnh phúc. Cái hạnh phúc của dân Đại-Việt, chính là Cực-lạc của chúng mình. Anh sinh ra là vua, em sinh ra có cái may mắn là đọc sách, thiên tính thuần hậu. Chúng ta vẫn yêu nhau, nhưng vẫn có thể đem tài trí ra giữ nước, làm cho trăm họ sống những ngày tháng như thời vua Hùng, vua Trưng.
Ỷ-Lan nắm chặt tay nhà vua:
– Thực nhé! Anh sẽ ban hành những chính pháp đó nhé! Anh hứa đi!
Nhà vua gật đầu:
– Anh xin hứa. Anh sẽ dùng em như một vị Đại-học sĩ, để cùng anh bàn quốc sự. Đấy là trước mặt quần thần. Còn khi chỉ có hai chúng mình, thì anh vẫn là Dương Tông, em vẫn là Ỷ-Lan. Chúng mình như đôi chim liền cánh mà!
Đôi mắt Ỷ-Lan sáng long lanh, đầy tình tứ liếc nhìn nhà vua. Nhà vua ôm lấy Ỷ-Lan, hôn lên đôi môi nàng. Hai người lặng đi trong cái hạnh phúc của đôi tình nhân và....
Tuy đã bốn mươi tuổi đời, đây là lần đầu tiên Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế được nếm mùi tình yêu nam nữ. Mặc dù từ năm mười lăm, nhà vua đã được mở phủ đệ riêng, được phụ hoàng tuyển cho hàng chục giai nhân ngang tuổi. Những giai nhân đó, nếu họ không là con đại thần, thì cũng là con nhà giầu có. Lúc họ nhập cung đã được dạy dỗ rất kỹ về lễ nghi cung đình. Khi gặp nhà vua, họ chỉ biết rập đầu hành lễ, rồi dâng hiến. Mỗi lời nói của nhà vua, họ chỉ biết tuân theo. Sau này Thiên-Cảm hoàng hậu tuyển cháu gọi bà bằng cô là Dương Hồng-Hạc, rồi phong làm Vương phi cho vua. Nhưng trước đó, giữa Hồng-Hạc với nhà vua đã có đụng chạm lớn, đến nỗi cha, anh của nàng bị Ưng-sơn song hiệp giết chết. Vì vậy, cho đến tuổi bốn mươi, nhà vua mới gặp Ỷ-Lan, và nàng là người đầu tiên cho nhà vua tình yêu. ()
Ghi chú,
() Xin đọc Anh-linh thần võ tộc Việt của Yên-tử cư-sĩ
Nguyên nhân nào nhà vua lại đến trang ấp của Lý Thường-Kiệt giữa đêm khuya? Tại sao nhà vua lại thành thạo đường ra lối vào trong nhà Thường-Kiệt? Chuyện rất dài: nguyên hồi thơ ấu, Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế cùng Lý Thường-Kiệt theo học với tiên nương Thân Bảo-Hòa trên Tản-lĩnh. Thường-Kiệt thì gọi Thân tiên nương bằng sư phụ. Còn nhà vua với tiên nương là con cô con cậu, ông lại là đấng trừ quân, nên tiên nương vẫn để nhà vua gọi bà bằng chị. Vì vậy tuy học chung một thầy, ngang tuổi nhau mà Thường-Kiệt phải gọi nhà vua bằng sư thúc. Sau này trong lần đi cùng nhau từ Tản-lĩnh về Thăng-long, hai người đánh cá: nếu nhà vua thắng cuộc, thì Thường-Kiệt phải gọi nhà vua bằng bố. Ngược lại Thường-Kiệt thắng cuộc thì được lên một vai, gọi nhà vua là sư huynh. Vì nhà vua thắng cuộc, nên từ đấy Thường-Kiệt phải gọi ông bằng nghĩa phụ.()
Chính vì những liên hệ đồng học, cùng chơi đùa với nhau từ thời thơ ấu, nên khi nhà vua mở phủ đệ Khai-Hoàng vương, thì Thường-Kiệt được phong làm Thái-tử mật-thư tỉnh-sự. Với chức vụ này, ngày đêm giữa thái-tử với Thường-Kiệt làm việc cạnh nhau. Nối tiếp, Thường-Kiệt bị kẻ vô danh ám hại bằng cách đánh thuốc mê rồi đem thiến. Từ đấy Thường-Kiệt được dùng như một viên quan thân tín bên thái-tử lại vừa là một thái giám.
Khi Khai-Hoàng vương lên ngôi vua, thì phong Thường-Kiệt làm Tổng-lĩnh thái-giám, cung nga, coi toàn bộ nội sự trong cung, kiêm chức Tổng-lĩnh thị vệ. Với chức vụ này, Thường-Kiệt được quyền có nơi ở trong hoàng cung. Những khi không có ai, nhà vua đối với Thường-Kiệt như người bạn. Tất cả những vui, buồn của nhà vua, ông đều tâm sự với Thường-Kiệt.
Từ sau cuộc khởi binh của tộc Việt đánh sang vùng Lưỡng-Quảng, đưa Nùng Trí-Cao lên làm vua, Thường-Kiệt được phong hầu, có trang ấp riêng. Những lúc ở trong cung, bị tù túng với lễ nghi, với đám phi tần chỉ biết quỳ lạy, chúc tụng; nhà vua cảm thấy chán nản. Để giải khuây, ông lại tìm cách cùng Thường-Kiệt giả làm nho sinh, trốn ra ngoài thành Thăng-long chơi, thăm dò dân tình. Sau này sư đệ của Thường-Kiệt là Đỗ Oanh được phong làm thống-lĩnh đạo binh Ngự-long, thì đôi khi nhà vua tuần du, Đỗ-Oanh được theo hộ giá.
Mỗi lần nhà vua đến trang ấp của Thường-Kiệt chơi, nhà vua thường giả làm nho sinh, còn Đỗ Oanh thì giả làm người đánh ngựa theo hầu. Nếu ban ngày mà nhà vua đến thăm Thường-Kiệt thì đi bằng cửa chính. Còn những khi đi ban đêm, thì nhà vua cùng Đỗ-Oanh tung mình qua tường mà vào trong. Nhà vua đi lại trong ấp, trong nhà Thường-Kiệt riết rồi thuộc làu.
Việc Thường-Kiệt đem Ỷ-Lan về trang ấp chơi, ông chưa kịp báo cho nhà vua biết, nên khi nhà vua đến nhà ông chơi thình lình, gặp Yến-Loan trong đêm. Sắc đẹp, nét ngây thơ quê mùa của nàng đã làm cho vị vua chí tôn của Đại-Việt say đắm ngay từ lúc đầu. Trong lúc nhà vua cùng nàng dạo chơi Thăng-long, gặp con cả của Tể-tướng Dương Đạo-Gia làm càn. Nhà vua không muốn lộ thân thế, nên theo đội binh về phủ thừa Thăng-long. Viên phủ thừa Thăng-long thấy nhà vua nháy mắt làm hiệu, thì biết rằng ngài muốn giữ bí mật, nên y bảo đám tùy tùng của gã Dương công tử cứ về. Sau đó y mời nhà vua vào nội đường. Nhà vua bắt y phải tuyệt đối thủ khẩu như bình (giữ kín như bình bị đậy nắp), rồi ngài cùng Đỗ Oanh trở về tửu quán tìm Ỷ-Lan, trong khi Ỷ-Lan đột nhập dinh Tể-tướng cứu ngài.
Hôm sau, nhà vua triệu Thường-Kiệt vào cung để hỏi về Ỷ-Lan. Thường-Kiệt tâu trình thực tỷ mỉ về nàng. Nhà vua bảo Thường-Kiệt phải bí mật tìm Ỷ-Lan cho ngài, để ngài phong làm quý phi. Đúng ra, nếu không phải giữ bí mật, thì Thường-Kiệt chỉ cần cho người lên Kinh-Bắc điều tra ra làng xóm, cha mẹ nàng là ai ngay. Nhưng vì phải giữ bí mật, nên Thường-Kiệt âm thầm cho học trò đi điều tra. Một thời gian sau, học trò mới tìm ra mọi chi tiết, và cho biết hiện nàng đang ở quê nhà.
Nhà vua với Thường-Kiệt bàn nhau phải làm cách nào để đưa nàng về cung một cách tự nhiên, khiến không ai biết việc nhà vua đang đêm ra nhà Thường-Kiệt rồi gặp nàng trước đây. Thế là kế hoạch giả đi làm lễ cầu siêu được hình thành. Chính Thường-Kiệt sai thị-vệ đem mật thư cho thầy đồ Thái, để thầy kể chuyện cho cả làng nghe, rồi đem tất cả người đẹp trong làng đón đức vua. Vua tôi ước tính, thế nào Yến-Loan cũng có mặt trong đội múa hát. Bấy giờ nhà vua sẽ danh chính, ngôn thuận đem nàng về cung. Nhưng sự việc lại không giống như vua tôi bàn định, tuy rằng chung cuộc, nhà vua cũng tìm thấy Ỷ-Lan.
Tuy tìm được người yêu, nhưng trăm mối ngổn ngang trong lòng nhà vua: khi về Thăng-long, sẽ cho nàng ở đâu? Hiện trong cung, bao nhiêu thái giám, cung nga đều do Thường-Kiệt tổng lĩnh. Nhưng họ đều dưới quyền sinh sát của Thượng-Dương hoàng hậu. Nhất nhất mọi hoạt động của hậu cung, hoàng hậu được mật tấu hết. Ỷ-Lan sẽ cô độc. Hoàng hậu sẽ đem luật từ vua Thái-tổ, Thái-tông ra mà bắt Ỷ-Lan phải khuất phục bà là điều nhà vua không muốn.
Càng nghĩ, càng thấy ruột rối như tơ vò. Nhà vua gọi Thường-Kiệt lại bên kiệu, rồi ban chỉ:
– Thường-Kiệt à. Ngay khi về cung, người nghĩ ta phải để Ỷ-Lan ở đâu?
– Thần nghĩ, bệ hạ cứ để mỹ nhân ở cung Long-thụy, rồi ban chỉ Công-bộ khẩn cấp xây một cung riêng cho mỹ nhân ở. Sau đó bệ hạ ban chỉ phong mỹ nhân làm Thần-phi. Như vậy là danh chính ngôn thuận.
Ỷ-Lan nghe Thường-Kiệt nói, nàng hỏi nhà vua:
– Theo lễ nghi, em là vợ anh thì đương nhiên khi sư huynh Thường-Kiệt gặp em phải hành đại lễ. Trong khi em là sư muội của người, vậy em phải xử sự làm sao?
Nhà vua vuốt tóc nàng:
– Em thực là người nhân hậu. Em phải làm như thế này: khi không có người ngoài, thì em với Thường-Kiệt dùng lễ sư huynh, sư đệ. Còn khi có người ngoài, thì em cứ gọi Thường-Kiệt bằng sư huynh, Thường-Kiệt gọi em là Thần-phi. Khi em mới trông thấy Thường-Kiệt, em nói trước: Xin sư huynh chẳng nên đa lễ.
Ỷ-Lan nói với Thường-Kiệt:
– Sư huynh ơi! Em nhờ sư huynh nói với Công-bộ rằng cứ làm cho em một căn nhà toàn bằng gỗ, mái lợp tranh, xung quanh trồng lan. Em không muốn làm cung điện nguy nga, tốn tiền, tốn sức của dân. Như vậy được không?
Thường-Kiệt vui vẻ:
– Thần-phi đã tỏ đức tốt như vậy, thì còn gì bằng nữa.
Dọc đường, Ỷ-Lan nhỏ nhẹ thuật lại cho nhà vua nghe tất cả những cay đắng của mình từ hồi thơ ấu đến giờ. Nào khi bị vu oan ở chùa Từ-quang cho tới Kinh-Bắc rồi Khu-mật-viện. Nào bị Tể-tướng Dương Đạo-Gia với bọn Tống vu oan. Nào gặp Tự-An dạy võ công tà môn cho mình. Nhà vua càng nghe nàng trình bầy, càng kinh hoàng về họ Dương lộng quyền. Nếu không có Ỷ-Lan tâu cho biết, thì thực là nguy vô cùng. Vì triều đình thì họ Dương khuynh đảo. Trong cung thì từ cung nga cho tới thái giám đều là người của Dương hoàng hậu cả.
Trước đây, hồi nhà vua còn là Thái-tử, chính Tôn Đản đã đội tên Ưng-sơn song hiệp cáo cho nhà vua biết âm mưu của họ Dương là đem Hồng-Hạc gả cho Thái-tử, với ý đồ sau này Thái-tử lên làm vua, con gái làm Thái-hậu, quyền hành vào tay Dương gia. Bấy giờ Dương gia sẽ lấy ngôi vua như Vương Mãn lấy ngôi vua nhà Hán. Chính vì lẽ đó, từ khi Hồng-Hạc tiến cung, được cô ruột là Thiên-Cảm hoàng hậu phong làm Vương phi. Nhưng nhà vua nhất định không chung chăn gối với Hồng-Hạc, vì sợ có con, thì coi như trúng kế họ Dương.
Sau này nhà vua lên ngôi, Thiên-Cảm hoàng hậu trở thành Thái-hậu. Bà ép nhà vua phong cho Hồng-Hạc làm Thượng-Dương hoàng-hậu. Nhà vua phải tuân lệnh, nhưng vẫn không gần Hoàng-hậu. Hóa cho nên, Hồng-Hạc được tiến cung trên hai mươi năm, mà chưa được nhà vua đoái tới. Bà vẫn chỉ là một trinh nữ. Từ đó, trong lòng bà sinh hận thù, bà bàn với anh là Dương Đạo-Gia mưu chiếm ngôi nhà Lý bằng năm kế như sau:
– Một là vận động ngầm với Tống, để sau khi cướp ngôi, sẽ được Tống phong cho làm vua Đại-Việt. Kế này thành công, vì họ Dương đã được Thái-tử Tống hứa giúp, hơn nữa còn hợp tác trong tất cả mọi kế khác.
– Hai là triệt hết vây cánh của những phe phái trong triều. Phe phái trong triều bấy giờ ngang với họ Dương là họ Mai. Nguyên thân mẫu của nhà vua là Triệu phi đã chết trong thời khởi loạn của chư vương. Nhà vua được Mai phi nuôi dưỡng. Khi vua Thái-tông lên ngôi, phong Mai phi làm Linh-Cảm hoàng hậu. Đến khi nhà vua lên ngôi lại phong Mai hậu làm Linh-Cảm hoàng thái hậu. Họ Mai nguyên xuất thân là võ tướng từ thời nhà Lê, nên hầu hết các võ tướng đều thuộc phe đảng họ Mai. Chính vì vậy họ Mai là mục tiêu đầu tiên để họ Dương triệt hạ. Năm trớc đây khi Mai hậu vừa băng hà, thì Viên-Chiếu đại sư là cháu gọi bà bằng cô ruột có uy tín thời bấy giờ bị vu oan trong vụ án chùa Từ-quang. Sau vụ án Viên-Chiếu bị cáo là phạm giới, là nhận vàng của Tống qua Kinh-Nam vương để làm nội ứng khi quân Tống đánh sang... Hầu hết vây cánh họ Mai trong triều bị mất hết chức tước, đuổi về dân dã.
– Ba là họ Dương cho Trịnh Quang-Thạch mở trường dạy văn, luyện võ, rồi phe cánh họ Dương sẽ bổ vào những chức vụ quan trọng trong triều ngoài trấn.
– Bốn là gây cho triều đình với các võ phái nghi kị nhau. Võ phái lớn nhất, uy tín nhất là phái Đông-a. Cho nên Tống cũng như họ Dương tìm cách triệt hạ phái này. Họ vu cáo cho Kinh-Nam vương đem vàng kết thân với người Việt, đợi sau này Vương đem quân sang, sẽ làm nội ứng. Nhưng vụ này chưa có ảnh hưởng làm bao.
– Năm là mỗi khi một phi tần nào được sủng ái, Hoàng-hậu sai cung nga, thái giám ngầm bỏ thuốc vào thức ăn, khiến phi tần đó suy nhược, không thể thụ thai. Nhà vua định lập cháu làm Thái-tử, hậu tìm cách lần nữa cản trở nhà vua. Để khi vua băng hà, Thượng-Dương hoàng-hậu sẽ lập một đứa trẻ trong tôn thất nhà Lý lên nối ngôi. Trong triều có ấu quân lên thay, thì Dương tể-tướng, Dương hoàng hậu đương nhiên làm phụ chính đại thần. Bấy giờ họ chỉ trở tay là lấy được ngôi vua.
Nhà vua nắm tay Ỷ-Lan:
– Trời đem em đến cho anh. Khi về cung, anh sẽ bảo Thường-Kiệt lựa cho em mấy cung nữ thân tín. Em phải tối cẩn thận, kẻo những gì họ Dương chuẩn bị mà chúng ta lộ ra rằng chúng ta biết, e họ sẽ ra tay trước thì nguy lắm. Ta phải có kế hoạch chu toàn, để phá vụ này. Trong vụ ăn uống, em không sợ bị người ta bỏ thuốc làm suy nhược, đến không thụ thai. Bởi em đã luyện Vô-ngã tướng thiền công, không độc chất nào xâm nhập cơ thể của em được.
Ỷ-Lan ngước mắt nhìn nhà vua, ánh mắt long lanh, hai khóe mắt có đuôi dài trên khuôn mặt thanh tú, khiến con tim nhà vua xao xuyến, rung động thực mạnh. Không tự chủ được, nhà vua lại nắm lấy tay nàng. Ỷ-Lan nói trong hơi thở như tơ:
– Anh đừng lo. Vụ này không phải mình em biết, mà có mấy nhân vật cực kỳ uy tín, cực kỳ minh mẫn cũng biết. Không hiểu sao mấy vị ấy chưa nói với anh.
Nhà vua kinh ngạc:
– Ai? Phải chăng là Lý Thường-Kiệt?
Ỷ-Lan xòe bàn tay đưa cao quá đầu, rồi lại đưa xuống thấp ngang bụng:
– Cao hơn nữa, và thấp hơn nữa.
Ý Ỷ-Lan muốn nói là sư phụ Thân Thiệu-Thái, sư mẫu Bình-Dương, U-bon vương Lê Văn, công chúa Nong-Nụt và công chúa Thiên-Thành với phò mã Thân Cảnh-Long. Nhưng nhà vua đoán không ra:
– Quốc-phụ chăng?
Ỷ-Lan hỏi ngược lại:
– Quốc-phụ là ai?
– Là chú anh, là Khai-Quốc vương.
Ỷ-Lan hạ tay thấp xuống chút nữa rồi mỉm cười.
– Quan thái-sư Dương Bình chăng?
Ỷ-Lan vẫn lắc đầu.
– Tiên-nương Bảo-Hòa chăng?
Ỷ-Lan lại lắc đầu.
Nhà vua thấy vui vui, lại đoán tiếp:
– Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai chăng?
Ỷ-Lan vẫn lắc đầu.
– Vậy thì anh chịu thua. Thôi Ỷ-Lan cho anh biết đi!
– Họ gồm sáu người. Tất cả đều cấm em không được tiết lộ, bằng không thì sẽ đánh đòn. Em chỉ hé cho anh biết họ gồm có bốn vị cao hơn anh nửa bậc và hai vị thấp hơn anh một bậc. Họ đều là người thân với anh lắm lắm, thân đến độ có thể chết thay anh được, họ cũng sẵn sàng.
Nhà vua bùi ngùi cảm động:
– Anh biết quanh anh, có không nhiều người thân phù trì cho anh, mà tiếc rằng anh không đáp lại được trong muôn một.
– Không phải họ yêu anh mà hy sinh cho anh đâu. Chẳng qua anh là đại biểu cho tinh thần tộc Việt. Họ hy sinh cho tộc Việt, thì họ phải giúp anh.
Nhà vua tuyệt không ngờ Ỷ-Lan lại kiến giải sáng suốt đến thế. Ông chắp tay xá nàng:
– Đa tạ em đã phân giải cho anh. Không biết ai là người dạy em lối giải thích này?
– Đó là bản sư của em.
– Là ai mà cao minh vậy?
Ỷ-Lan nghĩ đến bản sư Viên-Chiếu yêu thương nàng không khác gì đức Thích-Ca yêu chư đệ tử của ngài. Nhưng không biết hiện đại sư bị lưu đầy ở đâu? Bất giác nàng bật lên tiếng khóc, hai hàng lệ lã chã chảy xuống hai gò má trắng mịn. Nhà vua ngạc nhiên hỏi:
– Tại sao em lại khổ tâm như thế? Phải chăng bản sư của em đã về Tây-phương cực lạc rồi chăng?
Ỷ-Lan nức nở:
– Người vì... vì yêu Đại-Việt, vì... phù trì cho anh, mà bị anh lưu đầy đi Nam biên rồi.
Nhà vua nắm chặt hai tay Ỷ-Lan:
– Từ khi anh tiếp ngôi trời đến giờ anh chưa đầy một vị tăng nào cả. Có lẽ bản sư em bị các trấn đầy chăng? Pháp danh người là gì?
– Người chính là đại sư Viên-Chiếu, cháu gọi Linh-Cảm thái hậu bằng cô ruột.
Nhà vua à lên một tiếng:
– Phải rồi, anh sơ tâm, ban nãy em đã kể vụ án chùa Từ-quang cho anh nghe rồi. Đại sư Viên-Chiếu bị bọn họ Dương vu oan. Ngay khi về kinh, em cùng anh phải minh oan cho người. Nhưng có điều anh nói trước cho em nghe, giữa Dương Tông với Yến-Loan thì thế nào cũng được. Nhưng khi về kinh, em phải chịu sự cai quản của Thiên-Cảm thái hậu và Thượng-Dương hoàng hậu. Hai người này tuy cùng với họ Dương chuẩn bị phản nghịch, nhưng tội trạng chưa công bố, thì họ vẫn là chúa tể hậu cung.
– Em phải làm gì?
– Khi tới Thăng-long, anh dẫn em đến yết kiến Thái-hậu, rồi Hoàng-hậu. Một tháng em phải theo anh đi chầu hầu Thái-hậu, và nửa tháng một lần em phải chầu Hoàng-hậu để biết những việc phải làm trong các cuộc lễ như giỗ các vị tiên hoàng, tiên hậu, các ngày tết Nguyên-đán, tết Trùng-cửu, tết Trung-thu...
– Anh yên tâm, dù sao em cũng là người đọc sách. Em có đủ đức nhẫn để theo lễ nghi. Anh ơi! Dù em có lấy chồng nông dân chăng nữa, em cũng phải gánh vác giang sơn nhà chồng. Huống hồ nay em làm vợ anh, thì phải cùng anh lo liệu cho toàn tộc Việt nhà mình.
Nhà vua nắm lấy tay nàng:
– Em vừa là người yêu, lại vừa là cánh tay phải của anh.
Chợt nhớ lại chuyện cũ, Ỷ-Lan hỏi nhà vua:
– Anh có nhớ cái đêm mình du ngoạn Thăng-long không?
– Nhớ chứ, nhớ lắm lắm.
– Hôm ấy em có giới thiệu với anh bẩy đứa em nuôi xuất thân ăn mày của em. Anh với Đỗ Oanh đã trắc nghiệm võ công chúng, rồi tìm ra người nuôi chúng tên Chiêu-Văn. Chiêu-Văn là ai?
– À, Chiêu-Văn là con trai thứ nhì của chú anh tức Khai-Quốc vương với vương phi Thanh-Mai. Đúng ra Chiêu-Văn chỉ được gọi là vương tử hay thế tử. Nhưng chú anh được tôn là Quốc-phụ, nên Chiêu-Văn được phong là hoàng-tử.
– Như vậy Chiêu-Văn là cháu ngoại của đại hiệp Tự-An à?
– Đúng thế.
Ỷ-Lan lại nhớ đến hôm nàng dạo chơi Thăng-long với năm đứa trẻ học ở chùa Từ-quang, gặp công tử Dương Đức-Nhàn, cháu tể tướng Dương Đạo-Gia bang bạnh đánh Khất hòa thượng. Năm trẻ nhảy ra lấy thân che cho ông, chúng bị gã họ Dương đánh. Hai hoàng tử Hoằng-Chân với Chiêu-Văn tung chúng lên xe đem đi. Cho đến nay nàng cũng không biết tin tức của chúng.
Nàng gọi Lý Thường-Kiệt:
– Ngay khi về Thăng-long, sư huynh có thể mời hai hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn cho muội không?
– Được chứ, Thần-phi cứ ban chỉ triệu hồi, thì hai hoàng tử phải vào cung chầu hầu ngay. Nhưng xin Thần-phi đợi chiếu chỉ ban ra, định rõ danh phận Thần-phi đã.
Ỷ-Lan hiểu ý Thường-Kiệt muốn nói: nàng tuy được nhà vua sủng ái, nhưng cũng vẫn chỉ là cô gái nhà quê, chưa có chức tước gì, nên không thể ban chỉ, phát lệnh. Nàng phải chờ nhà vua ban chỉ phong chức tước đã.
Từ hôm Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế của Đại-Việt đi hành hương ở chùa Dâu trở về đến giờ đã mấy tháng. Suốt mấy tháng ngài không thiết triều. Bách quan cứ đoán già, đoán non rằng ngài tái hồi với Hằng-Nga nên say hương, đắm sắc, mà trễ việc triều chính. Nhiều người tò mò, hỏi thăm cung nga, thái giám, nhưng không một người nào dám hé môi. Trong bách quan, chỉ có hai người được chầu chực bên ngài, đó là thái-bảo Lý Thường-Kiệt và quan thống lĩnh đạo binh Ngự-long Đỗ Oanh.
Luật đặt ra từ thời Phụng-thiên chí-lý, Ứng vận tự tại, Thánh minh long kiến, Duệ văn anh võ, Sùng nhân quảng hiếu, Thiên hạ thái bình, Khâm minh quang trạch, Chiêu chương vạn bang, Hiển ứng tiết cảm, Uy trấn phiên man, Duệ mưu thần công, Chí trị tắc thiên, Đạo chính hoàng đế tức vua Thái-tổ. Luật ấn định rằng phàm tấu chương các nơi gửi về, được đóng dấu nhật ấn, rồi bỏ trong tráp khóa kín, đem vào hoàng thành dâng lên đức vua. Ban ngày đức vua ngồi ở điện Kính-thiên, ban đêm thì làm việc ở cung Long-thụy. Khi đức vua làm việc, luôn có cung nga, thái giám chầu hầu. Sau khi đọc tấu chương, ngài dùng bút son phê lên thường gọi là châu phê, rồi cung nga, thái giám lại bỏ vào tráp chuyển ra ngoài cho Chiêu-văn quan đại học sĩ, tức Tể-tướng. Tể-tướng sẽ giải quyết theo chỉ dụ châu phê, hoặc chuyển cho các bộ liên hệ.
Ba tháng rồi, ngài không thiết triều, nhưng các tấu chương cùng chế, chiếu vẫn ban ra đều đặn. Như vậy chứng tỏ ngài vẫn làm việc, chứ không phải mê hương, đắm nguyệt mà bỏ bê triều chính. Các quan còn ngạc nhiên vô cùng khi thấy rõ ràng nhà vua thự ở dưới, còn bút phê trên các công văn không phải chữ của nhà vua. Bởi chữ của nhà vua thì nét hơi cứng. Còn chữ phê này thực mềm mại như rồng múa, như phượng bay. Trên các công văn thoang thoảng có mùi thơm của nước hoa ngọc lan. Một thái giám hé ra chút bí mật: nhà vua ngồi làm việc trong ngự thư phòng. Phàm mọi tấu chương, công văn đều do Ỷ-Lan mỹ nhân đọc cho ngài nghe. Ngài phán gì, thì mỹ nhân phê vào, rồi ngài thự ở dưới. Chữ đẹp như rồng bay phương múa chính là chữ của mỹ nhân Ỷ-Lan đó.
Hôm nay là ngày nhà vua thiết đại triều. Các vị vương, công, hầu cùng các đại tướng quân, đô đốc tổng trấn Nam, Bắc biên; các vị An-phủ kinh-lược sứ; quan tổng-trấn Thăng-long; các vị cựu thần đời vua Thái-tông đều tề tựu ở điện Càn-nguyên.
Mỗi khi thiết đại triều như thế, thì tể-tướng Dương Đạo-Gia phụ trách sắp xếp chỗ ngồi, chỗ đứng cho trăm quan. Viên thái-giám Trịnh Quang-Liệt con trai Trịnh Quang-Thạch, lĩnh chức vũ-vệ hiệu úy cung Long-thụy. Trước đây y theo phù trì Dương Đức-Huy bang bạnh cả với nhà vua, sau này nhà vua bảo Thường-Kiệt bổ nhiệm y chỉ huy đội thị vệ ở điện Càn-nguyên. Từ đấy mỗi khi thấy nhà vua, y nghĩ lại chuyện cũ mà rởn tóc gáy.
Giữa điện, trên một bệ cao, là ngai vàng dành cho Hoàng-đế. Hai ghế sơn son thiếp vàng, chạm kỳ lân, đặt hai bên, cao ngang với ngai vàng. Ghế bên trái dành vị thượng phụ (vai bố vua) là Khai-quốc vương. Ghế bên phải dành cho trưởng đại công chúa tiên-nương Thân Bảo-Hòa, vì công chúa là sư phụ của đức vua.
Tám ghế thấp hơn một bậc, cũng sơn son thiếp vàng. Bốn ghế bên trái chạm hình sư tử, dành cho Long-thành ẩn sĩ Tôn Đản, phò-mã Thân Thiệu-Thái, phò mã Lê Thuận-Tông, phò mã Hà Thiện-Lãm. Bốn ghế bên phải chạm hình phượng hoàng dành cho vua bà Bình-Dương, công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh, phu nhân Long-thành ẩn-sĩ là Ngô Cẩm-Thi.
Còn lại các quan chia ra hai hàng văn võ đứng hai bên. Đúng giờ Mão, nhã nhạc tấu lên khúc Ngân-hà để ví trăm quan như trăm ngôi sao trên giải Ngân-hà trên trời:
Húc nhật thủy đán,
Loan thanh tương tương.
Triều ký doanh lữ,
Tả hữu trần hàng.
Nhạc hòa tấu tấu,
Chung cổ tương tương.
Hổ bái khể thú,
Tể, tể, thương thương,
Ư vạn dư niên,
Tự thiên giáng khương. () Ghi chú,
() Dịch:
Mặt rời mọc sớm,
Nhạc xe sang sảng,
Triều hội đầy đủ,
Đứng làm hai hàng.
Nhã nhạc hoà tấu,
Chuông trống vang vang.
Trăm quan lễ vua,
Từ trời giáng xuống.
Nhạc dứt, thì các vị chủng tể bậc nhì tới. Đi đầu là Long-thành ẩn sĩ Tôn Đản, rồi tới ba phò mã Thân Thiệu-Thái, Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm. Tiếp theo là vua bà Bình-Dương, công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh, Ngô Cẩm-Thi. Dân chúng Đại-Việt cực kỳ kính trọng vua bà Bình-Dương, người người truyền tụng nhau bà là Quan-thế-âm phân thân giáng thế cứu độ cho chúng sinh. Vì vậy khi vua Bà vừa tới, trăm quan đều cung cung kính kính hành lễ.
Triều đình Chương-thánh Gia Khánh đặt Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản ngồi trên ba phò mã, bởi vì trọng cái đức của ông.
Kể từ thời Thuận-Thiên () đến giờ, bất cứ quốc biến nào ông cũng tham dự với tất cả tấm lòng son. Từ cuộc khởi loạn của chư vương, cho tới cuộc bình Chiêm, lần nào ông cũng lĩnh ấn nguyên nhung. Trong hai cuộc đánh Tống; cuộc thứ nhất giúp Nùng Trí-Cao chiếm lại vùng Lưỡng-Quảng về cho tộc Việt, tới cuộc đánh sang mới đây (-), ông đều lập đại công. Nhưng sau đó, dù nhà vua phong ông tới tước vương, ông cũng từ chối. Bất cứ triều đình lao tưởng gì, ông cũng chối. Ông lại mở trường dạy văn, dạy võ. Học trò ông hiện giữ hầu hết những chức quan trọng tại triều, cũng như vùng Nam, Bắc biên. Phu nhân của ông, là Ngô Cẩm-Thi thì mở trường dạy dệt gấm, dệt lụa, dệt vải cho con gái trong nước. Bà còn được mời làm thầy dạy văn, luyện võ cho cung nữ. Vì đức của ông bà cao như vậy, nên ông được đặt ngồi cao hơn các phò mã (đều là đại thần, giữ trọng trách quốc gia). Còn bà thì được đặt ngang hàng với các công chúa cầm đại quân biên trấn.
Cuộc chào hỏi chưa chấm dứt, thì ba hồi chiêng trống, rồi đoàn nhạc cử bản Tụng đại đức:
Thượng phụ duy tích,
Thụ thiên chi hỗ,
Ưu tai, du tai.
Dĩ dơi mi thọ,
Cấn cán kỳ minh,
Đức âm thị mậu.
Ký an thả ninh,
Tỉ thọ nhi phú,
Khách vô bất nghi,
Kỳ diệc khổng cố. ()
Ghi chú,
() Dịch:
Thượng phụ trị nước,
Ơn trời nhàn du.
Nay hưởng tuổi thọ,
Xét việc càng sâu.
Âm đức ấy tốt,
Đã ninh, thêm giầu.
Trăm sự trăm tốt,
Giúp vua bền lâu.
Tiên nương Bảo-Hòa vừa bước vào điện, thì mùi trầm hương thoảng thoảng khắp điện. Ai nấy đầu cảm thấy người thư thái nhẹ nhàng. Khai-Quốc vương tuổi tuy cao, nhưng tóc chưa bạc, mặt tươi hồng như một đồng nam. Vương cùng tiên cô Bảo-Hòa đi khắp điện thăm hỏi bách quan.
Đến đó, thì có tiếng hô:
– Hoàng thượng giá lâm.
Bách quan phủ phục hành đại lễ. Duy các vị ngồi ghế thì chỉ đứng lên thôi. Nhạc cử bài Nguyên-thọ.
Minh minh thiên tử,
Vạn dân sở vương... ()
(Xem chú giải
Bốn người từ trong tiến ra. Nhà vua đi đầu, kế đó là Lý Thường-Kiệt, hông đeo thanh Thượng-phương bảo kiếm, phía sau là hai công chúa Thiên-Thành, Thiên-Ninh. Nhà vua hướng Khai-Quốc vương vái:
– Thần nhi xin vấn an Quốc-phụ, kính chúc Quốc-phụ tâm an, thần tĩnh, minh trí, tráng lực, để dạy dỗ thần nhi. Thần nhi thấy dường như Quốc-phụ đang có điều ưu tư thì phải?
Khai-Quốc vương mỉm cười:
– Kể từ khi bản triều tiếp ngôi trời. Đời đức Thái-tổ phải lo chính đốn giềng mối. Đến đức Thái-tông thì làm cho dân giầu nước mạnh. Nay bệ hạ được hưởng hai tài sản của ông cha để lại, rồi ban bố đức nhân cho trăm họ, thực không gì phúc bằng. Chỉ có một điều là bệ hạ chưa có hoàng nam, khiến thần lo nghĩ mà thôi.
– Thần nhi xin ghi lời dạy của Quốc-phụ.
Nhà vua hướng tiên-nương Bảo-Hòa:
– Thưa chị, không biết trận Nam-phong nào thổi lên Tản-lĩnh, mà chị về thăm em thế này! Đại giá Đào-nguyên của chị đưa hương cho cả triều đình đều sảng khoái như vào vườn thượng uyển ở cung Dao-trì.
Nguyên tiên-nương Bảo-Hòa thường không thích những lễ nghi, nói năng kiểu cách của triều đình, nên nhà vua phải dùng những toàn tiếng Việt trong giới bình dân để xưng hô với người. Tiên nương không úy kị nhà vua là một đấng chỉ tôn. Bà nắm lấy tay nhà vua, nói bằng giọng thực ôn nhu thân mật như mẹ với con:
– Chị về đây để vấn an Quốc-phụ, thăm em, mà cũng để cứu một số người sắp chết thảm.
Nghe Tiên-nương nói, các đại thần đều đưa mắt nhìn nhau. Họ tự hỏi, không biết những ai sắp chết, mà Tiên-nương phải về cứu?
Nhà vua lên ngai ngồi. Một người duy nhất được đeo Thượng-phương bảo kiếm đứng sau nhà vua là Lý Thường-Kiệt, vì ông là nghĩa tử của Hoàng-đế, có bổn phận bảo vệ nhà vua. Cạnh đó, hai công chúa đứng hầu.
Lễ quan hô:
– Bình thân.
Các quan đều về chỗ.
Nhà vua phán:
– Hôm nay trẫm thiết đại triều, lại có cả Quốc-phụ, sư phụ cùng chư vị hoàng thân, công chúa tham dự. Vậy chư khanh có điều gì cần bàn, thì đem trình ra, để trẫm được nghe lời dạy dỗ của các vị trưởng thượng.
Một đại thần bước ra tâu:
– Thần, Thái-tử thái-phó, Đồng-bình chương-sự, Lại-bộ thượng thư, Khu-mật-viên sứ, Văn-minh điện đại học sĩ, Bình-sơn hầu Bùi Hựu xin kính tâu; chương trình nghị sự hôm nay gồm có năm điều chính. Một là việc phong Thần-phi. Hai là một số văn võ quan ngoài các lộ, trấn bị sát hại. Ba là... Bây giờ xin nghị sự vấn đề thứ nhất. Vấn đề này thuộc bộ Lễ. Xin bộ Lễ tâu lên.
Lễ-bộ thượng thư Mai Cảnh-Tiên bước ra tâu:
– Muôn tâu bệ hạ, thần Thái-tử thiếu-phó, Lễ-bộ thượng thư, Khu-mật viện phó sứ, lĩnh Cần-chính điện thuyết thư, Thiên-trường hầu Mai Cảnh-Tiên, xin kính tâu: ba ngày trước thần nhận được chỉ dụ làm chiếu-chỉ phong cho mỹ nhân Lê Thị Yến-Loan làm Thần-phi. Thần đã làm xong, chuyển lên Tể-tướng. Nhưng Tể-tướng ban lệnh chờ đình thần nghị sự đã. Vậy hôm nay xin bệ hạ chuẩn cho đình nghị.
– Được. Xin mời chư khanh bình nghị việc này.
Tể-tướng Dương Đạo-Gia bước ra quỳ tâu:
– Thần, Dương Đạo-Gia, Kiểm-hiệu thái-phó, Long-thành tiết độ sứ, Đồng-bình chương sự, Khu-mật-viện sứ, lĩnh Chiêu-văn-quan đại học sĩ, Giám tu quốc-sử, Gia-viễn quốc-công khép nép kính tâu.
– Được, khanh bình thân.
– Từ đời đức Thái-tổ đã định rõ thể lệ tuyển cung tần mỹ nữ như sau: đầu tiên ban chỉ cho các lộ chọn lấy những thanh nữ dưới bẩy điều kiện. Một là phải xuất thân trong gia đình trung lương. Hai là phải ở tuổi từ mười ba, đến mười tám. Ba là phải có nhan sắc. Bốn là phải đó đức hạnh. Năm là phải tề gia nội trợ giỏi. Sáu là không bệnh tật. Bẩy là còn đồng trinh. Rồi lại phải qua ba lần tuyển chọn. Lần thứ nhất các lộ, các trấn sơ tuyển. Người nào trúng cách, thì cha mẹ được tặng vàng lụa, được ban cho bằng khen. Khi tới kinh, thì sẽ dự tuyển lần thứ nhì do Lễ-nghi học sĩ trong cung, Tổng-lĩnh thái giám chủ trì. Đến đây, người nào không trúng cách, thì được chia cho các thân vương, hoàng tử, để làm tỳ thiếp hoặc gả cho các võ tướng, văn quan chưa vợ. Những người trúng cách thì chính Hoàng-thượng với Hoàng-hậu sẽ tuyển một lần nữa, chọn lấy người tài sắc nhất sung vào hậu cung. Nhưng dù tài sắc đến đâu cũng chỉ được phong làm mỹ-nhân, tu dung, tu nghi, dung nghi v.v, rồi dần dần mới có thể phong làm các chức phi.
Ngừng một lát, lão nói:
– Đây mỹ-nhân Lê Thị Yến-Loan xuất thân trong một gia đình dân dã, lại thất học, mà bỗng nhiên được phong làm thần phi, thì thực là quá đáng. Vì vậy thần mới xin đình nghị.
Một đại thần khác bước ra tâu tiếp:
– Thần Dương Chí-Dung, Long-các điện đại học sĩ, lĩnh Ngự-sử đại phu, hàm Thái-tử thiếu phó, xin kính tâu. Từ xưa đến giờ nữ sắc thường làm hỏng đại sự. Từ đức Thái-tổ, Thái-tông, trong cung chưa từng có người con gái quê mùa nào được phong làm tới tu-dung, hay dung nghi. Thế mà nay, một cô gái thôn dã thất học, bệ hạ gặp giữa đường đem về, chỉ đáng cho làm cung nữ, không thể phong làm phi. Mong bệ hạ xét lại.
Nhà vua hỏi công chúa Thiên-Ninh:
– Ninh nhi! Khi từ khi Ỷ-Lan về cung đến giờ, con với Ỷ-Lan gần nhau như bóng với hình. Con thấy Ỷ-Lan thế nào? Ỷ-Lan có phải là người thất học không?
Nhà vua có ba công chúa. Lớn tuổi nhất là công chúa Thiên-Thành nhũ danh An-Dân do giai-phi Trần-thị sinh ra, đệ tử của cô ruột là vua bà Bình-Dương; được nhà vua gả cho thế-tử Thân-cảnh-Long. Công chúa nổi tiếng về kiếm thuật như tể tướng Phương-Dung, lại có tài dùng binh như công chúa Thánh-Thiên thời Lĩnh-Nam. Công chúa thứ nhì là Động-Thiên, nhũ danh An-Hải do tuyên phi Lý thị sinh ra, đệ tử của quốc-mẫu Trần-thanh-Mai, đã hạ giá với đô đốc thủy quân Hoàng-Kiện. Công chúa nổi danh về mưu trí và thủy chiến. Công chúa thứ ba là Thiên-Ninh nhũ danh An-Quốc, do qúi-phi Mai thị sinh ra, đệ tử của tiên-nương Bảo-Hòa, nên võ công rất cao thâm. Công chúa nổi danh về bút mặc văn chương, cử bút thành văn, bẩy bước thành thơ, lại có tài tổ chức về cai trị, lương thảo, canh nông; hiện toàn cõi Đại-Việt chỉ có vua bà Bình-Dương là hơn được mà thôi. Năm nay công chúa đã mười sáu tuổi. Nhà vua đôi lần định gả cho các danh sĩ, võ tướng trong triều. Nhưng công chúa nhờ tiên nương Bảo-Hòa khất đến sang năm.
Từ hôm Ỷ-Lan về Thăng-long, công chúa cùng nàng xướng, họa, ngâm vịnh, trao đổi sự hiểu biết về phương thức trị nước của người xưa. Cho hay cùng cái duyên bút mực, hai người ở hai vai khác nhau, mà thân với nhau ngay.
Nghe nhà vua hỏi, công chúa bước ra phủ phục:
– Tâu phụ hoàng, ngay ngày đầu nhập cung, thần nhi gặp Thần-phi lấy sách của Khương Thái-Công, Tôn Vũ, Ngô Khởi cùng sách của Gia-cát Vũ-hầu ở điện Kinh-Dương đem về đọc. Thế rồi thần nhi với Thần-phi trao đổi sự hiểu biết, nên trở thành bạn văn.
Quốc-phụ Khai-Quốc vương hỏi:
– Cái sở học của con so với Thần phi thế nào?
– Tâu Quốc-phụ, nói ra thực xấu hổ. Từ trước đến giờ thần nhi cứ nghĩ rằng ngoài cô mẫu Bình-Dương ra, trong giới nữ lưu Đại-Việt thì mình đứng đầu về văn chương, bút mặc. Nay gặp Thần-phi, thần nhi mới biết ngoài bầu trời này, có bầu trời khác. Hỡi ơi! Kiến thức của Thần phi thực bao la bát ngát. Nếu đem cái sở học của con so với Thần-phi thì chẳng khác gì đem đom đóm so với mặt trời, đem con se sẻ so với đại bàng, đem con dun so với con rồng.
Tể tướng Dương Đạo-Gia lắc đầu:
– Tâu bệ hạ, thần e công chúa thân với Lê mỹ nhân, rồi đề cao quá chăng?
Lễ-nghi học sĩ Ngô Cẩm-Thi đứng dậy cung tay:
– Thần Ngô Cẩm-Thi xin được tâu trình.
Nhà vua nghe Dương Đạo-Gia nói, long tâm muốn nổi lôi đình. Ngài cười thầm:
– Cái ông già này đã biết rõ Ỷ-Lan từ lâu, nhưng lão nào có ngờ đâu rằng ta biết rõ Ỷ-Lan còn hơn lão, lão định che mắt ta đây. Được, ta sẽ cho lão hối hận về việc này. Ta để Ngô sư thẩm nói đã.
Nhà vua hướng Ngô Cẩm-Thi:
– Ngay ngày đầu Yến-Loan về kinh, trẫm đã nhờ sư thẩm dạy Yến-Loan về lễ nghi. Xin sư thẩm cho triều đình biết rõ Yến-Loan là người như thế nào?
– Khi Lê thần-phi về kinh, thần được ủy thác dạy lễ nghi, nên đã tiếp xúc với phi. Thần xin tâu trình. Thứ nhất về nhân phẩm, quý phi thực là người sắc nước hương trời, nói năng từ tốn, ôn nhu văn nhã, trên đời thần chưa hề thấy qua. Về học thức, thì thần phi đã đọc thiên kinh vạn quyển, lầu thông kinh, sử, tử, tập, Bách-gia, Chư-tử, Cửu-lưu, Tam-giáo. Có lẽ trong nữ giới Đại-Việt chỉ vua bà Bình-Dương là hơn được. Đã thế, thần-phi lại học đến cùng kỳ cực về chủ đạo tộc Việt. Về võ công, thần-phi đã thắng Trung-nghĩa đại tướng quân Siêu-loại hầu. Vì vậy, thần chỉ giảng qua lễ nghi bản triều trong vòng một giờ, là thần-phi đã nhớ hết. Nhưng tiếc rằng...
Đến đó bà ngừng lại cho triều thần theo kịp rồi tiếp. Nhà vua hỏi:
– Chắc sư thẩm đã tìm ra những khiếm khuyết của thần phi chăng?
– Tâu bệ hạ không. Thần tiếc rằng bản triều không dùng nữ quan như thời Lĩnh-Nam, bằng không thì phải đặt quý phi vào chức Lễ-bộ thượng-thư hay ít ra cũng Lễ-bộ thị-lang.
Dương Đạo-Gia nhăn mặt:
– Phu nhân có quá sủng ái Lê mỹ-nhân mà khen tặng không?
Cẩm-Thi liếc đôi mắt sáng long lanh, sắc như dao cau nhìn Đạo-Gia. Nội công bà đã tiến tới chỗ cực cao thâm, nên tia hàn quang làm lão rùng mình. Bà cười:
– Ấy là tôi nói nhún đó. Nếu tôi là vua Trưng tôi sẽ đặt Thần-phi vào chức Tể-tướng mới xứng tài.
Cả triều đình đều bật lên tiếng ồ kinh ngạc.
Dương Đạo-Gia bực mình, hỏi:
– Thưa phu nhân, sở học của mỹ nhân thì như vậy, nhưng còn đức hạnh? Hữu học vô hạnh thì cũng vô ích. Tôi nghe đâu mỹ nhân có võ công cao, dường như là thứ võ công của dư đảng Hồng-thiết-giáo thì phải?
Ngô Cẩm-Thi lắc đầu:
– Về võ công của thần phi chính hay tà, điều này không khó. Ở đây có tiên-nương Bảo-Hòa, vua bà Bắc-biên đều là những đại tôn sư võ học hiện thời. Chỉ cần một trong hai vị phóng tầm mắt Quan-âm, Tiên-nương là biết Lê thần phi học võ với ai, chứ có gì khó đâu!
Mọi người đều hướng mắt nhìn tiên-nương Bảo-Hòa. Tiên nương cầm quạt phẩy một cái, mùi trầm hương bay khắp điện, khiến ai nấy đều cảm thấy như lạc vào cõi bồng lai. Tiên nương khoan thai nói:
– Này Gia-viễn quốc công. Quốc công hiện là quốc trượng, lại lĩnh chức vụ tể thần, thì phải giữ lòng trung, cầm chính đạo, chứ có đâu chỉ ngưu tác mã như vậy? () Quốc công biết rõ Thần-phi từ lâu, từ mấy năm rồi có phải không? Quốc công từng dùng quyền áp chế thần phi biết bao phen. Nay trắng đen đã rõ, mà quốc công lại còn muốn khi vua, khi triều thần không mắt chăng?
Ghi chú,
) Chỉ ngưu tác mã, điển lấy trong Sử-ký của Tư-mã-Thiên: Triệu-Cao, tể tướng đời Tần Nhị-Thế. Cao là gian thần, hiếp đáp vua. Y chỉ vào con trâu hỏi vua là con gì? Vua bảo đó là trâu. Y cãi rằng là ngựa. Nên sau này thành ngữ Chỉ ngưu tác mã tương đương với những câu: Ngậm máu phun người. Vừa đánh trống vừa ăn cướp. Vừa ăn cướp vừa la làng.
Dương Đạo-Gia là bác của Thượng-Dương hoàng hậu, nên y không coi nhà vua ra gì. Nhưng trên đời y, y chỉ sợ có bằng này người: Khai-Quốc vương, Ưng-sơn song hiệp, và công chúa Bảo-Hòa. Gần đây Khai-Quốc vương bỏ việc trần tục tu hành, Ưng-sơn song hiệp lại ở xa, nên y chỉ ớn tiên nương Bảo-Hòa mà thôi. Y biết rằng, hồi còn là quận chúa, mà tiên nương dám xử tử công chúa Hồng-Phúc, con gái của vua Thái-tông, mà không ai dám phê phán. Vì vậy, bất cứ lúc nào công chúa cũng có thể xử tử y với hoàng hậu. Nghe công chúa nói vậy, y cảm thấy việc của mình đã bại lộ khiến y rét run.
Vua bà Bình-Dương đứng đậy. Cả triều đình đều nhìn bà như nhìn Quan-thế-Âm. Bà khoan thai nói:
– Yến-Loan là đệ tử của tôi với phò mã.
Cả triều thần cùng bật lên những tiếng kinh ngạc.
Vua bà tiếp: Trong phái Mê-linh hiện có tám vị luyện thành nội công âm nhu. Nay thêm Yến-Loan nữa là chín. Yến-Loan là cao thủ đứng hàng thứ chín của bản phái. Nhưng về võ đạo thì e không thua tôi làm bao. Tại sao Dương tể tướng lại bảo rằng Thần-phi học võ với dư đảng Hồng-thiết giáo? Tôi với phò mã mà là dư đảng Hồng-thiết-giáo ư?
Cả triều thần cùng ngơ ngẩn nhìn nhau kinh ngạc, trong đó có cả nhà vua, cả Ngô-cẩm-Thi. Duy mình Thường-Kiệt thì đã biết từ trước nên ông thản nhiên.
Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn quần thần một lượt, rồi nói:
– Tại sao các vị lại cứ đem xuất thân dân dã của Thần-phi ra làm cái cớ mà bài bác phi? Ta hãy xét những người xuất thân từ bạch đinh rồi thành phò mã, thành quý phi trong lịch sử Đại-Việt ta. Phò-mã Chử Đồng-Tử chỉ là một bần dân nghèo khổ đến cái khố cũng không có mà làm rạng rỡ triều Hồng-bàng. Hoàng hậu của vua Đinh cũng chỉ là một cô gái quê mà thôi. Ngay mẫu hậu ta, cũng chỉ là một cô gái hái dâu nuôi tằm. Thế thì việc Thần-phi xuất thân con nhà dân dã không thể là cái cớ để bài bác phi được. Ta cho rằng Thần-phi xuất thân bần hàn, thì Thần-phi mới biết dân tình. Thần-phi bị đầy ải khổ sở thì đúng với câu ”Có tân khổ mới trải mùi trần thế”. Một người đọc thiên kinh vạn quyển, lại xuất thân phái Mê-linh, sống thời thơ ấu nghèo khổ, thì từ nay có thể cho ngồi ở toà Bình-chương được, chứ đừng nói làm thần-phi!
Thế là cuộc đình nghị về việc phong Ỷ-Lan làm thần-phi đã ngã ngũ. Đến đó Lễ-bộ thượng thư vội cung kính dâng tờ sắc chỉ phong cho Yến-Loan làm thần-phi lên cho nhà vua ký.
Nhà vua hỏi Lại-bộ thượng-thư Bùi Hựu:
– Việc Thần-phi xong. Bây giờ xin Văn-minh điện đại học sĩ cho đình nghị tới việc kế tiếp.
Bùi Hựu tâu:
– Tâu bệ hạ, vấn đề đình nghị thứ nhì là trong vòng một tháng qua có tất cả ba võ tướng thuộc vùng Kinh-Bắc, ba văn quan thuộc phủ thừa Thăng-long và Kinh-bắc bị giết cả nhà.
Nhà vua hỏi Hình-bộ thượng thư Nguyễn Quý-Thuyết:
– Vụ này ra sao. Khanh tường trình chi tiết cho triều đình biết.
– Tâu bệ hạ ba võ tướng đó là Lữ trưởng Đặng Vinh, lữ phó Lê Kim-Cương, Thiên tướng Phạm Trung. Ba văn quan là trưởng ty thương bạc Quách Đồng thuộc phủ Thăng-long; hình quan Vương Đình-Thụ, Tô Sơn-Lâm ở Kinh-Bắc. Thần đã cho điều tra, nhưng chưa tìm ra manh mối.
Công-chúa Kim-Thành hỏi:
– Xin đại-học sĩ cho biết, thủ phạm đã giết bao nhiêu người trong nhà sáu vị quan kia?
– Khải công-chúa thủ phạm thực tàn nhẫn. Toàn gia các vị ấy đều bị chặt đầu treo thành một xâu trước cổng chợ. Còn tôi tớ, lừa ngựa, trâu bò, chó mèo, gà vịt cũng bị giết sạch. Tại phạm trường hung thủ đều để lại một mũi tên. Trên mũi tên có khắc hình chim ưng bay qua núi.
Các quan bên võ ban đồng bật kêu lên:
– Ưng-sơn song hiệp!
– Riêng Quách Đồng thì miệng y bị nhét vào một cái chân chó luộc chín. Nhưng chỉ mình y bị giết, còn vợ con, gia thuộc, lục súc vô sự. Trên đầu Quách Đồng có cắm cái thẻ bài bằng đồng, trên thẻ bài khắc hình một hòa-thượng chống gậy, tay cầm đùi chó.
Các quan lại kêu lên:
– Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng.
Nhà vua hỏi vua Khai-Quốc vương:
– Quốc-phụ. Quốc-phụ đã kết huynh đệ với Kinh-Nam vương, lại gần vương lâu ngày. Xin Quốc-phụ ban cho lời vàng.
Khai-Quốc vương hỏi Nguyễn-quý-Thuyết:
– Quan Thượng-thư cho triều đình biết sơ lý lịch nạn nhân.
– Tâu Quốc-phụ, Đặng Vinh, Lê Kim-Cương, Phạm Trung đều là học trò trường Trung-nghĩa. Quách-Đồng làm thư lại hình ngục Kinh-Bắc, mấy năm trước được đổi về Thăng-long. Còn hình-quan Vương Đình-Thụ, Tô Sơn-Lâm đều thuộc Kinh-Bắc. Cả hai nổi tiếng thanh liêm, chính trực.
Khai-Quốc vương đưa mắt cho vua bà Bắc-Biên:
– Vụ này cháu biết hết rồi phải không?
– Tâu Quốc-phụ vâng.
Vua Bà đứng dây tâu: Ba võ quan quả do người của Ưng-sơn song hiệp ra tay. Còn ba quan văn, thì Quách Đồng là do Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa-thượng giết. Hai người kia là do người ta mạo danh Ưng-sơn mà thôi. Ưng-sơn Kinh-Nam vương Tự-Mai có tai mắt khắp nơi, mà người ta mạo danh vương thì vương biết ngay. Vương biết, ắt vương sẽ xử tử toàn gia những kẻ mạo danh, đến con chó, con mèo cũng không tha. Vụ án này con biết chi ly từ đầu đến cuối, cho nên con xin với tiên-nương Bảo-Hòa về cứu những người giả mạo Ưng-sơn, mà không kịp. Tâu Quốc-phụ, xin triều đình khẩn đem những kẻ có tội ra xử ngay, có như vậy, thì chỉ kẻ làm tội bị thụ lĩnh hình phạt mà thôi. Bằng triều đình chậm trễ thì Kinh-Nam vương sẽ xử theo luật Ưng-sơn, e cả nhà những kẻ phạm tội chết oan hết. Mà dù Kinh-Nam vương có bỏ qua, thì Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng cũng chẳng tha nào.
Nghe đến tên Kinh-Nam vương với Mộc-Tồn hòa thượng, khắp triều đình đình đều nhìn nhau với con mắt kinh hãi.
Khai-Quốc vương cau mày:
– Ai giết hai hình quan?
– Tâu Quốc-phụ.
Vua Bà tiếp: Người giết là một đại cao thủ, một đại ma đầu tên Đinh Hiền. Thời vua Thái-tông, Vũ Chương-Hào với Đinh Kiếm-Thương là gia sư dạy võ cho phủ đệ của Dương tể tướng. Chính thân phụ của Thiên-Cảm thái hậu là Dương Đức-Uy, anh của Thái-hậu là Dương Đức-Thao, và bản thân Thái-hậu đều là đệ tử của y. Đinh-Hiền là đệ tử của Đinh-kiếm-Thương. Y giết hai hình quan, vì họ không chịu xử vụ án chùa Từ-quang theo ý Dương tể tướng. Nguyên sau khi Dương tể tướng cố ý làm hại chư tăng chùa Từ-quang, hai hình quan dâng biểu mật tấu về triều hạch tội Dương tể-tướng. Biểu này Dương tể-tướng ém đi, rồi sai Đinh Hiền giết hai hình quan hầu bịt miệng, sau đó để lại mũi tên vu cho Ưng-sơn song hiệp.
Dương Đạo-Gia nghe vua Bà nói, y rùng mình, định bước ra chối tội. Nhưng nhà vua đã vẫy tay cho y đứng yên tại chỗ. Nhà vua hỏi công chúa Bảo-Hòa:
– Kính chị, ban nãy chị dạy rằng chị về để cứu một số người sắp chết. Thưa chị, có phải những người mà chị muốn cứu có liên quan đến vụ này không?
Công chúa đưa mắt nhìn quần thần một lượt rồi nói:
– Đúng đó. Để chị nói cho em nghe. Mười hôm trước, Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai và công chúa Huệ-Nhu có lên Tản-lĩnh viếng thăm chị. Sau khi trà nước, chị thắc mắc rằng vương sang Đại-Việt sao không báo cho vua bà Bắc-biên biết, như vậy e bọn mặt dơi tai chuột sẽ kiếm chuyện. Vương nói rằng, vương về Đại-Việt với tính cách Ưng-sơn song hiệp, chứ không phải với tư cách Kinh-Nam vương. Vương về để xử tử vài ba nghìn gian tặc làm tế tác cho Tống, mà bọn gian tặc đó hiện ăn cơm, mặc áo của triều Lý.
Nghe công chúa nói, bách quan đều rùng mình, đưa mắt nhìn nhau. Công chúa tiếp:
– Vương đưa danh sách chín người cùng gia nhân bị xử cho chị coi. Chị đếm lại tổng cộng tám nghìn bẩy trăm hai mươi ba người, năm trăm bẩy mươi mốt con ngựa. Còn trâu bò, gà vịt, chó mèo kể không hết. Chị hỏi rằng chúng phạm tội gì. Vương đã điều tra kỹ chưa? Thì vương đáp rằng Ưng-sơn đã giết hàng vạn gian thần, tặc tử Tống-Việt, cùng bọn đầu trộm đuôi cướp, có bao giờ giết oan ai đâu?
Nhà vua liếc nhìn tể tướng Dương Đạo-Gia, rồi hỏi:
– Xin chị cho biết bọn gian thần đó là ai?
– Kinh-Nam vương cho biết rằng bọn này tội cao như núi. Không những vương biết, mà U-bon vương Lê Văn cũng biết, vua bà Bình-Dương, phò mã Thân Thiệu-Thái cũng biết; công chúa Thiên-Thành với phò mã Thân Cảnh-Long cũng biết. Tất cả tang vật, chứng cớ, U-bon vương giữ cả.
Công chúa chỉ công chúa Thiên-Thành ra lệnh:
– Con hãy đem hết sự việc bọn gian thần tâu lên cho phụ hoàng cùng triều thần rõ.
Công chúa Thiên-Thành bước ra phủ phục trước Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế, rồi nàng thuật tỷ mỉ mọi chi tiết vụ Dương Đạo-Gia cấu kết với Tần-vương Triệu Thự, rồi bầy ra vụ án chùa Từ-quang thế nào, nhất nhất không bỏ sót chi tiết.
Tể-tướng Dương Đạo-Gia run run bước ra quỳ gối, lột mũ rập đầu tâu:
– Muôn tâu bệ hạ, chắc chắn Kinh-Nam vương định về giết cả nhà thần chỉ vì thần trung thành với bệ hạ. Gần đây thần khám phá ra vụ chư tăng chùa Từ-quang đã tiếp xúc với vương, nhận vàng bạc của vương để mua chuộc võ lâm, đợi khi vương đem quân sang, sẽ nổi dậy làm nội ứng. Vương còn âm thầm khuyến dụ, mua chuộc nhiều người theo vương. Tất cả những việc làm của vương, thần đều biết hết, và phá kế hoạch gian hiểm này. Cho nên vương định giết cả nhà thần để báo thù. Nếu thần bị vương giết chết, thì cái chết đó do lòng trung với bệ hạ mà ra. Mong bệ hạ cứu thần.
Y nhìn vua Bà, rồi tiếp:
– Về Đinh Kiếm-Thương quả có thời y làm gia sư trong phủ của phụ thân thần. Nhưng từ sau vụ án Bắc-ngạn, y trốn biệt. Nay y ra tay giết hai hình quan thì chắc là nguyên do khác, chứ không phải thần sai y. Biết đâu y chẳng là chân tay của Trần Tự-An?
Công chúa Bảo-Hòa phóng đôi mắt nhìn Đạo-Gia, rồi cười nhạt:
– Này Dương tể tướng. Cô về đây với mục đích để cứu toàn gia Tể-tướng, mà Tể-tướng còn hoa ngôn xảo ngữ ư? Nếu vậy cô để cho Kinh-Nam vương xử Tể-tướng. Ở đây có Quốc-phụ, có Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, có vua bà Bình-Dương, có phò mã Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm, có U-bon vương đều là bạn kết nghĩa với Vương. Tất cả đều tề tựu, hầu bàn kế can vương cứu Tể-tướng. Thế mà Tể-tướng lại còn vừa đánh trống vừa ăn cướp, thì thôi, chúng ta để mặc cho Tể-tướng chết. Cô không nói với Tể-tướng nữa.
Công chúa nói với nhà vua:
– Tiền nguyên, hậu quả của vụ án này em đã biết rồi phải không? Em sợ thế lực của Tể-tướng lớn qúa, không thể xuống tay ngay có phải không? Được, em cứ khoan thai, chần chờ, như vậy Ưng-sơn không ra tay thì Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng ra tay còn khiếp đảm hơn nữa.
Công chúa vận nội lực nói lớn:
– Xin mời U-bon vương cùng công chúa Xiêm-quốc xuất hiện cho.
Hai bóng người từ trên nóc điện nhảy xuống. Đỗ Oanh kinh hãi nghĩ thầm:
– Xung quanh điện mình bố trí đến mấy trăm thị vệ, đến con kiến muốn ra vào điện cũng còn khó, mà sao ông bà này tới bao giờ mà thị vệ không biết. Lạ thực!
U-bon vương cùng công chúa Nong-Nụt hành lễ với nhà vua. Nhà vua vội đứng lên đáp lễ rồi đích thân kéo ghế mời Vương với Công-chúa ngồi.